Kính thưa quý quý Học giả, qúy Giáo sư,
và các vị Hữu trách trong nền Giáo dục Đại học nước nhà,
Tôi cảm thấy rất hân hạnh được ĐH Khoa Học Xã Hội Nhân Văn, Đại học Quốc Gia Tph Hồ Chí Minh, mời tham dự và phát biểu tham luận liên quan tới nền giáo dục đại học nước ta. Đây là một vinh dự, nhưng cũng là một trách nhiệm. Là một sĩ phu, ai cũng phải có trách nhiệm với đất nước, với nhân dân, với tổ tiên và nhất là với tương lai của dân tộc. Viết bài tham luận này, chúng tôi chỉ có một ước mơ nhỏ, hy vọng nước Việt chúng ta có thể bay lên, không được như rồng tiên thì ít nhất cũng phải như cánh chim đại bàng; không bay thẳng vào quỹ đạo địa cầu thì ít ra cũng phải bay lượn trong bầu trời Đông Nam Á.
Tham luận này không trực tiếp bàn về sự liên kết hợp tác, và như vậy có vẻ lạc đề. Vốn thiết nghĩ, quý vị là những người trong cuộc thông suốt nhiều về vấn đề này, nên những người đứng bên lề như tôi mạn phép được bàn về một vấn đề khác. Đó là một vấn đề mà đa số các nhà giáo dục Tây phương coi như là cái cốt lõi của nền giáo dục đại học, cũng như là một tiền đề cho việc liên kết hợp tác đại học. Đó chính là sự tự do nghiên cứu.
1.
Toàn Cầu Hóa: Nguy Cơ hay Cơ Hội?
Sự thách đố của toàn cầu hóa cũng như sức mạnh của viễn thông trong cái thế giới điện toán ngày nay ép buộc chúng ta phải theo một cuộc sống mới với những ngôn ngữ mới. Cái nghịch lý là: không ai có thể tự đóng cửa khép kín, sống riêng biệt, nhưng bất cứ ai cũng có thể đơn độc hơn.[1] Trong cái “thôn địa cầu” này (global village), con người tuy tự do, tiến bộ hơn, nhưng cũng dễ dàng bị tha hóa, trói buộc, yếu đuối và ít tự chủ hơn. Con người tuy thỏa mãn được một cách dễ dảng những ước muốn thầm kín, nhưng họ cũng rất có thể lại bị chính những ước muốn này trói buộc, làm họ càng khổ sở, càng thiếu sót. Trong một thế giới như vậy, chỉ có ai mạnh, người đó mới có thể không bị thế giới này trói buộc. Ngược lại, họ lại có thể thống trị được chính cái thế giới này.
Nhưng người mạnh ngày nay không còn là loại người có sức lực của một người hùng Trần Bình Trọng, một võ sĩ Hạng Võ, một lực sĩ Kinh Kha, mà là người đầy trí tuệ, có thể kinh bang tế thế như nhà đại chiến lược Nguyễn Trãi. Hơn thế nữa, người mạnh không phải là người sở hữu đất đai nhà cửa hay tư bản, nhưng là người có thể khám phá ra những cái mới lạ, những vấn đề mới, những giải pháp mới, và nhất là con đường mới mà nhân loại sẽ phải theo như nhà thông thái Nguyễn Trường Tộ. Người mạnh cũng không còn là chính phủ, hay những người nắm giữ quyền thế, tức nhà nước.[2] Có lẽ đúng hơn phải nói, người mạnh là người nắm được cái nguồn của tri thức, nắm được quy luật của thế giới, của vũ trụ. Chính vì thế mà người Việt chúng ta càng cần phải trọng dụng những nhân tài như Nguyễn Trãi, Nguyễn Trường Tộ. Chúng ta càng cần phải có những Newton, Einstein, Edison cũng như Bill Gates. Cả ngàn, cả vạn ông tiến sĩ dù có được khắc trên bia đá ở Văn Miếu đi nữa, nhưng nếu chỉ biết “sôi kinh nấu sử” mà thôi, hoặc nếu chỉ biết chũa gọt câu văn đến mức độ “Văn như Siêu Quát vô tiền Hán”, hay nếu chỉ mong được “võng anh đi trước, võng nàng theo sau”, thì cùng lắm vẫn chỉ là “ngàn năm bia đá vẫn còn trơ trơ.” Sự thực là, họ chưa chắc có thể làm nuớc Việt mạnh hơn, hay hơn, đẹp hơn, giầu hơn. Cả ngàn ông trạng như Trạng Trình cũng không hẳn giúp ta cạnh tranh được với Tầu, với Tây, đừng nói với Nhật và nhất là với Mỹ. Và cả ngàn, cả vạn người như nhân vật (có tính chất huyền thoại) Trạng Quỳnh, mà chúng ta tưởng tượng hay phóng đại, vẽ vây vẽ cánh, tô mầu tô sắc,[3] cũng chỉ làm ta tạm thời quên được cái nhục nhược tiểu, bị đè nén, bị khinh thị. Để rồi khi tỉnh dậy, ta càng đau xót mà thôi! Chỉ có những người như nhà đại chiến lược Nguyễn Trãi, như nhà bác học Nguyễn Trường Tộ, và nhất là như các đại khoa học và triết gia[4] mới chính là những người đã khiến con người mạnh hơn, nhân bản hơn; khiến xã hội tiến bộ hơn; khiến quốc gia hưng thịnh hơn; và lẽ dĩ nhiên khiến loài người càng xứng đáng là con người.
