Khách mời văn hóa

Giáo sư Cao Huy Thuần: "TRẢ CÁI ĐẦU LẠI CHO CÁI ĐẦU"

VHNA: Ông Cao Huy Thuần bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Paris và sau đó là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Cộng đồng châu Âu tại Đại học Picardie.

Hiện nay ông là giáo sư giảng dạy tại Đại học Picardie, Pháp. Cũng như một số trí thức Việt kiều khác, ông thường xuyên về Việt Nam tham dự các cuộc hội thảo về các lĩnh vực chính trị, văn hoá, xã hội. Gần đây nhất, ông đã về dự và thuyết trình tại Tuần văn hóa Phật giáo Việt Nam lần thứ  IV tổ chức tại Tp Vinh, tham gia hội thảo "Văn hóa Phật giáo Nghệ An: Quá khứ, Hiện tại và Tương lai"

Nhân dịp này, phóng viên VHNA đã có cuộc trao đổi với giáo sư Cao Huy Thuần một số vấn đề về văn hóa và giáo dục. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Phóng viên (PV): Thưa giáo sư, chúng tôi có được đọc một số luận văn về văn hóa và giáo dục của giáo sư, vừa qua lại được nghe giáo sư thuyết trình về Phật giáo với phương Tây, chúng tôi hiểu rằng giáo sư rất quan tâm đến văn hóa và giáo dục của nước nhà. Cảm xúc của giáo sư sau khi tham dự Tuần văn hóa Phật giáo tổ chức tại TP Vinh vừa rồi như thế nào ạ?

Giáo sư Cao Huy Thuần (Gs.CHT): Chưa bao giờ một Tuần văn hóa Phật giáo nào làm tôi xúc động đến thế. Mà không phải chỉ riêng tôi, tất cả mọi người! Cứ hỏi hàng ngàn người đến tham dự, chắc chắn ai cũng xúc động như tôi hoặc hơn tôi. Sự hưởng ứng nồng nhiệt của quần chúng vượt xa tưởng tượng của chúng tôi. Chúng tôi nhìn nhau bàng hoàng sau đêm bế mạc, thốt lên cùng một lời như nhau: "Như một giấc mơ"! "Như một chuyện thần tiên"! Nghệ An kể cho chúng tôi một chuyện thần tiên hiếm khi được nghe giữa thời đại chuộng vật chất, thiếu tình cảm, mất xúc cảm hướng thượng này.

PV: Cảm xúc đó có ảnh hưởng, có đem lại một cái gì mới mẻ trong nhận thức về văn hóa, đời sống văn hóa quê nhà của giáo sư?

Gs.CHT: Có chứ, và rất nhiều. Trước hết, tôi khám phá ra bề dày của lịch sử nước ta. Tôi biết Nghệ An là tuyến đầu của tổ quốc từ khi lập nước. Nhưng tôi phải lên đến tận tháp Nhạn, cầm trong tay một viên gạch có lẽ được nung từ hồi thế kỷ thứ 6, thứ 7, bây giờ tình cờ, rất tình cờ, nằm vất vưởng dưới bùn như chờ bước chân của chúng tôi, viên gạch chưa phai màu hồng tươi mát, in hình ba vị Phật nét mặt còn nguyên, khi đó tôi mới thấy cụ thể tuổi thọ của văn hóa nước ta. Người bình dân ta thường nói: "vật đi tìm người". Đúng là văn hóa của ta đang đi tìm chúng ta, dù đang nằm vùi dưới bùn bao nhiêu thế kỷ. Cầm viên gạch trong tay, tôi tưởng như cầm xương cốt linh thiêng. Văn hóa là linh hồn của dân tộc, ai muốn giết một dân tộc trước hết giết văn hóa. Viên gạch trong tay tôi đã bị giết, không phải chỉ một lần bởi Trương Phụ. Nhưng nó vẫn sống, vẫn hồng, truyền linh thiêng và tuổi thọ trong tay hậu thế.

