Đến làng Xuân Dương lúc này đang ở thời điểm nóng. Nóng chuyện trộm cắp, rồi nóng chuyện nghiện ngập, lô đề. Sống ở quê mà người dân lúc nào cũng phải nơm nớp, thành ra cứ chập tối nhà có việc mới để cửa, còn lại đều đóng kín mít. Cẩn thận là thế, vậy mà trộm cắp vẫn như cơm bữa. Còn nếu tính chung cả xã trong vòng có một tháng, số vụ trộm đã lên hàng chục. Lớn thì xe máy, con trâu, con bò, lặt vặt thì con gà, nải chuối… nhưng phổ biến nhất vẫn là trộm chó.
Trộm cắp, nghiện ngập nhiều đến nỗi mỗi lần họp đầu tháng ở UBND xã lúc nào cũng xoay quanh vấn đề an ninh trật tự mà nổi cộm nhất vẫn là ở Xuân Dương. Ông Lê Hồng Thanh xóm trưởng đã xấp xỉ 60 tuổi. Sống ở Xuân Dương gần trọn đời người nhưng chưa bao giờ ông thấy lo lắng, buồn não như lúc này. Những con số thống kê đủ để lý giải vì sao ông Thanh lại sợ phải làm xóm trưởng đến thế: Xuân Dương có 102 hộ, 678 khẩu, đa phần là những hộ ở xuôi lên đi nông trang những năm 63-64. Hiện nay, hầu hết thanh niên trong xóm lớn lên đều rời quê đi làm ăn xa.
Dẫn tôi đi một vòng quanh làng, ông Thanh vừa buồn vừa ngại. Buồn vì cái nghèo vẫn còn đeo bám, ngại vì tiếng là quê nhưng “làng giờ cứ như một mớ hỗn độn”. Làng trên một trăm gia đình thì 70% hộ có hàng rào, cửa ngõ lúc nào cũng đóng im ỉm, kể cả khi có người ở nhà. Còn những hộ còn lại, ông bảo rằng vì nhà người ta nghèo quá, không có gì cho bọn trộm lấy cũng chẳng có tiền làm cổng nên mới để tênh hênh ra thế.
Và, cứ khoảng vài chục bước chân ông lại chỉ ra một gia đình có người bập vào tệ nạn. Gia đình bà Th có hai ông con trai chết vì nhiễm HIV. Cạnh đó, đôi vợ chồng tên H và T, chồng chết được vài tháng thì vợ cũng phát bệnh chết theo. Hai đứa con giờ chia cho nội ngoại hai bên nuôi nấng…
Từ năm ông Thanh làm xóm trưởng đến nay, 9 trường hợp chết trẻ liên quan đến ma túy, 2 đối tượng đang nằm trong trại, còn thanh niên làng nghiện ngập thì khó thống kê hết. Ma túy nhiều sinh trộm cắp, đánh nhau. Chỉ trong vòng có một đêm mà 4 nhà trong xóm đều kêu mất chó, mất gà. Thậm chí đến bây giờ chuối trong vườn cũng phải thường xuyên để mắt. Hở ra cái chưa kịp chặt xuống đã có bọn trộm chặt thay cho rồi. Ông kể, ngay như vừa rồi trong làng có đám cưới của đứa cháu trong họ mà một lúc mất trộm tới hai chiếc xe máy, không như trước đây lỡ có uống rượu say về vứt cả xe trước cổng cũng chẳng ai thèm ngó tới.
Chuyện trộm cắp, nghiệp nghập thì chưa biết đến lúc nào có hồi kết thì bây giờ dân Xuân Dương lại rộ lên chuyện lô đề. Người người lô đề, nhà nhà lô đề. Đi đâu cũng thấy bàn tán rôm rả về chuyện lô đề. Gay cấn, kịch tính bi hài và nhất là những lúc chập chiều khi sắp tới giờ quay kết quả xổ số và lúc có tin nhắn báo kết quả. Nhà thì mổ gà uống rượu, người thì tiếc “hùi hụi”, người thì chửi rửa công ty xổ số. Tôi cứ tưởng chuyện lô đề tận đâu ở dưới thành phố, nhưng khi đến làng quê trung du hẻo lánh này mới thấy mình đúng là “đồ nhà quê”, người ta luận đề, mơ đề, phán đề cứ vanh vách, rồi đánh lô cũng “ác” không kém, đánh con lô vài trăm điểm ở đây là chuyện thường.
Chuyện trúng hay mất ở lô đề ở đâu thì tôi không rõ, ông Thanh kể, nhưng rõ nhất là thằng con trai bà Kỳ hôm qua vừa “cắm” chiếc xe Ware đánh lô bị bà Kỳ chửi te tua, cả xóm mà không ai là không nghe thấy. Hay như, thằng Hùng người làng Xuân Dương vừa xây xong ngôi nhà 2 tầng ở ngoài Cừa đã phải bán gấp, nghe đâu thua đề mấy trăm triệu nên bán nhà để trả nợ.
Thử nhờ xóm trưởng lý giải, ông bảo rằng: “Chung quy cũng tại vì nghèo mà ra cả. Người ta bảo có tiền mới hư chứ như dân tôi đói nghèo sinh ra tệ nạn. Trước đây dân Xuân Dương cũng lành lắm chứ. Nhưng từ khi ngoài Cừa thành lập nên làng nghề gạch ngói đã thu hút không ít dân tứ xứ đổ về đã kéo theo nhiều tệ nạn. Đã vậy, ruộng đất lại ít, nên thanh niên người thì kéo nhau ra Cừa làm ngói, người thì đi làm ăn khắp nơi. Học hay thì ít học dở thì nhiều, ma túy, trộm cắp, lô đề, thói giang hồ cũng từ đó mà kéo về Xuân Dương tự lúc nào không biết. Dân đâm ra lưu manh nên làng ngày càng loạn”.
Có một điều lạ ở làng quê tôi đến như ở Xuân Dương, người dân hoang mang, lo lắng cho cuộc sống làng quê, cho con cái, cho tương lai họ lắm nhưng cán bộ địa phương lại xem đó là chuyện bình thường. Chủ tịch xã Bùi Xuân Hùng vẫn tự tin: Tình hình đang trong tầm kiểm soát của chúng tôi.
Cho dù chắc chắn một điều vị chủ tịch xã này thừa biết cuộc họp nào cũng bị kêu ra rả, cuộc tiếp xúc cử tri nào dân cũng phàn nàn thì không bình thường chút nào. Họ không sâu sát hay thừa biết thực tế địa phương nhưng lại xem đó là chuyện bình thường?