Lịch sử trăm năm trôi qua, hân hạnh thay cho những kẻ của làng xưa dòng họ lớn đó – những người tuy không còn sống trong vườn ngôi nhà thờ nhưng hàng năm vào ngày 22 tháng 8 âm lịch vẫn thắp hương lễ kị tưởng nhớ ngày giỗ ông Lê Kim Ứng được chứng kiến ngày ngôi nhà thờ họ mình trở thành di tíchquốc giara sao!Trên Cồn Chạn trông xuống, ngôi nhà thờ họ Lê Kim tọa lạc giữa bãi bồi như là một chứng tích hoặc đơn giản hơn chỉ là một mốc để hình dung chỉ tả lại bóng dáng của cả một làng quê xưa – làng Nguyệt Bổng bên giòng Lam gần bến Rộ. Xin được lược thuật đôi lời về những người có tên trên bài vị ngôi từ đường này. Trước hết là cụ Lê Kim Ứng.
Lê Kim Ứng sinh năm 1814 (năm Giáp Tuất, Gia Long thứ 13) mất năm 1885 (ngày 22 tháng 8 năm Ất Dậu, Hàm Nghi thứ nhất). Ông thuộc thế hệ thứ tư của dòng họ Lê Kim Huy - ông tổ họ Lê Kim, thờ ở đền Nguyệt Bổng từ thời Tây Sơn (Làng Nguyệt Bổng thuộc nay thuộc xã Thanh Nam, huyện Thanh Chương, Nghệ An)). Ông là con trai thứ hai của ông Lê Kim Khinh, anh của ông Lê Kim Tăng.
Thuở nhỏ gia đình nghèo, hai anh em Ứng, Tăng phải làm thuê làm mướn để tự nuôi thân. Sau nhờ tính siêng năng cần mẫn, có chí làm giàu, có sách lược kinh tế rất giỏi, ông đã trở nên người giàu có nhất trong vùng. Ông khởi nghiệp bằng nghề nuôi tằm, nhiều năm trúng mùa hơn hàng trăm nong. Ông dùng tiền bán kén để mua ruộng đất. Ông có ruộng giãn canh đến làng Ngọc Sơn, Xuân Tường, Thượng Thọ, Tràng Các, sang đến làng Võ Liệt và tận làng Đồng Xuân bên kia sông Lam. Có làng như Phong Nẫm ở cạnh Nguyệt Bổng, địa bộ chỉ có 65 mẫu đất ruộng mà ông Lê Kim Ứng đã tậu hết 63 mẫu. Hầu hết dân làng Phong Nẫm đều là tá điền của ông.
Một vị tướng quê Thanh Chương, làm quan trong triều đình nhà Nguyễn ở Huế, có bà vợ muốn vào thăm chồng nhưng không có tiền lộ phí. Bà này đến vay, ông Ứng cho ngay. Bà cảm ơn và nói: Số tiền này quá lớn, biết khi nào tôi trả được? Ông Ứng trả lời: Bà cứ cầm lấy vào kinh, gặp quan lớn cho sinh con đẻ cái là việc hệ trọng, còn tiền khi có thì bà trả, không thì thôi, tôi không đòi hỏi gì. Sau một thời gian dài vợ chồng vị tướng ấy bấy giờ là thống chế, về thăm gia đình. Trong bữa tiệc chiêu đãi các quan huyện và tỉnh, ông thống chế đã cầm tay ông Ứng mời ngồi ngang hàng với mình. Mọi người rất ngạc nhiên. Sau mấy lời giới thiệu thống chế hỏi ông: Sao cụ làm giàu mau thế? Ông Ứng trình bày cách làm giàu như sau:
- Mua đắt bán rẻ: Có nghĩa là đến mùa thu hoạch nông sản như lúa bắp, đậu… Ông mua của nông dân cao hơn các khách hàng khác. Thí dụ người khách mua một phương lúa (một yến) là một quan tiền thì ông mua quan mốt. Nông dân đổ xô bán cho ông. Đến mùa giáp hạt (những tháng ở giữa hai vụ mùa thu hoạch) người khác bán ra cho dân một phương quan năm thì ông chỉ bán quan hai, quan ba. Vì vậy nông dân chạy đến mua của ông.
- Mua tận gốc bán tận ngọn: Nghĩa là mua hàng nơi sản xuất (rẻ) và bán đến nơi không có hàng (giá cao hơn).
