PV: Thưa ông, trong những năm vừa qua, trên bình diện cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng, chúng ta đã tổ chức khá nhiều sự kiện văn hoá, khôi phục, tôn tạo và xây dựng mới nhiều công trình văn hoá. Theo quan sát của chúng tôi thì các sự kiện văn hoá, các công trình văn hoá này đã có những tác động đến đời sống văn hoá cộng đồng, làm cho văn hoá cộng đồng có những vận động, biến chuyển mới. Tuy nhiên, nếu quan sát kĩ và khảo sát trên diện rộng thì thấy rằng các sự kiện, công trình văn hoá mới chưa thực sự có ảnh hưởng quan trọng để có thể tạo nên một cú hích làm chuyển biến cả nền văn hoá để từ đó kiến tạo được những giá trị mới. Điều quan trọng là tạo nên các giá trị, và các giá trị đó đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng, góp phần làm cho đời sống tinh thần của cộng đồng phong phú hơn, sinh động hơn, sâu sắc và tiến bộ hơn.
Ông Hồ Đức Phớc: Theo tôi, để tạo nên sự chuyển biến của nền văn hóa cần phải có một loạt các giải pháp đồng bộ và triển khai một cách quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, vừa duy trì tinh hoa của giá trị văn hóa truyền thống, vừa kiến tạo nên giá trị mới hấp dẫn. Vấn đề cơ bản là tạo nên sức sống mới lan tỏa rộng lón trong đòi sống xã hội, được nhân dân đón nhận một cách tự nguyện, hân hoan, tạo nên sức hấp dẫn. Một điều kiện hết sức quan trọng trong hoạt động văn hóa là nền tảng cơ sở vật chất phục vụ văn hóa. Nếu thiếu các công trình văn hóa, các phương tiện thì chắc chắn các hoạt động văn hóa sẽ kém hiệu quả, đặc biệt là hoạt động văn hóa cộng đồng. Các công trình văn hóa là một phần của không gian văn hóa cộng đồng. Từ ngày xưa đã là như vậy, cây đa, giếng nước sân đình, cùng với chùa làng, đền làng… tạo nên không gian vật chất của văn hóa nông thôn Việt Nam, tiền đề vật chất cho các sinh hoạt văn hóa tinh thần của những người nông dân trong các làng xã. Ngày nay cũng vậy. Một đô thị sẽ là thiếu hoàn chỉnh nếu không có các tượng đài, các khu vui chơi giải trí, các bảo tàng, thư viện… Chúng ta có thể ví nếu hoạt động văn hóa mà thiếu công trình văn hoá, thiếu cơ sỏ vật chất thiết bị, thiếu hạ tầng phục vụ hoạt động văn hóa thì giống như vỗ tay bằng một bàn tay,tức là sẽ không có hiệu quả.
Các công trình văn hoá, với tư cách là một thành tựu hoặc phương tiện vật chất của các sinh hoạt văn hoá góp phần quan trọng không chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất cho các sinh hoạt văn hoá cộng đồng mà còn là tiền đề cần thiết để tạo thành các giá trị văn hoá mới. Như vậy, có thể quan niệm, đây là một sự chuyển hoá từ lượng thành chất. Các công trình, sự kiện văn hóa độc đáo, có giá trị thẩm mỹ, nhân văn, tích hợp hàm lượng tri thức cao, kết hợp nhuần nhuyễn các giá trị truyền thống và xu thế phát triển mới, tiến bộ và hiện đại trên nền tảng một đời sống văn hoá cộng đồng phong phú, tốt lành, giàu bản sắc sẽ tạo nên một nền văn hóa tiên tiến,đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
PV: Nhưng điều chúng tôi muốn nói đến là chất lượng các công trình văn hóa mà chúng ta xây dựng, các sự kiện văn hóa mà chúng ta tổ chức. Như trên chúng tôi đã nói, có nhiều công trình, nhiều tác phẩm văn hóa nghệ thuật chưa đạt tới những giá trị thẩm mỹ cần có để đáp ứng nhu cầu và định hướng thẩm mỹ cho cộng đồng. Nhiều sự kiện văn hóa còn mang tính hình thức, chưa hấp dẫn, chưa phù hợp với truyền thống và nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Chúng tôi xin dẫn chứng, công trình văn hóa kém thẩm mỹ nhất mới hoàn thành là tượng Phan Bội Châu ở khu lưu niệm chí sĩ ở Nam Đàn. Rồi một số lễ hội chúng ta tổ chức nhưng thực sự chưa hấp dẫn các tầng lớp nhân dân, lễ hội chỉ mới là của nhà nước chứ chưa phải là của dân.
