Khách mời văn hóa

Gs Nguyễn Đăng Hưng với giấc mơ Việt Nam

Sắp bước sang sang thềm năm mới Giáp Ngọ, Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đăng Hưng đã chia sẻ với phóng viên câu chuyện về giấc mơ Việt Nam của ông cùng những kỷ niệm khá thú vị.

PV: Trước thềm năm mới, cùng ôn cố tri tân, xin giáo sư chia sẻ với bạn đọc đôi điều về tuổi thơ cũng như gia cảnh của mình. Phải chăng chính hoàn cảnh đó là những nguyên nhân sâu xa hình thành nên giấc mơ Việt Nam của giáo sư sau này

GS Nguyễn Đăng Hưng:Tôi sinh ra và lớn lên tại làng Bồ Mưng, huyện Điện Bàn, một vùng quê nghèo khó của Quảng Nam.

Vùng quê Quảng Nam, quanh năm người dân nơi đây phải sống cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” với thu nhập chính là lúa, khoai sắn và cây thuốc lá. Cuộc sống thường nhật vốn đã gian nan lại thêm cái khốc liệt của chiến tranh triền miên nên càng khó khăn gấp bội.

Tuổi thơ tôi cũng vì chiến tranh mà phải chịu cảnh lưu lạc, thiếu khốn và gia đình lại mất mát. Từ nhỏ, tôi đã phải mồ côi mẹ, sống nhờ vào người dân và phải tham gia các việc đồng án khi chỉ mới 7-8 tuổi. Tuổi thơ tôi bị nhiều thiệt thòi, nhưng hình như tôi chỉ chờ đợi một cơ hội nhỏ là nắm bắt vươn lên…

PV: Trong giai đoạn đất nước đang trong giai đoạn khó khăn, đâu là động lực khiến giáo sư nung nấu ý chí vươn lên học tập thật giỏi? 

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng: Có lẽ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, vì tấm tình đối với ba tôi. Ông đã ở vậy nuôi mấy đứa con thơ. Má tôi mất đi lúc ấy ba tôi vẫn còn khá trẻ, chỉ mới khoảng tứ tuần. Hoàn cảnh kinh tế gia đình của chúng tôi ở Sài Gòn cũng rất hạn hẹp, vì thế nên trong những năm đầu trung học, tôi đã tự bảo với chính mình rằng chỉ còn con đường duy nhất là phải học giỏi, phải học cho kịp bạn bè cùng lứa tuổi. Vì thất học những năm đi theo ba tôi tham gia kháng chiến, tôi chỉ học tiểu học có một năm tại Sài Gòn, thi đậu bằng tiểu học rồi vào trung học có hơi trễ so với bạn cùng lớp. Tôi đã lên kế hoạch cho bản thân, học nhảy lớp với mục tiêu là phải đỗ tú tài năm 18 tuổi. Tôi đã học một năm hai lớp, buổi sáng học trường công lập Pétrus Trương Vĩnh Ký, buổi tối học trường tư thục Phan Sào Nam. Phải nói những năm ấy là những năm lao động trí tuệ căng thẳng nhất trong đời tôi. Cũng may, tôi đã hoàn thành kế hoạch của bản thân đúng theo dự định, đậu tú tài trước tuổi đi quân dịch. Tôi còn đỗ với điểm rất cao, đủ để là học sinh có thành quả xuất sắc được Chính phủ chọn trao học bổng xuất dương du học.

Động lực của tôi là tấm lòng của người cha gà trống nuôi con với đồng lương ít ỏi, là sự khuyến khích không ngừng nghỉ của ông khi tôi đạt một thành quả dù nhỏ hay lớn trong quá trình học trung học.

Mục tiêu lớn nhất của tôi lúc bấy giờ là đi du học để nghiên cứu khoa học, lĩnh hội kiến thức chuyên môn, để có đủ trình độ về Việt Nam phục vụ cho đất nước. Sau này, trong những dịp về lại Việt Nam, nhìn hình ảnh người dân lam lũ, nhọc nhằn, những đứa trẻ lem luốc trên lưng trâu, hay những đứa bé đánh giày như chính tôi một thời làm tôi khắc khoải triền miên. Tôi tự đặt cho mình một lời nguyền: Phải làm gì có ích và hiệu quả nhất cho thế hệ trẻ Việt Nam. Và tôi đã nghĩ đến việc đào tạo người thầy, có thầy giỏi thì học trò sẽ học giỏi, mà học trò học giỏi thì khi thành tài họ sẽ cống hiến thật  nhiều để gầy dựng thế hệ trẻ giỏi mới, đó là tương lai phát triển của Việt Nam.

