Nhờ đó, khác với BXĐ, tôi không phải đoán mò ông là con cháu nhà ai…Tôi biết rõ rằng ông là người làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì; rằng ông sinh năm 1934, cùng tuổi với hai Thày Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng; rằng ông đã từng học Văn khoa và Luật khoa; từng làm luật sư tại Tòa Thượng thẩm Sài Gòn ( 1961); rằng ông là một nhà hoạt động văn hóa tích cực, sôi nổi, và chỉ từ sau năm 1975, ông mới dành tâm sức cho việc nghiên cứu nguồn gốc dân tộc, cho Việt học.v.v. Và ông đã qua đời vào tháng 4 năm 2006.
Từ các bài viết của ông, tôi biết ông là người có lòng tự hào tự tôn dân tộc cao độ. Tuy nhiên, có thể vì là một nhà nghiên cứu nghiệp dư, một số luận điểm của ông khá cực đoan và tùy tiện (ví dụ: người Australoid ở ĐNA đã biến thành đại chủng Mongoloid trước khi thiên di lên phía Bắc do cấu trúc di truyền đột biến!?), nhiều luận điểm của ông dựa trên các tư liệu đã ít nhiều lỗi thời, lạc hậu. Vì thế, dù rất trân trọng tâm huyết và lao động của ông, tôi đành phải giữ thái độ “kính nhi viễn chi” với ông và sách báo của ông.
Giờ, BXĐ đã đưa sách của ông ra, tôi sẽ chứng minh cụ thể những nhận xét trên.
Trong phần chính của bài viết, BXĐ giới thiệu 2 Chương chính 3 và 11 mà theo ông “với những tư liệu và luận điểm trong các chương này, có lẽ vấn đề đã được rõ ràng hơn, nếu như không dám nói là đã được kết luận”.
Có thực vậy không? Chúng ta hãy xem xét các tư liệu và luận điểm chính của hai Chương trên.
Về Chương 3: Sự thuần hóa cây lúa nước và ảnh(?) của nó đối với tư duy người Việt Cổ( lưu ý, lại một dấu hiệu của sự ẩu tả), BXĐ viết:
…“tác giả sử dụng các kết quả khai quật khảo cổ học Việt Nam và ý kiến của các nhà khoa học Nga để cho rằng, với những mẫu lúa phát hiện được ở hàng Xóm Trại (tỉnh Hòa Bình) có niên đại 3500 năm trước Công nguyên, Văn hóa Hòa Bình là một trong ba cái nôi phát sinh trồng trọt của thế giới và là nôi của cây lúa nước (hai nôi còn lại vùng Cận Đông trồng lúa mỳ và nôi trung tâm Nam Mỹ trồng khoai mỳ và các loại củ). Ngày càng có nhiều học giả thế giới công nhận thuyết này; từ đó càng có nhiều người để tâm nghiên cứu Văn hóa Hòa Bình, với các tên gọi khác nhau “Truyền thống Hòa Bình”, “Phức hợp kỹ thuật Hòa Bình”… Học giả Nga Kriukov cho rằng, việc trồng lúa nước xuất hiện ở Bắc Việt Nam được một nhóm cư dân di cư đem nghề này, theo ngả Chia Ling Chang (thuộc tỉnh Tứ Xuyên hiện nay), vượt núi Chinh Linh để vào lưu vực sông Hoài, gặp môi trường thuận lợi đã nhanh chóng phát triển nghề nông ở đây, rồi nhờ lương thực phong phú mà phát triển nghề gốm, để trở thành nền Văn hóa Ngưỡng Thiều trong phạm vi lưu vực sông Hoài (tr. 61). Điều này ngược với luận điểm cho rằng, Văn hóa Ngưỡng Thiều là trung tâm của văn hóa lúa nước “phát” đi các nơi khác.
