Góc nhìn văn hóa

79 năm hành trình tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” trong Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập là biểu hiện cao nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với CNXH - nội dung cốt lõi, xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống nội dung di sản tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng đó không những có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc mà thực sự đã trở thành lời hiệu triệu, là mệnh lệnh trái tim của mỗi người dân Việt Nam, 79 năm qua vẫn vẹn nguyên giá trị và toả sáng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam hùng cường.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ảnh tư liệu 

Cội nguồn tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giá trị cao cả của quyền tự do và độc lập trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có cội nguồn trước hết từ truyền thống đề cao giá trị độc lập của dân tộc Việt Nam từ trong lịch sử hàng ngàn năm dựng và giữ nước. Truyền thống quý báu đó của dân tộc đã sớm được thể hiện bằng sự khẳng định đanh thép của Lý Thường Kiệt: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư. Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư…”.

Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” cũng bắt nguồn trực tiếp từ đòi hỏi của thực tiễn cuộc đấu tranh đòi độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam và các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới. Dưới ách áp bức, thống trị của thực dân Pháp từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Việt Nam trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến; dân tộc ta mất độc lập và hoàn toàn phụ thuộc Pháp; Nhân dân mất quyền tự do, trở thành những người dân nô lệ. Độc lập cho dân tộc và tự do, hạnh phúc cho Nhân dân là đòi hỏi bức thiết nhất của dân tộc đặt ra cho những người yêu nước Việt Nam có trách nhiệm với đất nước, Nhân dân, trong đó có người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Độc lập dân tộc, tự do cho Nhân dân cũng là nguyện vọng của tất cả các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc trên toàn thế giới đang đấu tranh chống lại chính sách xâm lược, áp bức dân tộc của chủ nghĩa đế quốc, thực dân từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Cuộc đấu tranh đòi tự do dân chủ và quyền tự quyết của các dân tộc thực chất là đòi lại những quyền mà tạo hóa ban cho họ, đã bị đế quốc thực dân cưỡng đoạt và chà đạp vô nhân đạo.

Tư tưởng đề cao giá trị độc lập, tự do của Hồ Chí Minh còn bắt nguồn từ giá trị của những tư tưởng tiến bộ phương Tây là: tự do, bình đẳng, bác ái. Đây chính là một trong những động cơ khiến người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã tìm đường sang phương Tây một cách rất tự nhiên như Người từng nói: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy” [1]. Điều này chứng tỏ, chính ánh sáng từ lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái của Đại cách mạng Pháp (1789), từ quê hương của Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền (1791) đã hướng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tiếp cận và hòa nhập vào dòng lịch sử cách mạng thế giới, khẳng định giá trị cao cả nhất của độc lập và tự do.

Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” còn được hình thành từ chính những phẩm chất nhân cách cao đẹp của Hồ Chí Minh - một con người giàu lòng yêu nước, thương dân, một chủ nghĩa nhân văn cao cả. Thực tiễn nếm trải cuộc sống của một người dân mất nước, nô lệ của chính bản thân Hồ Chí Minh và thực tiễn khảo sát, chứng kiến nỗi khổ của thân phận những người dân lao động ở các nước thuộc địa trong quá trình đi tìm đường cứu nước, càng giúp Hồ Chí Minh nhận rõ và khẳng định giá trị thiêng liêng cao cả của độc lập, tự do. Từ đó, Người đã nguyện trọn đời tranh đấu, hy sinh cho mục tiêu độc lập, tự do của dân tộc, của Nhân dân. Mục tiêu cao quý đó đã trở thành ham muốn, ham muốn tột bậc của Hồ Chí Minh là: “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” [2].

