Đất Nghệ

Sự tích Bà Chúa Ngựa

 Vài năm gần đây vì lí do sức khỏe tôi nghỉ viết sách lịch sử, chủ yếu làm công việc mà các bậc cao niên trong họ giao cho là sưu tầm gốc tích tổ tiên để chắp nối gia phả. Nhẫn nha đi dọc các làng ven sông Bùng, con sông lịch sử, con sông huyền thoại, nơi đã sản sinh ra bao nhiêu công hầu lương tướng, văn nhân nghệ sĩ, nơi còn lưu giữ những câu chuyên kể, những câu hò điệu ví, những bài vè. Một trong những sự tích còn ám ảnh mãi trong tôi là câu chuyện bà Chúa Ngựa ở làng Cồn Lửa – Hạnh Kiều, tổng Lí Trai, nay là xã Diễn Quảng huyện Diễn Châu.

Chuyện kể rằng, trong thời kì Trịnh Nguyễn phân tranh từ năm 1627 đến năm 1672,  nửa thế kỷ giao tranh giữa hai thế lực phong kiến, chiến sự xảy ra dọc bờ sông Lam, sông Gianh. Nhưng vùng Đông Thành là nơi Chúa Trịnh tuyển lựa binh lính, vơ vét thóc gạo, tập trung lực lượng để vào đánh Chúa Nguyễn. Chúa Trịnh Giang trong một lần đi thuyền dọc sông Bùng, đến khúc sông gần làng Cầu Lửa Hạnh Kiều thì chợt nghe một giọng hò trong trẻo vút lên:

                             Một ngày tựa mạn thuyền rồng

                        Còn hơn tối tối ôm ông hàng dầu

Chúa cho thuyền đến gần thì gặp một cô gái đang vừa bắt cáy, vừa hò hát ven sông. Cô gái mặc bộ quần áo nâu sồng lấm lem bùn đất nhưng lại toát lên vẻ đẹp hoang sơ, trong trắng từ nước da bánh mật, dáng người nở nang, khuôn mặt trái xoan, đặc biệt là đôi mắt bồ câu đen láy ngước lên nhìn Chúa một cách tình tứ. Sau một lát ngơ ngẩn trước vẻ đẹp mê hồn của cô gái lạ, như trời xe đất đặt, Chúa cho dừng thuyền rồi mời cô gái lên khoang.

Sự gặp gỡ kì ngộ bất ngờ ấy đã để lại một đứa con rai, nhà Chúa đặt tên cho người con gái ấy là Quận Chúa Trịnh Thị Ngọc Hân. Từ đó hễ lúc rảnh việc quân là Chúa Trịnh Giang lại về làng Cồn Lửa – Hạnh Kiều thăm vợ con.

Thừa hưởng nhan sắc trời phú của người mẹ, Quận Chúa Trịnh Thị Ngọc Hân khi lớn lên cũng trở thành một cô gái đẹp nghiêng nước nghiêng thành và được nhà Chúa gả cho quan đại thần Nguyễn Cảnh Chinh. Nhưng khác với mẹ, khi làm vợ quan đại thần. Quận Chúa càng đẹp bao nhiêu lại càng đòi hỏi nhục dục bấy nhiêu, một sự đòi hỏi ghê gớm vượt quá sức chịu đựng của một người chồng bình thường nên quan đại thần để nàng ở quê ngoại rồi tìm cách xin đi công cán dài ngày ở nơi xa. Những lúc vắng chồng, Quận Chúa cho gọi những đầy tở khỏe mạnh vào “hầu”, về sau gọi cả những quan lại thuộc cấp trong vùng đất quân cấp của nhà Chúa. Một số quan lại xu nịnh hóng hớt sở thích ham muốn của quận Chúa cũng săn tìm những tráng đinh khỏe mạnh đem đến dâng Quận Chúa để lấy lòng. Thường thì một đêm Quận Chúa cho một người vào “hầu”, nhưng nhiều đêm Quận Chúa cho gọi hai ba người lên phòng. Có lúc cho gọi cả ban ngày. Những người này khi bước vào phòng Quận Chúa thì vui vẻ hăm hở nhưng khi ra thì ỉu xìu có người lè lưỡi lắc đầu, vịn bờ rào ra về nhưng ít hôm sau lại thấy có mặt ở bến sông. Chẳng mấy chốc mà tiếng tăm về sắc đẹp và sắc dục của Quận Chúa vang khắp vùng. Dần dần bà con các làng dọc sông Bùng không gọi bà là Quận Chúa Trịnh Thị Ngọc Hân mà gọi gọi bà bằng tục danh bà Chúa Ngựa.

