* Việc tổ chức hội thảo “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử” vừa qua gây nhiều dư luận trái chiều, theo ông, nguyên nhân chủ yếu là do đâu?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn: Tôi tham gia hội thảo trong tư cách người thẩm định các tham luận và viết báo cáo tổng kết. Văn bản báo cáo tổng kết hội thảo cũng đã được “văn hành công khí”. Về những dư luận trái chiều, tôi cho rằng có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, do những đặc điểm của chính thơ Hoàng Quang Thuận (vị thế tác giả; màu sắc truyền kỳ gắn với sự ra đời các bài thơ và tập thơ; nội dung và hệ thống chủ đề gắn với non thiêng Yên Tử; quá trình xuất bản, tái bản, truyền bản ở trong nước và nước ngoài; các kỷ lục về cân nặng và số lượng phát hành; vai trò các nhà thơ, nhà phê bình và độc giả nói chung đã góp phần tạo nên dư luận trong suốt hơn một thập kỷ vừa qua, v.v…). Có thể nói hiện tượng thơ Hoàng Quang Thuận đã nằm trong “tầm đón đợi” với rất nhiều dự cảm và đánh giá khác nhau của dư luận bạn đọc. Thứ hai, từ chính những đặc điểm của thơ Hoàng Quang Thuận đã dẫn đến những cách tiếp nhận, cảm nhận, lý giải và đánh giá khác nhau, thậm chí đúng là “gây nhiều dư luận trái chiều”. Thực tế qua hội thảo về thơ Hoàng Quang Thuận, tôi thấy các nhà phê bình đã không chỉ một chiều tung hô mà còn có nhiều ý kiến khác chiều, trái chiều. Những ý kiến khác biệt, trái chiều này thể hiện ngay ở các tham luận và ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội thảo chứ không phải chỉ ở dư luận sau hội thảo, “hậu” hội thảo. Nói trộm thế này, tôi rất lấy làm ngại về những hội thảo khoa học mà chỉ có sự đồng thuận, đồng ý, đồng tình, ca ngợi một chiều…
* Có ý kiến cho rằng, thơ ông Thuận không xứng đáng để hội thảo, ông thấy thế nào? Và theo ông thơ như thế nào thì “được” tổ chức hội thảo?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn: Đây là một trong những vấn đề mấu chốt mà chúng ta cần thẳng thắn đối thoại, luận bình. Cá nhân tôi cho rằng thơ của nhà thơ Hoàng Quang Thuận là một “hiện tượng” đúng nghĩa, đã xuất hiện trên văn đàn từ 14 năm nay, dài gần bằng cả quãng đời 16 năm lưu lạc của Thúy Kiều. Như chúng ta đều biết, thơ Hoàng Quang Thuận tự nó đã có một số phận, một đời sống riêng và được dư luận chú ý. Cần khẳng định rằng hiện tượng thơ Hoàng Quang Thuận hoàn toàn có quyền bình đẳng với nhiều hiện tượng thơ khác (thơ hình thể, thơ trình diễn, thơ in lịch, thơ xếp đặt, thơ hú hét, thơ loạn, thơ viết trên thúng, mủng, giần, sàng…). Việc tổ chức hội thảo thơ Hoàng Quang Thuận chính là nhằm đặt thơ ông trên bàn nghị sự, đưa thơ ông ra trước dư luận để mọi người cùng phân tích, lý giải, chỉ rõ mức độ những hạn chế, đúng sai, được mất. Chỉ có qua hội thảo (và dư luận “hậu hội thảo”) thì công chúng bạn đọc mới dần đánh giá đúng hiện tượng thơ Hoàng Quang Thuận.
