Cuộc sống quanh ta

Hoàng thân Xuphanuvông những năm tháng sống và công tác ở xứ Nghệ

 NGÀY 18/1/1930, Toàn quyền Đông Dương Robin ra nghị định thành lập thị xã Vinh - Bến Thủy (tỉnh lỵ Nghệ An) gồm 10 khu phố, từ phố đệ Nhất đến phố đệ Thập. Toàn bộ 10 khu phố này phần lớn thuộc tổng Yên Trường của huyện Nghi Lộc. Vào khoảng đầu thập niên 40 của thế kỷ trước ở Vinh, có một khu phố đã là nơi ở của gia đình Hoàng thân Xuphanuvông (Lào) sống gần 5 năm trời. Vì sao Hoàng thân người Lào, lại đến sinh sống ở Vinh một thời gian lâu như vậy? Xin mời bạn đọc, đi ngược thời gian một chút thì sẽ rõ.

Năm 1931, Hoàng thân tốt nghiệp bậc tú tài toàn phần ở trường Abbert Sarraut Hà Nội, bèn sang du học ở Pháp. Tháng 6/1937, Hoàng thân tốt nghiệp kỹ sư cầu đường ở trường Đại học Bách khoa Paris (Institut Polytechnique Paris). Học xong, ông trở về Tổ quốc Lào thăm gia đình một thời gian ngắn. Sau đó ông được chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương bổ nhiệm chức Trưởng phòng kỹ thuật tại Sở Công chánh Trung kỳ (Việt Nam) đóng ở thành phố Nha Trang. Tại đây, ông kỹ sư người Lào này, gặp được cô nữ sinh từng học ở trường Đồng Khánh Huế tên là Nguyễn Thị Kỳ Nam rồi nên duyên vợ chồng. Lễ thành hôn giữa Hoàng thân Xuphanuvông với cô Kỳ Nam được tổ chức vào ngày 19/1/1938 tại lễ đường thành phố Nha Trang, có nhiều quan chức người Pháp và người Việt, người Lào dự. Sau phần lễ nghi, có tổ chức tiệc cưới tại Khách sạn “Grand Hotel”. Từ đây cô Kỳ Nam có tên Lào là bà: Viêng Khăm Xuphanuvông.

Dưới thời Pháp thuộc, ở Trung kỳ, Pháp đặt một sở ngành chuyên môn ở các thành phố, thị xã lớn do người Pháp làm giám đốc. Ngoài Sở Công chánh Trung kỳ đóng ở Nha Trang, còn có sở Học chánh Trung bộ đóng ở Huế, Sở Thú y Trung kỳ đóng ở Vinh, Sở Thuế quan đóng ở Đà Nẵng…, ở các tỉnh thì có các Ty chuyên môn, cũng do người Pháp làm trưởng ty… Năm 1941, khâm sứ Trung kỳ duyệt y dự án xây dựng đập nước thủy lợi Đô Lương và cầu đường sắt bắc qua sông Cả ở Yên Xuân… Để triển khai các dự án trên, khâm sứ Trung kỳ đã ký quyết định điều động Hoàng thân Xuphanuvông ra Vinh (Nghệ An) để chỉ đạo thực hiện các công trình. Hồi ấy ở thị xã Vinh có con đường Maréchal Foch (nay là phố Quang Trung) chạy dọc theo hướng Bắc - Nam là to rộng nhất. Từ nhà ga Vinh, đối diện với cửa Tả, nếu đi theo đường phố này ra phía Bắc một đoạn thì đến chùa Diệc; đối diện với chùa, bên tay phải có một khoảnh đất rộng trồng cây bóng mát, hai cạnh của đám đất rộng này là hai con đường rải đá đi vào một khu nhà mới được Pháp xây dựng thành các biệt thự làm nhà công vụ cho các công chức cao cấp ở. Ngôi biệt thự ở Vinh mà gia đình Hoàng thân Xuphanuvông sinh hoạt đặt tại vùng này. Hàng ngày người dân ở trong xóm, thường thấy ông đi công cán bằng chiếc ô tô sơn màu đen hiệu Citroen. Hồi ấy tôi là học sinh ở nội trú trường Quốc Học, vào các chiều chủ nhật, thường được các giám thị của trường, dẫn đến khu vực này để hít thở không khí trong lành của một vùng nội thị và tham quan một số công trình như nhà Hội quán Phật giáo, Sở Thú y Trung kỳ tọa lạc bên cạnh một hồ nước có những hàng cây phi lao tỏa bóng nên thơ…

