Khách mời văn hóa

Tin vì thấy tiềm năng và khát vọng vươn lên của các đồng nghiệp

VHNA: Trường Cao đẳng Văn hoá nghệ thuật Nghệ An là địa chỉ đào tạo quen thuộc và đã có lịch sử xây dựng và trưởng thành hơn 40 năm. Trường đã đào tạo hàng chục ngàn học sinh sinh viên từ bậc sơ học đến bậc cao đẳng. Ngoài ra, từ nhiều năm nay trường còn liên kết đào tạo ở bậc đại học. Hiện nay trường đang xúc tiến việc xây dựng đề án phát triển thành trường đại học văn hoá nghệ thuật và du lịch. Nhân dịp này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Pgs Ts Phan Mậu Cảnh - Hiệu trưởng nhà trường. Xin giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc trao đổi này.

 
Thưa PGs, trước hết chúng tôi xin chúc mừng và chia sẻ nhân dịp ông nhận trách nhiệm quản lý Trường cao đẳng văn hoá Nghệ thuật Nghệ An. Khi nhận nhiệm vụ mới ông có tâm sự mới nào không?
Quả thực là tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm một chức vụ lãnh đạo nào đó. Từ trước đến nay, sau khi tốt nghiệp ngành Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi được làm giảng viên đại học; niềm hứng thú của tôi là nghiên cứu khoa học. Về sau được phân công làm Phó trưởng khoa ngữ văn(Đại học Vinh). Tổ chức giao thì tôi chấp hành và cố gắng làm hết khả năng của mình, làm cho tốt. Cuối năm ngoái(2009), tôi lại được UBND tỉnh bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hoá Ngfhệ Thuật Nghệ An. Tôi hiểu đó là sự tín nhiệm của tổ chức, niềm tin của cán bộ giáo viên trường CĐ VHNT Nghệ An, nhưng đó cũng là trách nhiệm lớn đối với cá nhân tôi. Môi trường mới, trọng trách mới, tôi phải cố gắng nhiều hơn. Với kinh nghiệm hơn 30 năm giảng dạy và tham gia công tác quản lý ở trường đại học, về môi trường mới, tôi sẽ cố gắng phát huy, và vừa học vừa làm. Tự biết mình còn những cái yếu nên phải cố gắng tích luỹ, còn thành công hay không thì không nói trước được điều gì cả. Một cây làm chẳng nên non…Vả lại, tôi nghĩ, mình có cái tâm, cố gắng vươn lên  cái tầm, nếu có "Thiên thời, địa lợi, nhân hoà" thì chắc sẽ làm được một điều gì đó đóng góp vào sự phát triển chung…
 Trong những năm gần đây dư luận bàn luận, trao đổi rất nhiều về giáo dục, trong đó có bậc cao đẳng và đại học. Nhìn chung họ cho rằng nền giáo dục của chúng ta lạc hậu, rườm rà, luộm thuộm, chất lượng và hiệu quả thấp, không đáp ứng được đòi hỏi của xã hội, của nhu cầu phát triển. Là người đã từng dạy đại học và nay là hiệu trưởng một trường cao đẳng, ông có bình luận gì về ý kiến này?
Tôi là một người trong cuộc. Tôi không có bình luận gì và tôi cũng không phản đối. Tôi cố làm tốt phận sự của mình, cố làm sao cùng tập thể đồng nghiệp và học trò xây dựng trường ngày càng tiên tiến và tốt hơn lên trên tất cả mọi mặt. Có lẽ ai cũng mong muốn mọi việc đều tốt đẹp, không ai thích và chủ động làm cho mình kém đi. Có điều là có vươn lên được để cho tốt và tốt hơn hay không.
Trở lại với câu chuyện của trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Nghệ An, nơi mà ông đã bắt đầu một sự gắn bó mới. Ông có thể cho biết lịch sử và truyền thống của nhà truờng được không?
