Phóng viên (P.V): Thưa ông Tạ Quang Tâm, được biết ông là người đã có thời gian dài theo dõi và có tham gia xây dựng kịch bản LHLS, xin ông cho biết đôi nét về lịch sử hình thành LHLS?
Ông Tạ Quang Tâm - Trưởng phòng quản lý văn hoá (TQT): Từ năm 1982, ngành VHTT Nghệ Tĩnh và nhà văn hoá Trung ương hồi bấy giờ đã có sáng kiến tổ chức hôpị diễn văn nghệ quần chúng toàn quốc với tên gọi là Hát từ làng Sen và saui đó đổi tên là Liên hoan tiếng hát làng SenHình thức sinh hoạt này đã được duy trì và phát triển trong suốt 20 năm. Từ hội diễn nghệ thuật quần chúng, nội dung và hình thức của sinh hoạt văn hoá này ngày càng phong phú và sâu sắc hơn. Hàng năm không chỉ có liên hoan tiếng hát làng Sen của tỉnh, của bộtổ chức mà từ xã đến huyện, cứ đến dịp tháng Năm lại sôi động hẳn lên bởi LHTHLS. Trong hai mươi năm (1982-2001), thì mười năm sau xuất hiện thêm nhiều hoạt động khác như: triển lãm, chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, thi người đẹp, tham quan du lịch... Sau hai mươi năm, LHTHLS đã phát triển mạnh mẽ, có sức lan toả rộng lớn trong đời sống nhân dân tỉnh nhà và nhân dân cả nước.
Trong tinh thần văn hoá Việt Nam, tâm thức và đời sống tâm linh Việt Nam, Hồ Chí Minh là một siêu nhân, một con người siêu phàm, một con người huyền thoại. Và có lẽ, cũng không quá, trong dân gian đã tôn sùng Người là Thánh. Vì thế quy mô, hình thức và nội dung hoạt động của LHTHLS đã trở nên “chật hẹp”, không còn đủ khả năng ôm chứa và diễn đạt đầy đủ những gì mà nhân dân suy tưởng, ngưỡng vọng về Người. Việc hình thành lễ hội tưởng niệm và tôn vinh Bác Hồ trên quê hương xứ Nghệ là một nhu cầu chính đáng của nhân dân xứ Nghệ và nhân dân cả nước và bước đầu đã hội đủ các yếu tố cần thiết. Bởi vậy, tổng kết 20 năm LHTHLS (2001), UBND tỉnh và Bộ Văn hoá, Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) đã tổ chức hội thảo với sự tham gia của nhiều nhà khoa học và các nhà quản lí văn hoá trong nước, đi đến thống nhất nâng LHTHLS thành Lễ hội làng Sen(LHLS) Năm 2002, tỉnh ta đã tổ chức thí điểm LHLS. Năm 2003, nhân khánh thành Tượng đài Bác Hồ và Quảng trường Hồ Chí Minh, LHLS diễn ra ở quy mô toàn quốc. Từ đó thành thường lệ, cứ đến ngày sinh nhật Bác, người dân Nghệ An lại mong chờ ngày hội lễ này. LHLS cũng như LHTHLS trước đây, 5 năm một lần tổ chức ở quy mô toàn quốc. Năm 2010 này là LHLS toàn quốc lần thứ ba. Có thể nói, Từ hát làng Sen đến LHTHLS, và đến LHLS là một sự chuyển hoá về chất bởi cùng với thời gian những giá trị Hồ Chsi Minh và tình cảm của đồng bào đối với người đã dần lắng đọng để trở thành tâm thức của cộng đồng như một tín ngưỡng. LHLS đã thực sự đi vào đời sống, vào tâm thức của người dân Nghệ An nói riêng, nhân dân cả nước nói chung.
P.V: Mỗi lễ hội truyền thống của dân tộc ta từ trước đến nay đều có cội nguồn tâm thức. LHLS là lễ hội mới, lễ hội được hình thành trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, nó cũng phải được xây dựng, hình thành trên cơ sở kế thừa những yếu tố truyền thống. Bởi vậy, LHLS cũng không là một ngoại lệ. Vậy, xin ông cho biết, cội nguồn tâm thức của LHLS ở đâu? là cái gì?