Để giúp thế hệ Việt sau đủ khả năng sống mạnh (tức dân giầu nước mạnh, như nhà nước từng đeo đuổi), và trở lên mạnh trong một thế giới hậu hiện đại (postmodern world), hậu kỹ nghệ (postindustrial), viễn thông… đầy nghịch lý như vậy, nền giáo dục nước nhà cần phải cập nhật, sửa đổi, và nếu cần thiết, cần thay đổi một cách toàn diện, từ lối suy tư thường nhật tới quan niệm về khoa học, từ cách thế làm việc tới phương thế trao đổi, từ phương pháp quản lý tới đường lối giao thương, từ ngôn ngữ quen thuộc cho tới ngôn ngữ chuyên môn, từ cách cư xử truyền thống tới lối tiếp cận với các nền văn minh và văn hóa khác.[5] Và quả thật vậy, ta thấy là tất cả mọi ý hệ phát sinh từ thời cận đại, hay những đại lý thuyết (grand theories) như chủ thuyết duy khoa học, duy lý, duy vật, dân chủ, xã hội, vân vân, đều đương bị thế hệ hậu hiện đại nghi ngờ, thách đố và làm băng hoại.[6] Theo những kẻ tin vào hậu hiện đại, những đại lý thuyết này không còn đủ hiệu lực để giải quyết những vấn đề toàn cầu hóa, và càng không đủ động lực để thúc đẩy con người đi tìm những tri thức mới lạ.[7] Nói cách khác, nền giáo dục cách chung và đại học cách riêng phải đối diện với những khó khăn mang tính cách đa diện, những khó khăn vốn có sẵn trong thế giới hiện đại, tức là những khó khăn mà thế giới cận đại với nền khoa học, tri thức đã gây ra. Nó càng phải nhìn xa hơn, tím ra những khó khăn mới đương phát hiện và có thể phát sinh trong tương lai.[8] Thêm vào đó, trong một thế giới như thế giới hiện nay, giáo dục càng cần phải để ý tớiù sự đối nghịch giữa các nền văn hóa (văn minh),[9] giữa những giá trị cổ truyền và giá trị mới phát sinh,[10] và tất nhiên giữa thế giới giầu và thế giới nghèo.[11] Bởi lẽ, tri thức không thể tách biệt khỏi cuộc sống của con người, mà con người ngày nay là một con người đã bị toàn cầu hóa. Một người sống ở Hà Nội rất gần gũi với một người tại Nữu Ước, gần hơn cả những người hàng xóm láng diềng trong những dẫy chung cư đầy người. Một người làm việc tại Đài Bắc như tôi cũng có thể gặp một khó khăn y hệt như một giáo sư đương dạy học tại thành phố Hồ Chí Minh này vậy.[12] Cuộc tấn công của mặt trận Al Qaeda vào hai tòa nhà mậu dịch thế giới tại Nữu Ước không chỉ rung động thành phố này. Nó làm náo động nước Mỹ. Nó là đầu mối cho sự sụp đổ của chính phủ Taliban ở A Phú Hãn. Nó là một trong những cái cớ chính yếu khiến Mỹ báo thù, lật đổ chính quyền của Saddham Hassan. Nói tóm lại, nó ảnh hưởng tới toàn thế giới, từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam. Tương tự, sự khủng hoảng thị trường chứng khoán Nasdaq ở Nữu Ước, Dax ở Frankfurt, Nikkei ở Đông Kinh, hay Hangseng ở Hồng Kông… không chỉ khiến giới kinh tài lo âu, mà còn làm tất cả nền kinh tế thế giới lẩy bẩy. Nói tóm lại, bất cứ một khủng hoảng nào, cho dù xem ra có vẻ nhỏ nhặt, thí dụ như việc tăng giá dầu thô (vào năm 1973 của khối liên minh dầu lửa OPEC, và gần đây) cũng đều ảnh hưởng một cách toàn diện tới cuộc sống, sinh hoạt của chúng ta, từ thương mại tới giao thông, từ kinh tế tới quốc phòng, từ pháp luật tới tôn giáo, từ giáo dục tới nghệ thuật, vân vân.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin hạn chế trong một lãnh vực rất nhỏ, đó là sự thiết yếu của công việc nghiên cứu, cũng như tính chất tự do nghiên cứu trong môi trường đại học. Bởi lẽ, những kẻ mạnh là những người có tri thức, có sáng tạo, biết khống chế ngoại thế, biết tổ chức, biết kinh doanh, vân vân. Nhưng để có tri thức, sáng tạo họ cần phải có những đại học hay cơ quan nghiên cứu đi tiên phong trong mọi lãnh vực.[13] Hay nói cách khác, họ phải nhìn ra cái gì mà chúng ta chưa nhìn ra, khám phá ra những vấn đề mà chúng ta vẫn còn ngây thơ bình chân như vại coi là lẽ tất nhiên, phát minh ra những phương thế giải quyết vấn đề một cách hay hơn, an toàn hơn và sản xuất ra những mại phẩm giúp con người sống lâu hơn, đẹp hơn, khỏe hơn…. Nước Mỹ, nước Anh, nước Nhật, nước Đức, nước Pháp … dẫn đầu thế giới, bởi lẽ họ phát minh nhiều nhất, họ khám phá ra nhiều cái mới nhất, nhiều cái hay nhất, và nhất là họ sản xuất mọi vật dụng, thực phẩm, máy móc… có thể thỏa mãn chúng ta hơn cả. Họ được như vậy, bởi vì họ có được những đại học giỏi nhất, thời danh nhất, và có ảnh hưởng nhất.[14] Mà những đại học này thành công chính vì họ chủ trương tự do nghiên cứu, coi nó như là một mục đích thiêng liêng bất khả xâm phạm của sinh hoạt tri thức.
