Văn hóa và đời sống
Để văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển
Trình diễn dân ca, dân vũ của người Thái trong Lễ hội đường phố tại TP. Vinh, Nghệ An. Ảnh: Ngọc Mai
Văn hóa là một nguồn lực quan trọng của quá trình phát triển kinh tế xã hội. Đó là quan điểm của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua. Trong Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị Về xây dựng và phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng khẳng định “Thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy, khơi dậy khát vọng phát triển toàn diện, nhanh, mạnh hơn; phát huy truyền thống văn hóa mang đậm bản sắc xứ Nghệ trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển”. Nhưng để phát huy được vai trò nguồn lực của văn hóa trong quá trình phát triển thì cần phải bắt đầu từ nhận thức, phải xem văn hóa là động lực, là nguồn vốn quan trọng và tạo điều kiện để văn hóa tỏa sáng hơn trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà.
Văn hóa là nguồn vốn quý báu của tỉnh Nghệ An
Trong nhiều năm qua, việc phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào các nguồn lực tự nhiên. Sự khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên đã tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng không mang tính bền vững. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. Phát triển dựa vào nguồn lực tự nhiên cũng làm môi trường bị ô nhiễm và thay đổi nhanh chóng. Hệ quả là thiên tai ngày càng nặng nề hơn từ lũ lụt, hạn hán đến sự đứt gãy địa chất gây nên nhiều tai nạn thương tâm. Mức độ ảnh hưởng của của thiên tai và ô nhiễm môi trường ngày càng mạnh mẽ và lan rộng hơn. Điều đó làm cho người ta phải nhìn nhận lại các nguồn lực phát triển, và xem xét lại vai trò của văn hóa. Trong bối cảnh hiện nay, phải đặt văn hóa vào vị trí khác trong quá trình phát triển, bởi nó không chỉ là mục tiêu và động lực, mà còn là nguồn vốn quan trọng để phát triển.
Nghệ An là một trong những địa phương có được một nguồn vốn văn hóa đa dạng và phong phú, là nguồn lực quý báu trong quá trình phát triển. Xét về mọi phương diện, Nghệ An đều có những nét văn hóa đặc trưng thú vị và hấp dẫn. Trên phương diện truyền thống lịch sử, nơi đây có nhiều nhân vật lịch sử quan trọng gắn với dòng chảy lịch sử của dân tộc. Gần như thời đại nào cũng xuất hiện những con người có nhiều đóng góp cho đất nước, cho dân tộc. Và hầu hết các lĩnh vực từ chính trị, quân sự, văn học, nghệ thuật, khoa học… cũng đều xuất hiện những người có nhiều đóng góp lớn. Đây cũng là mảnh đất gắn với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Vậy nên Nghệ An cũng có một hệ thống các di tích lịch sử đa dạng, phong phú và có nhiều giá trị. Trên phương diện tộc người, hiện Nghệ An có 39 tộc người cùng sinh sống, trong đó, ngoài người Kinh thì có nhiều dân tộc thiểu số như Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu… Mỗi tộc người bên cạnh những bản sắc văn hóa riêng biệt thì lại có những nhóm địa phương với những sắc thái khác nhau. Xét về không gian văn hóa thì Nghệ An cũng có đủ văn hóa vùng biển, văn hóa vùng đồng bằng, văn hóa vùng trung du, văn hóa vùng thung lũng và văn hóa vùng núi cao. Các sinh hoạt văn hóa cũng vô cùng phong phú từ lễ hội, phong tục tập quán, nghệ thuật biểu diễn đến trang phục, ẩm thực…. Mỗi vùng, mỗi địa phương, mỗi cộng đồng đều có một nền văn hóa với bản sắc riêng, làm cho Nghệ An như là một rừng hoa đa màu sắc sặc sỡ và thú vị.
