Diễn đàn

Trả lời ý kiến của Bùi Xuân Đính về cuốn “Nguồn gốc người Việt-người Mường”.

Tạp chí Dân tộc học số 1&2, 2014, trong mục “Trao đổi & Ý kiến” có đăng bài của Bùi Xuân Đính (từ đây BXĐ) về cuốn sách “Nguồn gốc người Việt-người Mường” của tôi. Trong bài này, tôi sẽ trả lời từng vấn đề và các luận điểm của BXĐ.  Do bài này của tôi sẽ được đăng sau bài của BXĐ vài tháng và để độc giả hiểu đúng, đủ, rõ từng vấn đề, tôi buộc phải trích dẫn nhiều đoạn viết dài trong bài của BXĐ, với phần gạch dưới do tôi nhấn mạnh. Mong Tạp chí Dân tộc học và độc giả thông cảm.

1.Về việc dùng tư liệu internet

BXĐ viết:

... Các chuyên gia thông tin đã cảnh báo, rất hiếm “tài nguyên thông tin” có giá trị được cung cấp miễn phí trên internet. Số tạp chí được đăng tải trên mạng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ (không đến 10%) và số lượng sách còn ít hơn rất nhiều, bởi đó là những “tài nguyên” có giá rất đắt. Để khai thác được những thông tin từ các tạp chí có tên tuổi (thường đã được biên tập hay kiểm chứng), hay những cuốn sách có giá trị giới thiệu trên internet, người ta phải trả một số tiền rất lớn. Internet giống như một kho thông tin khổng lồ nhưng “hỗn độn”, không được chọn lọc cẩn thận. Nếu không phải là trang web của các cơ quan khoa học chính thống thì phần lớn các thông tin khoa học trên mạng là các giả thiết hay mới chỉ là ý tưởng, hoặc ý kiến mở, không cần chứng minh hay chưa chứng minh được. Trong khi ở thư viện, những ấn phẩm không có giá trị không dễ được đưa vào thì trên internet, mọi thứ, kể cả những “thông tin rác” có thể được đưa lên. Một bộ phận không nhỏ các thông tin ít được hoặc không được kiểm soát, nên dễ có những sai sót nghiêm trọng. Đặc biệt, trên wikipedia (từ điển mở) thường đưa ra các thông tin giản lược, sơ bộ, ai cũng có thể dễ dàng bổ sung, thêm bớt hay thay đổi; vì thế, cùng một vấn đề, thông tin ở các thời điểm rất khác nhau. Rất nhiều nước trên thế giới quy định các công trình khoa học chỉ được phép tham khảo, không được dùng để trích dẫn tài liệu từ internet như là một luận cứ (việc tham khảo này cũng phải ghi rõ ngày tháng truy cập. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cũng quy định, trong một luận án tiến sĩ, số tài liệu internet không được quá 10% tổng số tài liệu tham khảo. ..

…Tóm lại, nếu dựa quá nhiều vào tài liệu, các bài viết trên internet vốn có nhiều điểm bất cập, không tiếp cận với bản in gốc của các tạp chí, sách được xuất bản theo một quy trình đọc duyệt cẩn thận (đương nhiên việc này không phải lúc nào cũng thực hiện được) dễ dẫn đến những kết luận khoa học không chuẩn xác, là không đủ sức thuyết phục.

Có thể nói ngay, những nhận xét nêu trên là của một người ít hay không hề tham khảo tư liệu khoa học nước ngoài trên mạng nên hoàn toàn võ đoán, chủ quan, tùy tiện, thậm chí bịa đặt và thiếu chính xác. Tôi sẽ chứng minh cụ thể.

-Về tư liệu trên mạng nói chung

BXĐ hãy cho tôi  biết “chuyên gia thông tin” nào nói “rất hiếm “tài nguyên thông tin” có giá trị được cung cấp miễn phí trên internet”?Còn tôi, tôi xin mời BXĐ và các độcgiả đọc bài viết “Về vấn đề xử dụng các cơ sở dữ liệu điện tử phục vụ nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn” từ mạng (http://nguyenphucanh.net/22) của Nguyễn Phúc Anh ( một nhà nghiên cứu Hán Nôm trẻ, giỏi tiếng Trung, Anh và công nghệ thông tin), trong đó có địa chỉ của hàng chục nguồn cơ sở dữ liệu điện tử bằng tiếng Anh và tiếng Trung có thể khai thác từ internet.

Cần nhấn mạnh rằng, giờ đây, nhiều cuốn sách, bài viết của các học giả hàn lâm, có uy tín bằng cách này cách khác đã được công bố rộng rãi trên mạng. Trong thư mục cuốn sách, những tư liệu có dấu G là những tư liệu có thể tìm dễ dàng trên mạng thông qua dùng Google.

Liên quan tới cuốn sách của tôi, ở đây tôi chỉ nêu 3 tạp chí “có tên tuổi”  mà tôi đã khai thác nhiều tư liệu hoàn toàn miễn phí.

-BEFEO (www.persee.fr/web/revues/home/prescript/revue/befeo) : của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp.

-BIPPA (ejournal.anu.edu.au/index.php/bippa/): tạp chí của Hội nghiên cứu Tiền sử Ấn Độ-Thái Bình Dương.

-Mon-Khmer studies (http://www.sealang.net/archives/mks/): tạp chí chuyên về ngôn ngữ Nam Á.

Với một số tạp chí không miễn phí khác, ví dụ Asian Perspectives, một tạp chí hàng đầu về tiền sử châu Á-Thái Bình Dương, tôi đã nhờ các đồng nghiệp nước ngoài ở những cơ quan có đóng phí tải về và chuyển qua email cho tôi, tức tôi cũng dùng miễn phí.

Nhiều cuốn sách rất có giá trị của các học giả nổi tiếng cũng đã được đưa lên mạng thông qua books.google.com, ví dụ các cuốn Prehistory of the Indo-Malaysian Archipelago của nhà khảo cổ học P. Bellwood, The local cultures of South and East China của nhà dân tộc học W. Eberhard…

Tuy các sách trên mạng không được đưa trọn vẹn, nhưng nếu may mắn, những phần mình cần lại có. Trong trường hợp không có, tôi lại nhờ các bạn bè nước ngoài sao chụp lại những phần đó hoặc mua hộ cả cuốn sách (nhưng may mắn là tôi thường được tặng). Nhiều cuốn sách quí khác lại được anh em đồng nghiệp trong nước cho mượn để sao chụp. Tôi đã nêu sự giúp đỡ quí báu đó trong Lời cảm ơn ở đầu sách.

Tóm lại, để có khối tư liệu đồ sộ dùng cho cuốn sách của mình, tôi không không hề phải trả một số tiền rất lớn nào như BXD tưởng tượng.