Theo Hồ Chí Minh, độc lập, tự do của dân tộc chỉ trở nên cao quý khi đó là một nền độc lập thực sự, độc lập hoàn toàn và bền vững, chứ không thể là những thứ độc lập giả tạo theo kiểu “bánh vẽ”. Độc lập phải gắn với quyền tự quyết của dân tộc, các dân tộc không phân biệt lớn, nhỏ đều có quyền tự quyết định vận mệnh của mình, không có sự can thiệp từ bên ngoài; độc lập dân tộc phải gắn với cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân, vì theo Người: “… nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”; độc lập dân tộc theo Hồ Chí Minh còn phải gắn với thống nhất đất nước, sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; độc lập của dân tộc mình phải gắn với sự tôn trọng và góp phần vào cuộc đấu tranh vì độc lập của các dân tộc khác. Theo Người, trong thời đại ngày nay, để có một nền độc lập thực sự, hoàn toàn và bền vững thì độc lập dân tộc phải gắn liền với CNXH, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc phải đi theo con đường cách mạng vô sản để xây dựng một xã hội mới - xã hội XHCN. Có như vậy mới mang lại một nền độc lập thực sự, bền vững; độc lập dân tộc phải gắn liền với tự do, dân chủ cho Nhân dân, phản ánh thành quả của một cuộc cách mạng triệt để như Người đã dạy: Đã hy sinh làm cách mạng thì nên làm đến nơi đến chốn, khi cách mạng thắng lợi thì phải giao quyền cho dân chúng số nhiều, thế mới khỏi hy sinh nhiều lần và dân chúng mới được hưởng hạnh phúc, tự do thực sự. Cũng theo Người, một dân tộc đã giành độc lập thực sự thì ở đó, nhà nước phải thực sự là của dân, do dân, vì dân. Đó là một nhà nước dân chủ - pháp quyền, nhà nước có hiến pháp dân chủ để tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật, với tinh thần “Trăm đều phải có thần linh pháp quyền” [3]; Nhà nước phải luôn hướng tới mục tiêu cao cả là độc lập - tự do - hạnh phúc, những giá trị hết sức thiêng liêng, vĩnh hằng mà toàn nhân loại hướng tới.

Nền độc lập dân tộc thực sự chỉ có thể giành được bằng cách thức tỉnh, tổ chức Nhân dân bị áp bức đứng lên đấu tranh tự giải phóng mình với tinh thần tự lực, tự cường “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, không được trông chờ, ỷ lại bên ngoài, bởi theo Người: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”.

Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” trong Tuyên ngôn Độc lập đã được hình thành rất sớm. Từ “Yêu sách Tám điểm” gửi Hội nghị Vécxây (1919), Nguyễn Ái Quốc thay mặt những người Việt Nam yêu nước đã gửi những yêu sách của Nhân dân An Nam tới Hội nghị hòa bình đòi: ân xá cho tất cả những tù chính trị bản xứ, đòi cải cách pháp chế ở Đông Dương bằng ban hành những bảo đảm cho người bản xứ cũng như người châu Âu, đòi tự do báo chí, tự do hội họp và lập hội, tự do dạy học, đòi thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ pháp luật và sau cùng là đòi có một đoàn đại biểu thường trực của Nhân dân bản xứ được bầu vào Nghị viện Pháp. Những yêu sách đó chính là nguyện vọng cháy bỏng của một dân tộc trong một thời đại mà Nhân dân nắm quyền tự quyết.

Mục tiêu cao cả đòi quyền độc lập, tự do cho dân tộc càng được Người khẳng định rõ ràng và dứt khoát khi Người trả lời phỏng vấn báo Yi Chê Pao của một phóng viên Mỹ ngày 20-9-1919 về mục đích Nguyễn Ái Quốc đến Pháp là: “Để đòi những quyền tự do mà chúng tôi phải được hưởng” [4].

Sự trường tồn của tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” trong cách mạng Việt Nam

Tháng 8-1945, khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, thời cơ cách mạng ở Việt Nam chín muồi, thời điểm thuận lợi nhất cho Nhân dân ta đứng lên đòi lại độc lập cho đất nước. Ý thức sâu sắc về mục tiêu và thời cơ cách mạng để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân tộc nhất tề đứng lên: “dù hy sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”; và “Cần tranh thủ từng giây, từng phút,... Không thể để lỡ cơ hội” [5].

