Đất Nghệ

Cảm ơn bà - người Mẹ Làng Sen!

Chương trình "Người Mẹ làng Sen" được tổ chức tại Quảng trường Hồ Chí Minh. Ảnh Nguyễn Đạo

Cho đến nay chưa có một công trình nào trên thế giới nghiên cứu một cách cụ thể, chi tiết và khẳng định rõ ràng về mức độ ảnh hưởng của người mẹ đến con cái. Song thực tế cho thấy rằng, nhân cách con người bắt đầu được hình thành từ trong bào thai cho đến khi trưởng thành. Vì vậy, người mẹ được ví như người thầy đầu tiên của con, có ảnh hưởng quyết định trong việc hình thành tâm tính của trẻ, bởi mẹ là người sinh thành, nuôi dưỡng, là người giáo dục cảm xúc, tình cảm, đồng thời giúp con hình thành nhân cách.

Thật may mắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta được sinh ra và nuôi dưỡng từ một gia đình trí thức Nho học. Mẹ của Người là bà Hoàng Thị Loan - một người phụ nữ đẹp người, đẹp nết, có trí tuệ. Từ nhỏ, bà đã được giáo dục lễ nghi theo phong tục, tập quán của quê hương, lớn lên, bà được cha mình là ông Hoàng Xuân Đường bày dạy chữ nghĩa Thánh hiền nên sớm biết điều hay, lẽ phải.

Bước vào độ tuổi trăng tròn, bà kết duyên với ông Nguyễn Sinh Sắc - cậu học trò mồ côi được gia đình đưa về nuôi ăn học. Cuộc hôn nhân đó là khởi đầu, là cái nôi ra đời và lớn lên của những người con ưu tú.

Có lẽ do lịch sử, địa lý, không gian văn hóa sinh tồn của vùng quê Nghệ Tĩnh đã tạo cho con người nơi đây những tố chất riêng biệt, không dễ trộn lẫn, hòa tan, nên người con gái sinh ra trên lưu vực Lam Giang mang trong tâm hồn mình nét đẹp mặn mà, chất phác, chịu thương chịu khó nhưng dạt dào, xanh mát của dòng sông xứ sở.

                               Nghèo nhưng không hèn là người xứ Nghệ,

                                 Sông núi liền kề nên tâm thế rất sâu.

Cũng như bao người phụ nữ Việt Nam khác, người Mẹ Làng Sen ấy đã sớm gửi gắm vào những đứa con của mình những mong ước cao đẹp thông qua những lời ru ngọt ngào, sâu lắng, chan chứa tình yêu và giá trị nhân văn.

                               “Làm trai trả nghĩa sinh thành,

                     Giang sơn gánh vác xứng danh với đời”

Hay

                     “Làm người đói sạch rách thơm,

                     Công danh là nợ nước non phải đền”...

Những mong ước bình dị mà cao cả ấy của người mẹ đã thấm đẫm vào tâm hồn trẻ thơ khi còn nằm trên cánh võng và đã góp phần tạo nên tâm hồn rộng mở, tấm lòng nhân ái mênh mông của Bác sau này.

Vì muốn giúp chồng yên tâm lo việc lớn, bà đã cùng chồng và hai người con trai rời quê hương vào Huế để ông dùi mài kinh sử. Một đầu là kinh sách, bút nghiên của chồng, một đầu là tương, cà, mắm, muối... trên đôi vai gầy, người phụ nữ ấy đã không quản ngại vất vả, gian truân gánh cả tương lai của gia đình trải dài, in dấu trên suốt quãng đường từ Nghệ An vào Huế. Con đường thiên lý ấy quanh quanh, bên núi, bên sông trèo đèo lội suối, qua truông, qua phá... nhưng bà vẫn tin tưởng vào quyết tâm thi cử của chồng

                     “Đôi vai mẹ một gánh đầy huyền thoại.

                   Tình yêu thương, tin tưởng vượt muôn trùng”.

Ở Huế, bà chăm chỉ dệt vải, xe tơ nhưng đất kinh kỳ người ta dùng nhiều gấm vóc, lụa là hơn là dùng thứ vải xô, vải đũi mà bà thường dệt ở quê nhà, do đó cuộc sống của gia đình rất đỗi khó khăn, nhưng bà vẫn bền gan, vững chí, không ca thán mà luôn động viên khích lệ chồng con. Hằng đêm, bà thức cùng chồng để ông có thêm động lực, chuyên tâm học hành. Chồng miệt mài kinh sử, thiếp canh cửi đưa thoi. Trong con ngõ nhỏ thành nội Huế ấy một bức tranh hồn hậu, bình dị nhưng nồng ấm tình người

                    “Ánh đèn thức với ánh trăng,

               Nửa sôi kinh sử, nửa vành tơ quay”.

