Văn hóa và đời sống

Chấn hưng văn hóa, đừng nghĩ đâu xa!

Văn hóa, trước hết là những gì rất gần gũi với mỗi chúng ta, trước khi nói đến những giá trị xa vời chỉ có những bậc tài năng kiệt xuất mới có thể tạo ra. Chấn hưng là làm sống lại mạnh mẽ hơn những điều tốt đẹp đã có, làm cho nó thăng hoa lên, hay hơn, tốt hơn, phong phú hơn những gì đã có.

 

Giáo dục con cái từ trong gia đình. Ảnh minh họa

 

Đơn giản, chỉ là nết ăn ở…

 

Đúng là đơn giản, chỉ là nết ăn, nết ở. Nhưng không! Ăn ở sao cho trở thành văn hóa là không dễ. Cũng là cầm cái bát, đôi đũa, nhưng lúc nào, cầm như như thế nào lại là điều không dễ. Rồi đến bữa ăn, ai mời ai, mời như thế nào? Mặc thì ra làm sao? Thật khó. Vì đến mức có văn hóa tức là nó đã đạt đến những chuẩn mực của cộng đồng, được cộng đồng chấp nhận mà trong đó có không ít điều đã trở thành phong tục tập quán.

 

Ăn ở đây là bao gồm tất cả những ứng xử với cha mẹ, gia đình, họ hàng, người thân, láng giếng, bạn bè, đồng nghiệp…. Mình phải biết tôn trọng mọi người, yêu thương, giúp đỡ mọi người. Sống có trách nhiệm, có tinh thần chia sẻ với mọi người. Cũng có nghĩa là sẽ không vô cảm, vô trách nhiệm từ việc nhỏ đến việc lớn, từ việc của gia đình, bạn bè đến chuyện quốc gia đại sự. Những việc này, tôi tin chắc chẳng có dự án nào làm được cả.

 

Hãy nhìn vào cái bếp!

 

Nó phải làm từ cái bếp, từ bàn ăn của gia đình. Phải là những lời ông bà, cha mẹ dạy cho con, cháu mới ra được. Chẳng có tổ chức hay ban dự án nào làm được điều này cả. Vì đây là câu chuyện giáo dục văn hóa. Có những việc chỉ có thể là cha mẹ nói với con, ông bà nói với cháu mới được. Đó là trao truyền văn hóa. Trong cái bếp mẹ bày cho con nết ăn, dạy cho con nữ công gia chánh; Cha dạy cho con cách nhìn đúng sai trong cuộc sống, từ nhà ra ngoài làng, cách ứng xử với bà con, làng nước, với thầy, với bạn. Trong cái bếp, mẹ có thể dạy cho con cách sống cần kiệm, cho con những lời khuyên nhỏ nhất từ cách cho gia vị các món ăn đến cách nói năng, xưng hô với mọi người. Nếu ở trong bếp mà con trẻ nghe lời cha mẹ thì việc nghe lời thầy cô ở trường chỉ là bước tiếp theo. Gia phong tốt đẹp là bước khởi đầu hoàn hảo cho việc hình thành những con người xã hội tốt đẹp.

 

Chấn hưng văn hóa, trước hết, là làm sống lại và nhân lên những điều tốt đẹp về gia phong, nết ăn ở mà người Việt Nam từ bao đời nay đã gây dựng nên.

 

Vậy nên, nếu ai chưa nhìn vào cái bếp, cái bàn ăn, cái nếp sống/gia phong của nhà mình thì hẵng khoan nói những điều to tát về văn hóa.

 

Hãy nhìn vào lớp học!

 

Mọi sự thành bại của văn hóa đều găn liền với thành bại của nền giáo dục. Muốn biết cái mầm hư hại, sa sút về văn hóa hiện nay hãy nhìn vào các lớp học. Ở đó, bên cạnh những điều đẹp tốt vẫn còn có rất nhiều thứ đáng ra không nên có, không được có. Đó là bạo lực, là ma túy, là tham nhũng, lường gạt, thậm chí cả dâm ô… Không phải con trẻ đưa đến lớp đâu. Người lớn cả đấy. Vụ án Nguyễn Trường Tô - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang dâm ô với học sinh THPT là vết nhơ không thể gột rửa. Chưa hết, những năm gần đây, nhiều vụ án thầy giáo dâm ô với học sinh, kể cả học sinh tiểu học là điều xưa nay chưa từng có. Vụ án sửa điểm thi ở Sơn La, Hòa Bình… là sự dối trá trắng trợn vùi dập văn hóa học đường. Có những việc chúng ta làm mà không hoặc chưa lường hết được mặt trái của nó. Các cuộc thi chẳng hạn. Ở nước ta mà học sinh THPT làm ra được thuốc chữa ung thư là một điều không tưởng nếu không nói là dối trá.

