Người xứ Nghệ
Lê Văn Miến - họa sĩ, nhà giáo lớn của hai thế kỷ
Lê Văn Miến (còn gọi là Lê Huy Miến) sinh năm Giáp Tuất (1874) tại làng Ông La, xã Kim Khê (nay là xã Nghi Long), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong một dòng họ - gia đình khoa bảng, ở một vùng đất "địa linh nhân kiệt" nên từ rất sớm Lê Văn Miến đã được tiếp xúc và làm quen với học vấn và sách vở, cũng như thấm nhuần truyền thống bất khuất của quê hương.
Nhưng trong cuộc đời của một con người cũng cần một chút may mắn để những thuận lợi của bản thân có cơ hội trở thành hiện thực. Năm 1880, khi mới 6 tuổi, Lê Văn Miến đã được học với người thầy và cũng là cha mình - Cử nhân Lê Huy Nghiêm. Cũng năm đó ông Lê Huy Nghiêm được bổ làm Huấn đạo huyện Quảng Điền, rồi Tri huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế), Tri phủ ứng Hoà (Hà Tây), án sát (Sơn Tây), ông đã đem người con trai của mình đi cùng. Ngoài học chữ, Lê Văn Miến còn học được nhân cách từ người cha đáng kính, đặc biệt là được mở rộng tầm mắt để sớm hiểu được sự an nguy của nước nhà cùng những lo toan của những con người có nghĩa khí ngay vào thời triều Nguyễn suy vong.
Sau khi bình định xong nước ta, thực hiện chính sách mị dân và mua chuộc cổ truyền của chúng, thực dân Pháp đã tuyển chọn một số thanh niên sang học Trường thuộc địa (école Coloniale) ở Paris nhằm đào tạo những quan chức cao cấp trung thành với chúng. Ba người được chọn trong khóa học năm 1888 là Hoàng Trọng Phu, Thân Trọng Huề và Lê Huy Thản - anh trai của Lê Văn Miến. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà Lê Huy Thản nhất định không chịu đi nên cụ Lê Huy Nghiêm đã cho Lê Văn Miến đi thay mặc dù lúc này anh mới 14 tuổi, phải khai tăng thêm 2 tuổi mới đủ 16 tuổi để được hợp thức.
Tháng 10 - 1888, Lê Văn Miến lên đường sang Paris học tập. Mặc dù nhỏ tuổi nhất nhưng anh vẫn học rất giỏi, luôn đứng đầu lớp và sớm bộc lộ bản lĩnh, nhân cách của mình. Thấy viên Hiệu trưởng Trường Thuộc địa lúc đó có óc thực dân, kỳ thị chủng tộc, thiên vị học sinh người Pháp, Lê Văn Miến đã lãnh đạo học sinh các xứ thuộc địa học cùng lớp bãi khóa, kéo đến Bộ thuộc địa đấu tranh. Cảnh sát Pháp phải dùng ngựa và phun nước giải tán. "Lá đơn tố cáo, khiếu nại do Lê Văn Miến viết và ký tên, nên sau đó anh bị Bộ trưởng Bộ thuộc địa gọi đến cảnh cáo: ở Việt Nam không như ở Pháp đâu. Sau này anh về nước hãy coi chừng! Hồ sơ vụ này sẽ theo anh về bản xứ…"[1, 18].
Sau khi tốt nghiệp Trường Thuộc địa, Lê Văn Miến không chịu về nước làm quan mà ở lại xin theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris - một trường Mỹ thuật danh giá của châu Âu thời đó. Có lẽ trước hết đây là cái cớ để anh thoái thác nghiệp làm quan cai trị ở chính quê hương mình! Đã từng tham gia phong trào bãi khoá trước đó, anh bị cảnh sát theo dõi rất chặt ở trường thuộc địa nên nhiều khi bị gây khó dễ, nhưng Lê Văn Miến đã vượt qua tất cả, theo học đến nơi đến chốn tất cả các môn: sơn dầu, phấn màu, bút chì, kiến trúc, điêu khắc… Chính nhờ sự quyết tâm đó mà Lê Văn Miến đạt thành tích rất cao trong học tập. Do vậy, sau khi tốt nghiệp vào loại xuất sắc, anh được Hội đồng mỹ thuật nhà trường đề nghị chọn sang đi trang trí và vẽ tranh cho tòa thánh Vatican (Rô - ma, ý), nhưng Bộ trưởng Bộ Thuộc địa đã bác bỏ. Sau này, khi về nước Lê Văn Miến đã nói: "Không học thì thôi, mà đã học thì phải cố gắng học cho thiên hạ biết: Dù trong lĩnh vực nào - nhất là về học vấn - nếu muốn, thì người Việt Nam cũng không chịu thua kém một ai cả. Tau không muốn học để làm quan, song học để dằn mặt người Pháp thì tau sẵn lòng"[1, 19].
