Vũ điệu Ơ Đu trong Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam có số dân dưới 1.000 người tại tỉnh Lai Châu
Quan điểm phát triển văn hóa dân tộc của Đảng ta
Năm 1943, bản Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời đã trở thành cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa. Bản đề cương ra đời trong bối cảnh đất nước chưa được giải phóng, thực dân Pháp thực hiện chính sách đầu hàng phát xít Nhật để duy trì ách thống trị của mình. Phát xít Nhật âm mưu biến Việt Nam thành bán thuộc địa của chúng, do đó Nhật đẩy mạnh chính sách xâm lấn Việt Nam về mọi phương diện quân sự, chính trị, kinh tế và văn hóa. Chúng vừa phục hồi những quan điểm đạo đức cổ hủ và giả dối của giai cấp địa chủ phong kiến, vừa tuyên truyền lối sống dâm ô, đồi trụy của giai cấp tư sản. Chúng khuyến khích các hoạt động mê tín, dị đoan, hủ tục, du nhập các trào lưu văn hóa phản động... Văn hóa Việt Nam lúc này đứng trước sự bế tắc, mất phương hướng. Vì vậy Ban thường vụ Trung ương Đảng đã họp bàn về công tác chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.
Sau đó, Tổng Bí thư Trường Chinh đã soạn thảo Đề cương về văn hóa Việt Nam. Bản Đề cương đã trình bày những nội dung cơ bản của văn hóa trên các mặt tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Đề cương khẳng định văn hóa luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của xã hội. Văn hóa là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, luôn gắn liền với cơ sở hạ tầng và phục vụ đắc lực cho cơ sở đó. Đề cương cũng đã nêu quan điểm cơ bản về cách mạng văn hóa chỉ ra mối quan hệ khăng khít giữa cách mạng chính trị, cách mạng kinh tế và cách mạng văn hóa. Ba nguyên tắc vận động của cuộc vận động văn hóa ở nước ta là: dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa. Dân tộc hóa là chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập. Đại chúng hóa là chống lại mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng. Khoa học hóa là chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ.
Như vậy có thể thấy, Đảng ta đã xác định xây dựng một nền văn hóa phục vụ cho đại chúng, hướng đến đại chúng. Nền văn hóa ấy phải mang bản sắc riêng của dân tộc và phải tiến bộ, khoa học. Đề cương văn hóa ra đời đã kịp thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cách mạng, cổ vũ nhân dân ta, nhất là trí thức, văn nghệ sĩ hăng hái tham gia cách mạng, phát huy vai trò của văn hóa, khơi dậy khát vọng của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do.
Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc dưới góc nhìn tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn. Theo đó, những người làm công tác văn hóa, văn nghệ phải nắm vững lịch sử để hiểu truyền thống dân tộc; cán bộ văn hóa phải hiểu được quần chúng nhân dân, vì Nhân dân chính là chất liệu cho những sáng tạo của họ. Đặc biệt, Người cho rằng văn hóa truyền thống vừa có những điểm tích cực vừa có tiêu cực. Xây dựng nền văn hóa mới mang tính dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là nền văn hóa đóng kín, thu mình trong phạm vi dân tộc mà văn hóa phải đặt trong mối quan hệ, giao lưu với văn hóa các nước khác trên thế giới, “phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới”. Xây dựng nền văn hóa dân tộc phải trên cơ sở học tập, tiếp thu một cách sáng tạo, chứ không phải bắt chước nước khác, phải chiếm lĩnh tầm cao của tinh hoa nhân loại và vươn tới cao hơn, bằng chính thành tựu của mình, cốt cách dân tộc mình và đóng góp vào sự phong phú của kho tàng văn hóa nhân loại.
Theo Hồ Chí Minh, xây dựng một nền văn hóa mang tính khoa học và phải xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa, trong xã hội đó mọi người sống yêu thương nhau, ứng xử có văn hóa, mọi người được sống cuộc sống ấm no. Để xây dựng nền văn hóa mang tính khoa học, nền văn hóa xã hội chủ nghĩa thì phải xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Xây dựng nền văn hóa mới mang tính khoa học phải là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, là sự kế tục những giá trị nội sinh của nền văn hóa truyền thống, đồng thời có xác lập giá trị mới: Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý... Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm... Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm.
