PGs.Ts phan Huy Dũng: Trước hết, tôi có phần đồng tình với nhận định rằng vai trò của văn học bị giảm sút trong đời sống xã hội và trong hầu hết các thành viên xã hội. Nói có sự giảm sút là vì nhớ tới thời mà tiếng nói của nhà văn được lắng nghe trân trọng và thời mà nhiều tác phẩm văn học được bàn luận sôi nổi, rộng rãi, không chỉ bó hẹp trong giới văn học. Đó là thời chống Pháp, chống Mỹ và Đổi mới. Bây giờ, tình hình rất khác. Sách ra vẫn nhiều, thậm chí rất nhiều. Số tác giả mới không ngừng tăng lên. Tất cả gây cảm tưởng viết văn thật dễ, ít nhất cũng không quá khó. Tiếp theo, điều đó dẫn đến một nhận thức: đừng quan trọng hóa hay trầm trọng hóa hoạt động văn học. Chẳng qua văn học chỉ là một hoạt động, một lĩnh vực tồn tại bình đẳng với trăm ngàn hoạt động, lĩnh vực khác mà thôi. Nhận thức này kể ra không sai. Thậm chí, nó còn có tác dụng tích cực trong việc điều chỉnh lại quan niệm cho rằng các trật tự đã có, từng có và vị thế đặc biệt mà văn học từng dành được lẽ ra phải được duy trì mãi mãi. Không có đâu! Đừng mơ khôi phục lại thời hoàng kim nào đó nếu ta nhớ rằng một số thời hoàng kim kia vốn cũng được xây dựng trên một nền tảng khá chông chênh (không chông chênh thì làm sao dễ bị nghi ngờ đến thế!).
Ở trên tôi nói có phần đồng tình. Có phần chứ không đồng tình tất cả. Tôi không chia sẻ với niềm nuối tiếc đã được biểu hiện trong nhận định đã nêu. Rồi tất cả phải trở về với trạng thái phát triển bình thường thôi, phải chịu sự chi phối của quy luật thị trường, của bước phát triển mới của công nghệ, của sự thay đổi các mối quan hệ kinh tế - xã hội… Không thích ứng được thì tất nhiên anh sẽ đánh mất vị thế từng có – điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, tôi vẫn tin tình hình không đến nỗi quá bi quan. Văn học rồi sẽ tìm được chỗ đứng thỏa đáng của mình trên cơ sở thừa nhận tình trạng, hoàn cảnh đa nguyên văn hóa, đa nguyên tinh thần của đời sống xã hội và nhìn ra đúng điểm mà mình có khả năng, có cơ hội đóng góp được nhiều nhất cho tình trạng, hoàn cảnh đa nguyên đó.
Trong ý kiến anh đã nêu, nguyên nhân sự giảm sút vai trò của văn học được quy về tác động của cơ cấu kinh tế - xã hội và của một số yếu tố khác. Điều đó dĩ nhiên là đúng nhưng chưa đủ. Không thể không kể đến nguyên nhân chính trị, cụ thể là thái độ của thể chế chính trị hiện nay đối với văn học. Trên giấy trắng mực đen, ai cũng khẳng định vai trò quan trọng của văn học và muốn vai trò đó luôn được thể hiện. Vấn đề mấu chốt hóa ra nằm ở chỗ: sự phát triển của văn học bị phụ thuộc rất nhiều vào cách xác định vai trò của nó là vai trò gì và việc cụ thể hóa vai trò đó thành ra những nhiệm vụ này, nhiệm vụ nọ. Theo tôi, những lời tri hô trên các diễn đàn lớn mang tính chính thống rằng chúng ta chưa có những tác phẩm lớn xứng đáng với “kỳ vọng của nhân dân” nghe ra thì có vẻ tâm huyết nhưng kỳ thực là rỗng tuếch! Sự tình vì đâu nên nỗi? Sao người ta chỉ nhìn thấy nguyên nhân từ một phía?
Phóng viên: Vậy văn học, văn chương đã và sẽ phải chịu sự tác động của nhân tố mà ông nói đó như thế nào?