Trình diễn Lễ Xăng Khan của người Thái (di sản văn hóa phi vật thể quốc gia) tại phố đi bộ TP. Vinh. Ảnh: Ngọc Mai
Màn múa rồng trong Lễ hội vua Mai, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Ảnh: Ngọc Mai
Sự đa dạng về văn hóa cũng tạo cho Nghệ An một mạng lưới di sản văn hóa với nhiều giá trị. Nghệ An có hàng chục lễ hội nổi tiếng như các lễ hội: đền Cuông (Diễn Châu), đền Cờn (TX. Hoàng Mai), đền Quả Sơn (Đô Lương), đền Vua Mai (Nam Đàn), đền Ông Hoàng Mười, đền Thanh Liệt (Hưng Nguyên), đền Bạch Mã (Thanh Chương), đền Đức Hoàng (Yên Thành), đền Vạn Lộc (TX Cửa Lò), làng Vạc (TX Thái Hòa)… Miền núi phía Tây có các lễ hội: Xăng Khan, Hang Bua (Quỳ Châu), đền Chín Gian (Quế Phong), đền Vạn (Tương Dương), Pu Nhạ Thầu (Kỳ Sơn)… Gần đây, tỉnh còn xây dựng một số lễ hội mới mang sắc thái hiện đại như lễ hội Làng Sen (19-5), lễ hội du lịch Cửa Lò (30/4 - 1/5), lễ hội uống nước nhớ nguồn (27-7),… Trong tỉnh có nhiều dòng họ có truyền thống như họ Nguyễn Đình (Nghi Lộc), Nguyễn Cảnh (Đô Lương), họ Hồ, họ Nguyễn (Quỳnh Lưu, Yên Thành)… Nghệ An cũng có hơn 2.600 di tích, trong đó có 480 di tích đã được xếp hạng các cấp (tính đến hết năm 2022), 7 di tích được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch. Đây cũng là địa phương gắn liền với tên tuổi của nhiều danh nhân lịch sử, danh nhân văn hóa, là cái nôi của phong trào cách mạng… Nhìn chung, Nghệ An có một nguồn lực về văn hóa rất lớn để phát triển, tuy nhiên, nguồn lực đó đang trở thành một gánh nặng cho địa phương khi phải chi nhiều kinh phí để bảo tồn nhưng lại chưa biết cách để phát huy các giá trị văn hóa vào quá trình phát triển kinh tế. Và trong bối cảnh hiện nay, nếu có thể phát huy được nguồn vốn văn hóa này, làm cho văn hóa tỏa sáng thì sẽ là một động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà.
Đưa văn hóa vào phát triển là định hướng được Đảng quán triệt
Múa khèn Mông. Ảnh: Ngọc Mai
Đưa văn hóa trở thành một nguồn lực để phát triển kinh tế đã được thảo luận trong nhiều diễn đàn quan trọng của đất nước. Cách đây chưa lâu, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trình bày một bài phát biểu dài với nhiều nội dung quan trọng, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của văn hóa trong quá trình phát triển đất nước. Tổng Bí thư đã khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta”. Trước đó, trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng nêu rõ: “Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa; hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (bác học và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể; nghiên cứu và giáo dục sâu rộng những đạo lý dân tộc tốt đẹp do cha ông để lại”. Điều này cho thấy, trong hơn 75 năm qua, từ ngày Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946 đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề văn hóa và xem văn hóa là nguồn lực quan trọng để bảo vệ đất nước và phát triển kinh tế - xã hội, là nền tảng để hội nhập quốc tế.
Những quan điểm của Trung ương Đảng cũng là kim chỉ nam cho các địa phương xây dựng các Nghị quyết, chính sách phát triển văn hóa phù hợp với điều kiện cụ thể của mình. Ở Nghệ An, vấn đề văn hóa được quan tâm trong tất cả các giai đoạn phát triển. Và từ năm 2016, Đảng bộ tỉnh Nghệ An đã ban hành “Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 14/12/2016 về xây dựng con người văn hóa, gia đình văn hóa Nghệ An đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển”. Đến nay, đã trải qua hơn 5 năm thực hiện và thu lại nhiều kết quả khả quan. Đến cuối năm 2021, trong Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh sơ kết về việc thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU 2016, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cũng nhấn mạnh đến việc “xây dựng con người văn hóa Nghệ An phát triển toàn diện; xây dựng gia đình văn hóa phát triển bền vững; xây dựng môi trường văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, an sinh xã hội, đảm bảo điều kiện để xây dựng con người văn hóa và gia đình văn hóa Nghệ An;…”. Đó cũng là quan điểm coi văn hóa ngang bàng với kinh tế, chính trị, xem văn hóa là nguồn lực để phát triển kinh tế. Và những quan điểm lãnh đạo của Đảng cũng tạo điều kiện nền tảng để xây dựng nhiều chính sách phát triển liên quan đến vấn đề văn hóa.
