Cháy thì phải phòng cháy. Để phòng cháy, thành phố đã đề ra những nội quy rất ngiêm khắc và cũng được thực hiện rất nghiêm: Năm giờ sáng mới được đỏ lửa, từ mười giờ (hay mười giờ ba mươi (?)) đến bốn giờ chiều là giờ cấm lửa, tứ bốn giớ chiều trở đi mới được đỏ lửa trở lại cho đến tám giờ đêm. Tất cả đều được thực hiện bằng hiệu lệnh kẻng. Trước mỗi nhà ở Vinh hồi ấy đều có một thùng đựng nước, một bao cát, một câu liêm và một bùi nhùi, những thứ đó đều được dùng để chữa cháy. Quy định thì nghiêm như vậy nhưng cũng không tránh khỏi có những nhà vi phạm quy định (cũng như sự vi phạm của mọi thứ quy định trên đời này, vậy thôi): đến giờ cấm lửa còn đun nấu, bao rách cát chảy hết ra ngoài, thùng nước thì cạn trơ đáy (nếu không chú ý để thường xuyên đổ thêm nước thì chỉ vài ngày những ngọn gió lào sẽ nhanh chóng hút cạn), câu liêm bùi nhùi thì để vào những nơi rất khó lấy ra khi gặp hoả hoạn. Thế là đội thiếu niên kiểm tra phòng hoả ra đời.Tham gia vào công tác phòng chống hỏa hoạn lúc ấy có nhiều lực lượng (với những trận cháy có thể thiêu rụi cả thành phố ai dám lơ là): những đơn vị công an phòng cháy chữa cháy của thành phố, mỗi khu phố mỗi xóm đều có đội phòng cháy chữa cháy của riêng mình... nhưng dân chúng vẫn ngại nhất là đội thiếu niên phòng hỏa của những “tiểu hồng vệ binh” chúng tôi
Không phải ai trong đội thiếu niên tiền phong cũng được tham gia “đội thiếu niên phòng hoả” đâu, phải là những đội viên tích cực, được tuyển chọn kỹ càng. Cũng nhân đây xin nói thêm một chuyện: hồi ấy, việc kết nạp một người vào đội thiếu niên tiền phong là vô cùng nghiêm túc và khó khăn, thậm chí có thể nói là nghiêm túc và khó khăn hơn việc vào nhiều hội đoàn lớn bây giờ. Người muốn vào đội trước hết phải là đối tượng đội, được đội cử người theo dõi, khi thấy đủ tiêu chuẩn mới được kết nạp. Ngày kết nạp, tại địa điểm kết nạp có treo quốc kỳ và đội kỳ hẳn hoi. Người được kết nạp đứng trước bàn thờ tổ quốc, chào cờ và đưa tay lên rồi đọc lời thề: “Chúng tôi, đội viên đội thiếu niên tiền phong Việt Nam đứng trước quốc kỳ và đội kỳ xin thề…”. Sau đó, nếu là ở trường thì thầy giáo phụ trách đội của trường, nếu là ở xóm thì một cán bộ của xóm lên đeo khăn quàng đỏ cho đội viên mới. Từ giờ phút đó anh mới chính thức là đội viên. Việc kết nạp đội hồi đó khó đến nỗi, tôi còn nhớ, bản thân tôi sắp đến ngày kết nạp, chỉ vì ngày mưa chơi nghịch dẫm chân ướt lên bàn và làm đổ mấy cái bàn trong một lớp vỡ lòng gần đó mà phải hoãn kết nạp mất ba tháng. Kể lại chuyện như vậy để thấy việc được vào đội thiếu niên phòng hoả là một vinh dự lớn. Ở tuổi đó và vinh dự đó, chúng tôi rất hăng hái, hăng hái đến mức dân phố kêu trời. Chúng tôi thực sự trở thành những tên “tiểu hồng vệ binh” trong việc khám phòng hoả. Quy định của trên là vào khám nếu thấy