TQT: Khi LHTHLS trở thành LHLS, chúng tôi cũng đã phải tìm hiểu, nghiên cứu xem nên thực hiện phần lễ như thế nào, phần hội như thế nào. Chúng ta cũng biết, thân thế và sự nghiệp của Bác đã trở thành huyền thoại không chỉ đối với người dân Việt Nam mà cả với nhân dân thế giới. Trong đời sống tinh thần của nhân dân ta, Hồ Chí Minh, một nhân vật lịch sử vĩ đại của dân tộc đã và đang trở thành một nhân vật linh thiêng trong đời sống tâm linh của cộng đồng. Sau hai mươi năm tổ chức, LHTHLS thực sự đã có sự chuyển hoá về chất. Từ trong bản thân nó và trong đời sống cộng đồng các dân tộc xứ Nghệ, và cả nước đã hình thành, định hình một tâm thức, có ý nghĩa như một tín ngưỡng mà điểm xuất phát là lòng biết ơn, niềm tin về Hồ Chí Minh. Cội nguồn tâm thức của LHLS chính là ở đó, là tình cảm, là sự tri ân của đồng bào đối với Bác, là khát khao ngưỡng vọng về Người- một vị Thánh.
P.V: Ông có bình luận gì về nội dung, hình thức thể hiện tâm thức đó qua các kì LHLS?
TQT: Qua 7 kì lễ hội cấp tỉnh và 3 kì lễ hội toàn quốc, LHLS, theo tôi nghĩ là đang hình thành, phát triển ở bước đầu. Để LHLS có đầy đủ tính chất của một lễ hội đòi hỏi phải có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện dần cả về không gian, trình thức, làm cho các hình thức hoạt động của lễ, của các hoạt động trong hội trở thành một cấu trúc đủ khả năng chuyển tải các nội dung phong phú của lễ hội. Nói đến lễ hội, bao giờ cũng nói đến tâm linh, tín ngưỡng. Người ta đến các đền, các chùa để tưởng nhớ, để cầu mong. Còn với LHLS, là lễ hội được tổ chức vào ngày sinh nhật của Bác, tôn vinh Bác, nên bước đầu chúng ta tiến hành các nghi lễ dâng hoa dâng hương, rước ảnh Bác được tổ chức trang nghiêm. Tuy nhiên, lễ, đòi hỏi phải có một bề dày văn hoá. Lễ hội truyền thống mà cha ông ta xây dựng nên là trầm tích văn hoá, kết quả của hàng bao đời, bao thế hệ bồi đắp, hoàn thiện..Bởi vậy, để xác định được trình thức lễ trong LHLS thực sự đi vào đời sống tâm linh, tín ngưỡng người dân còn phải có một quá trình dài, thậm chí rất dài.
P.V: Quả là không thể nghi ngờ gì nữa về tính tất yếu của việc hình thành, tồn tại và phát triển của LHLS. Đây là thời điểm hội tụ phong phú nhất, sâu sắc nhất tình cảm của đồng bào với bác Hồ, là không gian thiêng để hội tụ tâm thức, nếu không nói là tín ngưỡng Hồ Chí Minh của đồng bào xứ Nghệ và đồng bào cả nước đối với Người. Và chính vì vậy mà vấn đề đặt ra là phải tổ chức LHLS như thế nào để thể hiện được, chuyển tải được tâm thức đó, tín ngưỡng đó một cách sinh động và sâu sắc trên cơ sở kế thừa truyền thống lế hội cổ truyền của dân tộc một cách phù hợp với cuộc sống mới của cộng đồng.
Thưa ông Đoàn Nam, ông có ý kiến gì về việc xác định tính chất của LHLS? Và ông có đề xuất gì không?
