Không, Nguyên Ngọc ngay từ đầu gia nhập vào Giáo dục đã là một quyết tâm hiện đại hóa sự nghiệp Giáo dục. Đầu những năm 2000, chuẩn bị cho đại học Phan Châu Trinh ra đời, Nguyên Ngọc cẩn thận lấy ý kiến của nhiều người bạn được anh tin cậy để tham khảo cho ngôi trường sắp ra đời – một ngôi trường ra đời như một sự ra đời lần nữa, lần thứ mấy đó của nhà văn, nhà văn hóa Nguyên Ngọc.
Nguyên Ngọc làm mọi việc với cái quyết liệt của một chiến sĩ. Nên mỗi lần anh bắt đầu một công việc đều như một sự ra đời khác trước.
Khi lên Tây Nguyên kháng chiến, anh không tới đó như một học sinh đỗ tú tài đi “đổi gió” – anh đã dấn thân như được ra đời lần nữa để thành người Thượng thực thụ, không cưa răng và đóng khố để thay đổi hình thức bên ngoài, song cái thói quen đi bộ như con sóc rừng hàng bốn năm chục năm sau vẫn là một nét đặc trưng Nguyên Ngọc giữa những chốn “hoa lệ”. Giữa thị thành, Nguyên Ngọc không đến nỗi con nít như Trần Đăng nhìn những người ở rừng về “mắt mở mà không trông, tai lắng mà không nghe…”. Nguyên Ngọc sống hết mình ở chốn thị thành, mắt mở hết cỡ, tai nghe hết cỡ, để mà học, học, học, và thỉnh thoảng trở lại với Tây Nguyên sống hết mình tìm hiểu coi bà con gặp khó khăn gì…
Hồi được ra Bắc tập kết sau Hiệp nghị Geneva 1954, Nguyên Ngọc dấn thân thực sự vào việc xây dựng đất nước hòa bình với nốt nhấn đầu tiên là công nghiệp hóa. Nguyên Ngọc lần này lại tái sinh trong thân phận một nhà văn lấy ngòi bút làm vũ khí. Hình như trong giai đoạn này, nhà văn chiến sĩ Nguyên Ngọc có bị thương vài lần. Lần bị thương thứ nhất là khi anh phát hiện ra cái Mạch nước ngầm của một Dân tộc vừa mới kịp rũ bùn đứng dậy sáng lòa. Tôi đồ chừng là anh có một lần bị thương thứ hai khi lẳng lặng đi lên Rẻo cao và tham gia vào khung cảnh Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng. Không hiểu sao, cứ có cảm giác nếu không được lên núi với đồng bào, anh sẽ sống không yên tĩnh, anh cần bám lấy những nhân vật trong sáng như đồng chí Núp xưa của mình để mà tiếp tục sống đẹp cuộc ra đời lần này đầu thai thành nhà văn.
Còn lần bị thương thứ ba? Tôi nghĩ rằng lần bị thương thứ ba này khá phức tạp. Phức tạp nhất là vì Nguyên Ngọc không mấy khi than thở ra ngoài bất kỳ điều gì không cần thiết phải bộc lộ. Nhưng nhìn cung cách Nguyên Ngọc thuốc thang thì biết là anh bị thương nặng. Vẻ như Nguyên Ngọc sau chiến tranh, sau “Đại thắng”, đã bị trọng thương về văn hóa. Thấy anh miệt mài đọc và dịch, anh gần như say mê Milan Kundera. Có phải vì Milan Kundera có những nét hao hao: nên nhớ Milan Kundera là một trong những nhà trí thức sáng lập Đảng Cộng sản Tiệp Khắc. Và cũng nên nhớ Milan Kundera cũng từ bỏ cái báu vật một thời ảo tưởng được ông ta tạo ra.
Nguyên Ngọc không bao giờ đả động đến những vết thương to tát cần giữ kín đáo như thể những chuyện nhỏ nhặt ân tình chỉ giữ cho riêng mình. Nhưng nhìn cách thuốc thang thì có thể đoán vết thương nằm ở đâu và trầm trọng tới mức nào: bài thuốc lần này có tên là Phan Châu Trinh.
