Góc nhìn văn hóa

Đọc sách ra sao cho có hiệu quả?

 

Lâu nay chúng ta thường bàn nhiều về văn hóa đọc, về tình trạng xuất bản sách hay về thực trạng việc đọc sách ở lớp trẻ. Nhưng từ trong gia đình đến nhà trường cũng ít khi dạy cho con trẻ, dạy cho học trò đọc sách thế nào cho bài bản, cho hiệu quả. Nghĩa là hướng đến một chiến lược đọc sách lâu dài và phù hợp. Trong khi đây lại là vấn đề quan trọng của chuyện đọc sách, của xây dựng văn hóa đọc.

Để xây dựng nền tảng cơ bản cho văn hóa đọc, hay cụ thể là để đọc sách một cách hiệu quả thì cần phải thực hiện 4 bước cơ bản. Thứ nhất là phải xác định rõ mục tiêu cho việc đọc sách. Thứ hai là phân loại sách để đọc. Thứ ba là xây dựng một kế hoạch đọc sách đầy đủ. Và cuối cùng, là bước quan trọng nhất: xây dựng phương pháp đọc sách một cách hiệu quả.

Bắt đầu đọc sách, người ta phải xác định mục tiêu của mình để có chiến lược đọc sách phù hợp. Thường thì có nhiều mục tiêu khác nhau trong việc đọc sách và các mục tiêu đọc sách cũng thay đổi. Một người đọc sách không chỉ cho một mục tiêu nhất định mà là cùng lúc nhiều mục tiêu, nhưng có mục tiêu chính và mục tiêu phụ. Và các giai đoạn, các công việc cũng làm thay đổi mục tiêu cụ thể. Nhìn chung, có một số mục tiêu cơ bản của việc đọc sách: giải trí, cập nhật thông tin, kiến tạo tri thức nền tảng, kiến tạo tri thức chuyên môn, tìm kiếm lý thuyết và phương pháp tiếp cận khoa học, đánh giá một công trình hay một tác phẩm. Khi đọc sách người ta lựa chọn mục tiêu chính và mục tiêu phụ để lựa chọn sách đọc và cách đọc phù hợp.

Phân loại sách là sự chuẩn bị đầu tiên cho một chiến lược đọc sách. Có nhiều cách phân loại sách và tùy theo mục tiêu cũng như các giai đoạn khác nhau mà người ta đưa ra những cách phân loại phù hợp. Thông thường dựa vào mục tiêu và chức năng người ta sẽ phân thành các loại sách cơ bản sau: sách giải trí, sách phổ thông, sách kinh điển, sách chuyên ngành - chuyên khảo, sách tra cứu. Phân loại sách như vậy sẽ cho chúng ta biết lúc nào phải đọc sách nào và đạt được mục tiêu nào. Ví như để nắm bắt thông tin cơ bản thì đọc sách phổ thông, để có nền tảng tri thức cơ bản tốt thì đọc sách kinh điển, khi có tri thức nền tảng thì đọc sách chuyên ngành để kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực của mình, hay khi cần tra cứu một thông tin, một vấn đề hay một thuật ngữ thì cần phải đọc sách tra cứu là các từ điển…

Xây dựng và thực hiện một kế hoạch đọc sách bền bỉ và hợp lý là yếu tố quan trọng trong chuyện đọc sách. Thường có hai vấn đề quan trọng trong kế hoạch đọc sách của một người đọc là đọc sách thường xuyên và đọc sách phục vụ cho một công việc, một vấn đề cụ thể. Đọc sách thường xuyên là vấn đề quan trọng, giúp cho người đọc có một lịch trình đọc sách đầy đủ và rèn luyện tính kiên trì của người đọc. Tùy theo thời điểm trong ngày mà người ta chọn đọc sách nào cho hiệu quả. Nhưng quan trọng nhất vẫn là phải duy trì được việc đọc sách hàng ngày, từ sách giải trí, sách phổ thông hay sách kinh điển. Việc này giúp người đọc có một nền tảng tri thức sâu rộng và bền vững, liên tục được bồi đắp. Nếu đọc sách thường xuyên tạo cho người đọc một nền tảng kiến thức vững chãi thì việc đọc sách để vận dụng vào một công việc hay một vấn đề cụ thể chính là sử dụng kết hợp tri thức nền tảng và tri thức chuyên môn vào công việc. Khi đó phải đọc sách chuyên khảo, tra từ điển để làm rõ những vấn đề mà mình quan tâm. Nhìn chung, kế hoạch đọc sách không khó nhưng thực hiện nó một cách nghiêm túc lại là vấn đề rất khó.

Tìm phương pháp đọc sách hiệu quả là vấn đề quan trọng nhất và cũng phức tạp nhất. Hầu hết người đọc thường không tìm được các phương pháp phù hợp nên việc đọc sách hay bị gián đoạn, đọc theo cảm hứng và không đạt được mục tiêu đặt ra. Phân tích quá trình đọc sách và vận dụng việc đọc sách vào công việc cũng như cuộc sống, nhất là từ những người làm nghiên cứu khoa học, người ta đưa ra 7 nguyên tắc quan trọng cũng là những phương pháp đọc sách hiệu quả.

