Khách mời văn hóa

Kinh Dịch với đời sống [Trao đổi với Ts Nguyễn Văn Vịnh]

LTS: Tiến sĩ triết học Nguyễn Văn Vịnh, sinh 1958 tại Điện Biên Phủ; hiện công tác tại Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội (phó chủ nghiệm khoa Khoa học cơ bản), kiêm nhiệm Phó viện trưởng –Viện công nghệ giáo dục-Liên hiệp các hội KH&KT Việt nam.Ông đã có nhiều năm nghiên cứu về Kinh Dịch,  được dư luận đánh giá là một trong những người am hiểu nhiều về Kinh Dịch ở phía bắc hiện nay. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông về lịch vực này. Trân trọng giới thiệu để  bạn đọc tham khảo.

Thưa ông, là người đã có khá nhiều năm nghiên cứu Kinh Dịch, xin ông cho biết nguồn gốc và quá trình hình thành Kinh dịch?

Trong hệ thống tri thức dùng cho học tập và thi cử từ hơn 2000 năm trở lại đây đối với các nước thuộc phạm trù văn hóa khổng giáo,Kinh Dịch là bộ đứng đầu ngũ kinh(Thư kinh, Thi kinh,Lễ kinh, Xuân Thu kinh và Dịch Kinh), được gọi là “Quần thủ chi kinh”. Có thể nói, Kinh Dịch là bộ sách độc đáo có một không hai của nhân loại: Độc đáo vì Kinh không dùng chữ viết (phần Thoán Từ và Hào Từ là phần được người đời sau thêm vào, sách vở chép lại cho là Văn Vương và Chu Công đã làm việc này) sau được Koonhr Tử chú giải thêm phần Thập dực giải thích thêm.  chỉ dùng hai vạch liền và đứt: là Càn ( __ ) và Khôn ( _ _ ), như là hai chữ số ở dạng thống nhất nguyên sơ, còn gọi là hai hào Dương và Âm. xếp chồng lên nhau tạo thành các con số để vươn tới lý giải mọi sự, mọi việc một cách thấu triệt từ triết, y, lý, số, quân sự, chính trị, văn hóa, bói toán, thiên văn, địa lý, âm nhạc .... Phạm vi của kinh sách bao trùm lên các qui luật của khoa học tự nhiên, thiên nhiên gọi là Thiên Đạo và lãnh vực của khoa học nhân văn gọi là Nhân Đạo.

  Về nguồn gốc hầu như mọi người trước giờ đều cho rằng Kinh Dịch là sách bói toán của Trung Quốc với lập luận đại khái qua những truyền thuyết như:

1.Thuyết thứ nhất:Phục Hy lập Bát Quái rồi đem Bát Quái chồng lên nhau thành 64 qủe của Kinh Dịch.

 2. Thuyết thứ hai:Kinh Dịch của nhà Chu

Kinh sách được biên soạn từ đời Chu (TK thứ 11 đến thế kỷ thứ 3 trước công nguyên), khởi thủy do Tề Xương (Văn Vương) bị nhà Thương bắt giam 7 năm trong vào ngục Dũ Lý, nằm nghiền ngẫm các những vạch kẻ trên mai rùa mà lập ra Bát Quái. Bát Quái đem chồng lần lượt lên nhau sẽ thành 64 quái có 348 hào nói lên các động thái tượng trưng mọi sự việc diễn ra trong trời đất. từ đó môn dịch học được gọi là Chu Dịch, trong nghĩaDịch của nhà Chu.

3. Thuyết thứ ba:Bát Quái Và Kinh Dịch Từ Hà Lạc

Hà Lạc là Hà Đồ và Lạc Thư: Đây là hai hình đồ xuất hiện thời cổ xưa. Theo truyền thuyết này (được viết trong thiên Hệ Từ Thượng Truyện) cho rằng: “Xưa, ở nơi sông Hà hiện ra bức đồ, ở trên sông Lạc hiện ra trang chữ và Thánh Nhân phỏng theo mà sáng tác”

Có người nhận định Kinh dịch là sản phẩm của người Việt, ông  bình luận về ý kiến này như thế nào?

