PV: Trình độ lý luận văn học hiện nay của chúng ta đang ở mức nào trong bức tranh chung của nền lý luận văn học thế giới?
Giáo sư Trần Đình Sử :
Trải qua nhiều biến động của lịch sử trong thế kỉ XX, từ năm 1943 với bản Đề cương văn hóa còn rất thô sơ và đặc biệt là bài Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam của Trường Chinh, có thể nói đó là các bản tuyên ngôn chuyển hướng văn hóa theo hướng thuần Mác xít, lí luận văn học Việt Nam một phen thay đổi theo hướng độc tôn lí thuyết Mác xít trong bối cảnh chiến tranh lạnh từ sau thế chiến 2 và sau Cách mạng Tháng Tám. Lí luận văn học Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của Lí luận văn học Liên Xô cũ và lí luận văn học Trung Quốc thời trước Đại cách mạng văn hóa. Chỉ có từ thời “Đổi mới” năm 1986, đặc biệt là từ sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, chiến tranh lạnh kết thúc, mở ra thời đại hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hóa thì lí luận văn học Việt Nam mới tiếp xúc trở lại với toàn bộ lí luận văn học của toàn nhân loại. Cái gọi là lí luận văn học hiện nay chính là chỉ lí luận văn học của thời này. Có thể nói trong bầu không khí hội nhập cởi mở chúng ta đã nhanh chóng tiếp thu các lí luận tiến bộ mà trước đây còn bị coi là thù địch, tư sản, xét lại. Tuy còn nhiều bất cập, yếu kém và chậm trễ, nhưng xu thế chung của lí luận văn học Việt Nam hiện đang cố gắng để vươn tới đồng hành với lí luận văn học thế giới. Nhưng nhìn chung nền lí luận văn học của chúng ta nhỏ, yếu, đi sau, ít tính sáng tạo trong bản đồ lí luận văn học của thế giới.
PV: Trong mấy thập kỷ qua, kể từ khởi đầu “Đổi mới” đến nay, Việt Nam đã tiếp thu được những gì đáng gọi là tinh hoa lý luận văn học thế giới để làm giàu cho nền lý luận văn học của mình?
Giáo sư Trần Đình Sử :
Nếu hiểu tiếp thu có nghĩa là biến lí thuyết của người thành nhận thức, tri thức của mình, đem chúng vận dụng xử lí các hiện tượng văn học thì phải nói từ thời “Đổi mới” đến nay tri thức lí thuyết văn học của chúng ta đã có sự thay đổi to lớn. Bên cạnh sự khắc phục những quan niệm lí luận giản đơn, sơ lược ngự trị một thời, chúng ta đã tự làm giàu mình bằng các lí thuyết tiếp nhận văn học, kí hiệu học, thi pháp học, phân tâm học, tự sự học, cấu trúc và giải cấu trúc, thông diễn học, lí thuyết nữ quyền, hậu thực dân, phê bình sinh thái, lí thuyết diễn ngôn, văn học so sánh, lí thuyết dịch văn học… Chúng ta thường nói tiếp thu tinh hoa, nhưng cái gì là tinh hoa? Trước đây ta hiểu tinh hoa là những gì duy vật, duy tâm là cặn bã; nội dung là tinh hoa, hình thức là cặn bã, gần gũi với dân tộc là tinh hoa, xa lạ là cặn bã, vô sản là tinh hoa, tư sản là cặn bã. Nhưng các tiêu chí ấy ngày nay không còn thích dụng nữa. Trong thực tiễn, trong tồn tại của con người tâm vật không tách rời, nội dung hình thức không tách rời, dân tộc và thế giới không tách rời, vô sản tư sản không tách rời, không thể phân biệt tinh hoa và cặn bã một cách siêu hình. Những gì hữu ích cho cuộc sống, có tác dụng giải thoát con người khỏi những hạn hẹp, ngu dốt, bất luận từ đâu đều là tinh hoa. Những gì trói buộc con người, cầm tù tư duy, ngăn trở sự phát triển đều là cặn bã. Nếu hiểu như thế thì chúng ta đã tiếp nhận được không ít tinh hoa lí thuyết văn học của nhân loại.
