Cuộc sống quanh ta

Hình như kiến gió cũng có linh hồn

Cuối năm 1981 anh Phan Thuận An và tôi được ông Trưởng ban Quản lý Di tích Cố đô Huế phái lên phối hợp với ông Tôn Thất Hy thường ngày gọi là Đội Hy, Đội trưởng bảo vệ lăng Gia Long, tìm cách chống sập điện Gia Thành thuộc lăng bà Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu, tục danh Trần Thị Đang thân mẫu nhà vua Nguyễn Thánh Tổ.

Hơn một giờ cắm cổ guồng, hai anh em tôi qua đò ngang bến Kim Ngọc, gửi xe đạp ở quán nước bên đường rồi lội bộ vào Minh Thành điện tìm ông Đội Hy. Ông Ố mới lên thay ông Cẩn cho biết thường ngày ông Đội ở ngoài nhà dân, ít khi vào điện.

Ngồi với nhau e chừng chưa giập miếng bả trầu thì đã nghe tiếng dội chát chúa từ Gia Thành điện. Hai anh em tôi cùng ông Đội Hy đi ngay vào nơi phát ra tiếng chặt phá đang rộn rã.

Đến nơi, đứng giữa những tay rừu rựa mà ánh mắt họ long lên theo lòng căm thù đế quốc phong kiến ngùn ngụt, biết tính sao đây! Ông Đội Hy thì hằng ngày chén nước, điếu thuốc làm lành với họ để được yên thân đi về. Anh Phan Thuận An với tôi lạ nước lạ cái thấy ánh thép lưỡi rìu loang loáng đã nản.

Đụng cọp rồi. Tôi thoáng nghĩ thế, để tự trấn an mà lên tiếng trước. Xin anh em dừng tay, Di tích đã được xếp hạng và chỉ vào một tấm biển nhỏ có 4 chữ: “Di tích xếp hạng” bị ai đó gạt sang một bên nằm chênh vênh bên thềm. 

Cả bọn rìu rựa quay lại nhìn tôi rồi ngạo mạn cười.

Đây là công trình kiến trúc duy nhất còn sót lại của lăng Thiên Thụ Hữu. Định Môn vốn là căn cứ địa thời “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” nên bom đạn cũng lắm mà trình độ giác ngộ cách mạng cũng rất cao. Sự tôi luyện trong gian khổ chiến tranh cộng với tư tưởng bất cần quen bươn trong rừng sâu tìm cơ may đổi đời đã tôi luyện số người này thái độ ứng xử với người lạ cũng lạnh như lưỡi rừu.

Mùa mưa gió việc “ngậm ngãi tìm trầm” tạm ngưng. Ngồi xo ro trong những mái nhà tranh mà vách liếp chỉ đủ che tầm nhìn nhưng không ngăn luồng gió, thiếu chất đốt sao yên.

Gia Thành điện đứng giữa đồi không mông quạnh đã gần thế kỷ rưỡi với nắng mưa gió bão và trống vắng hơi người nên đã hư hỏng nứt gãy dột nát quá nặng.

Ông Tôn Thất Hy làm đội trưởng. Ông Ố mới lên thay ông Cẩn làm đội viên. Với  khu lăng rộng giữa đồi không mông quạnh chỉ có 2 con người. Kham sao nổi. Một mảng rui, mèn không còn ngói che. Một vài câu đầu, xà, trến đã lơi mộng. Trước tầm nhìn của củi số vật liệu này gợi nên ấm áp. Với anh em Định Môn, Gia Thành điện hiện diện như một “nguồn nhiên liệu”. Mưa gió. Dễ lấy. Gần nhà. “Mỏ củi” trước mũi không tranh thủ không yên.

“Các ông giữ những thứ vua quan này làm gì. Chúng tôi không lấy thì mưa gió cũng lấy! Các ông định chống đỡ ư? Chống bằng tay à?”.

Một người trong bọn tiếp chúng tôi với lời đầu tiên là thế.Ông đội Hy thì trước sau vẫn phải giữ chỗ đi về. Anh Phan Thuận An là một thư sinh Huế  “bản địa” từng được nâng niu trong tay “lá ngọc cành vàng” chưa một lần tiếp xúc với thực tế xã hội du đãng ngoài đời. Còn tôi, người Nghệ mới nhận việc, lại được chính ông Trưởng Ban Quản Lý Di Tích gọi lên văn phòng giao việc. Vả lại, anh An từng đã bảo vệ thành công Luận văn Cao học Sử về Phòng Thành Huế, vào thời điểm năm 1981 là “con chim đầu đàn” của bộ phận nghiệp vụ. Tôi mới nhập tịch chưa biết chi về văn hóa Huế nên thực hiện lời dạy dân gian “Học thầy không tầy học bạn”. Rủ anh An đi là tự tôi. Gặp tình huống này hai người Huế quả là khó ăn khó nói. Tôi là người Hà Tĩnh, vốn có máu “cá gỗ” lại sắm vai tổ trưởng của ba người nên phải ra giọng phân trần đôi lời với anh em.

