Còn một lẽ riêng nữa, cha tôi người làng Thu Lũng bây giờ là phường Nghi Thu. Còn mẹ tôi là người làng Nguyệt Tỉnh, bây giờ là xã Nghi Công Bắc miền tây Nghi Lộc. Ngày đó cha tôi đưa gia đình đi sơ tán và lãnh đạo cướp chính quyền ở tổng Vân Trình, gặp mẹ tôi đã hai sáu tuổi quá lứa lỡ thìnhưng còn mặn mà nhan sắc, họ lấy nhau.
Quê cha nhưng cũng là nơi mẹ sinh ra tôi, một ngày đầu năm 1955 sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng tôi vẫn có tuổi tử vi là giáp Ngọ vì ngày lập xuân mới được tính sang năm Mùi. Người ta nói ngựa là khổ, là chân chạy, nó vận đúng vào số tôi vậy. Ngay từ bé tôi luôn phải đi xa, xa nhà, xa quê.
Chuyến đi xa đầu tiên mà tôi luôn nhớ đó là năm 1964. Ngày đó chiến tranh ác liệt, Mỹ cho không quân, pháo hạm bắn vào Cửa Lò như cơm bữa. Cha tôi là người lo xa, nhà có haianh em trai, có chết thì chết một thằng thôi, nên tôi phải đi sơ tán lên nhà dì ruột ở Nghi Công, vừa học lớp 4 vừa đi phụ chăn trâu một năm. Tuy cách nhà có 18 cây số mà sao xa xôi thế, xa xôi như thể ở hai đầu nỗi nhớ. Ngày nào tôi cũng trốn dì trèo lên ngọn rú Voi nhìn về phía biển quê cha Cửa Lò để nhớ, để mơ được sớm về với mẹ, với bà nội, với những thằng bạn nối khổ như thằng cu Út, thằng Sơn Bớng, thằng Thắng Thoàn…để được đánh đáo, đánh khăng được chơi dàn trận.
Chuyến đi xa thứ 2 là ra Hà Nội, diễn ra đúng đêm 14 tháng 8 âm lịch năm 1968. Hôm đó cha chở tôi bằng xe đạp từ Cửa Lò xuyên qua Nghi Lộc lên Đại Sơn, Trù Sơn huyện Đô Lương để đến xã Thái Sơn, nơi có trạm liên lạc đưa đón cán bộ của tỉnh Nghệ An, có tên là trạm 21. Đó là một đêm trăngvàngđẹp như cổ tích. Trên chiếc xe đạp super global cũ kĩ, cha tôi vừa đi đường vừa kể chuyệnnhân tình thế thái, chuyện danh nhân. Thì ra ông đã liên lạc gửi tôi ra Hà Nội cho chị gái tôi đang là cán bộ làm việc ở Viện vệ sinh dịch tễ học, để mong tôi học thành tài và hơn nữa là tránh được bom đạn. Ngày đó, Mỹ hạn chế ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở vào. Tôi ở đó vài ngày với ông chú họ, chờ chuyến xe ra Hà Nội để được đi nhờ. Rồi một đêm, trời sáng trong dưới ánh trăng thu, tôi được ngồi trong chiếc xe com măng ca có ông Chu Mạnh chủ tịch tỉnh và một vài ông cán bộ đi họp ở Trung ương. Xe chạy theo tuyến đường 15B, xuyên qua vùng Tân Kỳ lên khe Lụi rồi ra miền tây Thanh Hóa. Trên xe ông Chu Mạnh hỏi: “Cháu học lớp 7, rứa có biết tỉnh ta có mấy huyện không?”. Còn con nít mà tôi hỏi ngược lại ông: “Chú mần chủ tịch tỉnh mà không biết tỉnh có mấy huyện à?” Ông chặc lưỡi: “Thằng này khá”.
Vâng, xa quê lúc thiếu thời như vậy nên lại càng nhớ về Cửa Lò quê cha. Nhớ lắm, nhớ không thể nói thành lời được. Chỉ mong được trở về, được tắm ở Bàu Lối, được lao xuống biển Cửa Lò úp mặt vào biển mát quê hương.