Rất có thể tôi biết chưa hết và hiểu chưa hết về lịch sử và truyền thống của nhà truờng. Tôi là người mới, là lính mới của nhà truờng. Tuy nhiên, tôi biết ngôi trường này đã có lịch sử 43 năm, kể từ ngày 1/6/1967, khi UBHC tỉnh Nghệ An có quyết định thành lập. Tôi muốn nhắc lại cái mốc này vì hồi đó cả nước đang chiến tranh chống Mỹ. Nghệ An là "cán xoong" " túi bom, chảo lửa". Chiến tranh, bom đạn là thế mà tỉnh ta đã có quyết định thành lập trường Văn hoá Nghệ thuật. Điều này, ít nhất nói lên ba điều: Thứ nhất, về vai trò của văn hoá đối với đời sống xã hội. Xã hội thời nào thì vẫn cần đến văn hoá nghệ thuật. Thời bình cũng cần mà thời chiến cũng cần. Thứ hai, vai trò của giáo dục, đào tạo. Trí tuệ không phải ở trên trời rơi xuống. Trí tuệ có bằng nỗ lực tư duy, bằng giáo dục và đào tạo. Và điều thứ ba tôi muốn khẳng định là một tầm nhìn chiến lược và rất khoa học của các nhà lãnh đạo của tỉnh hồi đó. Chiến tranh mà vẫn lo đến việc đào tạo nguồn nhân lực cho văn hoá. Tôi xin nhắc là văn hoá chứ không phải nông nghiệp. Chiến tranh rất cần thóc gạo cho dân, và cho quân, đó là chuyện đương nhiên. Nhưng đào tạo văn hoá nghệ thuật lại có ý nghĩa sâu sắc hơn, một tầm nhìn xa hơn.
Kể từ ngày đó, trường đã liên tục được củng cố và phát triển, đã đào tạo được hàng chục ngàn cán bộ văn hoá nghệ thuật, giáo viên âm nhạc, mỹ thuật ở các bậc sơ cấp, trung học chuyên nghiệp và cao đẳng cho sự nghiệp văn hoá của địa phương. Chính đội ngũ này là lực lượng nòng cốt cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá của tỉnh nhà, nhất là ở tuyến cơ sở. Nhiều giáo viên, sinh viên của trường nay đã trở thành những văn nghệ sỹ xuất sắc, những nhà quản lý giỏi.
Trên cơ sở chất lượng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và nhu cầu của xã hội, cụ thể là nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho sự nghiệp văn hoá của tỉnh, và của khu vực trong thời gian tới, năm 2004 tỉnh ta đã đề nghị Bộ Giáo dục - đào tạo ra quyết định thành lập trường Cao đẳng VHNT Nghệ An. Theo tôi, đây là một cái mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của nhà trường nhất là trình độ, chất lượng đào tạo và tính chuyên nghiệp của một nhà trường. Đào tạo bậc cao đẳng và đại học rất khác đào tạo ở các bậc trung học hoặc sơ cấp. Ở bậc học này không chỉ là truyền nghề, không chỉ cầm tay chỉ việc mà tất cả các kỹ năng đều phải được hình thành trên cơ sở lý luận và các hệ thống lý thuyết. Với cái mốc này không chỉ khẳng định sự trưởng thành mà còn có ý nghĩa bắt buộc cả tập thể lãnh đạo và giáo viên, bắt buộc mỗi người phải nỗ lực vươn lên để hoàn thành trách nhiệm của mình. Tất cả mọi người đều phải rèn luyện để nâng cao trình độ và tính chuyên nghiệp của mình.
Với 6 năm tồn tại với tư cách là một trường cao đẳng, trường của chúng ta đã có sự phát triển như thế nào, thưa ông?