Sau 7 năm du học ở Paris, năm 1895, Lê Văn Miến trở về nước với hai tấm bằng rất có giá trong tay: Bằng tốt nghiệp trường Thuộc địa và Bằng tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris. Con đường hoạn lộ mở rộng trước mắt anh với quyền cao, chức trọng, bổng lắm, lộc nhiều. Nhưng từ Sài Gòn hoa lệ Lê Văn Miến đã không về Huế để trình diện mà về thẳng xứ Nghệ quê nhà sau bao năm xa cách. Lúc này cha anh đã từ quan được 4 năm và phong trào Cần Vương đang bước vào giai đoạn thoái trào, bị thực dân Pháp đàn áp rất khốc liệt. Lê Văn Miến chỉ lưu lại quê nhà mấy tháng thì quyết định ra Bắc. Tại Hà Nội anh xin làm thuê cho nhà in Sehneider của Pháp với chức trách họa sĩ trình bày, minh họa. Công việc này kéo dài đến năm 1899 thì bước ngoặt thứ ba trong đời đã đến với anh: Cử nhân Đào Tấn, một sĩ phu rất có uy tín, quê ở Bình Định, được cử ra làm Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh), do mối quan hệ tâm giao giữa hai gia đình nên ông đã mời Lê Văn Miến về làm việc với mình.
Cũng năm 1899, trường Pháp - Việt ở Vinh được thành lập, thầy giáo Lê Văn Miến được cử làm Đốc giáo (Hiệu trưởng). Nhưng chỉ 3 năm sau, năm 1902 Đào Tấn được cử giữ chức Thượng thư Bộ Công và ông đã đưa Lê Văn Miến vào làm việc tại Bộ do mình phụ trách. Đây chính là dịp để Lê Văn Miến phát huy những kiến thức về hội họa, kiến trúc đã được học tại Pháp. Giáo sư Lê Thước đã viết về người thầy học cũ của mình: "Với chức vụ ấy, cụ Miến đã vẽ nhiều tranh và bản đồ trong nội phủ, trong ấy có cả những mẫu súng mà Thành Thái muốn đúc"[1, 24].
Sau khi âm mưu chuẩn bị đánh Pháp của Vua Thành Thái bị bại lộ, nhà vua bị quản thúc, Đào Tấn bị bức về hưu, năm 1904 Lê Văn Miến bị đẩy ra Nghệ An giữ chức Đốc giáo lần thứ hai (1904 - 1907). Từ năm 1907 đến 1913 ông được điều về Trường Quốc học Huế dạy Pháp văn và vẽ. Năm 1913 Trường Hậu Bổ được thiết lập, Lê Văn Miến được cử làm "Trợ giáo", đồng thời được thăng hàm "Hàn lâm viện Thị giảng", đến cuối năm 1914 được thăng chức Phó Đốc giáo và năm 1919 được làm Đốc giáo (Hiệu trưởng). Năm 1921, Lê Văn Miến được cử giữ chức Tế tửu (Hiệu trưởng) Quốc Tử Giám và giữ chúc vụ này đến lúc về hưu (1929). Theo lệ triều đình, sau khi về hưu Lê Văn Miến được thăng Lễ Bộ Thượng thư trí sự - Tư thiện đại phu và đến đầu năm 1943 được thăng Hiệp tá Đại học sĩ - Vinh Lộc đại phu.
