Tin tức

Nghệ An: Thêm 3 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 27/6/2025, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký các quyết định về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tỉnh Nghệ An có thêm thêm 3 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục.

Lễ công bố Lễ Xăng Khan là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Trang Đoan

Theo đó, 3 di sản văn hóa phi vật thể của Nghệ An gồm: được Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng ký gồm: “Nghệ thuật trống tế huyện Yên Thành” (Quyết định số 2190/QĐ-BVHTTDL ngày 27/6/2025), “Chữ Thái ở Nghệ An” (Quyết định số 2191/QĐ-BVHTTDL ngày 27/6/2025) và “Lễ đón tiếng Sấm của người Ơ Đu” (Quyết định số 2192/QĐ-BVHTTDL ngày 27/62025).

Nghệ thuật trống tế huyện Yên Thành

Trống tế Yên Thành là loại hình nghệ thuật diễn xướng có từ lâu đời. Đây là hoạt động văn hóa không thể thiếu trong các ngày lễ, tết của người dân Yên Thành từ bao đời nay, gắn với các  gia đình, dòng họ. Bất cứ khi nào có sự kiện liên quan đến nghi lễ hoặc các sinh hoạt văn hóa thì người dân Yên Thành đều sử dụng trống tế như một món ăn tinh thần không thể thiếu thiếu và trở thành môn nghệ thuật trình diễn đẹp mắt, ấn tượng.

Cuộc thi đánh trống tế trong Lễ hội Đền - Chùa Gám.

Để có thể trình diễn được trống tế thì người đánh trống phải luyện tập các động tác đánh trống, gõ phách nhịp theo tiết tấu phù hợp với tính chất, sự kiện đang diễn ra, ngoài ra phải thể hiện được các động tác múa trống và múa tay đặc sắc. Cái khó nhất của trình diễn trống tế đó chính là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các tay trống để tạo nên những màn nghệ thuật âm thanh theo nhịp phách một cách đều đặn, trầm bổng và toát lên được khí chất của người đánh trống và tạo ra cảm xúc đối với người thưởng thức.

Trống tế huyện Yên Thành không chỉ đơn thuần là một bản nhạc trống, mà còn một phần tạo nên hồn cốt, quê hương làng xã, là sợi dây tinh thần kết nối mạch nguồn tâm thức của con cháu hậu duệ với cội nguồn tiên tổ, là vẻ đẹp văn hóa truyền thống của người dân Yên Thành.

Chữ Thái Nghệ An

Về lịch sử, chữ Thái Nghệ An cũng có nguồn gốc và quá trình tồn tại chung như các hệ chữ Thái khác ở Việt Nam và được cộng đồng dân tộc Thái ở Nghệ An sử dụng  từ bao đời nay. Về đặc điểm, Nghệ An hiện có 3 hệ chữ Thái được biết đến và sử dụng khá phổ biến là chữ Thái hệ Lai Tay, chữ Thái hệ Lai Pao và chữ Thái hệ Xư Tay Thanh.

- Chữ Thái của người Thái nhóm Tay Thanh ở Thanh Hóa và Nghệ An (Xư Tay Thanh): Đây là loại chữ viết của những nhóm người Thái cư trú rải rác ở ba tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Hòa Bình với tên gọi địa phương là Thái Thanh hay Thái Đen. Hiện nay, người ta vẫn có thể tìm thấy khá nhiều văn bản của người Thái thuộc kiểu chữ loại này. Tuy nhiên loại chữ này không có nguồn gốc từ Nghệ An mà hình thức chữ viết gần với kiểu chữ của người Thái Đen hay Thái Trắng ở vùng Tây Bắc Việt Nam, đã được nghiên cứu ở nhiều công trình nghiên cứu về chữ Thái vùng Tây Bắc và Thanh Hóa.

Lớp dạy chữ Thái ở Tương Dương

- Chữ Thái hệ Lai Pao ở Tương Dương, Nghệ An. Tên gọi Lai Pao theo tiếng Thái Mương (Tai Muong) có nghĩa là "chữ viết vùng sông Pao". Sông Pao (tiếng Thái gọi là nặm Pao) là tên gọi con sông Cả hay sông Lam của người Việt ở tỉnh Nghệ An. Theo ghi chép của linh mục Th. Guignard, cuối thế kỷ XIX, người Thái ở vùng sông Pao này vẫn còn sử dụng loại văn tự này trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, sang những năm đầu thế kỷ XX, loại văn tự này dần dần ít còn được sử dụng.