Tôi học được gì cụ thể nữa? Nghệ An là anh cả của Huế. Lịch sử nước ta có lắm chia cắt, và lần chia cắt gần đây nhất khiến Huế có cảm tưởng Nghệ An giống với "miền Bắc" hơn là giống mình. Không ngờ Nghệ An gần Huế đến thế! Nghệ An đã cùng học một bài học với Huế, mà lại học trước hàng mấy thế kỷ, mà lại học thấm, mà lại nhớ dai, mà lại hiểu sâu dù nằm dưới bùn. Nghệ An chỉ ngủ một giấc, và khi thức dậy thì làm Tuần văn hóa vượt hẳn Huế, đứng về mặt quần chúng, đứng về mặt trí thức, đứng về mặt chính quyền. Tôi học được gì? Một bài học đạo đức cụ thể: đạo đức nào hiện nay cũng cấp bách, nhưng cấp thiết nhất là đạo đức giữa chính quyền và dân chúng; đạo đức ấy có thì đạo đức trong gia đình, đạo đức trong học đường, đạo đức trong xã hội sẽ tái lập. Bằng chứng là bức tranh đạo đức mà ai cũng thấy trong suốt Tuần văn hóa vừa qua. Gia đình nào cũng vui. Vả cả xã hội đều vui.

PV: Như vậy, giáo sư có niềm tin về tương lai văn hóa nước nhà?

Gs.CHT: Ai cũng nói: văn hóa của ta đang suy sụp. Tôi cũng đã nói thế. Nhưng có nhiều lúc, có nhiều sự việc làm ta giật mình như khi nghe một tiếng vạc kêu lúc gần sáng. Ai ngủ không được thì thấy đêm dài. Nghe vạc kêu thì biết đêm hết. Tôi trở lại chuyện Nghệ An. Nghệ An làm tôi liên tiếp giật mình. Cả hàng ngàn người, hàng chục ngàn người nô nức tham gia, mà trật tự, mà kỷ luật, mà an ninh đâu vào đấy, trong công viên rộng lớn, quanh bờ hồ, trước quán ăn, trong phòng họp. Hàng trăm sinh viên, thanh niên, thiếu nữ, tươi cười góp mặt giữ gìn trật tự, tiếp khách, lịch sự, lễ độ. Nói chuyện trong một hội trường hiện đại, mênh mông, mà có bị điện thoại di động phiền nhiễu lần nào đâu! Im lặng nghe, tự do phát biểu, vỗ tay hưởng ứng. Với lượng người đến quán ăn chay đông nghịt như thế, mà nối đuôi nhau, kẻ trước người sau, hết thức ăn vẫn vui vẻ xin xì dầu và bún. Đi chợ mua rau quả, mua một cho hai, vì mua cho Tuần Lễ. Văn hóa ta đâu có mất hết tiềm năng khi tính thiện vẫn tiềm tàng trong quần chúng, chỉ gặp dịp là trỗi dậy? Dù tình trạng có xuống cấp bao nhiêu đi nữa, phải luôn luôn tin ở quần chúng, ở khả năng của xã hội tự giữ được đạo đức cổ truyền. Lỗi không phải tại quần chúng. Quần chúng ta vẫn đẹp. Quần chúng tự biết đâu là con đường chân thiện mỹ phải theo. Hãy nghe và đồng hành với quần chúng. Chính mắt tôi thấy cụ thể: quần chúng đang nhìn viên gạch và biết hướng nào phải đi. Hãy nhìn viên gạch và đọc tương lai trong đó với quần chúng.

PV: Nhìn từ góc độ văn hóa, giáo dục, và cả chính trị nữa, nếu truy nguyên đến cùng sự sa sút này, bản chất của nó là cái gì, theo giáo sư?

Gs.CHT: Tôi vừa nói đến tính thiện. Văn hóa của ta đặt trọng tâm trên tính thiện nơi con người. Nhà Nho hay nhà Phật đều chủ trương bản tính con người là thiện. Giáo dục là vun trồng, làm nảy nở tính thiện đó. Tính thiện được phát triển tốt nhất trong một xã hội thanh bình. Gặp thời đói khó, loạn lạc, chiến tranh, hạt giống thiện có khi phải nằm vùi dưới đất. Từ khi vừa giành được độc lập, nước ta đã ngập mình trong chiến tranh triền miên. Mà chiến tranh thì có quy luật của nó: nó từ khước tiếng nói của lòng thương, nó thu nạp tiếng nói của căm thù; nó lấy thắng bại làm cứu cánh, bất chấp mọi phương tiện; nó nhìn sự vật qua trắng đen, nếu không đen thì trắng, không bạn thì thù, ai không giống ta là kẻ thù của ta. Chiến tranh càng khốc liệt, cực đoan càng thắng thế. Đến lúc đó thì tính thiện rút lui, nhường chỗ cho tính ác độc chiếm. Nhiều nhà văn tên tuổi của ta đã mô tả cái ác ấy trong tiểu thuyết. Và ác thì chấm dứt văn hóa vì nó đã giết rồi.