- Mua xa bán gần:Nghĩa là mình chịu khó đi xa (lấy công làm lãi) mua hàng cần dùng hằng ngày về bán cho dân trong làng, trong xã.
Quan thống chế cầm tay ông khen nức nở. Để tỏ lòng biết ơn, quan đã tặng ông một chiếc áo gấm.
Năm 1997, ông Lê Văn Thụ vào Sài Gòn và đã kể lại cho tôi nghe chuyện liên quan đến chiếc áo gấm đó như sau:
Năm 1954 khi ông Lê Hữu Nghì (con trai thứ hai của ông Lê Kim Ứng) mất giữa lúc đang có phong trào đấu tranh giai cấp, giảm tô, giảm tức nên gia đình khánh kiệt, không có một miếng vải để liệm. Ông Giai và ông Thụ đã quyết định lấy chiếc áo gấm đó để liệm ông nội mình. Ông Thụ nói rằng: Tuy tiếc vật kỷ niệm nhưng nghĩ lại trong hoàn cảnh đó, dùng vật quý để liệm cho ông nội mình thì cũng mừng. Ông Lê Kim Ứng xuất thân là một cố nông có lòng yêu nước dạt dào. Trong khoảng từ năm 1874 đến 1875, ông ủng hộ tiền bạc và lúa gạo cho phong trào Văn Thân chống Pháp. Đã có lần ông Lê Kim Ứng và người nhà lên tận Đô Lương yết kiến tiến sĩ Nguyễn Nguyên Thành (một trong những lãnh tụ của phong trào Văn Thân) cúng một số bạc nén trắng và nguyện đem hết cả kho lúa của mình hiến cho nghĩa quân chi dùng lúc cần.[1] Vì vậy lúc ông mất, Văn Thân đã có hai câu đối điếu ca ngợi lòng yêu nước và tính khẳng khái của ông. Đôi câu đối thứ nhất của Hoàng giáp Nguyễn Hữu Chính:[2]
Hiếu nghĩa thuỳ dự đồng, nan đắc y ông, khuynh xi trợ quốc.
Tiễu bình hạt thiểu đãi, thăng quan khánh điển, tặng cỗn bao hiền.
(Ham việc nghĩa không ai bằng ông, nghiêng gia tài giúp nước; Sao không chờ ít lâu nữa, đợi bình định xong giặc, thăng quan ăn mừng, tặng cổn bào, khen người hiền).
Nhưng rồi phong trào thất bại, nói chi đến chuyện nhận áo gấm ghi công giúp nước!Mà chiếc áo gấm báo ơn từng có lúc sinh thời thì cuối cùng đã dành để liệm người con trai thứ.
Đôi câu đối thứ hai của Cử nhân Nguyễn Văn Đỉnh:[3]
Đắc phú, đắc thọ, hữu thị phụ thành chi thị tử.
Hằng sản, hằng tâm văn kỳ ngữ do kiến kỳ nhân
(Được giàu, được thọ, có cha như vậy thì con như vậy; Có của nhiều có lòng tốt, nghe tiếng nói như còn thấy được con người).
Có thể “Khuynh xi trợ quốc-nghiêng gia tài giúp nước” ấy là vì ông là nhà phú hữu. Nhưng của cải đâu phải là chuyện hàng đầu. Hơn cả của cải tài sản là lòng yêu nước, yêu việc nghĩa, trọng thiện sự. Cử nhân Đặng Văn Bá[4]– người từng bị Pháp đày Côn Đảo (ra tù cùng lần với cụ Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng) từng viết câu đối tặng ông Kỳ: Kim ngọc bất báu, thiện nhân báu;Thử tắc phi hinh, minh đức hinh (Vàng ngọc không quý, người thiện quý; Lúa thử lúa tắc không thơm, đức sáng thơm).
