Cuộc sống quanh ta

Biến đổi đời sống văn hóa của đồng bào Thái dưới tác động của chính sách di dân, tái định cư

[Trường hợp bản Mai Quỳnh, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La]

Việc xây dựng các công trình thủy điện đang là mọt nhu cầu tất yếu cho sự phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, việc xây dựng những nhà máy thủy điện và khu vực lòng hồ tích nước cũng đã và đang gây ra những phán ứng trái chiều với mục đích phát triển bền vững của các dự án này. Chưa nói đến những tác động về môi trường, chỉ riêng những tác động trực tiếp đến đời sống thường nhật của các nhóm cư dân nằm trong vùng dự án cũng đã diễn ra nhiều vấn đề phức tạp. Bài viết này của chúng tôi sẽ cung cấp một góc nhìn hẹp về những tác động đó của một dự án thủy điện đến đời sống của các nhóm cư dân di dân, tái định cư. Tiếp cận từ những hệ thống chính sách di dân, tái định cư của Đảng, Nhà nước và tỉnh Sơn La đã ban hành để thuyết phục, hỗ trợ và ổn định đời sống của các nhóm cư dân thuộc diện di dân, tái định cư xây dựng khu vực lòng hồ và nhà máy thủy điện Sơn La, chúng tôi không có tham vọng đánh giá toàn bộ những tác động một cách toàn diện của nó đến mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của các nhóm cư dân di dân, tái định cư mà chỉ tập trung đến sự biến đổi về đời sống văn hóa của bản Mai Quỳnh - một bản cư dân Thái trắng - ở xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Dù rằng, một bản chưa đủ là điển hình trong tổng số 9 bản mà chúng tôi đã nghiên cứu, trong tổng số hằng trăm bản, nhưng chúng tôi cho rằng, việc mô tả này vẫn là một sự cần thiết ở cả hai khía cạnh thực tiễn và lý luận bởi nó cho thấy được những một phần những tác động, sự phù hợp hay chưa phù hợp của hệ thống chính sách di dân, tái định cư. Với ý nghĩa đó, chúng tôi cấu trúc bài viết thành 3 phần: 1. Giới thiệu sơ lược về bản Mai Quỳnh; 2. Điểm lại hệ thống chính sách di dân, tái định cư; 3. Mô tả lại sự biến đổi về đời sống văn hóa của cư dân Thái trắng ở bản Mai Quỳnh trên một số yếu tố cơ bản dưới tác động của hệ thống chính sách di dân, tái định cư.

Thủy điện Sơn La là một công trình trọng điểm, đa mục tiêu, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước cũng như các tộc người ở Tây Bắc, trong đó có các tộc người ở vùng lòng hồ thuộc tỉnh Sơn La.
Theo Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2002, tổng số dân di chuyển thuộc Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La là 20.340 hộ, 92.301 nhân khẩu. Trong đó, tỉnh Sơn La 12.584 hộ, 58.337 khẩu; tỉnh Điện Biên 4.459 hộ, 17.010 khẩu; tỉnh Lai Châu 3.297 hộ, 16.954 khẩu. Tổng số khu, điểm tái định cư tập trung của Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La 78 khu, 285 điểm, tái định cư xen ghép vào 38 bản thuộc 17 xã và tái định cư tự nguyện[1].

Thực hiện đề án xây dựng Hồ thủy điện Sơn La, từ năm 2003 công tác di dời dân, tái định cư để quy hoạch khu vực lòng hồ đã được triển khai ở tỉnh Sơn La. Đảng, Chính phủ và tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào phải di dời, tái định cư về các mặt như: hỗ trợ về di dời nhà cửa, mồ mả, đền bù đất đai hoa màu, lương thực, thực phẩm, vốn, cây trồng, vật nuôi, đào tạo nghề, chuyển đổi mô hình kinh tế,… để sớm ổn định đời sống cho đồng bào tái định cư.

1. Vài nét khái quát về bản Mai Quỳnh

Mai Quỳnh là một bản di dời, tái định cư của một nhóm người Thái trắng, thuộc xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Trước đây, nhóm cư dân này thuộc bản Pắc Ma, xã Pha Khinh (Tên khác là Pá Ma Pha Khinh - Tên gốc của bản Pắc Ma), huyện Quỳnh Nhai. Năm 2003, thực hiện quyết định di dời tái định cư để nhường đất xây dựng lòng hồ cho nhà máy thủy điện Sơn La, bản Pắc Ma, xã Pắc Ma đã bị tách ra thành nhiều nhóm cư dân nhỏ, di dời đến nhiều nơi tái định cư khác nhau. Một nhóm cư dân của Pắc Ma gồm 38 hộ gia đình với 198 nhân khẩu2 được di dời đến tái định cư tại xã Mường Bon, huyện Mai Sơn trong đợt di dời, tái định cư lần 1 vào tháng 10 năm 20053 lấy tên bản mới là bản Mai Quỳnh. Đây là tên ghép giữa hai huyện Quỳnh Nhai với Mai Sơn.

Bản Mai Quỳnh nằm trên một khu đất tương đối bằng phẳng bên dòng Nậm Pàn, một con suối lớn, chảy qua sau lưng của bản mà cứ mỗi mùa mua, từng cơn lũ lại gầm gào, quét đi những thửa ruộng mà cư dân Mai Quỳnh đã dày công khai vỡ, kéo nó về với lòng hồ thủy điện Sơn La. Khu đất nơi đặt bản tái định cư Mai Quỳnh vốn là khu đất của hai bản Tra và Xa Căn4 cách trung tâm xã Mường Bon chừng 3km, cách đường quốc lộ số 6 chừng 5km.