còn lửa thì ghi phạt. Nhưng thế nào là còn lửa? lửa ngọn và than hồng trong bếp thì đã đành, còn than đỏ dưới tro thì sao, thâm chí là những tàn than rất nhỏ dưới tro (cũng có thể trở thành nguyên nhân của các vụ cháy lớn) thì tính sao?. Thế là chúng tôi quy định với nhau: sục tay vào bếp nếu nóng quá phải rụt ra ngay là còn lửa, phạt. Nhưng da tay con nít cộng với sự hăng hái nhiệt tình quá mức và trí tưởng tượng phong phú, người bị chúng tôi ghi phạt nhiều lắm, hầu như không có mấy nhà là không bị ghi phạt. Dân phản ứng quá nên về sau phải quy định lại: Giúi một cái lông gà vào bếp, nếu lông gà quăn lại mới được ghi phạt, với biện pháp này người bị phạt vẫn còn nhiều nhưng người ta không quy định lại vì họ (những người đặt ra quy định) cho rằng có lửa mới làm quăn lông gà, dù thực ra thì không phải thế. Tôi không nhớ hình thức phạt về vật chất là gì nhưng chắc chắn là bị kiểm điểm trước bà con trong những cuộc họp xóm. Hình thức khám lửa này lúc đầu cũng làm xôn xao trong dân một thời gian nhưng rồi cũng yên. Vì người dân quen dần, mà cái quan trọng là do sự khiếp sợ về cháy nên người ta cũng dễ dàng chấp nhận những biện pháp có tính cực đoan. Đội thiếu niên phòng hoả và hình thức khám lửa tồn tại mãi cho đến khi chiến tranh phá hoại của Mỹ nổ ra trên miền Bắc mới thôi…
TÔI VÀ TỤI NÓ
Chúng tôi có ba nhà là nhà tôi, nhà bác Khính và nhà bác Lương. Người lớn thân nhau làm nhà ở cạnh nhau nên mấy đứa trẻ cùng lứa chúng tôi cũng thân nhau. Nhà bác Lương và nhà tôi là đồng hương Quỳnh Lưu (nhân đây cũng nói thêm một điều nho nhỏ tuy nó chẳng liên quan đến những gì tôi đang viết mà chỉ như một điều làm chứng: bác Lương là chị ruột của nhà văn Bùi Hiển, người đã viết tập truyện ngắn nổi tiếng “Nằm vạ”). Bác Khính người Hà Tĩnh, là bạn tù với cha tôi hồi cả hai người cùng bị đày đi Lao Bảo. Nghe cha tôi kể lại hồi ấy bác Khính đã giúp đỡ ông rất nhiều vì cha tôi bị tật ở chân nên đi lại rất khó khăn. Nhà tôi chỉ có tôi là lớn, nhà bác Khính có chị Cần, anh Kiệm tuy chưa lớn hẳn nhưng cũng đã khác lứa với chúng tôi rồi và con Liêm cùng tuổi với tôi. Nhà bác Lương thì ba anh chị đầu đều đã đi làm cả, chỉ còn thằng Thanh hơn tôi một tuổi, thằng Việt kém tôi một tuổi và con Thuý kém tôi đến ba bốn tuổi. Vậy là chúng tôi thân nhau. Tôi và thằng Thanh, thằng Việt thì đã đành, vì chúng tôi cùng là con trai. Riêng con Liêm thì vì không có bạn gái cùng lứa nên cũng bám theo chúng tôi luôn. Mà kể cũng lạ, không hiểu sao ở xóm Mười hai của tôi hồi ấy, con trai cùng lứa đông thế mà không có con gái. May ra bạn được với nhau chỉ có con Liêm và con Thắng chị thằng Được con ông “Việt kẹo” (ông có nghề làm kẹo bao để bán nên có biệt danh như thế). Nhưng con Thắng đã nghỉ học ở nhà làm kẹo với cha nó nên không thể bay nhảy như chúng tôi.
