...
BÀ con làng xóm có đặt một bài vè ca ngợi Trạng Giật. Bài này không phải do một người đặt, mà do nhiều người đặt, mỗi ngày nối dài thêm một ít:
...
BÀ con làng xóm có đặt một bài vè ca ngợi Trạng Giật. Bài này không phải do một người đặt, mà do nhiều người đặt, mỗi ngày nối dài thêm một ít:
Sướng nhất Trạng Giật làng ta
Ngủ no rồi dậy chạy ra dô hò.
Ai lo thì cứ lo
Ai khóc thì cứ khóc
Trạng cứ ngồi vắt óc
Nhe hàm răng Trạng cười
Trạng nỏ (chẳng) cần nhiều xôi
Trạng không cần nhiều thịt
Cầm điếu cày Trạng rít
Nhả khói bay mù trời
Trạng kể chuyện cười
Trạng hò kéo gỗ
Mụ góa chồng mặt đỏ
Ông góa vợ dựng cu
Kể cả thầy tu
Cũng lúc la lúc lắc
Thầy Lý đi nhúc nhắc
Cũng dựng cả ba chân
Cụ Bá gầy nổi gân
Cột buồm dựng đứng…
Đúng như trong bài vè đã nói, Trạng Giật có hai cái tài: tài nói chuyện trạng và tài đặt câu hò kéo gỗ. Trong tất cả các “ông trạng” ở Hậu Luật, Trạng Giật đặt nhiều câu hò kéo gỗ nhất và nhiều nhất câu gây cười. Trong quá trình sưu tầm, tôi thấy có hiện tượng thế này: tất cả những câu hò của người khác, nhân dân cũng gán là câu của Trạng Giật. Trong khi kéo gỗ, Trạng Giật tự sáng tác câu hò, và lấy cả câu của người khác trong làng, cả các câu ở làng khác mà Trạng Giật nghe được nhớ được. Âu đó cũng là hiện tượng chung của văn học dân gian và văn học không chép thành văn bản được phổ biến rộng rãi.
Trước đây, Diễn Châu có hai cái bến tập kết lâm sản từ đại ngàn về: bến Cầu Đao ở hạ lưu sông Bùng, bến Kiềng ở kênh Sắt (kênh nhà Lê). Sông Bùng là huyết mạch giao thông quan trọng. Dòng sông luôn luôn sôi động câu hò câu hát và những chuyến hàng từ trên xuống từ dưới lên với nhiều phương tiện vận tải: thuyền buồm, đò dọc chèo tay, bè lớn, bè nhỏ…
Từ thượng nguồn xuôi xuống, lâm sản tập kết rải rác ở các bến dọc bờ sông, nhưng nhiều nhất, tấp nập nhất là ở bến Cầu Đao và bến Kiềng. Tại hai bến này, luôn luôn đầy ắp đủ các thứ lâm sản như củ nâu, củi, chè xanh… Chỉ ở hai bến lớn này mới có bè gỗ, bè nứa, bè luồng mà các bến nhỏ không có (cũng như trâu bò chỉ bán ở Chợ Si, không bán ở các chợ khác).
Làng Hậu Luật mỗi lần làm nhà cũng chỉ mua gỗ ở hai bến này:
Xuống Cầu Đao mua gỗ
Xuống bến Kiềng mua gỗ
(Vè Hậu Luật)
Từ Cầu Đao kéo cây gỗ về làng phải đi vòng vèo dài chừng năm cây số và thời gian phải hết cả buổi thậm chí cả ngày. Từ Bến Kiềng kéo cây gỗ về làng phải đi quanh co chừng mười cây số và thời gian phải hết cả ngày thậm chí cả ngày cả đêm.
Mỗi lần kéo gỗ vui như ngày hội. Gia đình nào cần mua gỗ làm nhà ở phải thuê nhân công. Làng cần làm những công trình công cộng thì tất cả tráng đinh đều tham gia.
Trước ngày hội kéo gỗ, ông đầu nậu phân công mọi người chuẩn bị chu đáo dụng cụ: đòn lăn (hay còn gọi là con lăn, dây kéo, thừng buộc con xỏ, trống, chiêng… Đòn lăn dùng để lót dưới cây gỗ lúc kéo gỗ qua nơi đất khô cứng, thường là những thanh gỗ chắc và tròn. Dây kéo làm bằng những cây tre đực bánh tẻ. Thừng buộc con xỏ được bện to và rất bền.
Khởi đầu ngày hội kéo gỗ từ gà gáy canh ba hoặc canh bốn. Ông đầu nậu dóng ba hồi mõ ở đình làng, mọi người rậm rịch dậy, ăn uống xong tập trung tại đình. Trên đường đến bến gỗ, vang lên tiếng trống tiếng chiêng tiếng hò hát. Vui như ngày hội đi hái củi hái cỏ ở đại ngàn.