Làng Thu Lũng của tôi hình thang, cạnh phía đông là biển có chiều dài hơn một cây số rưỡi, song song phía tây là đường Quán Bánh Cửa Lò khoảng bảy trăm mét; Phía bắc là con đường quan đi xuống tượng Thánh giá xóm Yên Trạch ngày xưa là xã Nghi Thủy, bây giờ là phường Thu Thủy, còn phía nam là đường Sào Nam. Hình thế nôm na là vậy nhưng làng xóm vốn dĩ là đất đai ông bà tiên tổ khai khẩn, xâm canh mà thành. Hồi trước 1978, cả xã có mấy xóm Nam Liên, Tây Thông, Bắc Đại, Nam Đình, Nam Hòa, gần ven mé biển có Cát Liễu, Hiếu Hạp, Đông Hải, Bắc Hải , Đông Khánh và Tây khánh. Ở đâu cũng có bà con họ tộc nội ngoại từ đời này qua đời khác nên đi đâu cũng thuộc tên đất tên người.
Ngày xưa khu nghỉ mát cũng chỉ vẻn vẹn có vậy, bây giờ mở rộng thêm một chút là một phần của Nghi Thủy, khu hành chính là đất Nghi Hương, xuống dưới sân gôn là Nghi Hòa , Nghi Hải. Quê cha, tôi khắc khoải đinh ninh, còn là những di tích lịch sử văn hóa may mắn sót lại sau biết bao biến cổ thăng trầm. Biết bao cơ là đình đền, miếu mạo, lăng mộ đã tan hoang. Do bom đạn cũng có, mưa bão cũng có. Nhưng mà tiếc, mà xót nhất là do ta tự phá vì ngu dột ít học. Trận bão chống phong kiến xây dựng nông thôn mới theo lối giáo điều của thằng Tàu mới là cuộc tàn phá tiêu điều ghê gớm nhất.
Tuy chưa phải là vùng “ Mạ vô sân, dân vô rú, đ. vô vòng” nhưng với phương châm “Một mo cơm một quả cà…” của ông Trương Kiện thời đó, toàn xóm Nam Liên phải dời lên cồn Kỳ xóm giữa phía Đông Quyền, Bắc Đại làm cho hệ sinh thái làng bị phá hại nặng nề tàn hoang.
May mắn là làng tôi còn giữ được đền Bàu Lối. Đền này được khỏi công xây dựng từ triều Hậu Lê, thời ông tổ cách con trai tôi 9 đời là Hoàng Khắc Dũng (Dõng, 1701-1776) - tổng tri công ba triều Long Đức, Vĩnh Hựu và Cảnh Hưng, về hưu góp hai trăm quan tiền và công tiến cho làng năm mẫu ruộng “ Tứ mẫu phì điền, nhất mẫu nương điền” ( Bốn mẫu ruộng tốt, một mẫu nương, quê tôi gọi là rộc). Làng bán ruộng góp tiền xây dựng, đến đời nhà Nguyễn con cháu trong làng đã trùng tu, nên hình hài đến ngày nay. Ngày xưa khi còn bé, tôi đã được cha dắt đến đền. Ông giảng giải cho tôi sự tích về hai cây thông già, hai cây phượng và hồ bán nguyệt trước đền. Ông bảo, đền xây thế nào người sau ai cũng thấy rõ nhưng đền thờ ai mới là vấn đề văn hóa. Đây là ngôi đên duy nhất có thể nói ở vùng Nghệ Tĩnh thờ Tứ tiên, Tứ bất tử thuần Việt. Trước đây đền không thờ Phật, không thờ lãnh tụ như bây giờ.