Ông Hồ Đức Phớc: Tôi nhìn thực tiễn cuộc sống cũng rất cụ thể và thấy cuộc sống vui tươi hơn, phong phú hơn trước rất nhiều.
Tôi xác nhận điều anh vừa trao đổi. Đó là những hiện tượng có thật. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh rằng đó là các hiện tượng, nhìn tổng thể, toàn diện thì vấn đề không phải hoàn toàn như vậy. Tôi thấy chúng ta cũng đã có những công trình mới xây dựng, các sự kiện mới tổ chức không chỉ có giá trị văn hóa, thẩm mỹ mà còn có giá trị nhân văn sâu sắc, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân. Quảng trường Hồ Chí Minh, đền thờ Hoàng đế Quang Trung, Tuần văn hóa Phật giáo…là những công trình, những sự kiện đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần và thẩm mỹ của người dân. Nhân đây tôi cũng nghĩ rằng chúng ta còn thiếu nhiều những công trình, những sự kiện văn hóa như vậy và phải rất cố gắng để có nhiều công trình, tác phẩm, nhiều hoạt động văn hóa tốt hơn, đẹp hơn, giàu ý nghĩa hơn và hấp dẫn hơn.
Vấn đề đặt ra ở đây là phải làm như thế nào để có các công trình văn hóa và các sự kiện văn hóa tạo ra được các giá trị tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống cộng đồng không chỉ ở hiện tại mà cả trong tương lai. Tôi cho rằng, muốn vậy phải có quy hoạch, kế hoạch và quy hoạch phải đi trước một bước. Quy hoach phải khoa học và tiến bộ, có tầm nhìn, phù hợp với xu thế và quy luật phát triển văn hóa. Các sự kiện, các hoạt động văn hóa công cộng cũng phải theo chương trình kế hoạch, có chiều sâu, gắn liền với nhu cầu cuộc sống của người dân, theo một chuỗi các hoạt động văn hóa, tạo sức lan tỏa, sức sống lâu bền. Các sự kiện, các hoạt động văn hóa dù rầm rộ nhưng cũng sẽ lụi tàn một khi không có tính liên kết, không có chiều sâu, không tạo thành phong trào tự giác, thành trào lưu văn hóa bền vững, đặc biệt là không phù họp với nhu cầu đời sống xã hội. Tôi cho rằng, việc tổ chức các sự kiện, các hoạt động văn hóa, điều quan trọng nhất là phải khai thác được những tinh hoa văn hóa, những trầm tích văn hóa qua nhiều góc cạnh, nhiều tầng nấc khác nhau. Chúng ta cần có nhiều góc nhìn khác nhau để phát hiện ra được, chắt lọc được những giá trị cao đẹp phục vụ cuộc sống, và với tư cách là trí tuệ của cộng đồng, văn hóa, thông qua các công trình, các sự kiện, các hoạt động, dự báo tương lai phát triển của đời sống xã hội. Muốn vậy, tôi cho rằng các hoạt động văn hóa, các công trình, tác phẩm văn hóa phải luôn tạo được sự mới mẻ, hấp dẫn. Đó là bản chất của văn hóa. Văn hóa là sáng tạo, liên tục sáng tạo để đem lại cho cộng đồng, cho cuộc sống những giá trị mới. Nếu không sáng tạo nên các giá trị mới thì có nghĩa là văn hóa đã bị ngưng trệ, bị tụt hậu và đi đến lạc hậu. Mà muốn sáng tạo nên các giá trị thì các hoạt động phải có tính chuyên nghiệp, phải có đội ngũ chuyên nghiệp, phải có khát vọng lớn và sức sáng tạo mạnh mẽ.