Về tư liệu Wikipedia nói riêng

Có thực “trên wikipedia (từ điển mở) thường đưa ra các thông tin giản lược, sơ bộ” không?

Phải dùng mới biết.  Riêng tôi, tôi thấy thực sự cảm phục, biết ơn công lao của những tác giả vô danh (chắc chắn đó là các học giả), với mục đich truyền bá tri thức và tạo ra một công cụ tra cứu nhanh đã bỏ bao công sức soạn ra các mục mà mình hiểu biết một cách vô tư, không cần danh lợi. Đa số các mục, đặc biệt bằng tiếng Anh, là những bài tổng hợp công phu, được viết gọn gàng, sáng sủa, có dẫn tư liệu gốc đàng hoàng. Còn chuyện thay đổi của thông tin theo thời gian thì đó là chuyện thường, chả cứ ở Wiki mà ở các sách báo hàn lâm cũng vậy.

Giờ tôi đề nghị BXĐ hãy nhờ ai đó đọc dịch cho các Wiki về Quì long (http://en.wikipedia.org/wiki/Kui_(Chinese_mythology), về người Đản  (http://en.wikipedia.org/wiki/Tanka_people) hay đọc trực tiếp mục về Phùng Hưng (vi.wikipedia.org/wiki/Phùng_Hưng)mà tôi đã dùng để xem nhận xét của mình có đúng không.

BXĐ lại nóitrong sách tôi”nhiều tài liệu wikipedia đã được trích dẫn để chứng minh cho các luận điểm quan trọng, làm người đọc có quyền đánh dấu hỏi về những luận điểm của sách đưa ra”.

Tôi cũng có quyền hỏi BXĐ những “luận điểm quan trọng” nào trong sách của tôi đã được chứng minh bởi “nhiều tài liệu Wikipedia”?

-Qui định về việc dùng tư liệu internet

BXĐ hãy cho tôi biết cụ thể một vài nước trong số “rất nhiều nước” trên thế giới có quy định “các công trình khoa học chỉ được phép tham khảo, không được dùng để trích dẫn tài liệu từ internet như là một luận cứ (việc tham khảo này cũng phải ghi rõ ngày tháng truy cập).

BXĐ hãy giải thích thế nào là “tham khảo”” nhưng lại “không được trích dẫn như một luận cứ”?

Tham khảo mà không trích dẫn thì là “đạo văn”. Phải chăng BXĐ nhiều lần đã áp dụng qui định này?

BXĐ cũng hãy cho tôi biết trong văn bản cụ thể nào “Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Namquy định, số tài liệu internet không được quá 10% tổng số tài liệu tham khảo trong một luận án tiến sĩ”?

Tôi biết qui chế của Bộ chỉ qui định luận án tiến sĩ phải có trên 50% số trang luận văn trình bày các kết quả nghiên cứu và biện luận của riêng nghiên cứu sinh. Tôi ngờ rằng, BXĐ đã phóng tác ra cái qui định vô lý trên từ một qui định liên quan tới quyền tác giả: Đối với các bộ sưu tập số, các thư viện cần qui định rõ loại hình tư liệu nào được phép sao chụp và giới hạn tối đa 10% tổng số trang của tài liệu số nhằm mục đích nghiên cứu, giảng dạy và học tập (Nguồn: http://www.lib.ueh.edu.vn/).

2.Về tư liệu Trung Quốc

BXĐ  viết:

…Trong 290 tài liệu tham khảo có 58 tài liệu Trung Quốc, chiếm 20%.... Trong nghiên cứu lịch sử, các nhà khoa học từng cảnh báo cần thận trọng khi sử dụng nguồn tài liệu Trung Quốc. Lịch sử nhận thức (tức việc biên soạn lịch sử) khác với lịch sử thực tại, do luôn bị chi phối bởi lập trường và lợi ích của quốc gia, giai cấp, vào quan điểm chính trị của chính thể, của từng người, có khi vào lợi ích nhóm hay cá nhân người biên soạn. Với sử gia phong kiến Trung Quốc, họ còn chịu sự chi phối của tư tưởng Hán tộc, thường coi người Hán có nền văn hóa cao hơn các tộc khác, Trung Hoa là trung tâm hình thành văn minh và lan tỏa đi các nơi khác. Lịch sử Trung Quốc thời cổ - trung đại là lịch sử bành trướng của các thế lực phong kiến Hán tộc, thường đi xâm lược các quốc gia láng giềng, nô dịch và đồng hóa các tộc người lân cận.…Sử gia phong kiến Trung Quốc thường đề cao, “phóng đại” các “chiến tích” xâm lược của các đế chế Trung Hoa. Một bộ phận các nhà sử học Trung Quốc hiện nay cũng không tránh khỏi tình trạng đó. Vì vậy, khi sử dụng tài liệu Trung Quốc cần thận trọng đối chiếu với các tài liệu của Việt Nam và của các nước khác... Tiếc rằng, không có tài liệu Trung Quốc nào được dẫn trong NGNV - NM có tiêu đề chữ Hán (hay chữ Trung Quốc), mà phần lớn bằng tiếng Anh phiên âm (nội dung bên trong có thể hoặc do các tác giả dịch, hoặc do người khác dịch). Đáng lưu ý hơn, một bộ phận lớn các tài liệu tiếng Trung - Anh này lại được khai thác trên Google, mà như đã trình bày ở trên, đây là tài liệu trong từ điển mở, người nghiên cứu có quyền tham khảo, nhưng nếu coi là tài liệu chính thức để trích dẫn, chứng minh cho một giả thiết hoặc luận điểm khoa học là thiếu sức thuyết phục.

 Chỉ bằng vài thao tác đơn giản (xem và đếm tên tác giả), BXĐ đã xác định trong tư liệu tham khảo của tôi có 58 tài liệu Trung Quốc. Sau đó, chẳng cần biết các tác giả đó là ai, các tài liệu đó viết về cái gì, ông ào ào đưa ra các quan điểm chung chung đầy màu sắc chính trị.

Trước hết, phải nói rằng một số học giả mang tên Trung Quốc nhưng thực ra là người Mỹ, Úc gốc Hoa (như Chang Kwang Chi, Jiao Thienlong, Liu Li, Li Tana…). Sách của họ được viết bằng tiếngAnh và in ở Mỹ và Úc nên không thể coi là tài liệu Trung Quốc.

 Nhưng điều đáng nực cười nhất là BXĐ đã nhầm tưởng một số tên bài, tên sách bằng tiếng Anh của họ là ”tiếng Anh phiên âm” (!), là “ tài liệu tiếng Trung- Anh” (!!). Thấy có ký hiệu G tức Google , ông qui kết chúng là “tài liệu trong từ điển mở” (!!!). Thật là một sự ẩu tả hết chỗ nói (!!!!).

