Cuộc sống quanh ta

Hà Nội - chuyện cây xanh và lòng người

Hà Nội không của riêng ai

Kể từ khi Lý Công Uẩn dời đô từ Trường Yên Hoa Lư Ninh Bình cho tới nay Hà Nội đã hơn một nghìn năm có lẽ. Nghìn năm ấy bao tinh hoa hội tụ. Đất văn vật, văn hiến cũng là ở đây, sự thanh bình quyến rũ là ở đây, những tinh hoa muôn phương là ở đây. Hà Nội đã từng ba mươi sáu phố phường đi vào sử sách, văn chương, có cả một nền văn minh của các dòng sông, có những làng nghề, và Hà Nội hôm nay được vinh danh là thành phố hoà bình, với khí thế hội nhập năm châu đang tiếp bước Hà Nội xưa để phát triển đi lên.

Người Hà Nội đi qua bao thăng trầm lịch sử, những lời ca câu hát da diết nhớ thương. Ai một lần đến Hà Nội cũng ấn tượng bởi những nét riêng của Hà Nội. Ai đã sinh sống lâu năm ở Hà Nội đều có một mối tình sâu đậm với mảnh đất này. Nhớ về Hà Nội là nhớ về một tinh hoa của nước Việt. Hướng về Hà Nội là hướng về trái tim Việt Nam. Hà Nội chứa trong mình chiều kích không gian lịch sử. Quá khứ, hiện tại đong đầy. Hà Nội trở thành một trời thương nhớ của người mỗi người Việt Nam yêu nước.

Kể từ 2008, Hà Nội được mở rộng, nét thỉêng xưa ít nhiều mất đi, Hà Nội rộng hơn nhưng sự phức tạp nhiều hơn và nhiều người có chung niềm cảm nhận Hà Nội sau mở rộng không còn là Hà Nội ngày xưa. Cư dân đông đúc hơn, Hà Nội phải giải quyết nhiều vấn nạn hơn. Bao thách thức về phát triển đô thị đặt lên vai nhà lãnh đạo.

Trong tiến trình đi lên hiện đại, nhiều con phố mới, nhiều ngôi nhà cao tầng xây lên, thì cùng với đó, diện tích sông hồ bị thu hẹp, các khu dân cư phải chịu nhiều ô nhiễm do nước và rác thải sinh hoạt. Hà Nội khói và bụi nhiều hơn, những con đường trở nên đông đúc chen lấn nhất là các buổi sáng buồi chiều. Nhiều người gắn bó với Hà Nội chạnh lòng tiếc nuối về một Hà Nội xưa văn vật và mơ ước thủ đô phát triển xứng tầm của nó nhưng dường như Hà Nội đã có một số phận không thể khác. Bao câu hỏi còn đó với mỗi người dân. Hình như mấu chốt của câu chuyện phát triển thủ đô nằm ở cơ chế chính sách nhiều hơn là ở nguồn lực và tiềm năng.

Qua những tình cảm người dân muôn nơi dành cho Hà Nội, có thể thấy Hà Nội không chỉ là sở hữu riêng của chính quyền và nhân dân thủ đô mà Hà Nội là mối quan tâm chung của cả nước, người dân cả nước yêu mến và tự hào. Với Hà Nội, họ cũng có quyền hi vọng về một Hà Nội hoà bình phát triển như bao công dân thủ đô chính hiệu.

Chuyện cây xanh bị đốn và nỗi niềm công dân

Cả tuần nay người Hà Nội sục sôi với chuyện hàng nghìn cây xanh bị chặt, có những cây là dấu tích của Hà Nội nghìn năm, có những cây mới trồng hàng chục năm nhưng cũng đã kịp tỏa bóng cho người Hà Nội. Trên mạng xã hội, ngoài quán nước, nhiều người tiếc thiêng cho những đời cây và đặt câu hỏi, sao chính quyền Hà Nội lại làm thế!

Tác dụng của cây xanh như mọi người đã biết, đó là nơi dưỡng khí trời, là nơi hút khói bụi độc hại, là nơi tạo bóng rậm, là nơi làm mềm cảnh quan nhà kính bê tông, tạo nên nét duyên cho mỗi phố phường Hà Nội.

Thử hình dung, 6700 cây kia nếu đem trồng trên một diện tích liên tục thì đã trở thành một rừng cây. Mỗi cây chiếm 5 m2 thôi thì đã với ngần ấy cây, con số diện tích cây xanh sẽ là hơn 30 km2, đâu có hề nhỏ.