PGs.Ts phan Huy Dũng: Văn học tự đánh mất sinh khí vì những sự minh họa khô cứng và bị chìm lút đi giữa những món giải trí dễ dãi, rẻ tiền. Văn học thiếu tư tưởng lớn, thiếu khát vọng lớn. Vì thiếu những cái đó mà dũng khí không còn. Nỗi lo về sự an toàn khiến người sáng tác buộc phải đầu tư nhiều cho những trò tiểu xảo, dốc không ít năng lượng sáng tạo vào việc hoàn thiện hệ thống tiểu xảo. Tôi có thể cảm thông nhưng tôi không mấy ngưỡng mộ nền văn học nhan nhản những trò tiểu xảo như thế. Thật không chính đáng khi cứ viện vào tính đặc trưng trong phương thức thể hiện, phản ánh, miêu tả của văn học để biện minh cho điều này. Quan sát thái độ hể hả của một số người viết khi nói “vụng” hay “đá xéo” được một đôi câu về các vấn đề “nhạy cảm”, tôi biết rõ nền văn học của ta hiện nay còn lâu mới xác lập được một tư thế tồn tại đàng hoàng, “ngang cơ” với các nền văn học lớn trên thế giới. Văn học cần hướng về lý tưởng, và trong khi hướng về lý tưởng, phải đả phá cái lỗi thời, phản động. Nhưng giữa đả phá chính trực và “nói xấu” có một khoảng cách rất xa! Xin lưu ý: tôi đang trình bày vấn đề xoay quanh hai chữ “tác động” mà anh hỏi chứ không đơn thuần bộc lộ sự bất mãn đối với văn học và các nhà văn. Có thể tôi đang “cao giọng”, nhưng lẽ nào, với tư cách một độc giả văn học, tôi không có được quyền “cao giọng” như thế?
Phóng viên: Tôi thấy, ngay trong thời gian vừa qua cũng đã có những hiện tượng văn học có những tác động không nhỏ đến đời sống xã hội, như vụ Nhã Thuyên chẳng hạn. Như vậy là văn học vẫn có vai trò và sức mạnh/khả năng tác động vào đời sống xã hội của nó. Vậy sự tác động, sự ảnh hưởng của văn học, văn chương đến đời sống xã hội như thế nào trong giai đoạn hiện tại?
PGs.Ts Phan Huy Dũng: Hiện tượng văn học khác với “vụ” liên quan tới văn học. Gọi là “vụ” thì rõ ràng chuyện đã vượt khỏi biên giới văn học rồi. Ai làm cho nó thành “vụ”, mà lại là “vụ không nhỏ” thì mọi người đã rõ, chắc chẳng cần phải nói thêm. Riêng về hiện tượng văn học được luận văn của Nhã Thuyên chọn làm đối tượng nghiên cứu (chưa có ai luận chứng đủ thuyết phục rằng nó không phải là hiện tượng văn học), đúng như anh nói, nó đã có những tác động nhất định đến đời sống xã hội. Tôi không quan tâm nhiều tới việc đánh giá mức độ tác động lớn hay nhỏ vào thời điểm cụ thể này bởi việc đo mức độ đó khá cảm tính. Phải nới khung thời gian mới đánh giá hết được và lời kết luận chưa phải đã có (như nhiều người tưởng, thậm chí tưởng… bở) mà còn ở phía trước.
Với câu hỏi đầu tiên, anh nêu một nhận định phàn nàn rằng vai trò của văn học đã bị giảm sút. Ở câu hỏi này, anh như muốn chỉnh lại ý kiến ban đầu. Anh làm tôi rối trí mất rồi. Nhưng không sao! Để khỏi rối trí, ta buộc phải nhận thức lại về tính thống nhất, thuần nhất của những cái làm nên văn học, làm nên đời sống văn học. Hóa ra, không có sự thuần nhất đó. Hóa ra những nhận xét của chúng ta ở trên chỉ nhằm đến một bộ phận của văn học bây giờ - cái bộ phận luôn tự tin mình là tất cả văn học hay mình mới là văn học chân chính. Hóa ra, chính ta đã bị cái nhìn nhất nguyên chi phối một cách khá triệt để. Thế giới văn học phức tạp hơn nhiều. Có cái suy, có cái thịnh, có cái đang phôi thai. Có cái chính thống mà ẩm ương. Có cái bên lề mà mới mẻ (nhiều khi mới mẻ một cách oái oăm). Có cái “làm xiếc” giữa chính thống với phi chính thống thật “tài tình” mà nguy hiểm. Sự thay bậc đổi ngôi hay sự chuyển giao vai trò luôn diễn ra và chính điều đó làm nên sự phát triển chung của văn học. Nhìn theo góc độ này, tôi thấy chẳng có gì phải bi quan về vận mệnh, về vai trò của văn học nói chung cả. Nó đang đi đúng con đường của mình để tiến tới sự đa dạng cần thiết.