Bọn chúng tôi có bốn đứa con trai là tôi thằng Thanh, thằng Việt và thằng “Cường sẹo” (sẽ có dịp nói nhiều về nó sau) và nhiều khi có cả con Liêm nữa là năm. (con Liêm chỉ không theo chúng tôi trong những trò chơi như đá bóng, đánh khăng, đánh đáo… còn các trò khác như vào xóm Yên nghị bắn chim, vào “rặc Tây” để hái hoa phượng, nhặt hạt cườm hay chạy chong chóng, bắt cào cào dứa… đều có mặt nó cả). Cả bốn đứa bọn tôi đều “mê” con Liêm vì trong con mắt chúng tôi ngày ấy con Liêm là một đứa con gái đẹp: trắng trẻo, mũm mĩm lại có cặp mắt rất to và sáng. Tính nó vui vẻ và hay chơi với bọn con trai hơn là con gái (hay bởi tại không có bạn gái nên nó mới chơi thân với chúng tôi như thế?). Con Liêm còn có biệt tài trong việc đọc bài đếm sao ngô nghê mà rất xứ Nghệ của bọn tôi:
Một sao mô mồ
Tê tề
Đây nì
Đó ná
Hai sao mô mồ
Tê tề
Đây nì
Đó ná
….
Mỗi lần nó đọc chúng tôi đều ngạc nhiên không hiểu nó lấy hơi đâu ra mà mỗi lần có thể đọc một hơi tới mười lăm mười bảy lần trong khi chúng tôi chỉ đọc được tới mười một mười hai lần là cùng.
Cả bốn đứa đều mê con Liêm, nhưng con Liêm lại thích thằng Việt, đẹp trai cao ráo, trắng trẻo như thư sinh nhất. Vì ganh tỵ, cả ba đứa con trai còn lại thường hay giở trò “cặp đôi” hai đứa nó với nhau để cho “chúng xấu hổ chơi”, như thằng Thanh nói…
Tuy là có “mâu thuẫn” như vậy nhưng mấy đứa chúng tôi đi đâu cũng có nhau, chúng tôi thích nhất là những buổi đi bắn chim. Thằng Thanh và thằng Việt bắn “nộ” cao su “kền” lắm, (thằng Thanh đã có lần bắn trúng đầu một con cò đang lấp ló trong đám bèo tây giữa hồ thành). Tôi thì bắn kém đến nỗi về sau hai thằng đó không cho tôi bắn nữa, “mi bắn chỉ làm chim bay mất”, chúng nó nói thế. Từ đó tôi chỉ có “nhiệm vụ” đi lặt chim cùng với con Liêm. Mỗi lần đi bắn với tụi nó ít ra cũng được vài ba con chim xách về, có khi được cả chục con. Lúc đầu chúng tôi hay vào xóm Yên Nghị, xóm này nhiều chim lắm: chào mào, cà cưỡng, sáo, chìa vôi, sẻ (mà xứ Ngệ gọi là con “rặt rặt”)… Nhưng “dân” xóm Yên Nghị không thân thiện với chúng tôi lắm, không biết có phải vì dân xóm chúng tôi hay tổ chức đánh nhau với dân xóm chúng nó, hay vì chúng tôi hay vào bẻ trôm ngô, nhổ trộm lạc trên những mảnh ruộng của xóm chúng kề bên xóm tôi. Chim trúng đạn, rơi vào vườn thường bị chúng cướp mất, có khi còn trừng mắt với chúng tôi: “Chim vườn tau…răng bọn mi bắn…”. Vì thế về sau chúng tôi ít vào Yên Nghị mà thường lên “rặc Tây”, chỗ mộ đội Cung. Rặc Tây là một khu nghĩa địa của người Pháp trước đây và bị bỏ phế từ khi họ rút khỏi Nghệ An. Nó nằm cách cửa Hữu thành cổ khoảng trong ngoài vài trăm mét, phía trong mộ đội Cung.
