Cuộc sống quanh ta

Bài thơ và quả núi

Những tượng đài vội vàng,  những vinh quang dễ dãi

Thật xa lạ với người tù thuở ấy

THANH THẢO

 

Có cái chết hữu hình nhờ được sự sống nhỏ vô hình nương dìu mà khỏi bị chết hẳn. Chuyện quả núi đá to cao ở vùng quê tôi liên quan tới một bài thơ ngắn được xem như là minh hoạ. Bài thơ là của một thanh niên thời mất nước. Còn thuốc nổ, búa tạ và lò thiêu quả núi là của những người đang xây dựng quê hương.

Quả núi đá đó có tên chữ Nam Sơn, đã là ấn tượng khó quên cho nhiều thế hệ. Nam Sơn, hình ảnh một nửa cánh buồm khổng lồ nằm ngang, là chốn hang động thần tiên cho bọn trẻ leo trèo tìm kiếm; là chốn đá xanh, cây xanh, hoa lá lạ phô màu, chim chóc bốn mùa rộn tiếng. Sáo sậu, ác là tụ hội dày đặc, lại thêm bầy cú mèo vốn ít được con người ưa thích, nhưng đêm đêm chúng toả ra khắp mọi cánh đồng diệt chuột, mỗi con giúp bảo vệ vài chục hecta lúa.

Cuối thời phong kiến, làng cạnh núi xây xong cái đình làng khá đồ sộ, đã mời một nhà Nho hay chữ về thăm. Nhà Nho đề lên tường đình ba chữ: Đối Nam Sơn. Tưởng cũng xứng đáng cho cả đôi bên – thiên nhiên và xã hội – đều nên thơ và hoành tráng. Người con trai của nhà Nho tên là Hồ Phi Dung cũng nổi tiếng thông minh từ bé. Thuở ấy trên đỉnh núi có vạt nền phẳng, từ đây có thể quan sát bốn phương. Một người Pháp ở đồn Tây gần đó ngang nhiên đến xây tháp. Ông Dung đề ngay thơ lên tháp, thản nhiên phủi nhẹ:

                                 Trải bao phen sương tuyết

                                 Nền cũ vẫn còn đây

                                 Tháp đài trên đỉnh núi

                                 Ai có mượn ai xây?!

Đã gần một thế kỷ, ở lứa tuổi 14, 15, một chút thơ ca ứng xử như thế đã là quá đàng hoàng, thể hiện ý thức chủ quyền. Ông Dung đã hy sinh taị Nhà lao Vinh năm 1931 khi mới 19 tuổi và trở thành liệt sĩ cách mạng 1930 –19 31.

Cuối năm 1945, trước khi quân Nhật đầu hàng Đồng minh, vào một buổi chiều, một chiếc máy bay chiến đấu bị trúng đạn, rà sát xuống Nam Sơn rồi rơi ở phía Bắc huyện. Cả tốp phi công Mỹ quần áo đẫm mồ hôi, da đỏ như cổ gà chọi được Việt Minh cứu nguy đưa về gần núi. Không khí quanh núi ồn ào. Hàng ngày, từng đoàn người rầm rập phất cao cờ đỏ cùng với lá cờ đỏ to tung bay trên núi. Thiếu tướng Lê Văn Khiêu nhớ lại: Ngày Nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu hy sinh trên đường công tác ở Thanh Hoá, thi hài Cụ được đưa về Trạm y tế liên xã cạnh núi, ông là người túc trực suốt đêm trước khi tổ chức mai táng Cụ tại quê nhà.

Cách mạng thành công, hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thắng lợi. Với phương châm “Kháng chiến – Kiến quốc”, Nam Sơn vẫn tiếp tục bị khai tử cho sự phát triển, nhận cái chết dần mòn trong mấy chục năm. Kèm theo cái chết nghịch lý đó là cái chết của sự quen thuộc, của kỷ niệm, kể cả tâm linh – có phần đến muộn, đầy xót xa lo lắng tai hoạ sẽ giáng đến lúc nào? Lẽ ra điều này có thể tránh được nếu đầu não biết lựa chọn phương án với tầm nhìn văn hoá ở thời đã no đủ. Nhưng biết sao được! Mọi bài học là của ngày mai. Nam Sơn chỉ còn lại trong ký ức.

Bản đồ, nhất là bản đồ quân sự phải vẽ lại. Quả núi sừng sững giữa quê nhà đã thành vũng lầy hoang tàn như nơi sa thạch vừa rơi. Bầy cú mèo một dạo tản mát về các nóc gác nhà tầng gây phiền toái cho dân đô thị, ngôi đình làng đồ sộ tự sánh mình bền vững như Nam Sơn đều cùng biến mất. Nhưng một bài thơ mỏng manh tuổi trẻ yêu nước của ông Dung thì vẫn mãi mãi còn sáng lên hình ảnh non sông gấm vóc. Con cháu sau này đọc thơ ông mới ngỡ ra rằng cuộc đời cần quả núi hơn là hòn non bộ!

Giờ thì chuyện quyền uy vô cảm đã qua, tồn tại hay không tồn tại chỉ còn là nỗi buồn ám ảnh. Nhà ai kia đang phải nhảy cực trả giá, gượng vui tô vẽ những hòn non bộ bé nhỏ cu cò…

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114561415

Hôm nay

2177

Hôm qua

2351

Tuần này

2528

Tháng này

228958

Tháng qua

122920

Tất cả

114561415