Đất Nghệ

Báo chí ở Nghệ An thời thuộc Pháp

So với Nam Kỳ và Bắc Kỳ, báo chí ở Trung Kỳ ra đời muộn hơn. Mãi đến năm 1927, ở Huế mới ra đời báo Tiếng Dân, do Huỳnh Thúc Kháng, Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ chủ trương. Năm 1928, ở Hà Tĩnh ra đời tờ Hà Tĩnh Tân văn.

Tờ báo ra đời sớm nhất ở Vinh là tờ tuần báo Thanh Nghệ Tịnh Tân Văn (TNTTV), số đầu tiên ra ngày 24 tháng 7, năm 1930. Trên danh nghĩa đây là tờ báo do Hội Pháp - Việt văn học sáng lập, nhưng thực chất là một tờ báo “vừa công, vừa tư” như người chủ bút thừa nhận[1]. Tờ báo này được chính quyền ủng hộ, ngay tên gọi cũng đã được sự đồng tình của ba vị quan đầu tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh. Số cuối (210) của TNTTV ra tháng 7/1934. Kế tiếp theo đó, báo Thanh Nghệ Tĩnh (TNT) ra đời. So với TNTTV, báo TNT chỉ có hai sự thay đổi: một là không thuộc Hội Pháp Việt văn học nữa, mà do nhà báo Lê Hữu Nhơn làm chủ bút và ông Phó Đức Thành làm quản lý; thứ hai, báo đổi tên thành “Thanh Nghệ Tĩnh”. Ngoài ra, mọi vấn đề khác, từ nội dung, trị sự đến hình thức hầu như không thay đổi. Đến tháng 7/1936, báo TNT lại đổi thành báo Ý Dân, số 1 ra năm 1936, Số cuối (số 38) ra tháng 10-1938. Như vậy, có thể nói qua ba lần thay tên, báo TNTTV đã tồn tại được 8 năm, từ 1930 đến 1938. Sau khi “Ý dân” đình bản, nhà báo Nguyễn Đức Bính cho ra đời tờ “Tuần Lễ”, đây cũng là một tờ tuần báo, nhưng phạm vi nội dung không còn mang tính địa phương như mấy tờ trước, nên cũng không thể nói “Tuần Lễ” là “hậu duệ” của TNTTV và TNT.

Báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn

Từ năm 1930, sau khi TNTTV ra đời đến năm 1933 không có thêm một tờ báo nào xuất bản thêm ở Vinh. Thế nhưng, từ năm 1934 trở đi, hàng loạt đầu báo mới đã thi nhau xuất hiện. Đây chính là thời kỳ Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở Pháp, điều này đã có ảnh hưởng tích cực tới phong trào dân chủ Đông Dương 1936-1939, đặc biệt có tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến đời sống báo chí ở Việt Nam. Đồng thời với sự nới lỏng nhất định về chính sách quản lý báo chí của nhà nước, thì ba đối tượng quyết định sự phát triển báo chí là lực lượng độc giả, lực lượng người viết và hệ thống nhà in, thời kỳ này đều phát triển mạnh hơn trước.

Cụ thể, từ năm 1933, ngoài các báo TNTTV, TNT, Ý Dân và Tuần Lễ đã nói ở trên, ở Vinh còn có các tờ báo sau đây:

Sao Mai: tuần báo do dân biểu Trung Kỳ là Trần Bá Vinh chủ trương, với sự cộng tác của Nguyễn Đức Bính (Tiêu Viên); Số 1 ra ngày 12-1-1934, hoạt động đến năm 1935.

Bạn Trẻ: tập san phát hành tại Hà Nội và có chi nhánh ở Vinh, số 1 ra năm 1933, số cuối ra tháng 5-1935.

 Tiểu Thuyết Thứ Hai: Đây là tờ tuần báo văn chương, in khổ nhỏ, do ông Lê Hữu Nhơn chủ bút TNT chủ trương, trụ sở tòa soạn cũng đặt tại tòa soạn báo TNT, 124 Maréchal Foch, Vinh. Tuy nhiên, Tiểu thuyết Thứ hai ra số đầu ngày 7/10/1935, thì đến 7-12-1935 đã đình bản. Chủ bút giải thích lý do là để tập trung cho tờ TNT.