Đề cao ý thức dân tộc trong giữ gìn và xây dựng nền văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Đại hội X, Đảng ta đã xác định Việt Nam cần phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Hội nhập quốc tế không chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế mà mở rộng ra tất cả các lĩnh vực khác, kể cả chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh... Trong đó, hội nhập văn hóa là hệ quả tất yếu đang diễn ra. Việc hội nhập văn hóa quốc tế một mặt mang lại những cơ hội cho chúng ta tiếp cận những giá trị văn hóa tiến bộ của nhân loại, nhưng mặt khác cũng làm cho văn hóa dân tộc gặp nhiều thách thức trong vấn đề giữ gìn bản sắc. Đảng ta đã xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vì vậy việc phát triển và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong hội nhập quốc tế cần được quan tâm sâu sắc. Quan điểm chỉ đạo của Đảng là “giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và chúng ta “hội nhập nhưng không hòa tan”. Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để vừa phát triển, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và sự bùng nổ của công nghệ thông tin như hiện nay.
Văn hóa là sản phẩm do con người sáng tạo ra trong quá trình tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Bản sắc văn hóa chính là những nét văn hóa riêng biệt mà dựa vào đó chúng ta phân biệt được sự khác nhau giữa các dân tộc. Hội nhập văn hóa quốc tế giúp các nền văn hóa xích lại gần nhau để làm cho các nền văn hóa đó trở lên phong phú hơn. Nhiều thành tựu văn hóa được cộng đồng này sáng tạo ra có thể phổ biến rộng ra toàn thế giới. Tuy nhiên, mặt trái của nó là hiện tượng xóa nhòa bản sắc văn hóa riêng của mỗi quốc gia. Việc hội nhập quốc tế là tất yếu sẽ diễn ra ở nhiều quốc gia không riêng gì Việt Nam. Nền văn hóa của chúng ta không thể “bế quan tỏa cảng” nếu không muốn bị lạc hậu so với thời đại. Song, hội nhập như thế nào để không bị hòa tan là một điều thật khó, bởi ranh giới giữa “nhập” với “tan” thật mong manh. Khi giao lưu văn hóa quốc tế, chúng ta phải đối mặt với nhiều cạm bẫy bởi không phải yếu tố văn hóa ngoại lai nào cũng lành mạnh. Vì vậy, để không bị các làn sóng ngoại lai hủy hoại thì cần phải tăng cường sức mạnh và bản lĩnh cho nền văn hóa dân tộc.
Văn hóa là sản phẩm do con người sáng tạo ra, nên muốn bản sắc văn hóa không bị mai một, cần phải giáo dục ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân về việc giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng mình. Một khi ý thức giữ gìn của cộng đồng đó được đề cao thì không một yếu tố nào có thể thủ tiêu được bản sắc của nền văn hóa đó. Nói một cách rộng hơn, đó là việc chúng ta cần tăng cường nhận thức của người dân về ý thức cộng đồng người Việt. Điều này đã được chứng minh trong lịch sử phát triển văn hóa Việt Nam thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc. Trong suốt hơn 1.000 năm các triều đại phong kiến phương Bắc thay nhau cai trị nước ta, chúng luôn thực hiện chính sách đồng hóa văn hóa nhằm đồng hóa dân tộc. Trên mảnh đất nước ta bấy giờ cùng một lúc diễn ra hai quá trình vận động, đó là quá trình Hán hóa và chống Hán hóa. Với ý thức về cộng đồng người Việt và chủ quyền đất nước luôn được đề cao mà quá trình chống Hán hóa đã thành công. Hiện nay, nền văn hóa Việt Nam đang có cuộc tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau trên mọi phương diện với mức độ mạnh mẽ. Quá trình tiếp xúc lần này diễn ra một cách hòa bình và liên tục. Sự tiếp xúc giữa nền văn hóa nước ta với các nền văn hóa khác đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên mọi lĩnh vực qua nhiều kênh khác nhau như: truyền hình, internet, giao lưu trực tiếp... Tuy nhiên, lần hội nhập văn hóa này là chúng ta tiếp xúc với những sản phẩm văn hóa của xã hội tư bản, trong khi đó chủ nghĩa dân tộc mà Việt Nam xem là ưu việt là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, hội nhập quốc tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Do vậy, hệ quả của quá trình tiếp xúc này vừa tích cực, vừa tiêu cực. Nếu chúng ta biết lựa chọn những yếu tố văn hóa tốt đẹp thì sẽ làm giàu thêm cho văn hóa dân tộc. Và ngược lại, nếu hấp thu không chọn lọc sẽ khiến cho môi trường văn hóa của mình ngày càng bị vẩn đục bởi những yếu tố văn hóa tiêu cực, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt. Chúng ta đã nói nhiều đến việc tiếp thu có chọn lọc những yếu tố văn hóa ngoại lai hay chủ động hội nhập để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc... nhưng cái quan trọng nhất ở đây đó là việc giáo dục, tuyên truyền đầy đủ để người dân có tình yêu, thái độ tôn trọng và ý thức giữ gìn văn hóa của quốc gia mình trước khi tiếp nhận nền văn hóa của một quốc gia khác.