Sau khi ông mất, người con trưởng là Lê Văn Tường vẫn kế thừa truyền thống yêu nước của cha, quyên góp tiền của giúp đỡ Văn Thân, tham gia phong trào Cần Vương, bị Pháp bắt giam chết trong nhà lao Vinh khi mới ba mươi tuổi (1894). Bà Tôn Thị Chiên (vợ ông Tường lúc đó mới hai mươi bảy tuổi) vẫn tiếp tục nối chí của chồng.[5] Những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, nhà bà vẫn là nơi qua lại hoạt động của các yếu nhân phong trào Đông Du và Duy Tân như cụ Phan Bội Châu, Đặng Văn Bá, Cù Sĩ Lương, Thần Sơn Ngô Quảng, Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Thái Thân (tức Ngư Hải), Đặng Thúc Hứa. Bà Chiên đã từng nuôi nấng con em nhiều gia đình chí sĩ cách mạng, trong đó Đặng Thái Chung - em ruột Đặng Thái Thân, Phan Đệ - con thứ cụ Phan Bội Châu và anh em Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành (tên gọi từ sau lúc cụ thân sinh đậu phó bảng và đem hai anh em Sinh Khiêm, Sinh Cung trở về quê từ Huế).[6] Năm 1913, sau khi bà qua đời, cụ Phan Bội Châu đang hoạt động ở nước ngoài có gửi câu đối về phúng viếng bà:
Ưc diệc cân quắc hào, hải ngoại hợp truyền tam liệt phụ[7]
Thả ư tần tảo sự, khuê trung nan hoạ, nhất hiền nhân
(Phan Đăng Tài[8] dịch: Cũng là nữ anh hào, hải ngoại lừng danh ba liệt phụ; Nói về đường tần tảo, phòng khuê khôn vẽ một hiền nhân).
Ông Lê Kim Ứng có hai người vợ: Bà vợ thứ nhất là Trần Thị Trâm. Năm ông 50 tuổi (1864) vẫn chưa có con. Được sự đồng ý của bà Trâm, ông cưới bà vợ thứ tên là Nguyễn Thị Ý mới mười bảy tuổi. Bà Ý thuộc dòng họ Nguyễn Phùng ở xóm Thượng cùng làng. Họ Nguyễn Phùng vốn gốc ở làng Thượng Thọ, con cháu thuộc dòng họ hai cha con Tiến Sỹ Nguyễn Phùng Thì và Nguyễn Bá Quýnh đời Hậu Lê.[9]
Bà thứ Nguyễn Thị Ý sinh được sáu người con năm trai, một gái:
1- Ông Lê Văn Tường (1864-1894), có lúc gọi là Lê Kim Tường
2- Bà Lê Thị Nẫm (1867-1938), con dâu quan huyện Xuân Tường
3- Ông Lê Văn Na, mất sóm khi mới lên bảy tuổi.
4- Lê Văn Nghì (1872-1954), có nơi ghi là Lê Hữu Nghì
5- Lê Văn Trư (1875-1938), đậu tú tài, thường gọi là ông Hàn Sen[10]
6- Lê Văn Hích (1878-1950), thường gọi là ông cụ Năm
Năm 1885 (năm Tôn Thất Thuyết truyền Hịch Cần Vương), ông Ứng mất. Khi ấy, ông mới có một cháu nội là ông Lê Văn Kỳ mới ba tuổi và một cháu ngoại là bà học Yêm (con bà Nẫm). Các con ông lúc đó: ông Tường 21 tuổi, ông Nghì 15 tuổi, ông Hàn Sen 10 tuổi ông Hích 7 tuổi.
Cũng như nhiều dòng họ khác trên mảnh đất Lam Giang, cuộc đời và gia thế họ Lê Kim gắn liền với các biến cố của dân tộc. Chuyện thế sự gia sự còn thấp thoáng đằng sau những bài thơ, câu đối mà tiền bối trong họ để lại. Thử đọc câu đối ông Lê Văn Kỳ viếng cử nhân Nguyễn Tài Tốn:[11]
Đại khoa hiển cánh đắc đại khoa vinh nhất gia trung
tác thuật tất vô ưu nhập thế quả nhiên hoàn phúc khách
Giáp Ngọ tiền dĩ phi Canh Ngọ hậu cửu tuyền hạ
nghiêm từ như kiến vấn thử tình ưng tận thuyết sơ chung