PV: Thông thường, các sự kiện văn hoá lớn sẽ thu hút được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng tham gia và sẽ có tác động vào nhận thức để từ đó tạo nên sự chuyển biến mới đối với đời sống cộng đồng. Có những sự kiện có thể tạo nên bước ngoặt của tiến trình văn hoá cộng đồng.
Ông Hồ Đức Phớc: Đúng vậy, cuộc sống tươi đẹp sẽ được bắt đầu bằng những nét văn hóa đẹp; cuộc sống chắp cánh cho văn hóa thăng hoa, và chính văn hóa sẽ phục vụ cuộc sống, làm cho cuộc sống của mỗi người và cả cộng đồng có thêm những giá trị mới, những ý nghĩa mới, đẹp hơn, sâu sắc hơn, nhân văn hơn. Vì vậy nếu các sự kiện văn hóa không phù hợp vói truyền thống văn hóa, chưa đáp ứng nhu cầu, tâm lý của cộng đồng thì sẽ không có kết quả như mong muốn, công chúng sẽ quay lưng, phong trào không phát triển. Những công trình, những tác phẩm văn hóa nghệ thuật chất lượng thấp sẽ không tạo ra được niềm tin của công chúng, sẽ lạc lõng và chết yểu. Vì vậy cần chống tư tưởng hoạt động văn hóa theo “ tư duy công trình - dự án”, chạy đua phô trương thành tích mà cần có chiến lược cơ bản, chuỗi kế hoạch khoa học với hàm lượng trí tuệ cao, khai thác hiệu quả nhất tiềm năng, thế mạnh văn hóa mỗi vùng, miền và phù hợp với nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Đúng là có nhiều sự kiện văn hóa có thể tạo nên những biến chuyển lớn lao, rất căn bản của đời sống văn hóa của cộng đồng. Tôi đang nghĩ có thể là Liên hoan Tiếng hát làng Sen của Nghệ tĩnh đã từng có có tác động như thế với cộng đồng. Sinh hoạt văn nghệ này đã tạo thành một nếp sinh hoạt văn hóa mới có nhiều ý nghĩa sâu sắc từ nhiều phương diện, chính trị, văn hóa, tâm linh… Nhưng với Lễ hôi làng Sen, mặc dù phát triển từ sinh hoạt Tiếng hát làng Sen nhưng cần phải hoàn thiện hơn, đổi mới hơn, sáng tạo và hấp dẫn hơn, đặc biệt cần khích lệ tinh thần tự giác, nhu cầu thiết thực và khát vọng sáng tạo của các nghệ sỹ, của nhân dân xứ Nghệ, cần phải xã hội hóa nhiều hơn để đạt được hiệu quả kinh tế xã hội cao hơn và sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa. Tôi cũng đang nghĩ đến, với Tuần văn hóa Phật giáo, có lẽ nó đã khơi thông được một mạch nguồn văn hóa rất nhân bản của người xứ Nghệ qua hình thức thể hiện của Phật giáo, và chắc là nó sẽ tiếp tục lan tỏa trong cộng đồng vô cùng đông đảo như một giá trị nhiều ý nghĩa.
PV: Nói đến văn hoá là nói đến con người vì con người sáng tạo ra văn hoá để đáp ứng và thoả mãn nhu cầu của chính mình, vì sự tồn tại và phát triển của con người, của xã hội loài người. Văn hoá của bất cứ cộng đồng nào muốn phát triển đều phải có ít nhất các điều kiện: (1)Phải có khát vọng sáng tạo, năng lực sáng tạo; Và (2) Phải có nhu cầu hưởng thụ, và biết hưởng thụ.