PV: Là một người sống, học tập và làm việc nhiều năm tại nước ngoài, giáo sư có nhận định như thế nào với các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam?

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng:Truyền thống Việt Nam cũng có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc đời tôi, tôi học được ở đó tình yêu quê hương đất nước, tinh thần hiếu học phong cách sống đời có Nghĩa có Nhân.  Dù ngót hai phần ba đời người sống ở nước ngoài, tiếp cận với những nền văn minh công nghệ cao, nhưng tôi không bao giờ quên là người con đất Việt.

Tôi quan niệm nên trở về với truyền thống dân tộc. Ngay trong việc học, người xưa vẫn nói: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Truyền thống Việt Nam đâu có khuyến khích chạy theo thành tích, sính bằng cấp, học dỏm, cấp bằng thật cho người dốt nát. Truyền thống Việt Nam qua câu trên chỉ rõ ta phải luôn luôn ý thức là học nghề phải bằng thực lực và có chiều sâu. Các vua Việt Nam chọn người hiền, người tài qua thi cử nghiêm túc, sàng lọc từ dân gian, từ lớp bình dân ở thôn quê hay thành thị chứ đâu nào có thanh lọc thành phần lý lịch, thân nhân chính quyền… Tôi tự hỏi tại sao những tấm gương truyền thống chói lọi như vậy mà ta lại quên lãng để du nhập về Việt Nam thứ chủ nghĩa lý lịch bất công, cách hành xử coi trọng thân nhân….?

PV:Sau ngày tốt nghiệp, giáo sư đã chọn con đường ở lại đại học để sau này trở thành một giáo sư thực thụ. Xin giáo sư kể lại đôi điều về con đường đó, một sự chọn lựa có lẽ không hề đơn giản.

Và trong điều kiện nào giấc mơ Việt Nam của giáo sư được bắt đầu đi vào hiện thực?

 GS Nguyễn Đăng Hưng:Bản thân tôi sau ngày tốt nghiệp, được giữ lại làm nghiên cứu sinh. Xin nhắc một chi tiết nói lên tâm lý của cá nhân tôi lúc bấy giờ.

Thầy tôi, GS Fraeijs de Veubeke trưởng Khoa Hàng không không gian, một nhà khoa học có uy tín quốc tế vào bậc nhất vì những khám phá lý thuyết và thực hành của ông trong lĩnh vực dùng phép biến phân trong tính toán cấu trúc, cho gọi tôi lên văn phòng ông để phỏng vấn. Chúng tôi chỉ có hai người trong toàn khóa (1965-1966) có được ơn huệ này. Tôi là người được vinh dự được phỏng vấn trước tiên. Thầy tôi nói:

“Năm nay khoa chúng tôi có hai nghế trống. Ghế thứ nhất là trợ giáo giảng viên, ghế thứ hai là nghiên cứu sinh có hạn kỳ. Vậy nếu ông có yêu cầu lập nghiệp lâu dài tại Bỉ, sau này làm giáo sư đại học thì nên chọn ghế thứ nhất, tôi để cho ông cái quyền ưu tiên”.

Nhưng với khát khao cháy bỏng về giúp sức cho nước nhà, tôi thật tình trả lời:

“Thưa thầy, tôi chỉ muốn lưu trú thêm một thời gian ngắn, tôi có ý định sau thực tập sẽ nhanh chóng về nước để phục vụ Việt Nam, thực hiện giấc mơ Việt Nam của tôi”.

Kết quả là tôi chỉ thụ hưởng một hợp đồng nghiên cứu ngắn hạn 2 năm. Bạn tôi, người vào sau, ông Pierre Beckers đã thụ hưởng chức vị trợ lý thỉnh giảng. Sau này ông Pierre Beckers trở thành giáo sư thực thụ và cũng đã được tôi mời đi thỉnh giảng liên tục tại Việt Nam qua các chương trình Cao học quốc tế do tôi sáng lập và điều động tại Sài Gòn và Hà Nội (1995-2007). Còn tôi thì sau 2 năm, vì chiến sự tại Việt Nam bùng nổ khốc liệt, không về được, phải chuyển qua ngành xây dựng công trình để có ghế trợ lý giảng viên cho GS Charles Massonnet. Tôi vẫn được tiếp tục ở lại đại học, sau thuyên chuyển trở lại Khoa Hàng không không gian năm 1984 để có ghế giáo sư thực thụ và giảng dạy ở đây cho tới ngày hưu trí. Như vậy, sự nghiệp giảng dạy của tôi tại ĐH Liège, có 24 năm cho ngành hàng không không gian và 16 năm cho ngành xây dựng.