Quê cha chính là dòng họ. Tôi đinh ninh vậy. Họ Hoàng tôi phát tích ở Vạn phần. Ông tổ tôn là Đông hải đại tướng quân sát hải đại vương người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống nhà Nguyên xâm lược được nhà Trần phong thượng, thượng, thượng đẳng thần…Đền thờ tiền nhân được lập ở nhiều nơi trong Nam ngoài Bắc. Nhưng đến thời Lê họ Hoàng của ông tổ tôi mới được phong đất ở vùng Cửa Lò từ Nghi Hòa, Nghi Hương, Nghi Thu. Đất Cửa Lò nay chính phần lớn là của Quận công Hoàng Phúc Nhàn mà khi xưa mà ra. Khi ông tổ cách tôi tám đời xây nhà thờ ở Nghi Thu còn đôi câu đối : HOÀNG GIA KHỞI NGHIỆP CƯƠNG THƯỜNG TRỤ/ LŨNG ĐỊA PHONG QUANG KỶ NIỆM ĐƯỜNG. Nơi đây còn lưu giữ tấm bia đá [HẬU THẦN BI KÝ] được lập năm Cảnh Hưng thứ 16 ghi nhận công đức của ông tổ Hoàng Khắc Dũng(1701-1776) mà dân gian gọi là ông Giá Hậudo Đệ tam giáp tiến sỹ cập đệ Nguyễn Huy Oánh soạn. Tiến sỹ Nguyễn Huy Oánh là cha của nhà thơ Nguyễn Huy Tự, tác giả Hoa Tiên truyện. Ông đậu tiến sỹ khoa Mậu Thìn triều Lê, người có công lớn lập nên làng văn Trường Lưu nổi tiếng, trên bia còn ghi rõ ông là người có tu hành « Thạch đồng cư sỹ, thượng thư bộ công ». Bia do Đồng thọ nam tri phủ tạo lập. Bia này vốn đặt ở mộ phần ông tổ tôi nhưng nhưng đến năm thực thi chủ trương « sắp xếp lại giang sơn », mồ ông tổ tôi phải quật lên để dời đi nơi khác, cha tôi tìm cách đưa tấm bia vào nhà thờ. Nhờ vậy mà có đến ngày nay. Ở Làng Thu Lũng xã Nghi thu, ngày xưa, hàng năm lấy ngày Ông tổ tôi mất làm ngày giỗ chung, gọi là giỗ ông Gia Hậu. Tục giỗ này có đến sau năm 1945 thì bị bãi bỏ.
Đền Bàu Lối [Đền Thu Lũng] Ảnh: Ngân Thanh
Làng tôi còn có ông Phùng Phúc Kiều tướng công sinh sau ông Hoàng Khắc Dũng 20 năm. Ông là con rể họ Hoàng, có công trấn ải vùng biển từ Quỳnh Lưu tới Cửa Hội. Con cháu họ Phùng ngày nay lập đền thờ ông thờ ông trên phần mộ ông. Ở đây vẫn còn có tấm bia đá khắc chuyện quan võ đang trơ gan cùng tuế nguyệt.
Cách đây hơn trăm năm người Pháp đã phát hiện ra bãi biển Cửa Lò là nơi nghỉ mát lý tưởng. Hồi đó, khi mở đường quan Nam Bắc, làm đường Hỏa xa, mở nhà máy diêm , nhà máy gỗ Trường Thi, họ đã nghĩ tới Cửa Lò, Cửa Hội, đến mở đồn điền khai khẩn vùng tây Nghệ An. Biển thì rộng, bãi biển thì nhiều nhưng không phải bãi biển nào cũng có thể là nơi nghỉ mát. Nó có tiêu chuẩn của nó. Nước biển phải sạch, bãi cát phải mịn màng, và cực kỳ quan trọng đó là phải an toàn. Nơi đó phải không có « đòi », tức là không có nhưng rốn xoáy nước có nguy cơ gây mất an toàn. Chắc là nhờ những cái này mà người Pháp quyết định chọn Cửa Lò là bải biển nghỉ mát du lịch. Chuyện vui vui là cách đây mấy năm chính quyền Cửa Lò đã tìm ra cái quyết định nói trên để công bố cho bàn dân thiên hạ biết mà thêm phần phấn khởi và tin tưởng… Dân quê tôi thường nói đùa : Cửa Lò choa bãi biển cực kỳ tốt, Pháp hắn cũng phải công nhận chứ chẳng phải đùa !
