Cuộc sống quanh ta

Làng xưa bạn cũ

Sông kia rày đã nên đồng

Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai...

Tú Xương

Trước Cách mạng, làng tôi có tên là Thổ Sơn bởi tọa trên một ngọn rú đất nho nhỏ. Các bậc hay chữ nho nói tên làng vậy là hợp. Vừa chữ vừa thực. Rú đất thì dịch là Thổ Sơn. Nghe ra hiểu ngay, thật mà lại đẹp. Sau này các bậc hay chữ đời mới lại đổi ra xóm Phúc Sơn. Phải có một núi Hạnh phúc, phúc to như quả núi chứ, Cách mạng rồi mà. Nay được gộp vào thị trấn Nghèn nên không gọi xóm nữa mà gọi là khối, khối Phúc Sơn. Gọi là gì gì đi nữa thì với tôi, Phúc Sơn vẫn là làng quê. Một làng quê như bao làng quê xứ Nghệ xưa nay.

Xưa, làng ở theo thế vòng cung, con sông Nghèn chảy ôm theo mà thành hai bến tắm. Bến đầu Đông gọi là bến Nậy. Nậy dĩ nhiên là lớn. To nậy. Bến phía Tây gọi là bến Lò. Chịu, chẳng biết vì sao gọi Lò. Hay cạnh đó có những cái lò đúc? Bởi gần bến có một cánh đồng lúa gọi là Làng Nồi. Một làng đúc nồi đồng từng ở đây chăng? Bạn tôi, một lũ chăn trâu với nhau thường đố như vậy. Cũng chẳng đứa nào biết gì hơn mà trả lời. Chỉ biết rằng tắm ở bến Nậy thích hơn bến Lò. Bến Nậy có nhiều hòn đá to xếp thành bậc lên xuống, các khe hở thường có tôm to trú trong đó. Chúng tôi ngoi thỏa thích rồi lặn xuống mò tôm. Những con tôm nước lợ to bằng ngón chân cái trốn trong kẽ đá bị chúng tôi tóm được. Chỉ cần ba, bốn con là  mẹ đã  nấu được nồi canh khế ngọt lừ. Nhờ chiến công này mà chúng tôi ít bị đòn nếu cứ mải lặn hụp mà quên về chăn trâu hoặc quên buổi học.

Thế đất vòng cung của làng giống hình một con rùa nếu nhìn xa từ trên rú Hống, phía bến Nậy là đầu, mà đuôi là khúc bến Lò. Các cố trong làng hay gọi đó là thế đất hồi quy. Con rùa bò về. Về đâu nhỉ? Về hang hay về bến? Tôi hỏi Mậu - thằng bạn giỏi giang nhất trong nhóm bốn đứa chúng tôi. Nó giải thích giọng hệt cố Chuyên, một cụ già giỏi chữ nho hãy còn đang sống: không chỉ con rùa đâu, chỉ phận người làng đấy. Người làng kiếm ăn xa xứ, cuối cùng cũng dắt díu nhau về, chẳng cứ thân rùa.

Rõ rồi, hồi quy cũng là phận người. Làm ăn to nậy ở đâu rồi chặng cuối cũng muốn tìm về làng. Có người theo con vào Nam, bán nhà bán vườn, khi làm ăn trong đó không ổn, trở ra thì làng vẫn phải giúp tìm đất ở. Có người thì đi mất tăm dạng nhiều năm tưởng lên ông nọ bà kia, vậy mà một sớm lại dắt díu nhau về. Vườn đã sang tên cho cháu, phải họp bàn từ họ đại tôn tới chính quyền xã. Nhà tôi may mà chuộc được đất của cha ông, ai cũng khen là tốt phúc, ối người bị quy sai, giờ muốn mua lại đất cũ nhà mình mãi không xong. Mỗi người mỗi cách trở về. Thế đất hồi quy các cụ nói vậy không sai. Đường đi của đời người như đã uốn theo vạch.

Cũng như con đường đất nho nhỏ uốn theo sông, làng tôi gọi là đường rước thần. Đường ấy là lối đi tới đền làng, đi lại phải có phép tắc.