Đã đến lúc chúng ta không nên đánh đồng việc “được” tổ chức hội thảo như một sự tung hô, vinh danh một chiều. Thực tế cho thấy đối tượng “được” tổ chức hội thảo còn tùy thuộc vào “tính vấn đề” của đề tài. Ở đây, “tính vấn đề” của hội thảo “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử” là nhằm lý giải hiện tượng thơ Hoàng Quang Thuận cả về phía chủ thể sáng tạo cũng như phía người tiếp nhận đã tồn tại trong suốt mười mấy năm qua. Bạn đọc theo dõi câu chuyện thời sự “hậu hội thảo” thơ Hoàng Quang Thuận mới rõ thêm các vấn đề thơ thiền và thơ mang cảm quan Phật giáo, mối quan hệ giữa nội dung và hình thức, sự thật Hoàng Quang Thuận “đạo văn” hay không “đạo văn”?… Nhìn rộng ra, tác giả nào, tập thơ nào thực sự có “tính vấn đề” thì đều có thể bình đẳng trở thành đối tượng của các cuộc hội thảo…
* Phần lớn các tham luận dự hội thảo cũng được cho là “bốc thơm” tác giả, là người phụ trách việc thẩm định bản thảo tham luận, ông nói gì?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn: Như tôi đã nói, chính vì thơ Hoàng Quang Thuận có “tính vấn đề” nên đã nảy sinh nhiều ý kiến khác biệt và trái chiều. Bản thân hiện tượng “gây nhiều dư luận trái chiều” trong hội thảo này cũng chính là một vấn đề có “tính vấn đề” cần phải giải quyết. Ở đây thực sự có nhiều ý kiến “bốc thơm” và đồng thời cũng có nhiều ý kiến phê phán, phản bác, chê bai đến tan tành xác pháo. Điều này có lý do bởi mỗi nhà phê bình sẽ tùy thị hiếu, tùy cơ duyên và sự khế hợp, “thông kênh” với chất thơ Hoàng Quang Thuận mà có cách định vị khác nhau. Ngay với từng câu, từng bài thơ và cả tập thơ, có người cho là hay và tuyệt hay, có thể đưa vào tuyển thơ thế kỷ và dự giải Nobel, nhưng có người lại cho là thứ thơ bắt vần, nhảm nhí, chẳng phải tiền nhân ban cho, cũng chẳng phải thơ thiền, chẳng phải Đường luật chi ráo. Thơ Hoàng Quang Thuận, nếu được 100% người “bốc thơm” thì may chăng có thể đưa dự giải Nobel; nếu bị 100% người đồng thuận chê thì chắc chắn đã không thể có hội thảo khoa học này. Trên tư cách người thẩm định các tham luận, tôi tôn trọng các ý kiến riêng và cố gắng tổng thuật một cách khách quan các nội dung chính, bao gồm cả khen và chê.
* Việc cư xử với tham luận do Ban tổ chức “đặt hàng” và các tham luận tự do gửi đến có gì khác biệt?
PGS. TS.Nguyễn Hữu Sơn: Trên tư cách người thẩm định bản thảo và tổng kết hội thảo, tôi thấy không có gì khác biệt và “cư xử” thật sự bình đẳng với mọi tham luận.
Xin cám ơn ông!
Phúc Thiện Nguyên (thực hiện)
Bản do tác giả Nguyễn Hữu Sơn gửi cho VHNA. Bài đã đăng trên GD & TĐ.
Tiêu đề bài viết là của VHNA
TỔNG KẾT HỘI THẢO
HOÀNG QUANG THUẬN VỚI NON THIÊNG YÊN TỬ
Kính thưa…
Cho đến 9 giờ sáng hôm nay, Ban tổ chức Hội thảo “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử” đã nhận được 21 bản tham luận của các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình, cán bộ giảng dạy, nhà báo thuộc nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương; từ khắp các vùng miền Quảng Ninh, Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt – Lâm Đồng…
Thay mặt Ban tổ chức, tôi xin tổng kết nội dung Hội thảo theo bốn nhóm vấn đề chính sau đây.