Về đoạn viết trên, tôi có vài nhận xét sau:
1-Về mẫu lúa ở hang Xóm Trại
Trước hết, cần nói ngay, người đã phát hiện ra các mẫu lúa ở hang Xóm Trại, thuộc văn hóa Hòa Bình vào đầu những năm 1980 chính là TS Nguyễn Việt, hiện là Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, nơi tôi làm việc. Khi đó, ông và một số học giả Việt Nam rất hi vọng đó có thể là bằng chứng cho việc nông nghiệp lúa nước đã ra đời trong văn hóa Hòa Bình. Nhưng khi nhà khảo cổ học Nguyễn Việt đem các mẫu lúa này đi xác định niên đại bằng C14 ở CHDC Đức những năm cuối 1980, kết quả lại cho thấy chúng là những hạt gạo thời Trần. Điều này chính TS Nguyễn Việt trong cuốn sách Hà Nội –thời tiền Thăng Long xuất bản năm 2010 của mình thừa nhận Ông cũng khẳng định bộ công cụ của cư dân thời văn hóa Hòa Bình không thể là công cụ chế biến lúa.
Như vậy, giả thuyết “văn hóa Hòa Bình là cái nôi của lúa nước” đã không được kết quả C14 ủng hộ và không hề có việc “Ngày càng có nhiều học giả thế giới công nhận thuyết này” như BXĐ tưởng tượng.
Thực tế, các nghiên cứu sau này, được công bố tại Hội nghị khoa học quốc tế kỷ niệm 60 năm ngày học giả Pháp M. Colani phát hiện văn hóa Hòa Bình tại Hà Nội năm 1993, đã cho thấy các công cụ đá kiểu Hòa Bình phân bố rộng khắp ở Nam Trung Quốc và Đông Nam Á. Khái niệm văn hóa Hòa Bình từ đó đã được hiểu như một tập hợp các công cụ đá cuội được khai quật từ các hang và mái đá có cùng đặc trưng kỹ thuật chế tác và tiêu biểu cho lối sống của cư dân Đông Nam Á ( gồm cả Nam Trung Quốc) cách đây từ 12 000 đến 4000 năm. Nói một cách khác, khái niệm Hoabinian, đầu tiên được hiểu như một nhóm cư dân, rồi một nền văn hóa hay một phức hợp kỹ thuật, giờ được coi là một công nghệ chế tác. Việc phát hiện hơn 120 di chỉ văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam chỉ phản ánh mức độ nghiên cứu tập trung ở đây chứ không phải là bằng chứng của việc Hòa Bình là trung tâm của nền văn hóa đó hay người tiền sử từ Hòa Bình di dân lên phương Bắc. Tính thống nhất và đa dạng của các công cụ kiểu Hòa Bình phản ánh tính thống nhất và đa dạng của môi trường Đông Nam Á thời tiền sử.
Tôi không có trong tay cuốn sách của học giả Cung Đình Thanh nên không biết ông đã dùng các nguồn tư liệu nào, nhưng rõ ràng, ông đã tin theo một hay vài giả thuyết có cách đây hơn 30 năm và nay đã hoàn toàn đi vào dĩ vãng.
Trong cuốn sách của tôi, tôi đã đưa ra kết luận mới nhất và hiện vẫn đang được thừa nhận rộng rãi, quê hương của cây lúa nước châu Á là vùng ven hồ Động Đình, Hồ Nam.
Một loạt các bằng chứng khảo cổ-nhân chủng-sinh vật của kết luận này được trình bày trong cuốn “Những nhà nông đầu tiên-nguồn gốc của các xã hội nông nghiệp của nhà khảo cổ học Úc Peter Bellwood, nguyên Chủ tịch Hội nghiên cứu Tiền sử vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một người rất thân thuộc với giới khảo cổ học Việt Nam. Cuốn sách trên của ông xuất bản năm 2005, sau đó, tôi và Ts Nguyễn Việt đã dịch cuốn sách này ra tiếng Việt ( NXB Thế giới 2010).
Năm 2011, một nghiên cứu của các học giả tại 4 trường Đại học lớn ở Mỹ đã cung cấp bằng chứng di truyền (DNA) vững chắc nhất, xác định nơi duy nhất thuần hóa lúa dại là vùng Dương Tử ( tức vùng hồ Động Đình).
2-Nghề trồng lúa nước ở văn hóa Ngưỡng Thiều
Trước hết, tôi thấy các địa danh Chia Ling Chang, Chinh Linh hơi lạ ( riêng Ching Ling đúng ra phải viết là Qin Ling/Chin Ling=Tần Lĩnh).