Đây là vấn đề khá phức tạp và dài dòng, chúng tôi xin đơn cử tóm tắt vài ý kiến để cùng tham khảo. Về nguồn gốc Kinh Dịch cho đến hiện nay tồn tại nhiều giả thuyết khác nhau, ngay bản thân các nhà nghiên cứu Trung Quốc nghiêm túc cũng không dám khẳng định Kinh Dịch có nguồn gốc từ văn hóa Hán, chúng tôi chia sẻ quan điểm Kinh Dịch được phát minh bởi cư dân Bách Việt. Khái niệm Bách Việt (cư dân canh tác nông nghiệp) ở đây được sử dụng theo nghĩa rất rộng gồm các tộc người cư trú từ phía Nam sông Hoàng Hà tới vùng Mã Lai đa đảo trước khi có sự xâm nhập của Hán tộc vốn là cư dân du mục. Ở đây cũng xin lưu ý có rất nhiều ý kiến của các tác giả Việt Nam khẳng định Kinh Dịch có nguồn gốc từ người Việt thậm chí là thời điểm hình thành. Sau đây là một số ý kiến theo hướng chứng minh Kinh Dịch xuất phát từ  Việt tộc:

Kinh Diệc tức Kinh Dịch (chỉ phần kinh văn Dịch kinh, không bao gồm Dịch truyện). Diệc thư của Văn Lang truyền sang Trung Quốc, chữ  Diệc đồng âm với Dịch nên người Trung Quốc chuyển sang gọi là Kinh Dịch. Diệc là một loại với Chu Dịch lại trùng tên với tích dịch là con thằn lằn biến sắc nên Trung Hoa lấy hì́nh tượng con vật này để giảng chữ Dịch là biến dịch.
Diệc là loài chim nên Diệc Thư còn gọi là Điểu Thư. Điểu Thư người Tráng (ở Vân Nam,Quảng Tây) đọc thành Lạc Thư.Theo lối tam sao thất bản Lạc Đồ (đi cặp với Hà Đồ) biến thành Lạc thư (mặc dầu chỉ là đồ chứ không có thư).Từ đó Hà Đồ và Lạc Thư được nâng lên thành khởi nguồn của Kinh Dịch.
Văn Lang tam sao thất bản thành Văn Vương.Trước thời Tần không có sách nào nói chuyện Văn Vương làm Dịch ,chỉ đến đời Hán lợi dụng việc Tần Thuỷ Hoàng đốt sách,Tư Mã Thiên, nhà Sử Học lừng danh của Trung Quốc bằng tài năng và uy tín của mình đă phù phép đưa Văn Vương vào thay Văn Lang. Tư Mã Thiên chỉ nói như vậy chứ không có dựa vào tài liệu nào cả, mọi việc ông biết về Dịch đều do cha ông là Tư Mã Đàm truyền lại, suy cho đến cùng thì Tư Mã Đàm là đồ đệ của đồ đệ Khổng Tử, mà Không Tử thì không nói gì về việc Văn Vương làm Dịch. Cơ cấu  của Dịch là tượng,các nhà làm Dịch quan sát tượng của quẻ rồi từ quẻ mới đặt lời.

 Hồ Thích trong "Lịch sử logic học thời tiên Tần" cũng nhận định như vậy:"Học thuyết logic quan trọng nhất trong Kinh Dịch là học thuyết về tượng. Chữ "tượng" này có một lai lịch rất thú vị.Nó vốn là chỉ một con voi. Hàn Phi (chết năm 233 trước công nguyên) từng thuyết minh về sự phát triển của nghĩa chữ này như sau "Người ta ít thấy con voi sống (vì nó chỉ sinh sản ở các nước "Nam Man"),nên theo hình vẽ mà nghĩ tới nó.Cho nên điều mà mọi người lấy ý để nghĩ tới, đều gọi là tượng"(Hàn Phi tử,Giãi Lão).

Chữ Dịch gồm chữ nhật ở trên với chữ vật ở dưới,hai chữ này đi với nhau vô nghĩa nên người Trung Hoa giảng lệch đi cho chữ vật là chữ nguyệt để tạo thành cặp hội ý nhật nguyệt, ý nói mặt trời, mặt trăng thay nhau lặn mọc; ngày đêm thay nhau biến dịch.Cho nên trước hết Dịch có nghĩa là biến dịch.

 Chữ Dịch người Hoa còn đọc là Diệc(Từ điển Khang Hy,Người nước Lỗ thời Khổng Tử đọc Dịch là Diệc. Khi ta nói Kinh Diệc, nhiều người Việt chúng ta nghĩ là ta đọc chệch âm Dịch thành âm Diệc,thực ra âm Dịch là từ âm Diệc mà ra.