Quảng cáo Tiểu thuyết Thứ Hai trên báo Thanh Nghệ Tĩnh

Trung Kỳ: tuần báo ra ngày thứ tư hàng tuần; đặt tại số 184 đường Maréchal Foch, Vinh, Nghệ An; số 1 ra ngày 9-10-1935, Số cuối ra tháng 10-1937. Chủ báo kiêm chủ bút của tờ Trung Kỳ là Vương Đình Quang. Vương Đình Quang quê Vân Diên, Nam Đàn, trước khi làm báo đã trải qua nhiều công việc khác nhau, trong đó có thời gian làm thư ký cho cụ Phan Bội Châu. Sau khi đình bản Trung Kỳ, ông vào Huế làm thư ký và viết cho báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Phục Hưng Báo: tuần báo ấn hành tại Vinh (Nghệ An); Số 1 ra tháng 3 năm 1938, Số cuối (số 31) ra tháng 11-1938.

Bên cạnh đó, ở Vinh cũng có một số tờ báo tiếng Pháp, hoặc đa ngữ (Pháp, Việt, Hán) như:

- La Nouvelle Revue Indochinoise (Đông Dương tân tạp chí): báo Pháp ngữ do bà Christiane Fournier thành lập tại Vinh, Nghệ An; số 1 ra năm 1936; cộng tác bài vở gồm: Nguyễn Đức Giảng, Trần Văn Tùng. Đáng lưu ý ông Nguyễn Đức Giảng khi đó đang là người quản lý nhà in Nguyễn Đức Tư nổi tiếng ở Vinh.

- Le canard déchainé (Vịt Đực): tuần báo hoạt kê bằng Pháp ngữ đặt tại Vinh, chung với báo quán TNT; chủ bút Nguyễn Đức Bính (Tiêu Viên); số 1 ra ngày 12-1-1935. Ông Nguyễn Đức Bính lúc này là một trong những cây bút chủ lực của TNT, đồng thời là cộng tác viên của nhiều tòa báo khác ở Hà Nội. Năm 1940 ông sáng lập trường tư thục Lễ Văn nổi tiếng ở Vinh.

Đông Dương hoạt động (L’ Activité Indochinoise): tuần báo, in bằng ba thứ chữ Việt, Hán, Pháp, xuất bản tại Vinh, số 1 ra ngày 6/1/1937, số cuối ngày 7/4/1937; chủ nhiệm Võ Quý Huân, quản lý Nguyễn Đức Hinh. Sau khi báo bị đình bản, Võ Quý Huân sang Pháp du học, ông đã giành được 3 bằng kĩ sư các ngành: cơ điện, đúc và kỹ nghệ chuyên nghiệp. Năm 1946, ông là một trong bốn trí thức được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa về nước, tham gia kháng chiến.

Ngoài ra, ở Vinh cũng có những tờ báo, tạp chí mang tính chất chuyên ngành, như:

- Y học tạp chí: Đây là tạp chí của Trung Kỳ Y học hội, do lương y, nhà doanh nghiệp Phó Đức Thành chủ trương, chuyên về đông y. Trụ sở tòa soạn đặt tại trụ sở của Trung Kỳ Y học hội, 44, rue Auvegrne. Tạp chí hoạt động từ năm 1937 đến 1940.

Đường Ngay: Đây là tờ tuần báo của Giáo phận Vinh, được sáng lập bởi Giám mục Andre Joshep Eloy (Thường được gọi là Đức cha Bắc) giám mục địa phận Vinh. Báo hoạt động từ năm 1936 đến năm 1938.

“Phòng thương mại canh nông Bắc bộ Trung Kỳ”(1942-1944): Là bản tin chuyên về công thương nghiệp và nông nghiệp.

Báo “Tuần Lễ”

Ngoài những đầu báo, tạp chí trên đây, cũng có thông tin những năm 1940, ở Vinh, ông Nguyễn Đức Bính đã ra báo mang tên “Đây”[2], cũng như cộng tác với lương y, doanh nhân Phó Đức Thành ra báo “Sức Mạnh” chuyên về phổ biến kiến thức đông y và phòng chữa bệnh[3].