Chiến tranh của ta là chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh trừng ác. Nhưng đã là chiến tranh thì để lại hậu quả của chiến tranh. Nói như vậy không có nghĩa là tất cả đều xấu trong chiến tranh. Không! Chính trong chiến tranh mà xã hội chúng ta đã phô ra nhiều cái đẹp hùng vĩ, đáng kể nhất là lòng yêu nước, đức hy sinh. Nếu xã hội không biết đùm bọc nhau, chiến sĩ không biết yêu thương nhau, sức mạnh tinh thần không thắng sức mạnh súng đạn, thì làm sao hát được khải hoàn ca? Nhưng quy luật của chiến tranh nào cũng vậy: cá nhân phải nhường chỗ cho tập thể, tự do nhường chỗ cho nhất trí, phán đoán nhường chỗ cho mệnh lệnh. Chiến tranh ở ta đã quá dài và quá tàn khốc, quy luật của chiến tranh đã quá ăn sâu trong quán tính, hòa bình đã vãn hồi từ lâu nhưng ta vẫn chưa có văn hóa hòa bình. Sau mỗi chiến tranh, việc cấp thiết nhất là hàn gắn vết thương dân tộc, là hòa hợp dân tộc, là nhân nghĩa, là yên dân, nhưng ta không có Nguyễn Trãi.

Văn hóa hòa bình chưa có thì ta đã nhảy một đường bay bướm vào "văn hóa thị trường" như nhảy vào rừng hoang, luật lệ nhường chỗ cho tùy tiện…

PV: Nhưng ở các nước phát triển có kinh tế thị trường, văn hóa vẫn phát triển.

Gs.CHT: Đúng vậy, nhưng ở các nước ấy thị trường không phải là rừng hoang, đồng tiền không ngự trị trên đổ nát của mọi giá trị. Nhưng ngay ở trên điểm này, tôi lại cũng phải nói rằng tôi giật mình với Nghệ An. Đồng tiền ở đây có văn hóa. Nó phụng sự giá trị. Tám chục chiếc xe, thuộc loại sang nhất, thay phiên nhau túc trực trước các khách sạn miễn phí, nơi cả trăm khách mời của ban tổ chức ăn uống, cư ngụ, để giúp khách di chuyển. Tôi giật mình không phải vì xe sang mà vì phong cách, thái độ, lời ăn tiếng nói, tấm lòng của chủ nhân các chiếc xe ấy. Đạo đức đâu có mất nơi người làm giàu khi họ biết sử dụng đồng tiền để hướng thượng cùng với niềm tin mà họ vẫn giữ gìn trân quý với cha ông? Thấy họ hạnh phúc được hội ngộ với văn hóa mà họ quý làm tôi phải nhắc lại lần nữa: quần chúng vẫn đẹp, giàu nghèo đều đẹp, bởi vì ai cũng đói như nhau, đói văn hóa. Vấn đề là biết đem thức ăn đến cho họ và thức ăn gì. Như thế, tôi trở lại với văn hóa hòa bình vừa nói. Văn hóa hòa bình ở đây là làm giàu với lương thiện, ngay thẳng, trái với "văn hóa chiến tranh" dựa trên thủ thuật, mưu chước, đòn phép… Và mình giàu thì phải biết chia sẻ: bố thí là văn hóa cao tột. Và lương tâm là bài học phải dạy cho trẻ từ khi học chữ đầu lòng.

PV: Lương thiện, ngay thẳng, bố thí, lương tâm… đó là những yếu tố không thể không có của một nền giáo dục đích thực, của đạo đức muôn đời. Nhưng ngoài ra, có những yếu tố gì đặc thù của văn hóa hòa bình mà, theo giáo sư, đáng lẽ ta phải phát triển sau khi chiến tranh chấm dứt?