Gần sáu năm qua,  là thời gian mà nhà trường đã nỗ lực rất lớn, đã "lột xác", tự vượt lên chính mình để phát triển với tầm vóc mới, phẩm chất mới, nhất là chất lượng đội ngũ.
Ông có thể cho biết một vài thông tin cụ thể hơn?
Hiện tại trường có 4 phòng chức năng là các phòng: Đào tạo, Tổ chức - Hành chính - Tổng hợp, Công tác chính trị và quản lý SV, Thanh tra - Khảo thí - Đảm bảo chất lượng; Và 4 khoa: Âm nhạc và sư phạm âm nhạc, Mỹ thuật và sư phạm mỹ thuật, Quản lý văn hoá, Lý luận đại cương. Hiện tại trường có 80 cán bộ, giáo viên, trong đó có 59 giảng viên. 100% giảng viên của trường có trình độ đại học trở lên và đã học xong chương trình sau đại học về triết học và giáo dục bậc đại học, có trình độ sư phạm bậc II, trong đó có 1 Pgs.Ts, 2 nghiên cứu sinh và 19 thạc sỹ. Ngoài ra chúng tôi còn có đội ngũ giáo viên thỉnh giảng khá đông đảo gồm 28 người trong đó có các gs, ts.
Thưa ông, tôi vẫn nghe nói có một qúa trình chuẩn hoá bằng cấp khi chuyển đổi từ trường trung cấp lên trường cao đẳng,  trong số các thạc sỹ của trường thì vẫn có khá nhiều là thạc sỹ quản lý giáo dục, không phải là bằng cấp chuyên ngành, ví như dạy nhạc, dạy hoạ, nói là có bằng thạc sỹ nhưng không thuộc về chuyên môn hẹp của mình. Lại có những người có cả một hệ thống bằng cấp thật nhưng hầu hết là bằng tại chức, cử nhân tại chức và thạc sỹ cũng tại chức. Có điều đó thật không, và nó có ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng đào tạo của nhà trường?
Những thông tin mà anh đưa ra là có nhưng đó không phải là tất cả và không phải tất cả đều đúng. Tôi nghĩ, học hệ nào mà học nghiêm túc thì chất lượng vẫn đảm bảo. Tôi thấy, và tôi biết các giáo viên của nhà trường đều hoàn thành trách nhiệm giảng dạy của mình, giảng dạy nhiệt tình và đảm bảo chất lượng.
Với tư cách một nhà giáo lâu năm dạy ở bậc đại học, bây giờ là hiệu trưởng, nếu chọn ra hai điểm mạnh nhất và hai điểm yếu nhất của trường thì ông sẽ có sự xác định như thế nào?
Kể ra thì cũng hơi khó vì trường chúng tôi có nhiều điểm mạnh mà chỉ chọn hai là không đầy đủ, là thiếu. Nhưng mà ta cứ thử trao đổi xem sao.
Hai điểm mạnh nhất của nhà trường, hiện nay, theo tôi, một là đội ngũ đoàn kết, cùng quyết tâm xây dựng trường phát triển, hai là có nhiều giáo viên trẻ, có năng lực  và nhiệt tình, yêu nghề. Hai điểm mạnh này là tiền đề, là điểm tựa cho trường phát triển trong tương lai.
Vậy còn hai điểm yếu?
Có lẽ nên nói là chưa mạnh thì đúng hơn. Nếu vậy, theo tôi, một là thương hiệu, hay là danh tiếng của trường chưa có tầm ảnh hưởng lớn trong vùng và trong cả nước; Hai là tính chuyên nghiệp, kỹ năng và trình độ nghiên cứu khoa học, khả năng và mức độ cập nhật thông tin, kiến thức mới của đội ngũ giáo viên còn hạn chế. Chúng tôi vẫn chưa có các chuyên gia giỏi, các nghệ sỹ nổi tiếng về các lĩnh vực mà trường đang đào tạo. Có thể và nên xem đây là hiện trạng có tính chất phổ biến của các trường trong quá trình chuyển đổi lên bậc đào tạo cao hơn hiện nay  của cả nước.
Vậy thời gian quá độ này ở trường ta dự đoán khoảng bao lâu?