Có thể nói về mặt số lượng, hoạt động báo chí ở Vinh những năm 1930 và đầu những năm 1940 khá nhộn nhịp, chỉ đứng sau Sài Gòn và Hà Nội, không hề kém cạnh các đô thị khác, kể cả Huế.

Không chỉ phát triển về số lượng, mà một số tờ báo ở Vinh đã vượt ra khỏi khuôn khổ địa phương, để có ảnh hưởng nhất định trong toàn quốc. Tờ TNTTV, sau đó là TNT có đại lý phát hành ở nhiều đô thị lớn, ngay ở Quảng Nam, năm 1935 có 11 người đặt mua dài hạn[4]. Báo Tuần Lễ cũng cạnh tranh ngang ngửa với nhiều tờ báo khác, nhất là về các thông tin và bình luận chiến sự Thế chiến II.

Tuy nhiên, thời kỳ này để ra một tờ báo là không khó, nhưng để duy trì và phát triển được trong điều kiện cạnh tranh giữa các báo, cũng như chế độ kiểm duyệt báo chí khá gắt gao, đặc biệt về nội dung chính trị là không dễ. Vì vậy, ngoài TNTTV các báo khác đều sớm nở chóng tàn.

 Báo Đường ngay

Về quan điểm chính trị, nói chung mặc dù là báo tư nhân, nhưng phần lớn các tờ báo ở Vinh đều có quan điểm thân chính quyền, hoặc tỏ ra như thế. Phần lớn các báo đều bày tỏ thái độ ủng hộ chủ trương “Pháp - Việt đề huề”, phản đối chiến tranh, bạo động. Điều này thể hiện khá rõ ở thái độ bất bình đối với Xô Viết Nghệ - Tĩnh. Tuy nhiên, các tờ báo ở Vinh không tỏ ra tô vẽ cho chế độ hiện hành, hoặc nịnh bợ chính quyền đương thời, họ đều cố gắng tỏ ra khách quan trong đưa tin và bình luận. Các báo đều lên án tệ nhũng nhiễu của quan lại, nhất là tầng lớp bang tá, hương chức. Phản ánh khá sát đời sống của các tầng lớp nhân dân, phê phán các hủ tục, mê tín dị đoan, tệ nạn mại dâm, cờ bạc, hút xách… Thậm chí, một số đề tài, sự kiện theo cách nói ngày này là “nhạy cảm”, nhưng báo chí đương thời đưa tin một cách khá “hồn nhiên”, như việc vua Bảo Đại đi săn bị thương, hay xe của vua Bảo Đại đè chết một ông già… Ngoài ra báo chí đương thời cùng viết khá nhiều về các anh hùng dân tộc trong lịch sử, kể cả các vị tiên liệt trong phong trào chống Pháp như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu… Đặc biệt, từ năm 1934, trong không khí cởi mở dân chủ của thời kì mặt trận Bình dân lên cầm quyền, các báo tỏ ra khá mạnh miệng đối với chính quyền và công khai đòi tự do, dân chủ. Đến nỗi, trong báo cáo của mật thám Pháp, một số tờ báo ở Vinh như “Ý dân”, “Tuần Lễ”, thậm chí cả “Sao Mai” của dân biểu Trần Bá Vinh cũng bị coi là có xu hướng Cộng Sản![5]. Tuy nhiên, các báo ở Vinh nói chung không quyết liệt như “Tiếng Dân” của Huỳnh Thúc Kháng ở Huế, mà họ cố gắng duy trì trong giới hạn an toàn về chính trị.

 Báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn tường thuật về Xô viết Nghệ - Tĩnh

Về nội dung, hầu hết các báo ở Vinh là báo có nội dung tổng hợp về chính trị, kinh tế, xã hội và văn chương. Trên mỗi số báo các chuyên mục khá phong phú. Phần thời sự có tin trong khu vực các tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh, trong đó tin về Nghệ An và Vinh được đưa khá nhiều; tin Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Nam Kỳ, tin nổi bật trên thế giới. Riêng báo “Tuần Lễ” ra đời và phát hành trong thời kì Thế chiến II, nên phần tin và bình luận về chiến sự thường chiếm đến phân nửa tờ báo. Các nội dung về kinh tế, xã hội cũng được đề cập khá phong phú. Giáo dục cũng là lĩnh vực được quan tâm. Hoạt động của các trường, kết quả các kỳ thi, thậm chí danh sách điểm thi, nội dung đề thi của một số kỳ thi cũng được báo chí đăng tải. Các hoạt động xã hội từ thiện của các tổ chức như Hội Tập Phúc, Hội Dục Anh, Hội Chữ Thập đỏ, các cuộc đá bóng, biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim lấy tiền ủng hộ người bị thiên tai, hoặc các cuộc lạc quyên ủng hộ quân lính Pháp trong Thế chiến II… được phản ánh khá đậm và ấn tượng. Đặc biệt, nội dung về thể thao, nhất là các cuộc thi đấu bóng đá (thời đó vẫn gọi là “bóng tròn”), bóng bàn, quyền anh, quần vợt… được tường thuật nhiều trên các báo. Về kinh tế, ngoài thông tin, bài viết, các báo đều dành một dung lượng khá lớn cho quảng cáo. Trung bình một tờ báo có 4 trang thì cũng có ít nhất 1 trang dành cho quảng cáo. Có thể nói, chỉ cần xem quảng cáo chúng ta cũng có thể điểm mặt được các doanh nghiệp lớn ở Vinh, hình dung thị trường ở Vinh và khu vực đương thời như thế nào, nhất là trên các lĩnh vực đông dược, dược phẩm, y tế, hộ sinh, hàng tiêu dùng, in ấn, nhiếp ảnh, vận tải…

Văn chương là nội dung không thể thiếu, thậm chí được ưu tiên chiếm dung lượng lớn trên các báo. Báo TNTTV, sau đó là TNT có mục “Văn uyển”, chủ yếu đăng thơ theo thể cũ, còn dành đăng dài kỳ các thiên du ký, tiểu thuyết, tiểu luận… Tuy không thường xuyên nhưng báo này cũng dành đăng nhiều tác phẩm thơ mới, tùy bút, phê bình văn học của các cây bút tên tuổi đương thời Lưu Trọng Lư, Hoài Thanh, Nguyễn Tuân, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu…

Về hình thức, các tờ báo xuất bản ở Vinh cũng được in ấn tốt. Điều này là dễ hiểu vì từ những năm 1920, 1930 ở Vinh đã có hai nhà in vào hạng hiện đại nhất là Nhà in Nguyễn Đức Tư và nhà in Vương Đình Châu. Ngay cả Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu có thời kỳ cũng đưa An Nam tạp chí từ Hà Nội vào in ở Vinh. Những năm 1930 báo chí rất ít in ảnh, kể cả tờ nhật báo lớn ở Hà Nội là Hà Thành Ngọ báo, nhưng báo TNT thì thường xuyên in ảnh, với chất lượng khá tốt, nhất là ảnh về các sự kiện thể thao. Một vài số đặc biệt của TNT cũng đã in màu. Ở Vinh các báo đều có thể in đồng thời cả ba thứ chữ là Pháp, Hán và Việt. Báo TNTTV có thời kỳ còn dành hẳn một trang cho nội dung chữ Hán.