Về cư dân, hiện nay trong bản có 38 hộ gia đình với khoảng 198 nhân khẩu. Đại đa số cư dân trong bản là người Thái Trắng, chỉ có hai hộ gia đình là người Thái đen và một hộ gia đình người kinh vốn chuyển từ Thái Bình lên đây sinh sống từ năm 2007 đến nay. Hộ này trước đó xã cho ghép vào với bản Tra, nhưng sau chuyển về bản Mai Quỳnh.

Về kinh tế, hầu hết các hộ gia đình trong bản hiện nay đều vẫn tham gia sản xuất nông nghiệp, do vậy nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chính của cư dân trong bản, chủ yếu là làm nương ngô, nương sắn, trồng cà phê, cao su,... Theo quyết định di dời tái định cư thì cư dân trong bản, mỗi nhân khẩu được chia 730m2 ruộng để cấy trồng lúa nước và 5000m2 nương để trồng ngô, sắn. Tuy nhiên, trên thực tế thì người dân mới chỉ được chia mỗi nhân khẩu 130 đến 200m2 ruộng và khoảng 1500 đến 2500 m2 đất nương. Và số ruộng, nương này cũng ở cách xa bản chừng từ 2 đến 5km, chủ yếu là bên kia con suối Nậm Pàn. Số còn lại, là do chưa có ruộng đất để chia đủ cho bà con.

Ở bản Mai Quỳnh hiện nay, do địa hình tương đối bằng phẳng lại nằm bên cạnh dòng Nậm Pàn, với độ dốc vừa phải cho nên cư dân trong bản đã có một số hộ tiến hành đào, đắp ao bên cạnh dòng Nậm Pàn để thả cả. Theo thống kê, hiện nay trong bản có khoảng 7 hộ gia đình có ao và cả bản có một ao chung, cách bản chừng 1,5km. Đây vừa là ao chung của bản, cũng vừa là nơi lấy nước, tắm giặt của cả bản về mùa khô

Về cơ sở vật chất hạ tầng, đường trục chính và các nhánh đường phụ trong bản đều đã được trải nhựa và bê tông hóa. Như vậy, có thể thấy điều kiện giao thông của bản tương đối thuận lợi. Đại đa số cư dân trong bản vẫn ở nhà sàn, song hiện nay do bản đã chuyển ra ngoài mặt đường, nên một số hộ kinh doanh buôn bán đã xây nhà bê tông, cốt thép, nhà ngói và cả nhà cao tầng.

Hiện nay, 100% các hộ gia đình trong bản đều đã có xe máy, tivi, điện thoại (tính cả điện thoại di động và điện thoại bàn), 100% số hộ gia đình có đầu xem đĩa CD và DVD, 50% số hộ gia đình có tủ lạnh.

Về đời sống dân trí, 100% cư dân trong bản đều có thể nghe và nói được tiếng phổ thông (tiếng Việt - Kinh). Trong bản hiện nay có khoảng 95% số nhân khẩu có thể đọc và viết chữ phổ thông. 100% trẻ em trong bản đều được đến trường, biết đọc và biết viết. Hiện nay trong bản có 6 người làm nghề giáo viên từ mầm non đến trung học cơ sở, 2 người là nghệ nhân dân gian, thanh niên trong bản đã có 5 người tốt nghiệp đại học ở các ngành nghề khác nhau. Bản đã có nhà văn hóa riêng ở ngay đầu bản và 01 trường mầm non riêng, và một ngôi miếu thờ Han  ở phía cuối bản. Ngoài ra, trong bản còn có một hang cá thần. Hang cá này có từ trước khi cư dân Pắc Ma ở Pha Khinh, Quỳnh Nhai về đây lập bản. Nó được cư dân bản địa (các bản Tra và Xa Căn) coi như một điểm linh thiêng và thờ cúng hằng năm. Như vậy, có thể thấy điều kiện và trình độ dân trí của cư dân trong bản tương đối phát triển so với các bản khác trong xã.

2. Hệ thống chính sách di dân, tái định cư của Đảng, Nhà nước và tỉnh Sơn La đã ban hành khi xây dựng nhà máy và khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La

Chính sách theo cách định nghĩa của các tác giả cuốn Kỹ năng phân tích và hoạch định chính sách do Vũ Cam Đàm (chủ biên), xuất bản năm 2011 là một tập hợp biện pháp được thể chế hóa, mà một chủ thể quyền lực, hoặc chủ thể quản lý đưa ra, trong đó tạo sự ưu đãi một hoặc một số nhóm xã hội, kích thích vào động cơ hoạt độngc ủa họ, định hướng hoạt động của họ nhằm thực hiện một mục tiêu ưu tiên nào đó trong chiến lược phát triển của một hệ thống xã hội5. Trong trường hợp cụ thể của di dân, tái định cư xây dựng nhà máy và hồ thủy điện sơn la, hệ thống chính sách có thể hiểu là các văn bản của Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết vấn đề này như các nghị quyết, nghị định, quyết định, thông tư, hướng dẫn, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện,… do Đảng, và các cơ quan của Chính phủ ban hành. Từ mục tiêu, nội dung của các chính sách di dân, tái định cư mà Đảng và Nhà nước cũng như tỉnh Sơn La đã ban hành, hoặc căn cứ vào đó để thực hiện ở các giai đoạn có thể chia thành ba nhóm chính sách nhỏ như sau: Nhóm các chính sách tiền di dân, tái định cư; Nhóm các chính sách hỗ trợ di dân, tái định cư và Nhóm chính sách hậu di dân, tái định cư.