Khoảng chục năm lại đây, đề tài Phan Châu Trinh là vị thuốc trung tâm Nguyên Ngọc bốc cho mình và cho đời. Những nội dung Dân trí, Dân khí, Dân sinh được Nguyên Ngọc nói không biết mệt tại bất kỳ diễn đàn nào. Nguyên Ngọc viết và miêu tả đám ma Phan Châu Trinh hệt như chính mình bữa đó đeo băng tang và mang khẩu hiệu đấu tranh đi theo xe tang nhà chí sĩ. Nguyên Ngọc gắn tâm hồn họ Phan với mọi giá trị khả dĩ gắn được: giá trị của tuổi trẻ, của sinh viên, của Internet, của trí thức, của Việt kiều, của hòa giải và hòa hợp dân tộc, của Đặng Thùy Trâm… của một Tổ quốc hiện đại hay là chết.
Và gần đây nhất Nguyên Ngọc chỉ còn một đời sống riêng: Đại học Phan Châu Trinh mở ở quê xưa Hội An, nơi có ngôi trường tiểu học cho học trò con trai ở một ngã tư xưa kia Nguyên Ngọc từng ngày ngày cắp cặp bước vô.
Khó tìm thấy một ông giáo nào yêu sinh viên hơn Nguyên Ngọc. Các trường tư bây giờ nói những lời mỹ miều, thực chất là mê mải lợi nhuận. Không thấy ông bà hiệu trưởng nào đêm ngày nghĩ đến sinh viên như Nguyên Ngọc chăm chút cho sinh viên của mình. Một chi tiết này là đủ cho thấy rõ cái nỗi niềm giáo dục của Nguyên Ngọc: năm 2007, anh khoe với tôi về cô sinh viên Phạm Thị Trung người dân tộc Steng. Cô có cha là chiến sĩ từ thời kháng chiến chống Pháp, ở lại Tây Nguyên sinh sống. Cô đã có một luận văn cực hay tên là “Quan niệm về linh hồn và các nghi lễ liên quan tới linh hồn của người Steng ở Tu Mơ Rông”.
Tôi đã được Nguyên Ngọc gửi cho bản luận văn tuyệt vời đó. Tôi hoàn toàn bị cuốn hút vào nghi lễ “thổi hồn” vào đứa trẻ nhỏ được Phạm Thị Trung miêu tả như thế này:
Ngay từ khi thai nhi xuất hiện phần đầu, hai tay nâng lấy đầu của đứa bé, bà đỡ đọc lời khấn: “Ô... ơi...! Yă Ka Đo! A kheăn ky chao ky cô. A kheăn ky Yă ka đo ăm gă ê mơ hua. Gă ôi pă coong nê rê soa môi, ăm gă mơ hua. ă gă cô va gă i nê chiang he so. ă môi gă gơ ro.” (Ôi ... Yă ka đo, đây là đứa trẻ, hãy ban cho nó linh hồn, để nó sống và lớn lên như con người... biết làm lụng và trưởng thành...).
Toàn bộ nghi lễ thổi hồn cho em bé kéo dài nhiều ngày, như cho diễn ra cả một chương trình định sẵn cho em, từ nhỏ tới lúc lớn khôn, và cho tới lúc chết. Nghi lễ đó như thể nói rõ rằng “em ra đời, em phải sống như một con người, và rồi em sẽ chết”. Như lời tác giả luận văn Phạm Thị Trung bình luận: “Con người thoát thai từ bùn đất, để rồi sau tất cả sự rong ruổi lại tan vào vũ trụ vĩnh hằng”.
Ôi, một bài học ghê gớm vô cùng! Nếu con người bất tử, thì Trái đất này sẽ thối rữa. Nhưng vì con người biết mình sẽ chết, nên mới có anh hùng và tiểu nhân, có khoan dung và hằn thù, có chân tình và dối trá…
Và cũng chính vì cuộc sống hữu hạn đó nên mới cần đến công cuộc Giáo dục. Mà hễ đã có một nền Giáo dục thì nhất thiết phải cần đến Tâm lý học Giáo dục. Song, Giáo dục vẫn chẳng phải phương thuốc thần, vì nó cũng hữu hạn như con người. Giáo dục tốt đến đâu thì rồi vẫn còn anh hùng và tiểu nhân, còn khoan dung và hằn thù, còn chân tình và dối trá… Nhưng chính cũng lại vì biết rõ cái hữu hạn của Giáo dục mà lại càng thấy ý nghĩa của một nền Giáo dục tử tế. Suy cho cùng, vấn đề đặt ra cho bất kỳ công cuộc Giáo dục nào là nó hãy cố gắng phạm sai lầm ít nhất. Và hãy luôn luôn nhớ bài học của tộc người Steng: con ra đời, con phải sống như một con người, và rồi con sẽ chết.
