Người xứ Nghệ

Nhạc sĩ Mai cường - Những nốt giáng thăng trong trẻo

Nhạc sĩ Mai Cường

 

Khi đi lưu diễn ở các vùng quê, từ sáng sớm, chúng tôi thường nghe loa phóng thanh của các làng, xã vang vọng câu hát da diết tình: “Anh đến tìm em dưới dàn hoa tím. Mong nhớ anh về như đồng nắng mong mưa….”. Mọi người cũng chỉ nghe người dẫn chương trình giới thiệu tác giả là Mai Cường mà ít ai biết được rằng ca khúc “đi cùng năm tháng” ấy là anh sáng tác cho một tình huống kịch trong vở diễn “Dấu chân người trước” của sân khấu Cải lương vào những năm 70 của thế kỷ XX. Ngoài những tác phẩm mà lớp trẻ bây giờ vẫn ngỡ như vừa sáng tác hôm qua như: “Áo cánh nâu non”; “Quê hương vọng mãi lời Người”, “Nghệ An bài ca mới”… thì người nhạc sĩ tài hoa ấy dù ra đi khi đang độ chín của tài năng vẫn kịp để lại cho đời một “kho báu” về âm nhạc, góp phần làm phong phú kho tàng âm nhạc xứ Nghệ, âm nhạc Việt Nam.

 

Quê anh ở Nam Đàn, Nghệ An. Anh là con trai thứ ba trong một gia đình có tám anh chị em. Nhờ được thừa hưởng cái gen âm nhạc từ cha anh - ông Mai Văn Nghi, Nhạc trưởng, Phó Trưởng đoàn Cải lương Dân doanh Nghệ An thời ấy nên cái năng khiếu về âm nhạc của anh đã được phát sáng từ lúc còn nhỏ. Thời những năm của thập niên 50 của thế kỷ XX, xứ Nghệ chưa có trường lớp âm nhạc, thế nên những người nhạc công (đặc biệt là âm nhạc dân tộc) chỉ được học truyền nghề, bắt chước… vậy mà, với bản tính chịu khó, kiên trì và thông minh vốn sẵn, qua những đêm rong ruổi cùng cha mẹ đi biểu diễn với Đoàn, anh đã chính thức trở thành nhạc công violon của đoàn Cải lương. Năm 1969 - 1977 anh là con số biên chế chính thức của Đoàn.

 

Qua mỗi đêm diễn, tiếng đàn của cậu thiếu niên hiền lành, điềm tĩnh, ít nói ấy lại vang lên, réo rắt đầy cảm xúc và sáng tạo. Có những chỗ cậu không thể hiện tiếng đàn theo phân phổ mà phiêu theo cách của mình để cuối cùng lại trở về tổng phổ. Đã có biết bao cuộc tranh luận nảy lửa giữa “cậu” với dàn nhạc nhưng lãnh đạo Đoàn và chỉ huy dàn nhạc vẫn ra hiệu cứ để “cậu” phiêu. Nhận thấy đây có thể sẽ là một tài năng âm nhạc cho tương lai, lãnh đạo Ty Văn hóa Thông tin Nghệ An và Đoàn Cải lương cử “cậu” đi học. Cuối năm 1977, “cậu” chính thức là sinh viên lớp đại học sáng tác và lý luận phê bình âm nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Hà Nội. Mười năm sau, năm 1987, tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại ưu, anh trở về Nghệ An và được phân công làm Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Nghệ Tĩnh.

 