Ông Đoàn Nam (ĐN) - Trưởng phòng quản lý di sản: Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước đã để lại ở Nghệ An nhiều di tích danh thắng gắn với công lao của các anh hùng dân tộc. Lế hội có cội nguồn từ truyền thống tri ân công lao của các anh hùng, danh nhân, đồng thời qua mỗi lễ hội tạo nên không khí phấn khởi, tươi vui để lao động, chiến đấu. Tính chất truyền thống của lễ hội xưa nay là thời gian, không gian, trình thức lễ luôn gắn với nhân vật, sự kiện, gắn với “tích”, và không gian của lễ hội phải gắn với nơi sinh ra, nơi mất của nhân vật được thờ phụng, như Lế hội Vua Mai ở Nam Đàn, Lễ hội đền Quả gắn với Lí Nhật Quang....
Chúng ta tổ chức LHLS là phù hợp với chủ trương của nhà nước, nguyện vọng của nhân dân bởi Hồ Chí Minh là nhân vật vĩ đại và đã trở thành huyền thoại như chúng ta đã biết… Những năm qua chúng ta tổ chức LHLS rất trang trọng. Tuy nhiên, để LHLS được bền lâu và ngày càng được hoàn thiện, có lễ cũng cần bàn một số việc. . LHLS những năm đầu diễn ra ở Kim Liên, Nam Đàn, sau này mở rộng ra ở Vinh, Cửa Lò. Thời gian vừa qua, phần hội chúng ta tổ chức tương đối sâu và rộng. Nhưng phần lễ chưa phù hợp với truyền thống thờ cúng của dân tộc ta. Ở phương Tây họ thường lấy ngày sinh để tổ chức các sự kiện. Nhưng triết lí của phương Đông chúng ta thì lại cho rằng, người mất đi rồi còn để lại gì cho đời, đó mới là điều quan trọng. Bởi vậy ngày mất có ý nghĩa rất sâu sắc, như là thời điểm đọng lại cái gì đó thật to lớn của mỗi người đối với đời. Ngày mất cũng là dịp để người đời nhớ lại, ôn lại công lao củangười đã mất. Theo tôi, LHLS nên tổ chức vào ngày mất của Bác thì có ý nghĩa hơn. Về nghi lễ mà chúng ta đã làm trong thời gian qua rất đáng trân trọng. Nhưng LHLS vẫn đang là lễ hội mới, yếu tố cổ truyền rất mờ nhạt. Theo tôi, chúng ta cần có nhiều cải tiến, về trình thức nên có lễ tế. Trong truyền thống lễ hội của dân tộc ta, tế là để tri ân, nó có sức lan toả và biểu đạt sự tôn kính, kính trọng lớn hơn nhiều so với các hình thức khác.
P.V: Lâu nay, chúng ta đang tổ chức lễ hội chủ yếu ở TPVinh, và đang lấy lễ khai mạc làm trọng. Theo kế hoạch của LHLS 2010, không gian lễ hội được mở rộng hơn và thời gian kéo dài hơn. Chúng tôi nghĩ rằng, không gian lễ hội nào cũng có giới hạn của nó, không thể mở rộng quá mức. Rồi liệu chừng theo năm kỉ niệm định ra số lượng ảnh chân dung của Người mà rước đã hợp lí chưa? Trong khi đó các lễ hội khác người ta chỉ rước có một bài vị hoặc tượng của người được thờ. Tại sao lại rước ảnh Bác từ Vinh và từ thị trấn Nam Đàn về Làng Sen? Đó là chưa nói đến việc các em học sinh khi rước chân dung Bác nhiều lúc rất thiếu nghiêm túc, gây phản cảm. Vậy, thưa ông Tạ Quang Tâm, ông có đánh giá gì về việc này?
TQT: Trong tư duy của chúng ta, nói đến lễ hội, bao giờ cũng có phần lễ và phần hội. Phần lễ thì có rước bài vị, có lọng đi theo.... Nhưng tôi nghĩ, lễ hội về Chủ tịch Hồ Chí Minh, khác với các lễ hội khác. Đây là lễ hội ngày sinh chứ không phải ngày mất. Lễ hội ngày sinh có cái không khí vui tươi, phấn khởi. Hơn nữa, Bác đã đi vào lòng mỗi một người dân Việt Nam. Trong nhà có ảnh Bác, đi đâu cũng cũng có ảnh Bác. Bởi vậy, chúng ta có thể rước ảnh Bác.
