Tố chất nhà lãnh đạo kiên trung và là nhà lý luận xuất sắc ở đồng chí Nguyễn Phú Trọng được thể hiện chủ yếu trên một số vấn đề:
Kiên định lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, kiên định mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Đó là mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hoặc diễn đạt một cách khác: xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Điều này cũng quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Người viết “điều mong muốn cuối cùng” trong Di chúc: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Lý tưởng và mục tiêu đó được phản ánh trong thiết kế mô hình xã hội Việt Nam khi kết thúc thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã được ghi trong Cương lĩnh 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011): l/Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; 2/Do nhân dân làm chủ; 3/Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; 4/Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; 5/Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; 6/Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng tiến bộ; 7/Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; 8/Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người cộng sản tiêu biểu trong công cuộc đổi mới của Việt Nam không bao giờ xa rời lý tưởng cộng sản chủ nghĩa.
Trong điều kiện hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới không còn, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bị khủng hoảng thì việc kiên định lý tưởng, mục tiêu trên đây vừa là sự thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng và vừa là một minh chứng về tầm trí tuệ sáng suốt của Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đó là điểm đầu tiên, chủ yếu nhất của một nhà lãnh đạo kiên trung với tính sắc bén của một nhà lý luận. Nói lý luận chính trị ở đây là nói đến chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh mà Đảng ta đã khẳng định lấy làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Trong biện chứng của cuộc sống nước ta hiện nay, khi nói tới lý luận thì đã bao hàm cả chất thực tiễn ở trong đó; và ngược lại. Nghiên cứu cuộc đời của các nhà hoạt động chính trị nổi tiếng trên thế giới, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, chúng ta thấy rằng, những thành công của họ là hiện thân của những điều đó. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là con người kiểu như thế. Vốn được đào tạo một cách bài bản, có hệ thống từ mái trường của nước Việt Nam độc lập cho đến trường Đảng ở trong nước và ở Liên Xô, đồng chí đã được trang bị những vấn đề lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Những vấn đề lý luận đó đã được đồng chí Nguyễn Phú Trọng vận dụng, phát triển sáng tạo vào thực tiễn.
Từ điểm chốt đầu tiên này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có những bước tiến trong tư duy về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, mà cụ thể là cùng với tập thể Đảng thiết kế về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, hình thành những vấn đề cơ bản về lý luận đổi mới. Trong thời gian này, Đảng lãnh đạo đất nước tiếp tục đẩy mạnh sự chuyển đổi từ cơ chế cũ vốn thích ứng với điều kiện chiến tranh sang cơ chế mới, cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh chưa hoặc không nói tới vấn đề này. Ấy vậy mà Đảng ta đã dũng cảm, với tinh thần đổi mới sáng tạo, bứt phá về tư duy, chuyển đổi sang cái mới đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Đó là sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách ngoạn mục. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng không phải là người khởi xướng, nhưng là người tích cực nhất tiếp tục theo hướng này. Mặc dù có một số thế lực đã và đang xuyên tạc cụm từ “định hướng xã hội chủ nghĩa” của cơ chế này, nhưng đồng chí Nguyễn Phú Trọng không sờn lòng, giữ nguyên tính đúng đắn đó về tư duy lý luận phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Nhà lý luận xuất sắc, “kiến trúc sư trưởng” và nhà lãnh đạo kiên trung “thi công” xây dựng xã hội Việt Nam trong công cuộc đổi mới - đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - đã nêu nhiệm vụ tổng quát nhất cho sự phát triển của đất nước thể hiện rõ nhất trong chủ đề của Đại hội XIII của Đảng: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trên cơ sở đó, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu quan điểm: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu thường xuyên”[3].
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đi tiên phong cùng Trung ương Đảng tích cực triển khai vận dụng những vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội thời kỳ đổi mới:
Tiếp tục và đẩy mạnh vận hành cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc chuyển từ cơ chế tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực sự là một cuộc cách mạng trong tư duy lý luận và hành động thực tế. Đại hội VI của Đảng cuối năm 1986 mở ra một hướng chung cho tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, được coi là một mốc lớn, rất lớn cho cách mạng nước nhà, đưa dân tộc ta chính thức bước vào giai đoạn đổi mới toàn diện, nhưng do hoàn cảnh lúc bấy giờ, chưa đề cập vấn đề chuyển đổi sang cơ chế thị trường. Giai đoạn đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư là giai đoạn cơ chế thị trường được áp dụng mạnh hơn, nhưng điều cơ bản nhất là ở cụm từ sau cùng của cơ chế ấy, đó là “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Chính đây là điều mà thế lực bất đồng chính kiến ra sức đả kích. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn kiên định về tư duy lý luận đó, và trong thực tế đã chứng minh cho tính đúng đắn về nội dung lý luận này, như là một giá trị lý luận quý báu trong kho tàng lý luận mácxít - lêninnít. Giờ đây, khi đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa, nhưng chắc chắn rằng, các nước, trong đó có Hoa Kỳ, mặc dù có trắc trở, nhưng sẽ công nhận nước ta là nước có cơ chế thị trường trong khi nhiều thế lực cả trong và ngoài nước đang vận động Chính phủ Hoa Kỳ không công nhận và cho rằng Việt Nam vẫn là nước theo cơ chế phi thị trường.
