Góc nhìn văn hóa

Thám hoa Phan Tất Thông với nghệ thuật đánh trống tế Yên Thành

Nhắc đến di sản văn hóa phi vật thể Yên Thành, người ta nghĩ ngay đến Trống tế, một loại hình âm nhạc đặc biệt không chỉ được sử dụng trong nghi thức thờ cúng mà còn xuất hiện nhiều trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương. Ít ai biết rằng, điệu trống tế nổi tiếng này lại liên quan đến một vị danh nho - Thám hoa Phan Tất Thông.

Con đường quan lộ của Thám hoa Phan Tất Thông

Phan Tất Thông hiệu là Ðĩnh Khê tiên sinh, người xã Hạ Thành, huyện Ðông Thành (nay là thị trấn Hoa Thành, huyện Yên Thành), là cháu 7 đời của ông Phan Tất Diễn, vì tránh loạn Hồ Quý Ly mà vào Ðông Thành khoảng năm 1400. Sinh ra trong một gia đình khá giả, đời nối đời làm quan, bởi vậy, Phan Tất Thông từ nhỏ đã được cha mẹ chăm lo đèn sách chu đáo. Năm Canh Tuất (1550), ông thi Hương đậu Hương cống. Đến năm Giáp Thìn, niên hiệu Thuận Bình thứ 6 (1554), Phan Tất Thông tham gia kỳ thi Chế khoa do vua Lê Trang Tông mở ở Thanh Hóa và đậu Thám hoa. Sau đó ông được bổ giữ chức Ðông các Hàn lâm viện, rồi Binh bộ Hữu thị lang.

Lúc này, tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh đang dốc toàn lực để đánh đuổi nhà Mạc, Phan Tất Thông cũng vì thế mà được điều động tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ, lập nhiều chiến công. Nhờ vậy, năm Quang Hưng thứ 3 (1580), ông được vua Lê vinh phong Ðặc tiến Kim tử Vinh Lộc đại phu Phụ quốc Thượng tướng quân Binh bộ Hữu thị lang, tước Hòa Mỹ hầu. Năm 1592, sau khi lấy lại được cương thổ từ nhà Mạc, vua Lê dời đô ra Thăng Long (1593), Phan Tất Thông được giao giữ chức Tán trị thừa chính sứ ty Thanh Hoa. Trong thời gian ông trị vì, đời sống của Nhân dân nơi đây ngày càng ổn định và hưng thịnh, bởi vậy, Nhân dân kính trọng gọi ông là "Ðại thái". Làm việc trải dưới 4 triều vua Lê Trung hưng, đến năm 1603, ông được triều đình cho nghỉ ngơi và cấp lộc điền tại vùng núi Ðời Sơn (nay thuộc xã Văn Thành, huyện Yên Thành). Tuy nhiên, chưa kịp hưởng lộc vua, ông đã qua đời vào ngày 17 tháng 8 năm Giáp Thìn (1604) tại quê nhà. Hiện nay, tại đền thờ Phan Tất Thông ở thị trấn Hoa Thành còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật quý, ghi nhận công trạng của ông, tiêu biểu là 10 đạo sắc phong của các vị vua từ triều Lê Trung hưng đến triều Nguyễn.

Người khởi nguồn cho nghệ thuật đánh Trống tế ở Yên Thành

Theo truyền ngôn của hậu duệ dòng họ Phan Tất, làng Hạ Thành (nay là thị trấn Hoa Thành, huyện Yên Thành) và ghi chép trong sách “Địa chí - Văn hóa - Lịch sử xã Hoa Thành” cho biết: Nghệ thuật đánh Trống tế ở Yên Thành được bắt nguồn từ Thám hoa Phan Tất Thông với sáng tác có tên gọi “Nhạc trống Hạ Thành”. Ông sáng tác điệu nhạc trống này để biểu diễn vào dịp “Thượng kinh chiêm bái”, mừng nhà Lê lấy lại được cương thổ, về lại Thăng Long mở “Thái bình diên yến” vào mùa xuân năm 1592. Nhạc trống đánh theo nhịp 7 tiếng, tất cả 35 nhịp, chẳng nhịp nào trùng nhịp nào, thành 245 tiếng, không lỗi một tiếng, chặt chẽ, sinh động; đủ khai - thừa - chuyển - hợp.  Đội nhạc gồm có 6 người, 1 trống cái, 2 trống con, 2 não bạt, 1 chiêng. Từ điệu “Nhạc trống Hạ Thành” xưa, người dân quê lúa đã sáng tạo thêm, đưa nó lên một tầm vóc mới, dần dần trở thành bản sắc, nét văn hóa đặc trưng, độc đáo của miền quê này và tồn tại đến ngày nay. Trống tế được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên, thờ người có công, với các nghi thức tế lễ ở các địa điểm tâm linh như đình, đền, miếu, nhà thờ họ…

