Diễn đàn

Xin hỏi ôngTạ Đức

Tôi là một cán bộ bên ngành quản lý văn hóa, trước đây có tham gia làm báo “nghiệp dư”, nay đã nghỉ hưu tại Hà Nội. Hơn một tháng qua, cùng với việc theo dõi sát sao tình hình nóng bỏng của đất nước, tôi chăm chú bám theo một sự kiện “nóng bỏng” khác trên báo chí, nhất là trên Văn hóa Nghệ An về cuộc tranh luận gay gắt giữa ông Bùi Xuân Đính (BXĐ), ông Hà Văn Thùy (HVT), ông Trần Trọng Dương (TTD) …với ông Tạ Đức về cuốn sách “Nguồn gốc người Việt - người Mường”.

Cả bốn ông, tôi đều không quen. Ông BXĐ và TTD tôi chỉ biết mặt trên ảnh sau khi có cuộc tranh luận và tra google thì thu được một số thông tin; ông HVT tôi mới chỉ biết qua ký họa hình ông trên blog của ông; còn ông Tạ Đức, tôi có thoáng gặp ở một hai hội nghị thông báo khảo cổ học, song những thông tin về ông, tôi đã được một vài người từng học với ông ở CHDC Đức, nay hoặc đã nghỉ hưu, hoặc còn làm việc ở Hà Nội cho biết. Được biết, ông là người mang phong cách người Hà Nội, hào hoa, hào hiệp. Nói như vậy để thấy, tôi viết bài này với tư cách là người đứng giữa.

Cuộc tranh cãi giữa ông Đức và những người khác từ hơn một tháng nay diễn ra gay gắt, không chỉ tính chất “nóng” của vấn đề khoa học, mà còn vì cung cách hành xử của mỗi người, gây ra những đánh giá trái chiều với người đọc. Đến ngày 13/ 6, khi đăng bài “Về lá thư của Bùi Xuân Đính” trên Văn hóa Nghệ An, ông Tạ Đức tuyên bố ông là người thắng cuộc với câu khẳng định :”Trên bàn cờ, xe pháo mã của ông (BXĐ) đã bị tôi (Tạ Đức) bắt hết, giờ cờ bí, ông dí tốt. Lá thư của ông (thư của BXĐ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm đánh giá sách của Tạ Đức) chỉ là một con tốt đáng thương, tội nghiệp”.

Có thể đúng như tuyên bố, ông Tạ Đức là người thắng cuộc trong cuộc “đấu khẩu” này. Song cũng vì thế, tôi xin hỏi ông Đức mấy câu hỏi sau, liên quan đến bài viết “Về lá thư của Bùi Xuân Đính” trên cùng một số bài khác ông trả lời ông BXĐ, ông HVT và ông TTD.

Câu hỏi thứ nhất: Trong các bài viết của mình, ông thể hiện một sự tự tin đáng khâm phục; đến mức, ông tuyên bố rằng, ông mới là người nghiên cứu chuyên nghiệp, còn những người khác là không xứng tầm.

Vậy xin hỏi ông Tạ Đức, nếu ông là người nghiên cứu chuyên nghiệp, thì chuyên môn thật sự của ông là cái gì ? Tôi được biết (tôi xin lỗi ông vì buộc phải nói điều này, mục đích chỉ để hỏi ông), ông được đào tạo đại học về dân tộc học, từng là cán bộ Viện Dân tộc học từ 1980 đến năm 1989 thì được cơ quan ưu ái, cử đi học nghiên cứu sinh tại CHDC Đức. Nhưng chỉ vài tháng sau, khi bức tường Béclinh đổ, ông chạy ngay sang bên phía Tây, rồi không tiếp tục học nghiên cứu sinh nữa, mà ở lại bên đó làm ăn. Gần 10 năm sau, khi có của ăn của để, ông về nước, tiếp tục nghiên cứu (trong Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á của ông Nguyễn Việt- một người cũng “đứt gánh” ở bên Đức như ông, song hơn ông bởi có bằng tiến sĩ). Điều này là đáng quý, như ông Đỗ Lai Thúy nhận xét “Giàu mà làm khoa học mới đáng trân trọng”. Tuy nhiên, xét một cách thẳng thừng, ông cũng chỉ là một người nghiên cứu dân tộc học nghiệp dư.