Phải đến năm 1977 sau ngày hòa bình thống nhất, tôi mới bắt đầu cụ thể thực hiện hoài bão, đem sở học của mình về phục vụ đất nước. Tôi đã có được cơ hội và điều kiện cụ thể để bắt đầu thực hiện giấc mơ Việt Nam của tôi.

Hè năm ấy tôi được Ủy Ban Khoa Học Nhà nước Việt Nam mời về thỉnh giảng một tháng tại Hà Nội. Học viên là những nghiên cứu sinh đến từ nhiều trường khác nhau: Giao thông vận tải, Xây dựng, Bách khoa, Viện cơ… Để thực tập trên máy tính, chúng tôi đã được quân đội cung cấp chuyên cơ cùng nhau về Sài Gòn sử dụng máy tính IBM 360 của Mỹ để lại ở phi trường Tân Sơn Nhất.. Chuyến thỉnh giảng này giúp tôi bắt nhịp với thực tế Việt Nam, thấu triệt được những hệ hụy trầm trọng của của vấn đề học thuật tại Việt Nam.

Nhà báo:Việc thực hiện giấcc mơ Việt Nam của giáo sư có thể nói là không đơn giản. Xin giáo sư chia sẻ với độc giả những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện xây dựng các chương trình du học tại chỗ với những kết quả mà sau này dư luận Việt Nam và Bỉ rất hoan nghênh

GS Nguyễn Đăng Hưng:Sau chuyến đi hè năm 1979, tôi quyết định ngưng tiếp tục về thỉnh giảng tại Việt Nam. Phải chờ đến 10 năm sau, năm1989, khi chính sách thay đổi sau Đại Hội VI, nước nhà bắt đầu mở cửa, đổi mới, tôi mới trở lại Việt Nam, trở lại với việc thực hiện giác mơ Việt Nam của tôi.

Ngay năm sau tôi bắt đầu lên kế hoạch xin tài trợ của Bỉ để giúp Việt Nam cải tiến việc giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học. Tôi bắt đầu bằng những dự án nhỏ. Mỗi năm đem một kỹ sư Việt Nam trẻ qua Bỉ học lấy bằng cao học, về Việt Nam một tháng làm sêmina, đi khắp ba miền đất nước, chọn những sinh viên giỏi đề trao những học bổng tại chỗ, giao đề tài và tài liệu nghiên cứu khoa học. Trong 5 năm liên tiếp như vậy, chỉ có bốn thạc sỹ và một tiến sỹ tốt nghiệp, con số quá ít ỏi cho nhu cầu của đất nước.

Bắt đầu từ 1994 tôi chuyển hướng. Tôi đề xuất một dự án dài hơi đó là « Chương trình du học tại chỗ » bắt đầu từ ĐH Bách Khoa Tp HCM năm 1995 rồi ba năm sau sau đó kéo dài ra ĐH Bách Khoa Hà Nội. Đây là một dự án hợp tác hoàn toàn mới mẻ, chưa từng có tại Bỉ cũng như tại Việt Nam.  Chỉ vì tính mới mẻ của nó mà tôi đã phải gian nan bỏ nhiều thời gian, công sức để vận động trực tiếp ở các cấp lãnh đạo cao của cả hai phíamới có thể hội tụ điều kiện triển khai.

Mục đích của dự án này là đào tạo người thầy có chất lượng cao về ngành chuyên môn của tôi (tính toán các môi trường liên tục, các cấu trúc phức tạp), đào tạo theo tiêu chuẩn Châu Âu ngay tại Việt Nam, một cách đại trà chứ không nhỏ giọt như những dự án trước đây. Dự án này kéo dài 12 năm, tổ chức được 20 khóa (Tp HCM 12, HN 8) có đến trên 700 kỹ sư hay cử nhân trẻ Việt Nam theo học. Gần 350 học viên đã được ĐH Liège cấp bằng thạc sỹ và gần 60 trong số này đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại các đại học danh tiếng nhất trên thế giới. Giấc mơ Việt Nam của tôi phần nào đã trở thành hiện thực.