Tôi xin khẳng định là đội ngũ của chúng tôi đã được công nhận là đủ sức để gánh vác trách nhiệm đào tạo mà tỉnh giao và  bộ GD - ĐT quy định. Vấn đề là chúng tôi cần tiếp tục nâng cao trình độ để nâng cao chất lượng đào tạo. Chúng tôi luôn cố gắng phấn đấu để liên tục phát triển, để đáp ứng các yêu cầu của xã hội. Không có giới hạn cho sự phấn đấu vì chất lượng đào tạo. Chúng tôi tự biết những điểm còn non yếu của mình để khắc phục và bồi đắp.
Vậy các ông đánh giá như thế nào về chất lượng các khoá sinh viên cao đẳng đã ra trường vừa qua?
Tốt nhất là để các cơ sở sử dụng nguồn nhân lực đã đựoc đào tạo ở trường chúng tôi đánh giá. Nhưng theo kết quả thăm dò của chúng tôi và của các cơ quan chức năng thì sinh viên của chúng tôi sau khi ra trường đã được xã hội chấp nhận,  cơ bản đáp ứng đuợc yêu cầu của các cơ sở so với bậc học, các em đã sớm khẳng định đựơc năng lực và sự đóng góp của mình.
Khó khăn nhất của nhà trường trong giai đoạn hiện nay là gì?
Theo tôi, những điểm yếu mà tôi nêu trên là những khó khăn lớn nhất. Ngoài ra còn có thể nói thêm như chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm còn ít, cơ sở vật chất thiếu đồng bộ, nhà trường chưa có ký túc xá cho sinh viên…
Vậy đâu là những thuận lợi của trường?
Chúng tôi cũng có nhiều thuận lợi. Thứ nhất là sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền tỉnh, của các ban, nghành, các địa phương. Thứ hai là chúng tôi đã có truyền thống và kinh nghiệm hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành. Thứ ba, theo tôi, là thuận lợi rất cơ bản vì nhà trường là cơ sở đào tạo được đứng chân trên một vùng văn hoá đặc sắc, có truyền thống văn hoá, văn hiến rất nổi tiếng. Với thuận lợi, và cũng là đặc điểm này, theo tôi, nếu biết phát huy sẽ tập hợp được nguồn nhân lực, tài năng văn hoá về trường giảng dạy và học tập, nghiên cứu. Hơn nữa, đây là điều kiện để tạo nên dấu ấn riêng, bản sắc riêng của trường. Và nhất định những điều đó sẽ là động lực cho trường phát triển.
Ông có suy nghĩ gì về định hướng phát triển và phương châm thực hiện của nhà trường?
Nói đến định hướng phát triển của nhà trường thì không thể là của cá nhân hiệu trưởng mà phải là của lãnh đạo cấp trên và của tập thể nhà trường. Riêng về cá nhân, tôi cũng có những suy nghĩ của mình. Tôi muốn trường sẽ phát triển một cách ổn định, vững chắc, sẽ trở thành một địa chỉ đào tạo và nghiên cứu khoa học về văn hoá, nghệ thuật và du lịch, kể cả đào tạo giáo viên âm nhạc và mỹ thuật cho các bậc học phổ thông hàng đầu của khu vực bắc miền Trung, có thể sánh cùng các trường khác trong cả nước, có đóng góp thiết thực vào sự phát triển văn hoá và du lịch của tỉnh và khu vực. Trường phải được xây dựng và phát triển theo hướng tiên tiến, hiện đại, phải liên tục mới về tư duy phát triển và mới về kiến thức, cả thầy và trò. Sinh viên phải được trang bị một nền tảng tri thức đủ rộng và đủ sâu để có khả năng tiếp nhận các kỹ năng nghề nghiệp. Tôi rất quan tâm đến các cơ sở