P.V: Có lẽ chúng ta đang lẫn lộn giữa truyền thống phương Đông và phương Tây. Nếu vậy, tại sao chúng ta không tổ chức Festival Hồ Chí Minh, như vậy có thể tổ chức được một ngày hội lớn hơn nhiều. Nhưng đã là lễ hội phải gắn với nhân vật thờ, nếu không chỉ gọi là hội. Có lẽ chũng ta cần xác định tính chất, tên gọi của LHLS cho phù hợp.
TQT: Chúng ta cũng biết là LHLS được khởi nguồn, nâng lên, phát triển từ LHTHLS. Xuất phát lấy tên gọi cũng từ đó, lại được tổ chức vào ngày sinh nhật Bác. Trong tương lai, có lẽ, sẽ phải tính đến có nên tổ chức vào ngày mất của Bác hay không? Rồi không gian lế hội cần được xác định một cách hợp lí? Trước đây, chúng tôi cũng đã nghĩ chỉ nên gọi là hội: ngày vui, ngày mừng.
Tuy nhiên, cũng cần nói lại, đối với mọi hình thái văn hoá đều không thể vội vàng, nó cứ dần và tiếp tục được bồi đắp qua thời gian. LHLS mới chỉ bắt đầu được 10 năm, đang mới mẻ lắm. Chúng ta còn phải tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu trong thời gian dài lâu mới có thể hoàn thiện về mọi mặt.
P.V: Có thể nói, trong những năm qua các nhà tổ chức đã có nhiều cố gắng tìm tòi, thể nghiệm và bước đầu đã xác lập được nội dung, tính chất và trình thức của ngày hội. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, trình thức lễ hội này vẫn là một sự tập hợp các hình thức sinh hoạt văn hoá, nghệ thuật và thể thao theo hướng sân khấu hoá chứ chưa định hình được một trình thức lễ hội trên cơ sở kế thừa những đặc điểm có tính nguyên tắc về hình thức, và trước hết là tính chất của một lễ hội, ngày hội tôn vinh danh nhân lịch sử theo truyền thống văn hoá dân tộc. Có thể nói là nghi lễ tôn vinh, tưởng niệm ở LHLS chưa rõ, chưa trở thành phương tiện để thể hiện được rõ nét tình cảm và khát vọng tâm linh của đồng bào, của những người dự hội. Hội lễ là hình thức sinh hoạt văn hoá nguyên hợp, có nghĩa là tự trong đó bao gồm nhiều yếu tố, nhiều hình thức văn hoá nghệ thuật kết hợp với nhau thành một chỉnh thể và tự nó trở thành một giá trị độc đáo riêng có. Lễ hội là một trầm tích văn hoá của cộng đồng, được hình thành, tích tụ, thậm chí điều chỉnh, biến đổi để làm cho phong phú hơn và phù hợp hơn với thời đại. Nhưng nhìn chung, nội dung, tính chất và trình thức của lế hội là có tính ổn định lâu dài.Vì vậy, trong việc tổ chức LHLS, chúng tôi nghĩ, rất cần được nghiên cứu và vận dụng các nghi lễ và trình thức cơ bản của lễ hội cổ truyền.
Thưa ông Phạm Tiến Dũng:, xin ông cho biết LHLS kì này có sự đổi mới (về chất) nào không so với các kì lễ hội trước?
