Đất Nghệ

Hến sông La

Nghe tin tôi về quê trong những ngày nóng đỉnh điểm, mấy đứa bạn con gái tôi hỏi nó:

- Phụ huynh mày đi du lịch mạo hiểm à?

Tôi là người Hà Tĩnh, suốt thời niên thiếu đã sống mãi với gió lào rồi thế mà lần này vẫn thấy choáng.

Chúng tôi đi trên một chiếc Toyota Crow cũ kỹ nhưng vẫn còn tốt, qua Vinh đón thêm một anh bạn nối khố. Về đến Đức Thọ đã gần mười giờ, nắng như đổ lửa. Dọc đường anh bạn tôi đã gọi điện về nhà, chỉ thị cho cô em gái (o) và cô em dâu (mự) thực hiện thực đơn để đãi khách. Tôi đặt mỗi một món là hến xào, xúc bằng bánh đa khô (trong quê tôi gọi là bánh tráng) với điều kiện là thật nhiều hến, cụ thể là một cân ruột hến. Vì còn có bác lái xe nên anh bạn tôi đặt mấy con gà, chặt ra nấu xáo để ăn với bún, thế thôi! Bây giờ thì hai người đàn bà (o và mự) đang lui hui trong bếp. Đã nghe mùi hành tăm phi mỡ thơm lừng bay ra tận nhà ngoài. Tôi ngồi hầu chuyện ông bà thân sinh anh bạn. Hai cụ cũng biết rõ gia cảnh nhà tôi, quen biết với ba mẹ tôi nên câu chuyện rất thân mật và trôi chảy. Biết tôi công tác báo chí, lại ở tận Thủ Đô về, ông cụ chuyển đề tài sang thời sự - chính trị. Thời nay ở đâu cũng có TV, đài báo nên ông cụ, là cán bộ hưu trí, rành rẽ mọi chuyện trong nước cũng như quốc tế, tôi chỉ phải kể một vài thứ ngoài lề, đọc mấy câu thơ “bút tre” để thêm gia vị cho câu chuyện rôm rả mà thôi.

 

Đang ngồi thì thấy một người đàn ông khệ nệ bưng một két bia chai Hà Nội vào, đặt cái uỵch lên nền nhà. Anh đến bắt tay tôi rồi xởi lởi:

 

- Em thấy con Crow đỗ ngoài cổng, biết ngay là bác về chơi, mua két bia sang góp cỗ.

 

Thế rồi cơm cũng được dọn ra. Người không đủ hai mâm nhưng đầy hai mâm cỗ. Sau khi mời hai cụ và xin lỗi mọi người tôi liền chúi mũi vào món hến. Mỗi mâm có một đĩa to hến xào đầy có ngọn, hai bát tô xáo gà, hai đĩa bún, rau sống và nước chấm nhưng trước mắt tôi chỉ có hến xào!

 

Trong Ký ức tuổi thơ, tôi có viết Con cáy nấp trong hang, con hến vùi trong cát/ mà nuôi anh qua hết một thời/ một thời đạn bom, một thời đói khát. Thực ra tôi cũng thậm xưng lên thế thôi chứ quê tôi là một trong những vùng trù phú nhất Hà Tĩnh. Những làng xóm nằm ven sông La thường đẹp như tranh. Ruộng đồng được đê La Giang che chắn trong mùa mưa lũ, được công trình thuỷ lợi Linh Cảm cấp nước trong mùa nắng nôi nên đã gần 50 năm nay, năm nào mùa màng cũng tươi tốt, nên không đến nỗi nào. Lần vỡ đê gần nhất là năm 1954, đấy là trận đói mà tôi còn nhớ được. Nhưng chuyện con hến vùi trong cát đã nuôi chúng tôi lớn lên thì có thật. La Giang là hợp lưu của hai con sông đầu nguồn là Ngàn Sâu và Ngàn Phố rồi chảy ngang qua huyện Đức Thọ cho đên khi gặp sông Lam ngay trước mặt núi Hồng. Những ngày xưa, trên Trường Sơn còn là rừng đại ngàn, cây cối chưa bị chặt phá tận diệt như bây giờ. Nước về đến sông La đã xanh trong, những bãi bồi toàn một thứ cát vàng óng ả.