Khu rặc Tây rất rộng, xung quanh có hàng rào bằng xi măng vây kín. Bên trong có trồng nhiều cây cổ thụ mà nhiều nhất có lẽ là phượng. Mùa hè hoa phượng rực đỏ, khu mộ Tây trông vừa huyền bí vừa quyến rũ vô cùng, nhất là với những đứa trẻ như chúng tôi. Cũng nói thêm là ngày xưa (và có lẽ cả bây giờ), Vinh ít hoa phượng lắm. (Theo trí nhớ của tôi thì ở khu hội quán Hoa kiều, chỗ đền nhà Ông, đền nhà Bà có mấy cây và khu mộ Tây mà thôi). Dưới những tàng cây cổ thụ là những lăng mộ được xây ngay hàng thẳng lối và rất đẹp. Khu mộ Tây cũng có nhiều chim lắm nhưng chúng tôi vào khu này không chỉ để bắn chim mà còn để bẻ hoa phượng và nhặt những hạt cườm bằng thuỷ tinh, mà có lẽ người ta đã rải ra trên phần đất còn lại sau khi xây lăng như một thứ trang trí. Trong khi chúng tôi trèo phượng và bắn chim thì con Liêm tha thẩn nhặt hạt cườm. Hạt cườm thì đem về xâu thành những sợi dây chuyền đeo chơi còn hoa phựơng thì đem ra ngoài mộ Đội Cung chơi chọi gà. Mộ Đội Cung lúc ấy xây tương đối đơn giản nhưng không gian thật thoáng đãng, u tĩnh với bốn cây xà cừ lớn hai người ôm ở bốn góc che rợp mát cả khu mộ. Trận bão năm sáu hai (1962) làm đổ mất một cây nhưng toàn bộ khu mộ vẫn giữ được vẻ đẹp tâm linh. Không như bây giờ khu mộ nằm trơ trẽn giữa sự vây chặt của phố xá.
Khi không vào mộ Tây bắn chim, lặt cườm, hái phượng thì chúng tôi “chạy” chong chóng. Nắng như đổ lửa, gió lào thổi ào ào, nhưng từng đám trẻ con vẫn thi nhau chạy ngược gió để xem chong chóng của đứa nào xoay nhất.
Hết chạy chong chóng thì đến phong trào bắt và chơi cào cào dứa. Tôi nhớ có lần năm đứa (kể cả con Liêm) rủ nhau xuống tận khu đất hoang mà sau này là nơi xây trường cấp hai Vinh và khu Đinh Công Tráng (là khu “tái định cư” của những người dân bị cháy nhà sau trận cháy lịch sử năm sáu mốt (1961)) để bắt cào cào dứa. Khu đất hoang này nhiều cây dứa dại lắm và cũng vì thế cào cào dứa nhiều vô kể. Bắt được mấy con cào cào dứa thì đứa nào đứa ấy đều bị gai dứa cào nát cả mặt mày. Cào cào dứa bắt về khi thì chúng tôi buộc vào một sợi chỉ dài rồi thả cho chúng bay thi xem con của đứa nào bay cao nhất, khi thì buộc vào một bao diêm chứa đầy đất xem con nào kéo được bao diêm đi xa nhất…
Trong số những đứa bạn có thể gọi là thân ấy, ngoài thằng Cường ra tôi hay nhớ tới con Liêm nhất. Không phải vì nó chơi thân hơn với tôi, nó thân với bọn thằng Thanh thằng Việt (nhất là thằng Việt) hơn, như đã nói. Nhưng giữa tôi, nó và thằng Cường có một kỷ niệm làm tôi nhớ: có lần tôi và thằng Cường nhát ma nó ở đền nhà Ông khiến nó sợ chết khiếp.
Ở Vinh hồi ấy có hai ngôi đền được tiếng là thiêng, rằm mồng một và các ngày lễ tết người đền lễ bái rất đông. Đền nhà Bà thì không có gì đáng nói, riêng đền nhà Ông đã xảy ra hai chuyện mà cùng với lời đồn thổi của cư dân thành Vinh đã trở thành ma quái. Nó tạo cho ngôi đền vốn đã có tiếng là linh thiêng càng trở nên linh thiêng hơn.