PV: Đánh giá của Gs về kết quả, hiệu quả của quá trình tiếp nhận này đối với lý luận văn học và nền văn học của chúng ta trong thời gian vừa qua?
Giáo sư Trần Đình Sử :
Nếu hiểu kết quả, hiệu quả của tiếp thu lí thuyết văn học nước ngoài là những công trình lí thuyết có ảnh hưởng nào đó thì ở nước ta hiện chưa có nhiều, nhưng xét hiệu quả ở giải phóng tư tưởng, thay đổi tư duy thì điều đó là có thật. Từ thời “Đổi mới” đến nay tư duy về văn học trong đại chúng và nhà văn đã có sự đổi thay to lớn. Chúng ta không chỉ đánh giá lại đúng đắn hơn di sản văn học dân tộc qua các thời đại, mà cũng biết tiếp nhận các thành tựu văn học của nhân loại hiện đại, dù chúng có vẻ xa lạ như thế nào. Trong đào tạo đại học, sau đại học đã xuất hiện nhiều đề tài mới, tìm tòi những lĩnh vực mới. Tuy nhiên phải nhận thấy rằng mức độ thâm nhập vào lí luận mới của ta chưa sâu sắc, vẫn còn nhiều thử nghiệm, hời hợt, chưa có các công trình nguyên sáng được thế giới quan tâm.
PV: Theo ông, ở nước ta, lý luận văn học và sáng tác văn học có tác động tương hỗ tích cực hay không? Hay ngược lại? Các nhà văn có được “hưởng lợi” gì từ lý luận, và ngược lại, thực tế sáng tác có giúp soi tỏ được gì thêm cho lý luận?
Giáo sư Trần Đình Sử:
Trước đây chúng ta có thời áp đặt lí thuyết cho nhà văn để họ sáng tác theo lí thuyết ấy, cách làm ấy vừa không đúng với quan hệ giữa lí thuyết và sáng tác, vừa gây phản tác dụng. Lí thuyết có tác dụng giúp nhà văn đổi mới ý thức văn học, mở ra những khả năng, những chân trời để họ tự tìm tòi trong lĩnh vực của họ. Lí thuyết cũng có tác dụng biện hộ cho các tìm tòi mới trong sáng tạo, giúp người đọc hiểu được nhà văn và như thế cũng là giúp cho nhà văn. Từ thời “Đổi mới” lí thuyết có tác dụng giải phóng cho nhà văn rất nhiều. Họ không còn bị trói buộc vào phương pháp sáng tác cũ, tiêu chí thẩm mĩ cũ, hệ đề tài cũ. Không nhà văn nào còn dễ dãi tự hi sinh cá tính sáng tạo của mình cho mục đích nào khác. Nhà văn được hưởng lợi từ lí thuyết trong một khoảng cách xa, như một bầu không khí mới, luồng gió mới. Tuy nhiên, phần nhiều nhà văn Việt Nam vẫn còn “ngại” lí thuyết, họ thích sáng tác theo “bản năng” hơn, họ thích tuân theo tiếng gọi của cái “tạng” của họ nhiều hơn, có lẽ vì thế mà sáng tác của chúng ta phần nhiều chỉ nhàng nhàng, ít hoặc chưa thấy đỉnh cao, như dư luận chung cho là thế. Có thể nhà văn ta chưa đánh giá đúng, đánh giá hết ý nghĩa của lí thuyết đối với sáng tác của họ. Về phần mình, lí thuyết không thể là “chay” thoát li thực tiễn văn học của nước nhà. Thực tiễn văn học Việt Nam qua các thời là đối tượng thú vị cho vận dụng lí thuyết, kiểm nghiệm lí thuyết và đề xuất lí thuyết, đáng tiếc là các nghiên cứu như thế còn rất hiếm.
PV: Theo ông, lý luận văn học có phải “chịu trách nhiệm” trước thực trạng nền văn học còn thiếu những tác phẩm “tầm cỡ”, “chưa tương xứng với thời đại”?