 

Tuổi thơ côi cút của tôi lặn lội trong dòng nước xanh trong và những bãi cát vàng nắng gió đó. Mùa hè, mỗi ngày chúng tôi đều ra tắm ở sông La, có ngày tắm mấy lần. Tắm thuỷ triều lên rất thích vì con nước lớn, tắm từ lúc sông chảy ngược cho đến lúc nước quẩn, cho đến lúc sông chảy xuôi mới chịu lên bờ. Mồng Một buổi chiều, Ngày Rằm buổi trưa, nước mênh mang như biển, có khi gần ngập cả Bãi Giữa, ngập lấp xấp cả bãi cỏ ven bờ. Chúng tôi bơi thoả thuê, cho đến lúc mười đầu ngón tay deo lại như hạt cau khô mới thấy mệt, thấy đói, mới bò lên mặc vội cái quần đùi mà chạy qua dốc đê, về lục nồi cơm nguội. Thế nhưng tắm lúc nước ròng cũng không kém phần thú vị. Sông “Bên Ni” (là một nhánh của sông Cái) cạn phải lội sang “Bên Tê”. “Bên Tê” là sông Cái, cũng cạn, chỉ còn hai dòng nước xanh trong chảy hai bên Bãi Giữa. Trên đỉnh Bãi Giữa cây cỏ xanh tươi còn viền quanh là những bãi cát vàng. Chúng tôi bơi sang Bãi Giữa, lội vào sâu trong đám cỏ và các bụi cây nghẻn lúp xúp (loại cây này chúng tôi vẫn cắt đem về phơi khô dùng đun bếp) lòng tha hồ mà tưởng tượng ra rằng mình đang đi thám hiểm, rằng mình đang lên đảo Giấu Vàng, rằng mình là Rôbinxơn Cruxô “anh ở đâu, người đáng thương”(lời con vẹt của Cruxô)... Mệt rồi thì xuống bãi đầm mình trong nước. Bãi cát vàng lấp xấp nước là chỗ thần tiên, tha hồ mà “thư giãn”.

 

Những bãi cát vàng sông La không chỉ dịu dàng mềm mại, không chỉ tinh sạch mát lành như da thịt người mà còn là cội nguồn của bao cảm xúc. Sau này lớn lên, số phận đã cho tôi được tắm trên bao dòng sông, bao bãi biển, cho tôi đi qua bao miền sông nước, qua cả những nẻo đường đại dương hùng vỹ nhưng không ở đâu tôi có cảm giác được bao bọc và âu yếm, được hiến dâng và trao gửi như ở bãi sông quê nhà… Trong cát sông La còn có một báu vật gắn bó máu thit theo nghĩa đen với chúng tôi tứ thời thơ bé

 

Hến sông La với tôi là ân nghĩa. Trong mấy câu có chút thậm xưng trên kia cũng chỉ mới nói được một phần…Trong những lần nằm vùi trong cát, vốc từng vốc cát lẫn với nước rồi cho chảy qua kẽ tay, bạn sẽ găp điều kỳ diệu. Trong tay bạn không lần nào là không đọng lại một vài báu vật. Chúng màu nâu vàng, chắc nịch, vỏ gồm hai mảnh, thỉnh thoảng bạn còn gặp một nét lưỡi màu trắng sữa giữa hai mảnh vỏ chưa kịp mím vào. Đấy là hến sông La đấy. Chúng sống và sinh sôi nẩy nở trong cát từ bao đời và góp phần nuôi sống cư dân hai bờ sông quê tôi thế hệ này sang thế hệ khác.