Về phương pháp quản trị của chúng ta hiện nay có đặc thù riêng so với nhiều nước trên thế giới. Chúng ta có cả một bộ máy rất cồng kềnh, từ quản lý đên thực hiện các hoạt động văn hoá trên nền tảng tư duy bao cấp về văn hoá. Hầu hết mọi việc về đời sống tinh thần của xã hội đều vẫn đang được bao cấp. Ưu việt nhưng sẽ trì trệ, tạo nên sức ỳ của cả một cộng đồng; Ưu việt nhưng không khai phóng được năng lực sáng tạo nên sớm hay muộn sẽ tụt hậu, lạc hậu, sẽ cản trở đến sự phát triển của cộng đồng.
Ông Hồ Đức Phớc: Về cơ bản, tôi đồng tình với các ý kiến của ông về các điều kiện cần thiết cho hoạt động sáng tạo văn hóa. Tuy nhiên, về ý kiến cho rằng hầu hết mọi việc về đời sống tinh thần của xã hội đều vấn đang được bao cấp, tôi cho rằng nhận xét đó chưa thỏa đáng, chỉ đúng một phần thôi. Chúng ta đã và đang rời bỏ cơ chế quan liêu bao cấp. Công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo đã thực hiện 27 năm, đất nước thật sự đã đổi mới rất mạnh mẽ và thu được nhiều thắng lợi to lớn trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Theo đó bộ máy quản lý văn hóa của chúng ta đã tinh giảm theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, hiệu lực. Hội nhập và tác quốc tế ngày càng được mở rộng và phát triển. Với mục tiêu giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm phong phú, hấp dẫn hơn nền văn hóa nước nhà. trong cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh Nghệ An, các hoạt động văn hóa đã được xã hội hóa bằng nhiều nguồn lực. Các hoạt động văn hóa như lễ hội, nhà văn hóa, trùng tu, quản lý, phát huy tác dụng di tích lịch sử văn hóa, các công trình văn hóa đều được xã hội hóa rộng rãi. Gần đây nhất, công trình tưởng niệm các liệt sĩ Truông Bồn, xây dựng chùa Đại Tuệ,chùa gám…đã được đông đảo các cơ quan, doanh nghệp và cá nhân quan tâm, đóng góp với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Nhiều công trình văn hóa khác cũng đã được sự quan tâm và đóng góp của người dân. Đền Diên Nhất ở Nghi Thiết [Nghi Lộc] có quy mô khá lớn đều hoàn toàn do dân đóng góp khôi phục. Nhiều công trình nghiên cứu, khảo cứu và sau đó xuất bản là do các người dân tự thực hiện. Nhiều lễ hội do người dân tổ chức và đem lại hiệu quả tốt. Hội chọi trâu ở Nghi Thái,lễ hội đền Cờn và nhiều lễ hội khác là do người dân tự tổ chức…
Trong nhiều năm qua, các cơ quan nhà nước thực hiện theo cách mở đường, định hướng và quản lý, chẳng hạn như xây dựng, quản lý về quy hoạch, quản lý chế độ, định mức, tiêu chuẩn, ban hành cơ chế chính sách, thanh tra, kiểm tra, xử phạt. Việc tổ chức các hoạt động văn hóa thường do các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp và các tổ chức thực hiện. Các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh với nhau bằng chất lượng phục vụ và hấp dẫn của tác phẩm. Nhà nước chủ trì đối với những sự kiện mang tính chất chính trị, còn các hoạt động văn hóa nghệ thuật do doanh nghiệp đảm nhận. Trong các hoạt động nghệ thuật vốn ngân sách nhà nước mang tính chất “vốn mồi” để thu hút nguồn xã hội hóa.