Gs.CHT: Xét lại tương quan giữa cá nhân và tập thể. Xét lại tương quan giữa tự do và kỷ luật. Xét lại tương quan giữa phán đoán và mệnh lệnh. Chiến tranh có quy luật thì hòa bình cũng có quy luật. Chiến tranh đặt nặng vế này thì hòa bình đặt nặng vế kia. Chiến tranh, dù là trường kỳ, cũng nhắm đến cái ngắn hạn, vì mục đích của chiến tranh là chấm dứt chiến tranh. Hòa bình thì miên viễn, vì chẳng ai nói mục đích của hòa bình là chấm dứt hòa bình. Vậy mục đích của hòa bình là gì? Là phát triển. Phát triển con người. Nếu châm ngôn trong chiến tranh là "tất cả phục vụ cho chiến tranh" thì châm ngôn trong thời bình là "tất cả phục vụ cho con người". Tất nhiên không phải là con người riêng rẽ, con người phó mặc người khác. Phục vụ cho con người, đừng nói là chỉ biết phục vụ cho cái bụng, chỉ biết kinh tế. Con người khác con vật ở cái đầu. Nhờ có cái đầu mà con người chiến thắng được thiên nhiên để làm chủ vận mạng của mình ngay từ thuở sơ khai. Và văn hóa chính là tất cả những gì mà cái đầu của con người đã sáng tạo ra từ trong đêm tối của lịch sử để làm chủ vận mạng qua bao nhiêu biến đổi. Đặc tính của con người là không ngừng sáng tạo để đối phó với môi trường sống luôn luôn đổi thay.

Không thể tưởng tượng một cái đầu không biết sáng tạo, bởi vì con người khác con vật là ở chỗ ấy: con người sinh ra không có chuyên môn. Thần thoại Hy Lạp kể một chuyện lý thú: Các thần giao cho Epiméthée công việc phân phát các khả năng cho muôn loài, con cá thì có khả năng bơi, con chim có khả năng bay, con thỏ có khả năng chạy… Đến lượt con người thì khả năng đã phát hết tuốt luốt rồi, ông anh Prométhée bèn ăn trộm lửa của các thần để trao cho người. Từ đó, con người biết tạo ra khí cụ để thay thế cho khả năng thiên nhiên độc nhất. Nói theo chữ của Konrad Lorenz, con người là "chuyên viên của phi chuyên môn" ("spécialiste de la non spécialisation"). Vì phi chuyên môn nên lúc nào cũng tò mò, tìm tòi, sáng tạo, sáng tạo không ngừng. Ngừng sáng tạo là chấm dứt văn minh. Lẽ nào ta chấp nhận số phận của một dân tộc thiếu văn minh? Lẽ nào ta không biết tự do đã đến với ánh lửa, tự do là điều kiện sáng tạo? Không có tự do, lấy đâu có sáng kiến, lấy đâu có tiến bộ?

PV: Như vậy, theo giáo sư, điều kiện tiên quyết để thoát ra khỏi tình trạng suy đồi về văn hóa, giáo dục này là phải khuyến khích, thúc đẩy óc sáng tạo?

Gs.CHT: Điều kiện tiên quyết để thoát ra khỏi mọi trì trệ, trong đó có văn hóa, giáo dục. Giản dị chỉ có thế: trả cái đầu lại cho cái đầu.

PV: Nói đến cái đầu, phải chăng ám chỉ giới trí thức? Đâu là trách nhiệm của trí thức trong vấn đề này, bởi vì tác nhân đích thực của văn hóa, giáo dục, là giới trí thức? Có thể quy kết trách nhiệm cho giới trí thức về sự suy đồi này không?

Gs.CHT: Nếu tôi hiểu "trí thức" theo nghĩa thông thường thì câu trả lời là không, bởi vì họ cũng là nạn nhân. Nhưng nếu tôi hiểu "trí thức" với một nghĩa đặc biệt thì tôi phải nói là có. Nghĩa đặc biệt mà tôi muốn nói ở đây là trí thức trong quan niệm của Gramsci, một triết gia mác xít lịch sử mà tôi đã có lần phân tích trong quyển sách của tôi "Thế giới quanh ta". Trí thức, trong định nghĩa nổi tiếng của Gramsci, không phải là những con người rời rạc mà là một tập thể có chức năng mang lại ý thức cho một nhóm xã hội mà họ liên kết. Liên hệ giữa hai bên là liên hệ hữu cơ, vì vậy trí thức trong nghĩa của Gramsci là "trí thức hữu cơ". Nhóm xã hội nào cũng đẻ ra trí thức hữu cơ như vậy, nhưng quan trọng nhất là trí thức hữu cơ được đẻ ra từ những "nhóm xã hội căn bản" nghĩa là những giai cấp mà quá trình lịch sử đưa lên địa vị quyền hành. Hai ví dụ điển hình trong lịch sử châu Âu: một là Nhà Thờ trung cổ với giai cấp điền chủ quý tộc; hai là các nhà tư tưởng của thế kỷ 18 với cách mạng tư sản Pháp. Tôi biết sẽ làm sai chệch quan điểm của Gramsci, nhưng tôi muốn mô phỏng và nới rộng khái niệm "trí thức hữu cơ" để áp dụng trong bối cảnh nước ta. Tôi nghĩ ta đang có manh nha một tầng lớp "trí thức hữu cơ" như vậy, bao gồm trí thức ở ngoài Đảng và nhất là ở trong Đảng. Đó là trí thức hữu cơ mang lại tiến bộ cho đất nước.