Trong sách, tôi có dùng một số sách, bài bằng tiếng Trung. Theo thông lệ, tôi phiên âm tên tác giả và tên sách, bài ra tiếng Hán-Việt. Không hề biết điều này, BXĐ lại nói “không có tài liệu Trung Quốc nào được dẫn trong NGNV - NM có tiêu đề chữ Hán (hay chữ Trung Quốc)”!

Thôi tôi cũng đành thông cảm cho BXĐ, tuy là một PGS-TS, Trưởng phòng Nghiên cứu người Việt-người Mường, biết Hán văn nhưng có bao giờ đọc tư liệu Trung văn đâu.

Tìm hiểu về các văn hóa tiền sử ở Trung Quốc, đương nhiên phải dùng tư liệu về Trung Quốc. Phần lớn chúng là các tư liệu khảo cổ học và ngôn ngữ học thuần túy.

Tôi đề nghị BXĐ hãy chỉ ra cụ thể “tư liệu Trung Quốc” nào tôi dùng có “tư tưởng Hán tộc” hay những mục đích chính trị như ông cao giọng rao giảng?

BXĐ lại viết: “sử liệu Trung Quốc chép bằng chữ Hán có đặc điểm nổi bật là dễ “tam sao thất bản”, nên yêu cầu bắt buộc đối với nhà nghiên cứu là phải tìm tới bản gốc mà điều này không dễ dàng”.

Do không cập nhật kiến thức, BXĐ không biết rằng, sử liệu gốc bằng chữ Hán (từ Trúc Thư, Sử Ký đến Minh sử, Thanh sử) giờ đây đều có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng.

BXĐ cho rằng “nguồn tài liệu tham khảo trong NGNV - NM tuy phong phú, song vẫn bộc lộ sự không đầy đủ và thiếu tính hệ thống”;rất nhiều tài liệu có giá trị của Việt Nam, trong đó có các công trình khoa học được xuất bản gần đây lại không được sử dụng” mà ở phần Tài liệu tham khảo của bài viết này, do khuôn khổ có hạn, tôi không thể liệt kê hết) để lý giải, phản bác các vấn đề mà các công trình đó đặt ra.

Trong sách, tôi đã dùng một khối tư liệu mà tất cả ai đã đọc cũng phải công nhận là đồ sộ, phong phú của các ngành khảo cổ học, ngôn ngữ học, sử học, dân tộc học…Mỗi một giả thuyết đều được chứng minh bằng các bằng chứng liên ngành, với cái nhìn hệ thống-tổng thể.

Được, tôi đề nghị BXĐ, trong bài viết tới, hãy chứng minh cụ thể sự “không đầy đủ và thiếu tính hệ thống” trong tư liệu của sách tôi, hãy bớt nói dông dài, mơ hồ  để dành cho việc liệt kê nốt “rất nhiều tài liệu có giá trị của Việt Nam” mà tôi chưa dùng.

3.Về quan hệ Việt-Mường

BXĐ viết:

Luận điểm của sách NGNV - NM coi Việt và Mường là hai tộc khác nhau ngay từ thuở ban đầu đã đi ngược với các kết quả nghiên cứu của giới khoa học xã hội suốt hơn nửa thế kỷ qua. Tác giả sách lấy tài liệu khảo cổ học là nguồn tài liệu chủ đạo để chứng minh cho luận điểm của mình; song chính các nhà khảo cổ học cũng cho rằng, tài liệu này chỉ cho phép xác định được chủ nhân - những cộng đồng người thuộc nhóm nhân chủng nào hay yếu tố nhân chủng nào trội hơn và niên đại xuất hiện cùng sự tiếp nối của nền văn hóa có di chỉ khảo cổ học;không cho phép xác định tộc người (theo các tiêu chí của Dân tộc học Việt Nam ngày nay) tạo ra nền văn hóa đó; quá lắm chỉ có thể xác định nhóm tộc thuộc một hệ ngôn ngữ, vì một thành phần nhân chủng, một hệ ngôn ngữ có nhiều tộc người.

Đương nhiên, luận điểm của tôi coi người Việt và người Mường là hai tộc người khác nhau từ thủa ban đầu ngược với quan điểm phổ biến hiện nay. Và để đưa ra luận điểm mới đó, tôi phải dựa trên các tư liệu liên ngành mới và phương pháp nghiên cứu mới. Trong số các độc giả của bài viết này, có những người đã đọc và có những người chưa đọc sách tôi, vì thế, cho phép tôi tóm tắt những luận cứ cơ bản cho luận điểm đó như sau:

-Tư liệu khảo cổ chỉ rõ: văn hóa Phùng Nguyên ở Việt Nam và văn hóa Khok Phanom Di ở Thái Lan cùng thời và tương đồng với nhau. Cả hai nền văn hóa đều có gốc Phúc Kiến-Bắc Quảng Đông-đất của người Mân.

-Tư liệu nhân chủng cho thấy: người Phùng Nguyên-Mán Bạc và người Khok Phanom Di có những đặc trưng nhân chủng Mongoloid tương tự nhau và gần gũi với người Vu Đôn-văn hóa Mã Gia Bang ở Giang Tô, sau lan tỏa xuống Phúc Kiến-Quảng Đông.

-Tư liệu ngôn ngữ cho thấy: tên tự gọi Mon của người Mường, tên gọi Môn của người Môn ở Thái Lan-con cháu của người Khok Phanom Di tương ứng cả về âm và nghĩa (Người) với tên gọi Mân/Man của người Mân Phúc Kiến-Bắc Quảng Đông xưa nói tiếng Nam Á.

-Như vậy, người Mon-Mường chủ nhân văn hóa Phùng Nguyên-Đồng Đậu-Gò Mun là, là tộc người đến trước. Người Việt hay Lạc Việt là nhóm đến sau, nói tiếng Thái cổ-chủ nhân của văn hóa Đông Sơn.

-Sự hội nhập-sống gần gũi nhau giữa người Việt và người Mường hàng ngàn năm khiến tiếng Việt tiếng Mường gần gũi nhau và vẫn thuộc về nhóm Môn-Khmer, hệ Nam Á.  

Thế nhưng, để phản biện luận điểm đó, thay vì phản biện các luận cứ và bằng chứng mới-liên ngành của tôi, BXĐ lại tốn khá nhiều công sức nhắc đi nhắc lại các quan điểm ngôn ngữ học chẳng có gì cần phải bàn cãi cả như tiếng Việt và tiếng Mường thuộc ngữ hệ Nam Á, sự gần gũi giữa tiếng Mường và tiếng Việt.

