Thi tốt nghiệp xong mới thi tuyển đầu vào (?)
Tháng 10/2009, trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Việt Anh (TP Vinh) ký hợp đồng với trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bách Khoa (Hà Nội) mở lớp đào tạo liên thông từ hệ trung cấp lên cao đẳng ngành kinh tế. Sau đó, hai trường đã tổ chức thi tuyển sinh vào tháng 12/2009, kết quả có 54 học sinh trúng tuyển. Tại lễ khai giảng lớp đào tạo liên thông kế toán lớp 03CD3, ngoài 54 học sinh trong danh sách trúng tuyển có thêm 22 học sinh xin học dự thính đã được ông Nguyễn Tử Dũng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bách Khoa chấp thuận.
Trong quá trình học, các học viên dự thính này vẫn có tên trong danh sách của lớp, tham gia đầy đủ các môn học, được chấm điểm và nộp học phí đầy đủ. Khi những học sinh này hỏi nhà trường về thủ tục tuyển sinh đầu vào thì được trả lời là không cần phải thi. Mãi đến khi lớp 03CD3 thi tốt nghiệp xong, 18 học sinh diện dự thính này (trong quá trình học đã có 4 học sinh bỏ học) mới tiến hành thi tuyển sinh đầu vào.
Đến tháng 11/2011, toàn bộ 72 sinh viên lớp 03CD3 được trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bách Khoa cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, ghi rõ hệ đào tạo là cao đẳng chính quy ngành kế toán. Nhưng sau đó, ông Nguyễn Tử Dũng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bách Khoa chỉ làm thủ tục cấp bằng tốt nghiệp Cao đẳng cho 54 sinh viên đã có thi tuyển đầu vào từ trước, không chấp nhận cấp bằng cho 18 sinh viên dự thính nói trên.
Trước áp lực của 18 sinh viên này, trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Việt Anh đã nhiều lần làm việc với ông Nguyễn Tử Dũng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bách Khoa nhưng đều không được chấp nhận. Ông Nguyễn Tử Dũng yêu cầu phải có sự chấp thuận của Bộ GD - ĐT bằng văn bản thì nhà trường mới cấp bằng cho 18 sinh viên này; nếu không chỉ xem xét cấp cho những sinh viên này bằng vừa học vừa làm.
Làm việc với chúng tôi, ông Phan Huy Hoàng, Hiệu trưởng trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Việt Anh cho rằng về phía nhà trường đã làm hoàn toàn đúng, trách nhiệm đối với việc 18 sinh viên dự thính nói trên chưa được cấp bằng thuộc về phía trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bách Khoa, cụ thể là cá nhân Hiệu trưởng Nguyễn Tử Dũng. Ông Hoàng cho biết theo quy chế hiện hành, sinh viên đào tạo liên thông có thể tham gia học trước, thi tuyển đầu vào sau (nợ đầu vào), miễn là thi trước khi cấp bằng. Cho nên việc 18 sinh viên này thi tốt nghiệp xong mới thi đầu vào là đúng. Khi chúng tôi đặt vấn đề giả sử thi đầu vào không đậu thì thời gian và tiền bạc để học liên thông coi như mất trắng, ông Hoàng khẳng định: “Không ai đánh trượt những sinh viên thi đầu vào hệ liên thông cả”(?).
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo các quy định hiện hành của Bộ GD - ĐT về đào tạo liên thông hệ cao đẳng, đại học (Quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học ban hành kèm theo Quyết định số 06/2008/QĐ - BGDĐT ngày 13/2/2008 của Bộ trưởng Bộ GD - ĐT; Quy định về liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học ban hành kèm theo Quyết định số 42/2008/QĐ - BGDĐT ngày 28/7/2008 của Bộ trưởng Bộ GD - ĐT) thì tất cả học sinh, sinh viên học liên thông đều phải tham gia thi tuyển đầu vào. Các lớp đào tạo liên thông thành lập dựa trên danh sách trúng tuyển đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt (danh sách trúng tuyển phải gửi về Bộ GD - ĐT sau 30 ngày có kết quả thi tuyển). Bộ GD - ĐT không quy định cho người học hệ liên thông “nợ đầu vào” và cũng không có quy định cho người học theo hình thức dự thính. Như vậy, việc hai nhà trường chấp thuận cho 22 học sinh vào học dự thính khi không tham dự thi tuyển đầu vào mà vẫn thu học phí và chấm điểm các học phần là trái quy định. Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Việt Anh nói với các học sinh này là không phải thi đầu vào (hoặc thi sau) là thiếu trung thực. Về phía trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bách Khoa Hà Nội vẫn chấp nhận cho 22 học sinh học, thi tốt nghiệp khi không có danh sách thi đầu vào là sai quy định. Hậu quả là các học sinh đã học xong chương trình liên thông hệ cao đẳng, đã đóng đầy đủ học phí nhưng không thể được cấp bằng. Khi chúng tôi trao đổi lại dựa vào các quy định nói trên, ông Phan Huy Hoàng, Hiệu trưởng trường trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Việt Anh mới thừa nhận: “Trong sự việc này, trường chúng tôi sai 3, trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bách Khoa sai 7”. Còn ông Nguyễn Tử Dũng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bách Khoa cho rằng đối với 18 học sinh đó, nhà trường đã vi phạm quy chế tuyển sinh, và hiện nay trường đang cố gắng liên hệ với Bộ GD - ĐT để giải quyết, nhằm bảo đảm quyền lợi cho các em. Tuy nhiên, do hai trường đã vi phạm quy chế tuyển sinh, nên 18 thí sinh hệ đào tạo liên thông không tham gia thi tuyển đầu vào này không thể được cấp bằng. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc 18 thí sinh đã mất học phí trong thời gian 1,5 năm học? Đó là chưa nói thời gian chờ đợi (đã hơn 1 năm) và những ảnh hưởng về mặt tâm lý mà các học viên này phải gánh chịu.
Sự việc cho thấy trong khâu liên kết đào tạo của một số cơ sở giáo dục còn nhiều sai phạm, tiêu cực. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần vào cuộc, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan, xử lý nghiêm những sai phạm và trả lại quyền lợi chính đáng cho người học. Và quan trọng nhất, qua vụ việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải xem lại các hình thức đào tạo liên thông, tại chức… có nên bỏ hẳn đi không?