Sau những cố gắng Việt Nam hóa các trung tâm du học tại chỗ từ Hà Nội đến Tp HCM không thành công, các văn phòng điều hành của chúng tôi tại các ĐH Bách Khoa Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh đã đồng loạt đóng cửa vào cuối năm 2007. Ngoài ra, ngay trong năm lấy hưu trí 2006, tôi thành lập tại nhà một công ty công nghệ cao lấy tên Hưng Việt Technology, chuyên về thiết kế và tính toán khung và phụ kiện xe hơi mà khách hàng chính là các hãng ô tô nổi tiếng như Mercedes, Audi, BMW, Porsch, Volkswagen, GM, TATA... Đầu năm nay 2012, vì lý do sức khỏe, tôi đã nhượng lại đại bộ phận cho một công ty Đức có trụ sở ở thành phố Augsburg, chỉ giữ lại một bộ phận nhỏ cần thiết cho việc hỗ trợ các dự án tính toán thiết kế kỹ thuật công trình bảo vệ chống xâm thực bờ biển, bờ sông tại Việt Nam.         

PV: Thưa giáo sư, năm 2004, ông cùng nhiều trí thức Việt kiều khác được Nhà nước ta tôn vinh. Tuy nhiên những bài viết của giáo sư còn chất chứa nhiều điều trăn trở, lo lắng cho nền giáo dục đại học Việt Nam. Mong giáo sư giải bày thêm về điều này cùng quý bạn đọc

GS Nguyễn Đăng Hưng:Tôi rất hài lòng khi đã ra sức làm công tác xã hội, triển khai những dự án giáo dục dài hơi, những công việc hoàn toàn vô tư, rồi sau giai đoạn hoài nghi theo dõi, cuối cùng được chính quyền hai bên ghi nhận. Còn việc vinh danh là những sự kiện bất ngờ, khi bắt đầu công việc tôi không hề nghĩ đến.

Tuy nhiên tôi vẫn thường nói với bạn bè cũng như với các cấp chính quyền, cái làm tôi hãnh diện nhất không phải là những tấm huy chương, những bằng khen mà là thành quả của các học trò. Gần 60 học viên của các chương trình do chúng tôi gầy dựng đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại các nước tiên tiến. Đại bộ phận đã về nước và đang giữ những vai trò trọng yếu tại các trường đại học Việt Nam. Tôi có cảm giác đã có gần 60 tấm huân chương cho cuộc đời nhà giáo của tôi…

Nhưng việc tôi làm chỉ là một ngành mũi nhọn hạn hẹp, một đốm sáng nhỏ nhoi trong đêm dài chưa thức của nền học thuật Việt Nam. Chúng ta vẫn còn nhiều thua thiệt, còn nhiều trì trệ. Khoa học kỹ thuật Việt Nam vẫn chưa cất cánh. Nền giáo dục Việt Nam còn phải có cải cách toàn diện và quyết liệt. Còn nhiều ngành nghề khác, còn cần nhiều chuyên gia cho Việt Nam.

Ta chưa khai thác đúng mức chất xám Việt Kiều tồn tại tại hải ngoại. Môi trường làm việc ở Việt Nam chưa thu hút được số đông chuyên gia Việt Kiều. Môi trường xã hội, tổ chức Đại học và các trung tâm nghiên cứu chưa thoát ra được cái tù túng hạn hẹp cục bộ của thời bao cấp.

Tôi đã nói nhiều về tình trạng này. Tôi cũng đã từng đưa ra nhiều giải pháp. Nhưng thú thật tôi vẫn chưa thấy có thay đổi đúng hướng…Ta đi trước Myamar, nhưng hiện nay Myamar đang vượt qua chúng ta và tại Đông Nam Á, nếu không có đổi thay ta sẽ tiếp tục là vài đất nước còn ở cuối đường hầm…

PV:Qua những gì giáo sư chia sẻ, tôi nhận thấy giáo sư rất nặng lòng với quê hương Việt Nam. Vậy điều gì  ở quê hương  đối với giáo sư là thiêng liêng nhất?

Không chút do dự và không phải quá trịnh trọng, tôi xin nói ngay, đó là tinh thần yêu nước bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, nổ lực đoàn kết củng cố độc lập dân tộc, phát triển bền vững đất nước Việt Nam, trên cơ sở công bằng dân chủ tự do. Cũng nên nhắc lại tại đây là tôi chỉ thích làm giáo dục và khoa học, không làm chính trị, nhưng cả cuộc đời, bao giờ tôi cũng có chính kiến nhất quán và công khai về quê hương đất nước.