Hàng nghìn cây xanh có thể coi là nghìn bình dưỡng khí của Hà Nội. Đời cây, đời người. Hàng trăm cây xanh đã bị đốn, không có gì thay thế nổi trong ngày một ngày hai. Do đó câu chuyện cây không còn đơn giản là câu chuyện của đời thực vật mà là câu chuyện của đời sống con người.

Các vị chức sắc trách nhiệm của Hà Nội có giải thích chuyện chặt cây với hàng trăm lí do hợp lý đi chăng nữa thì cũng không thể biện bạch một sự thật hiển nhiên là cách làm của Hà Nội đã sai. Cái sai này đã được nhiều chuyện gia về cây xanh đô thị, về kiến trúc cảnh quan lên tiếng. Ai là người không cảm thấy đau bởi sự đốn hạ những đời cây kia? Mà ở một góc độ nào đó thì chúng đang bị chính con người bức tử. Và dân tình chẳng ai có thể chấp nhận cho một cái sai sờ sờ ra đấy dù là vị quan nào nói lời biện minh trăm ngàn lần đi nữa

Nếu không có những công dân thủ đô công tâm và nhân ái như nhà báo Trần Đăng Tuấn, những chuyên gia về môi trường đô thị, những người hiểu biết sớm lên tiếng thì chỉ một tháng nữa thôi Hà Nội sẽ trơ trọi giữa thiên nhiên. Hà Nội chỉ còn những ngôi nhà cao hướng lên trời xanh, những còn đường trống trải và cái nắng mùa hè hầm hậm thiêu đốt người đi đường. Những thân phận mưu sinh nơi phố phường còn nơi đâu trú ngụ.

Nếu không có trách nhiệm lớn lao để nói lên tiếng nói của mình ở những người yêu Hà Nội, nếu không có báo chí lên tiếng thì 6700 thân phận cây kia sẽ bị chết oan mà tự chúng không thể lên tiếng bảo vệ cho mình.

Bao người dân bày tỏ trên Facebook, trên các mạng xã hội, bao bài báo của các phóng viên đã phản ánh về những chuyện chặt cây. Và còn đó hàng chục câu hỏi của các phóng viên chưa được trả lời thoả đáng. Với chuyện này lòng dân chưa hề thông tỏ và cũng chẳng dễ gì cảm thông cho chính quyền!

Những ngày qua, cho thấy tình yêu thiên nhiên, yêu mến thủ đô của người Hà Nội. Đó là sức mạnh của lòng dân, đó là sức mạnh của tình yêu Hà Nội, là tiếng nói đầy ý thức trách nhiệm của mỗi công dân.

Lòng người cả nước đang hướng về Hà Nội với trách nhiệm công dân, với tình yêu thủ đô. Và mỗi công dân thủ đô đang dõi theo các động thái của chính quyền trong giải quyết vụ việc này. Đó là điều Hà Nội cần tôn trọng và không thể lảng tránh những câu trả lời.

Tôi cho rằng, sự hoãn lại kịp thời việc chặt cây của Hà Nội là cần thiết. Hà Nội cần phải minh bạch với người dân và Hà Nội phải dũng cảm thừa nhận sai, sớm truy cứu những người có trách nhiệm trong vụ việc này; đồng thời, tìm cách cứu vãn những chồi xanh còn lại để bảo tồn, phát triển một cách tốt hơn.

Ca nhân tôi không ít lần tôi tự hỏi, Hà Nội ở trung tâm, có bao nhiều nguồn lực và thế mạnh về mọi phương diện, tại sao chính quyền chưa tận dụng và phát huy được, để công dân thủ đô cảm thấy tự hào và đáng sống như người dân Đà Nẵng đang tự hào về thành phố của họ? Hà Nội đang thiếu cái gì. Hà Nội sao lại quá khó để biến ước mơ thành hiện thực.

Là công dân thủ đô tôi hi vọng thật nhiều về một môi trường sống thanh bình, về một thủ đô phát triển văn minh hiện đại. Hà Nội không chỉ hôm nay mà có tầm nhìn phát triển tới hàng trăm năm sau. Những hi vọng này xin được gửi gắm tới các vị lãnh đạo, các nhà quy hoạch và nhà chiến lược phát triển thủ đô./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443746

Hôm nay

2304

Hôm qua

2333

Tuần này

21559

Tháng này

218920

Tháng qua

112676

Tất cả

114443746