1- Trước hết, chúng ta cần thừa nhận và ghi nhận sự xuất hiện tập thơ Thi vân Yên Tử của tác giả Hoàng Quang Thuận như một “hiện tượng” văn học (bên cạnh nhiều “hiện tượng” khác) bởi tự nó đã có một số phận, một đời sống lịch sử riêng; bởi đã có thủ bút nhận xét của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bởi những kỷ lục về khổ sách, khối lượng sách, số lượng in, mức độ phổ cập ở trong nước cũng như thế giới và số lượng các bài nghiên cứu, phê bình, giới thiệu, đọc sách, điểm sách, phỏng vấn, trao đổi, luận bình xuất hiện trong suốt thời gian qua… Trong Hội thảo lần này, một vấn đề nổi bật được các nhân chứng và nhiều nhà phê bình như Nguyên An, Dương Kỳ Anh, Nguyễn Hòa, Linh Sơn, Đỗ Ngọc Yên… quan tâm là khả năng sáng tạo của tác giả Hoàng Quang Thuận thuộc “dòng thơ tâm linh”, “viết thơ như lên đồng”, “viết trong vô thức”, “tiền nhân mượn bút”, có yếu tố “trời cho”, “phút giây xuất thần”, “nhập thần”, “thiên linh dẫn dắt”, “cảm thức tâm linh”, “phút giây mặc khải”… Điều này được nhà thơ Hữu Việt nhấn mạnh trong đề dẫn: “Hiện tượng này, qua cuộc hội thảo hôm nay, chúng ta cũng mong muốn sẽ được lý giải phần nào”. Đây là một vấn đề thậm khó. Nhà phê bình Nguyên An tỏ ý xác nhận hiện tượng này và liên hệ với trường hợp thi sĩ Hoàng Cầm từng sáng tác một số bài thơ trong các tập Về Kinh Bắc, Mưa Thuận Thành, Lá diêu bông như có người mách bảo trong mơ. Với kinh nghiệm của người sáng tác, nhà thơ Hữu Thỉnh xác định: “Tuy vậy, không nên thần bí hóa khi giải thích các bài thơ của anh. Làm như thế vô tình làm hạ thấp vai trò của chủ thể”... Nhìn rộng ra, đây là hiện tượng tựa như shaman giáo, giáng bút của thần tiên, nhập thần, lên đồng, Tết nhảy của người Dao; hoặc với chứng dẫn Phùng Khắc Khoan gặp tiên giáng bút thơ ở phủ Tây Hồ, hoặc sự tồn tại của 254 tập thơ được coi là thơ giáng bút hiện được lưu trữ ở Viện Hán Nôm. Chỉ có điều lối thơ nhập thần, giáng bút kỳ bí này phát tiết cực nhanh nhưng thường nôm na, thiếu tính nghệ thuật và chỉ được lưu truyền trong phạm vi khá hạn hẹp. Với trường hợp thơ Hoàng Quang Thuận, rất tiếc rằng cho đến nay giới nghiên cứu, phê bình lại vẫn chưa có được lời giải thích nào thật cặn kẽ, thỏa đáng.
2- Trong số 21 tham luận dự Hội thảo lần này có hai tác giả là Dương Kỳ Anh và Linh Sơn có liên hệ và chú ý nhiều hơn đến Hoa Lư thi tập, còn lại chủ yếu tập trung vào việc bàn luận Thi vân Yên Tử. Ở đây có năm nhà phê bình là Ngô Hương Giang với tham luận Cảm hứng thiền trong thơ Hoàng Quang Thuận, Hà Ngọc Hòa với tham luận Không gian “thiền” trong Thi vân Yên Tử, Vũ Bình Lục trong tham luận Thi vân Yên Tử với tâm thiền Hoàng Quang Thuận, Trần Thị Thanh với Thiền vị trong Thi vân Yên Tử của Hoàng Quang Thuận và Phạm Quang Trung với Cảnh vật trong cảm thức Thiền tông là trực diện nhấn mạnh khía cạnh ngọn nguồn cảm hứng thiền, tâm thế thiền và xa gần xác định các đặc điểm thơ thiền Hoàng Quang Thuận. Còn lại các tham luận thường dè dặt trong cách nói về một “Cảm thức tâm linh…” (Dương Kỳ Anh), “Dấu tích vua Phật Trần Nhân Tông…” (Đặng Hiển), “Một chân dung thơ Phật tính hiền truyền” (Hoàng Trung hiếu), “Chữ tâm trong Thi vân Yên Tử” (Mộc Lan), “Có một nhà thơ danh sơn Yên Tử” (Trần Nhuận Minh), “Yên Tử qua thơ Hoàng Quang Thuận” (Thu Phong), “phép nhiệm màu của tâm thức” (Linh Sơn), “Vẻ đẹp cõi Phật” (Nguyễn Toàn Thắng), “Tình yêu đất nước và chất thiền” (Thế Trung), “Lạc đạo tùy duyên cùng Thi vân Yên Tử” (Đỗ Ngọc Yên)… Điều này cho thấy những băn khoăn và cách hiểu với nhiều mức độ khác nhau trong việc định giá thơ Hoàng Quang Thuận thực sự là thơ thiền hay chỉ là thơ mang cảm quan Phật giáo, thơ viết về vùng đất Phật Yên Tử?
