PV:Là người trực tiếp theo dõi, chỉ đạo và quản lý hệ thống thư viện trên phạm vi toàn quốc, bà nhận định nhưthế nào về văn hóa đọc ở nước ta hiện nay?
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai:Văn hóa đọc, mà ở đây tôi muốn nói tới việc đọc sách, của chúng ta đang có vấn đề. Điều này thể hiện trước hết, lượng bạn đọc đến đọc, mượn sách trong các thư viện không nhiều, so với nhiều năm trước đây thì đang giảm sút. Nếu nhìn nhận ở gócđộ xuất bản, chúng ta hãy xem số lượng bản sách in/đầu một tên sách cũng không lớn, bình quân 1.000, 1.200 đến 1.500 bản sách so với số lượng dân số nước ta 90 triệu dân, xếp thứ 14 trong các nước đông dân nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác: thông qua số lượng người dân tới tham dự các cuộc triển lãm, Hội chợ Sách lớn được tổ chức hàng năm ở TP.HCM, Ngày hội Sách và Văn hóa Đọc do BộVHTT&DL tổ chức liên tiếp trong 03 năm qua tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám hoặc tại một số thư viện có chất lượng hoạt động tốt lượng người dân đến tham dự kháđông đảo thì tôi nghĩ tiềm năng để chúng ta xây dựng được xã hội đọc là rất lớn. Tôi nghĩ và tin vậy bởi dân tộc VN là dân tộc ham học hỏi, ham hiểu biết và mong muốn hoàn thiện bản thân.
PV:Thực trạng văn hóa đọc này đang chỉ báo nhưthế nào về tương lai của nền học vấn và văn hóa nước nhà?
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai: Đọc sách là cách tự học tốt nhất. Chính vì vậy, ngày 09 tháng 01 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 89 /TTg-QĐ phê duyệt Đề án Xây dựng Xã hội học tập ở nước ta đến năm 2020, trongđó nhấn mạnh đến việc học tập suốt đời của mọi người dân. Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho Bộ VHTT&DL xây dựng đề án thành phần - Đề án Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ và đã phê duyệt Đề án này tại Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 27 tháng 01 năm 2014.
Như vậy, rõ ràng văn hóa đọc của một quốc gia sẽ là một trong những tiêu chí quan trọng, không thể thiếu đểtạo nên chất lượng của nền học vấn cũng như nền văn hóa của bất kỳ một quốc gia nào, trong đó có Việt Nam. Chất lượng của nền học vấn và văn hóa nước nhà sẽ là phông cơ bản để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực VN.
Với tình hình đọc sách hiện nay của nước ta, nếu không được cải thiện thì cũng có thể xem đây là một dự báo không mấy lạc quan cho chất lượng nguồn nhân lực của nước ta.
PV:Bà có nhận thấy là ở nước ta, thành thị cũng như nông thôn không còn thói quen đọc sách, mặc dù thực ra thì trước đây, xét cho cùng chúng ta cũng chưa có?
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai:Theo quan điểm riêng của cá nhân tôi thì, nhìn chung cho dù ở thành thị hay nông thôn, thì dân ta chưa có thói quen đọc. Nhu cầu đọc thì có, nhưng để tạo thành thói quen thì chưa. Điều này có nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan và phải đứng trên tư duy lịch sử để nhìn nhận,đánh giá vấn đề. Nước ta vốn là một nước nông nghiệp lạc hậu, trình độ dân trí thấp, lại chiến tranh liên miên... cũng là một trong những nguyên nhân chủ quan quan trọng hàng đầu dẫn đến tình trạng người dân chúng ta chưa có thói quen đọc sách.
PV:Đi vào vấn đề cụ thể hơn, bà có thể cho biết về hệ thống thư viện của chúng ta hiện nay? Nó thừa hay là thiếu? Nó thừa cái gì và thiếu cái gì?