2. Bài Học Đại Học Bá Linh và Các Đại Học Thời Danh.
Vào quãng năm 1807-1810, tử tước Wilhelm von Humboldt (1767-1835, một triết gia và ngữ học gia, nguyên bộ trưởng Giáo dục Phổ) được giao phó trách nhiệm thiết lập một đại học mới tại Bá Linh (Berlin) (ĐH Bá Linh chính thức thành lập năm 1811). Để có thể cạnh tranh với hai đại học thời danh lúc bấy giờ, ĐH Sorbonne tức ĐH Ba Lê (Paris) của Pháp quốc và ĐH Oxford của Anh quốc, Humboldt cần phải có một lối nhìn mới, táo bạo và thực tiễn. Humboldt nhờ tới hai nhà đại tư tưởng của Phổ lúc bấy giớ: Friedrich Ernst Daniel Schleiermacher (1768-1834, Giáo sư Thần học) và Johann Gottlieb Fichte (1762-1814, Giáo sư Triết học), giúp vạch ra một đề cương cho đại học Bá Linh. Fichte, nhà triết gia duy lý và duy tâm, một phần bị ảnh hưởng của Napoléon Bonaparte[15] coi nền giáo dục đại học như là một công cụ phục vụ nhà nước, một phần do tinh thần ái quốc cao độ của ông,[16] chủ trương cho rằng, mục đích chính của đại học nhắm duy trì và phát huy tinh thần (das Geist) tức sự sống (das Leben) của dân tộc Đức.[17] Thần học gia Schleiermacher đi mạnh và cực đoan hơn. Để tránh cái lỗi lầm quá khứ (các vụ án Galileo, Brudano…), ông chủ trương, sứ mệnh đại học không có chi khác hơn là chính công việc nghiên cứu khoa học.[18] Chọn lọc từ hai ý kiến trên, Humboldt nhận định khoa học phải tuân phục quy luật của khoa học, và những tổ chức khoa học phải “dựa vào chính mình để sống và tiếp tục tự canh tân, và không bị bất cứ một nền ý thức hệ nào trói buộc hay đè ép.” Nói cách khác, đại học phải tự sống đó là tự lập, tự cường, tự trị, tự canh tân. Trong tờ báo cáo Humboldt gửi quốc vương, ta đọc thấy câu châm ngôn khoa học vị khoa học mà ông tiếp nhận từ Schleiermacher. Tuy nhiên, ta cũng thấy là Humboldt nhấn mạnh tới sự liên quan bất khả phân ly giữa quốc gia và khoa học. Khoa học nhắm tới việc “đào luyện tinh thần và đạo đức của một quốc gia.” Ôâng đặc biệt lưu ý, giáo dục (Bildung) không phải là một nền giáo dục học theo, nhưng là một sự đào tạo tư cách và hành động (Charakter und Aktion). Nói tóm tại, nền giáo dục đại học bao gồm ba yếu tính, theo nguyên lời của Humboldt: (1) “rằng tất cả mọi (tri thức) đều theo một nguyên lý căn nguyên” phù hợp với sinh hoạt khoa học; (2) “rằng tất cả mọi kiến thức khoa học luôn liên quan tới một lý tưởng” điều hành chỉ đạo hoạt động đạo đức xã hội, và sau cùng (3) “rằng ta phải thống nhất nguyên lý này với lý tưởng như vậy vào trong một Ý niệm (Idea).” Chỉ như vậy, mới có thể đảm bảo sự việc nghiên cứu khoa học, truy tầm căn nguyên của sự vật, luôn phù hợp với sự tìm kiếm mục đích cao quý của cuộc sống đạo đức và chính trị. Và chính ba yếu tính trên tạo thành “cá tính tri thức của dân tộc Đức.”[19]
Nơi đây, trong phạm vi bài tham luận, chúng tôi xin được phép miễn trình bày những khó khăn, mâu thuẫn trong nền triết lý giáo dục của Humboldt, và chỉ xin trình bày một vài ưu điểm thấy nơi chính sách giáo dục của ông.[20] Điểm chính yếu mà Humboldt và Schleiermacher đóng góp vào nền giáo dục đại học tân tiến, đó chính là chủ trương tôn trọng công việc nghiên cứu khoa học, coi nó như là mục đích của đại học. Điểm thứ tới, đó là điều kiện căn bản để nghiên cứu, đó chính là tự do: tự do trong việc chọn lựa chủ đề nghiên cứu, tự do trong việc chọn phương pháp nghiên cứu, tự do theo đuổi lý tưởng, và nhất là tự do trong việc phát huy nghiên cứu trong môi trường đại học. Lẽ tất nhiên, công việc nghiên cứu khoa học luôn phù hợp với công việc nâng cao dân trí, phát triển tri thức, hoàn thiện xã hội (đạo đức). Nói cách khác, nghiên cứu khoa học luôn mang tính cách thực dụng.[21]
Chủ trương lấy công việc nghiên cứu khoa học làm mục đích chính này đã khiến ĐH Bá Linh phát triển một cách vượt bực. Trong một khoảng thời gian chưa đầy 50 năm, ĐH Bá Linh đã làm một cuộc cách mạng đại học, mạnh bạo và gây ra một ảnh hưởng sâu rộng trong nền giáo dục, không kém nền cách mạng Pháp (1789) trong phạm vi chính trị. Vào thập niên 1930s, ĐH Bá Linh đã có thể tự hào là đầu óc của thiên hạ. ĐH có những triết gia vĩ đại như Hegel, Fichte, Schelling; những nhà bác học thời danh như Max Planck, Albert Einstein, Werner Heisenberg, Niels Bohr (hai nhà vật lý này sau dậy tại Kopenhagen và Goettingen), những nhà thần học nổi tiếng như Schleiermacher. Và ta cũng không thể quên được thiên tài Karl Marx, linh hồn của chủ nghĩa xã hội. Marx từng dùi mài kinh sách tại đây vào những năm 1838-1841. Chính những vĩ nhân này đã đưa nước Đức lên tới bực thang cao chót vót làm thế giới khâm phục và hãi sợ dân tộc Đức.[22] Cũng chính ĐH Bá Linh này đã lôi kéo các đại học khác của Đức cạnh tranh trong công việc phát triển trí năng và phát minh khoa học. Và cũng chính ĐH Bá Linh này đã cho thấy là mọi sinh hoạt chính trị, kinh tế, kỹ nghệ, chiến tranh, tinh thần… đều liên quan mật thiết với tri thức. [23] ĐH Bá Linh đã chứng minh được sự chính xác của câu nói “Tri thức là Sức Mạnh” (hay tri thức là quyền lực, knowledge is power) mà Bacon đã từng đao to búa lớn vào đầu thế kỷ thứ 17.