Cho đến nay, tôi chỉ thấy mường tượng như vậy và cứ cười thầm rằng mình bềnh bồng dỡn chơi trong lý thuyết. Bỗng nhiên, Nghệ An đem lại tin tưởng cho tôi. Tuần văn hóa thành công như vậy là nhờ ai? Nhờ chính quyền Nghệ An đã biết đóng vai trò trí thức hữu cơ. Không gì may mắn cho đất nước hơn là chính quyền tự đảm nhiệm chức năng trí thức cùng với trí thức. Nghĩa là chức năng nhìn lại mình và luôn luôn đặt lại vấn đề để thấy cái gì là cũ, là lạc hậu, phải vượt qua. Ở trong chính quyền, tôi nghĩ vậy, không thiếu gì trí thức và không thiếu gì trí thức có thể gánh chức năng trí thức hữu cơ. Tình trạng suy đồi ngày nay động đến lương tâm của mọi người và trước hết là trí thức trong chính quyền. Giọt nước mắt đang ướt trên mắt người phỏng vấn tôi, tôi nghĩ là cũng ướt trên mắt mọi trí thức không phân biệt ngoài hay trong, Đảng hay không Đảng. Tôi đi quá xa Gramsci chăng? Thì tôi có thêm một ví dụ thứ hai nữa, chính xác hơn. Tất cả các bạn trí thức của tôi có đồng ý không: tờ Văn Hóa Nghệ An lâu nay phải chăng đã làm chức năng trí thức hữu cơ? Ngày trước, thời những năm 1960, thế giới ầm vang khẩu hiệu của những phong trào ủng hộ Việt Nam chống lại chiến tranh đế quốc: "Một Việt Nam, Hai Việt Nam, Nhiều Việt Nam!". Trong say sưa của chuyện thần tiên mà Nghệ An vừa kể cho chúng tôi, tôi muốn gào lên như các bạn trẻ ngày trước: "Một Nghệ An, Hai Nghệ An, Nhiều Nghệ An!"

PV: Với hoài bão đó về trí thức hữu cơ và những suy nghĩ đó về tiến bộ, giáo sư nghĩ thế nào về chủ trương của Đảng đề ra năm 1998: xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc? Có thể coi đó là triết lý xây dựng nền văn hóa dân tộc trong thời hiện đại?

Gs. CHT: Tất nhiên là tôi đồng ý quá. Có điều là phải hiểu "tiên tiến" là gì, mà muốn hiểu thì lại phải dài dòng một chút về ý nghĩa của hai chữ "văn hóa", một vấn đề phức tạp vì có cả trăm định nghĩa. Dù sao, văn hóa thường được hiểu là đối kháng với tự nhiên. Con người, như mọi sinh vật khác, khi sinh ra đã có những đặc tính tự nhiên của cái giống mà nó là thành phần - giống người. Đói ăn, khát uống, ấy là bản năng sinh lý tự nhiên, nhưng con người không ăn lá hoài như con voi, không ăn cỏ hoài như con bò. Từ thời hái trái cây mà ăn như khỉ, con người bước qua giai đoạn trồng trọt, sản xuất. Trong tiếng Pháp, culture có gốc la tinh là colere, nghĩa là làm mọc ra. Con người lại có cái kỳ lạ tự nhiên của giống người: bất kỳ hành động nào, dù là những hành động thông thường nhất, "tự nhiên" nhất, như sinh ra, như ăn uống, như ngủ, như chết… đều có kèm theo những hình thức, những nghi lễ, những lựa chọn không phải do sinh lý quyết định. Ăn thì phải ăn để sống, ấy là sinh lý, nhưng ăn gì, ăn thế nào, ăn lúc nào, với đôi đũa, dao nĩa hay bốc tay, ấy là văn hóa. Văn hóa "mọc" dần trên bản chất tự nhiên của ta, khiến ta nghĩ thêm rằng bản tính tự nhiên của con người là làm phát triển văn hóa. Nói như Pascal, con người, về bản chất, là một sinh vật văn hóa. Từ đó, cái gì là tự nhiên, cái gì là văn hóa đâm ra khó phân biệt rạch ròi. Chỉ có cái rõ ràng nhất là khi con người đối phó với những môi trường sống khác nhau thì hậu quả tự nhiên là các văn hóa khác nhau nẩy nở và không văn hóa nào có thể vỗ ngực tự xưng là cao nhất.