Ảnh phát thưởng cuộc thi thơ của báo TNTTV, năm 1933

Một yếu tố quan trọng quyết định chất lượng và uy tín của các tờ báo ở Vinh là đội ngũ các nhà báo. Trước hết, những người chủ bút của các tờ báo này đều là những nhà báo chuyên nghiệp, có kiến thức và kỹ năng làm báo tốt. Lê Hữu Nhơn, chủ bút TNTTV, sau đó là TNT là một cây bút kỳ cựu đương thời cả về báo chí và văn chương. Trần Bá Vinh, chủ bút Sao Mai là một chính khách lão luyện (dân biểu Trung Kỳ), đồng thời cũng là cây bút có nghề. Nguyễn Đức Bính, trước khi về Vinh làm chủ bút báo “Tuần Lễ”, Le canard déchainé (Vịt Đực), đã làm báo La Lute, Thời vụ ở Hà Nội. Ông được coi là một trong những người viết văn tiếng Pháp hay nhất Đông Dương. Khi làm báo Tuần lễ, Nguyễn Đức Bính còn đồng thời là Tổng Biên tập báo “Thời Vụ” của Phạm Toàn ở Hà Nội. Trợ giúp cho ông ở tờ Tuần Lễ là nhà văn, nhà báo tên tuổi Nguyễn Triệu Luật, một chiến sỹ Quốc dân đảng, bạn chiến đấu của Nguyễn Thái Học.

Đặc biệt các tờ báo ở Vinh đã có sự cộng tác đắc lực của những nhà văn, nhà báo nổi tiếng đương thời, như Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Hoài Thanh, Nguyễn Triệu Luật… Học giả Nguyễn Đổng Chi thời trẻ cũng từng là một phóng viên của TNT. Ngoài đời họ cùng với các chủ bút, quản lý báo chí ở Vinh là những người bạn thân thiết. Vinh khi đó cũng là chốn đi về quen thuộc của giới tao nhân mặc khách Hà Thành.

Khi đổi tên từ TNTTV sang TNT, các nhà quản lý đã tha thiết mời Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu về làm. Lúc này ông vẫn đang cố gắng níu kéo “An Nam tạp chí” sau bao phen đóng mở, nên chỉ nhận lời làm cộng tác viên cho báo. Ông chủ bút báo TNTTV nay xin phép xuất bản tờ tuần báo TNT, cùng mấy ông bạn công tác trong báo quán có lòng yêu mà nhắn tôi vào chơi, cậy một tay giúp việc trong tòa soạn. Tôi vì cảnh ngộ chưa tiện ở lại luôn ở Vinh, hãy xin thường có bài gửi vô, mong được đăng trên báo chương để làm duyên với độc giả”[6]. Ngay trong số đầu tiên của TNT, Tản Đà cho đăng bản dịch bài thơ Đường nổi tiếng  “Xuân giang hoa nguyệt dạ” của Trương Nhược Hư. Trong các số sau ông có bài trên nhiều mục khác nhau, như thơ, truyện, phê bình văn học và kể cả bình luận xã hội.

Trong số các nhà văn, nhà báo nổi tiếng đương thời có thể nói Ngô Tất Tố là người cộng tác chăm chỉ, nhiệt tình nhất. Với các bút danh Thục Điểu, Thuyết Hải, Đạm Hiên cho các chuyên mục khác nhau, Ngô Tất Tố có mặt đều đặn trên các số báo Tuần Lễ. Một thống kê của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho thấy chỉ trên 40 số Tuần Lễ đã có 27 bài của Ngô Tất Tố dưới bút danh Thục Điểu[7].

Đặc biệt, tờ Trung Kỳ của Vương Đình Quang tuy chỉ tồn tại hai năm, nhưng đã có sự cộng tác của hai cây bút đặc biệt. Để cổ vũ, giúp đỡ cho người đệ tử trẻ tuổi và giàu nhiệt huyết của mình, cụ Phan Bội Châu đã viết mấy truyện ngắn cho báo, trong đó có câu chuyện về con chó mang tên “Vá” nổi tiếng của mình, đó là  bài “Lịch sử con Vá” đăng trên tuần báo Trung Kỳ số 14, ra ngày 15/4/1936 [8]. Nhà văn, nhà báo Mác xít Hải Triều cũng đã đăng bài tiểu luận nổi tiếng “Nghệ thuật vị nhân sinh” trên báo Trung Kỳ số 1 (9-10-1935) và số 4 (6-11-1935)[9]