Năm qua tháng lại, chẳng mấy năm mà nhan sắc của Quận Chúa cũng tàn phai. Khi bà Chúa Ngựa qua đời, Chúa Trịnh Giang giao cho làng Cầu Lửa Hạnh Kiều lập đền thờ hai mẹ con bà tại xứ Cồn Long và ban cho làng này một đặc ân là được phép chờ lúc trời lụt to nước sông Bùng dâng cao đem thóc lép ra đổ trên sông, thóc lép trôi đến đâu thì cho người ra cắm vè nhận ruộng ở đó, xem như đó là giới cận mà Chúa ban cấp cho làng Cầu Lửa – Hạnh Kiều.

Trong đám quan quân của Chúa Trịnh, có nhiều người  con dân của các làng lân cận biết trước chuyện này về mật báo với dân làng mình. Nhiều làng huy động nhân dân tranh thủ đắp bờ ngăn nước, đem rơm rạ, tre nứa ra vây khắp đồng ruộng ngăn không cho thóc lép trôi vào đồng. Nhưng chỉ ngăn được nơi cao, còn nơi thấp thóc lép vẫn theo dòng nước trôi về. Có làng huy động tất cả già trẻ mang theo gậy gộc giáo mác quyết sống mái để giữ đất. Nhiều nơi xảy ra xô xát tranh chấp, có nơi xảy ra án mạng.

Làng Cầu Lửa Hạnh Kiều được đất, xem bà Chúa Ngựa là ân nhân nên đã góp công của lập đền thờ gọi là đền bà Chúa. Nông dân các làng xung quanh, vốn đã khổ cực vì phải đi phu đi lính, sưu cao thuế nặng nay lại bị mất ruộng đất giữa ban ngày nên họ đã sáng tác nhiều thơ ca hò vè đả kích, lên án hành động của những kẻ cướp đất:

                                -  Thà rằng chết chém chết đâm

                        Đừng cho Cầu Lửa Hạnh Lâm vào nhà!

                           - Con ơi nhớ lấy câu này

                  Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan!

Có làng thề không quan hệ với làng Cầu Lửa Hạnh Kiều. Đền bà Chúa nay vẫn còn. Nổi tiếng linh thiêng. Chuyện xưa đã đi vào dĩ vãng, dân làng Cần Lửa Hạnh Kiều và các làng lân cận  không còn thù oán nhau nữa mà họ cùng nhau đến đến bà Chúa thắp hương tưởng niệm cầu mong cho  mưa thuận gioa hòa, quốc thái dân an, nhân cường vật thịnh. Nghe nói có nhiều nam thanh nữ tú đi lễ đền Bà Chúa đem về năm mơ thấy người đẹp sông Bùng. Người thì thấy một cô gái đẹp mặc bộ nâu sồng, lại có người thấy Quận Chúa lộng lấy trong bộ xiêm y đang vừa chèo thuyện vừa ca hát trên sông Bùng.

Bài viết có sử dụng một số tư liệu từ tập sách “Diễn Châu địa chí, văn hóa và làng xã” Ninh Viết Giao – Trần Hữu Thung chủ biên. Nhà xuất bản Nghệ An

 

 

                                                                                                         

  

                 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511014

Hôm nay

213

Hôm qua

2359

Tuần này

21388

Tháng này

217887

Tháng qua

121356

Tất cả

114511014