 

 Xã hội hóa giáo dục là chính sách không sai nhưng trong thực tế rất nhiều nơi, nhiều lúc, là một uyển ngữ dẫn đến tình trạng lạm thu, làm tốn kém rất nhiều tiền của dân và làm hư hỏng rất nhiều nhà giáo. Vậy nên, muốn chấn hưng văn hóa, sau cái bếp, cái bàn ăn ở nhà thì phải bắt đầu ngay vào cái lớp học, từ mẫu giáo cho đến bậc đại học. Tre càng non càng dễ uốn. Trẻ càng nhỏ càng dễ dạy. Muốn có trò ngoan, trò giỏi, trò có văn hóa thì phải có các nhà giáo mẫu mực về tri thức và đạo đức. Xây dựng môi trường văn hóa học đường phải bắt đầu từ vai trò của các nhà giáo. Vì vậy, tôi đồ rằng sự nghiệp chấn hưng văn hóa này có đến hơn nửa nằm trên vai các nhà trường, các cô thầy giáo. Nhà trường là môi rường văn hóa đặc biệt. Đó là “cỗ máy cái” để sản sinh ra các thế hệ công dân của đất nước - những chủ nhân của nền văn hóa quốc gia dân tộc. Cỗ máy ọc ạch thì sản phẩm ra còi cọc, khiếm khuyết. Vậy nên, khi triển khai chiến lược chấn hưng văn hóa, ngành Văn hóa nên và phải “kéo” ngành Giáo dục vào cuộc. Trường học mới là nơi quyết định phần lớn thành bại của công cuộc chấn hưng văn hóa.

 

 

Học sinh TP. Vinh tham quan, trải nghiệm trò chơi “Bịt mắt bắt vịt” tại Bảo tàng Nghệ An

 

Lâu nay, chúng ta, trong thực tế, hình như chỉ chú trọng tới lớp học là nơi dạy chữ mà quên đi vai trò văn hóa của nó. Từ ngôi nhà của ông bà, cha mẹ đến lớp học là đến ngôi nhà thứ hai. Lớp học là không gian, là môi trường văn hóa đặc biệt vì từ đây các em nhỏ được đi ra, được tiếp xúc với xã hội, được sống trong một không gian rộng lớn hơn và từ đây các em bắt đầu hành trình với tư cách một thành viên của xã hội, được giáo dục ý thức tự giác về nghĩa vụ của mình với cộng đồng, xã hội.

 

Nhân đây tôi muốn nói tới vai trò của đội Thiếu niên Nhi đồng và Đoàn Thanh niên. Nếu cách đây 60 - 70 năm về trước, các phong trào đội có rất nhiều hoạt động thực tế, thực chất, chăm lo bày vẽ cho thiếu niên nhi đồng. Nhưng bây giờ các hoạt động Đoàn - Đội chú trọng hình thức nhiều hơn.

 

 

Giảng viên Trung tâm Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em hướng dẫn học sinh kỹ năng thoát hiểm khi bị bắt cóc

 

Tôi lại nhớ, hồi trước có phong trào Hướng đạo sinh, vốn là từ châu Âu rồi lan sang nước ta từ những năm 1930. Phong trào này là nhằm giáo dục bổ túc cho giáo dục gia đình và nhà trường, giúp thanh thiếu niên rèn luyện kỹ năng, tinh thần hợp tác, tính tháo vát…., để có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh, chuẩn bị cho việc trở thành những công dân tốt, có trách nhiệm, trọng danh dự và hữu ích cho xã hội. Đây là một phong trào rất tốt. Tôi nghĩ là chúng ta nên khôi phục các hoạt động này trong việc rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng văn hóa cho thanh thiếu niên. Mô hình, cách làm tốt thì nên tiếp thu.

 

 Nếu chỉ nghĩ đến việc đưa con đến trường chỉ để học chữ là một sai lầm tai hại. Đến lớp là con trẻ trở thành con người xã hội, con người văn hóa. Môi trường gia đình rất quan trọng nhưng chưa đầy đủ nếu thiếu môi trường nhà trường. Đi học là một qúa trình xã hội hóa, văn hóa hóa con người. Vậy nên, nói lại, ngành Giáo dục phải là một lực lượng chủ công trong công cuộc Chấn hưng văn hóa, không ai khác được.

 

Hãy nhìn vào lịch sử!