Học giả Nguyễn Thiếu Dũng, qua nhiều nghiên cứu, ông đã nêu ra một số chứng lý để minh chứng rằng Kinh Dịch là sáng tạo của người Việt Nam.
- Chứng lý vật thể: Kinh Dịch xuất hiện tại Việt Nam một ngàn năm trước khi có mặt tại Trung Hoa-Tại di chỉ xóm Rền, thuộc nền Văn hoá khảo cổ Phùng Nguyên, các nhà khảo cổ đã đào được một chiếc nồi bằng đất nung trên có trang trí bốn băng hoa văn, mỗi băng nầy tương đương với một hào trong quẻ Dịch, theo phép đọc Hỗ thể thì đây chính là hình khắc của quẻ Lôi Thủy Giải. Đây có thể xem là chứng tích xưa nhất trên toàn thế giới hiện chúng ta đang có được về Kinh Dịch. Lôi Thủy Giải là mong được giải nạn nước quá tràn ngập (lũ lụt), hay nước quá khô cạn (hạn hán). Niên đại của Văn hóa Phùng Nguyên được Hà Văn Tấn xác định: ”Phùng Nguyên và Xóm Rền đều là các di chỉ thuộc giai đoạn giữa của văn hóa Phùng Nguyên)

-Chứng lý ngôn ngữ học:

Một số tên quẻ Dịch là tên tiếng Việt không phải tiếng Trung Hoa: Người ta thường gọi Kinh Dịch hay Kinh Diệc và cứ đinh ninh Diệc là do Dịch đọc chệch đi, kỳ thật tổ tiên ta nói Kinh Diệc và người Trung Hoa đã đọc chệch đi thành Dịch. Tiếng Trung Hoa Dịch còn có thể đọc là Diệc(Xem Khang Hy Từ Điển). Diệc là một loài chim nước, có họ với loài cò. Đây là những loài chim quen thuộc với đồng ruộng, với văn minh nông nghiệp, văn minh Văn Lang. Kinh Dịch là kết tinh của văn minh nông nghiệp, các nhà sáng tạo kinh Dịch Việt Nam lấy hình ảnh con diệc, con cò làm tiêu biểu cho hệ thống triết học của mình là hợp lý, nhưng người Trung Hoa muốn làm biến dạng cho khác đi, cho rằng chữ Dịch là hình ảnh con tích dịch - một loại thằn lằn hay biến đổi màu sắc theo thời gian chẳng thân thiết gần gũi gì với người nông dân cả. Điều này đã được ghi chú rất rõ trên trống đồng Đông Sơn về sau sẽ giải rõ.
Tên tám quẻ đơn Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài đều là tiếng Việt không phải là tiếng Trung Quốc. Các học giả Trung Hoa rất lúng túng khi giải nghĩa nguồn gốc tên những quẻ này vì họ cứ cho đó là tiếng Hán nên tìm mãi vẫn không lý giải được.
Kinh dịch là một phát hiện/công trình khoa học hay là một tổng thành kinh nghiệm, chiêm nghiệm về vũ trụ và cuộc sống?

 Có thể khẳng định tác phẩm Kinh dịch như hiện nay chúng ta thấy được hình thành qua nhiều giai đoạn khác nhau. Qua nghiên cứu chúng tôi thấy rằng, thực chất của 8 quẻ đơn nên được hiểu là các ký tự ( chữ viết) được dùng để chỉ các sự vật và hiện tượng tồn tại khách quan trong vũ trụ (Càn là trời, không gian; Khảm là nước, sông hồ, biển; Cấn là núi non; Chấn là sấm, chớp; Tốn là gió bão; Ly là lửa, Khôn là đất đai đồng bằng; Đoài là ao hồ đầm lầy). Chúng tôi quan niệm Kinh Dịch khởi đầu là học thuyết về quá trình hình thành của vũ trụ từ vô hình đến hữu hình, lý thuyết này coi bản thể vũ trụ là dạng khí, điều này khoảng giữa thế kỷ XX đã được vật lý hiện đại xác nhận qua giả thuyết về Vụ nổ lớn (Big Bang), theo đó sự khởi nguyên của vũ trụ cũng bắt đầu từ dạng khí qua vận động của các cơn lốc vũ trụ, thể khí chuyển sang thể rắn các khối thể rắn này chính là các hành tinh chuyển động theo quỹ đạo khác nhau xung quanh mặt trời. Như vậy cần phải coi Kinh Dịch là một lý thuyết khoa học về sự hình thành và vận động của vũ trụ. Điều quan trọng Kinh Dịch ngay từ đầu đã là một lý thuyết có tầm phổ quát, diễn đạt được qui luật vận động của vũ trụ theo một trình tự rất logic, vì vậy theo thời gian nó được các bộ óc mẫn tiệp triển khai theo hướng bổ xung và diễn dịch thêm cho dễ hiểu hơn mà thôi. Do tính phổ quát ở tầm rộng lớn nên Kinh Dịch có tầm ứng dụng cho mọi lĩnh vực của tự nhiên và đời sống xã hội.