Đối với lớp Diễn viên K2 chúng tôi hồi ấy, lúc đầu anh chưa có ấn tượng gì cả; chỉ thấy Mai Cường là một thầy Hiệu phó với khuôn mặt nghiêm nghị, ít nói …, một nhà giáo khó gần hơn là một nghệ sĩ. Thế nhưng, khi được xem anh tập nhạc cho vở diễn “Đứa con ngoài giá thú” của lớp, trông phong thái anh chỉ huy dàn nhạc và được nghe nhạc của anh trong từng trường đoạn kịch, đặc biệt là lớp diễn “con quạ đen” Phi Nga xỉa xói, khinh khi… oán trách thằng chồng bội bạc, anh đã phối hợp âm nhạc hiện đại với làn điệu Giặm Nghệ tĩnh tạo nên một lớp diễn bi hài đầy dí dỏm và tinh tế cả về âm nhạc và diễn xuất. Cả lớp chúng tôi phấn khích và có ấn tượng về Mai Cường từ đó. Anh không khó tính như chúng tôi tưởng mà ngược lại rất hòa đồng, dễ cảm thông. Anh nói: “Vợ con anh ở nhà rất vất vả, hy sinh cho anh ăn học 10 năm trời nên anh hiểu được cái khốn khó của các em. Có gì khó khăn các em cứ mạnh dạn đề xuất với BGH nhà trường…”. Là người thầy nhưng trước hết là người nghệ sĩ nên anh dễ cảm thông với mọi người, với học trò, đồng nghiệp.

 

Sau vở “Đứa con ngoài giá thú”, anh chỉ đạo tiếp tục dựng một số vở diễn như: “Tiếng khóc chào đời”, “Tình em trong mắt anh” … rồi cử BCH Đoàn trường và Khoa Sân khấu tổ chức học sinh đi về các miền quê biểu diễn. Thầy trò bươn bả hết xã này sang huyện khác, khổ nhưng mà hạnh phúc vô cùng. Sau đận ấy, lớp chúng tôi cũng tốt nghiệp ra trường. Anh được cử về làm Trưởng đoàn Ca Múa Nghệ Tĩnh (1989 - 1991). Giai đoạn tách tỉnh và sáp nhập các đơn vị nghệ thuật, anh được giao nhiệm vụ làm Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật - Sở Văn hóa Thông tin Nghệ An. Có thể nói đây là giai đoạn khó khăn nhất trong các giai đoạn khó khăn của người nghệ sĩ. Cơ chế thị trường bắt đầu. Nhiều người không đủ điều kiện và dũng khí để theo nghề. Vợ anh - chị Thu Hải là nhạc công đàn thập lục của đoàn Cải lương cũng đành ngậm ngùi lui về phía sau nuôi ba đứa con giúp anh theo đuổi con đường nghệ thuật. Các nghệ sĩ đêm biểu diễn, ngày làm đủ thứ nghề để nuôi nghệ thuật nhưng với anh thì không. Anh cương quyết: “Sân khấu là thánh đường, nghệ sĩ là ông hoàng, bà chúa… Nó thanh cao lắm. Anh thà viết nhạc được dăm ba đồng…”. Anh nói nhiều lắm và mắt anh ướt nhòe: “Anh phải chấp nhận để vợ bỏ nghề về làm kẹo cu đơ nuôi anh và ba đứa con, đó là một sự sỉ nhục. Anh có lỗi với vợ và các con”… Rồi anh chậm rãi quả quyết: “Anh sẽ cố gắng nuôi sống gia đình anh bằng âm nhạc”. Nói thế và anh làm được thế.

 

Có một điều đặc biệt, lúc mới tiếp xúc, ai cũng thấy anh luôn có gương mặt nghiêm nghị, nhưng thực ra anh rất dí dỏm, hài hước, chan hòa và nhân ái. Hồi ấy, mỗi chuyến đi biểu diễn, dù rất vất vả nhưng anh chị em trong Đoàn luôn vui vẻ và tình cảm gắn kết. Đó là nhờ vào vai trò của người thủ lĩnh là anh - một người lãnh đạo rất thấu hiểu, trân trọng, thương yêu và chia sẻ khó khăn với anh chị em nghệ sĩ. Anh đã từng ăn cơm trong một cái bát vỡ mất gần nửa để dành bát lành cho anh chị em nghệ sĩ. Đó là sự trân trọng cao thượng của anh dành cho đồng nghiệp mà không phải ai cũng làm được.