Tôi biết nhà dân tộc học Kriukov là người giỏi cả 3 tiếng Anh, Pháp, Trung và từng làm việc tại Trung Quốc. Nhưng tôi không biết học giả Cung Đình Thanh đọc tư liệu của Kriukov bằng tiếng gì để có những phiên âm lạ trong sách của mình như vậy.
Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là ý kiến cho rằng nghề trồng lúa nước đi từ Bắc Việt Nam được một nhóm di dân đem theo ngả Tứ Xuyên, vượt Tần Lĩnh để vào lưu vực sông Hoài…trở thành văn hóa Ngưỡng Thiều.
Chắc chắn, sông Hoài bắt nguồn từ Hà Nam, chảy xuống Nam Hà Nam, Bắc An Huy, Nam Giang Tô rồi chảy vào sông Dương Tử. Trong khi đó, địa bàn của văn hóa Ngưỡng Thiều lại là vùng sông Hoàng, thuộc các tỉnh Hà Nam, Sơn Tây và Thiểm Tây. Và điều cũng chắc chắn là nông nghiệp vùng sông Hoàng nói chung, của văn hóa Ngưỡng Thiều nói riêng, do khí hậu khô lạnh, chủ yếu dựa vào nghề trồng kê chứ không phải nghề trồng lúa nước ( chỉ một số nơi như Bán Pha có trồng lúa nhưng là lúa khô). Vì thế, không thể có luận điểm nào nói “văn hóa Ngưỡng Thiều là trung tâm của văn hóa lúa nước” cả.
Còn nữa, thật khó hình dung rằng người trồng lúa từ Bắc Việt Nam khi thiên di lại phải đi về phía Tây Bắc-qua Tứ Xuyên –lên Hà Nam rồi tới sông Hoài, trong khi từ Bắc Việt Nam tới vùng sông Hoài có những con đường ngắn hơn qua Quảng Tây, Quảng Đông tới Hồ Nam, qua Giang Tây.
Tôi không hiểu những nhầm lẫn và vô lý trên là từ đâu? Tôi đề nghị BXĐ cung cấp tư liệu gốc của Kriukov để tôi liên lạc với ông hỏi cho rõ.
Tiếp đó, BXĐ viết:
Chương 11 (Nhờ tiến bộ của di truyền học, phải chăng đã đến lúc chúng ta có thể khẳng định được nguồn gốc dân tộc Việt Nam ?), tác giả đưa ra thông tin vô cùng quan trọng: Nhà bác học người Mỹ gốc Hoa J. Y. Chu cùng 13 đồng nghiệp…đã công bố một nghiên cứu thành công về Di truyền học…Kết quả nghiên cứu gien của công trình này “phủ nhận người Trung Hoa đã tự sinh ra và phát triển độc lập trên đất Trung Hoa như nhiều nhà khảo cổ học trước đây đã chủ trương”; đồng thời khẳng định “gốc gác của người Trung Hoa từ Đông Nam Á di lên” (tr. 294) và “Người Đông Nam Á di lên, sau lại lai giống với người từ Trung Á và Âu châu di cư đến, có lẽ đây là tổ tiên của người Hoa Hán lập nên nhà Thương” (tr. 295) và như vậy, “Người thuộc Văn hóa Hòa Bình từ Đông Nam Á, mà điểm chính có thể từ Bắc Việt Nam đã di cư lên góp phần thành lập nước Trung Hoa” (tr. 295). Di truyền học đã chứng minh người Đông Nam Á không chỉ góp phần mà còn đóng vai trò chính, là bộ phận chủ đạo của nhân chủng lập nên nước Trung Hoa (cùng trang trên)…Thông tin này là cứ liệu vô cùng quý để khẳng định người Việt là bản địa hay từ “phương Bắc” di cư xuống.