Trong sách của ông, ông sử dụng phần lớn tài liệu khảo cổ học. Vậy ông có phải là nhà khảo cổ học chuyên nghiệp không? Điều này chỉ có thể kết luận được khi có cuộc điều tra thăm dò ý kiến trong các nhà khảo cổ học của cả nước, hay ít nhất trong Viện Khảo cổ học.

Trong sách của ông cũng sử dụng khá nhiều tài liệu ngôn ngữ học. Vậy ông có phải là nhà ngôn ngữ học chuyên nghiệp không? Cũng như trên, điều này chỉ có thể kết luận được khi có cuộc điều tra thăm dò ý kiến trong các nhà ngôn ngữ học của cả nước, hay ít nhất trong Viện Ngôn ngữ học.

Cứ cho ông là nhà nghiên cứu chuyên nghiệp của một trong ba ngành trên đi, thì vấn đề cần được đưa ra xem xét là cung cách trao đổi khoa học của ông có thật sự chuyên nghiệp không? Giống như trong bóng đá, có nghiệp dư và chuyên nghiệp. Cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp ngoài kỹ năng, kỹ chiến thuật được đào tạo bài bản và “khổ luyện thành tài”, còn phải được giáo dục cách hành xử trên sân cỏ, trong một trận đấu. Cầu thủ giỏi thường dễ bị đối phương “chặt chém”, khiêu khích, thậm chí có khi bị trọng tài rút thẻ đỏ, thẻ vàng oan ức. Nếu không “chuyên nghiệp”, cầu thủ rất dễ nổi nóng, quay ra đánh nhau, chửi bậy, thậm chí chửi và hành hung cả trọng tài, “ăn” thẻ đỏ là cái chắc, để đồng đội phải “gánh chịu” phần còn lại của trận đấu. Còn nếu là chuyên nghiệp, cầu thủ phải “nhịn nhục” chịu đựng, quá lắm chỉ phàn nàn vài câu, còn mọi việc đúng sai để trọng tài, ban tổ chức phân xử. Trong khoa học cũng vậy. Người nghiên cứu chuyên nghiệp khi có tranh luận, thường chỉ bàn với thái độ khoa học những vấn đề thuộc về khoa học thôi, còn chuyện đời tư, ai lại lôi ra. Ngược lại, nếu là người nghiên cứu nghiệp dư, anh ta sẵn sàng nổi nóng, trút đủ thứ lên “đối thủ”, không ngại ngùng lôi đời tư của đối thủ ra để “hạ gục”, qua đó khẳng định sự “cao thượng, thế thắng” của mình.

Cách hành xử (đúng ra là phản đòn) của ông Tạ Đức trong các cuộc tranh luận thể hiện phong cách của người nghiên cứu nghiệp dư. Ông bảo ông HVT, cả ông Cung Đình Thanh đều là “nghiệp dư”, “ngoài ngành”, “một số luận điểm của ông khá cực đoan và tùy tiện”, “ông (HVT) học ngành sinh học, nhưng sau lại viết báo-làm văn nên khi làm sử ông vẫn có thói quen phóng tác và hư cấu nhiều quá!”, “có vẻ ông Thùy biết nhiều nhưng ít biết một điều gì đến nơi đến chốn”, “những điều ông Thùy nói là hoàn toàn đại ngôn và dối trá” v. v. ; ông TTD thì “thiển cận và kinh viện”. Còn ông BXĐ thì thôi rồi, “lãnh đủ” thứ đòn của ông. Tất cả các ý kiến trao đổi của ông BXĐ đều bị ông “quật lại”, với những từ mà ông BXĐ cho là “không nên có và không thể có ở một bậc trí thức, nhất là trên diễn đàn học thuật”, như “dốt tiếng Anh”, “không biết dùng internet”, “cơ hội xuất phát từ động cơ cá nhân”,“văn hèn, võ bẩn”! v. v và  v. v. Và đòn mà ông Tạ Đức cho là “hiểm nhất” tung ra, có thể “đánh gục BXĐ” ngay tức thì, là lôi chuyện ông Đính không có con trai trên mặt báo! Thôi, việc này xin để bạn đọc bình, riêng tôi thì cho rằng, trong tranh luận khoa học, người nào đem chuyện cá nhân ra để nói là thể hiện sự yếu thế, thậm chí đó là sự vô văn hóa.