Đền làng tôi đặt trên đỉnh rú đất phía Tây làng, ngó xuống bến Lò, thờ thần Cao các, tức ông thần núi, còn là nơi thờ ông Quận công họ Ngô - Nhuận Quận công, cũng gọi là Quận Tứ. Sân đền có cây muỗm cổ thụ, quả ăn được nhưng cao quá, bọn trẻ chăn trâu chẳng đứa nào trèo hái được. Hằng năm, đến ngày lễ hoặc giỗ Quận Nhuận thì nhà sãi chùa làng biện lễ sau khi đã có lế vật thâu nạp hoặc thu từ ruộng của công. Chỉ có ông sãi mới có cái thang cao bắc lên để hái muỗm. Chùa đặt ở sát đền, chùa nhỏ mà nhà trai của sãi cũng nhỏ. Không có sư, chưa khi nào có sư trụ trì ở đây. Cha tôi đã giảng nhiều về tích đặt chùa ở đây mà tôi không nhớ. Sau này để tâm tìm hiểu tôi đã tò mò hỏi bà Lộc, vợ ông sãi chùa, bà không biết đã đành mà đến chồng bà hồi còn sống cũng không biết được. Họ chỉ là cặp vợ chồng nghèo từ trong Cổ kênh dạt ra, thấy có chùa thì xin ở nhờ rồi làm các việc của người ngụ cư mà thành sãi. Có biết ăn chay niệm Phật gì đâu, chỉ như mõ làng ngoài Bắc. Ở chùa mà chủ yếu coi giữ đền. Trong đền thờ có cặp ngựa gỗ màu trắng to cao như ngựa thật. Có ông Thiện, ông Ác và nhiều gươm đao, nghi trượng kiệu bát. Mấy đứa trong làng tôi, Hạnh, Tuyết, Liên,  Diên, chúng đã từng cưỡi lên cặp ngựa này. Tôi cũng thử nhưng vì nhảy không với đến yên. Không biết ai đã mách mà mẹ tôi biết. Bà quất tôi hai roi vào mông, giọng như khóc: chúng nó con nông dân không ai dám làm gì, mày con nhà địa chủ không được làm thế, phải tội con ơi. Với mẹ tôi thì nông dân bần cố là nhất. Thần thánh cũng phải sợ. Về sau, đôi ngựa không còn. Ông đội Cải cách người Thừa Thiên làm rể làng tôi khi phụ trách lò vôi đã cho đem ngựa, voi, hoành phi câu đối, nghi trượng, gươm đao chẻ ra làm củi nhóm lò. Ông nắc nỏm khen các thứ tàn tích của phong kiến thế mà tốt. Cháy đượm, lâu tàn, rất được nhiệt. Người làng nghe, bảo toàn gỗ quý, làm gì mà chẳng được nhiệt, rặt lim dổi, vàng tâm cả đấy. Có người nói lén, biết thế này hồi 48 (1948) cứ để cho người ta hợp tự với Vĩnh Long - Tiến Lộc. Hợp tự, chủ trương là hợp chùa, nhưng sau gom đủ các thứ đồ thờ của đền, đình để thờ chung, từ thiên thần, nhân thần đến tiên phật, bụt thánh. Tất tần tật một nơi hệt như sau này người vào hợp tác. Thần thánh cũng một nhà. Đáng ra các đồ thờ trong đền ngày đó cũng hợp rồi nhưng người làng ương, chưa chịu nộp, nhất là những nhà có máu mặt họ Trần. Trong cải cách, các nhà họ Trần lại bị quy là địa chủ, đến hồi Hợp tác nung vôi chẳng anh nào dám ho he. Thành thử ngựa voi có công góp lửa nung vôi ngói. Có ngói mới để lợp nhà Uỷ ban!  Có vôi để xây kho và làm sân phơi của hợp tác.

Hợp tác ngày đầu đông vui, công điểm cũng khá. Các nhà chưa trả thành phần chưa được vào. Mấy anh em chúng tôi rất buồn vì cũng không được vào Hợp, coi như chậm tiến. Năm thằng chúng tôi, Sâm, Long, Mậu, Thuyên, hay rủ nhau đi lấy củi cháy trên rú Hống. Người ta đốt rú ngày ngày. Nhờ vậy mà đỡ thèm khi phải nhìn chúng bạn cùng tuổi được đeo khăn đỏ, được nhảy vòng tròn và hát bài Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa hoặc bài Đây gió, đây cánh rừng, đây cánh đồng đầy bao phong ba... Chúng tôi chặt đót khô, sim khô bó thành từng bó quẩy về. Dốc cao đường xa bụng đói, gánh được gánh củi cháy về tưởng đứt cả hơi. Về được rồi mai lại muốn đi nữa. Lên rú lấy củi được ăn cơm gói. Mẹ đùm cho một mo cơm độn dong riềng, tự do ăn một mình, thấy rõ ra người lớn. No nữa. Hơn ở nhà chỉ được vét cơm cám đắng ngoét. Sau này học lên cấp 3, đọc đến câu thơ khi vui lấy núi làm vui thấy sao mà đúng với chúng tôi lúc ấy đến vậy. Biết buồn, biết cô đơn và buồn nhất là không được vào hợp tác như nhà bọn Hạnh, Tuyết, Liên, Diên.