Trước hết, cần thấy rằng kết quả nghiên cứu của học giả Chu và cộng sự chỉ cho thấy người tiền sử từ châu Phi tới Đông Nam Á ( từ đây ĐNA) rồi sau đó đi lên phía Bắc, điều tôi cũng nêu trong Phụ lục 1 trong sách của mình, cụ thể là: người Australoid cổ (Proto Australoid), rời châu Phi vào khoảng 60 000 năm TCN, di chuyển dọc theo vùng thềm lục địa ở Ấn Độ Dương (nay nằm dưới biển) tới bán đảo Ả rập, Nam Ấn Độ và ĐNA lục địa, sau đó phân thành hai nhánh, một nhánh đi về phía Đông Bắc tới vùng ven biển Trung Quốc, Nhật Bản, một nhánh đi về phía Đông Nam tới Australia vào khoảng 50 000 TCN.
Bản đồ về sự thiên di của Người Thông Minh ra khỏi châu Phi.
Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Recent_African_origin_of_modern_humans
Như trên đã nêu, văn hóa Hòa Bình có niên đại cách đây chỉ khoảng 12000-4000 năm, tức muộn hơn hàng chục ngàn năm so với thời người Australoid đi về phương Bắc. Các chủ nhân của văn hóa Hòa Bình không hề Nhà Thương ở Trung Quốc chỉ ra đời vào thế kỷ 17 TCN. Vì thế luận điểm: “Người thuộc Văn hóa Hòa Bình từ Đông Nam Á, mà điểm chính có thể từ Bắc Việt Nam đã di cư lên góp phần thành lập nước Trung Hoa”là hoàn toàn vô lý và không có bất cứ cơ sở nào về khảo cổ học và sử học.
Điều “lý thú” nhất ở đây là câu nhận xétcủa BXĐ “Thông tin này là cứ liệu vô cùng quý để khẳng định người Việt là bản địa hay từ “phương Bắc” di cư xuống.
Thứ nhất, dễ thấy đó là một câu lủng củng, tối nghĩa bởi người ta chỉ có thể “khẳng định “ một luận điểm nào đó chứ không thể cùng lúc khẳng định cả hai luận điểm đối lập. Đó là kiểu khẳng định của các thày bói, đại loại “số cô không giàu thì nghèo”!
Thứ hai, nếu trong bài viết trước BXĐ còn lớn tiếng phủ nhận thuyết thiên di thì giờ ông lại phải mượn chính quan điểm về sự thiên di của người Hòa Bình lên phía Bắc của Cung Đình Thanh để bác bỏ quan điểm về sự thiên di của người Việt về phía Nam của tôi. Như dân gian nói, thế là “tự vả” hay “tự vác đá ghè chân mình” đấy.
Thứ ba, trong khi học giả Cung Đình Thanh còn nói chung chung di dân lên phương Bắc –người Australoid là “người Hòa Bình” hay là “người ĐNA” thì BXĐ lại gọi luôn đó là “người Việt”. Trong trường hợp này, bệnh ẩu tả của BXĐ đúng là hết thuốc chữa!
Nhưng điều trớ trêu hơn, có lẽ do đọc sách kiểu “ngấu nghiến” nhưng thực chỉ có “nghiến” mà không “ngấu”, BXĐ đã không biết rằng, học giả Cung Đình Thanh cũng không hề phủ nhận sự thiên di của người Việt từ Bắc xuống Nam do sự bành trướng của Hán tộc, cho dù ông có những cách lý giải này khác. Tôi xin mời các độc giả và BXĐ đọc bài “Phải chăng đã đến lúc chúng ta có thể khẳng định được nguồn gốc dân tộc Việt Nam” viết năm 2000 và được đăng lại trên www.vanhoahoc.vnngày 13-4-2008, trong đó ông viết (phần gạch dưới do tôi nhấn mạnh):