3- Từ thực tế nêu trên, người đọc tất yếu sẽ đặt ra những câu hỏi và mở ra những hướng lý giải khác nhau: Nếu thơ Hoàng Quang Thuận không phải là thơ thiền thì là thơ gì? Liệu có thể định tính được những sản phẩm thơ mang cảm quan Phật giáo và thơ viết về vùng đất Phật Yên Tử của Hoàng Quang Thuận hay không?
Có thể nói đây là vấn đề nan giải bởi ngay với các bài thơ thiền hay thơ kệ thời Lý – Trần và thơ dưới thời trung đại mang cảm quan Phật giáo thì ranh giới cũng chưa phải đã rõ ràng. Với Thi vân Yên Tử, các nhà nghiên cứu, phê bình đã khảo sát, phân tích từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Chẳng hạn, Vũ Bình Lục trong tham luận Thi vân Yên Tử trong tâm thiền Hoàng Quang Thuận nhận diện: “Cả tập thơ 143 bài viết về một kỳ quan, một danh thắng vốn là trung tâm Thiền phái Trúc Lâm Đại Việt, quả là xưa nay chưa từng thấy”… Nguyễn Toàn Thắng trong tham luận Vẻ đẹp cõi Phật trong Thi vân Yên Tử của Hoàng Quang Thuận đã tiến hành thống kê, phân loại 143 bài thơ trong Thi vân Yên Tử thành bốn đề tài: 1) Thơ viết về cảnh đẹp Yên Tử trong không gian Phật giáo; 2) Thơ viết về huyền thoại Thiền phái Trúc Lâm và Phật Hoàng Trần Nhân Tông; 3) Thơ viết về các vị cao tăng đắc đạo của Thiền phái Trúc Lâm; và 4) Thơ viết về các trạng thái Niết Bàn nơi Cõi Phật…; từ đó đi đến xác định: “Toàn bộ Thi vân Yên Tử là một thế giới tinh thần Phật giáo Việt Nam với muôn vàn cảm xúc… Hoàng Quang Thuận đã tạo ra được vẻ đẹp cõi Phật của Thiền phái Trúc Lâm trong cánh rừng chữ nghĩa bạt ngàn của Thi vân Yên Tử”. Có thể nói cách hiểu này không đồng thuận với những ý kiến mặc nhiên coi Thi vân Yên Tử là thơ thiền. Tương đồng với cách hiểu trên đây, Đỗ Ngọc Yên trong tham luận Lạc đạo tùy duyên cùng Thi vân Yên Tử xác định: “Có thể nói, đây là tập thơ duy nhất chỉ viết về phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và Phật tích của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử”, đồng thời nhấn mạnh đặc điểm hệ thống chủ đề: “Cụ thể sự phân chia các chủ đề trong Thi vân Yên Tử như sau: Các bài thơ nói về vua quan nhà Trần có 12 bài, Phật tử 22 bài, Phật tích 42 bài, địa danh 47 bài, chim thú 5 bài, cây cối 2 bài và các chủ đề khác 13 bài. Tổng số 143 bài”. Vậy còn đâu là những bài thơ thiền đúng với ý nghĩa thiền thi!?...