Dựa trên nền tảng tư tưởng đó và quan điểm lãnh đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, Nghệ An đã đưa ra nhiều dự án, đề án, chính sách phát triển kinh tế dựa vào vốn văn hóa. Trong Chiến lược phát triển văn hóa Nghệ An đến năm 2030 nhấn mạnh phải đưa ra các giải pháp phù hợp, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, tạo chuyển biến tích cực mạnh mẽ trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Nghệ An toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tinh thần cơ bản của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 là gắn với sự phát triển kinh tế xã hội và phát huy giá trị văn hóa vào phát triển kinh tế. Ngoài ra còn có những đề án cụ thể hơn đã và đang được địa phương xây dựng và thực hiện như Đề án phát triển kinh tế di sản Nghệ An, hay các dự án phát triển du lịch cộng đồng, phát triển kinh tế dược liệu,… Đây là những hoạt động cụ thể hóa quan điểm của Trung ương và của địa phương về phát huy giá trị văn hóa vào phát triển kinh tế. Vừa rồi, trong Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng nhấn mạnh mục tiêu “Lấy con người làm trung tâm, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và xứ Nghệ làm nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh cho phát triển; tạo đột phá trong phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế. Phát triển hài hòa các vùng, miền, giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, giữa kinh tế và bảo vệ môi trường, nhất là hệ sinh thái rừng, biển, đảo, chủ động phòng, chống thiên tai và thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới, biển, đảo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội”. Những điều này chứng tỏ từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm đến văn hóa và xem đây là nguồn lực quan trọng của quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An.
Văn hóa sẽ tỏa sáng nếu phát huy một cách phù hợp
Dệt thổ cẩm ở xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An
Điều này đã được chứng minh qua nhiều mô hình phát triển cộng đồng ở nhiều địa phương. Và trên thực tế, nhiều cá nhân, hộ gia đình đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc phát triển kinh tế từ vốn văn hóa. Một cụ ông người Mông ở bản Hợp Thành (xã Xá Lượng, huyện Tương Dương) dựa vào nghề rèn truyền thống sản xuất ra các sản phẩm rèn chất lượng cao và đưa ra thị trường, mỗi tháng cũng thu về được 4-5 triệu đồng không chỉ nuôi sống hai vợ chồng mà còn giúp đỡ được con cái trong bối cảnh nhiều người khác phải xa quê tìm việc. Một người phụ nữ ở bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương) dựa vào nghề dệt cổ truyền mà thêu may trang phục truyền thống cho cả người Thái và người Ơ Đu cũng kiếm được mỗi tháng trên dưới 4 triệu đồng để trang trải trong gia đình. Rồi một phụ nữ người Thổ ở Quỳ Hợp dựa vào tri thức dân gian về y học đã tạo ra các phương thuốc chữa bệnh bán cho nhiều người cần đến, tạo thành một mạng lưới thương mại các bài thuốc cổ truyền, thu về cả trăm triệu đồng mỗi năm để sửa sang nhà cửa và mua được xe ô tô. Ở quy mô lớn hơn, nhiều cộng đồng cũng đã biết dựa vào nguồn vốn văn hóa của mình để phát triển kinh tế. Từ các bản làng người Thái ở miền núi vừa phát triển thủ công nghiệp như đan lát, dệt may thổ cẩm gắn với phát triển du lịch cộng đồng đã làm thay đổi cuộc sống của gia đình, của cộng đồng. Rồi những làng nghề truyền thống ở miền xuôi cũng đang tích cực tham gia thị trường làm cho nhiều sản phẩm truyền thống được phát triển rộng rãi đến nhiều nơi. Nhiều doanh nghiệp cũng đang có xu hướng đầu tư phát triển kinh tế từ các nguồn vốn văn hóa. Tập đoàn TH đều tư nhiều vào việc chiết xuất các loại dược liệu để tạo ra các sản phẩm đưa ra thị trường. Công ty dược liệu Pù Mát cũng dựa vào tri thức dân gian để khai thác các nguồn dược liệu trong vùng nhằm phát triển các sản phẩm vào thị trường một cách khá hiệu quả. Rồi nhiều công ty lữ hành đang không ngừng khai thác các thế mạnh về văn hóa địa phương để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch lễ hội… Tất cả những điều đó thể hiện rõ ràng rằng, văn hóa đang tham gia mạnh mẽ vào quá trình phát triển kinh tế. Nhưng cơ bản vẫn đang ở trong tình trạng tự phát, chủ yếu là các mô hình phát triển từ dưới lên, do người dân tiếp thu và vận dụng là chính.