Năm được vào Hợp tác thì phong trào cũng đã xẹp rồi. Mỗi công lao động cũng chỉ được dăm lạng thóc. Sức vóc bọn trẻ chúng tôi mỗi ngày cố cõng cho được hơn tấn phân chuồng ở kho ra ruộng, tính điểm phết phẩy cũng chỉ mới được vài lạng thóc. Không bằng nhà có trâu bò thì được thóc rơm. Thứ rơm người ta trục đập trên sân hợp tác, nhưng rũ qua loa. Trong đống rơm chia ấy đưa về nhà rũ lại còn hàng thúng thóc. Ai cũng biết, kể cả nhà không có trâu bò. Cũng như ai cũng biết ông quản trị tự chấm điểm cho mình nhưng không ai dám nói ra. Hợp tác làm ăn ngày càng khó khăn, có người đã muốn ra. Trên làng Hồng Vinh có ông Xin Phong làm tờ đơn có vần: Việt Nam dân chủ Cộng hoà, Đơn xin ra hợp tác tên tôi là Xin Phong...  người làng đọc to rồi cười với nhau, còn câu xã viên mua bị, quản trị mua bồ, hỏi ló đi mô, vô bồ quản trị thì đọc rồi cười lén với nhau, sợ người ngoài nghe tưởng mình đặt vè xỏ xiên.

Mặc ai nói gì thì nói, mấy đứa tôi vẫn nhìn cảnh người làng đi làm đồng đông vui mà thèm. Không có cờ đỏ ven đê nhưng cảnh sớm trưa tiếng trống đi về vẫn làm chúng tôi háo hức. Rồi lại thêm cảnh các anh trai làng đi bộ đội nghĩa vụ, đủ 3 năm thì được về. Sau, tới ngày có lệnh đi B thì chẳng thấy ai về như bộ đội nghĩa vụ nữa. Hình ảnh người lính mà chúng tôi ngưỡng mộ nhất là ông Viên. Ông là bộ đội đánh Pháp, nghe nói hôm nhập ngũ đang cày thuê, ông họ trâu giữa ruộng chạy bộ đến nơi khám sức khoẻ. Giải phóng Điện Biên mới về. Người làng xì xầm lần này ông về thắp hương cho ông bà tổ tiên để đi B. Mấy thằng chúng tôi cứ đi qua, đi lại trước ngõ nhà ông mà ngó vào. Thấy rõ khẩu súng lục ông dắt ở thắt lưng. Thấy nhiều sao trên cổ áo. Thằng Mậu thông tỏ chuyện quân sự giảng giải ba sao một vạch là Thượng uý, là cán bộ to rồi. Sau này để tâm tìm hiểu thấy Mậu nói đúng. Vì đi bộ đội từ năm 46 (1946), có văn hoá như chú Cát tôi mà năm đó cũng mới Thiếu uý. Mậu giải thích, chú mày vì thành phần. Ông nội là địa chủ. Tôi phục lăn. Nhưng tôi lại không hiểu vì sao đang tự nhiên là một học sinh của trường cấp 3 Can Lộc, cùng thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc với Lê Thành Nghị, Đức Ban, vậy mà bỗng nhiên Mậu xung phong khám tuyển quân sự. Trúng tuyển, A2 hẳn hoi. Trên đã có giấy điều. Cả nhà phàn nàn vì hai anh trai của nó cũng là bộ đội. May mà anh cả đã phục viên. Đêm trước ngày nó đi pháo sáng Mỹ thả suốt đêm, rực trời từ Nghèn lên tận Đồng Giao, Thạch Ngọc. Tôi và chị Vỹ đưa chân Mậu từ nhà lên Khe Lang nhập đơn vị xong thì về, dọc đường chị khóc rấm rứt. Tôi động viên, bảo trai làng đi bộ đội hết rồi, trước sau gì thì cũng đi. Đi trước lại chẳng hơn à. Em thấp bé nhẹ cân chứ nếu không thì cũng xung phong. Với lại Mậu nó học giỏi thì sẽ chẳng khổ đâu. Chị Vỹ lại khóc to hơn.