Có thể nói, đây chính là liều vắc xin phòng ngừa để bản sắc văn hóa Việt không bị mai một trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Thế nhưng, hiện nay việc tuyên truyền và giáo dục ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của chúng ta chưa thực sự mạnh mẽ. Hệ thống giáo dục trong nhà trường, gia đình và xã hội thường chú trọng vào việc truyền bá kiến thức chuyên môn để học sinh có thể vượt qua được các kỳ thi bắt buộc. Các hoạt động gắn liền với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc chưa được quan tâm đúng mức. Thậm chí, có những cán bộ của ngành giáo dục nước nhà đã có ý định đưa môn học này vào danh sách các môn học tự chọn, cắt giảm thời lượng môn học với quan điểm “không học sử đâu có nghĩa là không yêu nước”. Nếu như lòng tự tôn và tự hào dân tộc bị xem nhẹ ngay trong giáo dục thì đó là một sự thất bại trong việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc. Do vậy, cần phải có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thụ những kiến thức chuyên môn với giáo dục ý thức về quốc gia dân tộc. Có thể xây dựng các chương trình hoạt động ngoại khóa giúp học sinh, sinh viên nhận thức được những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Hoạt động giáo dục ý thức dân tộc không chỉ thực hiện ở các trường học mà phải thực hiện mọi lúc, mọi nơi.
Hoạt động truyền bá thông tin của các phương tiện truyền thông về việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc còn yếu. Đặc biệt là các trang báo mạng thông tin ở các mục văn hóa thường đăng tải các tin về đời tư, những phát ngôn gây sốc của những người nổi tiếng để kích thích sự tò mò, hấp dẫn người đọc. Việc đăng tải quá nhiều những thông tin này vô hình chung đã làm lu mờ các giá trị văn hóa đích thực. Các chương trình giải trí trên truyền hình thì ngày càng bị lấn át bởi các bộ phim nước ngoài, ca nhạc nước ngoài, trò chơi theo bản quyền nước ngoài... Có thể thấy rằng, các làn sóng văn hóa ngoại du nhập vào Việt Nam chủ yếu diễn ra mạnh mẽ là nhờ sự góp sức của truyền thông. Như chúng ta đã biết, truyền thông chính là một công cụ hữu hiệu để tuyên truyền giáo dục ý thức của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Để tăng cường các thông tin, các cuộc thi, các chương trình tuyên truyền về những giá trị văn hóa của dân tộc, truyền thông cần phải là đầu tàu trong nhiệm vụ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài ra, truyền thông cũng cần phải làm nhiệm vụ sàng lọc các thông tin sao cho phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, thuần phong mỹ tục của người Việt và giảm thiểu những tác động tiêu cực đến nhận thức của thế hệ trẻ.
Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong hội nhập văn hóa thế giới là nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia. Việc tăng cường các hoạt động giáo dục, tuyên truyền về ý thức và trách nhiệm dân tộc sẽ là vắcxin tăng đề kháng tốt nhất cho văn hóa Việt Nam hội nhập với văn hóa thế giới với phương châm phát triển văn hóa dân tộc, nhưng không hòa tan./.
(Bài đã đăng VHTT Nghệ An số 11 tháng 11-2023)