Để tránh những cái lưỡi rừu vô tri kia, chúng tôi đành phải đấu dịu mà giữ lối đi về, tôi thỏa thuận: Số rui mèn, đòn tay,… trót đã thành củi rồi, công ai người đó lấy. Kể từ nay xin anh em dừng tay để “chúng ta” còn cứu vãn di tích.

Không ngờ hai tiếng “chúng ta” lúc đó lại “đắt giá” đến thế.

Những người kiếm củi tươi tĩnh hẵn rồi hò nhau bó củi vác ra về.

Khi chỉ còn ba anh em đứng lại giữa sự sụp đổ như là tất nhiên vẫn văng vẳng câu hỏi: “Các ông định chống đỡ ư? Chống bằng tay à?”.

Câu hỏi ngang nhiên của người Định Môn trước “sứ mệnh” của những người bảo tồn di tích năm 1981 quả là chí lý!

Phút khó xử nhất coi như qua, ba người chúng tôi đứng lại ngao ngán trước phế tích đang trong cơn “hấp hối” giữa mùa mưa bão của trời và vô tri của con người. Tôi nghĩ có củi trong tay rồi nên họ dễ ra về. Nhưng đối với họ, sự trở lại vẫn là tiếng gọi của bếp lửa mùa mưa. 

Một tòa nhà trùng thiềm điệp ốc lợp ngói âm dương quá nặng đang đuối sức. Một số chân cột đã bị gió bão xô trượt ra khỏi đá táng chênh vênh. Toàn bộ ngôi điện đã xiêu về một phía. Tường vôi vữa đã bong, nứt, nghiêng, sụt. Một góc mái chính tích với hai đầu mái chái tiền tích ngói đã sụt, rui mèn đã được “hạ thổ” ra Định Môn làm nhiên liệu rồi.

“Chống bằng tay à?”.

Kinh phí không một đồng. Vật liệu không một tấc. Sức nặng hàng chục tấn trên đầu 3 con người mong manh sao mà hài hước vậy. Ra khỏi chỗ đứng là điều đầu tiên đối với chúng tôi.

Trời về chiều. Những mảng mây mọng nước u ám đã nhòa những cây thông cây xoài tốt số. Hai anh em tôi theo ông đội Hy sang Minh Thành điện.

Ông Ố đang lúi húi trong một góc sập của Tả vu lo bữa cơm chiều cho 4 anh em. Ba gian Tả vu chỉ còn lại mái chái trái cũng là may. Hai bờ tường thấp đỡ một mái nghiêng như người gánh quá nặng đã quỵ đầu gối.

Bếp là một mớ tro với ba cục đá làm ba ông đầu rau. Leo lét lửa và phảng phất mùi dưa chua nấu với cá con mấy người đơm tát ngoài hồ Dài cho ông Ố. Bên cạnh bếp là một tấm ván hình như là cánh cửa cũ kê sát tường hồi để tránh sập là chỗ nằm của bác Cẩn nhường lại cho người đến thế chân. Cơm tối xong ông đội Hy giúp chúng tôi kê hai tấm ván vào gian giữa Minh Thành điện làm chỗ ngạ lưng qua đêm.

Minh Thành điện là một tòa nhà trùng thiềm điệp ốc, cột lim đen bóng bởi sắc gỗ lâu ngày lên nước y như cột đình thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí của làng tôi.

Một số chân cột của chính tích và tiền tích đã chệch ra bên ngoài đá táng. Ngói mái sau và hai mái chái kép đã sụt, vở nhiều chỗ nên nền chính tích lênh láng nước mưa. Duy chỉ còn gian giữa tiền tích không dột lại vừa được chống đỡ nên ông đội Hy sắp xếp cho hai chúng tôi chỗ đó. So với các gian bên, gian giữa có vẽ còn vững hơn. Tuy nhiên để đề phòng sự sụp đổ bất ưng, chúng tôi kê hai tấm ván sát bậc thềm và bảo nhau trở đầu ra phía ngoài để nhỡ khi mái sập dễ thoát chí ít còn giữ được cái đầu. Bởi chỉ nghĩ đến cái đầu mình nên quên lễ nghĩa. Đêm càng vào khuya càng rờn rợn bởi sự im lặng quá nặng nề và bởi cả những tiếng rừng rất lạ mà khó đoán. Bồn chồn nên khó ngủ, hai chúng tôi cứ trằn trọc băn khoăn và một điều rất lạ là như có hàng triệu triệu con kiến gió bò rân rân trên da thịt khắp cơ thể tôi. Bò mà không cắn.Tôi ngồi dậy cởi áo vừa phủi vừa xoa rồi dém màn lên kéo chiếu ra sân để rủ. Phan Thuận An thấy tôi ôm chiếu ra ngoài cũng làm theo. Thì ra bên đó cũng bị hàng triệu con kiến bò như tôi. Rủ chiếu, rung mùng, thay áo, nhưng cả hai không tìm thấy một con kiến nào. Thế mới lạ. Kiến bò rõ ràng thế mà không nhận ra dù chỉ một con.