Vui nhất là khi kéo gỗ từ bến về làng. Mỗi cây gỗ có bốn dây kéo, mỗi dây chừng vài chục người. Trên mỗi cây gỗ, có một người mang trống một người mang chiêng. Tiếng hò hát tiếng chiêng trống vang dậy từ cánh đồng này qua cánh đồng khác. Trẻ chăn trâu, bà con làm ruộng cũng kéo nhau đến xem. Gỗ kéo đến đâu là người bâu kín đến đó. Trâu bò cũng nghếch sừng tham dự cuộc vui.
Đầu làng, giữa cánh đồng trũng, có một cồn đất rộng chừng năm sào được đắp lên từ mấy thế hệ trước. Gỗ từ bến kéo về được tập kết ở đây, rồi thuê thợ cưa chuyên nghiệp từ Nghi Lộc ra cưa. Do đó, cồn này được gọi là “Cồn Cưa”. Vô hình trung Cồn Cưa cũng trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa của dân làng.
Các ông thợ cưa rất khỏe, đánh trần trùng trục, kéo cưa suốt ngày này qua ngày khác. Vừa kéo cưa vừa hò hát. Bà con làm ruộng lúc nắng nôi lên nghỉ ở Cồn Cưa, trò chuyện tếu táo với thợ. Có khoai cùng ăn, có cà cùng ăn, có nước chè xanh cùng uống. Vừa ăn vừa kể chuyện trạng. Trẻ em chăn trâu thì hát đồng dao:
Thợ cưa ăn dưa nứt bụng
Ba hồi súng bắn
Nứt bụng thợ cưa
(Đồng dao Hậu Luật)
Từ lâu rồi, người ta truyền tụng một chuyện ma. Ông thợ cưa bị cảm nắng nhập tâm, không may bị qua đời. Bà con dân làng tổ chức chôn cất chu đáo. Từ đó ở Cồn Cưa đêm nào cũng vang lên tiếng hò: Thợ cưa ăn dưa nứt bụng/Khoai thì ăn một thúng/Cà thì ăn một nong/Nước thì uống một bụng/Kềnh bụng kềnh hông/ Cò cưa bừa xẻ… Cứ nhớ ngày ông mất, nhiều gia đình ra Cồn Cưa cúng ông bằng khoai, cà, nước chè xanh. Hồn thiêng người thợ đã giữ gìn gỗ. Gỗ cây không bị đánh cắp đã đành. Gỗ xẻ rồi cũng được giữ gìn nguyên vẹn. Người ta tôn ông là “thần giữ gỗ”.
Cồn Cưa là địa điểm yên nghỉ cuối cùng của cây gỗ sau một chặng hành trình dài và vất vả. Cho nên, khi gỗ sắp về, dân làng ra đón ở Cồn Cưa rất đông. Nơi đây trở thành một địa điểm sinh hoạt văn hóa tự nhiên rất náo nức.
Tôi còn nhớ năm Giáp Thân (1944), làng Hậu Luật làm đại bái nhà thờ đại tôn (cũng là đình thờ Thành Hoàng). Suốt mấy ngày, ngày nào cũng kéo gỗ. Ngày nào cũng vui như mở hội. Cồn Cưa đông chật người. Cụ già, trẻ em… Ông lý, ông bang, cụ hàn, ông cửu, kẻ cùng đinh… chen chúc nhau. Hồ hởi đón gỗ về. Háo hức nghe những câu hò cười vỡ bụng. Hơn lúc nào hết, trong lúc này, mọi người cùng chung một tâm lý bình đẳng, dân chủ. Cùng chung một tiếng cười. Tiếng cười xóa bỏ hoàn toàn sự ngăn cách đẳng cấp. Cụ hàn cùng cười ngặt nghẽo với bác cùng đinh. Ông bang, ông tuần cùng khoái trá cười chảy nước mắt nước mũi.
Tiếng trống từ dưới đoàn kéo gỗ vang lên. Tiếng chiêng từ trên Cồn Cưa dội xuống. Tiếng hò reo từ dưới vang lên từ trên dội xuống. Các o bưng những vùa(1) nước chè tươi đậm đặc mời cụ hàn uống, mời ông phó tuần uống, mời bác mõ uống, mời ông tuần đinh uống… Vị nước chè xanh góp phần tạo ra tâm lý bình đẳng trong ngày hội. Cô Chắt Hoe thích nghe câu hò tục. Cụ hàn cũng thích nghe câu hò tục…
Khi gỗ đã nằm yên trên Cồn Cỏ, các o bưng rổ khoai luộc đến mời những tráng đinh vừa kéo gỗ về. Ở đây có đặc sản khoai chiêm Đồng Cống. Củ to. Lúc chín, củ nứt ra chảy mật. Búng vào, kêu bốp bốp. Bẻ đôi, củ khoai phô từng thớ trắng xốp. Ăn một miếng khoai uống kèm một ngụm nước chè đặc, sướng rân cả người. Thật là một hạnh phúc dân dã tuyệt vời không thể có trong một xã hội công nghiệp.
