Xứ Nghệ ngày nay

Vì sao 53 học sinh tiểu học xã Quang Sơn phải lưu ban?

Từ đầu năm học trước đến đầu năm học mới 2014 - 2015, xã Quang Sơn (Đô Lương) vẫn là một điểm nóng. 53 học sinh (HS) từ lớp 1 - 3 đã phải nghỉ học một năm, hiện có 21 cháu đến tuổi lên lớp một cũng đang đứng trước nguy cơ không được đến trường. Vậy đâu là nguyên nhân?

Phản đối quyết định sáp nhập, phụ huynh không đưa con đến trường

Ngày 22/8/2014, khi chúng tôi vừa vào đến làng, hàng trăm người dân làng Văn Hà (các xóm 8,9,10) xã Quang Sơn tập trung bày tỏ thái độ không đồng tình trước quyết định của các cơ quan chức năng về việc xóa bỏ điểm trường. Theo ông Nguyễn Đình Hải (xóm 9), vào đầu năm học trước, cơ quan chức năng đã quyết định xóa bỏ điểm trường lẻ là nơi học tập của các em HS từ lớp 1 đến lớp 3 của làng Văn Hà. Người dân phản đối, đề nghị chính quyền và ngành Giáo dục cho con em tiếp tục được học tại điểm trường cũ. Ông Nguyễn Hồng Hành, xóm 8 nói: “Nếu phải lên trường chính để học, thì người dân phải đưa đón con trên chặng đường hơn 2km, mỗi ngày đi về 8 lượt, trong khi đường gồ ghề, xuống cấp, mùa lụt nước ngập sâu. Trong khi các cháu còn yếu, ngay cả được bố mẹ chở cũng dễ bị cảm lạnh, cảm nắng”.

Kiến nghị không được, người dân làng Văn Hà đã phản đối bằng cách không đưa con em đến trường. Chính quyền, đoàn thể đã nhiều lần vận động, nhưng không có kết quả, vì vậy, 53 HS từ lớp 1 - 3 của làng Văn Hà đã phải nghỉ học suốt 1 năm qua. Ông Nguyễn Nam Đồng (69 tuổi), xóm 9 cho biết: “Hiện làng Văn Hà có 21 cháu năm nay lên lớp 1, nhưng nếu không được học ở điểm trường cũ, thì người dân cũng không chở đi học”. Hiện nay, ngay cả lớp mẫu giáo, người dân cũng không cho con em đi học. Cô Đặng Thị Hương, GV tại điểm trường mầm non Văn Hà nói: “Trẻ từ 3-5 tuổi tại làng Văn Hà có 65 cháu, nhưng hiện nay chỉ có 6 - 8 cháu đến trường. Sự việc này mới xảy ra từ năm ngoái tới nay, còn từ năm 2013 trở về trước thì các cháu vẫn đi học đầy đủ”.            

Điểm trường Văn Hà hiện nay vẫn được người dân bảo quản, gồm 4 phòng cấp 4, trong đó có 3 phòng học với đầy đủ bàn ghế, bảng. Vào tháng 4/2014, chính quyền đã huy động lực lượng để tháo dỡ điểm trường này, nhưng bị người dân tập trung phản đối nên không thực hiện được.

Khi chúng tôi hỏi về qui trình sáp nhập trường, ông Lê Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Quang Sơn cho rằng xã đã làm đúng qui trình, thông qua dân trước khi thực hiện, bằng hình thức tiếp xúc cử tri. Theo chúng tôi, đây là cách giải thích chưa thực sự  thuyết phục, bởi vì hoạt động tiếp xúc cử tri không phải là buổi họp để bàn bạc với dân về việc sáp nhập trường. Chủ trương sáp nhập điểm trường đã thể hiện tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Quang Sơn nhiệm kỳ 2010 - 2015, ban hành vào năm 2010. Sau khi Đảng ủy, HĐND, UBND xã Quang Sơn quyết định xóa điểm trường lẻ, mới gửi thông báo về cho các chi bộ 8,9,10 và trường tiểu học để thực hiện. Mặt khác, tại cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND xã, hầu hết người dân không đồng tình với chủ trương, nhưng việc sáp nhập trường vẫn tiến hành.

Trước sự phản ứng của dân, các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể huyện Đô Lương và xã Quang Sơn đã vào cuộc để thực hiện mục tiêu sáp nhập trường. Tuy nhiên, đã có một số việc làm không được người dân đồng tình. Ông Nguyễn Hồng Hành, xóm 8, vì lên tiếng ủng hộ nguyện vọng của dân nên bị kỉ luật cách chức Thường vụ Hội CCB xã. Có hai thầy giáo (Nguyễn Hàm Bắc, Nguyễn Hàm Hành) vì lên hát góp vui cho các cháu thiếu nhi trong đêm Trung thu 2013 đã bị Phòng Giáo dục mời lên làm việc, phải viết bản kiểm điểm…

 Cần đặt quyền được học của con em lên trên hết

Ông Lê Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Quang Sơn công nhận những khó khăn mà người dân nêu ra như đường xa, lũ lụt, việc đưa đón con em sẽ ảnh hưởng đến công việc của phụ huynh là có cơ sở. Nhưng ông Vĩnh cũng giải thích là đường sá thì huyện đang đầu tư. Tuy nhiên, vào thời điểm chúng tôi về địa phương, vào ngày 22/8/2014, con đường đi từ làng Văn Hà về điểm trường chính vẫn gồ ghề khó đi, nhiều vũng nước nằm giữa mặt đường, có một đoạn đường rải đá cuội xanh nhưng không lu lèn nên lổn nhổn. Người dân cho biết là số đá này vừa được rải vào khoảng đầu tháng 8/2014.

Hiện nay, giữa người dân và chính quyền vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Hậu quả là 53 HS đã bị lưu ban 1 năm, hơn 20 em sắp vào lớp 1 có thể không được đến trường, hàng chục cháu ở tuổi nhà trẻ không được đi học. Tình hình an ninh trật tự có dấu hiệu bất ổn, gần đây một số nhà dân cho con em đi học bị đốt cây rơm, phá lúa, một số người dân không đóng các khoản phí, nghĩa vụ cho địa phương.

Thiết nghĩ cả hai bên, chính quyền và người dân, cần coi quyền được học của các cháu thiếu nhi là mục tiêu cao nhất. Theo chúng tôi, việc xóa điểm trường chỉ là một quyết định hành chính, nếu chưa phù hợp và chưa được dân đồng thuận thì có thể hủy bỏ, thay đổi, hoãn thực hiện... Việc sáp nhập trường là phù hợp với xu hướng phát triển chung, nhưng trong trường hợp này cần xem xét đã phải là việc cấp bách buộc phải làm hay chưa là điều cần phải tính đến. Mặt khác, việc xóa điểm trường Văn Hà là trái với Điều lệ trường tiểu học qui định độ dài khoảng cách HS đi từ nhà đến trường (vùng nông thôn không quá 1 km). Để gần một trăm HS có nguy cơ thất học là hết sức nghiêm trọng và không đáng có. Thiết nghĩ, một thái độ lắng nghe, cầu thị, mềm dẻo từ phía chính quyền, và cả người dân, trong trường hợp này là cần thiết để đảm bảo quyền lợi và tương lai của thế hệ trẻ.  

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114434948

Hôm nay

2219

Hôm qua

2349

Tuần này

21598

Tháng này

211996

Tháng qua

1114316576

Tất cả

114434948