Tôi rờn rợn nghĩ ngay đến ma. Nhưng trong điện thờ vua ma vào thế nào được.

Thôi rồi! tôi nghĩ mình là một thần dân nằm ngược trước án thờ vua là phạm trọng tội vô lễ.

Tôi nghĩ vậy liền khẻ nói với anh Phan Thuận An, ván bên. Ta nằm giữa gian bảy (quê tôi gian giữa thường gọi là gian bảy) mà quay đầu ra ngoài là vô lễ, phạm thượng rồi! Ta bị quở đó. Quay lại thôi!  Thế là hai anh tôi đều trở đầu vào phía trong.

 Từ phút đó, chúng tôi không hề bị kiến bò, an tâm ngủ một giấc thật sâu cho đến sáng. Bị quở để nhắc nhỡ mà không bị phạt là phúc lớn đối với chúng tôi.

Xem ra, những con kiến gió dù nhỏ cũng vẫn có linh hồn. Đó là loại âm binh lành, thiện tâm.

Hướng thượng mỗi khi vào đền chùa đình miếu lăng tẩm là lời dạy của bà ngoại tôi từ thuở chúng tôi còn lẻo đẻo theo bà lên chùa đã trở thành thuộc tính. Niềm tin vào các đấng vô biên cao cả vốn đã tiềm ẩn trong tâm trí tôi từ nhỏ. Sau buổi tối Minh Thành điện với anh Phan Thuận An tôi càng đinh ninh hơn.

Thế rồi điện Gia Thành vẫn không giữ được. Một số người Định Môn đã nhanh tay hơn mưa bão, nhanh tay hơn kế hoạch mà chúng tôi đệ trình lên Trưởng ban Quản lý Di tích, xin kinh phí mua vật tư chống đỡ. Tiếc nhất là những ô chữ trên các dải liên ba. Giá mà hồi đó chúng tôi có máy ảnh, có kinh phí và nhất là người trên đừng miệt thị chúng tôi chỉ là “những kẻ giữ mả vua” thì may cho hôm nay biết nhường nào! Những ô chữ về sau khi tìm ra mối liên hệ tôi mới biết đó là các ô thơ vua. Tiếc quá.

Cái thời mà ngay ông Trưởng ty Văn hóa Thông tin Trần Hoàn sai ba quân đập gờ cửa Loan, Phụng nới rộng để xe tải đưa máy in vào Lục Viện (Hoàng Thành) và cho đập bỏ một đoạn La Thành Hiếu lăng để nhân viên văn hóa chở phân, hom sắn vào tăng gia sản xuất thì lăng Thiên Thụ chẳng là cái gì trong mắt người đứng đầu nghề văn hóa.

“Quả báo nhãn tiền”. Cha ông ta dạy thế! Những chiếc ghế Hợp tác xã Nông nghiệp Định Môn đóng bởi gỗ tháo gỡ trong các công trình kiến trúc lăng, chiếc thạp đất nung vài ba người cuỗm về ít lâu lại theo nhau mang vào chổ cũ. Một vài vật dụng từ lăng lưu lạc theo những tấm lòng tham, lục tục được vãn hồi. Một số trai làng ngỗ ngáo từng phá lăng, đào mộ, sống buông thả bất cần dường như mỗi ngày một điêu linh tàn tạ.

Vậy là từ ngày về với Huế, lên lăng Gia Long dần dần tôi nhận ra mối giao hòa tương dữ giữa Thiên lý, Địa lý, Nhân lý vô hình mà hữu lực. Những con kiến bò rân rân nhưng không hề cắn trong đêm ngủ ở điện Minh Thành nhắc tôi đừng bao giờ vô lễ với người đã khuất. Nhất là các vị tiền bối có công khai sáng một Vương triều.

                                                                                    Montreal, ngày 21 tháng 3 năm 2014

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443716

Hôm nay

2274

Hôm qua

2333

Tuần này

21529

Tháng này

218890

Tháng qua

112676

Tất cả

114443716