Giáo sư Trần Đình Sử:
Nếu đem một lí thuyết nào đó áp đặt cho nhà văn, buộc họ sáng tác theo lí thuyết đó, kết quả là không hoặc chưa có đỉnh cao, thì đúng là lí thuyết ấy phải chịu trách nhiệm đối với thực tiễn sáng tác ấy. Nhưng đó cũng chỉ là một phần, nhà văn như là chủ thể sáng tạo phải chịu phần lớn trách nhiệm chứ. Tình hình thực tế văn học ta còn thiếu vắng tác phẩm “tầm cỡ”, “ngang tầm thời đại” là vấn đề đã được nêu ra từ lâu. Đó trước hết là vấn đề đánh giá. Theo một tiêu chí nào đó thì chưa có tác phẩm “tầm cỡ”, theo một tiêu chí khác thì có thể vẫn có đấy, nhưng chưa được một luồng dư luận công nhận. Văn học Việt Nam đang trải qua một cuộc đổi thay to lớn về hệ giá trị, về chân, thiện, mĩ. Nhưng chúng ta vẫn còn quá thiên vị đối với hệ giá trị tuyên truyền, mà đối với hệ ấy thì khó có tác phẩm được đánh giá cao, “xứng tầm thời đại”. Một hệ giá trị thống nhất cho toàn bộ nền văn học là khó có thể hình dung được. Có thể đó là lí do làm nảy sinh các loại giải thưởng văn học với các tiêu chí trao giải khác nhau. Về nguyên lí, các văn kiện chỉ đạo của Đảng đều khẳng định tự do sáng tác, tự do tìm tòi, song điều kiện cụ thể lại có khi chưa tương xứng với nguyên lí, điều này cũng có thể gây khó khăn. Nhưng vấn đề then chốt là ở nhà văn. Nhà văn phải độc lập tìm tòi sáng tạo. Họ có thể học hỏi bút pháp của danh gia nước ngoài như nhà văn Mạc Ngôn học bút pháp của Marquez, để làm ra cái mới bằng chất liệu của dân tộc. Nhà văn tầm cỡ thường phải sáng tác để trả lời các câu hỏi lớn về số phận dân tộc và đất nước. Họ cần phải học không chỉ lí thuyết văn học mà còn phải học các loại triết học của nhân loại.
PV: Ông có thái độ như thế nào, lạc quan hay bi quan, về tình hình nghiên cứu và giảng dạy lý luận văn học hiện nay ở các Viện nghiên cứu và ở các trường đại học?
Giáo sư Trần Đình Sử:
Ở các trường đại học và các viện nghiên cứu hiện nay đang có một đội ngũ các nhà nghiên cứu trẻ, phần nhiều đều sinh sau năm 1975, phần còn lại sinh từ năm 60, những người sinh năm 50 đều sửa soạn về hưu. Thế hệ mới có ưu thế về ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, tiếng Pháp, về nguồn đào tạo đa dạng, lại sống vào thời đại toàn cầu hóa, phương tiện internet phát triển. Đó là thế hệ sẽ đóng góp tích cực cho nền lí luận văn học nước nhà hiện nay và tương lai. Tình hình cán bộ bộ môn lí luận văn học ở trường hay viện cũng như trong xã hội, có người giỏi, người yếu, người thích tiên tiến, người thích như cũ. Tình trạng tổ chức nhiều khi người kém chỉ huy người giỏi, người cũ chỉ huy người mới và thế là kìm hãm lẫn nhau, sự tiến bộ gặp khó khăn. Việc quản lí nghiên cứu khoa học theo lối hành chính, làm theo lối chữa cháy hoặc nghiên cứu nhằm lấy thành tích kỉ niệm một sự kiện trọng đại nào đấy khó hứa hẹn những thành công mong đợi. Cho nên đối với tình hình nghiên cứu lí luận hiện nay tôi vừa lạc quan vừa băn khoăn, nhưng lạc quan là chính. Những cái bất hợp lí rồi sẽ được khắc phục dần.
PV: Theo ông, điểm yếu nhất trong lý luận văn học hiện nay của ta là gì?