Vũ trụ và xã hội con người thường xuyên vận động và thay đổi? Kinh Dịch quan niệm về sự thay đổi này như thế nào?

 Cho đến nay ai cũng biết rằng, bản thân vũ trụ cũng có thời điểm hình thành và phát triển theo trình tự từ đơn giản đến phức tạp, cụ thể hơn các sinh giới cũng có sự phát triển từ vô cơ đến hữu cơ, từ thực vật đến động vật. từ sinh vật đơn bào đến sinh vật có cấu trúc phức tạp nhất là con người. Quá trình hình và vận động này được tính bằng nhiều triệu năm, bản thân khái niệm “Dịch” cũng là khái niệm dùng để chỉ sự vận động và thay đổi, như vậy có thể nói một cách khái quát tất cả các hiện tượng từ tự nhiên đến xã hội luôn nằm trong quá trình vận động và thay đổi. Ý tưởng về sự vĩnh hằng đặc biệt sự vĩnh hằng của tổ chức xã hội hiểu theo nghĩa là các hình thái xã hội thực tế là một ước mơ lãng mạn của loài người.

Kinh dịch, theo tôi nghĩ là một phương pháp nhận ra quy luật tồn tại và vận động của vũ trụ, của đời sống con người, của xã hội để lựa chọn và điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với quy luật. Kinh dịch có thể phán đoán vận mạng của cá thể, nó có thể đoán định được vận mạng của cả cộng đồng, của cả xã hội không?

Tôi hoàn toàn đồng ý với cách đặt vấn đề này, nhưng xin nói thêm trong một thời gian rất dài đa số các nhà nghiên cứu về Kinh Dịch đều thuần túy chỉ coi đây là cuốn sách về bói toán “ Dịch chủ bốc phệ”. Đặc biệt khi học thuyết Ngũ Hành ra đời- Đây là học thuyết về phương thức vận động của các sự vật hiện tượng theo hai chiều sinh và khắc- các quẻ đơn của Kinh Dịch cũng được sắp xếp theo ngũ hành thì khả năng ứng dụng của Kinh Dịch được mở rộng rất nhiều. Từ Kinh Dịch, người ta đưa ra nhiều cách bói toán khác nhau cho nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, cũng như cho số phận của từng cá nhân, chi tiết hơn là đến các hành vi xã hội cũng được sử dụng Kinh Dịch để dự báo một cách chi tiết. Với những bằng chứng mà  chúng tôi được biết, rất nhiều quẻ Dịch được ghi một cách chính thức trong chính  sử Trung Hoa được thực hiện bởi các quan Thái bốc chưa có một quẻ nào dự đoán sai. Việc thực hiện các quẻ bói cho các triều đình được thực hiện khi nhà vua và triều thần đứng trước các việc không thể quyết định được thì phải nhờ đến  quẻ bói do quan Thái bốc thức hiện. Việc này được tiến hành theo các quy trình rất trang nghiêm, nhà vua phải trai giới, quan Thái bốc phải thực hiện những quy trình nghiêm ngặt bằng hai phương tiện bói là mai rùa và cỏ thi. Theo thời gian, cho đến nay có thể kể ra những thuật để dự báo từ Kinh Dịch như sau: thứ nhất bói dã tượng, quẻ Dịch được lập thông qua việc gieo 3 đồng tiền; Quẻ tứ trụ hay còn gọi là Tử bình để xem cho số phận con người trong cả cuộc đời dựa vào các thong số- giờ, ngày, tháng,và năm sinh của người cần xem; Quẻ Mai hoa dịch với hơn 30 cách xác lập quẻ khác nhau rất linh hoạt và biện chứng;  tám quẻ đơn còn được ứng dụng cho thuật phong thủy của phái Bát trạch; 64 quẻ kép còn được ứng dụng cho một thuật phong thủy khá cao siêu gọi là Huyền không học; ngoài ra từ 8 quẻ Dịch còn được đặt theo những tên gọi khác nhau gọi là thuật bói Bát môn; Thời nhà Hán Tiêu Diêu Thọ, Kinh Phòng  và các môn đệ lập ra môn tượng số, không chỉ là 64 quẻ kép với 6 hào mỗi quẻ mà  biến mỗi quẻ kép thành 64 quẻ, tổng số quẻ là  4096, mỗi quẻ gồm 12 hào  và một bài thơ giải thích kèm theo gọi là “Đại diễn tân giải”, thuật xem này không được chia sẻ nhiều. Theo kinh nghiệm cá nhân của chúng tôi, ứng dụng Kinh Dịch trong các dự toán về các sự việc nếu người xem đạt đến một trình độ nhất định thì độ dung sai là không đáng kể. Với các thuật xem bắt nguồn từ Kinh Dịch, không chỉ giúp con người điều chỉnh các hành vi mà mà ở mức rộng hơn còn giúp con người hiểu được vận mệnh và những giới hạn của kiếp người, tránh được những hành vi ngông cuồng, thiếu lý trí và đạo đức có thể gây họa cho chính bản thân và cộng đồng, đó chính là “minh triết của đời sống”. Đối với một cộng đồng hay một thể chế cụ thể việc áp dụng Kinh Dịch để dự báo cũng đã có những tiền lệ được nghi nhận. Đặc biệt nhất phải kể đến những dự báo của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh khiêm(1491-1585). Những tư vấn của ông cho thời đại ông sống đã làm thay đổi cục diện lịch sử, hơn nữa bản Sấm của ông còn dự liệu được các sự kiện cho 500 năm sau.