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai:Trong một quốc gia - nói đến nền học vấn, văn hóa của một quốc gia - không thể không nói đến văn hóa đọc. Nói đến văn hóađọc, không thể không nói đến sự phát triển của hệ thống thư viện - đặc biệt là hệ thống thư viện công cộng nhà nước và thư viện trong trường học. UNESCO đã có hẳn Tuyên ngôn về thư viện công cộng và thư viện trường học (cụ thể là tiểu học).Ở các nước phát triển, một trong chỉ số để đánh giá sự quan tâm của Nhà nước đối với đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng đó chính là tỷ lệ người dân/trên 1 thư viện công cộng. Ở nước ta tỷ lệ này khá cao, theo thống kê của Bộ VHTTDL thì khoảng 40.000 dân mới có một thư viện công cộng. Điều đó chứng tỏ là mạng lưới thư viện của chúng ta rất thiếu, lại phân bổ không hợp lý, phần lớn tập trung ở trung tâm hành chính; Vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa gần như không có thư viện. Một cái thiếu nữa là, xét về mặt số lượng, chúng ta không thiếu: 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có thư viện; gần 90% đơn vị hành chính cấp huyệnđều có thư viện; nhưng nhìn chung, tổng thể về mặt chất lượng thư viện lại rất thiếu, yếu kém: thiếu, yếu về cơ sở vật chất; thiếu, yếu về nhân lực; thiếu, yếu về kinh phí hoạt động và đã đưa tới hệ quả tất yếu là thiếu, yếu về chất lượng hoạt động của thư viện mà cụ thể là khả năng, năng lực đáp ứng nhu cầu đọc của người đọc là thấp.
PV: Qua theo dõi, chúng tôi thấy ở một số địa phương, các thư viện trong nhiều năm gần đây giảm sút lượng bạn đọc rất nhiều, nhất là thư viện tuyến huyện. Rất nhiều nơi thiết chế thư viện chỉ hữu danh vô thực với cái nghĩa là có tên, có vài ba trăm cuốn sách nhưng hầu như không có người đọc. Rồi thư viện cấp tỉnh cũng chẳng hơn gì nhiều lắm, nhiều nơi là chỗ học ôn thi, nới gặp gỡ bạn bè của học sinh, sinh viên. Theo bà thì chúng ta nên cắt nghĩa điều này như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai:Nhận xét này khá chính xác. Nguyên nhân của hiện trạng này thì khá nhiều, bao gồm cả khách quan và chủ quan. Nhưng theo tôi, chủ yếu vẫn là nguyên nhân chủ quan của ngành thư viện vì những cái thiếu và yếu như tôi nói ở trên, trong đó không thể không nói đến vai trò của cán bộthư viện. Nguyên nhân của nguyên nhân của hiện trạng này đó chính là nhận thức của các cấp, các ngành ở nước ta chưa đầy đủ, nên đã đưa tới sự quan tâm đầu tưmọi nguồn lực cho thư viện còn rất thấp so với yêu cầu phát triển của ngành này.
PV:Về thị hiếu đọc của các đối tượng, theo bà có thay đổi nhiều không? Sự thay đổi này có thể hiểu là một sự thích nghi, thểhiện một nhu cầu mới hay là sự bất lực của sách, của những người làm sách? Hay là do những người làm phát hành sách hoặc/và thư viện chưa đáp ứng được yêu cầu của bạn đọc?
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai: Theo tôi, thị hiếu đọc của các đối tượng lâu nay đã có thay đổi nhiều đấy, cụ thể: Hình như giới trẻ bây giờ không thíchđọc những bộ sách văn học kinh điển của trong nước và thế giới như thế hệ ông cha. Chúng ta, thậm chí thế hệ 6X chúng tôi cũng đã từng say sưa, nghiền ngẫm bên những trang sách, thậm chí còn rơi nước mắt trên trang sách thấm đẫm lòng trắc ẩn, nhân văn... Sự thay đổi đó, theo tôi, đó cũng là một sự thích nghi, thểhiện một nhu cầu mới. Tuy nhiên, mặt khác nó cũng phản ánh là việc giáo dục, học văn trong nhà trường của chúng ta chưa tới nơi, tới chốn; Trong gia đình, nhất là ở thành phố, các bậc phụ huynh quan tâm đầu tư nhiều tới cuộc sống vật chất hơn là quan tâm tới việc hướng dạy cho con có cuộc sống tâm hồn sâu sắc, nhân văn thông qua việc đọc cho con trẻ. Mặt khác, chính chất lượng của các sách xuất bản, chất lượng hoạt động của các thư viện... cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng trong việc định hướng đọc cho người dân, đặc biệt là giới trẻ.Về mặt này, giới xuất bản và thư viện phải chịu trách nhiệm trước bạn đọc, trước xã hội, vì lâu nay có thể nói là làm chưa tốt, tôi nghĩ vậy. Rất nhiều sách kém chất lượng về mọi mặt đã được xuất bản và có mặt ở thư viện.