Tuy nhiên, tôi cũng thấy rằng có một số lĩnh vực, một số hoạt động chúng ta cần tăng cường xã hội hóa rộng rãi hơn nữa. Về lễ hội chẳng hạn, đến bây giờ, nghĩa là sau 20 năm chủ trương khôi phục các lễ hội cổ truyền nhưng chúng ta vẫn còn bao biện làm thay, thậm chí có thể nói là tranh việc của người dân quá nhiều. Lễ hội là của dân, phải để cho người dân tự làm cho chính họ. Một điều rất cần thiết là phải quản lý và vận hành nền văn hóa đi đúng quy luật của nó. Tôi nghĩ, về phương diện quản trị xã hội, để cho xã hội phát triển, đời sống văn hoá – tinh thần lành mạnh, hướng mọi thành viên đến các giá trị tốt đẹp, khai phóng được tinh thần nhân văn và năng lực sáng tạo của cộng đồng, các nhà quản lý phải nắm bắt được truyền thống văn hoá của cộng đồng, nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hoá của cộng đồng, biết khai phóng và tạo nhiều điều kiện cho các thành viên của cộng đồng sáng tạo văn hoá. Nhà quản lý giỏi là người biết giải phóng, khai phóng được năng lực sáng tạo của cộng đồng theo đúng quy luật. Xã hội tốt đẹp là xã hội phát huy được cao nhất tiềm năng sáng tạo của mọi người để phục vụ cho sự phát triển của cộng đồng và tạo nên những giá trị đóng góp cho văn hóa dân tộc, nhân loại.
PV: Thưa, vừa rồi ông có nói muốn sáng tạo nên được các giá trị thì cần phải có tính chuyên nghiệp trong hoạt động sáng tạo và muốn vậy phải có đội ngũ chuyên nghiệp trong các lĩnh vực hoạt động văn hóa nghệ thuật. Chúng tôi thấy đây là một khó khăn của chúng ta hiện nay. Hiện nay, có thể nói, chúng ta đang thiếu quá nhiều những người hoạt động văn hóa có tính chuyên nghiệp, chúng ta quá thiếu các chuyên gia. Hầu hết các công việc thuộc lĩnh vực sáng tạo chúng ta đều phải thuê. Trong lúc đó, chúng tôi biết, Nghệ An chúng ta có rất nhiều các trí thức, văn nghệ sĩ tài năng nổi tiếng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Đáng tiếc là phần lớn những người này không hoạt động ở quê nhà.
Ông Hồ Đức Phớc: Những người hoạt động văn hóa có tính chuyên nghiệp hoặc các chuyên gia chúng ta không thiếu, điều cơ bản là chúng ta không kết nối, hội tụ được, đặc biệt là người Nghệ xa quê. Cuộc gặp mặt trí thức, văn nghệ sỹ tiêu biểu vừa qua, theo thống kê chưa đầy đủ chúng ta đã có 574 người là giáo sư, tiến sỹ đạt giả thưởng Hồ Chí Minh, Nghệ sỹ nhân dân, Thầy thuốc, Thầy giáo nhân dân, ưu tú. Nhiều tên tuổi nổi iếng trong làng văn hóa nghệ thuật như nhạc sỹ Hồng Đăng, Nguyễn Tài Tuệ, An Thuyên , Nguyễn Trọng Tạo,...
Cần khẳng định là trong nhiều năm qua đội ngũ của chúng ta đã được tăng cường, đào tạo, rèn luyện khá bài bản, tính chuyên nghiệp đã được nâng lên một bước rất đáng kể. Và đã có những đóng góp to lớn đối với sự ghiệp văn hóa nói riêng và sự phát triển của tỉnh nói chung.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang thiếu khá nhiều các chuyên gia quản lý và sáng tạo văn hóa. Hầu hết các lĩnh vực đều thiếu. Mỗi một khi tổ chức các sự kiện văn hóa lớn hoạc xây dựng các công trình văn hóa lớn, yêu cầu tính thẩm mỹ, chất lượng nghệ thuật cao thì điều này bộc lộ rất rõ.
