Khách mời văn hóa

Vấn đề tài liệu tham khảo

Nhân những tranh luận về tài liệu tham khảo chung quanh quyển “Nguồn gốc người Việt – người Mường” của nhà nghiên cứu Tạ Đức, xin được đưa ra dưới đây vài «tập tục» mà các Đại học Âu Mỹ thường gợi ý cho sinh viên và nhân viên khảo cứu của họ – một góp ý hoàn toàn có tính cách mô tả chứ không đánh giá hay chen vào cuộc tranh luận.

Luật đầu tiên và … duy nhất: tài liệu tham khảo phải khả tín (tin cậy được)

Chữ khả tín ở đây được hiểu theo một nghĩa rất hẹp: phải được duyệt bởi những chuyên gia quốc tế. Hẹp đến nổi nó có thể đồng nghĩa với các bài đã được đăng trên các tập san khoa học sau khi đã qua sự bình chọn của một hội đồng «đọc» (reviewers) của tập san này.

Mà ngay tới khi tài liệu được đăng trên các báo khoa học tín nhiệm, ngày hay năm đăng báo cũng quan trọng. Thật vậy, có những khoa học, nhất là Y khoa và sinh học, sự tiến bộ đi rất nhanh, một bài báo cách đây năm năm có khi đã hết giá trị. Khả tín bao gồm khái niệm cập nhật.

Để tiếp cận các tài liệu này, các Đại học, thông thường, có hệ thống thư viện dồi dào và trả tiền mua các tạp chí khoa học để thành viên của mình được quyền tra khảo các tạp chí này, trên giấy hay trên mạng.

Các Đại học càng ngày càng khuyến khích thành viên cho các luận án Tiến sĩ lên mạng trong ý hướng chia sẻ kiến thức khoa học. Đó cũng là một hình thức tôn vinh các khoa học gia và xa hơn nữa, dù không nói một cách trực tiếp, quảng cáo cho Đại học mình. Nội dung và giá trị của các luận án Tiến sĩ thông thường đã được chứng minh bằng một hay hai bài báo khoa học của ứng viên Tiến sĩ. Trong hội đồng của luận án – jury de thèse – lúc nào cũng có các chuyên viên quốc tế trong ngành nên các luận án Tiến sĩ là những tài liệu tham khảo khả tín.

Tìm tài liệu trên mạng ?

Dĩ nhiên rồi, mạng internet giúp người làm khoa học tìm tài liệu dễ dàng nhanh chóng hơn và nhất là hữu hiệu hơn (chỉ cần một hay hai chữ chính, key words, là có hết danh sách thư mục liên quan). Như đã nói trên, các Đại học đều có trả tiền mua dài hạn các tạp chí khoa học để thành viên của mình được quyền tra khảo.

Các khoa học gia hiện làm việc với công cụ Internet mỗi ngày.

“Người trần mắt thịt”, không là thành viên của các Đại học thì sao ? Một số tài liệu khoa học cũng có thể đọc được trên mạng nhưng thông thường chỉ có bài tóm lược abstract chứ không có toàn văn full text . Đại đa số các tạp chí khoa học hay nhà xuất bản sách khoa học đều có dịch vụ này để «tuyển» hay «câu mồi» người đọc. Một vài sites, Ṕersee nằm trong số đó – Persee là của Đại học và trường Cao đẳng Sư phạm Lyon – đi xa hơn và cho phép bất cứ ai được đọc tài liệu toàn văn. Nhưng các sites này cũng tùy thuộc điều lệ về bản quyền của các nhà xuất bản cho ít nhất là một số tài liệu mới mà nhà xuất bản giữ bản quyền (ngay chính Perse cũng nói về vấn đề này trên trang chủ).

Nhưng bất cứ ai cũng có thể tránh khó khăn này bằng cách liên hệ trực tiếp với tác giả tài liệu – qua trang nhà của tác giả hay liên hệ bằng thư. Đại đa số các tác giả vui vẻ sẳn lòng chia sẻ kết quả nghiên cứu hay công trình của mình.

Những tài liệu khác trên Internet đòi hỏi ta vô cùng thận trọng. Ở đây … đá sỏi chen lẩn với đá quí.

Bất cứ ai cũng có thể viết bất cứ cái gì rồi cho lên mạng. Thông thường các chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu chia sẻ với sinh viên và nghiên cứu sinh các cách sàng lọc tài liệu, dựa trên tên tác giả, dựa trên cơ quan nơi tác giả đó làm việc, dựa trên đặc tính của site (site của các cơ quan quốc tế thường «nghiêm chỉnh» và đáng tin cậy hơn site «thương mại» chẳng hạn).

Cũng cần xem, nếu có thể, chủ đích của tác giả hay của site khi đăng tài liệu ấy (nhiều khi dù là không có tính thương mại hay tuyên truyền, chủ đích của tác giả chỉ là chuyện … trà dư tửu hậu hay chỉ nhắm tới một cử tọa không chuyên môn). Người …trong cuộc, chỉ cần đọc nội dung hay xem cách trình bày của tác giả là có thể nhận định ra các chi tiết này.

.

Trường hợp của Wikipedia ?

Wikipedia là một loại bách khoa toàn thư mà bất cứ ai cũng có thể là cộng tác viên. Thế nên có những tài liệu rất khả tín, được viết với những cẩn trọng của một bài khoa học và được viết dưới dạng hoàn chỉnh của một tài liệu khoa học – cô đọng và súc tích với danh sách tài liệu tham khảo nghiêm chỉnh – . Nhưng giá trị của các bài trên Wikipedia không đồng đều. Ở đây, nhà nghiên cứu cũng phải có những cẩn mật cần thiết trước khi dùng nguồn Wikipedia. Chính Wikipedia cũng bảo ta phải cẩn mật ấy mà.

.

 

.

Vài tài liệu tham khảo cho bài này :

Mai Poirrier, Méthodologie de la recherche en sciences sociales. Notes de cours, HEMES, 2002.

.

Marc Couture, Evaluation de la crédibilité d’un document en ligne. 27.11.2011

http://benhur.teluq.uqam.ca/ST/sciences/sci1021/evalweb.htm

Wikipedia, Phủ nhận chung
http://vi.wikipedia.org/wiki/Wikipedia:Ph%E1%BB%A7_nh%E1%BA%ADn_chung

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511363

Hôm nay

226

Hôm qua

2336

Tuần này

21737

Tháng này

218236

Tháng qua

121356

Tất cả

114511363