Cho dù đạt tới mức độ phát triển nào, văn học cũng có tác động đối với đời sống xã hội. Tôi nhận thấy sự tác động này cũng thật lắm vẻ. Không chỉ cái mới mẻ, tiến bộ mới gây tác động (tác động vào thái độ chính trị, vào việc hình thành ý thức thẩm mỹ mới…) mà cả cái xơ cứng cũ kỹ cũng gây tác động, thậm chí là tác động tích cực. Đây không phải là vấn đề chơi chữ mà là sự thật. Việc cái cũ mèm, cũ rích không thôi “diễn trò” chẳng phải đã giúp cho độc giả nhìn rõ rằng: thôi, đừng phí công quan tâm tới nó, hãy dành thời gian để tìm “bạn mới” hoặc để làm một việc gì có ý nghĩa hơn?
Phóng viên: Như trên chúng ta đã nói, văn học và và thực tại đời sống xã hội tác động tương hỗ lẫn nhau, làm cho cả hai cùng chuyển động. Về phương diện văn học, ông nhận thấy sự thay đổi của nó như thế nào?
PGs.Ts Phan Huy Dũng: Tôi thấy văn học có sự phân hóa rõ rệt thành các dòng phái, các xu hướng khác nhau mang những lý tưởng thẩm mỹ khác nhau. Ta đã chấp nhận, thậm chí khuyến khích sự đa dạng của các thành phần kinh tế, sự đa dạng văn hóa, lẽ nào không chấp nhận sự đa dạng của văn học như là một kết quả tất yếu của chúng? Sức mạnh của văn học nằm ở sự đa dạng chứ không phải ở sự thuần nhất hiền lành và sự thống nhất duy ý chí. Nếu xóa bỏ sự đa dạng, văn học chỉ còn là một cái xác không hồn, thiếu động lực phát triển, thiếu xung đột nội tại để cách tân, để đạt tới tầm cao mong muốn.
Phóng viên: Đời sống văn học của nước ta trong những năm qua, theo ông có những những sự kiện và đặc điểm nào đáng chú ý nhất?
PGs.Ts Phan Huy Dũng: Đặc điểm đáng chú ý nhất vừa được nói ở trên: sự phân hóa đa dạng trong cách nhìn nhận các vấn đề của đời sống, nghệ thuật, trong cách theo đuổi những thể nghiệm nghệ thuật; sự phân tán, thậm chí xung đột ý kiến trong đánh giá các hiện tượng văn học; sự “tương đối hóa”, thậm chí có trường hợp “zero hóa” tầm mức quan trọng của các giải thưởng được trao bởi các cơ quan, tổ chức chính thống… Còn sự kiện đáng chú ý nhất? Chưa có sự kiện nào! Có chăng chỉ là những sự kiện ngoài văn học! Thực ra, tôi không chờ sự kiện, không kỳ vọng ở những sự kiện. Trường hợp có tác phẩm lớn hoặc tác giả lớn xuất hiện, tôi cũng không muốn gọi đó là sự kiện. Ta đã lạm dụng từ sự kiện quá nhiều để bây giờ từ đó dễ gây dị ứng. Hãy để cho mọi việc diễn ra bình thường. Thời gian sẽ cho biết đâu là sự kiện thật, đâu là sự kiện giả. Kể ra, cứ dựa dẫm vào sự “thẩm định” của thời gian thì chẳng hay ho gì, vì nó gắn liền với thái độ lẩn trốn trách nhiệm của người phê bình, nghiên cứu. Nhưng biết làm sao được, trong hoàn cảnh phát ngôn cụ thể này? Không khéo tôi lại phải sa vào các cuộc tranh cãi vô bổ mà ở đó những người tham dự không chịu hiểu nhau, do bám khư khư lấy thang chuẩn thẩm mỹ của mình và tự cho rằng đó là thang chuẩn duy nhất đúng để đánh giá nhau, đánh giá các hiện tượng văn học.
