Diễn đàn

Chữ ‘nếu’ và 4.000 tỷ đồng

Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền vừa cho dư luận cả nước biết một sự thật – hết sức chấn động, rằng “Nếu giao VKS quyền khởi tố, chúng ta đã không mất 4.000 tỷ đồng trong vụ án Huyền Như” (Motthegioi, 5:35, 28.10.2014)!?

Chữ ‘NẾU’ có từ khi con người biết day dứt về những bất công, sai phạm, tiếc rẻ từ những ân hận và lỗi lầm… Thậm chí, người Pháp có câu ngạn ngữ nổi tiếng liên quan đến nó: Có thể bỏ cả thành phố Paris vào một cái lọ, ‘nếu’…!

Trong trường hợp mà ông NĐQ đã nêu, dư luận phải giật mình rằng đó mới chỉ là một… ‘nếu’; nếu như còn vô vàn cái ‘nếu’ nữa trong những chồng chéo về quản lý gây nên những thất thoát, lãng phí không thể nào lượng định nổi; những tắc trách về sự kém khả năng của bộ máy công quyền là cội nguồn của những sai phạm xót xa; những lộng quyền, lạm quyền về đầu tư, quản lý, giám sát đã tạo ra cơ man nào là hệ lụy oan sai, tổn thất vật chất chẳng thể nào đong đếm được?...

Câu hỏi đặt ra là: Một khi chúng ta hiểu rõ thực chất của những cái ‘nếu’ đầy tai họa, tại sao lại không sửa đổi vì đối với lĩnh vực quản lý hành chính, dù muộn vẫn rất đáng để đổi thay.

Đề xuất của nhiều đại biểu Quốc hội và ‘tiếng kêu’ cảm thán đầy bức xúc của một trong những lãnh đạo cao cấp của cơ quan lập pháp chứng tỏ về sự cần thiết phải thay đổi.

Cũng cần phải đặc biệt nhấn mạnh rằng không phải ‘tự nhiên’ mà oan sai, lạm quyền trong thời gian qua xẩy ra (chính xác là mới phát hiện ra phần nổi của tảng băng) nhiều đến thế.

4.000 tỷ đồng là một khoản tiền không hề nhỏ: Tương đương với kinh phí để xây mới hàng trăm trường học hay bệnh viện. Nhưng, vấn đề còn đáng quan tâm hơn nữa khi có câu hỏi rằng còn bao nhiêu cái sự mất không đáng mất nếu như cơ chế giám sát sự lạm quyền được thực thi chặt chẽ, thỏa đáng?

Phản bác lại đề xuất của nhiều đại biểu Quốc hội, đại biểu Phạm Trường Dân, Phó GĐ Sở CA Quảng Nam biện minh rằng nếu giao “quyền công tố của viện KSND được thực hiện ngay từ khi giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố là không phù hợp. Vì nó sẽ chồng chéo với hoạt động của cơ quan điều tra”?

Cách lập luận trên là thiếu thỏa đáng bởi 3 lẽ: 1, Quyền khởi tố của VKS (nếu có) cũng chỉ đến sau khi có sự thống nhất với cơ quan điều tra. Trong trường hợp có sự thiếu nhất trí thì căn cứ pháp luật mà VKS đề nghị, về nguyên tắc cũng như trên thực tế, luôn được đảm bảo độ tin cậy lớn hơn. 2, Nó cho phép ngăn ngừa sự dềnh dàng, quan liêu, hạn chế những tiêu cực do kéo dài thời gian chờ khởi tố không đáng xảy ra. 3,‘Quyền công tố’ và ‘kiến nghị khởi tố’ thực ra, chỉ là một phần trách nhiệm của VKS mà lâu nay đã bị ‘vô tình’ nhầm lẫn trao cho phía cơ quan điều tra tất cả những đặc quyền. Nói cách khác, nếu thực hiện việc luật định ‘quyền công tố’ và ‘kiến nghị khởi tố’ ngay từ khi bắt đầu vụ án chỉ là “trả lại cho Caesar những gì thuộc về Caesar” mà thôi.

Chính xác hóa và chấm dứt tình trạng kéo dài việc khởi tố vụ án một cách bất hợp lý là đòi hỏi bức thiết của xã hội ta hiện nay. Căn bệnh quan liêu và thủ tục phiền hà đã gây nên rất nhiều những hệ lụy đáng tiếc. Chắc chắn rằng sự lạm quyền sẽ giảm bớt, sự công minh của luật pháp sẽ tỏa rạng hơn và, người dân sẽ bớt đi những xót xa từ những chữ ‘nếu’ làm hàng ngàn tỷ đồng bị “biến hóa” thành tài sản của kẻ ác…

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512936

Hôm nay

237

Hôm qua

2436

Tuần này

2873

Tháng này

219809

Tháng qua

121356

Tất cả

114512936