 

Năm 1992, anh lại được cấp trên điều động về làm Trưởng đoàn Ca Múa Kịch. Anh vừa chỉ đạo nghệ thuật vừa làm tổng đạo diễn âm nhạc cho các chương trình, vở diễn của Đoàn. Bận rộn lắm, nhưng khi đơn vị tôi mời anh viết nhạc cho vở “Viên ngọc lưu ly”, đạo diễn - NSND Lê Hùng đánh giá rất cao về âm nhạc của anh, về tính chuyên nghiệp trong phong cách làm việc của anh. Như vớ được vàng, từ đó anh và đạo diễn Lê Hùng rong ruổi khắp Bắc, Trung, Nam phối hợp xây dựng các vở diễn, chương trình cho các đơn vị từ Trung ương xuống địa phương. Nhiều chương trình, vở diễn tham gia các Hội diễn, Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc; Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đạt được nhiều giải thưởng cao. Chương trình Quê hương non nước hữu tình” của Đoàn Ca Múa Kịch Nghệ An do anh chỉ đạo nghệ thuật đạt Huy chương Vàng Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995; vở Người không thể chết” của Đoàn Kịch Quảng Ninh - Huy chương Vàng Hội diễn SKCNTQ năm 1995; vở Người không cô đơn” của Đoàn Kịch Thái Bình - Huy chương Vàng Hội diễn SKCNTQ năm 1997, vở Con đò của Mẹ” của Đoàn Ca Múa Kịch Nghệ An - Huy chương Bạc Hội diễn SKCNTQ năm 1997. Anh là tác giả âm nhạc cho tác phẩm múa “Hoa phong lan trên đỉnh Truông Bồn” - HCV Hội diễn Ca Múa Nhạc toàn quốc năm1995. Anh còn là nhạc sĩ đầu tiên cũng là nhạc sĩ duy nhất ở Nghệ An cho đến nay viết được dòng nhạc ARIA dành cho kịch hát mới. Hàng loạt vở diễn trong tỉnh, ngoại tỉnh do anh viết và đạo diễn âm nhạc đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè đồng nghiệp và công chúng. Chả thế mà với một nhạc sĩ tỉnh lẻ vừa chỉ đạo nghệ thuật ở Đoàn anh vẫn được các Nhà hát mời cộng tác và hoàn thành một cách xuất sắc. Anh bằng lòng với cuộc sống đạm bạc, với những đồng thù lao âm nhạc ít ỏi để nuôi vợ và ba con cũng đang theo đuổi con đường âm nhạc tại Nhạc viện Hà Nội.

 

Về sau, anh được điều về làm Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội VHNT Nghệ An (năm 1997 đến năm 2011). Anh tạ thế ngày 15 tháng 7 năm 2011 khi đang độ chín của tài năng.

 

Anh ra đi, lỡ hẹn với nhiều tác phẩm lớn hơn, nhưng vẫn kịp để lại cho đời một gia tài âm nhạc rất đáng trân trọng. Đó là âm nhạc của 36 vở kịch hát mới, kịch nói, cải lương, dân ca; của 4 tác phẩm nhạc múa chuyên nghiệp; gần 50 tác phẩm thanh nhạc mà cho đến nay vẫn được các Đoàn Ca Múa chuyên nghiệp dàn dựng, biểu diễn trên sân khấu ca múa nhạc, Đài PTTH Trung ương, địa phương. Anh là chủ nhân của nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, UNICEP Việt Nam, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, giải thưởng VHNT mang tên Hồ Xuân Hương …

 

Nhiều người cho rằng anh cực đoan, chấp nhận một đời đạm bạc để gìn giữ tình yêu với âm nhạc. Nhưng tôi nghĩ: Anh đã sống đúng mình. Vì, với anh, âm nhạc là một thứ ma lực. Âm nhạc và anh luôn cuốn hút lấy nhau, hấp dẫn nhau để thăng hoa dâng hiến cho nghệ thuật. Anh đã tìm được niềm hạnh phúc giản dị, khiêm nhường nhưng rất đỗi thanh cao trong từng nốt nhạc.

 

Mai Cường! Anh là những nốt giáng thăng trong trẻo của của âm nhạc Xứ Nghệ.

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An, Số 11 - Tháng 11/2023)

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114444009

Hôm nay

2260

Hôm qua

2307

Tuần này

21822

Tháng này

219183

Tháng qua

112676

Tất cả

114444009