Theo đó, việc thực hiện chính sách tiền di dời, tái định cư đối với nhóm cư dân thuộc vùng quy hoạch xây dựng nhà máy và hồ thủy điện Sơn La được dựa vào Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ký ngày 24/4/1998 Về đền bù thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, bao gồm cả các loại đất thu hồi cho các dự án phát triển và Nghị định số 197/2004/NĐ-CP của Chính phủ về đền bù, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Các nghị định này đã quy định rõ các điều khoản về phổ biến, truyền đạt thông tin di dời, tái định cư và các lợi ích, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên đối với việc di dân, tái định cư đến với các nhóm cư dân thuộc diện di dân, tái định cư. Trong đó, vấn đề cung cấp thông tin về nơi di dời, các khoản bồi thường thiệt hại, các khoản hỗ trợ, những quyền lợi của các nhóm cư dân di dời được đặt lên hàng đầu, vì đây là khâu then chốt để tiến hành dân vận, ổn định lòng dân, tạo sự tin tưởng của dân cư khi tiến hành di dân, tái định cư.

Chính sách hỗ trợ di dân, tái định cư và hậu tái định cư được thể hiện ở một số văn bản chính như: Quyết định số 712/TTg  của Thủ tướng chính phủ năm 1996 Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc thời kỳ 1996 - 2010; Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/03/2007  của Thủ tướng Chính phủ Về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg  ngày 05/03/2007 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007 - 2010; Thông tư số 80/2007/TT-BNN ngày 24/09/2007 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc Hướng dẫn quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ nông lâm sản và thủ tục hỗ trợ sản xuất đối với các vùng tái định cư thủy điện Sơn La; Quyết định số1453/QĐ-TTg ngày 29/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ Về việc phê duyệt Đề án giao thông tránh ngập khu vựcTây Bắc khi có các thuỷ điện Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát và Nậm Chiến; Quyết định số 1584/QĐ-TTg ngày 04/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế - xã hội huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La đến năm 2015; Quyết định số 2842/QĐ-UBND ngày 15/11/2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La Về việc phê duyệt Chương trình hành động thực hiện chiến lược phòng chống lũ bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Sơn La, giai đoạn 2008 - 2015 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 101/2009/QĐ-TTg ngày  05/08/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành định mức đầu tư năm 2010 đối với một số dự án thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 và sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ các dịch vụ cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc Chương trình 135 giai đoạn II; Quyết định số1342/QĐ-TTg ngày 25/08/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Kế hoạch định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư đến năm 2012; Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 04/06/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc  Phê duyệt Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư dự án thủy điện Sơn La; Quyết định số 34/2010/QĐ-TTg ngày 08 tháng 4 năm 2010 về việc Ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện, bổ sung và chỉnh sửa một số quy định về hỗ trợ di dời tái định cư thuỷ điện; Quyết định 279/QĐ-BNN-HTQT năm 2013 phê duyệt dự án “Xây dựng thử nghiệm nông lâm kết hợp tại tỉnh Sơn La, Điện Biên và Yên Bái” trong khuôn khổ dự án Nông Lâm kết hợp cho sinh kế các nông hộ nhỏ vùng Tây Bắc Việt Nam do Tổ chức Nông lâm thế giới - ICRAF tài trợ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Xem xét các điều khoản quy định trong các văn bản này chúng ta thấy, các chính sách nhằm ổn định cuộc sống cho dân cư vùng tái định cư được tập trung vào mấy mảng chính là: chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống các công trình điện, đường, trường, trạm, nước sạch; các chính sách hỗ trợ về lương thực, thực phẩm tạm thời phục vụ cho những nhu cầu hàng ngày; các chính sách hỗ trợ về xây dựng nhà cửa; các chính sách hỗ đào tạo, dạy nghề; chính sách hỗ trợ về giống, vốn và phân bón; tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.... để bà con vùng tái định cư có thể ổn định ngay cuộc sống ở nơi ở mới, đồng thời trên cơ sở đó có thể phát triển một cách ổn định, bền vững và lâu dài. Chính sách cấp sổ đỏ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất và đất ở cho bà con tại vùng tái định cư sẽ giúp cho bà con ổn định tinh thần để an cư, định cư lâu dài

Về phát triển kinh tế, các điều khoản quy định trên đây cũng đã thể hiện được những chính sách của Nhà nước nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế một cách bền vững cho bà con vùng tái định cư. Những điều khoản hỗ trợ, ưu đãi về vốn để chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất, tư vấn hỗ trợ đào tạo nghề đã giúp cho đồng bào các vùng tái định cư có thể có điều kiện để phát triển kinh tế một cách bền vững, lâu dài ở các địa bàn tái định cư. Việc mở các lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư cho hệ thống tiêu thoát và cung cấp nước, đã thực sự giúp cho bà con sớm ổn định nghề nghiệp, và các mô hình phát triển sản xuất, làm cho bộ mặt đời sống kinh tế của cư dân vùng tái định cư có nhiều thay đổi theo chiều hướng tiến bộ.