 

Hến sông La có nhiều loại. Loại lớn chừng đầu ngón tay cái, vỏ màu nâu đen, thường sống ở vùng nước sâu giữa dòng sông. Loại nhỏ hơn bằng đầu ngón tay, bằng đầu đữa, vỏ nâu vàng, sống trong các bãi cát chạy dọc dòng chảy. Còn có loại nhỏ hơn nữa, gọi là dắt, loại này ruột nhỏ, nước ngọt rất được ưa chuộng. Người ta bắt hến bằng những cái cào nên gọi là đi cào hến. Cái cào hến có hình dạng giống như cái dậm ở ngoài Bắc nhưng nan to hơn, làm bằng tre, được kết song song với nhau bằng sợi mây, đầu nan vót nhọn để dũi vào nền cát. Cái cào hến có cán tre dài và thẳng đứng. Người cào hến đứng đối diện với miệng cào, hai tay cầm chắc cái cán, để dễ kéo cào người ta còn buộc lỏng một sợi giây như kiểu cái thắt lưng giữa lưng người cào hến và cái cán cào. Khi cào hến, người cào đi giật lùi từng bước, kéo cái cào đi theo. Cát sẽ chảy qua các khe giữa các nan cào còn hến thì đọng lại. Khi cào hến, người và cào đều chìm trong nước. Nếu bạn đi dọc bờ sông, thấy một cái nón lá và một đoạn tre thẳng đứng đang di chuyển trên mặt sông thì đấy là người cào hến đấy. Khi lòng cào đã nặng, hến đã đầy, người ta đem gom hến vào lòng một chiếc thuyền đang đỗ gần đâu đấy rồi tiếp tục công việc từ đầu... Đấy là những chỗ nông, vừa một thân người. Còn những chỗ sâu thì người cào hến phải vừa bơi đứng vừa kéo cào hay đứng trên thuyền, hai tay giữ chặt cán cào còn một người khác từ từ chống thuyền đi… Ai ơi nâng bát cơm đầy/ dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần!  Người cào hến phải ngâm mình suốt buổi dưới nước sông, da thịt bợt hết cả ra, mùa nắng nóng đã đành, còn những ngày mưa rét? Nỗi cực nhọc không nói thì ai cũng biết!

 

Hến được tập kết từ những người cào hến đơn lẻ về một làng phía tả ngạn, đó là làng Kẻ Thượng, một làng nghề nổi tiếng. Ở đây hến được rửa sạch rồi đem chế thành phẩm. Công nghệ cũng đơn giản nhưng không phải không cần bí quyết. Công đoạn đầu tiên là luộc hến. Những chảo hến to, nghi ngút khói trên các bếp củi được đảo bằng những đôi đũa cả lớn. Phải trông coi củi lửa và thời gian sôi sao cho cái hến mở ra, cái ruột hến nở ra vừa chín tới, săn mà không dính vào phần vỏ hến. Hến được dỡ ra và đem đi đãi vỏ còn nước luộc hến (nước cốt) được giữ lại. Công đoạn thứ hai là đãi hến. Hến đã luộc đựng trong những cái rổ to được đem xuống bến sông. Nước sông thời bấy giờ được xem là nước sạch. Khi khát nước bạn có thể dùng cái nón, dùng hai bàn tay chụm vào múc nước sông uống mà không phải áy náy gì. Các bà các chị đứng dạng chân, nước ngập ngang đùi, cúi người, một tay giữ cái rổ hến đã ngập sát miệng trong nước còn tay kia ngoáy đều sao cho cái hỗn hợp trong rổ quay tròn theo chiêu kim đồng hồ. Những cái ruột hến tách khỏi vỏ và chìm xuống đáy rổ, những cái vỏ không được chao ra khổi rổ…Từng mẻ, từng mẻ một cả một núi hến được đãi hết (và bên cạnh mỗi người xuất hiện một núi vỏ hến, chúng sẽ được đem trộn với than, nung thành vôi để bón ruông, đóng gạch, xây tường). Ruột hến được cho vào những cái rổ thưa cho ráo nước chờ đem ra chợ hoặc gánh đi bán rong – công đoạn cuối cùng, đưa sản phẩm tới người tiêu dùng !