Phóng viên: Văn học là một thành tố cốt lõi của nền văn hóa dân tộc – quốc gia, phạm vi hẹp hơn, của các cộng đồng tộc người, các vùng miền, các địa phương. Nhìn về thực tiễn hiện nay, ông có thể cho biết vai trò cốt lõi, nòng cốt của văn học đối với nền văn hóa quốc gia dân tộc đã được thể hiện như thế nào?
PGs.Ts Phan Huy Dũng: Tôi không thích từ cốt lõi. Tôi muốn dùng từ quan trọng hơn. Vì nó có “mức độ”. Vì nó phù hợp với thực tế (nhiều dân tộc không có nền văn học thật phát triển nhưng vẫn có nền văn hóa đặc sắc). Vì nó giúp ta thoát khỏi thói vỗ ngực huênh hoang tưởng mình là cái rốn của vũ trụ mỗi khi viện đến từ cốt lõi này. Trung Quốc cũng vì xác định lợi ích cốt lõi của họ ở biển Đông mà hành xử lỳ lợm và trơ tráo đến thế! Trở lại vấn đề đang bàn, tôi thấy ví dụ rõ nhất là: nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa ở nước ta (nó đang tồn tại đấy chứ!) đã đóng vai trò quan trọng trong việc “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”! Ai muốn tự hào về điều này xin cứ tự hào. Tôi quan tâm nhiều hơn đến những người không có được niềm tự hào đó nhưng thực sự đang góp phần sáng tạo ra các giá trị văn hóa mới bằng những tìm tòi chẳng dễ gì nhận được sự tung hô của đám đông hay của kẻ luôn duy trì định hướng cứng nhắc.
Phóng viên: Trong tâm thức văn hóa, người Việt Nam rất trọng văn học, văn chương. Trước đây, tri thức và tài năng văn chương là thước đo tri thức và tài năng một con người, thậm chí một cộng đồng. Bây giờ thì đã khác. Đành là phải vậy. Nhưng hình như ở ta thì thái quá. Văn chương đang xa dần với một bộ phận dân cư khá đông đảo. Cùng với môn lịch sử, việc học văn đang bị sao nhãng trầm trọng ở thế hệ trẻ. Theo đó việc dạy văn cũng trở nên khó khăn và tẻ nhạt hơn. Nhận xét này có đúng không, thưa ông?
PGs.Ts Phan Huy Dũng: Nhận xét này đụng tới nhiều vấn đề, có khía cạnh đúng và có khía cạnh chưa hẳn đúng. Tôi thấy tài năng văn chương vẫn được đông đảo công chúng ngưỡng mộ, tất nhiên đó phải là tài năng đích thực. Hiện tượng nhiều người viết thèm khát hay tấp tểnh mong có chỗ trong Hội Nhà văn chẳng phải là một biểu hiện của thái độ coi trọng văn chương đó sao? Biến tướng tiêu cực này đang buộc ta phải có cách tiếp cận khác, đánh giá khác đối với một “giá trị” được gọi là “thái độ coi trọng văn chương”! Có lẽ không nên xem thái độ này như là một cái gì hoàn toàn chỉ có mặt tích cực. Mặt tiêu cực đâu phải ít. Thực tiễn có nhiều ví dụ cho thấy việc “đóng cửa phòng văn hì hục viết”, việc chỉ biết ngâm ngợi thơ văn trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng của đời sống dân tộc đã dẫn đến thảm họa như thế nào, cho từng cá nhân và cho cả cộng đồng. Dù gì đi nữa, tôi vẫn xem thái độ này là biểu hiện của một cơn mê cần chấm dứt. Thật quá lắm khi đã mê văn chương lại còn mê sự mê văn chương đó của mình! Tiếp theo, nói văn chương đang xa dần với một bộ phận dân cư vẫn là nói cảm tính. Thêm nữa, như ở trên có đề cập, không thể lúc nào cũng nói đến một khái niệm văn chương chung chung. Người ta có thể hờ hững với thứ văn chương này nhưng lại thích thú đón nhận thứ văn chương kia. Hờ hững hay thích thú đón nhận cần được xem là một cách tỏ thái độ. Đã tỏ thái độ thì có nghĩa là không quay lưng tuyệt đối đối với văn chương. Điều này không thể được xem là một cơ may của văn chương hay sao?