Chuyện thứ nhất là trước cổng đền có tấm bia đá cao to lắm, trên cùng của tấm bia có phù điêu hay tượng ông phật (thật ra tôi cũng không nhớ lắm về nhân vật mà phù điêu muốn thể hiện). Một hôm có thằng bé nghịch ngợm leo lên bia ngồi quàng chân qua cổ “ông phật”, vừa ăn xôi vừa nhún nhảy, lại còn đưa nắm xôi vào miệng phật để “mời phật ăn xôi”, trước sự hò reo cổ vũ của mấy đứa bạn bên dưới. Đột nhiên thình lình tấm bia ngã xuống, đè lên thằng bé làm nó chết ngay. Người ta nói rằng đứa bé bị thần vật vì tội báng bổ thần linh.
Chuyện thứ hai là phía sau đền có một cây đa to cao lắm, cành lá rậm rạp che hẳn cả một phần đất của đền (chẳng biết bây giờ cây đa đó có còn nữa không). Rễ và thân đa quấn lấy nhau chằng chịt tạo nên nhiều mấu, nhiều hốc rất tiện cho trẻ con bám vào để leo lên. Lần đó có thằng bé leo lên rồi tự nhiên không xuống được nữa, nó cứ ôm cứng lấy cành cây đang ngồi rồi khóc oà lên. Người ta làm cách nào cũng không đưa nó xuống được, thậm chí cho người bắc thang trèo lên gỡ tay nó để đưa xuống cũng không xong như thể có một bàn tay thần bí nào đó giữ chặt. Về sau bố mẹ đứa bé phải sửa lễ vào đền cúng vái mới đưa được nó xuống. Không biết thực hư ra sao nhưng chuyện thằng bé bị bia đè chết và thằng bé trèo lên cây đa rồi bị trói ở đấy không xuống được là có thật. Vì thế đã có một dạo khá lâu không một đứa trẻ nào dám bén mảng đến đền nhà Ông vì… sợ ma.
Hôm đó ba đứa chúng tôi rủ nhau đi lang thang. Sau khi vào thư viện đọc sách chán (thư viện hồi ấy có phòng đọc riêng cho thiếu niên, không phải thẻ), chúng tôi sang cửa hàng bách hoá chơi một lúc, rồi sang hiệu sách nhân dân góp tiền mua chung với nhau cuốn “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” . Độ ba giờ rưỡi bốn giờ chiều, ở hiệu sách ra, thằng Cường rủ: “Hay ta sang đền nhà Ông chơi đi…”. Cả bọn đồng ý vì từ hiệu sách sang đền nhà Ông chỉ một quãng ngắn. Đền nhà Ông vào ngày thường rất vắng, không khí u tĩnh mát mẻ. Vì cửa điện thờ vẫn đóng nên chúng tôi thơ thẩn một lúc ở sân đền rồi lần ra phía sau đền. Gần đến gốc đa, nhân lúc con Liêm không để ý, tôi nói nhỏ vào tai thằng Cường: “Nhát… con Liêm…”, thằng Cường cười cười đồng ý. Phía sau đền càng vắng lặng hơn so với phía trước nên con Liêm có vẻ hơi sợ: “Ra thôi bay ạ... tau thấy sợ…”. Con Liêm vừa dứt lời, đột nhiên tôi hét lên: “Ma… treo…cổ…”, rồi hai đứa quay lại co cẳng chạy thật nhanh… Con Liêm sấp ngửa chạy theo chúng tôi, miệng kêu: “Chờ tau với…”. Ra đến đường cái trước cổng đền hai đứa chúng tôi đứng lại, nhăn răng cười. Con Liêm vừa tức tưởi khóc vừa nói: “Tau không chơi với bọn bay nữa mô… bọn bay ác lắm…”…
Sau kỷ niệm này ít lâu, gia đình con Liêm chuyển ra Hà Nội. Hơn mười lăm năm sau, tình cờ gặp nhau ở Hà Nội, ngồi kể lại với nhau nhũng kỷ niệm thời thơ ấu dại khờ, có nhắc lại chuyện này, hai đứa cùng cười.
Còn tiếp...