Cuối cùng, BXĐ viết:

Những cứ liệu ngôn ngữ để cho rằng Việt và Mường là hai tộc khác nhau mà sách NGNV - NM đưa ra không phù hợp với những kết quả nghiên cứu về lịch sử tiếng Việt và lịch sử tiếng Mường đã được công bố ở trong và ngoài nước. Vì thế, các luận điểm của sách chỉ là những giả thiết, do chưa được chứng minh theo những quy tắc của ngôn ngữ học lịch sử nên chưa đủ cơ sở thuyết phục. Trong khi đó, các nhà ngôn ngữ học đã chỉ ra rất rõ những quy luật ngữ âm (law phonétic) để chứng minh tiếng Việt và tiếng Mường tách ra từ một ngôn ngữ chung; gồm quy luật thanh điệu (chứng minh của  A. G. Haudricourrt), cùng các quy luật vô thanh hóa, đơn tiết hóamũi hóa (nghiên cứu của Nguyễn Tài Cẩn, M. Ferlus, Trần Trí Dõi). Các luận điểm mà sách NGNV - NM đưa ra chưa sử dụng hết các kết luận về mặt ngôn ngữ học mà giới ngôn ngữ học lịch sử đã công bố. Và điều quan trọng là, sách chưa chứng minh được các kết quả nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học là sai. Nói một cách khác, sách mới chỉ thấy được sự tương ứng giữa các ngôn ngữ mà chưa chỉ ra được trong những tương ứngấy, tương ứng nào có tính quy luật,tứctính lịch đại của ngôn ngữ- diachronic.

Cần ghi nhận là, do không rành về ngôn ngữ học, BXĐ đã tham vấn một số nhà ngôn ngữ học và dân tộc học, nhưng kết quả chỉ là một mớ kiến thức chắp vá, lộn xộn, trống rỗng chẳng giúp gì cho việc phản biện các luận cứ của tôi. Tôi tin BXĐ không biết rằng khi Haudricourt (chứ không phải Haudricourrt–lại một bằng chứng về sự ẩu tả)đưa ra “qui luật thanh điệu” mục đích của ông là chứng minh tiếng Việt dù có thanh điệu như tiếng Thái những vẫn là một ngôn ngữ thuộc hệ Nam Á chứ không phải hệ Thái, bởi thanh điệu trong tiếng Việt đã phát sinh trong quá trình tiếp xúc giữa tiếng Việt và tiếng Hán. Nghĩa là, chứng minh của Haudricourt chẳng có liên quan gì đến quan hệ ngôn ngữ Việt-Mường như BXĐ viết (mà không hiểu). Người Việt và người Mường cùng ngành ngôn ngữ Vietic, cùng hệ Nam Á, nhưng đó vẫn là hai tộc người khác nhau và điều này rõ ràng như ban ngày. Cứ liệu ngôn ngữ quan trọng nhất của tôi đưa ra để xác định người Việt và người Mường là hai tộc người khác nhau ngay từ ban đầu là tên tự gọi Mon=Người của người Mường-một tên gọi cổ và tên tự gọi Việt của người Việt, là tên được gọi Táo/Đáo của người Việt từ người Mường, một tên gọi họ hàng với tên gọi Lão/ Lạc Việt, với tên gọi Giao Chỉ, Giao Châu có từ thời Đông Sơn. Là nhà dân tộc học, chắc BXĐ biết tên tự gọi tộc người thể hiện ý thức tự giác tộc người và đó là một cơ sở quan trọng nhất để xác định một tộc người.  Điều không biết đáng cười hay đáng lắc đầu, thở dài nữa là, khi nói đến “những qui luật ngữ âm”, BXĐ đã vụng về khoe chữ bằng cách chua từ law phonéticnửa Anh nửa Pháp và sai ngữ pháp ( đúng ra là phonetic laws); khi nói đến tính lịch đại của ngôn ngữ lại chua từ diachronic ( đúng ra là diachronicity of languages). Hai ví dụ trên cho thấy bệnh khoe khoang và trình độ tiếng Anh lỗ mỗ của BXĐ.  Nghe nói nhà nước qui định một PGS phải giao tiếp được bằng tiếng Anh. Với trình độ tiếng Anh như trên, sao BXĐ lại vẫn được phong PGS nhỉ?

BXĐ lại nói: “sách chưa chứng minh được các kết quả nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học là sai”?

 Thực tế, trong Phụ lục 1C, tôi đã chứng minh quan điểm coi quê hương tiếng Việt-Mường ở miền Trung Việt Nam hay Lào của nhiều nhà ngôn ngữ học là sai thông qua phân tích hai giả thuyết về sự di chuyển của tiếng Việt-Mường từ Nam ra Bắc của Nguyễn Tài Cẩn và Chamberlain. Quan điểm của tôi là: quê hương tiếng Việt-Mường là vùng Bắc Bộ Việt Nam –tức quê hương của văn hóa Phùng Nguyên, cũng là quan điểm của các nhà ngôn ngữ học Haudricourt, Ferlus, Trần Trí Dõi và của cả nhà ngôn ngữ học Phạm Đức Dương đã quá cố nữa ( qua trao đổi cá nhân).

Như vậy, quan điểm của tôi phù hợp với quan điểm của một số nhà ngôn ngữ này và khác biệt với quan điểm của một số nhà ngôn ngữ kia. Vì thế, nói không thể “vơ đũa cả nắm”, “nói quàng nói xiên “rằng “các luận điểm mà sách NGNV - NM đưa ra chưa sử dụng hết các kết luận về mặt ngôn ngữ học mà giới ngôn ngữ học lịch sử đã công bố”.

Tương tự, BXĐ dẫn quan điểm của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Ngôn ngữ học coi “Đông Dươnglà trung tâm chính hình thành ngôn ngữ Nam Á”. Nhưng quan điểm của đa số các nhà ngôn ngữ học thế giới lại xác định Nam Trung Quốc là quê hương của hệ ngôn ngữ đó và tôi tin vào quan điểm này bởi nó được sự ủng hộ của các tư liệu khảo cổ học. Hiện tôi đang chờ phản biện của nhà ngôn ngữ học có quan điểm khác với quan điểm trên.

4-Người Việt và người Mường: di dân hay dân bản địa?