Vậy thì, thế nào là văn hóa "tiên tiến"? Là cao hơn? Hơn gì? Hơn ai? Trong chiến trận hiện nay về văn hóa, không ai còn dám nói như dưới thời thực dân đế quốc, tôi có văn hóa cao nhất, tôi đem ánh sáng đi gieo rắc hoàn cầu. Chiến trận diễn ra trên chính cái điểm tôi vừa nói: con người vừa là tự nhiên vừa là văn hóa, vừa ở đâu cũng là con người, vừa là con người gánh trên vai một gia tài xã hội riêng biệt. Ông Sartre triệt để: "Con người không có bản chất, chỉ có lịch sử". Nhưng bối cảnh thời đại ngày nay là nhấn mạnh trên tự nhiên và khuếch trương khái niệm tự nhiên, nới rộng ra trên lĩnh vực giá trị, cho rằng có những giá trị tự nhiên của con người, khi sinh ra đã có. Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền nói thế và Tuyên ngôn độc lập của ta cũng nói thế. Chẳng lẽ ta hiểu "tiên tiến" ngược lại Tuyên ngôn độc lập của ta?

Nhấn mạnh bối cảnh thời đại là vì văn hóa luôn luôn biến chuyển từ khi con người ăn lông ở lỗ cho đến bây giờ áo dài hoa hậu. Văn hóa là động, cho nên đặc tính của nó là mở. Cái đầu của con người luôn luôn mở từ thuở sơ khai, lịch sử bắt đầu với cái đặc tính thiên nhiên mở ấy. Nếu không mở thì dù cho lửa cũng chẳng biết làm gì. Và đã mở thì phải chấp nhận cọ xát, cọ xát với bên ngoài để cọ xát với chính ta, biết cái gì là tiên tiến, cái gì là lạc hậu. Bản sắc cũng phải hiểu trong cái nghĩa ấy. Phải hiện đại hóa truyền thống, nhưng tất nhiên cũng phải truyền thống hóa hiện đại. Do đó, tôi quan niệm "tiên tiến" là khai phóng. Văn hóa mà không khai phóng, cái đầu mà không khai phóng, thì mục, thì trở lại thời hoang dã.

PV: Thưa giáo sư, đâu là liên hệ giữa văn hóa và giáo dục? Phải chăng văn hóa suy đồi thì giáo dục cũng suy đồi theo?

Gs.CHT: Văn hóa chuyển tải những giá trị vào giáo dục. Những giá trị mà tôi đã nói. Cứ xem Tuần văn hóa ở Nghệ An thì thấy. Tiếp nhận một văn hóa mà người dân thấy đích thực là của mình, tự xã hội, tự người dân biết đâu là hướng đi của giáo dục. Cái thần tiên của Nghệ An là chính quyền biết mở và mở đúng. Do đó, chúng ta lại trở về với vai trò và trách nhiệm của "trí thức hữu cơ". Tôi xin kết thúc với một cảm tưởng - một cảm tưởng thôi: dù cho là sự kiện nhất thời chăng nữa, trong một tuần, Nghệ An đã là kinh đô của văn hóa.

PV: Gần đây nhất chúng tôi được biết, ngày chủ nhật 30.9.2012, tại Hà Nội các nhà trí thức hàng đầu của chúng ta đã có cuộc trao đổi thẳng thắn về đường lối giáo dục hiện nay của đất nước. Nhiều ý kiến tâm huyết của các Gs Hoàng Tụy, Chu Hảo, Phạm Minh Hạc… của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã được gửi đến Hội nghị sắp tới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Chúng ta hy vọng sẽ có một cuộc chuyển biến tỉnh táo và nhận đường chính xác cho sự nghiệp giáo dục, và văn hóa, của nước nhà.

Trân trọng cảm ơn giáo sư về cuộc trao đổi này và mong giáo sư sẽ tiếp tục dành sự quan tâm và cộng tác cho VHNA!

                        PHAN THẮNG thực hiện


 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512150

Hôm nay

287

Hôm qua

2389

Tuần này

287

Tháng này

219023

Tháng qua

121356

Tất cả

114512150