Để văn hóa thực sự tỏa sáng thì cần có những chiến lược phát triển lâu dài và phù hợp. Phát triển kinh tế dựa vào vốn văn hóa cẩn phải có tầm nhìn sâu rộng, tránh các cách làm ăn chộp giật, không hiệu quả kinh tế mà lại tàn phá các giá trị văn hóa. Trước hết, cần có định hướng phát triển một cách phù hợp, nhất là trong phát triển vùng, phát triển địa phương. Cần nhìn nhận rõ mục đích quan trọng nhất của các địa phương, các vùng miền để đưa ra chiến lược phát triển. Không thể đồng nhất và cũng không nên đặt trọng tâm là tăng trưởng kinh tế cho các địa phương, các vùng khác nhau. Ví dụ, vùng miền núi phía Tây vốn đa dạng về văn hóa và có nhiều thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp, nhưng cũng là vùng biên giới Tổ quốc, thì cần có chiến lược phát triển để bảo tồn và phát triển để bảo vệ. Nghĩa là phát triển kinh tế nhưng bảo tồn di sản văn hóa và bảo vệ an ninh quốc gia mới là mục tiêu quan trọng nhất chứ không phải tăng trưởng kinh tế. Có như vậy thì quá trình phát triển mới mang tính bền vững. Còn nếu cứ tận kiệt khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên và cả tài nguyên văn hóa để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế thì một thời gian ngắn sẽ cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường, đến lúc đó thì không còn nguồn lực để phát triển.
Con người ứng xử với các nguồn tài nguyên tùy vào vị trí của nó. Khi chúng ta xem văn hóa như là một cái gì đó cao siêu và cố gắng để giữ tính nguyên bản của nó, thì sẽ tốn nhiều tiền của để thực hiện các công tác bảo tồn, tôn tạo dù nhiều khi hiệu quả lại thấp, văn hóa truyền thống vẫn bị mai một nhanh chóng. Nhưng khi chúng ta coi văn hóa là một nguồn lực phát triển, và có cách thức vận dụng nó một cách phù hợp thì nó lại tạo ra nhiều giá trị quan trọng khác, trong đó có giá trị kinh tế. Bản sắc văn hóa không phải là cái gì bất biến, ngược lại nó cũng biến đổi theo bối cảnh cụ thể dưới sự chủ động của chủ thể. Vậy nên, để văn hóa tỏa sáng trong những mùa xuân mới, góp phần vào phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống người dân sau nhiều năm dịch bệnh, thì cần phải có chính sách phát triển văn hóa một cách phù hợp. Tức là công nhận văn hóa là một nguồn vốn quý giá và đưa ra cách chính sách khai thác hiệu quả trong quá trình phát triển./.
(Bài đã đăng VHTT Nghệ An, Số 11 - Tháng 11/2023)
tin tức liên quan
Videos
“Ông tơ” mối Trung Hoa đỏ với “chú Sam”
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Thống kê truy cập
114510957
2315
2347
21331
217830
121356
114510957