BXĐ viết:      

Để chứng minh cho luận điểm Mường - Việt là hai tộc người…đều từ Trung Quốc di cư sang, sách NGNV - NM đưa ra các tư liệu về sự giống nhau trên các khía cạnh văn hóa khảo cổ học Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu khảo cổ học cho rằng, những so sánh này không mang tính tiêu biểu, vì chỉ lấy một vài di vật trong văn hóa khảo cổ học Dạ Lang ở Trung Quốc giống với các di vật (song chưa hẳn là phổ biến) trong các di tích Đông Sơn để so sánh. Sách mới chỉ lấy những hiện tượng lẻ tẻ, cá biệt để khái quát thành tính phổ biến, nâng lên thành quan điểm có tính khẳng định, lấy một hiện tượng để khái quát thành bản chất, thành quy luật…Chỉ đem một số ít di vật trong một vài di tích có những nét tương đồng với các di tích ở Trung Quốc để so sánh và kết luận đó là do các khối cư dân ở Trung Quốc thiên di mang sang là không thỏa đáng, thậm chí là vội vàng.

Phải nói ngay rằng, ở phần này, như ở phần trước, do không rành về khảo cổ học, BXĐ, thay cho việc phản biện các luận cứ và bằng chứng của tôi được trình bày trong nhiều Chương sách và Phụ lục, lại chỉ mượn khống lời của “nhiều nhà khảo cổ học” để đưa ra những nhận xét hoàn toàn sai so với sự thực.

Có phải tôi “chỉ lấy một vài di vật từ văn hóa khảo cổ học Dạ Lang” không? Những ai đã đọc sách tôi đều thấy rõ khi  xem xét nguồn gốc của văn hóa Đông Sơn và người Lạc Việt, tôi đã nêu ra 9 giả thuyết khác nhau, trong đó có 8 giả thuyết xác định cội nguồn văn hóa Đông Sơn hoặc của người Lạc Việt từ phương Bắc. Sự so sánh không chỉ giữa văn hóa Đông Sơn với văn hóa Dạ Lang ở Quí Châu mà còn giữa văn hóa Đông Sơn với các văn hóa Thục ở Tứ Xuyên, văn hóa Ư Việt ở Chiết Giang, văn hóa Điền ở Vân Nam, văn hóa La Bạc Loan-Âu Việt ở Quảng Tây và văn hóa Nam Việt ở Quảng Đông. Các yếu tố dùng để so sánh không chỉ là các di vật khảo cổ mà cả các yếu tố ngôn ngữ, văn hóa dân gian, tính ra là hơn 70 yếu tố. Hơn nữa, tôi còn kết nối các cuộc thiên di của cư dân thời tiền sử Phùng Nguyên, Đông Sơn với các cuộc thiên di của cư dân phương Bắc, bao gồm cả tổ tiên của 9 vua chúa Việt, chủ yếu từ Phúc Kiến-Quảng Đông trong suốt thời Bắc thuộc tới thời Lê, không chỉ tới Bắc Việt Nam mà còn tới toàn bộ Đông Nam Á.

Tôi không tin có nhà khảo cổ học nào đó sau khi đọc sách tôi lại phát biểu thiếu trung thực như vậy. Có lẽ họ đã nói với BXĐ những thông tin đó vào ngày 1-4.

Giờ đây, tôi có quyền hỏi: BXĐ có thực sự đọc sách của tôi một cách tử tế không? Vì sao mới chỉ đọc lướt, hiểu sơ sơ hay không hiểu mà vẫn viết bài phê phán? Quả thực, tôi có nhiều lý do để nghi ngờ tính trung thực khoa học hay sự liêm chính trong nghề của BXĐ!

Điều đáng nói là để phản bác luận điểm của tôi, khi không mượn được lời của nhà khảo cổ học nào, BXĐ lại dẫn ra những phản bác của “hai nhà khảo cổ học trẻ tuổi Trần Quốc Vượng và Hà Văn Tấn” trong một cuốn sách xuất bản năm 1960 đối với các quan điểm của Đào Duy Anh và các học giả nước ngoài về nguồn gốc của văn hóa Đông Sơn. Hãy nhớ rằng, khi đó hai thày còn rất trẻ, và trong 54 năm qua, khảo cổ học về Việt Nam và Đông Nam Á đã có bao phát hiện mới, và các phát hiện mới đó lại chỉ góp phần khẳng định thêm chứ không thể phủ nhận các quan điểm trên. BXĐ hãy đọc kỹ lại sách của tôi để thấy điều đó.

BXĐ lại viết: Sách NGNV - NM dẫn ra sự giống nhau về âm của một số từ trong tiếng Việt với các ngôn ngữ khác, như Cửa Lò/Kulua,lòng thung lũng/klung… để chứng minh nguồn gốc bên ngoài của các địa danh thuộc địa bàn người Việt sinh sống hiện naycũng cần bàn lại. Các nhà ngôn ngữ học đã chỉ rõ, để phục nguyên nghĩa và âm của một từ, phải tuân theo một phương pháp nghiêm ngặt, có trình tự, không thể căn cứ vào sự giống nhau về âm và nghĩa ở dạng thực thể đồng đại.

Một lần nữa, BXĐ lại cho thấy tính hời hợt, cẩu thả của mình. Trước hết, BXĐ hãy đọc lại các trang  214, 529-540 ở sách tôi và trang 334 trong cuốn Theo dòng lịch sử của Thày Vượng để biết rằng chính Thày Vượng đã đưa ra ý kiến từ gốc của Cửa Lò là Kulua (Mã Lai), một dấu tích của cư dân nói tiếng Nam Đảo bao gồm các ông tổ họ Trần của Thày có gốc Mân Phúc Kiến.  Đó là một ý kiến xác đáng. BXĐ hãy hỏi các nhà ngôn ngữ học xem ai dám bác nổi ý kiến trên?

Không chỉ mượn oai của hai Thày Vượng-Tấn, BXĐ lại mượn oai của Trần Từ/Nguyễn Từ Chi, nhà dân tộc học số 1 Việt Nam khi nói Trần Từ đã “dành gần như trọn đời khoa học của mình để đi tìm câu trả lời về nguồn gốc của người Việt”. Có thật thế không? Tôi coi Trần Từ, đặc biệt các công trình ông, là Thày của mình. Tôi đọc và hiểu chúng đủ để biết ông đã dành trọn đời mình đi tìm những câu trả lời nào. Tôi tin có nhiều người cũng biết điều đó.

Nhưng thôi, điều mà BXĐ muốn là mượn bóng Trần Từ để “phủ” lên quan điểm của tôi. Ông dẫn ra một luận điểm của Trần Từ: “Rồi đây, với những kết quả khai quật khảo cổ học phong phú hơn nữa, biết đâu Đông Sơn lại sẽ được xem là một yếu tố trong mẫu số chung của một Đông Nam Á sơ sử, một Đông Nam Á chưa ồ ạt tiếp xúc với các lò văn minh lớn ở bên ngoài”rồi kết luận:“Cho đến nay, chưa có ai phản bác những luận điểm này. Đáng tiếc, sách NGNV - NM không điểm lại những kết quả nghiên cứu cũng là những phát hiện độc đáo này, trong khi các luận điểm khác lại được nhắc đến và so sánh khá tỉ mỉ”.