Ngày đó, Người Pháp đã đem cây Phi Lao về trồng ở Cửa Lò, đến những năm sáu mươi [trước ngày 5/8/1964] có cây to hàng vài người ôm mới xuể. Cha tôi bảo, kiểm lâm Pháp, kiểm lâm ta đều ra sức bảo vệ cây rừng không có người cào lá, lá cây mục ruỗng làm phân bón cho cây tươi tốt. Khoảng sau năm 1960 Cửa Lò được xây dưng thêm hai dãy nhà 3 tầng làm khu nghỉ mát của quân đội, nó nằm ở gần khu chợ đặc sản bây giờ. Đến nay nó chẳng còn vết tích nào nữa, có chăng chỉ là kí ức trong những người có tuổi như chúng tôi trở lên mà thôi. Sau năm 1970, Cửa Lò cũng có làm du lịch. Giao tế Của Lò được xây dựng. Đó là khu khách sạn nho nhỏ nằm ở gần Nhà nghỉ Công đoàn bây giờ. Khu này chủ yếu dành cho khách nước ngoài, dân bản địa không được vào, ngày đó trong số người phục vụ, làm dịch vụ ở đó có cô Nhuần mình đã có lần ghé chơi. Năm 1979, cha tôi được Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh mời đi thăm quan thành phố theo suất dành cho cán bộ lão thành Xô Viết 30. Nhờ quen biết mà tôi nhờ mua được 3 chai rượu tây, hai chai mác Beehieu của Anh, Một chai vodka Ba Lan ở khách sạn này. Với tôi, đó là những kỉ niệm khó quên và hơi chút nghẹn ngào. Ngày xưa, có những chuyện kể ra khó tin, có thể cười ra nước mắt. Năm 1974, anh rể tôi vừa tốt nghiệp đại học ở Liên Xô về nước. Hai anh em đạp xe ra Cửa Lò chơi. Trời mùa thu đã se lạnh thế mà vẫn thấy một ông Tây lao xuống biển tắmvô tư. Khi vào bờ, thấy vẻ mặt ông tây rất thiện cảm nên anh tôi cũng chào hỏi thăm người bạn Nga mấy câu. Đây là một trung tá hải quân, phóng viên báo Sao Đỏ của quân đội xô viết. Câu chuyện chỉ có vậy mà hai anh em tôi bị những cán bộ anh ninh đi cùng làm khó dễ, rằng không được nói chuyện với người nước ngoài, các anh ở mô nói những chi ... May mà anh rể tôi lúc đó đã nhận công tác ở bộ quốc phòng và tôi đang là học viên của trường cán bộ kiểm sát nên thoát nạn.
Xưa nay ở cửa Lò người bản địa là chủ yếu. Cha tôi trong thư cho tôi vẫn viết dòng đầu tiên là « Cửa Lò chi xứ bản địa » Nghi Thủy, Nghi Thu, Nghi Hương , Nghi Hòa, Nghi Hải. Thỉnh thoảng mới có người nhập cư xâm canh đó là những gia đình có con gái nhưng không có con trai, anh em bà con phải về sinh sống chăm lo hương hỏa dòng họ, hoặc vài người ở rể mà thôi, Trong một xã chỉ có dăm ba nhà như vậy. Người nhập cư và tạm trú dài hạn trên đất Cửa Lò chính là đợt tập kết theo hiệp đinh Giơnevơ năm 1954. Năm 1955, đoàn cán bộ chiến sỹ Miền Nam đầu tiên theo tàu Pháp tập kết vào Cửa Hội chủ yếu là con em từ Bình Tri Thiên đến Phú khánh, Tuy Hòa. Cha tôi cũng được phân công làm cán bộ đón tiếp các chú bộ đội Miền Nam. Họ đóng quân ở Cửa Hội, ở đình Nghi Thu và có thành lập một khu an dưỡng gọi là Khu an dưỡng Cửa Lò ở ngay phía đông núi Đụng Định cạnh con đường lớn về cảng Cửa Lò bây giờ. Thật tiếc, năm 1965, máy bay Mỹ đã oanh tạc xóa sổ trạm điều dưỡng này. Điều này khiến cho nhiều thân nhân của đồng bào Miền Nam không thể tìm lại một số mồ mả của những người thân của họ chẳng may bị bệnh tật mất sớm, hoặc những người bị bom Mỹ sát hại, những người vẫn còn trong trí nhớ của chúng tôi như chú Hồng Kỳ, chú Tặng.v.v.