2. Câu hỏi thứ hai: Ông là một công dân của nước Việt Nam, một giọt máu trong muôn giọt máu của dân tộc, sinh ra và lớn lên ở Việt Nam (trừ những năm ông ở Đức). Ông có còn nghĩ đến điều đó không mà lại có những việc làm đi ngược lợi ích của đất nước, của dân tộc mình như vậy? Luận điểm của ông về nguồn gốc người Việt đúng hay sai, tôi không dám bàn, vì tôi ”mít đặc” về vấn đề này. Song rõ ràng, việc ông tổ chức tuyên truyền sách của ông trên nhiều mặt  báo, rồi giới thiệu tại Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội không thể hiện ý thức của một công dân. Ông bảo, NXB Tri Thức và Trung tâm văn hóa Pháp là hai cơ quan phối hợp tổ chức cuộc ra mắt-hội thảo về cuốn sách của ông theo chương trình hợp tác thường xuyên giữa hai bên và đã được lên kế hoạch trước đó 3 tháng, ông chỉ là khách mời cho sự kiện đó. Vậy xin hỏi, giữa lúc Trung Quốc đang đánh mình như thế, ông nói chuyện về chủ đề như sách của ông, liệu có ích gì, nếu không muốn là sẽ bị Tàu lợi dụng? Nếu là công dân yêu nước, trong tình cảnh đất nước như vậy, ông phải chủ động xin hoãn mới đúng. Lúc đầu, tôi cũng nghĩ việc ông BXĐ gửi thư lên Trung tâm văn hóa Pháp đề nghị hủy bỏ buổi nói chuyện về cuốn sách của ông có thể “có động cơ chính trị”. Nhưng sau khi ông BXĐ công bố “Thư ngỏ” trên Văn hóa Nghệ An ngày 30/ 5, tôi mới hiểu ra vấn đề. Thì ra ông BXĐ đã lường được tác hại của việc ông tổ chức buổi nói chuyện trên trong bối cảnh phức tạp và nhạy cảm của đất nước đầu tháng 5. Điều này tôi cho rằng, ông Tạ Đức rất “nghiệp dư”. Theo ông lý sự, ông chỉ làm khoa học, không liên quan đến chính trị. Ôi! chẳng lẽ ông đã tốt nghiệp tại một trường đại học có uy tín ở Hà Nội, lại ở cái tuổi “lục thập”, lại cho rằng khoa học xã hội “thoát ly” chính trị sao? Ông lại bảo, việc hàng chục tờ báo đưa tin về sự kiện giới thiệu sách của ông “là công việc của các tờ báo trên”; vậy sao ông không bảo rằng, việc Trung tâm Văn hóa Pháp hủy bỏ buổi giới thiệu sách của ông là việc, là quyền của họ - như ông BXĐ đã chỉ ra ?; trong khi ông lại lớn tiếng quy kết ông BXĐ là “hành động lợi dụng lòng yêu nước để phá phách, làm xấu hình ảnh các nhà khoa học Việt Nam trong con mắt người Pháp”? Rồi ông biện minh cho việc ông nói chuyện về sách của ông tại 27 Trần Bình Trọng (vào tối 06/ 6) là “theo lời mời của Bookhunterclub một tổ chức do các học giả trẻ thành lập có mục đích “hỗ trợ và tư vấn các vấn đề học thuật và sáng tạo”. Ơ hay, nếu đã là hỗ trợ và tư vấn cho các học giả trẻ thì phải là vấn đề phương pháp nghiên cứu chứ, sao lại là tuyên truyền về sách của ông có nhiều bất lợi cho đất nước?

Là người ngoài ngành khoa học, tôi chỉ nêu với ông Đức hai câu hỏi liên quan đến hành xử khoa học của ông. Rõ ràng, ông là người nghiên cứu nghiệp dư không hơn không kém, trong khi ông lại lớn tiếng chê người với những lời lẽ mà theo tôi chỉ có ở chỗ chợ giời. Ông bảo ông không có tính háo danh và có nhu cầu nổi tiếng để cầu lợi như ông BXĐ, song chính ông, với những hành xử cả trong và ngoài khoa học như trên, xứng đáng được nhận “danh hiệu” đó. Có điều, sự háo danh và có nhu cầu nổi tiếng của ông lại đi ngược với dân tộc./.                                                                    

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513036

Hôm nay

2137

Hôm qua

2436

Tuần này

2973

Tháng này

219909

Tháng qua

121356

Tất cả

114513036