Than ôi, Anh Từ ơi, Anh đã phí công dạy bảo BXĐ mất rồi ! Quả thực, BXĐ không hề hiểu đúng luận điểm trên của Trần Từ. BXĐ đã không biết rằng, khi nói ra những điều trên một cách uyên áo, điệu đà theo đúng phong cách của mình, Trần Từ muốn nói văn hóa Đông Sơn là một yếu tố hay bộ phận của nền văn hóa Đông Nam Á sơ sử mà Đông Nam Á thời sơ sử bao gồm cả Nam Trung Quốc. Đó cũng chính là luận điểm tôi đã chứng minh trong sách của mình với những tư liệu khảo cổ cụ thể, phong phú. BXĐ thừa nhận tôi đã dẫn ra nhiều luận điểm của Trần Từ nhưng lại không hiểu rằng, các luận điểm đó có liên hệ hữu cơ với luận điểm nêu trên. Điều đó có nghĩa, phản bác luận điểm của tôi, BXĐ đã phản bác ngay chính luận điểm của Trần Từ đấy.

Tiếp đó, BXĐ viết: …”thuyết “thiên di” (gắn với đó là thuyết “trung tâm văn hóa”) từ lâu đã bị các học giả phương Tây nghi ngờ, phản bác và thực tế lịch sử đã chứng minh.

Thêm một bằng chứng nữa cho thấy BXĐ đã không đọc, hay đã đọc mà cố ý lờ đi Phụ lục 1A với đầu đề Thiên Di-Bản địa trong sách tôi.

Được, tôi chỉ hỏi BXĐ, nhìn ra thế giới, nếu Người Thông Minh không thiên di ra khỏi châu Phi, liệu có .loài người hiện đại hay không? Liệu không có các cuộc thiên di, liệu có các nước Mỹ, Canada, Úc, Thái Lan, Singapore hay không? Nhìn về Việt Nam, nếu không có cuộc “thiên di” hay Nam tiến của người Việt, liệu Việt Nam giờ đây có là một quốc gia trải dài từ đỉnh Lũng Cú tới mũi Cà Mau như bây giờ không? Liệu BXĐ có thể phủ nhận được việc nhà Trần có gốc Mân Phúc Kiến, việc Mạc Cửu, một di dân từ Quảng Đông đã đem lại vùng đất Hà Tiên (Kiên Giang) cho Việt Nam hay không?

Trong phần cuối của bài viết, BXĐ cố tìm cách phủ nhận truyền thuyết Họ Hồng Bàng. Trước hết, ông dẫn những câu trong Quốc sử quán triều Nguyễn nói về truyền thuyết trên. Nhưng ông không hiểu rằng, các sử gia nhà Nguyễn chỉ phủ nhận các yếu tố “hoang đường quái dị” như “sinh trăm con trai”, “Đế Minh lấy vợ tiên nữ” hay nghi ngờ về địa bàn quá rộng của nước Văn Lang …Tuy vậy, cuối cùng họ vẫn giữ lại “một hai sự việc”, đó là việc Lạc Long-Âu cơ chia con, là các nhân vật Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương với câu chú thích: “ Cứ chép lại để phòng khi tra xét”.

Rõ ràng, cách xử lý của các sử gia triều Nguyễn là hợp lý.

Trở lại với BXĐ, ông viết tiếp: “Truyền thuyết trên còn có tính phi lý khi cho rằng Sùng Lãm và Âu Cơ là tổ tiên của Bách Việt. Sự thật thì Bách Việt là khái niệm để chỉ nhiều nhóm Việt (các tộc khác nhau) sinh sống từ xa xưa ở vùng đất rộng lớn phía Nam sông Dương Tử; đâu phải “chờ” người Hán từ phía Bắc con sông trên tiến xuống mới sinh ra họ”

Hãy bỏ qua cách viết lủng củng tối nghĩa ở câu cuối và sự ngây ngô trong cách hiểu truyền thuyết, điều đáng nói nhất ở đây là, chỉ vì muốn phủ nhận truyền thuyết Họ Hồng Bàng, BXĐ đã coi Sùng Lãm (tức Lạc Long Quân) và Âu Cơ là “người Hán” (!). Nếu vậy, Hùng Vương cũng là “người Hán” bởi Ngài chính là con trưởng của Lạc Long-Âu Cơ ! Với đà này, dựa theo sự phản biện của PGS-TS BXĐ, có lẽ, nhà nước Việt Nam sẽ phải xem xét lại việc thờ Quốc Tổ Vua Hùng, việc trùng tu đền Kinh Dương Vương mất !

BXĐ lại viết: Như vậy, cho dù “truyền thuyết dân gian có phản ánh một cốt lõi lịch sử” - như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khẳng định, thì không thể lấy truyền thuyết mang nhiều yếu tố hoang đường và phi lý làm căn cứ chính để xem xét nguồn gốc người Việtvà quốc gia Việt Nam; càng không thể “dựa trên sự tổng hợp những thành tựu mới nhất của các ngành khảo cổ học, ngôn ngữ học, sử học, dân tộc học, di truyền học… để đưa ra những câu trả lời mới nhưng về cơ bản đồng thuận với những câu trả lời đã có trong truyền thuyết Họ Hồng Bàng cũng như trong hai công trình của hai học giả Đào Duy Anh, Bình Nguyên Lộc” về nguồn gốc người Viêt- như Tạ Đức viết ở trang 816 sách NGNV- NM. Đó là sai lầm về phương pháp luận; vì truyền thuyết có nhiều tình tiết hoang đường, còn luận điểm của hai học giả Đào Duy Anh và Bình Nguyên Lộc thì đâu đã được giới khoa học xã hội Việt Nam thừa nhận.

Cần nhấn mạnh, quan điểm coi “Truyền thuyết dân gian có phản ánh một cốt lõi lịch sử “ của cố thủ tướng Phạm Văn Đông cũng là quan điểm phổ biến của các nhà sử học hay văn học dân gian trên thế giới. BXĐ hãy nhờ ai đó dịch cho mục Truyền thuyết   từ http://en.wikipedia.org/wiki/Legend. Trong đó toàn những lời “nói có sách, mách có chứng” của các học giả nổi tiếng đấy, ví dụ định nghĩa của Anh em Grimm (Đức): “Truyền thuyết là những câu chuyện dân gian có cơ sở lịch sử”. Truyền thuyết Họ Hồng Bàng đã là một cơ sở để người Việt từ bao đời có tín ngưỡng thờ Vua Hùng được UNESCO công nhận là di sản nhân loại, để Việt Nam có ngày quốc lễ thờ Vua Hùng ngày nay. Đó cũng chính là một xuất phát điểm để giới sử học Việt Nam trong bao năm qua nghiên cứu “Thời đại Hùng Vương”. Trong sách tôi, tôi cũng coi đó là một xuất phát điểm, và từ những thành tựu mới nhất, đặc biệt về khảo cổ học và ngôn ngữ học, tôi đã chứng minh truyền thuyết Họ Hồng Bàng là có cốt lõi lịch sử thực sự, Xích Quỉ, Việt Thường, Văn Lang là các nước có thực, các nhân vật Kinh Dương Vương, Hùng Vương là những nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam.