Ồng có nghiên cứu Nguyễn Bỉnh Khiêm? Ông đánh giá như thế nào về cụ và một số câu "Sấm Trạng Trình"?Ông có thể cho biết một vài dẫn chứng về sự tác động của nó đối với văn hóa và chính trị trong lịch sử Việt Nam?

Như  tất cả mọi người đã biết Nguyễn Bỉnh Khiêm lúc trẻ học với Lương Ðắc Bằng từng là đại thần giữ chức Thượng thư dưới triều Lê sơ, ông dâng những điều trần nhằm ổn định triều chính không được vua Lê thi hành, Lương Đắc Bằng cáo quan về quê sống đời dạy học (1509). Nguyễn Bỉnh Khiêm thông minh chăm chỉ trở thành học trò xuất sắc. Bởi vậy trước khi qua đời, Bảng nhãn Lương Đắc Bằng trao cho Nguyễn Bỉnh Khiêm bộ sách quý về Dịch học (Chu Dịch) là Thái Ất thần kinh, từ đó ông tinh thông về lý học và tướng số, nghiên cứu về lý số, với thiên tài “thần thông” có khả năng siêu quần, quán chúng về thấu thị, thần giao cách cảm. Xin đơn cử vài sự kiện liên quan với cụ trạng trình: Tục truyền rằng Năm Bính ngọ (1546) Mạc Phúc Hải mất truyền ngôi lại cho con Mạc Phúc Nguyên mãi đến năm mậu thân (1548) vua Trang Tông mất, Trịnh Kiểm lập Thái tử tên Duy Huyên lên ngôi tức Trung Tông được 8 năm thì mất không có con nối nghiệp. Trịnh Kiểm muốn làm vua nhưng còn sợ dư luận, nên sai người đến Hải Dương hỏi ý khiến Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. ông không chỉ bảo trực tiếp mà thông qua  người giúp việc ngụ ý: “năm nay mất mùa, thóc giống không tốt, chúng mày nên tìm giống cũ mà gieo mạ, gữi chùa thờ Phật thì ăn oản.. “ Sau đó Trịnh Kiểm tìm con cháu họ Lê lên làm vua.

Dù Trạng Trình ở ẩn, vua Mạc cũng như các chúa Trịnh, chúa Nguyễn có việc hệ trọng vẫn cho người đến hỏi ý ông. Ông thường kín đáo khuyên Vua cố gắng tránh chiến tranh để nhân dân khỏi chết chóc.