Bên cạnh đó, các chính sách về đầu tư thiết kế, xây dựng các hạng mục công trình như nhà văn hoá thôn/bản, tổ chức khôi phục các lễ hội truyền thống, dạy chữ Thái cho người Thái ở Sơn La chẳng hạn đã góp phần ổn định đời sống văn hoá của cư dân các vùng tái định cư. Việc hỗ trợ, xây dựng và lắp đặt hệ thống đài phát thanh, truyền hình, hỗ trợ loa đài và các trang thiết bị phát thanh, mạng điện thoại, mạng Internet đã giúp cho đồng bào vùng tái định cư sớm nắm bắt được thông tin văn hoá, có thêm điều kiện tiếp xúc với các nền văn hoá khác để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, ổn định và nâng cao chất lượng đời sống văn hoá tinh thần của bà con. Việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã giúp cho sự lưu chuyển, trao đổi hàng hoá và văn hoá được thuận lợi hơn, quan đó tạo điều kiện cho kinh tế và văn hoá của bà con tái định cư phát triển lên tốt hơn.

Ngoài ra, việc xây dựng các khu tái định cư một cách đồng bộ về điện, đường, trường trạm cũng đã góp phần tạo điệu kiện để ổn định và phát triển các lĩnh vực giáo dục và y tế. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho giáo dục và y tế tại các điểm tái định cư. Đối với ngành giáo dục, trong các Nghị định, Quyết định của Chính phủ đã nêu trên đây đều quy định rõ rệt, các khu tái định cư phải có hệ thống các trường học và trạm y tế, đảm bảo mỗi xã đều phải có hệ thống các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, mỗi xã có 1 trạm y tế. Các chế độ ưu đãi về học phí, lương thực, thực phẩm, sách giáo khoa, nhà nội trú, quần áo đã giúp cho các em học sinh có đủ điều kiện để học hành. Ngoài ra, việc ưu tiên lấy giáo viên là cư dân tái định cư cũng tạo điều kiện để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên cho các trường ở khu tái định cư.

 Đó là những điểm tích cực hết sức đáng lưu ý của hệ thống các chính sách này khi được triển khai thực hiện, đặc biệt đối với đời sống văn hóa của nhóm cư dân di dân, tái định cư là người Thái (bao gồm cả hai nhóm Thái đen và Thái trắng) ở Sơn La. Việc thực hiện di dân, tái định cư với các chính sách tiền tái định cư, hỗ trợ di dời, tái định cư và hậu tái định cư đã dẫn đến những sự chuyển đổi lớn về đời sống văn hóa của nhóm cư dân này.

3. Những biến đổi về đời sống văn hóa của cư dân bản Mai Quỳnh

Về cơ bản, toàn bộ các chính sách mà chúng tôi đã trình bày ở trên đều đã được thực hiện ở bản Mai Quỳnh, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn tỉnh Sơn La nói riêng và cả tỉnh Sơn La nói chung trong quá trình thực hiện di dân, tái định cư. Và theo đó, việc thực hiện chính sách này đã dẫn đến những sự thay đổi về điều kiện cư trú, sinh sống, kinh tế, văn hóa, xã hội của các nhóm cư dân di dân, tái định cư. Trong bài viết này, chúng tôi chưa có điều kiện trình bày toàn bộ những vấn đề đó, mà chỉ tập trung vào vấn đề biến đổi về đời sống văn hóa ở bản Mai Quỳnh như là một nghiên cứu trường hợp khá điển hình về sự biến đổi đời sống văn hóa của các nhóm cư dân di dân, tái định dưới sự tác động của những chính sách đã đề cập đến ở trên. Dưới góc nhìn đó, chúng tôi chỉ tập trung miêu tả sự biến đổi đời sống văn hóa của nhóm cư dân Thái trắng ở bản Mai Quỳnh.

Trước hết, việc di dân, tái định cư để xây dựng nhà máy Sơn La đang mở ra những triển vọng mới cho việc phát triển sản xuất, giao lưu kinh tế, văn hóa trong mỗi địa phương, mỗi vùng. Song cũng đặt ra những vấn đề có tính thời sự, bởi những ảnh hưởng to lớn và nhiều mặt của nó, trong đó có vấn đề bảo tồn văn hoá vùng ở các dân tộc thiểu số. 

Khi vùng lòng hồ bị ngập nước, môi trường sản sinh và dung dưỡng các giá trị văn hoá của các dân tộc thiểu số không còn, các cộng đồng dân cư sinh sống trong vùng phải di chuyển tới vùng tái định cư-nơi còn rất xa lạ với người dân - ảnh hưởng rất lớn trong đời sống văn hoá, tập quán sinh hoạt, tâm linh của đồng bào. Một số nét vón hoá cổ truyền dễ bị biến mất và biến dạng, đứt đoạn dẫn đến mai một dần, tạo nên sự biến đổi trong văn hoá vùng ở các dân tộc thiểu số, thể hiện trên những vấn đề sau:

Thứ nhất, biến đổi về không gian bản, mường và vị trí cuả bản, mường: 

Bản, mường là môi trường sinh sống của đồng bào các tộc người thiểu số ở Sơn La với hệ thống quy ước chặt chẽ. Có thể nhìn thấy nét riêng của mỗi bản, mường trong các quy ước của bản, mường từ việc tang lễ, hôn nhân đến những quy ước về rừng ma, vật thiêng... Như vậy, bản, mường không chỉ mang tính văn hoá tộc người mà còn thể hiện rõ tính đặc thù, tính địa phương, tính đa dạng của vùng văn hoá Tây Bắc và của Sơn La.