 

Hồi tôi còn nhỏ, mỗi buổi sáng nhà nào cũng chờ gánh hàng hến đi qua. Khi nghe tiếng rao kéo dài : Hê- ê- ê- ến khô- ô –ô- ông  gần đến trước nhà là vội mang một cái nồi đất và một cái bát chạy ra mua hến. Chị bán hến đã dừng lại trước ngõ. Chị đặt cái gánh hàng xuống và bắt đầu “giao dịch”. Gánh hàng gồm hai cái thùng to đựng nước hến (đã được pha chế từ một phần nước cốt với nước lã) ở hai đầu quang. Trên một trong hai cái thùng là rổ ruột hến, trên cái thùng thứ hai là một cái rổ khác, đựng lá chuối để gói ruột hến khi cần và cái gáo để múc nước hến. Tuỳ theo số tiền mua hến mà chị ta đong hàng, một ít nước và một ít ruột. Sau khi mè nheo thêm bớt và nhận tiền chị hàng hến lại tong tả đi tiếp, lại rao “ hến khôông…” , lại dừng trước một ngõ khác. Cứ thế, đến gần trưa thì chị bán hết hàng. Lời lãi chắc cũng chẳng bao lăm nhưng cũng là một cái nghề, sinh ư ngệ, tử ư nghệ vậy. Đi khắp xóm làng, vào từng ngõ nhỏ, dừng lại trước mỗi căn nhà, tiếp xúc với đủ loại người, chê bai ỷ eo, mè nheo thêm bớt, tiếng bấc tiếng chì…nên các chi bán hến nổi tiếng là đanh đá. Khổ nỗi không đanh đá thì cũng không sống nổi…

 

Hến mua về, nấu với mùng tơi, với mướp hương, với rau lang, với bầu xanh, với hoa thiên lý…với gì cũng hợp. Nếu không kịp hái rau, chỉ cần đập vào nhát gừng, cho thêm chút mắm tôm, thìa nước mắm, đun sôi lên. Cà muối thì bao giờ cũng sẵn trong vại, bốc ra, thế là đã có bữa trưa cơm hến đạm bạc nhưng ngon miệng. Đi làm đồng về, đi chợ về mướt mát mồ hôi, háo lắm, trời lại nắng chang chang, gió lào thổi hun hút được bát canh suông đã là quý lắm rồi chứ nói gì đến canh hến!

           

Đến bây giờ bà nội tôi, mẹ tôi đã khuất núi, tôi còn biết vòi vĩnh ai. Vợ tôi sinh ra ở Hà Nội, biết chồng nhớ canh hến thỉnh thoảng vẫn mua về một rổ hến Hồ Tây. Luộc hến lên, khều khều, nhể nhể được cả một bát ruột  hẳn hoi. Rồi thì rau răm, hành xanh, ớt đỏ, rồi khi thì quả dọc, khi thì quả sấu… nấu một bát canh mà bao công sức. Tôi ngồi vào bàn, chan, húp xì xụp, gật gật khen ngon cho vợ vui lòng chứ kỳ thực càng ăn càng nhớ canh hến quê nhà. Không phải vì báo chí báo động là dư lượng chì trong hến Hồ Tây một nghìn lần lớn hơn lượng cho phép, cũng không phải vì canh chua vợ tôi nấu kém cạnh gì ai, nhưng cái hến thì không thể nào sánh được với hến sông La.

 

Cái ruột hến trong quê màu trắng sữa, căng như hạt ngô nếp. Mỗi lần vào chợ Hôm, đi qua dãy hàng hến mà thấy ngon cả mắt, muốn mua lấy cả một rổ đem về mà xào nấu ăn cho thoả thích. Ruột hến thường xào với giá đỗ, thái vào một nắm lá hẹ, một chút hành răm, múc ra đĩa khi đang nóng. Cầm đôi đũa mà nhón từng cái ruột hến cho vào miệng ta lập tức cảm nhận được hương vị đắc biệt của thứ đặc sản quê nhà. Cái hến vừa béo lại vừa giòn, không bi nhão, ăn vào có vị ngọt mát thanh tao chứ tuyệt nhiên không có mùi khó chịu như hến các ao hồ tù đọng. Dòng nước sông La lưu thông quanh năm, nền sông cát vàng đã nuôi cho hến luôn sạch sẽ và khoẻ mạnh, đấy là điều kiện cần cho một món hến thơm ngon. Hến xào giá còn có thể ăn với bánh đa giòn. Cái bánh đa dày đặc vừng đen đã nướng giòn trên than củi, mới cầm trên tay đã thấy thơm ngon rồi. Ta bẻ bánh ra từng miếng nhỏ, cỡ cái thìa rồi dùng ngay miếng bánh ấy xúc món hến xào còn bốc khói cho vào miệng. Ta nhai trong miệng một hỗn hợp vừa giòn, vừa ngọt, vừa béo lại vừa thơm của ruột hến, của bánh đa vừng, của giá đỗ và các loại rau thơm mà như thấy khoẻ ra, trẻ lại… Nếu có thêm một chén rượu Thanh Lạng nữa thì càng nồng nàn hương vị quê hương!