Là một họa sĩ có tài, Lê Văn Miến vẽ tranh khi còn là sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris. Một trong những bức tranh sơn dầu được biết đến là chân dung Nguyễn Văn Mại trong chuyến đi sứ của ông này sang Pháp. Khi về nước, trong thời gian nghỉ tại quê nhà, Lê Văn Miến đã vẽ chân dung thân phụ là cụ Lê Huy Nghiêm, lương y Nguyễn Vinh Mậu - người chữa khỏi bệnh cho mẹ họa sĩ, chân dung tổ phụ ông Hồ Liệu - để trả ơn bữa tiệc khao làng mà ông đã tặng khi người anh trai là Lê Huy Thản đậu cử nhân! Sau này Lê Văn Miến còn vẽ chân dung cho nhiều người: vua Thành Thái, ông Đào Tấn, ông Nguyễn Khoa Luận, cụ Tú Mền, vợ con viên Công sứ tỉnh Thừa Thiên (để tỏ rõ tài năng của người Việt Nam). Mặc dù vậy, Lê Văn Miến lại viện cớ "mắt kém" để từ chối không vẽ chân dung vua Khải Định. Điều này cho thấy bản lĩnh của người họa sĩ lớn!
Trong số các bức tranh mà Lê Văn Miến đã vẽ, có lẽ đặc sắc hơn cả là bức tranh "Bình văn". Nhận xét về bức tranh này, nhà nghiên cứu mỹ thuật Thái Bá Vân viết: "… họa sĩ Lê Văn Miến với bức tranh Bình văn là một cái mốc mà lịch sử mỹ thuật nước nhà chỉ có thể coi là thuận lợi và đẹp đẽ. Nó làm cho hội họa hiện đại Việt Nam có thêm một phần tư thế kỷ tuổi đời và thêm một học vấn vững chãi không lặp lại một lần thứ hai nào nữa." [1, 78].
Là một nhà giáo lớn, Lê Văn Miến cống hiến gần 30 năm cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhân tài cho đất nước. Ông được các quan lại vì nể, đồng nghiệp (cả Việt lẫn Pháp) và học trò kính phục về bản lĩnh, nhân cách và tài năng của mình. Ngay từ khi còn dạy học tại Trường Pháp - Việt ở Nghệ An, Lê Văn Miến là một trong những người đã lập ra Hoan Châu học hội, đóng tiền cho Triêu Dương thương điếm, quan hệ với nhiều sĩ phu văn thân yêu nước trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục như Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn, Lê Văn Huân v.v...
Khi bị đổi vào dạy tại Trường Quốc học Huế, có một lần thầy Lê Văn Miến đang giảng bài thì Khâm sứ Trung kỳ (là bạn học cũ ở Trường thuộc địa) đến thăm trường, Hiệu trưởng cho thư ký đến mời thầy lên văn phòng nhưng thầy đáp: "tôi đang bận dạy, không thể lên được". Lúc làm Tế tửu Quốc Tử Giám, thầy Lê Văn Miến vẫn giữ được bản lĩnh và cách sống của riêng mình. Thầy đã tạo điều kiện cho sinh viên tổ chức truy điệu cụ Phan Châu Trinh; "tham mưu" cho những học trò cũ của Phan Bội Châu vượt qua những ngăn cản, theo dõi của mật thám Pháp để đến thăm thầy. Khi Phan Bội Châu gửi bản dự thảo "Hiến pháp" cho người bạn cũ là thầy Lê Văn Miến để nhờ đọc và góp ý kiến, thầy đã nhắn: "Thêm thì chẳng cần thêm gì, mà chỉ nên bỏ hết tất cả đi thì hơn"!
Nhân cách của thầy Lê Văn Miến còn được thể hiện trong một kỳ thi tốt nghiệp, thầy đã đánh hỏng người cháu của Thượng thư Bộ Lễ kiêm Bộ Học vì người này đem theo tài liệu vào phòng thi. Một lần khác thầy không hề thiên vị tình riêng, đã đánh hỏng bài thi của người cháu gọi mình bằng chú ruột, làm cho quan trường và Hội đồng thi rất kinh ngạc, nhưng đồng thời rất kính phục.