Nhận thức được tầm quan trọng của nghiên cứu, của tấm gương Bá Linh, các đại học của Mỹ bắt đầu cải tổ, nới rộng mục đích của đại học sang khía cạnh nghiên cứu. Vào đầu thế kỷ thứ 20, các đại học thuộc phái Trường Xuân (Ivy League)[24] bắt đầu chú trọng tới vấn đề nghiên cứu. Họ đầu tư một số vốn rất khả quan vào nghiên cứu. Họ mời những giáo sư, khoa học gia, chuyên gia nổi tiếng từ Aâu châu qua. Họ tuyển chọn và cấp học bổng cho những sinh viên xuất sắc, và nhất là họ cộng tác mật thiết với các đại kỹ nghệ cũng như giới kinh doanh của Mỹ. Sau thế chiến thứ nhất, họ đã lôi kéo được những triết gia thời danh như Bertrand Russell, North Whitehead, những khoa học gia vĩ đại như Albert Einstein, Enrico Fermi, những đại thần học gia như Paul Tillich… tới dậy học hay nghiên cứu cho họ. Từ một đại học tầm thường thành lập năm 1636, ĐH Harvard, sau khi áp dụng chính sách nghiên cứu, đã vọt lên hàng đầu nước Mỹ ngay trước thế chiến thứ 2, và ngày nay, được công nhận như là một trong mười đại học thời danh nhất của thế giới. Lẽ tất nhiên là các đại học khác như Princeton, Columbia, Chicago, Cornell, Yale… cũng có những thành quả gần như vậy (Đại Học Princeton, nơi Einstein từng dạy học, dẫn đầu các đại học Mỹ liên tiếp trong ba năm nay). Họ mua chuộc nhân tài trên khắp thế giới, không phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo hay chính trị. Họ rộng rãi cung cấp mọi phương tiện thiết yếu cho công cuộc nghiên cứu.[25] Những nhà bác học Á châu đầu tiên đạt được giải Nobel (vật lý) như Dương Chấn Ninh, Lý Chính Đạo (Tầu)… đều học tại Mỹ (Princeton, Columbia) và tiếp tục làm việc cho họ. Ngày nay, các đại học số một tại Mỹ (cách chung) được cả thế giới coi như là những đại học ưu tú đáng tin cậy. Trung bình mỗi năm các đại học này chiếm được tới 2/3 tổng số của giải thưởng Nobel về đủ mọi mặt. Chỉ riêng một đại học Chicago đã từng đoạt được 63 giải Nobel trong lịch sử của giải.[26] Trong ngành kinh tế, đại học này đã chiếm được 14 giải Nobel trong gần 20 năm gần đây. Ngoài thành tựu khoa học, các đại học Mỹ đã sản sinh ra giới lãnh đạo của Mỹ và có lẽ của toàn thế giới.[27] Khá nhiều tổng thống Mỹ, và rất nhiều giới lãnh đạo trên thế giới từng xuất thân từ Harvard, Yale, Cornell, Columbia, Georgetown... Cựu tổng thống Bill Clinton (cùng với bà Arroyo, tổng thống Phi Luật Tân, cựu thống đốc Đài Loan, ông Tống Sở Lẫm, vân vân) từng tốt nghiệp ĐH Georgetown. Clinton cũng từng theo học tại ĐH Yale, và tu nghiệp tại ĐH Oxford. Hai cha con tổng thống Bush, cũng như bà thượng nghị sĩ Hilary Clinton đều là cựu sinh viên của Yale, trong khi cố tổng thống Kennedy, cựu phó tổng thồng A. Gore, W. Mondale, vân vân, đều là cựu sinh viên Harvard. Danh sách cựu sinh viên của các đại học trên thường chiếm phần lớn trong các bộ từ điển danh nhân thế giới (Who is Who).
3. Bài Học Á Châu
Trở lại Á châu, lịch sử đại học chỉ là một lịch sử tương đối ngắn ngủi. So với cả ngàn năm của Tây phương,[28] các đại học Á châu chỉ là những chú bé con đang tập tững bước đi. ĐH Bắc Kinh, ĐH Đông Kinh, tuy xấp sỉ quãng trên 100 tuổi, vẫn được coi như là những đại học cũ nhất của Á châu.[29] Tại Việt Nam, hai Đại Học Hà Nội và Sài Gòn, theo đúng nghĩa đại học, thì cũng chỉ có một lịch sử ngắn ngủi với quãng trên dưới 60 năm, kể từ thập niên 1950s, một vài năm sau cuộc Cách Mạng Tháng Tám. Sự sinh sau đẻ muộn của nền đại học Á châu khiến đại lục lớn và cũ nhất của nhân loại lẹt bẹt trong lãnh vực khoa học. Ta biết, từ thế kỷ 16 trở đi, khi Âu châu phát triển nền triết học, khoa học hiện đại, thì Á châu (trừ Nhật thời Minh Trị) với chính sách “bế quan tỏa cảng” và đặc biệt với nền giáo dục ý thức hệ “nhất sĩ nhì nông tam công tứ thương” đã thụt lúi một cách thảm hại. Mà giới sĩ phu chỉ là những con mọt sách, mà những sách chỉ ghi chép lại những giáo điều (kinh), những câu truyện (truyện) hay những thi phú vô thưởng vô phạt.
Điểm đáng nói là tuy có đại học, nhưng ngay cho tới gần đây, các trường tại Á châu vẫn chưa chú trọng tới nghiên cứu. Đại học chỉ là những “cơ quan” nhà nước, do nhà nước điều hành và phục vụ nhà nước (chứ không phải đất nước). Các đại học nổi tiếng như ĐH Hồng Kông, ĐH Bắc Kinh, ĐH Đông Kinh, ĐH Kinh Đô, ĐHQG Tân Gia Ba, ĐHQG Đài Loan, ĐHQG Hán Thành vốn chỉ là những lò đào tạo nhà chuyên môn, giới công chức, cũng như giai cấp lãnh đạo cho chính phủ.[30] Chính vì vậy mà tuy nổi tiếng, các đại học này vẫn thua xa các đại học lớn của Anh, Mỹ và Aâu châu. Nói cách chung, chúng chưa xứng với tầm mức đại học.
Chỉ rất gần đây, khi người Á châu ý thức được tầm quan trọng của nghiên cứu, và nhất là áp dụng chính sách tự do trong nền giáo dục đại học, họ mới bắt đầu có những đại học thực sự, theo đúng nghĩa đại học. Những năm gần đây, một số đại học như ĐH Đông Kinh, ĐH Kinh Đô đã có thể cạnh tranh với những đại học lớn của Mỹ,[31] những đại học như ĐHQG Đài Loan, ĐHQG Hán Thành, ĐHQG Tân Gia Ba, ĐH Hồng Kông… đã có một chỗ đứng vững vàng, vượt khỏi những đại học của Uùc Châu (Australia) và Tân Tây Lan (New Zealand),[32] và không thua kém đại học giỏi của Aâu châu. Các đại học Á châu bắt đầu thu hút được các học giả, chuyên gia cũng như sinh viên ưu tú trên thế giới,[33] và gần đây hơn cả, đã được thế giới chú trọng và kính nể.[34]
4. Thế Nào Là Tự Do Nghiên Cứu
Nói như thế, chúng ta đã có thể nhận ra một cách dễ dàng vai trò quan trọng của đại học cũng nhự sự thiết yếu của nghiên cứu khoa học. Thế nhưng quý vị giáo sư nước nhà có lẽ sẽ cho rằng, một quan điểm như vậy đâu có chi mới lạ. Nơi các nước theo xã hội chủ nghĩa, ta đều thấy có những Trung Tâm hay Viện Khoa Học Quốc Gia với những viện nghiên cứu khoa học, với một quy mô rộng lớn, và được nhà nước rất trọng dụng. Quả đúng như vậy. Những kết quả nghiên cứu khoa học (nhất là về chế tạo vũ khí, khoa học không gian) của các viện khoa học trên cũng đâu thua kém các nước tư bản.