Hóa ra chị gái Mậu đã linh tính được đoạn đường của nó. Lận đận vất vả loanh quanh. May mà không ngỏm. Nó tổng kết. Thoạt đầu là bộ đội địa phương, hết Khe Lang thì xuống Thịnh Lộc. Tại xã biển này, đơn vị bị một trận bom với pháo hạm ngoài khơi của Mỹ đánh vùi. Quang, bạn cùng lớp trúng mảnh bom, hi sinh. Đó là tháng 3 năm 1968. Bắt đầu biết thế nào là chiến trường máu lửa. Nhờ viết đẹp tính giỏi (những năm đó học sinh cấp 3 còn quý như vàng) nên được điều hết văn thư, quân lực rồi tuyên huấn. Hết Quảng Trị lại sang Lào. Năm 1988 được hưu (non) với cấp bậc đại uý.

Nhiều năm sau, nhân tán chuyện về sao vạch trong quân đội, tôi nói thế là cậu hơn ông Viên rồi. Mậu không biết tôi đùa nên vội vàng giải thích: lớp ông ấy khác, lứa mình có anh lên tướng. Tớ lận đận bởi cái này... Mậu cho xem một tờ giấy đã úa vàng. Đó là bản thẩm tra lý lịch kết nạp Đảng của Mậu được làm từ năm 1969. Tờ giấy viết tay kín 4 mặt, nét rõ, đều. Có họ tên đầy đủ của người đi thẩm tra và người cung cấp thông tin. Bên phải là xác nhận có đóng dấu của Đảng uỷ xã. Người ký tên trong con dấu ấy là ông bác họ tôi.

Bản thẩm tra kết nạp Đảng ấy đã ghi chi tiết từ đời cố can tham gia bóc lột, riêng Mậu thì ghi rõ: không nên kết nạp Đảng (dòng này bị xoá vì có lẽ người viết biết mình sai vì Mậu đã được kết nạp rồi) và không nên bồi dưỡng để làm lãnh đạo. Với nhận xét ấy của một ông trực Đảng (bác họ hẳn hoi!) mà không về hưu non mới là chuyện lạ.

Chao, một thời nặng vai lý lịch của lứa tuổi chúng tôi, anh nào thoát được  kể cũng là tài!

Thắng, cháu ruột Mậu, một Đại tá hiện đang công tác tại Tổng kho trong Nam, hồi chúng tôi thoát li mới lẫm chẫm biết đi, đã nói: chú về hưu non là Nhà nước lỗ. Chú đi bao nhiêu năm mà về đã hơn hai chục năm? Chúng tôi cùng cười. Ừ trời cho sống, đừng bị …tai nạn giao thông thì có lẽ còn dài dài. Thế là lãi.

Càng tiếc cho ông Viên hy sinh sớm quá, ngay từ những năm đầu vào B. Rồi đến các anh Thắng, Quả, Tịnh, Phụng, Thao, Hứng, toàn các anh to cao đẹp trai đã mãi mãi không về. Lớp nghĩa vụ ngày ấy còn kén chọn lắm. Các anh phải khám đủ 13 phòng, từ cân đo tới kết luận. Anh nào cũng to con A1, A2, không lấy B1, B2 rồi B3 như những năm tiếp theo. Lớp sau có Tùng, Tý, Mậu (Thạch) Ba, Lợi, Nhân đều chưa vợ con, chẳng bao giờ còn nhìn thấy làng mình được nữa. Duy nhất chỉ có anh Thao còn để lại được giọt máu, cháu Hà. Bây giờ trai làng ít em đẹp trai được như các anh thời đó.

Làng đông người hơn xưa, nhưng ruộng đất thì ngày một thu hẹp. Năm 1984 để được là thị trấn, làng phải nhường lại khu vực Đội Quanh, Cồn Sắn, Nại Khê. Những năm gần đây thị trấn lại lấy thêm đất Ba Màn. Cái hình dáng con rùa không giống nữa. Phía Bến Nậy, anh bộ đội Chất làm nhà sát mép nước. Tôi thi thoảng đi qua lại vịn hàng rào nhà anh.