Với tài năng sư phạm và nhân cách ấy, thầy Lê Văn Miến đã góp phần đào tạo rất nhiều thế hệ học sinh "vừa hồng vừa chuyên" cho đất nước. Một trong những người học sinh đó, có lẽ chính thầy Miến cũng không hề đoán định được, sau này trở thành NGƯời THầy và lãnh tụ của Cách mạng Việt Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau khi theo cha vào sinh sống tại Huế, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành theo học tại Trường Quốc học. Theo quy định lúc đó, ai có bằng thành chung do trường này cấp thì được trọng dụng ngang với người có bằng cử nhân nho học. Mặt khác, sau khi tốt nghiệp học sinh thường được bổ dụng vào các chức vụ của chính quyền thực dân. Khi biết điều này, trong một lần trò chuyện với thầy Lê Văn Miến lúc thầy đến thăm thân phụ mình, anh Thành đã nói: "Thưa chú, nếu luật lệ bắt buộc sau khi ở trường Quốc học ra phải đi làm thầy thông, thầy ký cho nhà nước bảo hộ thì cháu sẽ xin phép cha cháu để tìm một trường học khác". Thầy Miến đã nói với anh Thành: "Cháu nên vào học vì hiện nay trên cả nước chẳng có trường nào đáng để cháu học bằng trường này. Lớp trẻ các cháu ngoài vốn văn hóa và truyền thống dân tộc, cần phải học để nắm được vốn văn hoá tiên tiến, không nhất thiết cứ học trường Tây là làm việc cho Tây. Một người có ý chí và thông minh như cháu thì không có uy lực nào có thể khuất phục được!"
Một người tinh thông Hán học, thấm nhuần những giá trị văn hoá Pháp chân chính như thầy Lê Văn Miến hẳn đã để lại nhiều ảnh hưởng tới người học trò của mình. Chính thầy Miến đã nói: "Nước mất mà không biết là bất trí, biết mà không chiến đấu cứu nước là bất trung, chiến đấu mà không quên mình vì nước là bất dũng!". Có lẽ những điều đấy đã giúp anh Thành nhận ra những hạn chế trong con đường cứu nước và phương pháp cách mạng của các bậc cha chú, để lựa chọn một con đường đi của riêng mình: hướng sang phương Tây "tìm xem những gì ẩn náu" đằng sau các chữ: "Tự do, Bình đẳng, Bác ái" của Đại Cách mạng Pháp năm 1789.
Năm 1911 Nguyễn Tất Thành xuống tàu Pháp, dũng cảm đi về phía kẻ thù của dân tộc để tìm hiểu tại chỗ một cách cụ thể, với mong muốn phát hiện được những mặt mạnh và mặt yếu của nó, rồi tìm ra con đường đấu tranh đúng đắn với mục tiêu cao cả: Độc lập cho Tổ quốc, Tự do cho nhân dân. Suốt cuộc hành trình 30 năm này, trong anh luôn vang vọng lời nói của người thầy: "Con hãy đi theo tiếng gọi của lòng con" và của người cha: "Nước mất thì đi tìm nước chứ tìm cha làm gì"!
* *
*
Hoạ sĩ - thầy giáo Lê Văn Miến mất ngày 6 - 6 - 1943, hai năm trước khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, không kịp chứng kiến người học trò xuất sắc nhất của mình, giờ đây đã là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đọc bản "Tuyên ngôn độc lập" khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bức hoành phi "thế gian sư " (Thầy của thiên hạ) do các thế hệ học trò kính tặng là sự ghi nhận chính xác nhất tài năng, nhân cách và công lao của thầy Lê Văn Miến đối với sự nghiệp giáo dục của nước nhà./.
V.T.G
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Khắc Phê: "Họa sĩ Lê Văn Miến - Cuộc đời và sự nghiệp giáo dục", Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997.
2. Đinh Xuân Lâm (chủ biên): “Những người đi qua hai thế kỷ”, Nxb Lao động, Hà Nội, 2001.
3. Đinh Xuân Lâm (chủ biên): “Đại cương Lịch sử Việt Nam” (tập II), Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001.
4. Nguyễn Q Thắng - Nguyễn Bá Thế: “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam”, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ 3]
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Thống kê truy cập
114512149
Hôm nay
286
Hôm qua
2389
Tuần này
286
Tháng này
219022
Tháng qua
121356
Tất cả
114512149