Chỉ tính trong khoảng thời gian làm đình từ khi kéo gỗ đến lúc khánh thành, một khối lượng khá lớn văn học dân gian được sản sinh. Các tay đặt vè đua nhau bàn vè. Tới đâu cũng nghe ra rả người ta kể về làm đình. Hay nhất là bài vè của ông Liễu:
Làng ta năm Giáp vui thay
Kẻ văn người võ cũng tày thế gian…
…Gẫm sự ở đời
Nhân sinh do tổ
Đổ tiền đổ ló (lúa)
Biện rọng (ruộng) làm đền
Tả hữu hai bên
Nhờ thần linh bảo hộ.
Những bài vè này đã đóng đinh vào ký ức dân làng từ thế hệ này qua thế hệ khác. Sáu mươi năm sau, năm Giáp Thân 2004, người ta kể lại cho nhau nghe về làm đình và nhớ lại sự kiện làng làm đình sáu chục năm trước cùng với những câu hò.
Đây cũng là dịp Trạng Giật trổ hết tài năng của mình. Kéo gỗ là một hình thức lao động thủ công vô cùng cực nhọc. Để xua tan nỗi cực nhọc ấy, cần phải cười. Càng cười nhiều càng đỡ mệt. Muốn đạt được hiệu quả gây cười cao, phải trần trụi phơi bày cái chuyện tình dục xác thịt. Thi hào Nguyễn Du đã miêu tả cái cơ thể trần truồng hấp dẫn của người phụ nữ là “tòa thiên nhiên”. Cái thiên nhiên rộng lớn mà ta tận hưởng hàng ngày với cái “tòa thiên nhiên” thu hẹp ấy có thể nói là đồng dạng. Giữa thiên nhiên bao la, không chút giấu giếm, người lao động ca lên bài ca tột cùng bản năng:
Gỗ sao gỗ nặng tì tì
Gỗ nghe chuyện đ. gỗ đi rầm rầm
Kéo gỗ thì cốt có đà
Đ. Chắc (đ. Nhau) thì cốt đàn bà nắt lên (…)
Nghe những lời ca ấy, những nhà đạo đức cổ hủ có thể khó chịu hoặc vờ khó chịu. Nhưng đó là trần trụi sự sống bản năng, sự sống sần sùi, thô ráp, tươi nguyên của thuở ban sơ. Vả lại, như trên tôi đã nói, nghe hò kéo gỗ thì cụ thượng, cụ hàn, ông bang, ông chánh cũng không nén được cười, họ hòa đồng tiếng cười với ông mõ, bác tuần đinh, người cố cùng khố rách áo ôm. Khổng Tử đã có lần nói với Tử Lộ: “Trên đời tôi chưa thấy người đàn ông nào yêu đạo đức hơn yêu gái đẹp”. “Gái đẹp” suy cho đến cùng là cái “tòa thiên nhiên” mà Nguyễn Du đã nói.
Phương pháp khai thác đề tài của Trọng Giật là lấy những chuyện xẩy ra trong làng mình hoặc ở làng khác, rồi khuếch đại lên để đặt chuyện trạng và câu hò. Nội dung của chúng có thể là đả kích cái độc ác, cái bẩn thỉu của tầng lớp thống trị; có thể là phê phán những điều trái tai gai mắt trong nội bộ nhân dân; có thể là thuần chuyện vui, không đả kích và không phê phán. Nhưng tất cả những cái đó, chung quy lại, là phải gây được tiếng cười.
Giữa cánh đồng trũng, người ta đắp lên những cồn đất rộng chừng dăm bảy sào để làm nơi nghỉ ngơi, hoặc cho trâu bò tránh lũ, còn nhằm mục đích làm thủy lợi. Trên đường kéo gỗ, mỗi lần qua cồn đất, người ta ngồi nghỉ, uống nước chè xanh. Trạng Giật trổ tài kể chuyện trạng. Mọi người chỉ việc ngồi nghe và cười, không phải hò hát gì.
Sau lúc nghỉ ngơi, cây gỗ lại được tiếp tục kéo qua cánh đồng trũng. Lúc này Trạng Giật trổ tài cất câu hò. Bao nhiêu chuyện xưa chuyện nay, chuyện xóm Đông xóm Đoài, chuyện làng Chùa làng Đền, đều được Trọng Giật khai thác triệt để?