(Đậu đại khoa lại làm quan lớn trong một nhà tác thành cho nhau thật hanh đạt, vào đời như vậy thật là trọn vẹn - Năm Giáp Ngọ trước không phải Canh Ngọ bây giờ nữa, dưới suối vàng cha tôi có gặp thì dượng hẵng nói rõ tình hình cho hết đầu đuôi – con trai Lê Văn Kha dịch). Người trong nhà còn nhớ “Giáp Ngọ tiền” tức năm 1894 ông Bá Lê Văn Tường bị thực dân Pháp giam chết trong nhà lao ở Vinh. Còn “Canh Ngọ hậu” ấy là năm 1930, phong trào Xô-Viết Nghệ Tĩnh bùng phát. Giữa khoảng thời gian ba mươi sau năm đó biết bao sự kiện lớn đã diễn ra. Sau khi mẹ mất, với tư cách con cả trong nhà, ông Kỳ lo gánh vác việc nhà nhưng cũng chẳng nguôi ngoai việc nước. Năm 1913 ông quyết định để người em Lê Văn Chỉ xuất dương qua Thái Lan theo bước cụ Tú tài Đặng Thúc Hứa[12] tìm đường cứu nước. Trong phong trào Xô Viết Nghệ-Tĩnh, đến lượt con cả ông Kỳ là Lê Văn Địch tham gia cắm cờ ở đình làng Nguyệt Bổng. Thực dân Pháp đàn áp, Lê Văn Địch bị tù, các em là Lê Văn Đuề, Lê Thị Điểu (O Đỉu) người bị bắt, người phải lánh nạn. Nhà cửa Lê Văn Kỳ bị đốt phá. Con trai ông Kỳ vượt ngục, giặc lại cướp phá gia sản nhà ông. Cách mạng lâm cảnh thoái trào, người chú của ông ra nhận chức bang tá bàn ông đưa con ra đầu thú. Ông cự tuyệt. Giặc bắt lại con trai ông và kết án khổ sai. Nhiều người trong đó có ông Tôn Quang Phiệt có ý khuyên ông làm đơn xin ân xá để sớm được trả tự do. Ông trả lời: “Đã có gan làm cách mạng thì có gan chịu tù đày, không cần xin xỏ gì cả”.[13] Sau này hội nghị sơ kết lịch sử Đảng huyện Thanh Chương năm 1971 do ông Võ Thúc Đồng[14] chủ trì đã công nhận gia đình ông Lê Văn Kỳ là gia đình có công với cách mạng. Nhưng con người trong khi dính mình với thế cuộc gánh đội thù nhà sẻ chia nợ nước đó vẫn giữ cốt cách điềm tĩnh, u dật cao nhã. Đọc những bài thơ ông Kỳ[15] viết trong cùng thời gian mà cứ tưởng tác giả của nó sống buổi thăng bình vô sự nhất mực:
Khuất chỉ dư kim cận ngũ tuần,
Bất cầu đạt diệc bất cầu văn;
Xuân sơn lạc hữu điền viên thú,
Cốc giả tài chi thảo giả vân.
(Khai bút tết năm Canh Ngọ 1930)
Bấm tay gần đến ngũ tuần,
Chẳng cầu địa vị chẳng cầu công danh;
Điền viên vui thú non xanh,
Lo trồng ngô lúa, có hanh diệt trừ.
(Phan Đăng Tài dịch)
Gia đình chẳng có bức ảnh hay bức truyền thần nào của ông nhưng hi vọng con cháu còn hình dung được chân dung tiên hiền qua bài thơ tự vịnh ông viết quãng 1934-1935. Đây là bài thơ viết nhân đọc câu đối của giải nguyên Phan Bá Hòe đề ở nhà họ Phan: Sào Hứa Y Chu thâm dạ trầm tư thiên cổ khách – Đường Ngu Chiến Quốc vấn thiên bất ngữ nhất sinh ngô ( Sào Phủ Hứa Do ẩn dật, Y Doãn Chu Công ra đời – đêm khuya nằm nghĩ đến những người khách thiên cổ; Nhà Đường nhà Ngu thịnh trị, Chiến Quốc loạn lạc, ta hỏi trời sinh ra ta để làm gì trời không đáp). Ông Hòe là bạn của ông Cả Cát – một thầy đồ thâm Nho dạy học trong nhà mà ông Kỳ rất kính trọng. Bài Tự Vịnh của ông Lê Văn Kỳ:
Bất Sào Do diệc bất Y Chu,
Hà sự huề đồng phụ quyển du;
Thế hữu Xuân Thu cuồng hữu Điểm,
Hoàng Sơn Lộ thủy nhất Nghi Vu.
(Không phải Sào Do cũng chẳng phải Y Chu, Cớ sao thầy trò dắt tay nhau ôm sách đi chơi; Thời thế có Xuân Thu mà cuồng thì có Tăng Điểm, Ta đây hẵng lấy núi Hoàng sông Lộ làm sông Nghi núi Vu).