Có ông bà hiệu trưởng nào quý trọng sinh viên của mình đến như Nguyên Ngọc? Phải là nhà giáo đồng thời là một nhà văn còn đầy ắp những dồn nén chưa nói hết thì mới không vô tình bước ngang mà không nhận ra những sinh viên như Phạm Thị Trung.
Khi Nguyên Ngọc biết nhóm Cánh Buồm làm gần xong bộ sách giáo khoa tiểu học, anh lại gửi cho nhóm này một thông tin: một sinh viên của đại học Phan Châu Trinh vừa hoàn thành một luận văn thú vị về trò chơi dân gian của trẻ em Việt Nam. Tác giả luận văn đó là sinh viên Trần Thị Quyên. Ngay lập tức Nguyên Ngọc tìm cách cho Quyên về gặp nhóm Cánh Buồm để thực tập sư phạm và tìm hiểu bộ sách tiểu học mới. Trong ý thức, nhà giáo dục Nguyên Ngọc đã thấy năng lực của sinh viên mình đào tạo ra phải có đất dụng võ. Quả nhiên, bạn Quyên về Hà Nội làm việc với nhóm Cánh Buồm, đã hòa nhập với nhóm, đã đến được với định hướng giáo dục mới, và sau hai tháng trở lại Hội An, Quyên đã chủ động vào lớp học cho trẻ em mồ côi, xung phong đem sách giáo khoa mới ra thực hành.
Với một sự tinh tế cực kỳ cần thiết cho một nhà giáo dục, Nguyên Ngọc đã tìm cách thuyết phục nhà chức trách ở Hội An mời nhóm Cánh Buồm đem sách mới vào đô thị văn hóa này áp dụng. Nguyên Ngọc đã làm công việc chuẩn bị đó tích cực không khác gì một thành viên tích cực của nhóm Cánh Buồm. Công việc còn trục trặc chưa tới đích, song Nguyên Ngọc không phải là nguyên nhân gây ra sự chậm trễ trong sự kiện giáo dục và văn hóa này. Nó chỉ nhắc nhở mọi người rằng mặt trận giáo dục cần sự năng nổ và tính đúng đắn khoa học, nhưng trước hết, một tấm lòng kiên trì còn cần thiết hơn!
Hơn ở đâu hết, nhà hoạt động văn hóa – giáo dục là người đầu tiên biết xa lánh những chữ như là “thành công”, “thành tích”, “thành tựu”… Nguyên Ngọc là một hiện thân của sự kiên trì văn hóa và giáo dục: hãy làm, làm đi, cứ làm đi đã, cuộc sống thực sẽ không bao giờ quên câu trả lời mà nhà hoạt động văn hóa – giáo dục trông chờ: bạn đang đúng hay đang sai, bạn đang đi gần tới cái đúng hơn hay bạn đang tiến sát tới vực sâu.
Trong hồ sơ riêng về Nguyên Ngọc, tình cờ mở ra, đọc được mấy dòng hết sức khôn ngoan chỉ có thể có trong tâm tư nhà văn hóa, nhà giáo dục – Nguyên Ngọc nhắc nhở chình mình hay đang nhắc nhở chúng ta đây:
“Không bao giờ nên chờ “khởi sắc văn hóa” trong một năm, dù là năm nhiều đại lễ. Những vấn đề văn hóa luôn luôn là những vấn đề dài hạn, cần liên tục nghiền ngẫm và xây đắp.
Khi kinh tế và cả xã hội lao tới, thì văn hóa phải lùi lại một chút, bởi văn hóa là gì, nếu không phải là sự bình tĩnh, bình tâm, sự vững chắc, vững chãi của xã hội và con người. Kinh tế là cần thiết, là quyết định, chính trị cũng vậy, chính trị rất quyết định, nhưng tôi cho là văn hóa mới quyết định hơn, bởi nó là cái nền, nó lâu dài hơn, kinh tế và cả chính trị nói cho cùng cũng chỉ là phương tiện, văn hóa mới là mãi mãi, trường cửu, nó ở với con người, đi cùng con người trên đường dài vô tận của con người; nó lo về cái vì đó mà con người sống, lẽ sống, lẽ hạnh phúc của con người ở đời, cái lẽ vì đó mà con người làm kinh tế và làm chính trị cùng bao nhiêu việc khác”.
Hà Nội, tháng Tám, 2012