Thoáng nhìn thì như vậy. Nhưng nếu đi sâu vào cách tổ chức, cũng như cách thế làm việc, ta thấy có rất nhiều khác biệt. Sự khác biệt rõ ràng và có tính chất quyết định nhất, đó là tính chất tự do trong công việc nghiên cứu và tính chất tương đối độc lập trong việc chọn đề tài, chọn nhân tài, chọn người hay cơ quan cộng tác, cũng như lương, bổng, lộc. Nếu trong các đại học Aâu Mỹ, học giả, giáo sư, sinh viên có thể tự do chọn đề tài nghiên cứu, tùy theo sở thích, thì các viện nghiên cứu của các nước xã hội thường nghiên cứu theo đơn đặt hàng của nhà nước. Nếu các đại học Aâu Mỹ có thể cộng tác với các hãng kỹ nghệ, sản xuất, hay giao dịch thì các viện nghiên cứu trong các nước xã hội chỉ có thể làm việc với những khách hàng mà nhà nước chỉ định (tức nhà nước, hay cơ quan của nhà nước). Chính vì thế mà, các viện nghiên cứu tại Nga, Tầu đã phát triển khá tốt trong các lãnh vực quốc phòng, vũ khí, hay cơ khí, nhưng lại quá chậm chạp trong mọi lãnh vực khác, nhất là thương mại, và những nhu cầu nhân sinh. Một khi nhà nước không đủ tài chánh để cung cấp cho các Viện Khoa Học, hay một khi nhà nước thay đổi chính sách, hay vì bộ máy hành chánh rùa bò của nhà nước (như trường hợp của Liên Sô vào thập niên 1980s), các viện nghiên cứu sẽ mai một, bởi lẽ họ không có thể tự kiếm ra được tài chánh trợ cấp cho công việc nghiên cứu của mình. Và nhất là, họ không thể cạnh tranh, đi vào những lãnh vực tiên tiến, và lẽ dĩ nhiên không thể sản xuất mại phẩm hợp với khẩu vị thị trường hiện nay. Họ cũng không bán (hoặc không được phép bán) ra được những sản phẩm của họ (đa số là vũ khí)ï.[35] Ngược lại, các đại học Aâu Mỹ luôn cộng tác với các hãng kỹ nghệ, buôn bán, sản xuất, cũng như với cả chính phủ. Các hãng kỹ nghệ, buôn, sản xuất… sẽ đầu tư 10% tới 20% lợi nhuận vào công việc nghiên cứu.[36] Họ sẽ quảng bá, sản xuất và bán các sản phẩm do đại học nghiên cứu. Và như vậy việc nghiên cứu luôn có động lực, và luôn phải hướng tới những khám phá mới, kết quả mới… để có thể sống còn. Chính điểm này khiến các đại học Aâu Mỹ cạnh tranh, cũng như hấp dẫn sinh viên và ban giáo sư.[37]
Điểm này đã được các chính phủ Trung Quốc, Nga và các nước Đông Aâu nhận ra khi họ giải tỏa hay giảm bớt tầm quan trọng của các Trung Tâm Khoa Học và tăng trợ cấp cho các đại học, cũng như tôn trọng quyền tự do nghiên cứu. Từ năm 1990 ĐH Bắc Kinh được tự do kinh doanh. Từ năm 1995 ĐH lại thêm quyền tự do thiết lập cơ sở sản xuất điện toán, và nhất là quyết định lương bổng.[38]
Để quý vị có thễ dễ dàng nhận ra điều mà chúng tôi hiểu như là tự do nghiên cứu, người viết xin tóm lại như sau. Mỗi đại học:
n Tự do trong việc chọn lựa đề tài, đối tượng nghiên cứu theo khả năng và sở thích, cũng như nhu cầu của xã hội, và của cả cá nhân.
n Tự do trong việc chọn phương pháp. Ta không nên ép buộc đại học phải theo đường lối nào, phương pháp gì, kiểu cách này hay nọ.
n Mỗi đại học tự lập trong vấn đề tài chánh. Nhà nước giúp ngân quỹ, tài trợ, nhưng không can thiệp vào vấn đề điều hành, chọn lựa nhân viên, ban giảng huấn, cũng như nghiên cứu. Các ĐH tư nổi tiếng của Anh (như Oxford, Cambridge, University of London) đều được chính phủ trợ cấp, nhưng không can thiệp vào nội bộ đại học. Các đại học Mỹ, cả công lẫn tư đều được hoặc chính phủ liên bang, hoặc chính phủ tiểu bang trợ cấp.
n Mỗi đại học được tự do đối ngoại, cộng tác với giới kỹ nghệ, thương gia hay với các cơ quan nghiên cứu quốc tế. Đại học có thể hợp tác ới các đại học ở ngoại quốc trong việc giảng dậy, nghiên cứu, huấn luyện, đào tạo… ĐHQG Đài Loan cộng tác với trên 100 đại học trên thế giới. Các giáo sư của ĐH Chicago, UC Berkeley, Stanford… thường tới dậy tại ĐHQG Đài Loan; các sinh viên của họ cũng được gửi tới để học tại đại học sau này.
n Mỗi đại học có quyền chọn lựa, thăng cấp hay loại bỏ ban giảng huấn, nghiên cứu và sinh viên nếu không đủ chuẩn mực khoa học (và chỉ theo chuẩn mực khoa học mà thôi). ĐH tự quyết định mức lương bổng, học bổng cho mỗi người khác nhau, chứ không theo chính sách bình quân. Người xuất sắc lương cao, sinh viên giỏi có học bổng, hay học bổng lớn. Tại các đại học Mỹ, mỗi giáo sư khi ký giao kèo đều có thể “mặc cả” đồng lương của mình với đại học.