PV:Trong suốt quá trình hoạt động khoa học của mình, việc gì đã xảy ra trong quá khứ mà giáo sư tự hào nhất và giáo sư sẽ kể lại cho con cháu của giáo sư?

GS Nguyễn Đăng Hưng:Bây giờ nhìn lại, tôi thấy có ba việc làm tôi tâm đắc nhất: một công trình dài hơi, một công việc ngắn hạn và một giây phút xuất thần. Ở đây tôi chỉ xin kể về giấy phút xuất thần đó.

Giây phút đó xảy ra trong một chuyến đi làm khoa học, tôi có dịp  trực tiếp  khám phá ý đồ, chủ trương bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc. Tôi không nhớ rõ, có lẽ khoảng năm 2002, tôi đi tham dự Hội Nghị khoa học về ngành nghiên cứu của tôi (tính toán cơ học) được tổ chức tại cố đô Tây An. Đoàn chúng tôi đông trên 200 người vào Viện bảo tàng, bắt đầu nghe các hướng dẫn viên giải thích về lịch sử Trung Quốc.

Chúng tôi đứng trước một tấm bản đồ lãnh thổ cổ Trung Quốc, thời Tần Thủy Hoàng. Bản đồ vẽ biên giới phía Nam Trung Quốc bao gồm cả Bắc bộ và Bắc Trung bộ của Việt Nam ngày nay. Hướng dẫn viên chỉ phía Nam bản đồ Trung Quốc vào phần đất Việt Nam và hùng hồn giảng giải đại khái:

“Đây là những vùng đất của Trung Quốc sau này mất đì vì người Pháp qua xâm chiếm, cùng với các đế quốc khác đến xâu xé, biến Trung Quốc thành một nước bán thuộc địa. Ngày nay Trung Quốc trỗi dậy, thống nhất xã hội chủ nghĩa sẽ dần dần khôi phục lại những vùng lãnh thổ đã mất…“.

Tôi đứng gần đấy nghe tay hướng dẫn viên vừa chỉ dải đất Việt Nam vừa nói vậy chịu hết nổi, tôi "phản pháo" ngay:

«Xin lỗi, ông trình bày địa lý và lịch sử không chính xác. Vùng đất này nay có một cái tên trên bản đồ thế giới đó là nước Việt Nam sao ông có thể bỏ qua việc ấy được! Đồng ý là thời Tần Thủy Hoàng vùng này có tên là Giao Chỉ bị nhà Tần đô hộ. Trung quốc đã cai trị vùng này hơn một ngàn năm. Dân tộc này đã bao lần vùng lên chống xâm lược, bao phen thất bại nhưng đến năm 938 là thành công nhờ một vị tướng tài người Việt là Ngô Quyền. Trong lịch sử Việt Nam có nói rõ là Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán Trung Quốc tại một con sông có cái tên lịch sử là Bạch Đằng và quyền tự chủ đã trở về cho dân tộc này. Khi người Pháp sang xâm chiếm Đông Dương, vùng đất này đã có tên là nước Việt Nam, một nước có văn hiến, có phong tục tập quán khác Trung Quốc. Ông giảng giải sử địa như vậy là xuyên tạc sự thật, gieo rắc ngộ nhận cho khách quốc tế, nhất là cho các bạn trẻ Trung Quốc. Những ngô nhận kiểu này rất có hại cho nền hoà bình thế giới… ».

Tôi vừa dứt lời là một tràng pháo tay của đoàn vang lên làm tay hướng dẫn viên người Trung Quốc á khẩu, bẽ mặt, rối rít xin lỗi…

Tôi đã không ngần ngại trực tiếp phản bác bá quyền Trung Quốc ngay tại cố đô Trung Quốc, ngay tại lăng tẩm vị hoàng đế đầu tiên Tần Thủy Hoàng, nhân vật đã khai sinh ra chủ nghĩa bá quyền Đại Hán, nay đã trên hai ngàn hai trăm năm rồi. Thế mà không lấy làm niềm vui, niềm tự hào ư?

PV: Xin cám ơn giáo sư.

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511280

Hôm nay

2279

Hôm qua

2359

Tuần này

21654

Tháng này

218153

Tháng qua

121356

Tất cả

114511280