Lý luận về Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, cầm quyền, về xây dựng hệ thống chính trị là một nội dung quan trọng nữa mà nhà lãnh đạo kiên trung, nhà lý luận xuất sắc của cách mạng Việt Nam - đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - đã để lại dấu ấn rất sâu đậm trong công cuộc đổi mới. Ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng duy nhất trong xã hội và giữ vai trò lãnh đạo, cầm quyền đối với hệ thống chính trị cũng như toàn xã hội. Điều này khẳng định một nguyên tắc rằng, Việt Nam không chấp nhận đa nguyên chính trị và đa đảng, không chấp nhận xã hội dân sự, không chấp nhận tam quyền phân lập. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Trung ương Đảng thể hiện điều này trong cả lý luận và thực tiễn để khẳng định: nền dân chủ của một xã hội không phụ thuộc vào số lượng chính đảng mà phụ thuộc vào chất lượng của đảng lãnh đạo, cầm quyền cũng như chất lượng của cả hệ thống chính trị. Lý luận về Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, cầm quyền trong công cuộc đổi mới cho thấy: Đảng phải thường xuyên tự đổi mới và tự chỉnh đốn bản thân mình, coi xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt; phải tiến hành có hiệu quả xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên các mặt chính trị, tư tưởng; đạo đức, tổ chức và cán bộ. Theo tinh thần của Đại hội XIII của Đảng mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo đưa vào dự thảo văn kiện và được Đại hội XIII thông qua là phải tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp: tăng cường xây dựng Đảng về chính trị; coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng; tập trung xây dựng Đảng về đạo đức; đẩy mạnh xây dựng Đảng về tổ chức, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên; tăng cường xây dựng Đảng về cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu; tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới. Thực chất, đó là những vấn đề lý luận về Đảng lãnh đạo, cầm quyền trong điều kiện xây dựng và thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.
Đảng lãnh đạo, cầm quyền trong điều kiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, với một hệ thống tổ chức mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, đó là một cống hiến về mặt lý luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chế độ một Đảng cầm quyền nhưng vẫn bảo đảm và phát huy được dân chủ bởi vì toàn xã hội chăm lo đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng thuận, đoàn kết xung quanh Đảng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Nhà nước luôn luôn bảo đảm và phát huy vai trò quản lý xã hội, thể chế hóa quan điểm, cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng; Đảng lãnh đạo nhưng không làm thay chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước; Nhân dân vừa trực tiếp, vừa thông qua các tổ chức chính trị - xã hội của mình tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng bằng cách: phản biện, tham gia ý kiến xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn bổ sung vào Đảng, v.v…
Với cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm về lý luận xây dựng nền quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó là những vấn đề: phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước kết hợp sức mạnh thời đại để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương; có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân trong quốc phòng, an ninh; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại; xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại...
Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta phải đi liền với phòng và chống các lực cản trong những bước đường phát triển. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc nhìn nhận nhiệm vụ xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa là “cuộc chiến đấu khổng lồ” “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Thực sự trong những năm đồng chí Nguyễn Phú Trọng giữ trọng trách Tổng Bí thư, những vấn đề lý luận về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng nói riêng và trong hệ thống chính trị cũng như trong toàn xã hội nói chung đã được hình thành. Đó là phải bảo đảm tính trong sạch của tổ chức và đội ngũ cán bộ hệ thống chính trị. Điều gì sẽ xẩy ra nếu tham nhũng, tiêu cực cứ hiện hữu trong cơ thể Đảng và hệ thống chính trị? Câu trả lời là: không thể có xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Do đó, không ít lần, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu, ngay cả trong nhiều hội nghị Trung ương các khóa, rằng: tham nhũng, tiêu cực gây ra nguy cơ làm tan rã Đảng và mất chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa. Do vậy, trong bước đường phát triển bền vững của đất nước theo mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phải đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, trước hết là trong Đảng nói riêng và trong hệ thống chính trị nói chung. Phải kiên quyết xử lý những việc, những người vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước theo đúng Điều lệ Đảng và theo đúng pháp luật, bất kể đó là ai, giữ chức vụ gì, không có vùng cấm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm rằng: “Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc tranh đấu, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng rõ ràng, làm thành kết luận. Rồi lại đem nó chứng minh với thực tế. Đó là lý luận chân chính. Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”[6]. Người cho rằng: “Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung cũng như không có tên”[7].
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng thấu hiểu được quan điểm đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bắt tay vào giải quyết những công việc thực tế đặt ra cho đất nước trên nền tảng của lý luận soi đường, có thể nói là hằng ngày hằng giờ, nhất là những lúc cấp bách của tình hình. Những vấn đề lý luận và thực tiễn, đó là “hai trong một”, “một mà hai”, không thể bóc tách thật rạch ròi trong con người của đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Xem thế để biết rằng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có tài trong việc kết hợp được cả hai, cả “màu xám” của lý luận và cả sức sống “xanh tươi” của “cây đời” thực tế. Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, gương sáng đó của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, gương sáng của một nhà lãnh đạo kiên trung đồng thời là một nhà lý luận xuất sắc về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam, đặc biệt là lý luận về đổi mới, sẽ truyền cảm hứng phát triển bền vững cho đất nước trong những chặng đường tới.