Hai công trình đập thủy lợi Đô Lương và cầu đường sắt Yên Xuân đều do kỹ sư cầu đường Xuphanuvông thiết kế thi công cùng thời gian. Nhờ có sự phối hợp, trợ giúp của Ty Công chánh Nghệ An về nguyên vật liệu và nhân công tại chỗ nên đập thủy lợi Đô Lương sớm hoàn thành và phát huy tác dụng tưới nước cho các cánh đồng ở Đô Lương và Yên Thành. Còn cầu Yên Xuân, nguyên vật liệu bằng sắt thép đúc sẵn phải chở từ Pháp sang, nên cần có nhiều thời gian. Hoàng thân nhiều hôm không về Vinh, ông ở lại hiện trường, nơi có nhiều công nhân ngày đêm thi công lắp ráp từng thanh sắt cầu, từng đường ray, từng chiếc tà - vẹt… Họ chính là những người thợ hàn, thợ tán ri - vê, thợ cơ khí, thợ điện… của Nhà máy Trường Thi được ty Công chánh tuyển chọn đến đây cùng làm việc với ông… và các kỹ sư khác. Có sáng chủ nhật chúng tôi thấy hai vợ chồng Hoàng thân đến trường Quốc Học thăm một số học sinh Lào ở nội trú. Khi đi qua sân vận động, ông thấy hai đội bóng học sinh trường Lễ Văn và Quốc Học đang đấu giao hữu, ông bà liền đứng xem, vừa cổ vũ hai đội, vừa chuyện trò với hai học sinh Lào… Có lần người ta còn thấy hai vợ chồng ông đến lễ Phật ở chùa Diệc, một ngôi chùa cổ kính ở Vinh…

Thời gian hoàn thành cầu để thông xe đã đến gần, thì Cách mạng Tháng Tám bùng nổ ở Việt Nam. Chớp thời cơ, nhân dân Lào cũng vùng dậy đánh đuổi Pháp - Nhật giành chính quyền, lập ra chính phủ mới của nước Lào độc lập, do Hoàng thân Phệtxarạt làm Thủ tướng. Hoàng thân Phệtxarạt đã đánh điện gọi kỹ sư Xuphanuvông (em ruột) về Lào. Cùng thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử người vào Vinh mời Hoàng thân Xuphanuvông ra Hà Nội để bàn bạc phối hợp tình hình… Theo hồi ký của bà Viêng Khăm, vào tối ngày 2/9/1945, gia đình Hoàng thân đang ở Vinh, thì được gặp ông Lê Văn Hiến và Hoàng Xuân Bình do Bác Hồ phái đi Huế đón vua Bảo Đại vừa thoát vị ra Hà Nội làm cố vấn trong Chính phủ Việt Nam, đến nhà mời Hoàng thân cùng đi. Thế nhưng xe ô tô của Hoàng thân vừa bị hỏng hôm qua chưa kịp sửa, ông Lê Văn Hiến và Hoàng Xuân Bình liền mời Hoàng thân Xuphanuvông cùng ngồi chung xe với Bảo Đại để kịp tiếp kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại Hà Nội, Hoàng thân đã được Hồ Chủ tịch đón tiếp ân cần, thân mật ở Bắc Bộ phủ. Dịp này Hoàng thân còn được gặp gỡ chuyện trò với các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh… Sau khi bàn bạc với Bác Hồ việc chuẩn bị một hiệp ước liên minh tương trợ Việt Lào xong, Hoàng thân đã quay trở lại Vinh, sắp xếp công việc còn dang dở ở cầu Yên Xuân và thu xếp đồ đạc đưa gia đình về Lào, theo yêu cầu của Thủ tướng Phệtxarạt. Để bảo đảm bí mật và an toàn theo lệnh của Trung ương, chính quyền tỉnh Nghệ An đã dùng xe ô tô đưa gia đình Hoàng thân vào Huế, gặp lãnh đạo chính quyền cách mạng Trung kỳ, gồm các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Hồ Tùng Mậu, Trần Hữu Dực… Ở đây đã chuẩn bị một lực lượng hộ tống đầy trách nhiệm do đồng chí Lê Tự Đồng chỉ huy, đưa Hoàng thân và gia đình trở về Tổ quốc Lào. Về nước, Hoàng thân nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong chính quyền cách mạng Lào, kiêm Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng liên quân Lào - Việt khoảng 600 chiến sĩ…

