Cuộc sống quanh ta

Năm sinh của Công Phượng hay là căn bệnh mạn tính của truyền thông

Thời gian gần đây, năm sinh của cầu thủ U19 Nguyễn Công Phượng được truyền thông quan tâm một cách đặc biệt. Những người có thiện chí hẳn sẽ mừng rằng, đấy là hành trình đi tìm sự trung thực của các bản báo – một hành động rất đáng được tôn vinh. Từ báo trung ương, báo ngành, truyền hình… đều gấp rút tìm về miền sơn cước Nghệ An. Điều đó cho thấy sự khổ công của những người mang trong mình trách nhiệm đem tất cả ra ánh sáng. Tất cả sẽ có ánh sáng chiếu rọi…

Mọi sự khuất tất đều có thể “trưng” cho công chúng để công chúng kết luận về mặt đạo đức xã hội. Đó là điều rất đáng mừng. Vậy nhưng, chuyện năm sinh chưa chính xác của một người sinh ra tại miền núi lại được soi kỹ, phân tích kỹ như những bản điều tra công phu về tội trạng của những tay khét tiếng, những quan tham nhũng cỡ bự… thì thiện chí của những người làm báo đang có nhiều sự nghi ngờ (ít nhất là tôi đã nghe đây đó). Rõ ràng, những bài báo về Công Phương - cầu thủ chỉ vì lòng yêu mến mà được gọi là Messi Việt Nam - thu hút không biết bao nhiêu lượt đọc. Hết bài này đến bài khác, các thông tin về Phượng được bổ sung, đến mức “khá hoàn chỉnh”.

Một con người, một cậu bé nghèo khổ thay đổi hoàn toàn số phận nhờ năng khiếu và nghị lực vượt khó đã trở thành đề tài để nói về mặt trái, hẳn là dụng ý về đạo đức của truyền thông đã không còn được kiểm soát theo một chiều, một hướng. Người đọc hãy nhớ nhé, trước khi Phượng bị báo điều ra, xác minh, những chuyện học trò như Phượng có bạn gái (khổ thay, cậu học trò đi học mà chả có bạn nam và nữ), Phượng thủ thỉ, Phượng buồn… đều được báo ta chào mời người đọc. Nhảm nhí là không đáng bàn vì từ lâu, một số báo vẫn ưa khai thác đời tư nhân vật nổi tiếng trong làng giải trí, thể thao, nhưng cái đáng bàn ở đây là hiệu ứng tác động tới người đọc. Sẽ chẳng có gì đọng lại sau những chuyện nhảm nhí, sẽ chẳng thể có tư cách thấp thoáng trong các con chữ hiện hình. Lần này, chuyện Phượng sinh năm 1993 hay 1995 đáng nói hơn hay là sự cảm thông đối với một chàng thanh niên mới lớn đã vươn lên, chưa có nhận thức đầy đủ về đời sống đáng thương hơn? Sự việc báo cần làm rõ trắng đen có còn là đạo đức xã hội hiểu theo nghĩa rộng của nó? Tôi không bao biện cho sự dối trá, bởi sự dối trá nào cũng đáng khinh bỉ, nhưng rõ ràng việc làm nhụt chí, ảnh hưởng đến toàn bộ danh dự, sự nghiệp của một con người từ khát vọng đi lên là điều mà tôi thấy buồn lòng.

Trở lại vụ việc, “Chuyển động 24h” của VTV (phát sóng trưa 16.11) cho rằng các giấy tờ mà phía HAGL cũng như VFF đưa ra để chứng minh Công Phượng sinh năm 1995 đều thiếu chứng cứ pháp lý, chẳng hạn giấy khai sinh của Công Phượng không có số, số quyển; giấy khai sinh cùng một người viết… rồi cán bộ hành chính xã cho biết, những giấy tờ ấy đã bị thất lạc từ lâu, giấy chứng sinh gia đình không còn giữ. Truyền hình cũng căn cứ vào tờ giấy khai trong bảng điều tra dân số năm 2002 do bố của Công Phượng ký để làm căn cứ khẳng định Phượng sinh năm 1993. Trước đó, phóng viên báo bóng đá đã khẳng định Phượng sinh năm 1995 khi nhóm phóng viên này đã trực tiếp làm việc với chính quyền và gia đình Phượng.