Con đường học hành thi cử, đỗ đạt của ông có dấu ấn tảo tần khuya sớm, sự hy sinh to lớn của Bà.

Thủa lên năm, lên bảy - trước khi đến với trường lớp, bà đã khai tâm cho các con bằng vốn hiểu biết của mình, đó là những giá trị văn hóa của quê hương, đất nước, là hiện thực cay đắng của thân phận người dân mất nước, là nỗi thống khổ của những người nông dân một cổ hai tròng, nên các con của bà sớm nhận biết được giá trị của cuộc sống cũng như những vất vả, thua thiệt, khổ đau, tủi hờn mà thân phận của người dân nô lệ phải cam chịu. Sau này khi được đến lớp, đến trường, lại được cha mình đạy dỗ, nên việc nhìn nhận, đánh giá thế giới xung quanh của các con bà vượt lên những bạn bè cùng trang lứa.

Cuộc sống nơi kinh thành dường như quá sức đối với một người phụ nữ thuần phác. Vì lam lũ, vất vả mưu sinh mà đôi vai ngày thêm gầy, tấm thân ngày thêm mỏng, sức lực ngày thêm suy kiệt. Khi hạ sinh người con út, bà không được nghỉ ngơi, sớm trở dậy làm lụng để duy trì cuộc sống nên đã đổ bệnh...

Và rồi..., vào một ngày đông ảm đạm năm Canh Tý - 22 tháng Chạp (tức ngày 10-2-1901), người phụ nữ ấy đã trút hơi thở cuối cùng khi tuổi đời còn rất trẻ. Bà đã nhẹ nhàng ra đi, để lại cho đời, cho người ngổn ngang điều dang dở...

Mẹ mất, em thơ khát sữa rồi cũng qua đời, một mình nơi đất khách, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã phải đón nhận nỗi đau quá lớn khi mới lên 10. Hình ảnh về người mẹ dịu hiền tảo tần khuya sớm cứ nhòa dần, nhòa dần trong nước mắt.

                   Thêm một người trái đất sẽ chật hơn,

                   Nhưng thiếu mẹ thế gian đầy nước mắt.

Với cậu bé Cung lúc này

                               Ngôn ngữ thế gian khờ dại quá

                              Đong sao đầy hai tiếng “Mẹ ơi...!”

Ba mươi ba năm tuy ngắn ngủi, nhưng bà đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa và hạnh phúc bên gia đình, đóng góp quan trọng vào thành công của chồng con. Những tư tưởng nhân văn, cao đẹpvề vai trò của cá nhân đối với gia đình, cộng đồng, xã hội, dân tộc, nhân loại... đã được khởi nguồn, nuôi dưỡng, vun đắp từ người Mẹ vĩ đại ấy.

Sau này trong quá trình đi tìm đường cứu nước và khi đã là lãnh tụ của dân tộc, Bác Hồ thường nén nỗi đau vào lòng, ít khi thể hiện cảm xúc về người mẹ yêu quý của mình, có chăng là những lúc Bác ngồi một mình lặng lẽ trong căn phòng nhỏ ngắm những bông huệ trắng - thứ hoa trong sáng, thuần khiết có hương thơm nhẹ nhàng, ngọt dịu, và là loài hoa được bà con lối xóm mang đến viếng mẹ mình ngày mẹ qua đời, bởi ngõ Đông Ba, Thành Nội, Kinh đô Huế ngày xưa là vùng chuyên trồng hoa huệ cho dân quanh vùng thắp hương ngày Tết, lễ lạt đầu Xuân. Đó là lý do vì sao Bác của chúng ta trân quý loài hoa thanh khiết, ngọt ngào và thường thích có một bình huệ trắng trong phòng mỗi độ Tết đến Xuân về.

Khu Mộ bà Hoàng Thị Loan được xây dựng trên núi Động Tranh thuộc dãy Đại Huệ. Thay ba người con hiếu tử, hàng triệu người con đất Việt và bạn bè năm châu đã hành hương về đây, dâng hoa, hương tưởng niệm để mãi mãi ghi nhớ công ơn của một người Mẹ vĩ đại đã sinh cho đời người Anh hùng Hồ Chí Minh.

Tháng 5 lại về, hành hương về quê Bác, dâng nén hương thơm lên mộ bà Hoàng Thị Loan, mỗi chúng ta lại được nghe câu chuyện về bà qua giọng nói ngọt ngào của hướng dẫn viên; hiểu thêm về cuộc đời giản dị, đức hy sinh to lớn của Bà và nhận thức sâu sắc hơn vai trò của người mẹ Việt Nam đã sinh thànhdưỡng dục Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Xin cảm ơn bà - người Mẹ Làng Sen!

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434768

Hôm nay

239

Hôm qua

2349

Tuần này

21418

Tháng này

211816

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434768