Ở địa phương nhiều vị túc nho, nhà giáo, nhà doanh nghiệp cũng thường xuyên cộng tác với các báo. Nhà nho tiến sỹ Nguyễn Mai, hậu duệ của thi hào Nguyễn Du có thơ; nhà nho Hồ Phi Huyền đã cho đăng toàn văn tác phẩm triết học “Nhân đạo quyền hành” trên nhiều số báo TNTTV. Doanh nhân, lương y Phó Đức Thành viết hàng chục bài báo về đông y và nghệ thuật kinh doanh, ông còn có thiên du ký “Muốn cho biết đó biết đây”, kể chuyến đi 6 ngày lên Phủ Tương, Phủ Quỳ rất thú vị, đăng 12 kỳ trên TNTTV. Doanh nhân Lê Viết Lới, đại biểu công thương Viện Dân biểu Trung Kỳ có nhiều bài viết về kinh tế và xã hội khá sắc sảo. Năm 1932, 1933 báo TNTTV tổ chức cuộc thi phú về Hành cung và thơ về công trình đại thủy nông Bắc Nghệ An đã thu hút được 327 tác giả, với hàng nghìn bài tham gia. Ban giám khảo cuộc thi này có tới ba vị tiến sỹ nho học của ba tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh.

Có thể nói, tuy ra đời khá muộn, nhưng báo chí ở Vinh thời thuộc Pháp, mà chủ yếu là những năm 1930, 1940 đã có đời sống khá nhộn nhịp, phong phú. Dựa trên các cơ sở kinh tế, chính trị xã hội và công nghệ, nhất là các yếu tố người đọc, người viết và cơ sở in ấn đã phát triển tới hạn, báo chí ở Vinh thời kỳ này đã có sự phát triển khá nhanh theo hướng chuyên nghiệp. Có thể nói vị trí và vị thế của báo chí ở Vinh cũng phát triển tương ứng với vị trí và vị thế về kinh tế xã hội của Vinh, so với các đô thị khác ở Trung Kỳ lúc bấy giờ. Báo chí ở Vinh không quyết liệt, thậm chí đôi khi cực đoan như “Tiếng Dân” của Huỳnh Thúc Kháng, mà tỏ ra mềm dẻo và thích nghi hơn. Những chủ bút, chủ báo và các cộng tác viên chủ chốt của các tờ báo này đều là những người có tinh thần dân tộc, có nhân cách của những trí thức chân chính, họ đã khai thác hiệu quả giới hạn an toàn chật hẹp của pháp luật thực dân để thực hiện mục tiêu truyền bá lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, khai dân trí và thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Nguồn tư liệu đồ sộ, phong phú của báo chí ở Nghệ An thời thuộc Pháp thực sự là một di sản quý, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử và văn hóa, rất cần được nghiên cứu.

 

 


[1] Thanh Nghệ tịnh tân văn số 2, 1/8/1930

[2]Theo nhà văn Nguyễn Chí Tình, con trai ông Nguyễn Đức Bính

[3]Đa Văn, Phó Đức Thành, thân thế và sự nghiệp, NXB Lao Động

[4] Lưu Anh Rô: Huỳnh Thúc Kháng và báo Tiếng Dân qua báo cáo mật thám Pháp. Thư mục chuyên đề “Huỳnh Thúc kháng người suốt đời phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”, Thư viện tỉnh Quảng Nam.

[5] Báo cáo chính trị ngày 27 tháng 3.1935. Tài liệu mang ký hiệu A-29-VIII, dẫn theo Lưu Văn Rô “Huỳnh Thúc Kháng và báo Tiếng Dân qua báo cáo mật thám Pháp”, Thư mục chuyên đề “Huỳnh Thúc kháng người suốt đời phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”, Thư viện tỉnh Quảng Nam.

[6]Thanh Nghệ Tĩnh số 1, ra ngày 3/8/1934

[7]Tham luận của Lại Nguyên Ân tại hội thảo “Nhà văn Ngô Tất Tố trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại”, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam sáng 25.6.2019

[8]https://baomoi.com/thuong-cho-nhu-nguoi-cu-phan-boi-chau-lap-mo-phan/c/32277107.epi

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443245

Hôm nay

2136

Hôm qua

2305

Tuần này

21058

Tháng này

218419

Tháng qua

112676

Tất cả

114443245