Ngày rời quê nhà ra đi, cây rơm, gốc thị, cầu ao, chùa làng, xóm chợ và những gì nhìn thấy bình thường thì giờ đây đã trở thành của hiếm. Với cây đàn ghi ta từ lâu thân thiết, những hình ảnh đó bỗng biến thành âm thanh ấm áp thánh thót tháng ngày hòa trong tiếng đàn xưa quen thuộc, khác nào chiếc phao vô giá cứu rỗi đời anh những phút nản lòng. Để rồi lại nghĩ suy, lại hồi tưởng…
Xót xa bao điều chưa kịp nhìn thấy! Dung nhan người vợ gần gũi thời son trẻ anh cũng chỉ âm thầm tưởng tượng qua lời nhận xét của những người thân.
Điều an ủi bù lại khi anh hình dung ra được nét mặt những đứa con sáng sủa của mình. Nghe rằng chúng rất giống bố. Sự nhìn thấy liên tưởng từ những chuẩn mực nào đó không nhiều, thỉnh thoảng như những ân huệ từ lâu ban phát, giúp anh dịu đi ước mơ ánh sáng khát khao.
Anh buồn không nhìn thấy những bộ dạng chiến hữu cùng cảnh ngộ, những bà con người mù thân tình xa lạ, hàng trăm hàng ngàn người ở gia đình, ở làng xã, ở các cuộc họp Hội Người Mù. Và họ đã bầu anh làm người lãnh đạo.
Anh không phụ lòng họ khi mỗi ngày như hiện ra trước mắt nhiều công việc, nghề nghiệp phù hợp mà họ chỉ còn cách vượt lên tự cứu cuộc sống lẽ ra không buồn. Về đâu? Những cánh chim rời rạc nhanh chóng xếp thành đội hình đàn chim đông đảo nương dìu nhau rợp cánh ngang trời. Dòng sông đêm vô định phút chốc hóa thân thành bầu trời mênh mông, từ bỏ không gian nhức nhối, băng qua ám ảnh chập chờn, giữa tâm trạng không nhìn thấy và nhìn thấy, giữa đau khổ và vui khuây… Dù năng lượng vô hiệu buộc phải phát sinh không nhỏ, dù không nhìn thấy sản phẩm tự tay mình làm ra, người mù vẫn khổ công lao động từ nguồn tài trợ nhỏ nhoi để thoát đói nghèo.
Xã hội viết to giữa cõi đời hai chữ Nhân Văn, tỏa bóng che đến nhiều số phận. Buồn cho ai đó đức thấp, sống uổng đôi mắt lành lặn, ham hố sa lầy tăm tối. Có người tài cao không mù, trở thành người mù nặng. Còn anh và những người mù bình tĩnh đã bao năm sống sáng, tiếp tục nắn cung đàn hy vọng rung vang phẩm chất tự trọng của mình ở những bậc cao.
1999