n Thành lập ủy ban giám định theo tiêu chuẩn khoa học, giám định ban giảng huấn, nhân viên nghiên cứu, cũng như nghiên cứu sinh. Theo một số đại học như Harvard, ĐHQG Đài Loan, ĐH Đông Kinh thì các chuẩn mực có thể bao gồm: (1) Thành quả (xuất bản, giải thưởng khoa học, hoạt động hàn lâm, đỡ đầu luận án, hội thảo quốc tế khoa học)(70%), (2) Giảng dậy, mức độ yêu thích của sinh viên (sinh viên đánh giá cao, sinh viên theo lớp đông, giúp đỡ sinh viên…) (20%), và (3) tham dự vào sinh hoạt của đại học (giữ các chức vụ hành chánh, hay phụ trách các hoạt động của đại học…) (10%). Tổng cộng: (1) Thành quả: 70 + (2) Giảng dậy: 20 + Hoạt động: 10 = 100. 70 điểm đủ. 80 điểm ban khen. 90 điểm giải thưởng, tăng lương. Nếu không đạt tới tiêu chuẩn 70, sẽ bị cảnh cáo, không được trợ cấp, hay bị hạn chế; liên tiếp 2 năm cảnh cáo sẽ bị bãi chức (hay không được ký hiệp đồng tiếp tục).
n Bộ Giáo Dục nên tránh can thiệp vào việc bổ nhiệm, thăng chức. Đây là công việc nội bộ của mỗi đại học. Một giáo sư của một đại học kém, nếu được mời sang dậy một đại học khá hơn, rất có thể chỉ với tư cách như phó giáo sư, hay giáo sư trợ lý mà thôi. Đây là một phương thế cạnh tranh, rất cần thiết cho việc nghiên cứu, phát minh, sáng tạo. Nếu giáo sư ở đại học nào cũng giống nhau, thì làm sao có thể phân biệt được người hay, người kém?
n Nên để cho mỗi đại học tự chọn giới điều hành, từ cấp chủ nhiệm trở lên tới hiệu trưởng. Thí dụ tại ĐHQG Đài Loan, Hội đồng của Mọi nhân viên giảng huấn trong Khoa (Hệ, Sở) bầu Chủ nhiệm; trong Viện bầu Viện trưởng, và Hội đồng Đại diện của ban Giảng Huấn bầu Hiệu trưởng… Bộ, hay nhà nước chỉ có quyền phê chuẩn nhưng không có quyền chỉ định.
n Mỗi đại học tự do trong việc cấp phát văn bằng, thành lập cơ sở nghiên cứu. Bằng cấp của đại học kém ít khi được các kỹ nghệ, hãng hay cơ sở chính phủ và các cơ quan tư nhân chấp nhận.[39] Do đó có sự cạnh tranh giữa các đại học, cũng như việc các đại học kém bị đào thải.[40]
n Quan trọng nhất, là đại học được tự do mời, chấp nhận, hay tuyển chọn ban giảng huấn từ bất cứ nước nào, sắc tộc nào, đảng phái nào hay tôn giáo nào. Chỉ có một tiêu chuẩn quyết định, đó là tài năng của họ thấy qua công trình nghiên cứu. Ai giỏi, người đó được mời. Nhà nước giúp mọi cơ hội thuận tiện, bao gồm chiếu khán, quyền cư trú, hay nhập quốc tịch, hay trợ cấp ngân khoản để đại học có thể thu hút được nhiều nhân tài trên thế giới.[41]
n Được như vậy, đại học (theo đúng nghĩa) trở thành quốc tế. Chúng ta có thể thu hút được rất nhiều nhân tài. Nước Mỹ mạnh, bởi vì họ thu hút được hầu hết những người giỏi nhất của thế giới phục vụ cho họ.
5. Một Số Đề Nghị thay Kết Luận
Sau nhiều dịp về thăm quê hương, và từng được vinh hạnh thảo luận cũng như tham dự một số hoạt động hàn lâm nơi quê nhà, chúng tôi nhận ra được cố gắng của nhà nước cũng như của quý đại học trong công cuộc giáo dục đào tạo nhân tài. Tuy còn đương gặp nhiều khó khăn, từ tài chính tới nguồn nhân lực, chúng tôi nghĩ các đại học nước nhà vẫn có thể vươn lên, để ít nhất có thể cạnh tranh được ở Á châu, và nổi bật trong cùng Đông Nam Á. Lý do là chúng ta có rất nhiều nhân tài. Điểm chính yếu là làm sao đào tạo được đội ngũ này, và phân công, tổ chức, hoạt động một cách hữu hiệu mà thôi. Để được như vậy, chúng tôi xin được đề nghị với những vị hữu trách một số điểm như sau:
5.1. Phân Cấp
Nên phân nền giáo dục đại học thành ba cấp. Cấp thứ nhất chuyên về nghiên cứu khoa học, cấp thứ hai, đào tạo nhân viên hành chánh, chuyên nghiệp như kỹ sư, chuyên viên, bác sĩ… và cấp thứ ba mang tính chất cộng đồng, nâng cao dân trí, và phục vụ từng vùng hay địa phương.
n Trong cấp thứ nhất chuyên về nghiên cứu, chỉ nên tập trung vào từ 4 tới 10 đại học (thí dụ các đạí học Hà Nội, Tph Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Huế…) phát triển thành những đại học quốc tế gần giống như Trọng Điểm Đại Học của Trung Quốc, hay các đại học ưu tú của Mỹ, Nhật, Anh. Nơi dây, tự do nghiên cứu được tôn trọng tối đa. Nhà nước sẽ trợ cấp các chương trình nghiên cứu (trường hợp Đài Loan, Anh, Đức, Pháp…).[42] Các đại học được tư do hợp tác với các hãng kỹ nghệ, hay thương mại, hay sản xuất… phát minh, và sản xuất các vật dụng, khí cụ, thuốc men, hóa phẩm, nông phẩm vân vân.
n Trong cấp thứ hai, đại học đào tạo những cán bộ chuyên môn, giới công chức, hành chánh, kỹ sư, y sĩ, luật sư. Đại học ở cấp này cần một kiến thức chắc chắn, thực dụng. Nó sẽ sản sinh ra giới điều hành cũng như thi hành những chương trình, dự án… của quốc gia, xã hội.