Ông Lê Văn Kha con trai thứ năm của cụ Lê Văn Kỳ dịch thơ cha:
Cũng chẳng lên non, chẳng xuống đồi,
Thầy trò sao cứ mải rong chơi;
Đời đã loạn ly ta cuồng vậy,
Núi Vàng sông Rộ mát ta ngơi.[16]
Gẫm chuyện trên, con cháu nhà họ Lê Kim như càng thấm ý mà Phong trào Văn Thândiễn tả trong đôi câu đối viếng thân phụ ông Kỳ là cụ Lê Kim Ứng: “…hữu thị phụ thành chi thị tử; …văn kỳ ngữ do kiến kỳ nhân – có cha ấy thì có con ấy; tiếng nói truyền nghe thấy lại người//nghe tiếng nói còn thấy người xưa”?
Mỗi một dòng họ là một phần của lịch sử dân tộc cũng như mỗi một miền quê hương là một phẩn của địa lí quốc gia. Hai hàng câu đối của cụ Tôn Huy Thân (ông ngoại Lê Văn Kỳ) đề nhà thờ hạ họ Lê Kim còn vẽ lại trong mơ hồ phong cảnh quê nhà: Đình khuy dư địa nghi lan ngọc; Môn chẩm thanh lưu hợp tụng tuyền- Nhìn miếng đất trống trước nhà có cây lan, cây ngọc; Gối đầu lên bậu cửa sổ nằm nghe nước sông Rộ sông Lam hòa thành bản đàn). Cho đến giữa thế kỉ XX làng Nguyệt Bổng gần bến Rộ vẫn xanh xanh một giải trông ra giòng Lam Giang tựa lưng Cồn Chạn chập chùng.Năm 1949, ông Lê Văn Kỳ tiến thêm vào nhà thờ hạ đôi câu đối Tư phồn tộc loại nhân do tổ - Khắc tráng sơn hà địa tự nhiên (con cháu phồn vinh là do tổ, ở chỗ núi non hùng vĩ là do trời). Tiếc thay, thế sự biến thiên. Vào khoảng 1951-1952 làng Nguyệt Bổng bị Pháp ném bom nhiều lần. Dân làng một số tản cư vào núi ở, một số đào hầm trú ẩn ở lại. Năm 1956, cải cách ruộng đất, làng trở nên tiêu điều hơn. Năm 1965 chính quyền địa phương di dân vào núi ở để lấy đất sản xuất. Hai làng bên cạnh là Ngọc Sơn và Phong Nậm cũng chung hoàn cảnh. Một giải làng xóm trù mật nằm cạnh bờ sông Lam hùng vĩ chỉ còn trơ trọi lại nhà thờ thượng họ Lê và cây Phượng trăm năm tuổi trước đình làng Nguyệt Bổng xưa. Riêng nhà thờ hạ đã sớm được trưng mua trong đợt giảm tô đợt ba đầu năm 1954. Kí lục lại mấy hàng câu đối của tiền nhân cũng là lưu để cháu con hình dung vài nét quê hương xưa.[17] Đỗ Phủ viết “Quốc phá sơn hà tại – Đất nước tan vỡ sông núi vẫn còn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói “Còn non con nước còn người”... Thế hệ mới giờ đây đang xây dựng quê hương ngày một tươi đẹp hơn!
Dòng họ Lê Kim Ứng hiện nay có bốn chi lớn, ở phân tán khắp nơi kể từ lức đất nước chia đôi (1954). Một số lớn ở Hà Nội, Vinh và thành phố Hồ Chí Minh. Hầu hết con cháu đều có trình độ đại học và có cuộc sồng khá giả.
Trong khoảng hai trăm năm, kể từ ngay ông tổ Lê Kim Huy đến Hoa Lâm[18] đến nay, chưa có ai trong dòng họ có sự nghiệp lớn như ông Lê Kim Ứng.Hàng năm, ngày 22 tháng 8 âm lịch là ngày giỗ ông Lê Kim Ứng, mong con cháu dòng họ Lê Kim trên toàn quốc hãy hướng về quê hương Nguyệt Bổng, tưởng nhớ đến cội nguồn để tỏ lòng biết ơn tổ tiên.
Dựa theo tài liệu của bác Kha và chú Phước
Tp.Hồ Chí Minh, Mùa thu năm Mậu Dần – Hà Nội mùa Thu năm Canh Thìn
[1]Phong trào Văn Thân mở màn với khởi nghĩa Giáp Tuất (1874) do hai Tú tài Trần Tấn, Đặng Như Mai cầm quân. Cụ Lê Kim Ứng đã hiến nhiều thóc gạo, tiền bạc ủng hộ quân khởi nghĩa.