Ngành tư pháp suốt một thời gian dài thiếu sự quan tâm nên có nhiều lỗ hổng trong thực thi nhiệm vụ. Sự thiếu sót trong một tờ chứng lí, thậm chí “trật khớp” giữa các giấy tờ liên quan đến cá nhân một người là chuyện được coi như sự thường. Thậm chí, việc nhớ và khai sai năm sinh của con của ông bố nông dân cũng rất dễ xảy ra. Đó là những lí do để những người có công, gia đình thân nhân liệt sĩ gặp nhiều khó khăn khi làm thủ tục (do các giấy tờ khai năm sinh, thậm chí tên lót không khớp nhau). Đến nay nhiều người vẫn còn nuốt nước mắt vì oan uổng mà chưa thể chứng minh. Tôi vẫn muốn báo hãy đi về phía đó, hãy giúp họ hay hơn là đi về phía một thiếu niên nghèo khổ như Phượng những mong đổi phận bằng sự trung thực trong lao động. Cứ cho là Phượng sinh năm 1993 nhưng nếu người nhà ngày trước khai thành  năm 1995 thì sao? Ở quê tôi gọi chuyện đó là khai “trụt”. Khai “trụt” cho một người bình thường, chưa có địa vị, chưa nổi danh đấy đôi khi là để hợp pháp như để đảm bảo đi học đúng tuổi (6 tuổi học lớp 1). Ngày trước, khi đang học Tiểu học, THCS, tôi thường học với các anh chị sinh năm 1979, 1980 nhưng họ khai là 1982 bởi vì để đảm bảo độ tuổi học tiểu học. Chuyện này xảy ra rất nhiều ở khu vực nông thôn do ngành tư pháp kiểm soát chưa chặt vấn đề hộ tịch, khai sinh. Hơn nữa, nếu Phượng sinh năm 1993 nhưng con đường của Phượng có phải là vì hơn 2 tuổi mà thành ngôi sao bóng đá mà không cần nỗ lực, cố gắng bền bỉ? Nếu Phượng sinh 1993 thì liệu có cần phải quá nhiều báo xuất hiện làm ầm ĩ vậy không? Còn chuyện giấy chứng sinh, tờ khai sinh không có số…  Tôi cho đây là sự bắt bẻ thiếu lí lẽ thực tiễn của báo chí. Vì lẽ, nếu điều tra toàn bộ hộ khẩu tại quê Phượng, hay quê tôi, quê nhiều nơi nữa hẳn sẽ rất ít người có đầy đủ giấy tờ đảm bảo đúng quy định. Điều này là lỗi của ngành tư pháp trước đây.

Câu trả lời cuối cùng về năm sinh của Công Phượng vẫn chưa có. Và, tôi với tư cách người đọc báo, tôi chẳng chờ đợi gì chuyện ấy. Tôi chỉ cảm thấy buồn là báo chí đã lặn lội, đổ công sức rất nhiều để chứng mình về năm sinh một người nghèo cố vươn lên trong xã hội bằng lao động chân chính. Người đọc sẽ đặt câu hỏi, phải chăng báo đang muốn đưa ra ánh sáng để làm trong sạch bóng đá như trong sạch đạo đức xã hội hay là để… có vấn đề “hot” thu hút nhiều click. Nếu vậy thì cơn khát thông tin của truyền thông ta, vốn dĩ đã có mầm mống bệnh từ lâu (tiêu biểu như: ngôi sao lộ hàng, mặc áo gì, ăn gì, đi với ai…) đã có thể là tạm xem là bệnh mạn tính./.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443662

Hôm nay

2220

Hôm qua

2333

Tuần này

21475

Tháng này

218836

Tháng qua

112676

Tất cả

114443662