Đợt thứ hai làm thay đổi sắc dân trên đất Cửa Lò chính là việc thành lập thị xã Cửa Lò năm 1994, cách nay gần 20 năm. Đã là đô thị lại là đô thị du lịch việc giao lưu hội nhập là chuyện đương nhiên. Từ đó sắc dân Cửa Lò đã có nhiều thay đổi. Họ là con em Nghệ An làm ăn khá giả từ Hà Nôi, Thành Phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác, ở từ các nước khác trở về mua đất xây khách sạn kinh doanh ; Là những người từ Vinh , Nghĩa Đàn, các huyện khác thấy Cửa Lò có cơ hội phát triển tốt mà đến đây lập nghiệp.
Cửa Lò quê cha là nơi chôn rau cắt rốn, là nơi thấm đẫm gọng nói quê hương. Bây giờ, ở tuổi mà tóc đã điểm sương, bạn bè từ tứ xứ lâu lâu trở về sum họp hàn huyên, kể chuyện cho nhau nghe mà sướng trong lòng. Nhớ một lần ngồi ở quán Lam Giang tiếp nhà thơ lưỡng quốc hội nhà văn Lâm Quang Mỹ ( tức Nguyễn Đình Dũng - tiến sỹ vật lý nguyên tử,hội viên hội nhà văn Việt Nam , và hội nha văn Ba Lan) ven dòng Lam Cửa Hội. Thầy Thắng, một bạn học cũ hồi cấp 3 Nghi Lộc 1nói : mi đi lâu đã nghe câu đối ni chưa ? ». Rồi Thắng đọc : « Cửa Lò, Cửa Hội mần tội Cửa m./ Hòn Mắt, Hòn Ngư làm hư Hòn d. ». Mình bái phục sái cổ. Câu đối vừa chuẩn xác vừa thâm thúy lại vừa amua như chất quê vốn có. Cái thanh cái đẹp của chữ nghĩa làm mất hẳn cái tục vốn có của nó. Thắng thao thao kể chuyện nhà hắn ngày mới lấy cô vợ về ba ngày sau động phòng mà mặt vợ cứ buồn rười rưỡi, mẹ hắn gọi hắn đến dạy : « Con du mới về nhà mi phải biết « Mừng cho nó *». Hôm sau thấy con dâu vừarửa bát vừa hát « chưa có bao giờ đẹp như hôm nay », mẹ hắn nói mi làm học sinh ngoan hiểu ý tau sau đi làm thầy giáo được. Mẹ hắn lại dạy : « Đã làm con trai thì phải xác định đi ra đời lập danh với thiên hạ mần chi cũng phải « có chộ đứng » phải có quyền mà sai, lợi mà khiến » về nhà cũng phải « có chộ đứng** » để vợ không bỏ nhà theo trai ». Hắn nghe lời mẹ mà thành thầy giáo tin học loại giỏi, kể ra cũng nên người.
Thắng lại kể những chuyện về du lịch Cửa Lò. Ông cán bộ ở Đô Lương dành dụm ít tiền đưa mụ vợ xuống Cửa Lò nghi dưỡng. Trăng thanh gió mát, nam nóng thì điều hòa nhiệt độ. Nhưng đến bữa thanh toán thì bà hơi buồn vì số tiền vượt quá sự dự kiến của bà. Bà về kể với làng giềng rằng : « Đi Cửa Lò thì sướng thật nhưng ở có mấy ngày mà mất cả lứa lợn con các bà ạ ».
Cửa Lò quê cha đã thay đổi nhưng những con người giọng nói, con đường, những hàng phi lao, bãi cát mịn màng in những dấu chân con coòng gió thì vẫn khắc ghi trong trái tim tôi !
....................
[*]: Nói lái quê tôi « Mừng cho nó » là : « mò cho nứng »
[**]: "Có chộ đứng » là « Cứng chộ đó »