Sau khi nhà Lê bị Mạc Đăng Dung (1483-1541) chiếm ngôi, con của vị tướng triều Lê là Nguyễn Hoàng Dụ trốn sang Lào, được vua Lào cho nương náu ở xứ Cẩm Châu, trấn Nam Phủ, tỉnh Thanh Hóa. Năm Quý Tỵ (1532) Nguyễn Kim lập con út vua Chiêu Tông lên làm vua, gọi là Trang Tông. Để mưu đồ đại sự, Nguyễn Kim (1467-1545) thu nạp kiện tướng ở tỉnh Thanh Hóa là Trịnh Kiểm, sau là rể của Nguyễn Kim. Năm Canh Tý (1540), Nguyễn Kim đem quân đánh chiếm Nghệ An và thu phục luôn cả Thanh Hóa. Nguyễn Kim chết vì ngộ độc (1545), mọi bình quyền về tay Trịnh Kiểm. Việt Nam lúc bấy giờ bị chia đôi: từ Sơn Nam trở ra thuộc nhà Mạc, gọi là Bắc Triều. Từ Thanh Hóa trở vào là khu vực của nhà Lê hay gọi là Nam Triều.

Nguyễn Kim mất, để lại hai người con trai là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng (1525-1613) cả hai tuy còn ít tuổi nhưng đã bộc lộ tài năng xuất sắc hơn người. Trịnh Kiểm lo sợ cả hai sau này có thể tranh giành địa vị với mình, nên ngấm ngầm ngăn trở dù Nguyễn Uông chỉ mắc một lỗi nhỏ, Trịnh Kiểm cũng buộc Nguyễn Uông phải chịu phép gia hình. Nguyễn Hoàng thấy anh bị hại, sợ đến lượt mình, liền cử người kín đáo lên hỏi Trạng Trình. Trạng không trả lời cụ thể, chỉ đứng ngắm đàn kiến bò trên hòn non bộ trước sân nhà và nói một câu: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”.

Nghĩa là từ núi Hoành Sơn [Đèo Ngang] ở Quảng Bình kia có thể yên thân được muôn đời. Từ câu nói đó, Nguyễn Hoàng nghiệm ra rằng trạng Trình bày cho kế đi vào phương Nam lập nghiệp. Trấn giữ đất Thuận Hóa, mở đầu cho triều đình nhà Nguyễn từ từ khai phá cho đến vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày nay.

Tương truyền Trạng Trình nói trước nhà Mạc suy vong, ông đọc hai câu thơ: “Cao Bằng tàng tại- tam đại tồn cô” (nghĩa rằng rút về đất Cao Bằng thì sẽ sống thêm được ba đời nữa) con cháu họ Mạc về đất Cao bằng tuy nhỏ nhưng được 3 đời là Mạc Kính Cung, Mạc Kinh Khoan và Mạc Kinh Vũ. Dòng dõi họ Mạc bị bắt, bị giết nhiều người đổi họ lưu lạc khắp nơi để mưu cầu sự sống. Xin bỏ qua một số sự kiện trong sấm Trạng Trình đã ứng nghiệm, nhân đây chúng tôi dẫn  một số câu trong sấm được cho là nói về năm 2013 và 2014:

Thời gian và thế sự xoay vần

Chuột sa chỉnh gạo nằm chơi

Trâu cày ngốc lại chào đời bước ra

Hùm gầm khắp nẽo gần xa

Mèo kêu rợn tiếng quỷ ma tơi bời

Rồng bay năm vẽ sáng ngời

Rắn qua sửa soạn hết đời sa tăng

Ngựa hồng qủy mới nhăn răng.
Tôi hơi lan man một tý, Kinh dịch của Phương Đông, của Việt nam, có gì giống và khác với các tiên đoán của các nhà tiên tri ở phương Tây, hay thế giới Hồi giáo?

Có lẽ nên nói cho rõ về khái niệm tiên tri, đây là những người có khả năng đặc biệt, thiên mệnh đặc biệt những loại khả năng này không do nghiên cứu hay tập luyện có đuợc mà hoàn toàn do trời phú. Trong rất nhiều thời đại thỉnh thoảng mới có một người như vậy xuất hiện.

 Ở Phương Tây có “Nhà tiên tri tài ba nhất thế giới”, làNostradamus. Ông là người có khả năng dự đoán vận mệnh thế giới trong một thời gian dài, có thể tới vài thế kỉ. Những lời tiên đoán của Nostradamus về các biến cố lớn của thế giới như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh… đều được phản ánh trong cuốn “Những thế kỉ” (Centuries) - hay còn gọi là “Lời tiên tri”. Nó được viết dưới dạng những bài thơ tứ tuyệt có vần và hầu hết chúng đều được kiểm chứng thông qua sự kiện thực tế.