Đó là điều chúng ta cần quan tâm để khắc phục. Để có một đội ngũ làm văn hóa chuyên nghiệp và tài năng là một việc rất khó và phải có rất nhiều thời gian. Một nhà quản lý giỏi cũng như một nhà văn hóa, một văn nghệ sỹ tài năng ngoài năng khiếu phải có một quá trình đào tạo và tự đào tạo vô cùng lâu dài và công phu. Theo tôi, ít nhất, ở đây, về vấn đề này, có hai mặt cần xem xét. Thứ nhất, đó là việc tổ chức đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng. Và, thứ hai, chính sách đãi ngộ và thu hút tài năng. Cả hai việc này chúng ta đã có nhiều cố gắng trong nhiều năm qua nhưng quả thực so với yêu cầu của đời sống thì chúng ta đang phải đối mặt với một khoảng cách quá lớn. Sắp tới chúng ta phải hoàn thiện vấn đề này. Để đào tạo được người tài thì ngoài nổ lực bản thân, năng khiếu bẩm sinh phải có môi trường học tâp, hoạt động tốt, phải có những người thầy giỏi. Tỉnh cũng sẽ hoàn thiện chính sách thu hút nhân tài mà điều quan trọng là tạo môi trường và cơ hội cho họ cống hiến và tỏa sáng.
PV: Chúng ta cần làm gì để vượt qua khoảng cách này, thưa ông?
Như trên tôi đã nói, đây là một công việc rất khó và cần một thời gian rất dài. Công việc này liên quan đến nhiều vấn đề khác, vì là chuyện con người. Vấn đề trước tiên là nhận thức về tầm quan trọng của nó để có một sự nhất quán về quan điểm, về xây dựng cơ chế chính sách và cách thức sử dụng các nguồn lực để thực hiện. Theo tôi các nhà quản lý và hoạt động nghệ thuật Có ý thức tự trọng rất cao, rất coi trọng danh tiếng, họ cần được xã hội đánh giá đúng, và tôn trọng, tôn vinh. Vì vậy, cần phải đặc biết tôn trọng họ, đồng thời tạo môi trường tốt để họ cống hiến tài năng của mình cho xã hội, có nghĩa là phải có chính sách thu hút và sử dụng hợp lý. Vấn đề thứ 2 là đào tạo, cần phát hiện và tổ chức đào tạo chuyên nghiệp, thu hút, liên kết thầy giỏi để đào tạo.
Theo cá nhân tôi thì sắp tới đây chúng ta cần có sự đầu tư công phu, kỹ lưỡng hơn để từng bước có được một đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ văn nghệ sỹ có năng lực sáng tạo trình độ cao, có tâm huyết và trách nhiệm cao. Có thể phải tìm kiếm các tài năng và có kế hoạch đào tạo dài hạn thành các nghệ sỹ lớn, các nhà quản lý giỏi. Trước mắt, cần hướng đến khả năng quy tụ tài năng sáng tạo của các nhà quản lý giỏi, các văn nghệ sỹ tài năng đóng góp cho quê hương Nghệ An. Có thể có những người chưa thể sắp xếp để về quê sống và làm việc nhưng có thể động viên họ dành nhiều thời gian tham gia sáng tạo,tham gia hoạt động hoặc tham gia đào tạo cho Nghệ An chẳng hạn.
PV: Cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi rất thiết thực và sâu sắc. Chúng tôi cũng nghĩ là câu chuyện có thể cần thiết trao đổi kỹ thêm để hy vọng có một cách tiếp cận vấn đề sâu sắc, sâu sát hơn, có những ý kiến, ý tưởng mới và có đóng góp hơn. Chúng tôi cũng nghĩ là đang có nhiều vấn đề về văn hóa đang rất cần có các trao đổi để hy vọng có những nhận thức khách quan hơn nhằm có các giải pháp thực tiễn hiệu quả hơn.
Nhân dịp năm mới, chúng tôi trân trọng kính chúc ông và gia đình dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình để góp phần thúc đấy tiến trình văn hóa quê nhà phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Phan Nguyên Thanh thực hiện