Đầu năm 1946, Pháp trở lại xâm lược Lào, chúng đánh chiếm sân bay Xênô, sau đó chúng đánh chiếm  Xavanakhẹt… Ngày 21 - 3 - 1946, chúng đưa 3 tiểu đoàn bộ binh có máy bay và đại bác yểm trợ, đánh chiếm Thà Khẹt. Sau một ngày liên quân Lào - Việt chiến đấu kiên cường trong tình thế nguy ngập, chấp hành nghị quyết của cấp trên, Hoàng thân phải cho bộ đội vượt sông MêKông tạm lánh qua đất Thái Lan. Cuộc vượt sông này đã để lại nhiều thương vong, do Pháp thả bom và bắn đuổi rà sát mặt sông nhằm vào các thuyền chở đầy bộ đội… Hoàng thân đã bị thương ở ngực, nhưng không trúng tim nên còn sống sót… Sau khi bình phục trên đất Thái, Hoàng thân bắt tay xây dựng lại lực lượng quân sự. Nhưng rồi chính phủ Thái thay đổi chính sách do tướng PhibunSôngKhan làm Thủ tướng, không ủng hộ phong trào cách mạng Lào nữa. Trong bối cảnh khó khăn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử người sang Thái Lan mời Hoàng thân chuyển về vùng tự do của Việt Nam để cứu vãn và phát triển phong trào giải phóng dân tộc Lào. Hoàng thân nhận lời. Đây cũng là dịp để Hoàng thân có điều kiện trở lại xứ Nghệ. Đêm ngày 11 - 8 - 1949, Hoàng thân được đồng chí  Nguyễn Tử Quỳ bí mật đưa xuống thuyền vượt sông MêKông về Lào, với bí danh là “ông A”. Sang đến đất Lào, đơn vị tình nguyện của ta bổ sung hai cán bộ trinh sát, cùng hai cán bộ người Lào, thông thuộc đường rừng Trường Sơn ròng rã hàng tháng trời, ngày đi, đêm nghỉ, hoặc ngược lại tùy theo tình hình…, đoàn hộ tống “ông A” cuối cùng đã tiếp cận được với quốc lộ 7 ở miền Tây xứ Nghệ. Một chiếc ca nô của Quân khu 4 chờ sẵn, đón vị khách quý của Bác Hồ đưa đến nhà khách của Phòng Biên chính Quân khu. Ba ngày sau, Hoàng thân đã gặp đồng chí Nuhắcphunxavẳn Chủ tịch UBKC miền Đông Lào để bàn công việc và nắm tình hình… Hôm đó Hoàng thân còn gặp đồng chí  Xixana Xixan nữa, đi cùng với đồng chí Nuhắc. Nghỉ dưỡng sức tại Nghệ An một thời gian, Hoàng thân lên đường ra Việt Bắc gặp Bác Hồ…

Sau gần 6 năm xa cách, đây là lần thứ hai Hoàng thân và Bác Hồ gặp lại nhau. Hai vị vừa trông thấy nhau đã xúc động dang hai cánh tay ôm choàng lấy nhau vỗ vỗ tỏ sự vui mừng. Khi buông tay, Bác Hồ nhận ra nét mặt Hoàng thân khắc khổ, lại có thêm bộ râu mép trông thật “hiên ngang” (nguyên văn lời Bác Hồ). Vài tháng sau, Hoàng thân từ Việt Bắc lại trở về Nghệ An, vừa để nghỉ ngơi, vừa bàn bạc thêm với quân khu về lực lượng quân tình nguyện. Xong việc, Hoàng thân đã được Quân khu 4 cử người hộ tống Hoàng thân về Lào qua đường quốc lộ số 7. Tháng 8 năm 1950, mặt trận toàn quốc Lào mở đại hội thành lập Chính phủ Lào kháng chiến do Hoàng thân làm Thủ tướng kiêm Chủ tịch Mặt trận Lào tự do (Neo Lào Itxala)…