Bến Lò vắng vẻ hơn. Đường rước Thần thành đường dự án. Cả một khu dự định nuôi trồng thuỷ sản đang rặt nước xanh lơ phèn chua chưa biết nuôi con gì. Không thể nhận ra đâu là nền chùa một thời làm sân kho hợp tác. Khó biết dấu tích đền làng một thời xây trường Đảng của Huyện, cũng là nơi trường Đại học Kinh tế Tài chính (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân) về mở lớp tại chức cho cán bộ huyện và các chánh phó chủ nhiệm hợp tác xã, có người gọi là Đại học Phúc Sơn.

Làng hơn trăm hộ mà 37 bà góa, 17 bà lấy chồng chỗ khác đưa về đây, 7 bà có con mà chẳng có chồng. Ông cán bộ cao cấp nghỉ hưu cạnh nhà tôi một hôm tính ra thế. Rồi hỏi tôi, sao vậy hả ông? Tôi cười. Chắc âm thịnh dương suy... Ông không để ý đến câu đùa nhả mà cứ lẩm nhẩm hỏi có cách chi phục dựng lại ngôi đền. Không đền không chùa thấy làng lộn xộn. Hôm qua có thằng dỡ nhà hương hoả, không cho em gái ở, để dễ bề bán đất. Chuyện đã đến nước ra toà... Ông cứ nói một mình như người đọc tờ cáo trạng, không buồn để ý đến tôi.

Tôi thì ngẩn ngơ ngồi nhớ.

Một lũ bạn chăn trâu giờ đã già. Thuyên ở tít trong Đồng Nai, mất rồi. Nó bị tâm thần phân liệt thể trầm cảm. Tự tìm lấy cái chết. Cả nhà không ai biết nó bị ủ bệnh quá lâu, áp lực cuộc sống đè nặng. Mới hôm nào nghe chuyện qua điện thoại dài quá, sợ tốn tiền muốn dừng thì nó bảo đang du lịch qua điện thoại. Đất vườn nằm trong dự án đền bù, bỗng chốc thành triệu phú. Đến hồi hết khổ lại bỏ đi. Nó học giỏi mà cũng là vượt khó, vượt khổ nhất. Nó là cháu ruột ông Trần Đắc Cầu, bác họ tôi, có tài văn thơ, lấy chị gái Chế Lan Viên, má Tân. Ông cũng là bà con với nhà thơ Xuân Diệu. Ông Cầu bị bắt vì làm thơ về Cải cách, về chuyện chống Tàu chi đó, được vài tháng thì chết trong nhà giam Cầu Đông... Một thời anh em họ Trần Đắc sợ liên lụy nên nhiều anh đổi ra Trần Xuân, Trần Quốc, Trần Thanh ráo…! Vì ông bác ương gàn mà cả họ mất nhờ.

Sâm là thành phần cơ bản, học không nhiều mà phấn đấu làm đến Giám đốc một xí nghiệp. Có điều kiện dìu dắt các em làm kinh tế, ngày giỗ Tết, ô tô con cháu đỗ kín ngõ. Giờ béo tốt lại sinh lắm bệnh. Chăm chỉ đi bộ hàng ngày.

Long là công nhân địa chất, đi hết các vùng ma thiêng nước độc, về hưu cứ lặng lẽ một mình, không giao thiệp với ai. Nhà sát bờ rào mà không bao giờ sang. Cứ như ngày bé chưa bao giờ chơi với nhau.

Bạn cùng lớp, cùng thích văn chương thì giờ mỗi thằng mỗi nẻo. Người nghỉ hưu ở Hà Nội, người trong thành phố. Làng xưa bạn cũ chỉ còn tôi và Mậu. Một mình chiều chiều ra ngõ, thuận chân lần ra bờ sông. Sông chẳng giống ngày nào bởi nó đã được ngăn mặn phía cuối dòng tại Hộ Độ, không còn cảnh thuỷ triều lên xuống đến tận Nghèn nữa. Không còn cáy để bắt về chà ruốc, hết tiệt rươi, sứa nuốt, không còn bói đâu ra những con cá mòn béo múp, ăn được cả xương. Giờ sông như cái ao dài nhẵng, nước ngọt lặng lờ. Lạ lẫm. Bến Nậy đặc những bèo Tây, bèo Nhật, không thể nào bơi được. Chẳng còn tôm nước mặn trong kẽ đá, dưới nước lơ thơ những búi rều.

Chỉ còn gió vẫn thổi mỗi chiều như vậy. Như người quen, bạn cũ. Như  lao xao tiếng người.

                  9-2009


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114571205

Hôm nay

251

Hôm qua

2308

Tuần này

2954

Tháng này

229729

Tháng qua

129483

Tất cả

114571205