n Nơi cấp đại học thứ ba, còn gọi là đại học cộng đồng, mục đích chỉ để nâng cao dân trí, chú trọng đến những kiến thức địa phương, những vấn đề xã hội, nền giáo dục văn hóa và cách sống của người dân…
5.2. Đa Diện, Đa Hóa
Khuyến khích thành lập các đại học tư lập, nhất là các đại học chuyên về nghiên cứu. Như chúng ta biết, thường thì các đại học tư được hoặc các giáo hội tôn giáo, các hãng kỹ nghệ, hay các cơ sở thương mại thành lập.[43] Thế nên, các đại học này luôn luôn như là bộ óc của các tôn giáo, tổ chức, hãng hay cơ sở đó. Như các hãng kỹ nghệ, kinh doanh, tổ hợp, các đại học tư, để có thể sống còn, sẽ phải cố gắng và cạnh tranh. Chính nhờ vào cạnh tranh mà nghiên cứu càng phát triển. Nền giáo dục đại học tại Mỹ, phát triển mạnh là nhờ vào hệ thống đại học tư lập. Các đại học lớn thuộc phái Trường Xuân (Ivy League) là các đại học tư lập thuộc các giáo hội khác nhau. Những đại học nổi danh như Rockerfeller, Carnegie-Mellon, Colgate đều là những đại học do các doanh gia thành lập.
2.1. Thế nên, đề nghị nhà nước nên cộng tác hay khuyến khích các giáo hội tôn giáo thành lập đại học. Như nhà nước từng nhấn mạnh, cũng như tôn trọng và khuyến khích, việc tham gia vào công tác giáo dục của mọi công dân vốn được hiến pháp nước nhà đảm bảo. Thế nên, nhà nước không nên (thực ra, không có quyền) hạn chế công dân, và các tổ chức, bao gồm giáo hội tôn giáo, thành lập đại học hay các trường học. Như chúng ta đều biết, những đại học nổi tiếng nhất trên thế giới đa số đều do các giáo hội của các tôn giáo khác nhau thành lập. Thí dụ tại Anh: ĐH Oxford, ĐH Cambridge (Anh giáo); tại Bỉ: ĐH Louvain (Công giáo); tại Pháp: ĐH Sorbonne (Công giáo cho tới thời Napoléon); tại Ý: ĐH Sacre Cuore, ĐH Gregoriana (Công giáo); tại Mỹ: ĐH Harvard, Yale, Princeton, Stanford, Johns Hopkins (Tân giáo), Georgertown, Notre Dame, Boston College… (Công giáo), Rice, Pensylvannia, Columbia, Cornell, Boston University, Emory (Tin lành), vân vân. Lý do mà tôi đề nghị nhà nước khuyến khích các tôn giáo mở đại học viện đại khái bao gồm: (1) Các đại học do các tôn giáo có những bảo đảm căn bản, họ không vụ lợi, và không làm buôn bán. Thế nên có đảm bảo lâu dài, và không dễ dàng bị lạm dụng. (2) Thứ tới, thường thì các giáo hội tổ chức rât chặt chẽ trong lãnh vực giáo dục và đạo lý, thế nên tổ chức lành mạnh hơn các đại học tư nhân khác. (3) Vả lại có một sự cạnh tranh giữa các giáo hội. Chính vì vậy mà họ rất chú trọng đến nghiên cứu và đào tạo nhân tài. Hệ thống giáo dục của Dòng Tên (Society Jesu) của Công giáo được cả thế giới công nhận là một hệ thống giáo dục đào tạo ra rất nhiều nhân tài: Galileo, Descartes, Rousseau, Pasteur, de Gaulle, Bill Clinton… và cả Karl Marx từng là học trò của các trường trung học hay đại học do tôn giáo điều khiển. (4) Ngay trong Giáo hội Tin Lành, mỗi giáo phái đều có đại học riêng, cạnh tranh rất mạnh. Địch thủ chính của Harvard là ĐH Yale. Đại học sau được thành lập với mục đích để làm “áp lực” với ĐH Harvard (mặc dù cả hai đều thuộc cùng một giáo hội). Tương tự ĐH Stanford muốn làm bá chủ thay thế địa vị của Harvard…[44] và bên Anh, ĐH Cambridge thách đố ĐH Oxford. (4) Hệ thống đại học tư lập, và đại học do các tôn giáo có thể giúp nhà nước tiết kiệm rất nhiều chi phí, công việc, nhưng lại đào tạo được rất nhiều nhân tài.[45] (5) Các đại học tư nếu được tổ chức hoàn thiện có thể tránh khỏi những vấn đề hiện nay của nhiều đại học tư lập như ĐH Đông Đô ở Việt Nam, và nhất là không vướng vào bệnh quan liêu, chậm chạp, vân vân, thấy nơi nhiều đại học công lập.
