Cuộc sống quanh ta

Thương tiếc anh Vũ Ngọc Khánh

Sáng nay, tôi liên tục nhận được điện thoại của bạn bè từ Hà Nội, Vinh, Hà Tĩnh, báo tin anh Vũ Ngọc Khánh vừa mất. Giọng nói của ai cũng ngậm ngùi, xúc động...Riêng anh Chương Thâu còn nhắc đến tuổi già của mình, làm cho tôi thêm mủi lòng.

“ Bạn cũ thưa dần theo mùa lá rụng…” Tôi bỗng nhớ lại câu thơ làm bảy năm trước khi đang nằm ở bệnh viện mắt, được tin một bạn gái đồng hương qua đời… Từ đó đến nay, tôi luôn phải nhớ lại câu thơ ấy. Lần lượt, những chiếc lá bạn bè cứ rơi dần, ngày càng nhiều… Nay lại thêm Vũ Ngọc Khánh!

Những kỷ niệm tưởng đã quên đi, bỗng tái hiện, ùa về. Anh Khánh và tôi, chẳng những đồng quận Xứ Nghệ, mà còn đồng canh, tuổi Bính Dần, lại như các cụ xưa nói, là đồng cán, cùng làm cái nghề cầm bút. Nhưng tôi gặp anh hơi muộn. Khi anh học ở “Thuận An”, Vinh thì tôi ở ” Saint Joseph Nghĩa Yên”. Anh dạy học ở Hà Tĩnh, tôi ra Thanh, rồi ra Việt Bắc. Và khi tôi về Hà Tĩnh, Nghệ Tĩnh, anh đã ra Thanh, ra Hà Nội.

Buổi đầu, tôi chỉ nghe nhiều người khen” Thầy Khánh dạy văn rất hay”; sau đó, tôi mới được đọc anh, rồi trao đổi thư từ, sách vở, gặp nhau trong những cuộc họp của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, các cuộc hội thảo khoa học về văn hóa, lịch sử.

Tôi thực sự được làm việc trực tiếp với anh khi anh Nguyễn Đổng Chi cùng các anh biên soạn cuốn” Địa chí Văn hóa dân gian Nghệ - Tĩnh”, vào thập niên 80. Lúc đó , anh Trần Hữu Thung và tôi được Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh mời và ủy thác làm việc với nhóm biên soạn. Lại khi các anh Võ Hồng Huy, Chương Thâu và tôi làm cuốn “Địa chí huyện Can Lộc”, cuối thập niên 90, anh Khánh cũng góp phần không nhỏ với chúng tôi.

Tôi đọc anh khá nhiều. Ngoài những sách anh gửi tặng, tôi còn tìm mua cho được nhiều cuốn khác. Cuốn” Cửa riêng không khép” đã giúp tôi hiểu anh hơn. Tôi thật sự trân trọng sức viết của anh, nhất là phục sự nhạy bén nắm bắt vấn đề, và tài tổng hợp nhanh.Mừng anh lên lão 80, tôi gửi ra câu đối:

“ Đời chảy như sông, qua một khúc rồi năm bảy khúc” – “ Sách chồng ngang tuổi, đã tám mươi, ắt chín, mười mươi”. Rất tiếc là lời chúc của tôi không mấy hiệu quả.

Kỷ niệm cuối cùng giữa Vũ Ngọc Khánh- Võ Hồng Huy, Thái Kim Đỉnh là việc “ Ba ông lão Hà Tĩnh” cùng làm cuốn “ Tiếng Kiều đồng vọng đất non Hồng” ( 2010), theo gợi ý và vận động của Khánh. Tôi thật sự biết ơn anh, vì nếu không có công trình này thì bản Truyện Kiều” Tân thanh quảng tập” tôi phiên âm từ 30 năm trước, sẽ khó được in ra.

Những anh em quê Nghệ( và Tĩnh), từ Thanh Minh, Nguyễn Đổng Chi, rồi Trần Hữu Thung,Võ Hồng Huy,Thái Kim Đỉnh và cả Ninh Viết Giao, quê Thanh- mỗi người làm việc, tùy theo hiểu biết và điều kiện của mình, cao thấp khác nhau. Nhưng có một điểm chung là niềm khát khao, sự say mê tìm hiểu Vùng đất Xứ Nghệ, Con người Xứ Nghệ. Trên đường “đi tìm Đất Nghệ- Người Nghệ” ( Nghệ Tĩnh) chúng tôi luôn luôn và mãi mãi là tri âm, tri kỷ.

Trần Hữu Thung, Thái Kim Đỉnh cho rằng cái nổi trội nhất của Đất Nghệ là ngọn gió Nam Lào- Nam Cào, của Người Nghệ là cái cực đoan, kể cả mặt hay, mặt dở.. Còn Vũ Ngọc Khánh đưa ra công thức” 3 trong 1”: Người Nghệ= 1 anh khố chạc + 1 anh nhà nho + 1 anh cách mạng – cọng hay hòa?

Chưa thể nói điều gì về những cảm nhận trên, vì phải có ý kiến nhiều người, trước hết là của các bậc thầy, bậc đàn anh..

Bây giờ thì Vũ Ngọc Khánh đã đi xa…xa mãi. Suy tư và công việc của anh còn dang dở.. để lại cho bạn bè sự tiếc thương khó nói hết lời..

Cũng lạ, khi còn trên đời, thì bạn bè gặp gỡ, xa cách cũng là chuyện bình thường, không gây cho mình một xáo trộn gì. Thế mà khi một người ra đi mãi mãi, dù người đó là thân thiết ít hay nhiều, cũng làm cho ta cảm thấy mất mát. Bởi từ đây đời mình có thêm một khoảng trống vĩnh cửu. Thương tiếc bạn, chính là thương tiếc mình.. Phải không anh Khánh?

Hà Tĩnh, đêm 27-6-2012

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570120

Hôm nay

2156

Hôm qua

2367

Tuần này

22503

Tháng này

228644

Tháng qua

129483

Tất cả

114570120