Giữa cánh đồng, nổi lên một cồn đất dài như hình cái b., có tên gọi là “cồn C”. Chuyện xưa kể rằng:
Trong một cuộc giao hợp giữa Thần Bão Táp và nữ Thần Giông Tố, trời đất tối sầm, bốn phương chuyển động. Vì sự giao hợp quá mạnh, cho nên C. của Thần Bão Táp bị gãy và rơi ra một đoạn giữa cánh đồng. Đoạn C. đó nổi lên thành cái cồn. Và từ đấy, cánh đồng trở nên phì nhiêu, lúa tốt như rừng… Khi kéo gỗ qua đây, Trạng Giật bất chợt cất lên câu hò:
Kéo gỗ qua cồn C.
L. đã rặc (2) nước cường
Có thương em thì anh chỉ chạm chân giường
Anh đừng có trèo lên loạng xoạng mà rát thịt nát xương cái của trời
Dô hò này…
Câu hò vừa dứt, cả đoàn người “dô hò” náo nhiệt. Trống nổi thùng thùng. Chiêng rung inh ỏi. Người đánh trống đánh chiêng ngồi trên cây gỗ, ngả nghiêng bên này bên kia, rơi tòm xuống bùn, rồi lại lóp bóp bò lên, tiếp tục gõ chiêng trống. Những cái dây kéo căng ra hết độ căng. Gỗ trượt qua mô gò, qua bùn lầy, qua ruộng nước đầy ắp. Tưởng chừng như, giữa lúc này, không có sức bẩy nào làm cho con người khỏe mạnh bằng sức bẩy của câu hò.
Cây gỗ lật bên này, ngã bên kia, nhô đầu lên, chúi đầu xuống, chạy băng băng cùng đám người hò reo nổ trời với những câu hò tiếp theo trần trụi tột cùng của bản năng sinh lý:
Kéo gỗ thì phải dô hò
Đ. Chắc thì phải cúi gò lưng tôm
Kim đâm phải thịt thì đau
Thịt đâm vô thịt nhớ nhau suốt đời.(…)
Ả Chắt Tác đã bốn con, mà người lúc nào cũng đỏ đắn, phây phây sức sống đầy hấp dẫn. Ban ngày đi gặt mệt nhọc, tưởng như mọi người, tối đến ả ngủ ngon một giấc đến tận sáng. Nhưng nửa đêm, ả tỉnh dậy, thèm được chồng. Chồng nằm ngoài sân. ả nằm trong nhà. Ả gọi mãi, chồng không vào. Ả ra sân lay chồng dậy và nói cuống quýt. “Cha mi vô mà xem con chuột ăn vôi”. Lạ quá! Ông chồng vội vàng chạy vào. Thế là…
Chuyện có vậy thôi! Ta hãy nghe Trạng Giật kể: “Ả Chắt Tác tay nắm tóc chồng kéo: Lành hay là dữ! Cha mi vô mà xem, có con chuột to lắm chui vô bình vôi, nuốt từng cục vôi ừng ực. Anh Chắt Tác chạy vào xem bình vôi, chẳng thấy chuột đâu cả, chỉ thấy vợ nằm tềnh hênh trên giường. Ả gọi: Bình vôi đây kia mà; cha mi quên cái bình vôi để đàng này à? Anh Chắt Tác chạy đến: ở mô? ở mô? ả Chắt Tác vén váy lên đầu gối: Đây này! - ở mô? ả kéo tuốt váy lên: cha mi không nhìn thấy à! Vôi trắng toát ra đây này! Cha mi cho chuột vào, còn hỏi ngớ ngẩn chi nữa!
Đó là chuyện trạng. Còn câu hò của Trạng Giật thì thế này:
Lè đùi em trắng toát như vôi
Dô hò này…
Em nhử con chuột cống đến…
dô hò này… hắn ngửi…
Dô hò này…
hắn chui…
dô hò này…
vô cái lỗ l…
Dô hò này…
Lè trắng chuột ngỡ là vôi
Dô hò này…
Chuột bò loạng choạng …
dô hò này…
chuột chui…
Dô hò này… vô cái lỗ l, dô hò này…(…)
Ở xóm chùa, ông N. mù, làm nghề thầy bói. Nửa đêm, ông sang tằng tịu với bà góa chồng láng giềng. Chó sủa. Bà con láng giềng biết được, đồn kháo…
Câu hò của Trạng Giật
Thầy bói mà đi đ. Đêm
L. thì không chộ (thấy), thầy đâm xiên vô sườn
Thầy bói mà đi. Đ ngày
L. thì không chộ, thầy đâm ngay xuống giường
Thầy bói mà đi đ. Trưa
L. thì không chộ, thầy đâm bừa cả chiếu liền chăn.
Một phú ông nghiện thuốc phiện, gầy còm ròm. Bà vợ thì càng ngày càng béo phây phây. Lúc nằm với vợ chẳng thấm thía gì, vợ đẩy chồng xuống và chỉ: “Đồ chuột nhắt”. Câu hò của Trạng Giật:
Ngo ngoe đuôi chuột vọc
Không chọc thủng miệng l.