 

Tức là muốn nói đến kinh nghiệm chấn hưng văn hóa của dân tộc ta. Ít nhất lịch sử Việt Nam đã có mấy lần chấn hưng, duy tân văn hóa. Đó là thế kỷ X-XII, sau khi giành lại được tự chủ; Là thế kỷ XV, sau khi kháng chiến chống giặc Minh thắng lợi. Gần đây nhất là cuộc duy tân văn hóa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX trước bối cảnh nền văn hóa Hán học lạc hậu và sự du nhập của văn hóa phương Tây. Mỗi cuộc chấn hưng, duy tân đều có những đặc điểm riêng được quy định bởi các yếu tố thời đại và chủ quan của lực lượng chấn hưng. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử, có thể thấy ở các cuộc Chấn hưng/Duy tân ở nước ta, đều nổi bật lên vai trò dẫn đường của giới trí thức. Giới trí thức, với trí tuệ và trách nhiệm của mình đã chủ động tiên phong sứ mạng này. Và các cuộc chấn hưng thành công đều có vai trò của bộ máy Nhà nước khi đã tin tưởng và dành cho họ những khoảng không gian tự do và hỗ trợ họ thực thi sứ mệnh hoa tiêu cho nền văn hóa dân tộc. Phải chăng đây là một bài học lịch sử?

 

Cũng là nhìn vào lịch sử, tôi muốn nhìn vào những vấp ngã, sai lầm. Trong tiến trình văn hóa dân tộc, nhất là trong thời hiện đại, không phải không có lúc chúng ta nhận thức thiếu khách quan dẫn đến xử lý không chính xác, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống văn hóa đất nước như một di chứng. Sự e dè đến mức bạc nhược của vua Tự Đức đã cản trở tư tưởng canh tân của Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Trường Tộ… nửa cuối thế kỷ XIX. Phong trào “hợp tự”, chống văn hóa tư sản quá ấu trĩ và quá tả sau Cải cách ruộng đất (1955), sau 1975… cũng đã phá hủy rất nhiều di sản văn hóa và làm mất thời cơ sáng tạo/cống hiến của rất nhiều trí thức, văn nghệ sĩ tài năng.v.v…

 

Cũng là nhìn vào lịch sử, tôi muốn nhìn vào chính sách đầu tư cho văn hóa trong mấy chục năm vừa qua. Nguồn lực đất nước, xã hội còn hạn chế nhưng đầu tư của chúng ta còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Nhiều nhà hát, rạp chiếu phim bỏ không. Ở nông thôn, nhiều nhà văn hóa không hoạt động. Nhiều bảo tàng vắng khách tham quan. Nhiều thư viện thưa thớt người đọc. Đầu tư không ít cho đào tạo nhân lực cho ngành Văn hóa nhưng nhìn chung chất lượng không cao, chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực cho phát triển của ngành Văn hóa và xã hội. Đầu tư nhiều công sức để xây dựng các phong trào văn hóa nhưng vẫn thiếu bền vững, thiếu thực chất, vẫn tồn tại tình trạng hình thức, bệnh thành tích mà phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, xã văn hóa là một dẫn chứng. Đầu tư không ít cho việc xây dựng các tác phẩm/công trình văn học, nghệ thuật nhưng hiệu quả không được như mong đợi…

 

Đó là hậu quả của nhận thức văn hóa còn rất hời hợt, thậm chí sai của không ít tổ chức, cơ quan, địa phương.

 

Thực ra, Chấn hưng văn hóa không phải là điều gì ghê gớm cả. Chỉ là làm cho tốt lên hơn thôi. Rồi cái tốt cứ thúc đẩy nhau làm ra cái tốt hơn, tạo ra một giá trị mới hơn cái cũ, từ nết ăn ở đến khát vọng và tài năng sáng tạo.

 

Thời đại 4.0 này, con người có thể nhìn thấu cả lịch sử, hiện tại và dự đoán nhiều chuyện thì tương lai. Nhưng câu chuyện văn hóa lại khác hơn một tý, vì nó ở bên cạnh ta, nó chính là ta. Văn hóa không từ trên trời rơi xuống. Văn hóa là một “Hành trình Người”, bồi đắp nhân tính và trí tuệ. Vậy nên, gần nhất, bình dị là cái bếp, và lớp học vẫn có thể giúp Chấn hưng cho chính chúng ta./.

 

(Bài đã đăng VHTT Nghệ An số Tết Giáp Thìn, tháng 01/2024)

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443988

Hôm nay

2239

Hôm qua

2307

Tuần này

21801

Tháng này

219162

Tháng qua

112676

Tất cả

114443988