[2]Hoàng Giáp Chính người xã Đông Hải, huyện Chân Lộc (Nghi Lộc), đậu cử nhân năm Tự Đức thứ 26 (1873). Sau đậu Hoàng Giáp khoa Ất Hợi Tự Đức thứ 28 (1875). Làm quan Thương Biện Nghệ An sau đổi về Kinh sung Sử quan Toản tu, tham gia nghĩa quân Cần Vương, ốm chết trong núi Hương Khê (Hà Tĩnh) tháng 12-1887. Nguyễn Hữu Chính con ông Nguyễn Hữu Thân. Ông Thân đậu cử nhân năm Minh Mạng thứ 15 (1834) từng làm tri huyện (theo “Lê Thị Thi Tập” – tập thơ văn của dòng họ Lê Kim).
[3]Cử nhân Nguyễn Văn Đỉnh - người xã Nộn Hồ (Xuân Hồ) huyện Nam Đường (Nam Đàn). Đậu cử nhân khoa Canh Ngọ (1870) năm Tự Đức thứ 23, từng làm Án sát tỉnh Nghệ An. Ông là cháu nội cử nhân Nguyễn Kim Cảnh, con cử nhân Nguyễn Văn Thường (theo “Lê Thị Thi Tập” - tập thơ văn của dòng họ Lê Kim).
[4]Đặng Văn Bá (1873-1931), người Thạch Hà (Hà Tĩnh) cử nhân khoa Canh Tý 1900. Là con của Thám hoa Đặng Văn Kiều. Đặng Văn Kiều đậu cùng khoa với Tôn Huy Diễm – bác ruột của bà Tôn Huy Chiên vợ ông Lê Kim Tường. Sau khi từ Côn Đảo trở về ông Bá cũng như nhiều nhà chí sĩ cách mạng vẫn thường lui tới nhà ông Kỳ. Câu đối của ông Bá tăng ông Kỳ viết năm 1924.
[5]Người trong họ gọi bà Bá. Bà là con gái cử nhân Tôn Huy Thân. Ông Tôn Huy Thân có đôi câu đôi viết trước lúc mất: Duy dư bích huyết quyên đề quốc;Vị ủy đan đồ hạc khứ gia (Còn dư giọt máu con quyên vẫn gọi nước; Chưa ủy thác được cơ đồ hạc đã bỏ nhà – Lam Ngọc dịch nghĩa).
[6]Ông Nguyễn Minh Châu - nguyên Giám đốc khu di tích Kim Liên, quê Thanh Lâm
kể lại trong Thanh Chương-Đất và Người (2005): “Từ năm 1903, khi lên bảo học ở Võ Liệt, Thanh Chương, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã gửi cậu Nguyễn Tất Đạt ở lại trong nhà thờ họ Lê Kim cùng ăn ở học tập với cậu Lê Kim Nhường, con trai ông Tường. Hàng tuần cậu Nguyễn Tất Thành từ Võ Liệt được sang thăm anh và có lúc được ở lại học tập, vui chơi với anh trai và các bạn trong làng. Bà Chiêm rất quý mến anh em cậu Thành. Chính bà đã góp phần làm dịu bớt nỗi đau buồn mất mẹ và bù đắp sự thiếu thốn bàn tay chăm sóc của người mẹ đối với anh em cậu Thành trong một thời gian…Vào những năm đầu thế kỷ XX, nhân dân Võ Liệt, Thanh Chương bên hữu ngạn sông Lam đối diện với làng Nguyệt Bổng hay tin ở Làng Sen, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn có ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là người thông minh, học giỏi, giàu nghĩa khí đã cử ông Phan Sĩ Mâu (cụ đồ Cẩm)xuống tận Làng Sen mời ông đến dạy học cho con em mình. Khoảng năm 1903, ông Nguyễn Sinh Sắc đã đem 2 người con trai là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung lên Thanh Chương dạy học. Ông được bố trí dạy học trong nhà ông Nguyễn Thế Vấn (tức Tổng Vấn). Ông để Nguyễn Sinh Khiêm ăn học trong nhà ông Lê Kim Tường, Nguyệt Bổng, còn Nguyễn Sinh Cung theo cha qua Võ Liệt. Hàng tuần Nguyễn Sinh Cung thường qua nhà ông Lê Kim Tường thăm anh và chơi với những người con của ông Lê Kim Tường. Có lúc Nguyễn Sinh Cung đã ở lại học tập với con ông Lê Kim Tường