Tôi bẻ ra ba khúc tôi ném ra ngoài cồn
Cho con chồn nó vọc nó chơi.
Ngo ngoe đuôi chuột vọc
Không chọc thủng miệng l.
Quẳng cha ra ngoài bãi ngoài cồn
Cho con rái cá nó chồm nó ăn.
Bà Hoe Tơn góa chồng đã hai năm. Chưa mãn tang chồng mà bà đã chửa. Làng bắt ra đình, hỏi tội. Bà khai: “Tối hôm đó, cha hắn hiện hồn về ngủ với tôi. Tôi thấy tắt kinh, rồi có mang”. Làng phải chịu nghe lời khai ấy, không dám phạt bà nữa…
Câu hò của Trạng Giật:
Tổ cha cái c.
Chết phải ngày trùng
Giỗ đơm không cúng hắn về hắn phá lung tung trong l.
Bà H. chuyên bán kẹo lạc kẹo vừng ở chợ chiều. Hôm ấy, người đã vãn, chỉ còn một mình bà H. với mẹt kẹo. Ông quét chợ chòng ghẹo, sờ soạng bà…
Câu hò của Trạng Giật:
Kẹo bà ngọt gớm ngọt nghê/Bà cho ông ăn kẹo, ông đ. Toét tòe loe l. bà (…)
Cố Xấn đã trên bảy mươi, nhưng lại thích chơi trống bỏi. Đêm nào cố cũng đi tìm con gái tơ để chòng ghẹo…
Câu hò của Trạng Giật:
Lượng sức mà xực ông ơi
Ông già lọm khọm còn đòi chơi con gái dậy thì,
Nửa đêm chống gậy ông đi
Coi chừng có bữa ông vứt cái đì cho chó nó ăn.
Lượng trời soi xét cho ông
Tuổi tuy thượng thọ sức giồng trai tơ
Nửa đêm sờ soạng mu rùa
Đ. thì nỏ (chẳng) được, ông ngoáy chua cả l.
Giữa thiên nhiên phóng khoáng, chan hòa niềm vui lao động, con người sống hồn nhiên, hoàn toàn cởi mở với nhau, chẳng ai giận ai, chẳng ai cảm thấy mảy may bị xúc phạm vì những câu đùa cợt. Một anh chàng chỉ vào bà Biếc: “Ông Trạng ơi, ông đặt cho bà này một câu rành (thật) hay”. Trạng Giật: “Tôi sợ bà Biếc chửi tôi”. Bà Biếc lên tiếng: “Tôi không chửi đâu. Ông cứ đặt một câu cho thật đúng tôi. Tôi sẽ thưởng cho ông”. “Thưởng cái gì?”. “Ông muốn gì tôi cũng thưởng. Muốn gì tôi cũng cho. Nhưng phải là câu cho rành hay”. Chẳng cần nghĩ ngợi, Trạng Giật cất tiếng hò:
Nửa đêm thức dậy đâm xay
Khải (gãi) l. loạc xoạc lông bay khắp nhà.