BXĐ nói giới khoa học xã hội Việt Nam không thừa nhận luận điểm của hai học giả Đào Duy Anh, Bình Nguyên Lộc. Điều đó đúng, bởi các luận điểm của họ về cơ bản khác với quan điểm chính thống đương thời. Trong trường hợp học giả Đào Duy Anh, chúng ta hãy nghe nhà sử học Đào Hùng lý giải khi nhận xét sách tôi: “ Vào khoảng những năm 1960, sau vụ Nhân văn-Giai phẩm, trên các tạp chí lịch sử, đặc biệt là Nghiên cứu lịch sử, có một loạt bài phê phán các quan điểm tư sản trong nghiên cứu. Những luận điểm của cụ Đào Duy Anh về nguồn gốc dân tộc Việt Nam bị đưa ra mổ xẻ đầu tiên. Vì là người có liên quan với nhóm Nhân văn-Giai phẩm, nên cụ Đào Duy Anh không có cơ hội để lên tiếng, và tất nhiên, những luận điểm về sự thiên di của người Lạc Việt là cái cớ đầu tiên để qui kết quan điểm tư sản của cụ”.

Còn về quan điểm của Bình Nguyên Lộc, ông là một học giả miền Nam, sách ông ra năm 1971, khi đó ở miền Bắc mấy ai có cơ hội đọc sách ông và nếu có đọc, mấy ai dám công khai thừa nhận các luận điểm của ông?

Như vậy, việc giới sử học chính thống Việt Nam không thừa nhận luận điểm của hai học giả Đào Duy Anh và Bình Nguyên Lộc là vì những lý do ngoài khoa học. Còn về kiến thức, sức làm việc, tâm huyết, công lao và nhân cách của hai học giả trên, tôi tin chắc nhiều người thuộc giới sử học chính thống phải thừa nhận và muôn lần kính phục. Việc những luận điểm của hai ông, dù mới chỉ dựa trên những tư liệu hạn hẹp có trước những năm 1950 và 1970, nhưng về cơ bản lại đồng thuận với những luận điểm của tôi dựa trên những tư liệu liên ngành phong phú có được hàng chục năm sau, càng chứng tỏ giá trị cốt lõi trong công trình của hai ông.

Đáng lẽ, đến đây, trả lời của tôi với bài viết của BXĐ là cần, đủ và xong. Nhưng tôi buộc phải bày tỏ thái độ sòng phẳng và mạnh mẽ trước một hành vi của BXĐ cũng có liên quan tới cuốn sách của tôi. Đó là việc BXĐ ngày 12-5-2014 đã viết thư và sau đó đến Trung tâm văn hóa Pháp, lấy cớ việc Trung Quốc đem dàn khoan tới vùng biển Việt Nam để lớn tiếng đòi hoãn cuộc hội thảo về cuốn sách của tôi. “Còi to cho vượt”, cuộc hội thảo đã phải hoãn lại.  Sau đó, BXĐ lại viết thư tới một loạt báo, tạp chí ngang ngược đòi họ dỡ bỏ các thông tin đã đưa về cuốn sách, một hành động chứng tỏ BXĐ không biết gì về Luật Báo chí.

Trong thư gửi cho Trung tâm văn hóa Pháp, BXĐ viết:

Là một người nghiên cứu lâu năm về người Việt và người Mường, tôi đã đọc kỹ cuốn sách này và thấy đây là cuốn sách có rất nhiều sai sót về phương pháp luận, về việc sử dụng tài liệu,  do vậy, đưa đến những kết luận khoa học không đúng đắn (phủ nhận người Việt và người Mương cùng nguồn gốc, phủ nhận tính bản địa của hai tộc người này, coi họ đều từ Trung Quốc sang; phủ nhận hầu hết các thành tựu nghiên cứu của các ngành Khảo cổ học, Sử học, Dân tộc học, Ngôn Ngữ học của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa  và của nhiều học giả Pháp trong hơn nửa thế kỷ qua.

Rõ ràng, đó là những lời bịa đặt, vu khống, vu cáo mang tính kích động trắng trợn. Nói cho đúng, BXĐ chỉ làm việc lâu năm ở Phòng nghiên cứu Việt-Mường. Đối tượng nghiên cứu chủ yếu của BXĐ là “lệ làng phép nước” và một số làng Việt cổ truyền chứ không phải là nguồn gốc người Việt-người Mường. Những phân tích ở trên đã cho thấy BXĐ vừa không hề đọc kỹ cuốn sách của tôi về nguồn gốc người Việt-người Mường, vừa không có kiến thức về khảo cổ học, ngôn ngữ học cần thiết để phản biện một cách khoa học cuốn sách đó. Những ai đã đọc sách tôi đều thấy rõ tôi đã kế thừa có chọn lọc các thành tựu nghiên cứu của các học giả Việt Nam và thế giới trong hơn thế kỷ qua, đặc biệt là các học giả Pháp như L.  Anrousseau, C.Madrolle, V. Goloubew, L. Bezacier, J. Cusinier, Porée Maspéro. Qua những lời lẽ vu khống trên, độc giả cũng có thể suy ra những lời   vu khống khác của BXĐ về sách tôi.

Sự ẩu tả, cẩu thả của BXĐ một lần nữa lại thể hiện ở câu “những thành tựu…của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”! Đến tên nước mình hiện tại còn nói sai, còn nói gì đến những điều xa xôi khác.

Cần nhấn mạnh rằng, mỗi người chúng ta không chọn được cha mẹ và nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Tổ tiên ta cũng vậy. Di cư, di tản là những hiện tượng phổ biến trong lịch sử từ xưa tới nay. Trong nhận thức về nguồn gốc tộc người, việc lấy biên giới quốc gia hiện tại, dựa vào những tranh chấp chủ quyền hiện tại để qui kết, chụp mũ này khác là phản khoa học, phi lịch sử.