một thời gian. Những cảnh đẹp của làng quê Nguyệt Bổng với những truyền thống văn hoá ở đây đã để lại cho Nguyễn Sinh Cung những ấn tượng sâu sắc. Chính vì thế mà sau này khi đã là Chủ tịch nước, mỗi dịp gặp các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Bác đều hỏi về tình hình làng Nguyệt Bổng. Theo hồi ký của đồng chí Nguyễn Sĩ Quế, nguyên Bí thư tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh: Khi gặp Bác, Bác hỏi: “À, lâu nay chú có qua Nguyệt Bổng không?” Tôi thưa: “Thưa Bác thỉnh thoảng cháu có ạ” Bác hỏi: “Tình hình hiện nay ở đây thế nào?” Thật bất ngờ, tôi tưởng Bác chỉ hỏi qua thế thôi, không ngờ Bác lại hỏi tình hình cụ thể. Tình hình một huyện, một xã thì còn biết được, còn tình hình một làng xưa thì làm sao mà biết được. Hơn nữa làng Nguyệt Bổng ở huyện Thanh Chương cách xa thành phố Vinh hơn 40km, tuy nó nằm sát đường Vinh đi Đô Lương và ở ngay bến đò Rộ trên sông Lam mà tôi thường quay lại, nhưng chưa lần nào tôi đến công tác và nghe báo cáo tình hình ở đây. Tôi đang lúng túng chưa biết trả lời thế nào thì Bác chậm rãi nói: “Hồi còn nhỏ Bác có lên học ở đó, phong cảnh ở đó đẹp và đồng bào rất tốt”. Hình ảnh của miền quê ấy, cùng với những nét văn hoá truyền thống và tình cảm của những người dân ở đây đã in đậm trong tâm trí Bác”.
[7]Tam liệt phụ: chỉ bà Bá mẹ ông Tú tài Nguyễn Đạo Quang ở Cao Điền, bà bá Chiên làng Nguyệt Bổng (hai gia đình này cùng huyện Thanh Chương này là hai gia đình thông gia) và bà mẹ ông Bá Bích ở huyện Hưng Nguyên (theo “Lê Thị Thi Tập” – tập thơ văn của dòng họ Lê Kim).
[8]Phan Đăng Tài là em của Phan Đăng Lưu – nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từng tham gia Hội Phục Việt (sau là Tân Việt Cách mạng Đảng). Ngay khi Hội Phục Việt ra đời (1925) ông Lê Văn Kỳ đã động viên em ruột là Lê Văn Hy và em con cô ruột là Nguyễn Xuân Đăng tham gia (theo “Lê Thị Thi Tập” – tập thơ văn của dòng họ Lê Kim).
[9]Tiến sỹ Nguyễn Phùng Thời (1685-1754), làm quan đến thượng thư Bộ Hình. Con trai là Nguyễn Bá Quýnh (1710-1772) cũng đỗ tiến sỹ, làm quan đồng triều với bố.
[10]Ông Hàn Sen đậu Tú tài khoa Quý Mão 1903. Cụ phó bảng thân sinh chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó đang dạy học trong vùng làm đôi câu đối chúc mừng như sau:
Thư đăng túc liệu tam đông trái - Hồ hải ủng hoằng vạn lý tâm(Phan Đăng Tài diễn Nôm: Đèn sách ba sinh nợ trả rồi – Tấm lòng vạn dặm em thời gắng lên).
[11]Cử nhân Nguyễn Tài Tốn(khoa Bính Ngọ 1906)và thân phụ ông Lê Văn Kỳ (ông Bá Lê Kim Tường) là hai anh em đồng hao.Nguyễn Tài Tốn con ông Nghè Nguyễn Tài Tuyển (cùng khoa với Phan Đình Phùng), người xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương – bạn học với cụ Nguyễn Sinh Sắc. Trong thời gian dạy học ở Võ Liệt, cụ Sắc từng qua làng Nguyệt Bổng, lên làng Thượng Thọ (Thanh Văn) thăm và mừng cụ Nguyễn Tài đôi câu đối: Ngô bối do hoè vi cúc viên tiến thân hiện tại, chỉ khán đàm Giáp Ất; Tiên công dĩ đại bút hùng văn minh thế tái sinh tằng phụ chỉ Canh Tân.