5.3. Vấn Đề Lương Bổng
Phải trả lương một cách tương xứng cho những người làm việc tại đại học. Lý do như sau: (1) Ta không nên theo chính sách bình quân trong vấn đề lương bổng, bởi vì lương bổng là một động lực chính yếu nhất khiến mọi người (cách chung) cố gắng. Theo Marx, mỗi người phải được hưởng cái mà ông ta xứng đáng được (tức “theo nhu cầu và khả năng” như Marx từng tuyên bố trong Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản 1848). (2) Chủ trương bình quân làm giảm bớt động lực, khiến không ai cố gắng, hay hy sinh thêm. Sự thất bại trong chính sách nông nghiệp tại Liên Xô, Trung Hoa và có lẽ cả ở Việt Nam, một phần là do nông dân thiếu động lực sản xuất, và có lẽ thiếu cả trách nhiệm bảo vệ. Nếu người giỏi giang cũng chỉ được trợ cấp như kẻ dốt nát, người rất cố gằng cũng chỉ được trả lương như kẻ lười biếng, thì còn ai muốn làm việc, nhất là khi mà động lực yêu nước không còn mạnh mẽ như trong thời bảo vệ đất nước. (3) Mỹ vượt khỏi Aâu châu và mọi nước khác, vì họ dám trả đồng lương khá hậu hĩ cho những người nghiên cứu giỏi. Hiện tượng “óc rữa” (brain-drain) nơi các nước nhược tiểu nói rõ sự thành công của Mỹ. Nhân tài của các nước này nhận làm việc cho Mỹ, bởi vì họ không thể sống được với đồng lương “sống giở, chết giở” của họ nơi quê nhà. (4) Đã đến lúc chúng ta nên tạm ngưng chửi “Mỹ đế quốc” (lẽ diên, Mỹ đáng chửi), bởi lẽ có chửi rã họng đi nữa, thì chúng ta vẫn chẳng có nhân tài, mà không nhân tài, thì suốt đời chúng ta vẫn chỉ là những nước nhược tiểu mà thôi. Ngược lại, tôi xin đề nghị nhà nước nên hy sinh bóp bụng trả một đồng lương xứng đáng cho nhân tài để họ ra sức làm việc cho đất nước.[46] Nước Tân Gia Ba tuy nhỏ, nhưng có nhân tài, nên được thế giới kính nể. Các nước Thụy Sỹ, Aùo quốc, Bỉ, Hòa Lan… cũng nhỏ thôi, nhưng có ai dám khinh chê họ. Bởi lẽ họ có rất nhiều nhân tài.[47] Chỉ một nước Aùo (với quãng 7-8 triệu dân, và diện tích bằng 1/5 của Việt Nam) đã có thể chiếm được trên dưới 20 giải Nobel. Vào thập niên 1980s, Đài Loan đã áp dụng chính sách này, và do đó họ đã lôi được khá nhiều nhân tài trở về phục vụ Đài Loan. Các Giáo sư Lê Nguyên Triết (Nobel hóa học), Giáo sư Trương Quang Trực (nhà khảo cổ thời danh của ĐH Harvard)… đã bỏ Mỹ để trở lại Đài Loan. Gần đây, chính phủ Bắc Kinh cũng đã bắt đầu chính sách tương tự. Họ lôi kéo những nhà vật lý tài ba như Dương Chấn Ninh, Lý Chính Đạo… (Nobel vật lý) về dậy tại Trung Hoa.
Ngoài ra, với đồng lương tương xứng, nhân viên tại đại học sẽ ít tham nhũng hơn. Họ sẽ không lạm dụng đại học để làm chuyện tư nhân. Và như vậy, đại học có thể tiết kiệm được một ngân quỹ khả quan.[48]
5.4. Lôi Cuốn Nhân Tài Từ Mọi Nước. Đào Tạo Một cách Đa Diện
Như quý vị còn biết nhiều hơn cả chúng tôi, mỗi nước, mỗi nền giáo dục có những đặc sắc riêng. Trong quá khứ, nhà nước thường chỉ gởi cán bộ tu nghiệp hay huấn luyện tại một số nước, mà hệ thống, lối tổ chức và cách thế tư duy tương đối đồng nhất. Nhưng chính vì quá đồng nhất mà thiếu cạnh tranh; chính vì quá giống nhau, nên ta không thấy có những cái khác, mới hơn, hay hơn; và nhất là, chính vì đồng nhất mà chúng ta đóng kín. Một kiểu bế quan tỏa cảng mới ở thế kỷ 20. Để tránh cái nguy hại này, chúng tôi xin đề nghị nhà nước gửi người đi tu nghiệp hay học nghiên cứu ở nhiều nước khác nhau, nhiều nền văn hóa khác nhau, không phân biệt tôn giáo, chính trị….
n Lẽ đương nhiên, cái học phải liên quan tới nhu cầu của đất nước. Trong giai đoạn hiện đại, nhà nước càng nên chú trọng tới những lãnh vực sau đây: canh nông, ngư nghiệp, công nghiệp, kỹ nghệ, giao thông, y học, và dược học.
n Vấn đề văn hóa cũng rất quan trọng, bởi lẽ văn hóa gắn liền với phát minh khoa học. Chế độ dân chủ, xã hội, cộng hòa luôn gắn liền với nền văn hóa Tây phương, đặc biệt là Kitô giáo; trong khi sự phát triển kỹ nghệ, tư bản, khoa học gắn liền với phái tân giáo (lý thuyết của Max Weber).[49] Tương tự, sự phát triển của các con rồng Á châu phần nào cũng liên hệ với nền đạo đức, giáo dục của Nho giáo.[50]
n Là người Việt, chúng ta phải đặc biệt chú trọng văn hóa của mình, những nền văn hóa liên quan với lịch sử của minh, và ngay cả nền văn hóa của cả kẻ thù. Họ có thể xâm lược, đàn áp chúng ta. Nếu chúng ta không “biết người, biết mình” thì làm sao có thể “trăm trận trăm thắng” được? (Binh pháp Tôn Tử). Thế nên, mỗi đại học, đặc biệt đại học nghiên cứu, cần phải có những trung tâm nghiên cứu về Việt học (Vietology và Vietnamese Studies, bao gồm Hán Nôm), Hoa học (bao gồm Hán học), Aâu Mỹ học, Đông Nam á học, Tôn giáo học, vân vân…
5.5. Ngân Quỹ Giáo Dục và Nghiên Cứu
Điểm quan trọng nhất, và quyết định nhất vẫn là ngân quỹ giáo dục và nghiên cứu mà nhà nước cần phải đầu tư. Tại các nước tiền tiến, tổng số ngân quỹ đầu tư vào giáo dục quãng 15% tổng số thu nhập của một quốc gia. Tại nhiều nước như Nhật, Tân Gia Ba, Đức, Bắc Aâu, ngân quỹ này còn cao hơn, đôi khi tới 18% chưa kể nghiên cứu. Trong tình thế đất nước hiện nay, chúng tôi đề nghị một ngân quỹ tối thiểu là 15%, và được hiến pháp đảm bảo. Điều này có nghĩa là, dù ở bất cứ hoàn cảnh thiếu thốn tới đâu, ngân quỹ giáo dục luôn phải là 15%. Nếu kinh tế mạnh, ngân quỹ sẽ tăng lên, nhất là trong lãnh vực nghiên cứu.[51]
Lẽ dĩ nhiên còn rất nhiều đề nghị, mà vì phạm vi của bài tham luận này nên chúng tôi tạm không bàn đến. Trong tinh thần của các bài điều trình mà cụ Nguyễn Trường Tộ từng gửi tới triều đình nhà Nguyễn, trong tâm hồn hướng về đất nước, tôi xin gửi tới nhà nước và quý vị hữu trách những ý kiến trên, mong được tham khảo.
Trần Văn Đoàn