... Nhà công vụ của Sở Công chánh Trung kỳ dành cho gia đình Hoàng thân ở tại Vinh về sau bị tiêu thổ kháng chiến (1947) trong đó Hoàng thân đã để lại một số sách vở không mang đi được. Vì vậy, nên có một số sách quý của ông được lọt ra ngoài. Cùng thời gian này (1947) ở huyện Nam Đàn, Bộ Quốc gia Giáo dục, có mở một lớp Toán học đại cương, khóa đầu tiên có khoảng hơn 10 sinh viên. Một sinh viên ở đây đã may mắn mua được tại một cửa hàng sách cũ cuốn “Formulaires de Mathématiques Speciales” ghi lại những công thức toán học ở hai năm toán học đặc biệt dùng cho các học sinh đã đỗ tú tài toán học thi vào các trường Cao đẳng quốc gia Pháp. Ở trang đầu để trắng, có bức họa bằng bút mực vẽ cảnh vườn Luxembourg ở Paris khá đẹp; dưới có chữ ký của ông Hoàng thân Xuphanuvông. Theo Hồi ký của GS Nguyễn Xuân Vinh hiện ở Pháp, nguyên là cựu sinh viên của lớp Toán học đại cương thì, “tôi chắc vì hoàn cảnh chiến tranh, nhiều gia đình có sách học tiếng Pháp bị thất tán, rồi đến tay anh em bạn sinh viên của tôi”. Theo chúng tôi biết ông học rất giỏi toán, biết đến 13 ngoại ngữ… Theo hồi ký của kỹ sư Xinava (con trai út của Hoàng thân) thì “hàng chục năm trời kháng chiến gian lao, hình ảnh Bác Hồ luôn ở trong gia đình tôi”… Bác Hồ đặt tên Việt Nam cho các con trai của Hoàng thân Xuphanuvông là: Quang - Minh - Chính - Đại - Trung - Thành… Người con trai cả có tên Quang (tức là Arinhạ Xuphanuvông) đã hy sinh trong kháng chiến. Ông bà có tất cả 10 người con, gồm 8 trai, 2 gái - Hồ Chủ tịch và Chủ tịch Xuphanuvông đã ươm mầm cho tình hữu nghị Việt - Lào ra hoa kết trái: “Việt Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long”. Cuối năm 1975, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào được thành lập do Hoàng thân làm Chủ tịch… Có lần đồng chí Trần Công Tấn, Ủy viên BCH Trung ương Hội Hữu nghị Việt Lào đi công tác sang Viên Chăn, đến thăm Hoàng thân, thấy ông đang mân mê chiếc quàng cổ, miệng húng hắng ho, vừa chào khách ông vừa nói: “Đây là chiếc khăn quàng Bác Hồ tặng trước khi qua đời chưa đầy một tháng”. Nói xong, Hoàng thân ngồi yên lặng, đôi mắt rưng rưng với bao kỷ niệm và nỗi nhớ trong lòng…

Tuy tuổi đã cao, sức khỏe yếu, lúc ông đã ngoài 80 tuổi, năm 1991, vợ chồng ông đã cố gắng đến thành phố Hồ Chí Minh để tìm gặp lại những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam thăm hỏi, kể cả cô người yêu cũ của liệt sĩ Lê Thiệu Huy, người đã lấy thân mình che chắn cho Hoàng thân khi vượt sông Mêkông hy sinh trong trận Thàkhẹt, nay cô là một nhà tu hành…. Về nước được mấy năm thì Hoàng thân qua đời (1995) thọ 86 tuổi. Sau lễ quốc tang, con cháu đã tìm thấy trong ngăn bàn của Ngài có cất giữ một phong bì nhiều bức ảnh, phía ngoài đề: “Với Para Hồ" (cha Hồ) đây là những tấm hình Hoàng thân chụp chung với Hồ Chủ tịch. Ôi! Tình cảm của ông dành cho Bác Hồ không chỉ là tình đồng chí, tình bạn chiến đấu, mà còn là một mối tình ruột thịt thiêng liêng như cha với con. Cũng trong ngăn bàn này còn có một cuốn sổ tay ghi lại sự căm thù thực dân Pháp đánh vào thị xã Thàkhẹt, gây bao cảnh chết chóc thảm khốc, bằng một câu tiếng Pháp: Tạm dịch: “Chỉ một khúc sông nhuốm đỏ máu, đã cho ta thấu hiểu lòng bạn, lòng ta”.

Bà Viêng Khăm Xuphanuvông từng viết hồi ký: “Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn trong trái tim tôi. Những năm đánh Mỹ ác liệt, khó khăn nhất, kể cả khi chồng tôi cùng các nhà lãnh đạo yêu nước Lào bị phái hữu bắt giam, mẹ con chúng tôi lại đem nhau về Hà Nội đến với Bác Hồ, như một chỗ dựa tinh thần của đất nước tôi, của gia đình tôi…”

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

“Ông Hoàng đỏ người hùng của đất nước Lào” - tác giả Xinava Xuphanuvông - NXB Trẻ 2004.


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114570906

Hôm nay

260

Hôm qua

2298

Tuần này

2655

Tháng này

229430

Tháng qua

129483

Tất cả

114570906