lý luận và lý thuyết cho sinh viên, tạo cho sinh viên một thói quen, một kỹ năng tìm kiếm và tiếp nhận cái mới. Có như vậy họ mới có thể sáng tạo nên được các tác phẩm. Sinh viên tốt nghiệp ra có thể làm thầy và cũng có thể làm thợ tuỳ theo công việc và hoàn cảnh. Trường phải đáp ứng được nhu cầu vận động và phát triển của xã hội. Tôi lấy ví dụ: Cho đến hiện nay mà trường chưa đào tạo mỹ thuật ứng dụng như trang trí nội thất, thiết kế thời trang, nghiệp vụ buồng, bàn, chế biến món ăn…là một sự chậm chân, rất chậm, chậm ít nhất là 10 năm…Nhà trường phải tìm hiểu, nghiên cứu xu hướng vận động để có sự chuẩn bị cung ứng nguồn nhân lực cho xã hội. Chúng ta kêu thiếu nhân lực cho lĩnh vực du lịch, kêu lâu rồi nhưng trường chưa thật chú trọng và đầu tư mạnh mẽ, có hiệu quả cao cho ngành học này. Có lẽ sắp tới chúng tôi sẽ nghiên cứu để thành lập khoa du lịch trên cơ sở tách ra từ khoa Quản lý văn hoá để tạo điều kiện phát triển ngành học này ở trường.
Việc trước mắt mà ông quan tâm nhất là gì?
Cả trước mắt cũng như lâu dài, chất lượng đội ngũ giáo viên là quyết định nhất đến chất lượng đào tạo và danh tiếng của nhà trường.
Vậy ông cần một đội ngũ giáo viên như thế nào?
Không phải là chỉ có tôi cần, mà ai ở vào cương vị của tôi cũng cần có được sự cộng tác của một đội ngũ giáo viên có tâm huyết với nghề, với sự nghiệp đào tạo, có trình độ cao, kiến thức sâu rộng, dạy giỏi và nghiên cứu khoa học cũng giỏi. Ở bậc học cao đẳng, đại học, giáo viên phải có kỹ năng nghiên cứu, phải đồng thời là cán bộ nghiên cứu thì mới tự đổi mới cập nhật được kiến thức và nâng cao được chất lượng giảng dạy. Một trang giáo án, một giáo trình thôi nhưng sức sống của nó mỗi năm một khác, mỗi người một khác tuỳ vào kiến thức mới cập nhật của người truyền thụ cho sinh viên.
Ông có phàn nàn là chỉ tiêu tuyển sinh thấp. Trong lúc đó thì trường vẫn thiếu nhiều các giáo viên có trình độ cao. Vậy điều này có gì bất cập không thưa ông?
Tôi nghĩ là không. Hai vấn đề có lien quan đến nhau thật nhưng không phải hoàn toàn tỷ lệ thuận. Đúng là chúng tôi thiếu các giáo viên có học vị, học hàm và trình độ chuyên môn cao thật nhưng không phải là không đủ và không có giáo viên giỏi để đảm bảo chất lượng đào tạo. Điều đó đã được khẳng định. Tôi nghĩ, quy mô đào tạo, kể cả nội dung đào tạo nữa, còn là nhu cầu của cuộc sống, của xã hội nữa. Kế hoạch hoá phải được xây dựng trên các dữ liệu thực tiến, không thể duy ý chí và tập trung theo kiểu cũ được nữa rồi.
Trở lại với câu chuyện quy mô đào tạo, nếu mở thêm các ngành thuộc lĩnh vực du lịch nữa thì quy mô đào tạo phải mở rộng là đương nhiên. Tại sao xã hội có nhu cầu mà chúng ta lại không tổ chức để đáp ứng. Theo tôi đó chính là trách nhiệm xã hội của nhà trường.
Tôi thấy hình như cho đến nay việc đào tạo của nhà trường vẫn còn sách vở, chưa mấy gắn bó với thực tiến nên kỹ năng thực hành của sinh viên mới ra trường rất dẽ bị hạn chế. Hoạt động của sinh viên cũng chưa sinh động lắm. Cả khoa âm nhạc mà hình như chưa có ban nhạc nào cả? Rồi khoa mỹ thuật mà cũng chưa có triển lãm nào, cũng chưa tham gia các công trình mỹ thuật nào cả thì phải?