Hiện nay, để phục vụ cho việc xây dựng các nhà máy thuỷ điện, đồng bào các dân tộc thiểu số ở nhiều bản, mường đã phải dời bỏ môi trường sinh sống truyền thống của mình đến các khu tái định cư. Xét về mặt kiến trúc xây dựng, những khu tái định cư mới đẹp, khang trang và kiên cố hơn nhiều so với chỗ ở cũ của đồng bào. Giá trị bình quân mỗi ngôi nhà trên dưới 100 triệu đồng. Thêm nữa, hệ thống điện, đường, trường, trạm… được đầu tư đáng kể. Đồng bào các dân tộc có cơ hội hưởng lợi từ các điều kiện y tế, giáo dục, giao lưu ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, tâm trạng, tâm lý của mỗi người khi phải rời xa môi trường sinh tụ chung đã từng nhiều đời sinh sống không tránh khỏi những bâng khuâng, nuối tiếc, lo âu… Việc thay đổi môi trường sống, cách thức sản xuất ở vùng đất mới, những kết cấu hạ tầng ở khu vực tái định cư trước những thuận lợi, khó khăn đã gây nên những xáo trộn lớn tới tâm thức bản, mường của đồng bào. Những nhà sàn mái tôn, cột bê tông với cách bài trí không phù hợp với tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số. Chẳng hạn, đồng bào Thái đặt bàn thờ tổ tiên ở góc trái của ngôi nhà nhưng ở khu tái định cư lại thiết kế nơi đặt bàn thờ ở gian giữa nhà giống như người Kinh; các khu dân cư tái định cư do các chủ đầu tư xây dựng bằng cách làm nhà san sát trên một vạt đất được cày ủi bằng phẳng, chia lô giống như phố của miền xuôi đã làm thay đổi không gian bản, mường thành những mảng màu kiến trúc kiểu đô thị. Thêm nữa, khi xây dựng các khu tái định cư điều kiện về giao thông thuận lợi nhưng do quản lý không tốt nên những kẻ xấu đã câu kết với một số đồng bào địa phương khai thác gỗ, săn bắn động vật hoang dã trái phép... Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới giá trị truyền thống của các bản, mường trong việc bảo vệ rừng, tài nguyên, môi trường nơi cư trú.

Thứ hai, biến đổi cơ cấu dân cư trong vùng:

Các khu tái định cư đều ở gần các công trình thuỷ điện lớn của quốc gia, nơi thu hút hàng nghìn người từ khắp các vùng, miền đến làm việc, làm cho cơ cấu nhân khẩu trong vùng tăng lên rất nhiều, đặt ra những vấn đề biến đổi văn hoá vùng. Lối sống công nghiệp với các đặc trưng nhanh hơn, có tổ chức hơn đã làm thay đổi lối sống yên ả, chậm rãi vốn có ở các bản, mường truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Điều này làm cho các cá nhân năng động, sáng tạo hơn trong suy nghĩ và hành động, nhưng những bon chen, tính toán, những quan hệ kinh tế ngầm… theo kiểu thị trường cũng len lỏi vào đời sống của cá nhân và các bản, mường. Cùng đó, các tệ nạn xã hội cũng theo chân các công trình thuỷ điện về với bản, mường. Mặt khác, khi thực hiện di dân đến các khu tái định cư, các địa phương đã làm gia tăng mức độ xen kẽ giữa các dân tộc, làm cho cơ cấu dân cư tộc người đa dạng hơn. Đây là điều kiện thuận lợi để các dân tộc tăng cường hiểu biết, mở rộng giao lưu văn hoá với nhau, đồng thời cũng tạo ra xu hướng đồng hoá tự nhiên về văn hoá cũng như sinh tồn tộc người, đang và sẽ làm mai một, suy giảm văn hoá truyền thống của từng tộc người (nhất là những tộc người có dân số ít, trình độ phát triển còn thấp).

Thứ ba, biến đổi trong cách tổ chức, quản lý đời sống cộng đồng:

 Ở Tây Bắc nói chung và ở Sơn La nói riêng, tính cộng đồng cao là một trong những đặc trưng cơ bản, tiêu biểu hình thành nên hệ giá trị văn hoá các dân tộc thiểu số. Tinh thần cộng đồng chi phối hầu như toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội và hoạt động văn hoá. Để tổ chức, quản lý cộng đồng ở các bản, mường truyền thống, các dân tộc thiểu số ở Sơn La sử dụng luật tục và các trưởng bản, trưởng tộc, trưởng họ để cố kết mọi thành viên. Hầu như mọi hoạt động kinh tế - xã hội, văn hoá đều phải đi theo những chuẩn mực của luật tục và sự dẫn dắt của các trưởng bản, trưởng tộc, trưởng họ.

Tổ chức, quản lý đời sống cộng đồng hiện nay ở các khu tái định cư được thực hiện theo mô hình nông thôn mới với sự quản lý của hệ thống chính trị ở cơ sở thông qua hệ thống chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Các khu dân cư sẽ được xây dựng theo tiêu chí các mô hình văn hoá chung của của cả nước như: mô hình “Gia đình văn hoá” gồm các tiêu chuẩn về “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững” hoặc mô hình “Khu dân cư văn hoá” với các nội dung về phát triển kinh tế, đời sống văn hoá tinh thần, dân trí và thực hiện quy chế dân chủ của cơ sở... Như vậy, đời sống cộng đồng của bà con có điều kiện để “bắt nhịp” cùng sự phát triển chung của đất nước. Nhưng những nét đặc thù trong cách tổ chức, quản lý của từng bản, mường được thể hiện trong luật tục sẽ bị hạn chế. Những nét ứng xử văn hóa, ứng xử cộng đồng, vai trò của người có uy tín (trưởng bản, trưởng tộc, trưởng họ) trong mỗi dân tộc, cộng đồng trong thiết chế xã hội truyền thống sẽ gắn kết thế nào với hệ thống chính trị cơ sở trong việc lưu giữ và phát triển văn hóa dân tộc?