PV:Công nghệ sách của nhân loại đang thay đổi nhanh chóng, từ vật liệu đến in ấn, hình thức thể hiện. Sách điện tử đang dần trở nên phổ biến đã làm thay đổi văn hóa đọc truyền thống của nhân loại. Ở ta thì sao, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai:Đúng là công nghệ sách của nhân loại đang thay đổi nhanh chóng như anh đã nêu ở trên do sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ... và đang đưa văn hóa đọc truyền thống - đọc sách in - đứng trước những thách thức lớn. Theo tôi, sự thay đổi phương thức đọc, việc đọc sách điện tử cũng là phù hợp với sự phát triển của xã hội, và chúng cũng mang lại những tiện ích hết sức hiển nhiên. Do vậy, tôi cho rằng, chúng ta không nên lấy làm hoang mang, lo lắng. Theo tâm lý chung, cái gì mới cũng được xã hội hào hứng đón nhận hoặc e dè. Tuy nhiên, sách in - một sản phẩm văn hóa vật thể của nhân loại - đến một lúc nào đó, sẽ được trả lại giá trị đích thực của nó. Tôi tin là vậy.
PV:Chúng tôi được biết, lâu nay chúng ta đã quan tâm đến thư viện điện tử và dành khá nhiều ngân sách cho công việc này. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng hình như mô hình thư viện này chưa phát huy được nhiều tác dụng, nhất là ở các địa phương vì cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa phát triển, chưa đồng bộ và kỹ năng của cán bộ thư viện cũng hạn chế. Là người trong cuộc, xin đề nghị bà cho biết thêm về vấn đề này?
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai:Trong những năm gần đây chúng ta đã quan tâmđến việc xây dựng các thư viện điện tử theo xu thế chung của thế giới trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, nếu nói chúng ta đã dành khá nhiều ngân sách cho công việc này thì chưa hẳn đúng. Chúng ta chưa có chiến lược ứng dụng công nghệthông tin trong hoạt động thư viện hay nói cách khác là chưa có chiến lược phát triển thư viện điện tử. Việc ứng dụng IT trong hoạt động thư viện để tự động hóa thư viện, xây dựng thư viện điện tử/số ở nước ta còn diễn ra hết sức tựphát, manh mún, thiếu đồng bộ ...
PV:Thông tin này của bà đã làm thay đổi nhận biết của tôi vì lâu nay tôi được nghe khá nhiều về việc phát triển thư viện điện tửqua truyền thông, và…qua các kế hoạch, các báo cáo thành tích.
Thưa bà, bà có đánh giá gì về mối quan hệ giữa ba nhà: nhà xuất bản, nhà phát hành và nhà thư viện hiện nay? Và vị trí của bạn đọc đứng ở chỗ nào trong tam giác sách này? Ai sẽ là người quyết định diện mạo thị trường, phẩm chất, thị hiếu, trình độ đọc của người Việt hôm nay, và trong tương lai?
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai:Bạn đọc sẽ phải đứng vị trí trung tâm trong tam giác sách như anh đã nêu ở trên. Chính chúng ta - tác giả - người đọc -năng lực, phẩm chất đạo đức của những người làm sách, viết sách, tuyên truyền quảng bá sách tới công chúng sẽ là người quyết định các điều anh đã nêu ở trên.
PV:Chúng tôi xin bà một câu hỏi cuối, chúng ta cần làm gì để xây dựng được một thói quen đọc sách, làm cho việc đọc sách trở thành nhu cầu cần thiết của cộng đồng?
BàNguyễn Thị Thanh Mai: Để xây dựng được thói quen đọc sách cần phải có sự vào cuộc của toàn xã hội, cụ thể: của giađình, nhà trường và các cơ quan nhà nước. Muốn vậy phải làm sao cho mọi người nhận thức được thật sâu sắc ý nghĩa, giá trị và lợi ích của sách, của đọc sáchđối với mỗi người và cả cộng đồng; Và phải cùng nỗ lực xây dựng những cơ sở vật chất và tinh thần nền tảng cho văn hóa đọc.
PV:Trân trọng cảm ơn bà. Chúng tôi rất hy vọng Việt Nam chúng ta sẽ cải thiện được tình hình văn hóa đọc hiện nay.
Thảo Nguyên(thực hiện)