Ông Phạm Tiến Dũng(PTD) - Phó Giám đốc sở: LHLS 2010 là lễ hội toàn quốc do UBND tỉnh và Bộ VH,TT&DL đồng tổ chức. Lễ hội được tổ chức vào thời điểm cả nước hướng về sự kiện trọng đại 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, và thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đang ngày càng đi vào chiều sâu. Bởi vậy, tổ chức LHLS không chỉ nhằm thoả mãn đời sống tâm linh, nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân, mà còn là dịp quan trọng để tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục đi vào và toả sáng trong cuộc sống hôm nay. Về trình thức lễ năm nay chưa có gì thay đổi. Về phần hội sẽ diễn ra rất nhiều hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch. Ngoài một số tỉnh bạn về tham gia. Riêng chương trình biểu diễn nghệ thuật lần này không tổ chức chấm giải mà dành trọn cho việc phục vụ nhân dân ở cơ sở, địa bàn biểu diễn sẽ mở rộng về 10 huyện, thị quanh thành phố Vinh, huyện Nam Đàn. LHLS năm nay cũng nằm trong định hướng dần hình thành và phát triển thành Lễ hội Văn hoá Hồ Chí Minh mà trong các cuộc hội thảo trước đây chúng ta đã có đề cập đến..
P.V: Thưa ông Phạm Tiến Dũng, xin ông cho biết thông tin về LHLS 2010?
PTD: Sau 20 năm LHTHLS đã phát triển thành LHLS. Và năm 2010 này, chúng ta đang tổ chức LHLS toàn quốc lần thứ ba. Từ tháng 11/2009, Sở VH,TT&DL Nghệ An đã tham mưu với UBND tỉnh bàn bạc thống nhất với Bộ VH,TT&DL về việc tổ chức LHLS và nhận được sự nhất trí, đồng thuận cao của tất cả các Cục, Vụ, Viện và các cơ quan, ban ngành trong tỉnh. Để có hiệu quả tuyên truyền, Sở VH,TT&DL Nghệ An đã tổ chức họp báo tại Hà Nội và tại tỉnh nhà; tổ chức in, phát hành các ấn phẩm văn hoá, xây dựng các phóng sự truyền hình về làng Sen, về Bác Hồ, tổ chức tuyên truyền cổ động trực quan. Đầu năm tỉnh cũng đã phát động đợt sáng tác ca khúc về Nghệ An. Dịp này sẽ sơ kết đợt một. Về phần lễ, có lễ dâng hoa tại Quảng Trường Hồ Chí Minh, diễu hành về quê Bác, rước ảnh Bác qua các thời kì; dâng hoa tại khu di tích Kim Liên. Tối 15/5 diễn ra Lễ khai mạc tại Tượng đài và Quảng trường Hồ Chí Minh (có truyền hình trực tiếp) . Các hoạt động hội được bắt đầu từ ngày 5/5. Năm nay, ngành văn hoá phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức cắm trại tại Quảng trường, trưng bày tranh cổ động tấm lớn, triển lãm tranh về Bác, giao lưu các nghệ sĩ từng đóng Bác Hồ;... và có 20 đoàn Nghệ thuật quần chúng chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh biểu diễn.
P.V; Với sự chuẩn bị chu đáo của tỉnh ta và bộ VH, TT & DL chúng tôi tin chắc là lế hội năm nay sẽ rất đông vui và có ý nghĩa rất sâu sắc bởi tỉnh ta, cùng với cả nước đang ở vào thời điểm của một năm có rất nhiều sự kiện trọng đại.Chúng tôi cũng có suy nghĩ là sau kỳ hội năm nay chúng ta rất nên tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện dần nội dung, trình thức lễ hội. Lễ hội phải là một hình thức sinh hoạt văn hoá có chỉnh thể thống nhất, hài hoà tất cả các yếu tố trên nền tảng tâm thức, tâm linh chứ không thể đan xen, kết cấu các hoạt động/hình thức văn hoá, thể thao theo kiểu sân khấu, và thậm chí rời rạc. Chúng ta rất nên tiếp tục tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia thực thụ và những người am hiểu về lĩnh vực này đ ể hoàn thiện nội dung, trình thức của lễ hộ, xác định rõ tính chất của lễ hội. Chúng ta không thể nóng vội nhưng không thể không khẩn trương vì nhìn chung các hoạt động văn hoá để lại ảnh hưởng, dấu ấn rất sâu sắc đối với cộng đồng. Xin trân trọng cảm ơn các ông. Hy vọng rằng năm nay người dân Nghệ An cũng như du khách bốn phương thực sự được thoả ước với một LHLS linh thiêng và trang trọng!
P.V (thực hiện)