Bên cạnh Nostradamus nhà tiên tri mùVanga (Vangelia Pandeva Dimitrova( 1911-1996) sống tại thành phố Rupit, Bulgary)trong thế kỷ XX cũng là người khiến cả nhân loại ngỡ ngàng vì khả năng tiên đoán chính xác nhiều sự kiện trong tương lai như: Chiến tranh thế giới II, vụ tàu ngầm Kurst (Nga) bị chìm, vụ khủng bố tòa tháp đôi WTC ngày 11/9/2001 tại New York (Mỹ) hay thậm chí là thảm họa hạt nhân Nhật Bản mới xảy ra vào năm 2011… Ngoài ra rất nhiếu các chính trị gia, các nhân vật nổi tiếng đã được bà dự báo cho số phận.

Riêng trường hợp nhà tiên tri Muhammad ( Môhamet hay Môhammet) sống vào khoảng  570-632, được những tín đồ I xơ lam, Hồi giáo tin là “sứ giả của Thượng Đế” bởi những người theo đạo, còn những người không theo đạo xem ông là người sáng lập Islam. Trong văn học và ngôn ngữ Việt Nam thông thường, ông được gọi là Đấng tiên tri hoặc Đại Tiên tri Mô-ha-mét. Ông là tác giả bộ kinh Koran, truyền đến những Mặc khải từ Thượng đế, thực chất ông là một giáo chủ chứ không phải nhà tiên tri theo nghĩa tiên đoán các sự kiện lớn cho loài người.

Chúng ta thấy rằng điều giống nhau ở các nhà tiên tri là khả năng báo truớc những sự kiện đã xảy ra trong một tuơng lai ngắn hoặc dài nhưng cách thức của các dự báo thì khác nhau. Cái khác biệt lớn nhất giữa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với các nhà tiên tri trên ở chỗ khả năng tiên tri của ông do học tập nghiên cứu Kinh Dịch, thái ất Thần kinh công với một trí tuệ siêu việt mà có được.

Nhân đây chúng tôi giới thiệu thêm về hai tác phẩm thuộc loại sấm thư của Triều Tiên và Trung quốc: “Cách Am Di Lục”, (Gyeokamyurok) là cuốn sách tiên tri thần kỳ do học giả Nam Sư Cổ truyền lại từ 470-480 năm trước đây tại Triều Tiên (nay thuộc Hàn Quốc). Nam Sư Cổ, hiệu Cách Am, là người trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, với khả năng tiên tri, có thể được ví với Thiệu Khang Tiết thời Bắc Tống ở Trung Quốc. Toàn bộ cuốn sách phân làm 60 thiên với gần 4 vạn chữ; “Thôi Bối Đồ”, là cuốn sách tiên tri nổi tiếng nhất Trung Quốc, do Viên Thiên Cương và Lý Thuần Phong đồng sáng tác vào những năm Trinh Quán triều Đường, tổng cộng 60 hình vẽ (đồ tượng), bên dưới có “sấm viết” và “tụng viết” bằng thơ.

Có sự ngẫu nhiên trùng hợp không thưa ông?

Về nguyên tắc, tất cả các sự kiện đều có những nguyên nhân nhất định và được diễn ra theo các quy luật, sự ngẫu nhiên chỉ do nhận thức của chúng ta chưa đạt đến tầm để coi đó là sự tất nhiên.

Xưa nay, Kinh dịch thường gắn liền với học vấn chữ Nho, với tầng lớp nho sĩ. Còn bây giờ, chữ Hán/Nho rất ít người biết. Vậy có ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát huy các giá trị của Kinh dịch?

Với sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật và các phuơng tiện in ấn dịch thuật hiện nay những  người nghiên cứu Kinh Dịch không nhất thiết phải biết chữ Hán, hơn nữa ý nghĩa sâu xa của Kinh Dịch là tìm hiểu những quy luật biến đổi của các hiện tuợng trong tự nhiên và xã hội lại quan trọng ở tượng quẻ chứ không phải ở cách diễn giải của những người đi trước. Mặt khác chữ Hán cổ hiện nay ngay tại Trung Quốc cũng trở thành “Tử ngữ”, hệ chữ tượng hình nói chung đều đứng trước sự tàn lụi bởi chính hạn chế của nó. Có một sự thật là số lượng sách vở về chủ đề Kinh Dịch bói toán hiện nay rất nhiều, số người nghiên cứu cũng đông trong đó có những người có hiểu biết khá kỹ lưỡng về Kinh Dịch ; cũng cần nói thêm đây là bộ kì thư chứa nhiều bí ẩn cho nên những người nghiên cứu kinh dịch cần phải có một căn duyên và sự kiên trì nhất định.