Dô hò này…
Bà Biếc đấm thùm thụp vào lưng Trạng Giật: “Đồ ma xó. Ông thấy tôi gãi lúc nào mà ông dám nói. Ông có nhìn thấy tôi gãi không?”… Cả làng ai chẳng biết bà Biếc góa chồng lúc ba mươi tuổi. Bao nhiêu kẻ có chức sắc có tiền tài đến hỏi làm vợ lẽ, bà đều từ chối, tần tảo nuôi con thờ chồng. Nhiều lúc, sự đòi hỏi sinh lý lên đến cực độ, bà bày việc ra để làm cho mệt nhừ người: gánh đá chạy loanh quanh trong vườn, lội xuống ao vớt bèo… có đêm khuya, bà thức dậy, đổ lúa vào cối xay để xay, rồi đổ gạo vào cối để giã, cơn đòi hỏi sinh lý biến mất, bà nằm vật ra giường thở dài rồi ngủ thiếp đi… Những chuỗi cười nổ ra sôi lên cùng với nhịp hò hào hứng…
Ở làng Kẻ Ngoi (?), có thằng Cợm chuyên làm nghề ăn trộm để kiếm sống. Kẻ trộm kẻ cướp là hiện tượng khá phổ biến ở nông thôn nghèo khổ trước đây. Nhưng thằng Cợm lại có cái biệt tài mà qua lời đồn kháo đã trở thành truyện kể dân gian. Ấy là cái biệt tài đ. trộm cô dâu trong đêm tân hôn. “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Chính là mảnh đất phì nhiêu cho cái nghề đ. trộm của hắn hoành hành. Trước khi cưới, cô dâu không hề biết hơi hám chú rể ra sao, chú rể cũng không biết hơi hám cô dâu ra sao. Hắn rình nhà nào, nhất là những nhà giàu, có đám cưới, là hắn tìm cách lẻn vào kỳ được. Chủ nhà và bà con họ hàng bận rộn khách khứa, cỗ bàn, tổ tôm, xóc đĩa suốt ngày cho đến nửa đêm. Đến lúc đặt lưng lên giường ai nấy ngủ lăn quay. Chú rể còn trẻ người non dạ, vừa ngượng vừa ngỡ ngàng, chưa dám nằm với vợ trong đêm tân hôn… Thằng Cợm đã chui vào nằm dưới gầm giường cô dâu. Nghe gà gáy canh ba, hắn leo lên giường làm tình với cô dâu. Làm tình xong, hắn còn đánh cắp một cái nồi đồng mang đi…
Trạng Giật kể chuyện trạng, mọi người cười rũ rượi. Rồi lại tiếp đến trận cười theo nhịp hò kéo gỗ:
Sướng nhất thằng Cợm Kẻ Ngoi
Vợ ai mới cưới, hắn cũng xơi đêm đầu,
Con du (dâu) vừa sướng vừa đau
Ngỡ chồng phú quý, hóa ra ôm đầu thằng Cợm Kẻ Ngoi.
Trong rừng cười vô tư, đôi khi có xen vào cả những tiếng cười châm chọc, phê phán mọi hiện tượng trái với thuần phong mỹ tục.[…]
Không dừng lại ở đó. Trạng Giật còn dám chọc ngoáy đến cả tầng lớp cai trị. Trạng dùng tiếng cười để văng tục vào mặt những kẻ độc ác. Có khi xa xôi, bóng gió, có khi ném vũ khí vào giữa mặt chúng. Đối phương có thể không biết, có thể biết mà lờ đi. Còn quần chúng thì cóc để ý là chúng biết hay không biết, mà chỉ biết cười khoái trá, cười tập thể, cười ngả cười nghiêng, cười hết cỡ, cười cho giãn gân cốt để lao động cật lực hơn.
Trong những lần đi phu cho Tây cho Nhật, thằng cai thường cầm cái gậy có mấu ô đi lại, thỉnh thoảng giơ gậy đánh phu. Dân chúng gọi là thằng "mấu ô” và thường nói “ác như thằng mấu ô”. Trạng Giật đã vẽ gương mặt hắn như thế này:
Trời mưa cho ướt lá cam
Cái l. con đĩ như hàm thằng mấu ô…
Dô hò này…
Nhân cái đà đó, Trạng Giật vẽ ra hàng loạt gương mặt xấu xí của ông bang ông chánh:
Trời mưa cho ướt lá tre
Cái l. con đĩ như râu cá trê ông bang Tài…
Trời mưa cho ướt lá môn
Cái l. con đĩ như mồm ông chánh Mân.
Trời mưa cho ướt lá vông
Cái má thầy Chánh như mông là Thừa…
Trời mưa cho ướt lá khoai
Cái l. con đĩ như mang tai ông chánh Tuần…
Ở xóm Chợ Mới có o Vẹt rất xinh. O là con ông quét chợ. Hôm ấy, ông bang tá đi qua, thấy o đang quét chợ thay cha, bèn dừng lại vờ vĩnh hỏi chuyện rồi vào nhà chơi. Từ đó, bang tá quen mùi, cứ dăm bữa nửa tháng lại ngủ ở nhà o một đêm. Rồi các ông quan khác cũng lân la sờ mó. Mỗi lần quan ngủ lại, o Vẹt tắm rửa sạch sẽ từ chiều. Cho nên, cái việc o Vẹt tắm trở thành tín hiệu báo cáo cho bà con dân làng biết là có một ông quan nào đó sắp vào nhà o. Trạng Giật chớp lấy chi tiết này, tung ra một loạt câu hò:
Nghe đồn quan sắp lên chơi
Có o đã rửa l. phơi ba ngày
Nghe đồn quan huyện sắp lên
Có o đã gác l. trên mạ giường
Nghe đồn quan huyện tuần du
Có o đã chổng lụ khu (lỗ đít) trong nhà
Nghe đồn quan sắp đi qua
Có o đã tõe l. ra đầu hồi.
