Tuy nhiên, các phiên chất vấn chưa thực sự “nóng”, chưa tương xứng với mức độ bức xúc của các vấn đề trong thực tiễn cũng như chưa thấy sự thay đổi, chuyển biến về các giải pháp sau phiên chất vấn. Một hiện tượng đáng chú ý là có rất nhiều câu hỏi chung chung, không có địa chỉ cụ thể, nên mặc dù bản chất vấn đề là đúng, nhưng đều bị người trả lời phủ nhận. Mặc dù đã nêu câu hỏi về hiện tượng kiểm lâm tiếp tay cho kẻ phá rừng, nhưng đại biểu lại không đưa ra được một trường hợp cụ thể nào, do đó khi Giám đốc Sở NN&PTNNT cho rằng lực lượng kiểm lâm không buông lỏng mà chỉ ở chỗ này, chỗ kia có những hạt sạn “làm rầu nồi canh” thì đại biểu cũng không còn chất vấn gì thêm được nữa, cho dù biết rõ trả lời như vậy là chưa thuyết phục. Các đại biểu nêu hiện trạng rừng bị tàn phá, nhưng không có số liệu cụ thể về vị trí, diện tích, mức độ tàn phá rừng. Cũng vì thiếu sâu sát, đại biểu không thể yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT phân tích cụ thể các giải pháp củng cố lực lượng kiểm lâm. Trong phiên chất vấn Giám đốc Sở TNMT, không có một câu hỏi nào đề cập đến nghịch lý các nhà máy gây ô nhiễm đến mức người dân không chịu đựng nổi đã phản ứng manh động, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ở đâu?
Phiên chất vấn Giám đốc Sở Y tế có nhiều ý kiến của đại biểu bị phủ nhận nhất. Các đại biểu chất vấn về các hiện tượng phân biệt đối xử với đối tượng BHYT hộ nghèo, chất lượng khám chữa bệnh tuyến huyện còn yếu, hiện tượng thuốc BHYT trôi nổi trên thị trường… đều bị Giám đốc Sở Y tế cho rằng “không có cơ sở”. Vì đại biểu không có dẫn chứng cụ thể, nên dù biết rằng vấn đề mình nêu là phổ biến trong thực tế, nhưng không thể hỏi thêm. Một đại biểu chuyển tải ý kiến cử tri về việc thành lập cơ sở khám chữa bệnh theo yêu cầu trong các bệnh viện công (cơ sở vật chất, con người đều là của bệnh viện, tại sao người bệnh phải nộp thêm tiền), Giám đốc Sở Y tế cho rằng đó là do các y bác sỹ góp tiền để xây dựng, nhằm đáp ứng yêu cầu người bệnh. Cách trả lời đó là không có cơ sở pháp lý, nhưng không thấy đại biểu có ý kiến gì.
Mặc dù các đại biểu HĐND tỉnh đã cố gắng nắm bắt nguyện vọng cử tri, song các phiên chất vấn chưa đáp ứng mong mỏi của cử tri. Nguyên nhân do các đại biểu chỉ tiếp nhận thông tin từ cử tri mà chưa có sự khảo sát, kiểm chứng. Một số đại biểu chưa quan tâm tiếp nhận, xử lý thông tin báo chí phản ánh về các vấn đề của thực tiễn liên quan. Chưa có những “con số biết nói” được nêu ra tại hội trường buộc mọi người phải suy nghĩ. Chưa có đại biểu nào trực tiếp điều tra những vấn đề cử tri phản ánh, để có những thông tin, số liệu, hình ảnh… có sức thuyết phục cho những vấn đề cần giải quyết. Một số đại biểu chưa thực sự có kiến thức chuyên sâu hoặc kiến thức pháp luật về lĩnh vực liên quan, dẫn tới cách đặt vấn đề chung chung, chưa có những ý kiến phản biện sắc sảo buộc các cơ quan chức năng phải lưu ý, điều chỉnh. Chưa thấy đại biểu nào thể hiện đã tham khảo ý kiến các chuyên gia về vấn đề chất vấn. Một số đại biểu rất ít phát biểu, chất vấn, ít quan tâm đến những vấn đề xã hội bức xúc, ngay cả lĩnh vực mình công tác cũng không có ý kiến gì.
Từ thực tế đó, thiết nghĩ mỗi đại biểu HĐND cần thực sự gần gũi, sâu sát với dân, không chỉ chuyển tải những ý kiến của cử tri mà còn đi sâu vào thực tiễn để kiểm tra, khảo sát, phát hiện những bất cập, yếu kém trong công tác điều hành, quản lý, đề xuất các giải pháp hữu hiệu.