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 02-9-1945, tại Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với đồng bào cả nước về việc thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký kết về Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam. Người cũng trịnh trọng tuyên bố trước Nhân dân ta và Nhân dân thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Với quan điểm đúng đắn, nhất quán “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, ngày 19-12-1946, trước âm mưu, hành động của thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, nền độc lập tự do của dân tộc bị đe dọa nghiêm trọng, Hồ Chí Minh kêu gọi toàn thể dân tộc Việt Nam: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Sau thắng lợi của Nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ nhảy vào thay chân Pháp xâm lược nước ta. Đặc biệt từ năm 1965, Mỹ tăng cường, mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc của quân, dân ta. Trong bối cảnh hết sức khó khăn, nguy hiểm đó, một lần nữa Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào cả nước đoàn kết triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Người khẳng định: “Giônxơn và bè lũ phải biết rằng:…Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa…, song Nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Như vậy, là một nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận sáng tạo, Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng về sự kế thừa các giá trị tốt đẹp của truyền thống dân tộc, tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn Việt Nam, hình thành một di sản tư tưởng quý báu với cốt lõi là tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; với tinh thần, mục tiêu cao cả “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Hồ Chí Minh đã thực sự trở thành lời hiệu triệu, thành mệnh lệnh của trái tim mỗi người dân Việt Nam, tạo nền tảng tư tưởng vững chắc cho việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, động lực chủ yếu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành và giữ chính quyền, đánh bại hai cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Hồ Chí Minh đã tỏa sáng trong Tuyên ngôn Độc lập, trường tồn cùng sự ra đời, phát triển của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với Tuyên ngôn Độc lập, những tư tưởng cao cả của nhân loại đã được hòa đồng với quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc của nhân dân Việt Nam - những quyền không ai có thể xâm phạm được.

Trải qua 79 năm đấu tranh xây dựng và bảo vệ những quyền thiêng liêng cao cả mà Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam đã xác định, dưới ánh sáng tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân ta đã đoàn kết chặt chẽ, vượt qua mọi thử thách khó khăn, giành những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ nền độc lập, tự do của Nhân dân, đưa nước Việt Nam trở thành biểu tượng của một dân tộc dũng cảm đấu tranh vì hòa bình, độc lập tự do và phẩm giá con người. Tuyên ngôn Độc lập và tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Hồ Chí Minh đã lan tỏa và trở thành động lực to lớn thúc đẩy phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn thế giới ngày càng phát triển và thắng lợi.

Ngày nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, trước những âm mưu thủ đoạn chống phá hết sức thâm hiểm của các thế lực thù địch với CNXH và sự nghiệp xây dựng, phát triển của dân tộc Việt Nam, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, đặc biệt là tình hình Biển Đông xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều nước, đe dọa đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước ta. Ngư dân nước ta khi ra khơi xa đánh bắt hải sản luôn phập phồng, lo âu bị nước ngoài bắt giữ, chiếm đoạt tài sản, phạt tiền, nhất là trên các vùng biển giáp ranh với các nước khác. Hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, một trong những hoạt động kinh tế mũi nhọn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý, thuộc chủ quyền nước ta, được luật pháp quốc tế thừa nhận, cũng có lúc bị nước ngoài ngăn chặn, xâm hại. Vấn đề đáng quan ngại là, lợi dụng những vấn đề mới phát sinh ở Biển Đông, các lực lượng cơ hội, phản động ở trong và ngoài nước ra sức xuyên tạc, nói xấu, phá hoại công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước và đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Trước tình hình đó, hơn lúc nào hết tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” trong Tuyên ngôn Độc lập của Người cần được tiếp tục soi sáng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần độc lập, tự chủ, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn vượt qua mọi thách thức, khắc phục mọi khó khăn, bảo vệ nền độc lập dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; tận dụng cơ hội, tranh thủ thời cơ đưa đất nước tiếp tục tiến lên.

Quán triệt sâu sắc tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Người, Đảng ta khẳng định: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị,..., kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội” [6].