Ông Tham giàu có, rất đĩ tính. Bà Hoe Tôn trong xóm đến làm thuê cho ông vài lần, ông cứ nhìn trộm cái mông và bộ ngực của bà. Bà Tham biết được, từ đó không thuê bà Hoe Tôn nữa. Nhưng ông Tham thì vẫn thèm nhỏ dãi. Lợi dụng vợ đi vắng mấy ngày, ông xui lý trưởng bắt chồng bà Hoe Tôn đi phu, nửa đêm ông sang tằng tịu với bà… Việc này xẩy ra lâu rồi, nhưng trong một cuộc kéo gỗ, Trạng Giật bỗng nhớ ra và phang cho ông Tham một đòn đau bất ngờ:
Tưởng ông chỉ tham tiền tham bạc
Ai ngờ ông tham cả nạc liền xương
L. mẹ dòng đã nát như tương
Nửa đêm ông bật dậy ông nhún gãy dường bà Hoe Tôn
Dô hò này…
O Côi xinh đẹp nổi tiếng, đẹp đến nỗi không những người mà ma quỷ cũng thích rình mò dòm ngó, trêu chọc o. Nửa đêm, đang làm ruộng, tay o vừa cầm đuốc vừa xách váy để đái, vô ý để ánh đuốc soi rõ l., lũ quỷ thấy được, cười sằng sặc, o chạy thục mạng… Trạng Giật kể chuyện trạng, gây ra một trận cười như thác đổ, tiếp đến là một trận cười như sóng vỗ qua câu hò:
O tê (kia) đi đấy (đái) nửa đêm/Để cho con quỷ hắn nhìn thấy lôn,/Quỷ cười sằng sặc đêm hôm/O ôm lấy l. chạy té tè re…
Sắc đẹp siêu đình đổ quán của o Côi đã gây ra những vụ ghen tuông của các bà quan mà những vụ ghen tức giữa các ông quan này với ông quan kia. Trạng Giật dựng lên những hình ảnh sắc sảo:
O Côi quảy gánh lên Lường
Để cho ông Tường nhỏ dãi tòm tem,
Bà Tường liền nổi máu ghen
Bà xé rách toạc cái áo phim ông Tường
O Côi sọi nhất làng ta
Ông Hàn ông Lý cũng lân la thòm thèm,
O Côi chạng háng nửa đêm
Để cho ông Lý đánh ghen ông Hàn.
Làng làm đình, thuê thợ cưa xẻ gỗ. Lý trưởng muốn vơ một số tiền, bèn làm giấy đóng dấu bán một cây gỗ của làng cho thợ với lý do bịa đặt “cây gỗ này xấu”.
Dân chúng bất bình, đồn kháo ầm lên. Trạng Giật bỗ bã: “Cái triện (con dấu) ông Lý chẳng khác gì cái l. o Hiện” - cả làng ai mà chẳng biết o Hiện hay đi ngủ lang với con trai một cách dễ dãi. Trạng Giật ác hiểm đem so sánh cái l. o Hiện với cái triện ông Lý:
Cái l. o Hiện
Cái triện ông Lý
Của quý giữa làng
Trách ai tham bạc tham vàng
Đem của chung đi đ. bậy với anh chàng thợ cưa
Dô hò này…
Điều đáng lưu ý là ở Hậu Luật có nhiều “tay bẻ chuyện” nhiều người đặt lời hát ví và đặt vè. Nhiều người đặt vè. Thời nào cũng có người đặt vè. Nhiều người nói chuyện trạng. Nhưng hiếm người đặc sắc như Trạng Giật, vừa giỏi chuyện trạng vừa giỏi đặt câu hò kéo gỗ.
Quả thật ông là một nghệ sĩ dân gian. Ông thu lượm được rất nhanh và rất nhiều những chuyện vui xẩy ra trong làng mình và ở các làng xung quanh. Ông khai thác triệt để những chuyện vui đó để tạo ra thành chuyện trạng và đặt câu hò. Những mẩu chuyện đó lan truyền nhanh từ đầu làng đến cuối xóm, dường như ai cũng biết. Nhưng khi nghe Trạng Giật kể hoặc hò, thì chất liệu đời sống trở thành tác phẩm nghệ thuật kỳ thú.