Nhìn rộng ra, nhiều tham luận đặt vấn đề xác định thực chất đây là những bài thơ du ký, thi ký, vịnh cảnh, đề vịnh thắng tích non sông. Nhà thơ Hữu Thỉnh trong tham luận Một hồn thơ sau những bức tranh tôn giáo xác định: “Thi vân Yên Tử có sự tập trung cao độ về mặt đề tài. Đó là tập thơ hoàn toàn về Yên Tử. Tất cả di tích đều đi vào thơ… Anh làm thơ như người vẽ tranh vậy. Và sau tranh ta bắt gặp hồn người”… Nhà phê bình Nguyên An trong tham luận có ý chất vấn Với Hoàng Quang Thuận, anh sẽ viết tiếp chứ? đã “mạnh dạn” nêu vấn đề: “Một là, ngay trong cả hơn trăm bài đã được đọc (và săm soi, và trầm trồ, rồi nghĩ thêm nữa), anh có thấy là chúng, phần lớn, đều thuộc loại thơ vịnh cảnh? Loại thể thơ này đã sống khỏe trong quá khứ, đang có mặt trong hôm nay một cách đàng hoàng, được vì nể, trân trọng”… Tác giả Mộc Lan trong tham luận Chữ tâm trong Thi vân Yên Tử lại đặt mình ở vị thế nhà du hành mà dõi theo bước chân tác giả: “Như một vị sứ giả của đất Phật, Hoàng Quang Thuận đã dẫn dắt các Phật tử về chiêm bái Yên Tử bằng vần thơ tứ tuyệt và thất ngôn bát cú đầy tôn nghiêm và linh thiêng (…). Bức tranh mở đầu tập thơ đã khái quát đặc trưng núi non Yên Tử (…). Các địa danh non thiêng Yên Tử đã lần lượt đi vào thơ Hoàng Quang Thuận thật như nhiên, tự nhiên (…). Trong những lát cắt chuyến hành trình về với Yên Tử, ta đã bắt gặp một cái tôi trữ tình đầy ngỡ ngàng trước cảnh, tình nơi đây”… Tác giả Thế Trung trong tham luận Tình yêu đất nước và chất thiền Thi vân Yên Tử lại dẫn giải theo một cách khác về mối quan hệ cơ hữu giữa chất thiền và thể tài thơ du ký: “Đến với Thi vân Yên Tử, người đọc dễ nhận thấy Hoàng Quang Thuận có lúc như chính anh đang nhập thiền, có khi anh lại như một hướng dẫn viên du lịch, đem đến cho độc giả những thông tin thú vị về địa danh Yên Tử qua lăng kính thiền của mình”… Tác giả Thu Phong trong tham luận Yên Tử qua thơ Hoàng Quang Thuận đã đi đến kết luận: “143 bài thơ trong tập Thi vân Yên Tử của Hoàng Quang Thuận còn có giá trị như cuốn cẩm nang văn hóa, lịch sử, địa lý – và trên hết là cẩm nang dư địa chí tâm linh – hướng tâm cho mỗi chúng ta đến thăm vùng địa danh này”…
Quả cũng chưa dễ tìm được sự đồng thuận…
4. Còn lại chủ điểm thứ tư được nhiều nhà phê bình quan tâm tìm hiểu, nhận xét, lý giải chính là vấn đề thể thơ và hình thức nghệ thuật của Thi vân Yên Tử. Có nhiều ý kiến khác nhau về những bài thơ “bốn câu bảy chữ”, “tám câu bảy chữ” này có đúng là Đường luật không, hay là Đường luật phá cách? Bởi lẽ thơ Đường vốn có yêu cầu nghiêm ngặt về số câu chữ, luật đăng đối, âm vận; kể cả khi có sự phá cách nhất định cũng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc “Nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh”… Với tác phẩm được gọi là nghệ thuật thi ca, chúng ta không thể lảng tránh, bỏ qua được điều này. Việc xuất hiện những cách tiếp nhận, lý giải, nhận xét khác nhau là điều bình thường trong mỗi hội thảo khoa học, thậm chí còn là điều vô cùng cần thiết. Trực diện bàn luận, lý giải về vấn đề này, nhà phê bình Nguyễn Hòa lên tiếng phản biện: “Dù tác giả làm nhiều bài thơ tứ tuyệt, hoặc ghép hai bài tứ tuyệt thành một bài thất ngôn bát cú cho có dáng dấp Đường luật, thì ngay cái việc cố gắng ép vần cũng đã đưa lại ý tứ khôi hài…”, đồng thời cảnh tỉnh: “Xin chớ nghĩ hễ trong bài thơ có hình ảnh chùa chiền, non cao, bóng núi, cây đa, mây trời, trăng treo, tiếng hạc… là bài thơ sẽ có “chất thiền”…