Có thể nói, tư duy mới của Đảng ta về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ có sự phát triển và phản ánh đúng yêu cầu thực tiễn cách mạng hiện nay. Nếu trước đây mục tiêu bảo vệ Tổ quốc chỉ là bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, biên giới và hải đảo của Tổ quốc, thì ngày nay mục tiêu bảo vệ Tổ quốc toàn diện hơn, cụ thể hơn. Bởi, lợi ích của dân tộc, đất nước hiện nay không chỉ ở phạm vi trong nước, mà còn ở ngoài nước thông qua chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Đảng. Khắc phục hạn chế trong nhận thức về mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, chỉ nhấn mạnh một chiều đến bảo vệ độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là cơ sở để Đảng định ra phương châm, phương hướng, phương pháp cách mạng đúng và chỉ đạo thực hiện phù hợp. Đường lối chủ trương của Đảng về mục tiêu, nhiệm vụ trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc phải được giáo dục, quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Thực hiện nhất quán quan điểm của Đảng, và để hiện thức hóa tư tưởng “Không có gì quý hơn đôc lập, tự do” của Hồ Chí Minh. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta rất quan tâm, coi trọng đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; kiên định mục tiêu giữ vững nền độc lập thực sự, hoàn toàn của dân tộc, giữ vững quyền quyết định mọi vấn đề hệ trọng của đất nước, không để lệ thuộc hoặc bị chi phối bởi bất cứ quốc gia nào; giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác quốc tế và phát triển. Nêu cao chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” trong đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế, Đảng ta khẳng định: “Kiên trì, kiên định đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; nâng cao khả năng thích ứng năng động và linh hoạt xử lý hài hòa lợi ích quốc gia với quan tâm chung, tùy theo đối tượng, vấn đề, thời điểm, phù hợp với luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử khu vực, trên tinh thần lợi ích quốc gia - dân tộc là trên hết” [7].

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc phải trên cơ sở phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của đất nước. Đó là sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, của thế trận chiến tranh Nhân dân; khi xảy ra chiến tranh thì “cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc”, thực hiện chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Vì vậy, phải thường xuyên tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc; kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại; tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng và an ninh. Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) vững chắc, làm cơ sở xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh. Thực hiện tốt quan điểm, chủ trương của Đảng về đẩy mạnh xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân: cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng; bảo đảm cho lực lượng vũ trang có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, đủ sức làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, làm cho Nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức đúng quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng; thấy rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, những, nguy cơ thách thức lớn tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. Qua đó, giáo dục, bồi đắp tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, không đánh đổi chủ quyền quốc gia và lợi ích quốc gia - dân tộc với bất cứ sự thỏa thuận lệ thuộc nào.

Thực hiện tốt điều đó sẽ thiết thực bảo đảm lợi ích của quốc gia, dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước, đồng thời phát huy cao độ tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, “đem sức ta” để bảo vệ chủ quyền của ta, bảo vệ nền độc lập dân tộc và cuộc sống tự do, hạnh phúc của Nhân dân, góp phần đảm bảo ổn định ở khu vực và thế giới. “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình và ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu quan hệ đối ngoại, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế”. Kiên quyết đấu tranh với những quan điểm, nhận thức sai trái xuyên tạc, phủ nhận giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân. Thực hiện thắng lợi mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, hơn nữa là bảo vệ chân lý vĩnh hằng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Hồ Chí Minh./.

­­­­­­­­­­­­­­­________________

*Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng

Chú thích:

[1] - Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 1, tr. 461.

[2] - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 187.

[3] - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 1, tr. 473.

[4] - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 1, tr. 457.

[5] - Võ Nguyên Giáp: Từ nhân dân mà ra, Nxb QĐND, H, 1969, tr. 212

[6]ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H, 2016, tr. 33

[7]ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, H, 2021, tập I, tr. 282.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511575

Hôm nay

2238

Hôm qua

2336

Tuần này

21949

Tháng này

218448

Tháng qua

121356

Tất cả

114511575