Tài nghệ của ông là từ một sự việc bình thường mà khuyếch đại lên rồi dựng nên những hình ảnh sắc cạnh. Chẳng hạn việc o Vẹt tắm để chờ tối ngủ với quan thì được diễn đạt “có o đã rửa l. phơi ba ngày”. Ví cái l. o Hoe Tài “nhai c. sột soạt như hàm thằng cai tây”. Ví cái b. phú ông nghiện thuốc phiện bé tí tẹo như đuôi chuột, bé đến nỗi không chọc thủng miệng l.”. Ví cái âm hộ o Côi “lông l. o vủ vảy như chỏm râu trê ông Bang Tuần”. Châm chọc những ông già hom hem mà vẫn rửng mỡ thích tòm tèm: “khí huyết không có, cứt ra mạnh (đầy) l.”…
Thể loại văn vần được sử dụng trong hò kéo gỗ rất tự do. Có thể bốn chữ. Có thể năm chữ. Nhưng hầu hết là lục bát, mà phần lớn là lục bát biến thể. Rất ít câu lục bát được gò vào niêm luật trên sáu dưới tám, và câu dưới có thể thả vần ở chữ thứ tư hoặc thứ năm hoặc thứ sáu thứ bảy.
Lời ca của hát ví thì chải chuốt, mượt mà. Ngược lại, lời ca của hò kéo gỗ thì gồ ghề, khúc khuỷu với những từ ngữ có ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ, khỏe khoắn: lông lá loàm xoàm, chạy té tè te, toét tòe toe, tô hô, ngẩn tò te, nát như tương, tối om om… Những từ đó có tác dụng làm cho câu ca gồ lên, phù hợp với nhịp điệu của câu hò.
Muốn thấy vẻ đẹp của dân ca, của từng logic dân ca không thể tách rời phần diễn xướng. Cái đẹp của hát phường vải là các cô gái ngồi dưới ánh trăng chuốt lời ca mềm mại theo từng sợi bông. Cái đẹp của hát phường củi là trai gái hát đối đáp giữa rừng núi hoang dã. Cái đẹp của hát phường cấy phường gặt là lời ca ngân lên giữa mênh mông đồng ruộng dập dờn cánh cò bay… Cái đẹp của hò kéo gỗ là thiên nhiên hào phóng, sục lầy bùn, gập ghềnh mô gò với những cánh tay cuồn cuộn cơ bắp…
Trong các loại dân ca thì hò kéo gỗ có làn điệu khỏe nhất và đơn giản nhất. Lời ca được ngắt vụn ra theo từng nhịp “dô hò này…” hoặc “dô ta này…”. Do đó nhiều khi người ta không chú ý đến nội dung câu hò hoặc nghệ thuật thể hiện nội dung, mà chỉ chú ý đến nhịp điệu “dô hò” để tạo ra sức mạnh tập thể tối đa. Ví dụ: Cái chày… dô hò này… mà bật cái cung… dô hò này… Nỏ khác chi… dô hò này… cái c… dô hò này… bật lung tung… dô hò này… trong l . dô hò này…
Làn điệu đơn giản vậy thôi. Ai hò cũng được. Thế mà Trạng Giật gây hiệu quả cười hơn tất cả những người khác. Ấy là do cái tài diễn xướng của ông. Chỉ cần ông nhếch mép là mọi người đã cười rồi. Có những câu hò hò đi hò lại nhiều lần, ai cũng thuộc lòng. Với câu hò ấy, Trạng Giật lên tiếng nhà ai nấy đều cười như pháo nổ như thác chảy như sóng cuộn.
Cái thời lao động thủ công mệt nhọc ấy đã qua rồi Trạng Giật đá hóa thành người thiên cổ.
Không ai điên rồ luyến tiếc muốn quay về những năm tháng gian khổ ấy. Nhưng xin đừng ai quên những bài học mà thời gian khổ đã dạy chúng ta. Một trong những bài học đó là phải biết cười. Có thể nói một cách hàm hồ rằng, nếu không biết cười thì nhân loại đã bị diệt vong. Ông cha ta đã sáng tạo ra tiếng cười, sáng tạo ra nhiều kiểu cười để duy trì và trau dồi đức tính lạc quan - dùng tiếng cười làm vũ khí đắc lực phá vỡ mọi rào cản bí bức nhất, bi quan nhất, mở ra con đường sống ngày một tươi sáng hơn.
Con đường sống đang ngày một tươi sáng hơn… Những rào cản mới lại dựng lên trong đời sống công nghiệp, trong đời sống kinh tế thị trường. Tiếng cười không bao giờ cũ, không bao giờ lỗi thời. Tiếp nhận vốn tiếng cười của cha ông, chúng ta cần sáng tạo những kiểu cười mới để tâm hồn luôn luôn lạc quan hòa đồng với nhịp điệu ồ ạt đang xô đẩy về phía trước. Trong cộng đồng dân cư hôm nay, thiết nghĩ cũng cần có những Trạng Giật mới./.
(1) Vùa: Bát đựng nước bằng đất nung
(2) Rặc: Khô, kiệt
2256
2359
21631
218130
121356
114511257