Đất Nghệ

Hát reo - làn điệu dân ca của riêng một làng

 Hát reo, hay còn gọi là hát củi cỏ, một thể dân ca do phường củi cỏ ở làng Nho Lâm sáng tạo ra là một thể dân ca độc đáo chỉ riêng có ở làng này đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. 

Phường củi cỏ ở làng Nho Lâm

Làng Nho Lâm trước năm 1945 thuộc tổng Cao Xá, ở phía Nam phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nay chia thành 3 xã: Diễn Thọ, Diễn Lộc và Diễn Phú (huyện Diễn Châu). Làng giáp giới với huyện Nghi Lộc và lấy ngàn Đại Vạc làm ranh giới.

 Ngàn Đại Vạc chạy qua huyện Anh Sơn, Đô Lương, Yên Thành, Nghi Lộc, Diễn Châu và xuống Cửa Hiền (giáp giới giữa Diễn Châu và Nghi Lộc). Ngàn Đại Vạc chạy qua làng Nho Lâm giáp giới với các làng của huyện Nghi Lộc, có những đỉnh núi sau đây: Núi Thần Vũ, núi Tiền Quân, núi Lưỡi Cày, núi Tất Sơn, núi Đá Con, núi Nằm Ngang v.v… Và các khe lớn: khe Cáy, khe Chanh, khe Bò, khe Da, khe Khánh v.v… Ngoài ra còn có các ngọn đồi núi rải rác khác nằm trên phần đất của làng Nho Lâm như: rú Chạch, rú Mác, rú Kìm, rú Ong, rú Lá, rú Nhà Bà, rú Mụa, rú Ta, rú Thần, rú Bạc…

Điều kiện tự nhiên, cụ thể là ngàn Đại Vạc đã góp phần tạo ra cho làng Nho Lâm hai nghề truyền thống có lịch sử hàng trăm năm. Đó là nghề củi cỏ và nghề đúc - rèn sắt.

Bài này chỉ nói riêng về nghề củi cỏ. Nghề củi cỏ đã tạo nên một tổ chức có tính chất nghề nghiệp gọi là phường củi cỏ. Và phường củi cỏ đã tạo nên một làn điệu dân ca có tên là hát reo.

Phường củi cỏ còn có tên là phường hát reo, là một tổ chức có tính chất nghề nghiệp, tự nguyện. Nó không bị ràng buộc về kinh tế, điều kiện, thể lệ khắt khe. Chủ yếu là để tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong khi hái củi và bứt cỏ trong ngàn Đại Vạc. Phường củi cỏ không đóng góp tiền của để tổ chức kinh doanh, buôn bán như các phường hội khác.

Làng Nho Lâm có 23 khoán giáp. Trong đó, nội lũy có 11 khoán. Ngoại lũy có 12 giáp. Phường củi cỏ chỉ có ở 11 khoán nội lũy.

Có thể hình dung sinh hoạt của phường củi cỏ như sau: sáng mai, khi gà vừa gáy mỏ, những người trong phường củi cỏ thức dậy sớm, nấu cơm ăn. Khi nghe tiếng tù và inh ỏi khắp xóm làng, họ ra các ngã ba đường tập trung, với đầy đủ các dụng cụ hái củi, bứt cỏ như dao rựa, liềm hái, đòn xóc, cơm bị v.v… Khi phường bạn đã đông đủ, họ cất bước vào truông (tức ngàn Đại Vạc), cách làng khoảng 7 - 8 cây số rồi lên các ngọn núi để chặt củi và bứt cỏ. Họ phải trèo qua đỉnh cao của núi, sang sườn phía sau mới có củi khô và cỏ tươi để hái. Khoảng 10 giờ, gánh củi cỏ đã hái đủ, họ đem lên động núi để bó xóc rồi ăn cơm trưa. Khoảng hơn 13 giờ, họ bắt đầu cùng nhau xuống núi. Đoạn đường từ ngàn Đại Vạc về làng Nho Lâm, với gánh củi trên vai nặng khoảng 35 cân, chạy khoảng gần chục cây số là công việc nặng nhọc, không phải ai cũng làm được, và không phải ở địa phương nào cũng có.

Để động viên nhau trong lao động cực nhọc, phường củi cỏ đã sáng tạo ra một điệu hát dân gian, được đặt tên là Hát Củi Cỏ, hay còn gọi là hát Reo.

Tại sao lại gọi là hát reo? Là vì, sau khi bài hát dài khoảng 2 - 3 chục câu kết thúc, thì đoàn người củi cỏ reo hò ầm ĩ, cùng với tiếng tù và cất lên inh ỏi làm cho cả một đoạn đường làng và cánh đồng náo động hẳn lên.