Đội trống tế "hoành tráng" của dòng họ Phan Duy dự hội đền Cả năm 2024. Ảnh: nguồn internet

Đây là một loại hình nghệ thuật âm nhạc khá đặc biệt, có nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, tùy thuộc vào từng ngữ cảnh, nhẹ nhàng, khoan thai trong lễ rước kiệu; thanh thoát, hướng thiện trong các lễ nghi tâm linh, hay trầm hùng, vui tươi trong lễ hội thi trống tế…Mỗi dàn nhạc trống tế Yên Thành hiện nay thường có từ 5 đến 10 nhạc cụ: Trống cái, trống con, nao bạt (xập xèng), chiêng (bù rù), đàn cò (đàn nhị), đàn bầu, sáo... Tuy nhiên, phần lớn chỉ sử dụng các loại cơ bản là: Trống cái, trống con, nao bạt, chiêng (bù rù), trong đó, âm thanh chủ đạo là tiếng trống, các loại nhạc cụ khác chỉ mang tính phụ họa, hỗ trợ cho tiếng trống thêm bay bổng. Các bước thực hành lễ nghi được thực hiện trên nền nhạc trống tế với các điệu trống 3 hồi 9 tiếng, trống đổ, trống sắp, điệu nhạc lưu thủy (một trong những bản nhạc thuộc Nhã nhạc cung đình Huế thường được sử dụng trong các dịp lễ hội, lễ tế truyền thống của Việt Nam )… dàn nhạc phải đánh sao cho khớp với từng động tác, nghi thức của lễ tế… Trong nghi thức tế lễ ở Yên Thành thường có 2 lệnh đó là khẩu lệnh gọi là thông xướng (người đọc các câu lệnh để đội tế thực hiện) và trống lệnh (lệnh của trống cái, cùng với sự hòa âm của các nhạc cụ khác trong dàn nhạc, thông qua tiếng trống đội tế sẽ thực hiện các bước theo trình tự). Ngoài phần nhạc lễ phục vụ cho nghi thức tế trong lễ Yết cáo, lễ Đại tế, tại các nhà thờ họ ở Yên Thành, con cháu thường tổ chức biểu diễn một bài bản trống vui để dâng lên tổ tiên đồng thời trình diễn cho con cháu và Nhân dân cùng thưởng thức.

Đội trống tế tại đền thờ Phan Tất Thông

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đất nước, trống tế Yên Thành cũng có nhiều sự đổi thay. Ngoài không gian tế lễ trong đình, đền, miếu, nhà thờ…dàn trống tế đã mở rộng không gian thực hành ra sân hội với cuộc thi trống tế, các cuộc giao lưu thực hành nghệ thuật trình diễn trống tế giữa các làng, các dòng họ, các xã và các vùng với nhau, đặc biệt là vào dịp đầu xuân. Trong đội trống thỉnh thoảng đã nhìn thấy bóng dáng của các cô, các bà, các mẹ, điều mà trước đây chưa từng có. Hồi trống của chị em cũng không kém nam giới, gợi cho ta nhớ đến tiếng trống của Trưng Trắc, Trưng Nhị thủa nào. Hiện nay, loại hình nghệ thuật độc đáo này đang được Sở Văn hóa và Thể thao lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia./.

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114581843

Hôm nay

2105

Hôm qua

2308

Tuần này

2413

Tháng này

219546

Tháng qua

128795

Tất cả

114581843