Thứ nhất, đọc gắn với ghi chép. Khi đọc sách, cần phải ghi chép lại các thông tin cơ bản như tên sách, năm xuất bản, nhà xuất bản, ngôn ngữ, số trang, mã số thư viện. Đọc sách cũng phải ghi chép tóm tắt các nội dung chính của sách như đối tượng, chủ đề, nội dung, quan điểm, tư tưởng, lý thuyết, phương pháp tiếp cận. Cố gắng tóm tắt theo cách hiểu và cảm nhận của mình. Tốt nhất là đọc hôm nào ghi chép hôm đó. Nhật ký đọc sách là vấn đề quan trọng. Cần ghi chép hàng ngày những gì mình đọc được và cả những gì mình suy nghĩ về những cái mình đọc để từ đó mở rộng việc đọc ra những chân trời rộng lớn hơn. Nhất là những cái mình chưa hiểu, hiểu chưa rõ để tìm sách đọc tiếp cho rõ ràng hơn hay tìm người trao đổi cho biết sâu thêm.

Thứ hai, đọc gắn với viết. Có những người đọc sách để phục vụ công việc và viết là công việc chính cũng là mục tiêu quan trọng trong việc đọc sách của họ. Nhưng cũng có những người viết không phải là mục tiêu chính. Có điều đọc sách thì cần gắn với viết. Có thể là viết lại những suy nghĩ, trăn trở hay cảm nhận của mình về nội dung liên quan đến cái mình vừa đọc, có thể viết những vấn đề mình quan tâm có liên quan đến cuốn sách. Nhưng viết là một cách để hiểu sách và ghi nhớ nội dung sách.

Thứ ba, đọc gắn với suy nghĩ. Khi đọc sách thì cũng cần phải nghĩ đến vấn đề mình quan tâm, nghĩ đến công việc mình đang làm, nghĩ đến những cuốn sách khác liên quan, nghĩ đến cái hay và cái dở của cuốn sách. Nói chung, đó là suy nghĩ mở rộng ra ngoài những thông tin, kiến thức mà cuốn sách cung cấp, gắn những tri thức mình tiếp nhận được với công việc và cảm nhận của mình tại thời điểm đọc cuốn sách đó. Suy nghĩ mở rộng như vậy giúp người đọc biết mình thu nhập được những gì sau khi đọc.

Thứ tư, đọc gắn với phê phán. Một cuốn sách bao giờ cũng có những cái hay và cái chưa hay, cái phù hợp và cái chưa phù hợp, cái chặt chẽ và cái còn thiếu căn cứ… Vậy nên đọc sách cũng gắn với tinh thần phê phán. Phê phán một cách có cơ sở sẽ giúp cho những gì mình đọc trở nên bổ ích hơn. Tư duy phê phán giúp ta nhận biết được cái hay - dở, phù hợp - chưa phù hợp của nội dung cuốn sách. Từ đó giúp ta chủ động tiếp cận các thông tin sách vở, hay tìm kiếm những hướng đi cho công việc của mình qua tiếp nhận cái thích hợp, cái tích cực của người đi trước để lựa chọn bước đi cho mình.

Thứ năm, đọc gắn với trao đổi. Khi đọc một cuốn sách, hãy mở lòng trao đổi với người khác. Trao đổi với những người quan tâm, với thầy cô hướng dẫn, với bạn bè cùng ngành. Chúng ta nên cố gắng chia sẻ những gì mình thu nhận được sau khi đọc bởi đó là một cách để hệ thống lại kiến thức cũng như nhân rộng kiến thức mình thu được một cách hiệu quả nhất. Sau khi trao đổi thì nên đọc lại để hiểu sâu hơn đối với các sách quan trọng.

Thứ sáu, đọc gắn với liên hệ. Sách thường viết về những thứ không xa xôi với cuộc sống, cho dù là loại sách gì thì cũng luôn có sự liên quan, gắn bó với cuộc sống con người. Vậy nên khi đọc sách cũng cần phải liên hệ: liên hệ với công việc, liên hệ với cuộc sống của mình, liên hệ với những thứ mình quan tâm, liên hệ với những cuốn sách khác mình đã đọc và cả liên hệ với những cuốn sách mình đang cần tìm để đọc. Việc liên hệ như một cách giúp người đọc mở rộng mạng lưới tiếp cận tri thức, khả năng vận dụng những tri thức từ trong cuốn sách vừa đọc vào công việc và cuộc sống sao cho phù hợp.

Cuối cùng, đọc thường xuyên. Đọc sách cũng như ăn uống hàng ngày. Một cơ thể khỏe mạnh khi có một chế độ ăn uống hợp lý thường xuyên chứ không phải nhờ ăn một bữa thật ngon. Đọc sách cũng vậy, cần phải được duy trì thường xuyên và liên tục. Chỉ có như vậy mới kiến tạo được một hệ thống tri thức nền tảng tốt, tri thức chuyên môn sâu giúp mình vừa nhận thức cuộc sống một cách rõ ràng và tiếp cận công việc một cách phù hợp hơn.

Tóm lại, lâu nay chúng ta rơi vào tình trạng đọc sách theo cảm hứng, theo yêu cầu công việc một cách thụ động mà chưa có một chiến lược đọc sách sao cho hiệu quả. Vì thế nên có khi thì lao đầu vào thư viện đọc cả ngày lẫn đêm, nhưng rồi lại bỏ bê việc đọc hàng tháng, hàng năm. Vậy nên thiếu cả tri thức nền tảng lẫn chuyên môn, khó tiếp cận cuộc sống văn minh hiện đại cũng như khó tiếp cận các công việc đòi hỏi phải có tri thức chuyên sâu. Để khắc phục điều đó thì cần phải xây dựng một chiến lược đọc sách phù hợp và hiệu quả. Và quan trọng hơn nữa là phải kiên trì, bền bỉ thực hiện chiến lược đọc sách do mình đưa ra. Điều đó sẽ góp phần cải thiện văn hóa đọc một cách tích cực hơn./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511015

Hôm nay

214

Hôm qua

2359

Tuần này

21389

Tháng này

217888

Tháng qua

121356

Tất cả

114511015