1. Sơ lược về một số nét riêng biệt của hát reo ở làng Nho Lâm

1.1. Nói hát reo là của riêng một làng, thực ra cũng chưa đúng. Vì hát reo chỉ có ở 11 khoán của làng Nho Lâm. Còn 13 giáp (tương đương với khoán) thì không có hát reo. Như vậy là, hơn nửa làng (xã) Nho Lâm không có hát reo.

Vì sao vậy? Vì 12 giáp của làng không có phường củi cỏ. Lại nữa, 11 khoán nội lũy, không phải khoán nào cũng có phường củi cỏ. Mà cả 11 khoán chỉ có khoảng 4 - 5 phường thôi. Như vậy, số lượng người biết hát reo thành thạo so với dân số làng không phải là quá lớn. Vì chỉ có những người thuộc phường củi cỏ mới thạo hát reo. Số người không ở phường củi cỏ biết hát reo không đáng kể.

1.2. Nguồn bài của hát reo từ đâu mà có?

Thứ nhất là do những người đi củi cỏ tự đặt ra để hát. Thứ hai là nhờ những tay “bẻ chuyện” đặt bài cho, như các ông Lý Tình, Hiệu Thiệu, Truyện Đăng, Liêm Phác, Hoe Quyên… Thứ ba là vay mượn các bài vè giặm, hát phường vải, hát đò đưa thuộc các thể loại dân ca khác và ở các địa phương khác.

1.3. Nội dung của các bài hát reo đề cập đến mọi mặt hoạt động vật chất và tinh thần trong cuộc sống của phường hát reo, của nhân dân địa phương và của tất cả mọi người. Về hoạt động hái củi, bứt cỏ. Về công việc cày cấy làm ăn. Về lò hông, lò rèn. Về tình cảm nam nữ. Về cuộc sống vợ chồng. Về người tốt việc tốt. Về việc phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội v.v…

Hỡi phường củi lá xôn xao

Đi ra rồi vui vẻ dạ mừng sao hỡi mừng

                               (Bài Theo phường)

Hỡi người bứt củi Dọc Dài

Gió đông đông liễu gió đoài liễu đông

                               (Bài Đông đào tây liễu)

Bây giờ đã đến nửa đêm

Ta xin các tướng chớ phiền công lao

Bát cơm đĩa muối phong dầu

Quân binh dóng dã nào đâu mủng tràng

Dép quai ngang dui ba khâu sắt

Lệnh thầy truyền kim nhật chẳng sai

                               (Bài Vè đi quánh)

Khi tê ăn mô ở mô

Ở dừ rèn thổi với nhau giữa này

Cũng nhờ ơn các thợ

Có đông thì nhớ

Đừng quy cảu mà rù

Dù rèn thổi với nhau

Cho vui cười mát mẻ

                               (Bài vè Lò rèn Đông Hội)

Nhà có con không nghĩ

Coi của trọng hơn người

Của làm ra mấy mươi

Con người khôn khó kiếm

Dòn như em khó kiếm

Không bùa linh thuốc niệm

Em say đắm cho cam

Không tiền vác bạc bồ chi mà em tham

Đâm đầu vô chịu vậy

Cúi đầu vào chịu vậy

                                                        (Bài Hát ra)

Rất tiếc là do khuôn khổ của bài báo, chúng tôi không thể trích dẫn và cũng không bình luận được nhiều về những bài hát reo. Sau đây, chúng tôi sẽ nói về mấy đặc điểm chính của hát reo.

2. Mấy đặc điểm chính của hát reo

2.1. Hát reo là hát trong khi lao động, chứ không phải hát trong khi ngồi nghỉ. Người hát trong khi gánh củi cỏ đang đè nặng trên vai, chạy trên đường làng trở về nhà, một đoàn khoảng vài ba chục người. Một số ngành nghề khác cũng hát trong khi đang làm việc như hát phường vải, hát bện võng, hát đan lưới, hát trang hội v.v… Nhưng đó là những hình thức lao động nhẹ nhàng. Còn hát reo, thực sự là một hình thức lao động cực nhọc, thậm chí vô cùng cực nhọc. Gánh củi nặng ba bốn mươi cân, chạy hàng chục cây số trên đường sá gập ghềnh, phải đâu là câu chuyện dễ dàng, thoải mái, ai cũng làm được. May thay, người Nho Lâm ngày xưa to cao, khỏe mạnh. Họ dễ dàng vượt qua được những thử thách trong lao động. Vả chăng, họ chỉ hát mỗi người một câu, hát xong rồi được nghỉ, để chờ sau hàng chục câu nữa mới được hát tiếp.

2.2. Hát reo vừa là hát đơn ca, vừa là hát tập thể. Đơn ca vì mỗi người hát một câu, dành riêng cho mỗi người một khoảng không gian và thời gian nhất định, không ai trùng lặp ai, không ai giống ai. Tập thể là vì một đoàn người, mấy chục người hát chung một bài, và nhiều bài, hết bài này đến bài khác. Hình thức hát như thế này biểu hiện tính chất cộng đồng rất cao. Trong hoàn cảnh đó, tính cách và bản sắc cá nhân cũng như tính cách và bản sắc tập thể có điều kiện thể hiện.