[12]Đặng Thúc Hứa (1870-1931) là chí sĩ cách mạng. Ông sinh ở Lương Điền, Thanh Chương, Nghệ Anđỗ tú tài Hán học, nên cũng gọi Tú Hứa. Năm Ất tỵ 1905, ông xuất dương sang Nhật, sau được Phan Bội Châu phái về hoạt động ở Thái Lan. Đến năm Tân Mùi 1931, ông từ trần ở Oudonne thuộc khu đông bắc Thái Lan, thọ 61 tuổi. Ông Lê Văn Chỉ lúc đó viết câu đối sau viếng cụ Tú Hứa: Vạn lý giang hồ đồ quốc trái; Bách niên danh nghĩa tưởng đài bi (Phan Đăng Tài dịch: Muôn dặm bôn ba lo nợ nước; Trăm năm danh tiếng đáng đề bia). Bản thân ông Lê Văn Chỉ năm 1963 từ Thái Lan hồi hương về sống tại quê nhà. Nguyễn Tài Đức ái viết câu đối tự thán:Ngũ thập niên hải ngoại bôn ba, vị quốc nhất tâm thiên địa bạch; Bát nhất tuế kỳ đầu cảm kích, vong gia nhị độ quỷ thần minh (Phan Đăng Tài dịch: Năm mươi năm lăn lộ xứ người, vì nước một lòng trời đất rõ; Tám mươi mốt tuổi bồi hồi quê cũ, bỏ nhà hai lượt quỷ thần hay).
[13]Ông Lê Văn Phước kể lại. Ông Lê Văn Phước là con của ông Lê Văn Hy. Ông Hy là em của ông Lê Văn Chỉ – cả hai đều là con của ông Lê Văn Kỳ.
[14]Võ Thúc Đồng(1914-2007), người cùng xã với gia đình ông Lê Văn Kỳ. Cuối năm 1931, khi phong trào Xô - Viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp, Võ Thúc Đồng cùng nhiều đồng chí khác bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam rồi đưa đày Côn Đảo 13 năm cho đến tận 1945. Ông quay về công tác một thời gian dài ở Nghệ An. Từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại Liên Xô, Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp Trung ương rồi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp. Ông cũng là Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu quốc hội khóa III và IV. Ngay sau khi ông mất, Nhà nước truy tặng ông Huân chương Sao Vàng.
[15]Vợ ông Kỳ là bà Phạm Thị Nhã con Cử nhân Phạm Đức Nhiếp đồng khoa với Đặng Nguyên Cẩn – người làng Lương Điền, Thanh Chương. Cụ Nhiếp được bổ làm Huấn Đạo nên hay được gọi là cụ Huấn Nhiếp. Bà Nhã có anh là Phạm Đức Hoàn đậu cử nhân đồng khoa với Lê Thước trong khoa thi hương cuối cùng 1918.
[16]Hoàng Sơn trong bài chỉ núi Bảng Vàng thuộc xã Kim Bảng huyện Thanh Chương, Lộ Thủy tên Nôm sông Rộ (cũng gọi rào Con – một nhánh của Sông Lam. Sông Rộ đối diện với làng Nguyệt Bổng quê tác giả. Tích Tăng Điểm có chép trong Luận Ngữ: 曾皙曰: “莫春者,春服既成,冠者五六人,童子六七人,浴乎沂。風乎舞雩,詠而歸。” 夫子喟然嘆曰: “吾與點也!”Khổng Tử hỏi chí các học trò. Đến lượt mình Tăng Điểm buông đàn đáp: “Cuối xuân, mặc áo quần mới thửa xong, hẹn dăm bạn thanh niên, sáu bảy đứa thiếu niên ra bến sông Nghi tắm. Xong lại lên đài trên núi Vũ Di hóng gió. Rồi hát hò ngâm ngợi cùng nhau quay về”. Khổng Tử cảm thán: “Chí thầy cũng giống trò Điểm vậy”.
[17]Ông Lê Văn Kha có bài Thăm vườn cũ (1982) cảm thán cảnh quê nhà sau bao năm lưu lạc: Trăng lạnh vườn xưa hoa cỏ dại, Cửa nhà làng mạc đã rời xa; Anh em ly tán sầu muôn ngả, Cỏ dại vô tình cứ nở hoa (Dẫn từ “Lê Thị Thi Tập – Tập thơ văn của dòng họ Lê Kim).
[18]Làng Nguyệt Bổng ngày nay là một phần của đất Hoa Lâm, tổng Xuân Lâm xưa.