Trong nhận xét về thực trạng dạy học văn, cái đúng chỉ là đúng ở từng mảnh rời. Khi các mảnh liên kết với nhau theo quan hệ nhân quả thì nhận xét không còn đúng nữa. Sao lại quy lỗi cho người học mà không quy lỗi cho người dạy, rộng hơn, cho cách dạy, cho cả một định hướng giáo dục, một triết lý giáo dục, nếu quả thực đã có một “triết lý” như thế?
Phóng viên: Tại sao vậy? Ông lý giải hiện tượng này như thế nào? Nếu môn sử là do sách giáo khoa thiếu khách quan, tư duy sử học quan phương, lạc hậu… Còn văn học, việc dạy văn có hiện tượng đó không?
PGs.Ts Phan Huy Dũng: Trò chán học văn, thầy chán dạy văn là hiện tượng có thật. Nguyên nhân chính đã được đề cập ở câu trả lời trên. Gần hơn, có một phần nguyên nhân giống trường hợp dạy học môn lịch sử. Quả có chuyện có một ít vấn đề “nhạy cảm” chưa được nói, chưa tiện nói, chưa thể nói khác, nhưng chuyện này không quá nghiêm trọng như người ta có thể suy diễn.
Phóng viên: Sự lạc hậu trong dạy văn thường được thể hiện ở những khâu nào? Như thế nào?
PGs.Ts Phan Huy Dũng: Trước hết là ở việc xác định mục tiêu của môn học. Tiếp đó là ở phương pháp dạy học. Mục tiêu của dạy học văn không phải là nhồi nhét những kiến cố định, đông cứng về văn học cho học sinh mà phải là bồi dưỡng năng lực cảm nhận, sáng tạo cái đẹp nói chung thông qua tìm hiểu cái đẹp của văn học. Muốn năng lực này phát triển, dĩ nhiên phải khuyến khích sự tự do bộc lộ ý kiến với tinh thần trách nhiệm cao. Qua dạy học văn, lại phải cho học sinh nắm được cách đọc văn, cách làm văn đầy sáng tạo. Để đáp ứng mục tiêu đó, phương pháp dạy không thể là câu chuyện của truyền thụ một chiều mà là câu chuyện của gợi thức, kích thích. Mọi khuôn mẫu cần phải được “giải cấu trúc”, cần phải được thẩm định lại thường xuyên trên cơ sở thâu nạp những dữ kiện mới do cuộc sống và do chính sự vận động của hoạt động dạy học văn đưa lại.
Phóng viên: Để khắc phục tình trạng học sinh không thích học môn văn, nâng cao chất lượng dạy văn học trong các nhà trường, nhất là bậc phổ thông, theo ông điều có ý nghĩa đột phá quyết định nhất là gì?
PGs.Ts Phan Huy Dũng: Đó là việc đào tạo lại giáo viên. Nói điều này, tôi không có ý cho giáo viên là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, cũng không có ý bảo đội ngũ giáo viên là đối tượng phải chịu trách nhiệm cuối cùng đối với thực trạng giáo dục hiện nay. Lý do rất đơn giản: giáo viên là người được đào tạo, là sản phẩm của một định hướng đào tạo lâu dài của nền giáo dục.