- Chữ Thái hệ Lai Tay, còn được gọi là chữ Thái Quỳ Châu, chủ yếu được sử dụng ở các huyện thuộc tuyến đường 48 như Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong. Trong hệ thống chữ Thái ở Nghệ An, chữ Thái hệ Lai Tay có sự khác biệt hơn cả và được sử dụng nhiều nhất hiện nay.

Lễ đón tiếng sấm của người Ơ Đu huyện Tương Dương

Cũng như các dân tộc khác trên địa bàn, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Ơ Đu khá đa dạng và phong phú với nhiều nghi lễ độc đáo như lễ cúng năm, lễ đón tiếng sấm, lễ truyền sắc… Tuy nhiên do nhiều biến cố của lịch sử mà các nghi lễ đã bị mai một và mất đi, họ chỉ còn duy trì được Lễ đón tiếng sấm được xem là nghi lễ cổ xưa nhất còn tồn tại cho đến ngày nay của dân tộc Ơ Đu.

Lễ đón tiếng sấm của dân tộc Ơ Đu có từ khi nào, người Ơ Đu không còn ai nhớ rõ, song nghi lễ này từ bao đời nay đã trở thành một phong tục tập quán không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc ở Đu được các thế hệ con cháu lưu giữ và truyền lại từ đời này sang đời khác. Lễ đón tiếng sấm theo tiếng Ơ Đu bản địa có nghĩa là “Chăm phtrong” gắn với tục thờ “thần sấm”. Đối với dân tộc Ơ Đu “sấm” như là một vị thần tối cao biểu tượng cho sự linh thiêng, chính vì vậy trong cuộc sống những âm thanh như tiếng sấm luôn được kiêng kị, đặc biệt là tiếng chiêng, tiếng trống.

Một diễn trình trong lễ đón tiếng Sấm của người Ơ Đu

Là một dân tộc ít người, đời sống của đồng bào Ơ Đu rất khó khăn, từ xa xưa người Ơ Đu đã dựa vào những hiện tượng của thiên nhiên để xác định thời gian. Họ không theo lịch thông thường mà dựa vào tiếng sấm. Theo lịch Ơ Đu, thời gian năm mới bắt đầu từ ngày có tiếng sấm (chăm phtrong) đầu tiên. Tùy tiếng sấm đầu năm của từng năm thường vào tháng 2 hoặc tháng 3 dương lịch. Đây là tập tục cổ xưa của các dân tộc thiểu số quen sống bằng nghề trồng trọt. Tiếng sấm vang lên báo hiệu cho mùa gieo trồng bắt đầu, tiếng sấm còn là mốc thời gian để đồng bào thực hiện những việc trọng đại trong gia đình, dòng họ và kể cả công việc chung của cộng đồng. Bản thân người Ơ Đu từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi cũng phải chờ tiếng sấm vì theo họ chỉ khi có tiếng sấm vang lên thì linh hồn họ mới được siêu thoát. Do đó, mừng tiếng sấm đầu năm là một lễ tục quan trọng nhất đối với người Ơ Đu, có ý nghĩa cầu cho một năm mưa thuận gió hòa để thuận lợi cho việc trồng trọt, săn bắt.

Đến nay, nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Lễ đón tiếng sấm đã được đồng bào Ơ Đu thực hành nhằm lưu giữ nét văn hóa cổ truyền của dân tộc mình và nâng cao đời sống tinh thần của người dân Ơ Đu.

Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa 3 di sản văn hóa phi vật thể: Trống tế huyện Yên Thành; Chữ Thái ở Nghệ An; Lễ đón tiếng Sấm của người Ơ Đu vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là sự ghi nhận và tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các cộng đồng dân cư ở Nghệ An mà còn là cơ sở pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa trước mắt và lâu dài, đồng thời cũng là dịp để tuyên truyền quảng bá các di sản văn hóa ở Nghệ An đến với du khách gắn với phát triển du lịch địa phương.

Đến nay, tỉnh Nghệ An có 14 di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghề dệt thổ cẩm của người Thái; Lễ hội đền Yên Lương; Thập niên sự lễ của dòng họ Nguyễn Cảnh; Lễ hội đền Cờn; Lễ hội đền Quả Sơn; Lễ hội đền Chín Gian; Lễ hội đền Bạch Mã; Lễ hội đền Thanh Liệt; Lễ hội đền Ông Hoàng Mười; Nghi lễ Xăng Khan của người Thái miền Tây Nghệ An; Lễ đón tiếng sấm của người Ơ Đu; Nghệ thuật trống tế Yên Thành; Chữ Thái ở Nghệ An và Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Trong đó, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114584307

Hôm nay

228

Hôm qua

21189

Tuần này

22877

Tháng này

222010

Tháng qua

128795

Tất cả

114584307