Lịch sử quan hệ Việt Nam –Trung Quốc hơn 2000 năm qua là lịch sử giữa hai nước láng giềng gần gũi, lúc bình thường, lúc tốt đẹp và cũng có lúc đầy căng thẳng, xung đột. Nhân tố quyết định chi phối mối quan hệ đó là quyền lợi của mỗi nước hay đúng hơn của tầng lớp thống trị ở mỗi nước trong từng thời kỳ chứ không phải là mối liên hệ nguồn gốc xa xưa giữa nhân dân hai nước. Trong lịch sử Việt Nam, nhiều người có tổ tiên đến từ phương Bắc (là từ mà tổ tiên ta thường dùng thay cho từ Trung Quốc, một khái niệm xưa chỉ một nước ở vùng Trung nguyên-trung lưu Hoàng Hà, nay chỉ một quốc gia bao gồm nhiều vùng đất gốc là của tổ tiên người Việt) đã trở thành những vị anh hùng dân tộc dành độc lập, chống xâm lược từ phương Bắc  như Lý Bí, Phùng Hưng, Lý Công Uẩn, Trần Nhân Tôn, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ.v.v. Thời Lý-Trần-Lê-Tây Sơn, truyền thuyết Họ Hồng Bàng được lưu truyền trong dân gian, được ghi vào quốc sử, có nghĩa người Việt đều biết tổ tiên mình đến từ phương Bắc, nhưng người Việt vẫn đại phá các đội quân xâm lược Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Vì thế, việc BXĐ lấy lý do nhà cầm quyền Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam hiện nay để đòi hoãn một cuộc hội thảo về nguồn gốc phương Bắc của tổ tiên đã thể hiện một nhận thức sai lầm, một mặc cảm tự ty về lịch sử. Ngoài ra, đó cũng là một hành động mang tính cơ hội xuất phát từ động cơ cá nhân, hay như một số đồng nghiệp nhận xét, từ “tính cách của BXĐ”.

Đó là tính cách gì? Tôi không muốn nhắc ra ở đây nhưng tôi tin có nhiều người ở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam biết.

BXĐ lại viết: Những luận điểm về nguồn gốc Trung Quốc của nhiều tộc người ở Việt Nam đã và đang được giới cầm quyền Trung Quốc sử dụng để gây ly khai, chia rẽ cộng đồng các tộc người ở Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết, thống nhất của quốc gia Việt Nam.

Tôi có quyền đòi hỏi BXĐ đưa ra bằng chứng cụ thể về những điều nói trên. Mượn cách nói của BXĐ, tôi cũng có thể nói rằng, việc chứng minh người Việt người Mường cũng như nhiều tộc người khác ở Việt Nam có chung nguồn gốc từ những vùng đất ở Trung Quốc nay, có chung một cội nguồn văn hóa rực rỡ sau được tích hợp vào văn hóa Trung Hoa… không chỉ góp phần củng cố khối đại đoàn kết thống nhất của quốc gia Việt Nam mà còn góp phần tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa các tộc người anh em nay ở cả Việt Nam và Trung Quốc, tức nhân dân Trung Quốc nói chung. Chưa kể, điều đó cũng góp phần nâng cao lòng tự tôn dân tộc, tinh thần “Không có gì quí hơn Độc Lập-Tự Do”, động lực của tổ tiên chúng ta khi đi về phương Nam, từ đó đã tạo dựng, khôi phục và bảo vệ nền độc lập của nước Đại Việt hay Việt Nam còn đến ngày nay. Chính lịch sử các cuộc Nam tiến của người Việt cũng đã tạo ra tính năng động, khả năng “thích ứng như nước”, một truyền thống quí báu của người Việt.

Cuối cùng, tôi coi những lời “đao to búa lớn” của BXĐ với cán bộ của Trung tâm Văn hóa Pháp đòi hoãn cuộc hội thảo về cuốn sách ở mức độ nào đó cũng giống như việc những phần tử quá khích nhân danh lòng yêu nước để có những hành động phá phách, gây rối ở một số nơi ở Việt Nam, những hành động sau đó bị chính phủ Việt Nam trừng trị nghiêm minh và bị xã hội lên án. Hành động của BXĐ trước một cơ quan văn hóa nước ngoài thật đáng xấu hổ cho giới dân tộc học Việt Nam.

Là một đồng nghiệp và đã từng là “bạn thân” ( ôi giờ nhắc lại từ này nghe thật chua chát), tôi khuyên BXĐ hãy thể hiện lòng yêu nước của mình bằng cách chống “giặc dốt” ngay đối với bản thân mình, hãy làm tốt công việc nghiên cứu của mình ( ví dụ viết một bài trao đổi ý kiến nghiêm túc và trung thực, không có nhiều “hòn sỏi” như trên để làm gương cho các đồng nghiệp trẻ). Và khi đất nước cần, hãy động viên con rể lên đường nhập ngũ… như tôi thời chống Mỹ.

Kết luận

Việc BXĐ viết bài trao đổi về cuốn sách của tôi là việc đáng làm và đáng hoan nghênh, cho dù đó là một việc quá sức với ông. Nói thẳng ra, BXĐ vừa không đủ tâm với tổ tiên, vừa không đủ tầm về kiến thức để làm việc đó. Nhưng, nếu phải hay muốn làm, trước hết BXĐ cần phải đọc kỹ cuốn sách( mà tác giả đã từng tìm tòi nghiền ngẫm hơn 10 năm trời). Nếu có phê phán, phản biện, ông hãy đi vào từng luận cứ, bằng chứng cụ thể, vạch ra tính thiếu thuyết phục hay vô căn cứ của chúng nếu có. Đó cũng chính là điều tôi mong đợi từ các đồng nghiệp và các độc giả. Nhưng BXĐ đã không làm vậy. Với mục đích tiên quyết là phủ nhận cuốn sách, ông đọc vội vàng, viết cẩu thả, lặp lại những lập luận cũ rích, chung chung, đưa ra những nhận định tùy tiện và vô căn cứ. Có vẻ, bất lực trong việc phản biện cuốn sách một cách khoa học, ông quay sang phản ứng với cuốn sách một cách manh động, tự phát và phản khoa học. Nói như dân gian Việt, đó là “văn hèn, võ bẩn”! Và như “các cụ nhà ta” thường nói: “Gậy ông ( sẽ) lại đập lưng ông”!

Với các đồng nghiệp dân tộc học hay bạn đọc nói chung, tôi mong các bạn khi nghe những ai đó nhận xét về sách của tôi, để có nhận thức đúng và khách quan, cũng hãy tìm đọc sách tôi, hãy so sánh những gì trong sách tôi viết và những gì họ nói. Tôi sẽ vô cùng biết ơn các bạn.

 

Hà Nội 23-5-2014

                                                                  

 

 

 

  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513085

Hôm nay

2186

Hôm qua

2436

Tuần này

21022

Tháng này

219958

Tháng qua

121356

Tất cả

114513085