Không đi vào nhận diện hình thức câu thơ và thể thơ nhưng nhà phê bình Phạm Quang Trung đã tạo nên điểm nhấn riêng khi cảm nhận về nguy cơ “sa đà vào diễn tích Phật lan man”, “làm giảm đi ít nhiều chất văn chương cần có” và dẫn chứng qua các bài Tổ Trúc Lâm, Vua Phật…
Khác biệt hơn, nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên trong tham luận Lạc đạo tùy duyên cùng Thi vân Yên Tử (12 trang) thực sự công phu đã có ý biện giải, bào chữa và “hạ điểm sàn” cho những hạn chế về hình thức:
“Thi vân Yên tử gồm 143 bài, hầu hết được viết theo thể Đường luật biến thể như: thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn thập nhị cú, ngũ ngôn, lục ngôn. Nói là Đường luật biến thể vì tất cả các bài thơ trong tập này đều không thuộc thời gian, không gian mà chính thể Đường luật đã trở thành một hình mẫu cách đây hơn chục thế kỷ và chủ thể của nó cũng không phải là người Trung Quốc.
Mặt khác, nhà thơ Hoàng Quang Thuận dường như không mấy quan tâm, câu nệ quá về niêm luật, cấu trúc của Đường luật, bởi lẽ ngay từ đầu ông không có ý định “làm thơ”, mà ông chỉ mượn ngôn ngữ thơ để ghi lại tâm tình, cảm xúc của mình ở chốn Thiền định này thôi”…
Đỗ Ngọc Yên xác định Hoàng Quang Thuận đã “tìm đến với lối thơ cổ hay ít nhất cũng là giả cổ”. Tuy nhiên, việc mở rộng liên hệ, so sánh đôi khi lại đưa tác giả tham luận đến những nhận định chưa chính xác, nếu không muốn nói là cảm tính: “Có lẽ, Đường luật biến thể là thể thơ thường gặp ở các bài thơ thiền có từ thời Lý – Trần và nó là công cụ hữu hiệu nhất có thể lột tả được các sắc thái tâm trạng khác nhau của con người trước cảnh vật, thiên nhiên hay sự trắc ẩn của lòng người chốn Thiền định mà các bậc tiền nhân chân tu chuyên dùng” (!?)…
Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng tinh tế cảm nhận: “Hình như Hoàng Quang Thuận cũng không để ý lắm đến kỹ thuật, đến cách tân, mà cứ thả bút theo dòng xiết của tâm hồn”…
Riêng về vấn đề thể thơ và hình thức nghệ thuật của Thi vân Yên Tử, xem ra còn lắm điều hay, nhiều điều gợi mở cho bạn đọc và giới phê bình.
THAY LỜI KẾT
Với 21 bản tham luận và những ý kiến góp ý, trao đổi, tranh luận sôi nổi và chính sự hiện hữu của quý vị đại biểu cùng quan tâm đến đời sống văn chương và cụ thể với tập Thi vân Yên Tử đã là một thành công của Hội thảo. Chúng tôi hy vọng qua Hội thảo lần này, các vấn đề không phải đã khép lại mà chính là cần tiếp tục được mở ra, giúp chúng ta làm quen và chủ động trước mọi hiện tượng văn học, trong đó có hiện tượng Thi vân Yên Tử.
Vì thế, lời kết cho Hội thảo ở đây cũng là Lời kết mở.
Xin kính chúc nhà thơ Hoàng Quang Thuận và quý vị đại biểu sức khỏe, có thêm những đóng góp mới trong hoạt động nghiên cứu, phê bình văn học.
Hà Nội, ngày 8/8/2012
NGUYỄN HỮU SƠN
Bản do Pgs.Ts Nguyễn Hữu Sơn gửi cho VHNA