Thử hỏi, trong các loại hình dân ca, có loại  hình nào giống như hát reo chăng? Vì hình thức hát như trên, cho nên những người trong phường củi cỏ phải thuộc rất nhiều bài hát reo, nếu không nói là phải thuộc hết tất cả. Bởi vì không thuộc thì không tham gia hát reo được. Có rất nhiều người ngồi đọc bài hát reo suốt buổi, thậm chí suốt cả ngày mà không hết bài đã thuộc, như ông Vận ở khoán Tây Viên, bà Hội ở khoán Sơn Đầu, bà Hùng ở khoán Nhân Mỹ, bà Kế Tải và bà Hoét Ngạc ở khoán Phương Đình v.v…

Không chỉ những người tham gia phường củi cỏ mới thuộc bài hát reo mà rất nhiều người ngoài phường củi cỏ cũng thuộc, chứng tỏ tính phổ cập của hát reo trong nhân dân địa phương rất cao.

2.3. Nhạc cụ của hát reo đơn giản. Chỉ là những chiếc tù và bằng sừng trâu do chính những người của phường củi cỏ tạo nên. Khi câu cuối cùng của bài hát reo kết thúc thì tiếng reo hò của đoàn người củi cỏ nổi lên, hòa điệu cùng tiếng tù và rúc lên inh ỏi, báo hiệu cho mọi người.

Hiện tượng reo hò của phường hát reo cũng giống như hiện tượng hò hét của lò hông (tức lò đúc sắt) khi hòn chai ra lò và khi các tay thợ lò ra sức đập luyện hòn sắt. Ông thợ cả hét lên một tiếng thật to, cầm mấu sắt khều hòn chai trong lò ra cho thợ bạn đập. Thợ bạn thì ra sức, ông thợ cả thì hò hét, thúc dục. Phải chăng giữa hai nghề trong một làng (nghề củi cỏ và nghề đúc sắt) có sự giao lưu về sinh hoạt và văn hóa? Hiện tượng này cũng giống như phường săn ngày xưa. Khi phát hiện mấy mục tiêu, ông trưởng phường hét lên một tiếng thật to. Cả đoàn người đi săn rượt đuổi con thú. Và khi con thú đã bị hạ gục, thì tiếng reo hò nổi lên.

3. Cần khẩn cấp bảo tồn, phục dựng hát reo

Bây giờ ngồi nghe một người hát bài hát reo, tính chất đã khác xưa. Bởi vì hát reo không hát một mình, không có gánh củi trên vai và không chạy trên đường làng. Nhiều ông bà trước đây tham gia phường củi cỏ nói rằng, ngồi một mình và hát một mình, không thể nào hát nổi, không thể nào hát đúng và không có hứng thú. Do đó họ chỉ ngồi đọc cho chúng tôi nghe bằng một giọng ê a không giống làn điệu nào cả!

Ngày nay, ngay cả những cụ già 70 - 80 trong làng, khi chúng tôi hỏi về hát reo thì có đến 90% là không biết. Đến cái tên hát reo, bây giờ họ cũng mới được nghe. Vì khi làn điệu hát reo đang còn tồn tại trên các con đường làng, trong các ngõ ngách của thôn xóm, thì họ đang còn nhỏ hoặc họ chưa ra đời, nên họ không biết gì hoặc không còn nhớ gì nữa.                   

Các thế hệ con cháu sau này của làng Nho Lâm cũ, lớn lên trên quê hương của làn điệu hát reo, chắc cũng sẽ không biết gì về hát reo, nếu như không được phục dựng và bảo tồn. Nhưng chuyện bảo tồn và phục dựng không phải là chuyện dễ dàng, một vài người có thể làm được.               

Những người trước đây có tham gia hát reo và những người hiểu biết kỹ lưỡng về hát reo bây giờ chỉ còn lại vài ba người đã ở độ tuổi gần đất xa trời. Rồi sẽ có một ngày, trên quê hương của phường củi cỏ, người ta không biết hát reo là gì. Ngày ấy đã rất gần, nếu như không có sự quan tâm của các cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm.

Mặt khác, việc phục dựng và bảo tồn hát reo không phải là chuyện của một nhóm người, mà là chuyện của nhiều tổ chức, của nhiều cơ quan, của nhiều nhà nghiên cứu, của nhiều người có chức quyền.            

Việc đã gấp gáp rồi! Tiếng còi SOS đã thổi!


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443100

Hôm nay

2296

Hôm qua

2318

Tuần này

2913

Tháng này

218274

Tháng qua

112676

Tất cả

114443100