Thứ tư, biến đổi tri thức bản địa và không gian diễn tiến văn hoá:

Sự phát triển của khoa học công nghệ, mà chủ yếu là các kiến thức khoa học - kỹ thuật được truyền bá phục vụ sản xuất và đời sống, phương tiện truyền thông ngày càng nhiều… đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của đồng bào, làm thay đổi những tập quán, tâm lý trong các cộng đồng dân cư. Đây là sự thay đổi tích cực và cũng là yếu tố làm thay đổi những tri thức bản địa trong văn hoá sản xuất của bà con các dân tộc thiểu số. Những tri thức truyền thống được tiếp nhận thêm những giá trị mới, tiến bộ. Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đã biết phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn-rừng, vườn-nhà hoặc sản xuất trong những ngành nghề mới: nuôi bò sữa, trồng cà phê… rất hiệu quả, đời sống ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, cũng chính sự biến đổi đó đã làm cho một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng bị lệ thuộc, thụ động hơn so với truyền thống. Họ chờ đợi vốn từ nhà nước để sản xuất, họ mua quần áo may sẵn thay thế cách ăn mặc truyền thống của dân tộc bằng cách ăn mặc của người miền xuôi (ngay cả chăn, đệm mang về nhà chồng của các cô gái Thái, Mường cũng được mua sẵn), họ chữa bệnh bằng thuốc tây; y học cổ truyền không còn được quan tâm, tri thức bản địa còn lại bị xem nhẹ. Đặc biệt, tiếng nói và chữ viết - một trong những yếu tố biểu trưng văn hoá tộc người - cũng suy giảm một cách nghiêm trọng. Để giao tiếp, họ thường vay mượn những thuật ngữ kinh tế, chính trị tiếng phổ thông, đã tạo nên một dạng ngôn ngữ pha tạp.

Bên cạnh đó, khi chuyển đến khu tái định cư, diện tích rừng của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng bị thu hẹp. Điều này đã làm mất đi môi trường truyền thống và tín ngưỡng đa thần cổ sơ của đồng bào, làm đơn điệu đời sống văn hoá cộng đồng mà ở đó những sinh hoạt như lễ hội, diễn tấu cồng chiêng, mo Mường, xoè Thái... được xem như là bản sắc, là vốn quý của các dân tộc.

Thứ năm, biến đổi trong lối sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng tái định cư:

Cùng với việc xây dựng các khu tái định cư là quá trình xây dựng giá trị văn hóa mới. Tuy vậy quá trình này cũng làm cho một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số du nhập lối sống không lành mạnh, xa lạ với văn hóa truyền thống dân tộc như: tư tưởng vị kỷ, tư tưởng hưởng thụ, chạy theo đồng tiền , sa vào các tệ nạn xã hội...

Thứ sáu, biến đổi không bình thường của đời sống tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa tâm linh:

Sự thâm nhập của đạo Thiên chúa và đạo Tin lành trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến những giá trị văn hoá truyền thống. Trong các bản mà chúng tôi nghiên cứu, chưa có bản nào có đạo Thiên chúa và đạo Tin Lành, song trong tổng thể các bản tái định cư ở Sơn La thì hiện nay đã có xuất hiện. Và xu hương hỗn dung tín ngưỡng, hỗn dung tôn giáo đã và đang dần phát triển, mà tỏng phần trình bày trên chúng tôi đã chỉ ra trong trường hợp của bản Pắc Ma, miếu thờ Han đã thờ cả Bồ Tát chẳng hạn. Bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số theo các tôn giáo mới này đã từ bỏ tín ngưỡng truyền thống, chối bỏ một số nét văn hoá truyền thống: thờ cúng tổ tiên, thờ ma nhà, du nhập các nghi lễ lạ, gá lắp tôn giáo ngoại lai làm suy giảm văn hoá truyền thống, đặc biệt là văn hoá phi vật thể của các dân tộc thiểu số đang là một thách thức đối với quá trình giữ gìn và phát huy nền tảng tinh thần trong cộng đồng, xã hội.

Thứ bảy, sự “đứt gãy” giữa các thế hệ trong việc bảo tồn các giá trị văn hoá:

Hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số vùng tái định cư vẫn còn lưu giữ được những nét cơ bản trong sinh hoạt văn hoá tinh thần của dân tộc mình: Một số truyện dân gian, những làn điệu dân ca, dân vũ vẫn tồn tại trong tâm thức, nhiều phong tục tập quán vẫn được duy trì. Nhưng điều đáng quan tâm là, những người có thể thực hiện được các sinh hoạt truyền thống đó đều đã ở độ tuổi từ 50 trở lên, thế hệ trẻ không thiết tha gì trong cuộc “chạy tiếp sức” này. Nguyên nhân chủ yếu do cuộc sống thiếu ổn định, chưa có đất canh tác (đến nay ba tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu mới tạm giao đất sản xuất cho khoảng 4.3000 hộ trên tổng số 12.780 hộ đã di rời đến khu tái định cư), chưa quen với kỹ thuật canh tác vùng thấp (lòng hồ) lên vùng cao (khu tái định cư) nên đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, chủ yếu trông chờ vào nguồn cung cấp của nhà nước, vì vậy, không ít thanh niên trong các gia đình vẫn quay trở về “quê cũ” phát nương làm rẫy, không còn thời gian quan tâm đến học tập các giá trị văn hoá từ những người lớn tuổi. Mặt khác, ở các khu tái định cư, sóng phát thanh, truyền hình đã đến với đồng bào với chất lượng ngày càng cao, thêm nữa, do nhận được tiền đền bù nên nhiều gia đình có điều kiện mua đài, tivi, đầu đĩa VCD; sinh hoạt văn hoá ngày càng mở rộng theo hướng hội nhập, tiếp nhận văn hoá hiện đại. Tuy vậy đây cũng chính là nguyên nhân làm cho một bộ phận những người trẻ tuổi tiếp cận và có tâm lý sùng bái các giá trị văn hoá ngoài cộng đồng mà thờ ơ với những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình.

 Bên cạnh đó, một số giá trị văn hoá cộng đồng (các điệu dân ca, dân vũ, các loại nhạc cụ) được đem ra biểu diễn trong không gian mới, được giao lưu với giá trị văn hoá của các dân tộc khác, do đó cũng có những thay đổi cả về âm thức và tiết tấu; sự nhận thức thế giới xung quanh của đồng bào dân tộc đã vươn ra khỏi nhận thức truyền thống “nhà - làng” đến nhận thức “nhà - làng - nước” và còn hơn nữa là ra thế giới. 

Như vậy, có thể thấy việc thực hiện hệ thống các chính sách di dân, tái định cư xây dựng nhà máy và khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La đã tác động sâu sắc đến đời sống của các nhóm cư dân Thái ở Sơn La nằm trong diện di dời, tái định cư và cả nhóm cư dân “bản địa” của vùng tiếp cận, đặc biệt là những biến đổi về đời sống văn hóa. Sự biến đổi này đi theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực, song nhìn chung là một xu thế biến đổi tích cực, đáp ứng và phục vụ được mục tiêu phát triển và phát triển bền vững tộc người dưới góc nhìn của chính sách dân tộc, chính sách phát triển tộc người đã và đang ngày càng chiếm ưu thế. Điều này cho thấy, rõ ràng là hệ thống các chính sách di dân, tái định cư của Đảng, Chính phủ và tỉnh Sơn La là phù hợp với thực tiễn và đã có những hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nhìn dưới góc cạnh của chính sách dân tộc, tộc người chúng ta cũng thấy rõ ràng là sự di dân, tái định cư đã làm biến dạng, đứt gãy những nét văn hóa tộc người vốn có của các nhóm cư dân Thái, bao gồm trong đó cả nếp sống, lối sống, tôn giáo, phong tục, tập quán. Nếu nhìn ở góc cạnh này, thì việc di dân, tái định cư đã và đang có những sự “lệch pha” so với mục tiêu tôn trọng và bảo tồn di sản văn hóa tộc người của chính sách dân tộc. Song, nếu nhìn ở chiều cạnh phát triển tộc người, thì những sự biến đổi đó dường như nó cũng không trái ngược hay mâu thuẫn với chính sách dân tộc bởi chính sách dân tộc được hoạch định cũng là để nhằm vào mục tiêu bảo tồn, bảo tồn có chọn lọc để phát triển và phát triển bền vững tộc người. Cái chưa phù hợp ở đây và tác động lớn nhất đến những sự biến đổi trái chiều này là do cách thức hiện thực hóa hệ thống chính sách này trong thực tiễn. Kết quả điều tra bằng bảng hỏi và phỏng vấn sâu của chúng tôi trong các đợt khảo sát đều cho thấy một thực tế là việc thực hiện các chính sách tiền tái định cư, đặc biệt là việc cung cấp thông tin về chính sách được triển khai chưa tốt. Đại đa số, người dân ở 9 bản mà chúng tôi khảo sát trong năm 2013 khi được hỏi đều trả lời không biết gì đến các chính sách mà họ sẽ được hưởng thụ, cho nên họ đã có những biểu hiện phản ứng phản đối di dân, tái định cư hoặc là tiến hành di dân, tái định cư tự phát. Sự cẩu thả, vô trách nhiệm là việc chưa đến nơi đến chốn không chỉ thể hiện ở việc cung cấp thông tin về chính sách mà còn ở nhiều khâu, nhiều chính sách khác nữa, và chính những hạn chế đó đã làm cho hiệu quả của các chính sách đạt được là chưa cao. Điều này đã làm hình thành nên một thói quen, một phản ứng xấu của nhóm cư dân di dân, tái định cư là không tin tưởng và thờ ơ với chính những chính sách ưu đãi mà họ được thụ hưởng.