Trong việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của BCH Trung ương khóa XI về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam…, dần dần người ta đã nhận ra tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề này. Đúng là cần phải đổi mới chương trình và sách giáo khoa, nhưng nếu có chương trình và sách giáo khoa hoàn hảo (giả định thế) mà không có người sử dụng, thực hiện tốt thì mọi việc không thể nhích lên được. Giữa hai vấn đề này có mối quan hệ tương hỗ, nhưng theo tôi, điều ưu tiên vẫn phải là đào tạo lại đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Xin lưu ý: tôi phát biểu những điều này khi xét quan hệ cục bộ giữa việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa với việc đào tạo lại giáo viên, chứ thực ra quan hệ giữa hai đối tượng này nằm trong tổng thể những quan hệ phức tạp hơn nhiều của hoạt động giáo dục, hoạt động dạy học. Chừng nào mục tiêu giáo dục đã được xác định đúng thì ta mới có thể tiến hành hoạt động đào tạo lại giáo viên một cách đúng hướng và mới có thể xây dựng được hệ thống chương trình và sách giáo khoa hiện đại, tiến bộ. Đào tạo lại giáo viên không phải để thích ứng với chương trình và sách giáo khoa, vì chương trình và sách giáo khoa thực chất chỉ là công cụ để ta phấn đấu đạt tới mục tiêu, lại nữa, công cụ đó cần phải không ngừng được hiện đại hóa theo thời gian. Trong bối cảnh có quá nhiều việc cần làm để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, việc nào làm trước được thì nên làm, như việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa chẳng hạn, nhưng điều đó không thể đưa tới nhận thức: đòn bẩy của đổi mới giáo dục là đổi mới chương trình và sách giáo khoa! Sự loay hoay trên “câu chuyện” này chứng tỏ chúng ta chưa có được một cái nhìn tổng thể về vấn đề.
Phóng viên: Với nhận thức này, tôi nghĩ, chúng ta có thể nhìn một cách tổng quan cả nền văn học, cả đời sống văn học của chúng ta chứ không riêng gì việc dạy và học văn. Tôi muốn hỏi một câu cuối, theo ông thì cách tốt nhất để chăm sóc đời sống văn học, môi trường văn chương để hy vọng có sự tác động tốt đến đời sống cộng đồng, tạo ra các giá trị mới cho nền văn hóa dân tộc – quốc gia, chúng ta, bao gồm cả nhà nước, xã hội, cộng đồng phải làm gì?
PGs.Ts Phan Huy Dũng: Chữ chăm sóc mà anh dùng, xét theo nghĩa thông thường, tuy rất đúng và thể hiện được tinh thần trách nhiệm cao đối với tiền đồ phát triển của văn hóa, văn học dân tộc, nhưng mặt khác, nó cũng dễ gợi lên một định hướng hành động có phần lệch lạc: chưa trồng cây đã lo cây bị sâu, vội phun thuốc sâu tứ tung, làm thui chột cả mầm cây đẹp (Thử nghĩ mà xem, từ chăm sóc đã từng được dùng như một thứ tiếng lóng để chỉ những hành động phong tỏa hay đe dọa rất đáng sợ).
Rõ ràng, cần xây dựng quan niệm đúng về những gì đang diễn ra hợp quy luật, không biến chuyện bình thường thành chuyện bất bình thường, càng không nên có những can thiệp thô bạo đối với một đối tượng, một lĩnh vực hoạt động vốn đòi hỏi bầu không khí tinh thần cởi mở, mang tính chất khai phóng (thật lạ, ngược với kiểu hành xử vừa nêu, trên lĩnh vực chính trị và kinh tế, có hiện tượng người ta đã “bình thường hóa”, vô sự hóa những chuyện động trời mà toàn dân đều biết).
Cần xây dựng một lòng tin thật sự vào lương tri nhà văn, vào sự lựa chọn sáng suốt của cộng đồng trước công việc sáng tạo và thụ hưởng thành quả sáng tạo trong lĩnh vực văn chương. Thực tế cho thấy việc chọn hộ món ăn tinh thần cho tất cả mọi người luôn thu được kết quả hạn chế. Hãy để văn chương được là mình nếu vẫn còn mong nó có tác động tốt đến đời sống xã hội và tạo ra các giá trị mới cho nền văn hóa dân tộc. Con người trong một xã hội thật sự văn minh chẳng ai dại gì chọn cho mình lối đi đâm vào bụi rậm!
21/5/2014
Phan Thắng thực hiện