Tôi thấy một vài năm trở lại đây có rất nhiều người tin vào Kinh dịch và nhiều người thực hành vận dụng Kinh dịch như một nghề dịch vụ trong xã hội. Ví dụ như ở Vinh nói riêng và Nghệ an nói chung, rất nhiều tin và nhiều người làm nghề xem, điều chỉnh phong thủy. Ông có quan sát và nhận xét gì về hiện tượng này? Cái gì được và cái gì không hay chưa được?

Những biến động đầy bất trắc không thể kiểm soát hiện nay trong các lĩnh vực của đời sống xã hội đặt con người vào trạng thái hoang mang, các hành vi suy thoái đạo đức xảy ra hàng ngày, khiến những người ưu thời mẫn thế phải lên tiếng ,tạo ra một không khí bất thường cho sinh hoạt xã hội là mảnh đất tốt cho các thầy bối tầy cúng hành nghề. Chúng ta thấy những người làm nghề bói toán ở đâu cũng có và xuất hiện rất nhiều nhưng không phải ai cũng có thể dự báo đúng các việc cho các thân chủ, trong nhiều truờng hợp chỉ lợi dụng bói toán để kiếm tiền thậm chí lừa đảo.  Đối với việc điều chỉnh Phong thuỷ cho chúng tôi nhìn nhận là cần thiết vì bản chất của việc này là chọn sự tối ưu cho không gian cư trú, thực ra nó gắn với qui hoạch và kiến trúc rất nhiều. Tại một số nuớc như Trung Quốc, Đài Loan đặc biệt là Hồng Kông các thầy phong thủy là những người vừa có uy quyền vừa giàu tiền bạc . Nguời ta coi việc xem phong thủy và bói toán là một điều cần thiết đuơng nhiên , đuợc thực hiện nhiều lần trong năm,  đặc biệt trước khi làm một việc gì quan trọng người ta đều tham vấn các nhà phong thủy .

Một người bình thường cần nghiên cứu và thực hành trong bao nhiêu năm để có thể thấm nhuần được những nội dung cơ bản, cốt yếu nhất của Kinh dịch?

Điều này chẳng có một thời gian nhất định nào cả, nó phụ thuộc vào khả năng quan trọng đấu tiên là người dạy có giỏi không(?), người học ở trình độ nào của học vấn, hết trung học hay đại học…có học tập và nghiên cứu thường xuyên hay không? Và học bao nhiêu môn xem có nguồn gốc ứng dụng từ Kinh dịch. Thông thường người học cần được trang bị trước đó một khối lượng tri thức về Triết học khá cơ bản để có điều kiện tiếp thu các tri thức tiếp theo.

Trở lại với câu chuyện về mối liên hệ, quan hệ giữa Kinh dịch và đời sống, với văn hóa, theo ông thì chúng ta cần có một nhận thức chung nhất về Kinh dịch như thế nào và cần đối xử, vận dụng Kinh dịch như thế nào trong đơì sống xã hội hiện đại hiện nay?

Có câu “ Tận nhân lực tri thiên mệnh”, trong mọi trường hợp con người cần thiết phải hành động theo các chuẩn mực của thời đại, tổ chức đời sống xã hội theo các giá trị phổ quát đã được cả loài người thừa nhận trong một khuôn khổ pháp luật và đạo đức nhất định, điều đó được gọi là bình thường.Sự tìm kiếm các điều bí ẩn là ít cần thiết trong trường hợp đó việc học tập nghiên cứu Kinh Dịch hay một lý thuyết khoa học nào đó là công việc của các nhà chuyên môn. Chúng tôi quan niệm Kinh dịch cũng là một cách tiếp cận khoa học cần tham khảo nhưng không mang tính tiên quyết. trong nhiều trường hợp sự hiểu biết về Dịch giúp con người chấp nhận hiểu rõ về sự tất yếu của các qui luật, sẽ có sự điều chỉnh các hành vi cho mình. Các doanh gia và các chính trị gia nếu có chút hiểu biết về Dịch sẽ bớt đi những quyết định cực đoan mù quáng hay những tham vọng bất thường.              

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi thú vị và bổ ích này. Hy vọng chúng ta sẽ có những cuộc trao đổi về lĩnh vực này.

 

                                                               Phan Thắng thực hiện 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511181

Hôm nay

2180

Hôm qua

2359

Tuần này

21555

Tháng này

218054

Tháng qua

121356

Tất cả

114511181