Trong giai đoạn hiện nay, cùng với những thời cơ và thách thức mà quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với kinh tế tri thức, phát triển kinh tế thị trường và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đưa đến, văn hoá các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc nói chung và nhóm cư dân Thái di dân, tái định cư ở Sơn La nói riêng đang đứng trước đòi hỏi lớn: vừa phải phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vừa phải giữ gìn được bản sắc của mình. Để giải quyết vấn đề này đó cần phải có những biện pháp điều tiết quá trình tiếp tục biến đổi văn hoá vùng tái định cư của các dân tộc thiểu vùng Tây Bắc trong đó có nhóm cư dân Thái để vừa giữ được bản sắc, diện mạo, tiếng nói riêng của văn hoá các dân tộc thiểu số, vừa loại bỏ được những nhân tố đã lỗi thời, lạc hậu; khắc phục được những nhân tố đang bị các thế lực thù địch lợi dụng; hình thành và bổ sung thêm những nhân tố chưa có trong truyền thống nhưng cần thiết cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới. Thực hiện tốt và nghiêm túc các chính sách di dân, tái định cư, lồng ghép nó vào việc thực hiện tốt chính sách dân tộc, đặc biệt là từ khâu hoạch định chính sách sẽ giúp cho không chỉ Sơn La khắc phục được những hạn chế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của nhóm cư dân Thái mà còn cho cả vùng Tây Bắc, cả những nhóm cư dân khác nữa.

 

KẾT LUẬN

Tóm lại, từ những gì chúng tôi trình bày trên đây có thể thấy, dưới tác động của việc di dời, tái định cư và các chính sách di dời tái định cư để xây dựng lòng hồ thủy điện Sơn La từ năm 2005 đến nay, đời sống văn hóa của đồng bào Thái ở bản Mai Quỳnh đã bị biến đổi một cách nhanh chóng theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực.

Ở chiều hướng tích cực, sự biến đổi về văn hóa, lối sống như ăn, mặc, ở, đi lại và đời sống văn hóa tâm linh đã giúp cho cuộc sống của bà con nơi đây đỡ đi sự rườm rà mà ngày càng đơn giản, năng động hiệu quả hơn.

Việc di dân, tái định cư với sự chuyển đổi của mô hình, loại hình kinh tế, phương thức sản xuất đã dần tạo lập cho bà con những phong tục, tập quán mới trong lao động sản xuất và trong sinh hoạt hằng ngày. Phần lớn, đó là những tập quán tốt, có tính thiết thực và phù hợp với môi trường mới ở bản tái định cư. Song, việc giao lưu, tiếp thu một cách thụ động cũng đã làm hình thành nên lối sống thụ động, ỷ lại và trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Mặt khác, sự du nhập thụ động lối sống nhanh, thực dụng của nền kinh tế thị trường đã và đang làm biến đổi sâu sắc lối sống tình cảm, chân chất, thật thà của cộng đồng cư dân bản Mai Quỳnh. Chen vào đó là sự bon chen, kệch cỡm và suy đồi đạo đức, nhất là trong giới trẻ.

Ngoài ra, nhờ có sự đền bù, hỗ trợ của nhà nước nên dân cư ở đây có tiền và chưa biết sử dụng, đầu tư đúng mục đích dẫn đến tính trạng xây nhà, mua sắm trang thiết bị chưa thực sự phù hợp lắm trong điều kiện cuả một bản tái định cư. Rồi đây khi những đồng tiền đó đã theo nhau đi cùng tivi, đầu đĩa, xe may, nhà bê tông, tủ lạnh, điện thoại di động,... và Chính phủ ngừng viện trợ thì chắc chắn, bà con sẽ còn khó khăn hơn hiện nay, khi họ có tivi, tủ lạnh những thường xuyên thiếu ăn hoảng 3 tháng/1 năm. Sự du nhập những phương tiện đó, mặc dù là tiến bộ những nó lại nguy hại với đồng bào khi chưa có những sự quản lý và hướng dẫn sử dụng có hiệu quả, bởi chính những vật dụng đó là phương tiện truyền bá thông tin, văn hóa ở dưới xuôi lên miền ngược và làm mai một những nét văn hóa truyền thống rất có giá trị của cư dân nơi đây mà điển hình là việc biểu diễn và thẩm thấu các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, nghệ thuật diễn xướng. Đây là điều cần phải nghiên cứu kỹ lượng để có thể đưa ra những định hướng phát triển, sao cho đảm bảo được yêu cầu về phát triển kinh tế, đảm bảo được đời sống vật chất nhưng cũng phải giữ được sự phát triển bền vững của nền tảng tinh thần, giữ được nét đẹp của văn hóa Thái, tạo nên sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa./.

 



[1]. Xem bài viết của Phan Hiển: "Thúc đẩy các dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La, Lai Châu" - http://baodientu.chinhphu.vn/Chi-dao-quyet-dinh-cua-Chinh-phu-Thu-tuong-Chinh-phu/Thuc-day-cac-du-an-di-dan-tai-dinh-cu-thuy-dien-Son-La-Lai-Chau/194776.vgp.

2. Xem bài: "Xã Mường Bon" - http://baosonla.org.vn:8080/bai-viet/64/xa%20muong%20bon.

3. Xem bài: Cuộc sống mới vùng tái định cư thủy điện Sơn La- của Vũ Thành và Tuấn Ngọc trên trang http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_xahoi/_mobile_tintucxh/item/17040002.html.

4. Xem bài viết: Vạch khe đá xem hang cá thần ở Mường Bon  của Kinh Vân, http://news.zing.vn/Vach-khe-da-xem-hang-ca-than-o-Muong-Bon-post239538.html.

5. Vũ Cam Đàm (chủ biên) (2011): Kỹ năng phân tích và hoạch định chính sách, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 11. 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114443625

Hôm nay

2183

Hôm qua

2333

Tuần này

21438

Tháng này

218799

Tháng qua

112676

Tất cả

114443625