 

Bữa trưa hôm nay, như mọi lần lại là một bữa cơm mỹ mãn. Mọi người chắc đều bỏ quá cho tôi cái tội ăn tham. Cái đĩa hến xào trên mâm tôi ngồi ăn dĩ nhiên là vơi đi nhanh một cách khác thường. Cô em gái bạn tôi ý tứ bê đĩa hến từ mâm mình sớt sang cái đĩa vơi bên mâm tôi quá nửa. Tôi ngửng lên cười vừa hàm ơn vừa nhận lỗi, tôi không nhìn thấy bộ mặt mình lúc ấy nhưng khỏi phải nói, chắc chắn là rất buồn cười. Nhưng biết làm sao được, cả năm tôi mới được ăn một bữa hến, ăn cho bõ nhớ thôi mà.

 

Cơm xong, mọi người quây quần bên bàn nước chè xanh. Phía trên cả khuôn sân gạch đỏ rộng rãi bạn tôi đã dựng một mái che. Thực ra đây là cả một mái nhà tranh. Lớp dưới cùng của mái nhà là nứa nguyên cây được gép khít vào nhau, tiếp đến là lớp tranh đánh bằng cỏ săng dày đến cả tấc. Mái nhà kiểu này rất bền, vừa nhẹ lại vừa thoáng và cách nhiệt rất tốt. Trên cái bàn đặt giữa sân những bát nước chè xanh vàng óng, đặc sánh. Chè xanh Hương Sơn cắt cả cành nấu với nước sông La mãi mãi là đặc sản của quê nhà, đi xa cũng nhớ như nhớ hến sông La, nhưng nếu lại kể lể tiếp thì sợ bài viết quá dài. Thôi đành hẹn một lần sau vậy!

 

Dài dòng văn tự đến bây giờ mới nhớ điều đã nhắc ở đầu bài viết: cái nóng! Từ khi bước vào nhà, tay bắt mặt mừng với hai cụ thân sinh bạn tôi, với các cô, các chú em tự nhiên không ai nhắc đến cái nóng bốn lăm, năm mươi độ nữa. Không phải là nó đã trốn đi đâu đó mà đơn giản là nó đã chìm khuất đằng sau những tấm tình nồng hậu, thân thiết. Nghe có vẻ như là nghịch lý nhưng quả thật là không ai quan tâm đến nó nữa. Nhân lúc chờ cơm, tôi đã mò ra sông La rồi đấy. Trèo qua dốc đê tím ngát hoa cỏ may tôi đã gặp một trời rực rỡ nắng. Phía dưới chân đê là bãi sông xanh mướt dâu tằm, những lá dâu góp sức làm nên lụa Hạ nổi tiếng khắp vùng. Và sau bãi dâu là La Giang như giải lụa mềm mại chảy. Sông trong xanh như ký ức tuổi thơ tôi, càng nắng, càng trong xanh, càng quyến rũ. Mỗi lần đứng trước sông La tôi như thấy tuổi thơ tôi đang trở lại... Thông lại xanh rừng đồi Linh Cảm/ nhịp cầu đổ gẫy lại sang ngang/ anh linh cảm thấy em về lại/ cát rợn triền sông sóng khẽ khàng. Như thể con đò vừa tới bến/ tóc tràn chảy ngập xuống hai vai/ em dấu mặt trời sau vành nón/ sông đổ nghiêng xanh một tiếng cười... Và tôi không sao cầm nổi lòng mình để không ào xuống dòng ký ức trong xanh đó. Bay xuống dòng

Hà Nội, tháng 12 – 2010.

             

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511075

Hôm nay

274

Hôm qua

2359

Tuần này

21449

Tháng này

217948

Tháng qua

121356

Tất cả

114511075