Vừa lúc ấy thì một tiếng nổ xé tròi rền vang mãi. Một cháu hỏi:
- Như vậy, nếu sấm sét không đánh ngay vào ta thì chớp là dấu hiệu an toàn, phải không thưa ông?
- Đúng thế, chớp làm thông tin rất tốt.
Rồi bác Cựu nói thêm, chớp không chỉ báo tin an toàn mà còn báo tin lợi ích nữa. Ông Pêrenman - nhà khoa học Nga thời Xô viết, tác giả cuốn Vật lí vui đã bày cách tính toán lợi ích của sấm sét rất thú vị. Cứ mỗi lần sét nổ, năng lượng của nó sẽ phân giải một lượng đạm khá lớn tách khỏi khí trời rồi rơi xuống. Từ đó tính giá tiền của một cú nổ là bao nhiêu Rúp (tiền Nga). Có ngàn vạn cú sấm sét trong mỗi cơn dông nên cái lợi thu được cho nông dân và những người làm vườn không nhỏ. Dân ta cũng có câu “sấm tháng ba ra mọi chuyện”, coi đó là hiện tượng đáng mừng, sẽ được mùa nhờ phân bón trời cho.
Các cháu vui vẻ chào ông ra về.
*
* *
Buổi chiều, các mẹ cùng về quê nghỉ hè với các cháu đến chơi. Họ nói với bác Cựu là con cái của họ khoe: “Ông giải thích thiên nhiên hay lắm...”. Bác Cựu nói:
- Ồ, sấm chớp trên trời ấy mà, các đám mây điện cứ va chạm nhau theo qui luật của chúng. Chuyện xóm làng mới là nhức óc. Con người và công việc va chạm nhau đem đến bao điều đối chọi.
Các bà hỏi:
- Nghe nói làng ta sắp nổ ra “sấm chớp” mặt đất?
- Còn tuỳ. Có người làm việc tử tế minh bạch thì nhà nhà yên vui, niềm tin sáng lên như chớp. Gặp người làm việc không có mục đích thì mắc níu, dồn đọng như đống rác giữa làng. Họ gây ra bẩn, cũng muốn đốt đi cho ổn, mà lửa chẳng đỏ lên cho.
- Rồi có thông thoát được không?
- Thông tin còn cam chịu thì khói đen vẫn còn âm ỉ...
- Đến bao giờ thưa bác? Ô nhiễm… không chịu nổi nữa rồi. Giá mà có một cơn lốc cuốn đi...
Bác Cựu nghĩ: sấm chớp xã hội sẽ không sáng chói và nổ vang như dông bão trên trời. Nhưng với truyền thống đàng hoàng, tự trọng, cố kết, sinh tồn từ bao đời nay chắc chắn sức mạnh dân làng sẽ lại đến lúc làm cho núi sông đồng ruộng quê hương tốt đẹp...
Giờ thì bác phải diễn giải như thế nào đây để các bà yên tâm, mà chính bác cũng không yên tâm, khi trên dưới thiếu vắng bóng dáng những đầu đàn tin cậy, kẻ sĩ chán ngán trùm chăn, ngôn từ không làm bật ra được ánh sáng, câu thơ thời nào của L. Aragông cứ ám ảnh hoài: Giữa mùa phản phúc/ Tối đen ngục tù/ Suối đã đục dòng/ Chỉ còn lệ trong...
Thì thật may, các bà đã vội chào tạm biệt bác, đến giờ trở về thành phố.
Đại Lải, 2008