Giáo sư Trần Đình Sử :
Lí luận văn học của chúng ta hiện nay có nhiều chỗ yếu. Sách lí thuyết được phiên dịch, giới thiệu còn quá ít, thiếu hệ thống, thiếu đồng bộ. Việc dịch thuật, thuật ngữ, chất lượng dịch còn rất nhiều vấn đề. Giáo trình lí luận văn học còn mang nhiều tri thức cũ kĩ chưa được đổi mới. Nhất là phần quá trình văn học. Mức phổ cập lí thuyết mới còn thấp, hệ thống lí thuyết cũ vẫn còn sức chi phối, kìm hãm. Trong cái khung lấy chủ nghĩa Marx - Lenin làm nền tảng, bất cứ lí thuyết mới nào “phi mác xít” cũng ở vào vị trí “bất hợp pháp”, dễ bị phê phán về mặt ý thức hệ. Nhà nghiên cứu vừa làm việc tìm tòi vừa nhìn tới nhìn lui để giữ an toàn cho bản thân.
PV: Xây dựng một nền lí luận cần có sự tiếp nối và đóng góp của các thế hệ. Theo ông, ở ta đã và đang có mấy thế hệ nghiên cứu lý luận và có sự tiếp nối tích cực giữa các thế hệ?
Giáo sư Trần Đình Sử:
: Tính từ thế kỉ XX chúng ta có mấy thế hệ lí luận văn học sau: Thế hệ trước 1945, những người đầu tiên kết nối lí luận văn học Việt Nam với lí thuyết phương Tây. Thế hệ các nhà lí luận văn học mác xít hình thành từ năm 1945 -1986. Thế hệ các nhà lí luận ở đô thị miền Nam trước 1975. Thế hệ các nhà lí luận văn học hình thành trong thời hội nhập, từ 1986 đến nay. Mỗi thế hệ đều là sản phẩm của lịch sử, nhưng cũng là sản phẩm của sự nỗ lực riêng của mỗi người. Mỗi thế hệ đều có đóng góp riêng và tiếp nối những kinh nghiệm của thế hệ trước, đồng thời cũng tự đổi thay theo sự vận động của lịch sử. Trong cái thế kỉ có nhiều khúc đứt gãy như thế kỉ XX này, sự tiếp nối lí thuyết của nhau chưa nhiều, nhưng các kinh nghiệm, thao tác nghiên cứu đều được ghi nhận. Chúng ta chưa có lí thuyết nguyên sáng của mình, chưa có các bậc thầy lí thuyết của riêng mình, do vậy cũng chưa có trường phái để tiếp nối. Mỗi thế hệ vẫn đang mải mốt đi tìm hệ hình lí thuyết của thời mình, giải đáp các vấn đề của thời mình. Chúng ta vẫn chưa giải quyết xong bài toán tiếp cận lí thuyết tinh hoa của nhân loại.
PV: Ông có đặt niềm tin vào tiền đồ lí luận văn học nước nhà khi nhìn vào “đội ngũ kế cận”? Vì sao?
Giáo sư Trần Đình Sử :
Tôi vẫn đặt trọn niềm tin vào thế hệ kế cận, bởi họ là con đẻ của thời hội nhập, toàn cầu hóa, thời của đa phương đa nguyên, giàu có. Thế hệ nắm vững tiếng Anh, một công cụ giao lưu rộng mở. Thế hệ không mang gánh nặng của lí luận quá khứ như thế hệ của chúng tôi, chỉ được đọc một loại sách, chỉ theo một quan điểm, chỉ được nhìn theo một phía như con ngựa già. Họ sẽ được vũ trang nhiều thứ lí thuyết, được tắm trong nhiều nguồn suối trong. Trong hội nhập xã hội Việt Nam cũng sẽ cởi mở hơn, thông thoáng hơn, có nhiều không gian cho sáng tác hơn. Thế hệ đó sẽ đem lại nhiều cái mới cho lí luận văn học Việt Nam.
PV: Trân trọng cảm ơn giáo sư!
..........................
Phan Thắng thực hiện