Tôi không phủ nhận điều đó. Chúng tôi sẽ bàn cách để sinh viên kết hợp tốt hơn giữa học và hành, để rèn luyện và trau dồi kỹ năng thực hành, và trước mắt là góp phần làm sinh động hơn quá trình dạy và học cũng như không gian văn hoá của một nhà trường văn hoá nghệ thuật.
Được biết các ông đang xúc tiến việc lập dự án phát triển thành trường đại học văn hoá nghệ thuật và du lịch?
Đúng vậy. Chúng tôi đang xây dựng đề án tiền khả thi.
Ý tưởng của các ông về mô hình của Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Du lịch Nghệ An nay mai?
Đó là trung tâm đào tạo ở bậc đại học và nghiên cứu về văn hoá nghệ thuật và du lịch. Trường phải được xây dựng theo hướng hiện đại, tiên tiến, lấy chất lượng đào tạo và nghiên cứu làm mục tiêu hàng đầu. Phải phấn đấu để nơi đây trở thành điểm khởi đầu của những tài năng văn hoá nghệ thuật, là địa chỉ của những công trình nghiên cứu có giá trị cao về văn hoá nghệ thuật. Có thể quy mô trường chưa lớn nhưng chất lượng đào tạo phải cao, đội ngũ giáo viên phải giỏi và tâm huyết.
Có quá vội không khi các ông dự định khoảng dăm nữa sẽ “hoá thân” thành trường đại học?
Thế anh nghĩ sao khi thành lập mới một trường đại học? Nên nhớ là trườngchúng tôi đã có tuổi thứ 44 rồi. Tuổi tác ít nhất cũng nói lên được một điều gì đó.
Đúng vậy. Nhưng có người chỉ đến tuổi 20 là không cao lên được nữa.
Những người đó chắc là không bình thường, không may bị bệnh chẳng hạn. Còn truờng chúng tôi đang phát triển rất thuận lợi về nhiều phương diện, nói chung là toàn diện. Sự phát triển này là có cơ sở từ gốc và phù hợp với quy luật
Vậy điều ông quan tâm nhiều nhất khi xây dựng thành trường đại học là gì?
Vẫn như bây giờ đang ở bậc cao đẳng thôi. Đó là chất lượng đội ngũ giáo viên. Nhưng tôi tin là chúng tôi sẽ từng bước có được một đội ngũ giáo viên đủ sức xây dựng một trường đại học đàng hoàng.
Đàng hoàng?
Đúng vậy. Có nghĩa là thầy ra thầy, trò ra trò. Dạy ra dạy, học ra học để có những con người giỏi dang và có ích cho xã hội, cho đất nước.
Ông đánh cựơc  niềm tin của mình vào đâu?
Vào đội ngũ giáo viên, vào các đồng nghiệp của tôi. Các giáo viên của chúng tôi đang rất trẻ, đã được đào tạo khá cơ bản và nhìn chung đội ngũ đều có năng lực, trình độ khá tốt. Vả lại tôi thấy ở họ tiềm năng và khát vọng vươn lên.Và chúng tôi sẽ có chiến lược xây dựng và phát triển đội ngũ từ các nguồn khác nữa.  Đó là điều then chốt, và quyết định, tôi nghĩ và tôi tin vậy.
Cảm ơn ông đã nhận lời làm khách của chúng tôi. Xin chia sẻ những tâm sự, dự định, và niềm tin của ông. Chúc trường cao đẳng VHNT Nghệ An tiếp tục phát triển.
                                                                       Phan Thắng(Thực hiện)
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511035

Hôm nay

234

Hôm qua

2359

Tuần này

21409

Tháng này

217908

Tháng qua

121356

Tất cả

114511035