Mới xem giả thuyết này có vẻ không sai vì quả đã có một cuộc di cư của người từ phía nam sông Dương Tử, vùng nay thuộc các tỉnh Triết Giang, Phúc Kiến, Quý Châu, Quảng Ðông, Quảng Tây đi xuống phía Nam từ khi nhà Tần thống nhất đại lục, lập ra một chính quyền trung ương dưới sự thống trị của nòi Hoa Hán (chỉ mấy trăm năm trước Công Nguyên)…Dân ở Cửu Chân, Nhật Nam là dân ở vùng Bắc và Bắc Trung Việt ngày nay, chắc chắn là tổ tiên người Việt nổi lên hưởng ứng Hai Bà Trưng, lãnh tụ của mình là chuyện dĩ nhiên rồi. Nhưng còn dân Nam Hải, Hợp Phố và 65 thành thuộc Lĩnh Nam tức dân các tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây, đảo Hải Nam, có thể một phần các tỉnh Quý Châu, Hồ Nam, Giang Tây, Phúc Kiến, cả Triết Giang nữa thuộc Trung Quốc ngày nay. Vậy họ là dân nào? Chả lẽ họ là dân Hán mà lại theo lãnh tụ người Việt nổi lên đánh đuổi quan quân nhà Hán giành độc lập cho người Việt sao ? Phải chăng người phương Bắc đó với người địa phương nay thuộc Bắc phần và Bắc Trung phần Việt Nam chẳng qua cũng cùng một đại tộc ? Và sự di cư từ miền Bắc về miền Nam do sự dồn ép của Hoa tộc một phần, nhưng trước đó là do sự nước biển đã lui dần trả lại các đồng bằng sông Hồng, sông Mã màu mỡ, là phần khác, phần chính, khiến luồng người từ miền Bắc di về miền Nam cũng chỉ là sự qui cố hương của giống người trước kia đã từ miền Nam bành trướng lên miền Bắc ?
Có thể thấy, trong khi vật vờ bơi để cố dìm cuốn sách của tôi, BXĐ đã bám lấy cuốn sách của cố học giả Cung Đình Thanh và coi đó là một cái cọc . Nhưng tiếc thay, đó lại là một chiếc cọc chân không hề vững.
Còn nữa, BXĐ cho biết: sách của học giả Cung Đình Thanh “thu hút” ông bởi “sách có nguồn tài liệu khá phong phú, địa chỉ rõ ràng, nhưng không có tư liệu nào trên mạng”.
Về việc dùng tư liệu trên mạng, tôi đã có bài trả lời BXĐ. Không rõ ông đã đọc bài Vấn đề tài liệu tham khảocủa Nguyễn Huỳnh Mai, đăng trên vanhoanghean.com ngày 29-5-2014 chưa? Nếu chưa đọc thì nên đọc ngay và đọc kỹ. Còn nếu đọc rồi mà vẫn có ý kiến như trên thì quả thực, ông giống con cà cuống quá. Xem ra, khả năng cập nhật kiến thức bằng công nghệ tin học của ông đúng là “một số O tròn trĩnh”!
Nhân đây, tôi cũng muốn chia sẻ với các bạn đọc rằng, khi soạn phần Tư liệu tham khảo, đầu tiên tôi cũng làm theo đúng qui định của NXB Tri Thức, ghi rõ gốc gác sách nào, tạp chí nào, ở các trang nào của từng tư liệu. Nhưng đúng vào phút 89, tôi thấy cách làm đó vừa không trung thực vừa không thiết thực bởi thực tế nhiều tư liệu tôi đã tìm được trên mạng, và với đầu đề, những người quan tâm có thể dễ dàng dùng Google tìm chúng trên mạng, với gốc gác rõ ràng, cụ thể. Vì thế, cuối cùng, tôi đã có một Thư mục soạn theo kiểu mới, thích ứng với thời đại mới của thế giới phẳng và internet.
BXĐ có nói” việc trao đổi khoa học” giữa ông và tôi đã “đi theo hướng xấu”. Tôi lại không thấy vậy. Ông viết bài nói đi, tôi viết bài trả lời lại. Ít nhất, các bài đó cũng làm cho bạn đọc rộng rãi hiểu thêm về những vấn đề đã và đang gây tranh luận trong việc nghiên cứu nguồn gốc người Việt –người Mường, qua đó hiểu thêm về nguồn gốc dân tộc. Chúng cũng giúp cả tôi và ông “biết mình-biết người” thế nào. Tất cả những điều đó rõ ràng là cần thiết và bổ ích cho mọi người, cho cả ông và cho tôi. Vì thế, đó là hướng tốt, và BXĐ, hãy tiếp tục viết nữa cho vanhoanghean.com.vn, và hãy “nói ra… đừng sợ…” nhé!